Dịa nhiệt được gọi là nguồn năng lượng thứ tư. Trong tình hình nguồn năng lượng trên thế giới ngày càng căng thẳng, sự khai thác và lợi dụng địa nhiệt đã gây sự chú ý cho các nước. Trung Quốc là nước có nguồn năng lượng địa nhiệt vô cùng phong phú, hiện nay đã phát hiện được hơn 2.600 địa điểm có suối nước nóng. Những địa điểm có nhiệt độ địa nhiệt cao trên 150oC là hơn 60 chỗ. Vùng Hoa Bắc có 49 địa điểm địa nhiệt lớn nhỏ, diện tích khoảng hơn 18.000 km2. Sự khai thác và sử dụng địa nhiệt không cần nhiên liệu, vì vậy từ góc độ phòng ngừa ô nhiễm môi trường mà nói thì địa nhiệt là nguồn năng lượng rất lý tưởng. Nhưng trên thực tế, sự khai thác địa nhiệt lại dẫn đến một số vấn đề về môi trường.
Trước hết khai thác địa nhiệt sẽ làm cho mặt đất sụt xuống. Nếu khai thác nước nóng ngầm quá mức sẽ gây ra mực nước ngầm bị hạ thấp, áp lực nước ngầm giảm sút, gây ra nước ngầm bị thất thoát, dẫn đến mặt đất bị hạ xuống cục bộ, khiến cho đường sá bị phá hoại, ống dẫn nước dưới đất bị nứt vỡ, các công trình thủy lợi và những công trình trên mặt đất bị ảnh hưởng.
Hơn nữa, khai thác địa nhiệt sẽ làm ô nhiễm nguồn nước ăn, gây bệnh cho cả vùng. Vì nước ngầm nhiệt độ cao, áp lực lớn, dễ hòa tan những chất hóa học trong vỉa đá ngầm, cho nên nước nóng ngầm thường chứa mấy chục nguyên tố hóa học, trong đó có một số là chất độc hại đối với cơ thể người. Ví dụ như flo, asen và một số nguyên tố có tính phóng xạ. Hàm lượng flo của nước nóng ngầm nói chung rất cao. Ví dụ nước nóng ngầm ở Tuma, Nhật Bản có hàm lượng flo 60,0 ppm (ppm tức là 1 phần 1 triệu gam). Giếng nước nóng ở Tây Tạng, Trung Quốc có hàm lượng flo là 13,0 ppm, vượt quá xa so với tiêu chuẩn bình thường là 1,0 ppm. Ở một số vùng sau khi khai thác và sử dụng nước nóng thì thải ra tại chỗ những nguyên tố độc hại trong đó, gây ô nhiễm nguồn nước sạch. Trên thế giới có rất nhiều suối nước nóng gây nên bệnh ngộ độc flo.
Từ khoá: Nguồn địa nhiệt; Mặt đất sụt xuống; Flo.
@by txiuqw4