Hoài Hà ngày xưa gọi là Hoài Thủy. Sông dài hơn 1.000 km, là một trong 6 sông lớn của Trung Quốc. Lưu vực chính của nó chiếm 1/8 diện tích đất canh tác Trung Quốc, sản xuất 1/6 sản lượng lương thực toàn quốc, trong đó sản lượng tiểu mạch chiếm 1/3 toàn quốc. Mỗi năm vựa lúa này đã cung cấp cho nhà nước 1/4 số lương thực hàng hóa.
Bước vào thập kỉ 80 thế kỉ XX, làn sóng cải cách mạnh mẽ, các xí nghiệp hương trấn phát triển rất nhiều. Lưu vực Hoài Hà nổi tiếng về kho lương thực và nhờ ưu thế dồi dào về nguồn rơm rác, nhất là cây tiểu mạch, nó đã trở thành vùng cung cấp nguyên liệu rất cần thiết để sản xuất bột giấy. Từ thập kỉ 80 đến nay, giá giấy trong nước không ngừng nâng cao. Bốn tỉnh Hà Nam, An Huy, Giang Tô, Sơn Đông có ưu thế sản xuất giấy đã phát triển với tốc độ rất nhanh. Hàng nghìn xí nghiệp tiểu công nghiệp về chế tạo da, luyện kim và phân hóa học cùng đồng thời phát triển trong lưu vực Hoài Hà. Theo thông báo đến cuối năm 1993, số đơn vị sản xuất giấy ở khu vực Hoài Hà đã đạt trên 1.000 nhà máy, số xí nghiệp sản xuất da còn nhiều hơn. Chỉ riêng tỉnh Hà Nam đã có hơn 1.000 xí nghiệp. Những xí nghiệp chế tạo giấy, chế tạo da và hóa chất đã thải nước thải nồng độ ô nhiễm rất cao, không hề qua xử lí, dẫn đến hàng năm các nhánh thuộc thượng lưu đổ vào sông Hoài một nguồn nước ô nhiễm đạt đến 1,5 tỉ tấn. Đến năm 1993 có 191 nhánh lớn trong lưu vực chính của sông Hoài, trên 80% nước sông đã biến thành màu đen và thối, 2/3 độ dài sông hoàn toàn mất đi giá trị sử dụng.
Hoài Hà là con sông có tính mùa vụ rất mạnh. Mùa hè nước nhiều biến thành lũ lụt, mùa đông nước khô gây thành đứt dòng. Một khi đứt dòng, nước bẩn sẽ biến thành nguồn nước chủ yếu của sông, tức là các nhánh của sông Hoài sau khi bị đứt dòng đã trở thành những dòng kênh thải nước bẩn. Hoài Hà còn có một đặc điểm nổi bật, đó là có rất nhiều cống và đập. Trên 1.000 km của sông Hoài có hơn 5.300 hồ chứa nước, các cống lớn nhỏ hơn 4.300 cống. Vì lượng nước mưa ít, nước ô nhiễm nhiều nên chất lượng nước ngày càng xấu đi, những hồ chứa nước để điều chỉnh đỉnh lũ đã trở thành những trở ngại làm sạch nước tự nhiên. Do đó nước sông Hoài biến thành màu đen và thối.
Tháng 7/1994, vùng Hà Nam ở thượng lưu sông Hoài liên tiếp có mưa lớn. Để phòng lũ, cống Hoài Điếm ở huyện Thẩm Khâu và một số cống khác mở nước. Cống Hoài Điếm sâu hơn 10 m, rộng hơn 100 m tích nước bẩn lâu ngày ùn ùn phóng ra khiến cho chỉ trong một đêm nước sông Hoài Hà có màu đen như xì dầu, vùng ô nhiễm kéo dài đến hơn 100 km. Nước bẩn lan về thị xã Hoài Nam tỉnh An Huy, do đó nguồn nước sạch của thành phố Hoài Nam không thể sử dụng được. Nguyên giá thành xử lí mỗi tấn nước sạch chỉ mất 4 hào nay tăng lên thành 3 đồng, tuy nhiên nước sản xuất ra vẫn còn màu nâu vàng và chưa hết mùi thối. Nhiều người sau khi dùng nước ô nhiễm này sinh ra các chứng váng đầu, ỉa chảy, nôn nao, uể oải, thậm chí có người xuất hiện những triệu chứng về bệnh than. Nước bẩn về đến Phong Phù, nhà máy cung cấp nước sạch biến thành nhà máy xử lí nước bẩn, nhân dân không dám dùng nước. Tháng 9/1996 vùng Phong Phù, tỉnh An Huy lại một lần nữa bị nạn ô nhiễm. Vòi nước của nhà nào cũng là nước hôi thối, rất nhiều cơ quan đành phải dựa vào “tích kê cung cấp nước”, mỗi gia đình một ngày chỉ được cấp 10 lít nước. Vùng Cân Mông Sơn hàng năm một lượng lớn nước thải chảy vào hồ chứa nước lớn nhất ở Giang Tô - hồ Thạch Lương Hà, khiến cho 8 vạn mẫu nước bề mặt biến thành màu đen. Vì vùng Thạch Lương Hà có hơn 10 hồ chứa nước, dựa vào nguồn nước hồ Thạch Lương Hà cung cấp, do đó cả vùng đã biến thành một vùng nước bị ô nhiễm. Hồ nước Thạch Lương Hà là cơ sở nuôi các loài cá bạc xuất khẩu rất nổi tiếng, do nước bị biến chất gây nên tổn hại rất lớn. Vì vậy sự phát triển kinh tế và cuộc sống nhân dân của khu vực Tô Bắc bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tháng 5/1994, ủy ban bảo vệ môi trường của Chính phủ đã họp hội nghị ở Phong Phù, bàn về vấn đề xử lí nước ô nhiễm của sông Hoài. Hội nghị đã đưa ra mục tiêu “Năm 2000 biến nước sông Hoài xanh trong trở lại”. Bốn tỉnh ven sông Hoài thảo luận và đi đến quyết định: trong năm 1994, đóng cửa và chuyển dời 191 nhà máy để giảm nhẹ ô nhiễm cho sông Hoài. Ngày 8/8/1994, Chính phủ đã ban bố Văn bản pháp qui thứ nhất có tính lưu vực trong lịch sử Trung Quốc là “Điều lệ tạm thời phòng ngừa ô nhiễm nước lưu vực Hoài Hà”. Điều lệ đó qui định: năm 1997 thực hiện xử lí toàn bộ nước thải công nghiệp ở lưu vực sông Hoài đạt tiêu chuẩn, năm 2000 thực hiện nước sông Hoài trở lại xanh trong, thực hiện chế độ khống chế tổng lượng các chất thải ô nhiễm ở lưu vực sông Hoài trong mức cho phép. Chính quyền các cấp phải phụ trách về chất lượng môi trường trong khu vực trực thuộc mình.
Tháng 9/1995, Chính phủ lần thứ hai mở hội nghị kiểm tra hiện trường về tình hình chấp hành pháp qui bảo vệ môi trường lưu vực sông Hoài ở Liên Vân Cảng – tỉnh Giang Tô. Trong hội nghị này, Chính phủ yêu cầu: trước ngày 30/6/1996, đóng cửa tất cả những nhà máy chế tạo bột giấy và nhà máy hóa chất có sản lượng dưới 5.000 tấn trong lưu vực sông Hoài. Lần đó đã đóng cửa tất cả 1111 nhà máy sản xuất giấy, nên hạ thấp ô nhiễm được 15%. Năm 1996, sau Hội nghị bảo vệ môi trường toàn quốc lần thứ tư, Chính phủ lại quyết định: trước ngày 30/9 đóng cửa toàn bộ hàng nghìn xí nghiệp tiểu công nghiệp. Theo thống kê đến năm 1997, trong phạm vi toàn quốc kể cả lưu vực sông Hoài, tất cả đã đóng cửa và chuyển đổi 64.700 xí nghiệp tiểu công nghiệp.
0h ngày 1/1/1998, sau tiếng chuông giao thừa, Tổng cục trưởng Tổng cục Bảo vệ Môi trường Quốc gia đã trịnh trọng tuyên bố với nhân dân toàn quốc: chiến dịch lần thứ nhất về xử lí ô nhiễm sông Hoài đã kết thúc thắng lợi, toàn khu vực ô nhiễm giảm thấp 40%. Cuối năm 1997, theo con số của Tổng trạm đo lường môi trường Trung Quốc, chất lượng nước sông Hoài đã được cải thiện rõ rệt. Chất lượng nước tổng thể đã đạt tiêu chuẩn loại 3 và loại 4. Song điều có ý nghĩa sâu xa hơn là, việc thực hiện thành công chống ô nhiễm sông Hoài là một kinh nghiệm quí báu đối với việc chống ô nhiễm các hồ chứa nước và các con sông khác.
Từ khoá: Xử lí sông Hoài.
@by txiuqw4