sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

76. Vì Sao Năm 1998 Trường Giang Lại Phát Sinh Lũ Lụt Toàn Lưu Vực?

Năm 1998, một số vùng Trung Quốc bị thiên tai lũ lụt rất nghiêm trọng. Lượng nước rất lớn, phạm vi rất rộng, thời gian kéo dài, thiệt hại khôn lường. Theo thống kê sơ bộ, đến ngày 22/8/1998 toàn quốc đã có 29 tỉnh, khu tự trị và các thành phố trực thuộc bị lũ lụt ở những mức độ khác nhau, diện tích bị ngập là 21,2 triệu ha, vùng bị ngập sâu là 13 triệu ha, số người bị thiệt hại 228 triệu người, số người bị chết 3004 người (trong đó bao gồm 1320 người ở lưu vực Trường Giang), 4.970.000 căn nhà bị sập, kinh tế bị thiệt hại tới 230 tỉ đồng. Đặc biệt là ở Trường Giang xảy ra trận lũ mang tính toàn lưu vực lớn nhất từ năm 1954 trở lại đây, tạo nên sự quan tâm của toàn xã hội.

Nguyên nhân gây nên trận hồng thủy năm 1998 gồm nhiều mặt, nguyên nhân trực tiếp là khí hậu thất thường, lượng mưa quá lớn. Từ tháng 6, lưu vực Trường Giang xuất hiện 3 đợt có lượng mưa lớn trên một diện rộng kéo dài liên tục. Tháng 7 ở hạ lưu Trường Giang, lượng mưa ở những trạm thủy văn chính đã vượt quá năm 1954, trong đó ở trạm Nghi Xương là 121,5 tỉ m3, so với năm 1954 nhiều hơn 4,5 tỉ m3, ở Hán Khẩu là 164,8 tỉ m3 nhiều hơn so với năm 1954 là 12 tỉ m3.

Nguyên nhân gián tiếp gây nên trận hồng thủy này là sinh thái bị phá hoại nghiêm trọng, lấn hồ làm ruộng một cách mù quáng, xây dựng các công trình thủy lợi không hợp lí tạo nên những hiệu ứng phụ về sinh thái đối với các con sông.

1; Sinh thái bị phá hoại nghiêm trọng. Theo điều tra thống kê năm 1957 tỉ lệ che phủ rừng ở lưu vực Trường Giang là 22%, diện tích mặt đất bị xói mòn là 36,38 vạn km2, chiếm 20,2% tổng diện tích của lưu vực. Đến năm 1986, tỉ lệ che phủ rừng chỉ còn 10%, diện tích đất bị xói mòn đạt đến 73,94 vạn km2 tức là tăng gấp đôi. Thượng du sông Trường Giang là khu vực rừng rộng lớn thứ hai Trung Quốc, chỉ sau Đông Bắc, càng là nguồn nước dồi dào của con sông này. Song nhiều năm trở lại đây, tỉ lệ rừng Tứ Xuyên bị chặt phá và trồng mới là 11/1. Ở tỉnh Tứ Xuyên thời nhà Nguyên, tỉ lệ rừng che phủ còn trên mức 50%, đến những ngày đầu giải phóng chỉ còn 12%. Hậu quả của việc chặt phá rừng là diện tích đất bị xói mòn tăng lên, bùn đất trong lòng sông tăng nhanh, tần số lũ lụt và khô cạn cũng tăng lên, lưu lượng dòng sông giảm xuống, đất bị xói mòn còn gây nên lòng sông và các hồ chứa nước bị đất trầm tích, khiến cho đáy sông nâng cao, hồ chứa nước dung tích giảm nhỏ, hồ thu hẹp và ở trung, hạ lưu tạo thành càng nhiều những cồn nổi khiến cho lòng hồ chứa nước giảm. Hiện nay, toàn quốc có hơn 8,6 vạn hồ chứa nước lớn nhỏ, dung tích chứa nước mất đi 40%, do đó mà hình thành nhiều cơn lũ, mực nước cao và gây ra hậu quả nghiêm trọng.

2; Lấn hồ tạo ruộng một cách mù quáng. Vùng hạ lưu Trường Giang hồ chứa nước rất nhiều, dày đặc như bàn cờ. Những hồ lớn nhỏ này phân bố dọc theo sông trở thành khu điều tiết chủ yếu của sông Trường Giang. Nhưng mấy chục năm gần đây, vì mù quáng khai khẩn lòng hồ làm mất đi một diện tích khoảng 120 triệu mẫu. Chỉ riêng sông Trường Giang vốn có 22 hồ khá lớn thông ra sông, vì khai khẩn không hợp lí mà giảm thấp dung tích chứa nước 57,6 tỉ m3. Những năm 50, vốn có 1066 hồ, đến đầu năm 90, giảm nhanh xuống chỉ còn 182 hồ. Từ năm 1954 đến 1997 hồ Phiên Dương diện tích từ 5160 km2 thu nhỏ xuống còn 3859 km2, trong đó 1310 km2 của hồ đã biến thành đồng ruộng, khiến cho năng lực điều tiết chứa nước giảm xuống 20%. Dung tích hồ giảm dẫn đến tình trạng cùng một lưu lượng nhưng mức nước dâng cao, mức nước ở đỉnh lũ nói chung cao hơn mặt đất vùng xung quanh khoảng 10 m, do đó gây ra những hiểm họa khó tránh khỏi.

3; Công trình thủy lợi cũng gây ra những hiệu ứng phụ đối với sinh thái hồ. Một số công trình thủy lợi đã phá hoại công năng sinh thái tự nhiên của sông, có khả năng làm tăng thêm nguy cơ lũ lụt. Nhiều nhà máy thủy điện và các hồ nước tạo thành các bậc thang, khiến cho sông và hồ với tư cách là một hệ thống sinh thái tự nhiên đã phát sinh biến đổi, gây nên diện tích mặt nước tự nhiên bị hạn chế, lòng sông tích tụ bùn cát, đáy sông nâng cao, các con đê trở thành thấp. Ngoài ra các ao hồ nông thôn bị thu nhỏ, điều đó cũng là một nguyên nhân không thể coi thường được.

Qua bài học lũ lụt lần này, Chính phủ đã đưa ra một phương châm xây dựng gồm 32 chữ áp dụng ngay sau khi hết lũ, đó là: “khoanh rừng trồng cây, trả đất cho rừng, trả ruộng cho hồ, giảm thấp đỉnh lũ, xây dựng hợp lí, dãn dân đồng đều, gia cố đê điều, nạo vét lòng sông”. Thực tế đó là cách xử lí tổng hợp toàn lưu vực Trường Giang, điều hòa mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên, qua đó nâng cao chất lượng môi trường, khiến cho lưu vực Trường Giang có thể tiếp tục phát triển.

Từ khoá: Nước lũ; Trường Giang.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx