sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

80. Vì Sao Không Dùng Nước Thải Để Tưới Ruộng?

Dùng nước thải để tưới ruộng đã có một lịch sử lâu đời. Thời kỳ trước Công nguyên, Trung Quốc cổ đại đã từng dùng nước thải để tưới ruộng. Về sau dùng nước thải tưới ruộng dần dần phát triển thành biện pháp vừa là để xử lí nước thải vừa kết hợp lợi dụng chúng. Vì trong nước thải của thành phố nói chung chứa nhiều chất dinh dưỡng rất cần thiết cho sự trưởng thành của cây cối, như trung bình cứ 1 lit nước thải có 15 – 60 mg nitơ, 10 – 30 mg cađimi, 9 – 18 mg photpho và còn nhiều nguyên tố vi lượng khác. Do đó dùng nước thải để tưới ruộng vừa có thể tận dụng nguồn nước, tiết kiệm nước dùng cho nông nghiệp lại vừa có thể hấp thu những chất dinh dưỡng trong đó, làm cho cây cối phát triển. Đồng thời nó còn là một phương pháp xử lí nước thải kinh tế và tiết kiệm năng lượng.

Dùng nước thải tưới ruộng có nhiều lợi ích như vậy. Nhưng tại sao người ta lại không khuyến khích dùng nước thải để tưới ruộng nữa? Bất cứ sự vật, sự việc gì đều có hai mặt lợi và hại. Trước đây do nhận thức còn hạn chế, người ta thường chỉ thấy mặt lợi ích xem nhẹ mối nguy hại rất lớn cho con người do dùng nước thải. Dùng nước thải để tưới ruộng tất nhiên có nhiều ưu điểm, nhưng điều đó phải bảo đảm một tiền đề, đó là chất lượng của nước thải phải đạt một tiêu chuẩn nhất định, vì năng lực làm sạch của đất là có hạn. Vượt quá giới hạn này sẽ bị nước thải làm biến chất. Nước thải sinh hoạt có thể chứa những vi khuẩn gây bệnh như nước thải của bệnh viện và một số nhà máy chế tạo các sản phẩm sinh vật. Trong nước thải công nghiệp có thể chứa nhiều loại độc tố, nhiều chất có hại, đặc biệt là có thể chứa những kim loại nặng có hại mà các sinh vật không thể phân giải được chúng. Có một số chất độc hóa học rất ổn định, như loại chất có gốc clo, sinh vật không thể phân giải được. Cho nên nếu không thông qua những xử lí thích hợp mà trực tiếp dùng nước thải công nghiệp hoặc nước thải đô thị để tưới ruộng sẽ khiến vệ sinh môi trường xấu đi, hoặc lan truyền rộng rãi các bệnh truyền nhiễm và các bệnh kí sinh trùng. Những ví dụ về mặt này rất nhiều. Ví dụ năm 1955 ở Nhật Bản đã từng phát sinh “bệnh đau nhức”, đó là vì cả một thời gian dài dùng nước thải của các nhà máy luyện chì và kẽm để tưới ruộng khiến cho đất đai và lúa tăng hàm lượng cadimi, sau khi người ăn phải đã bị ngộ độc và gây bệnh. Do đó để tránh cho đất đai, nông sản và sức khỏe của con người bị ảnh hưởng, người ta đã không đề xướng biện pháp dùng nước thải để tưới ruộng.

Từ khoá: Nước thải đô thị; Nước thải công nghiệp.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx