Trước hết chúng ta xem cảnh tượng sau: chim bị chết hàng loạt, số ít còn sống sót đang phải nằm trong tổ, nhưng trứng chúng đẻ ra không thể nở thành con. Mùa xuân đến hoa nở rộ khắp nơi nhưng không có ong đến lấy mật, không có ong truyền nhị phấn. Cây ra quả xấu xí. Trong lúc đó loài sâu bệnh lại phát triển rất nhiều. Hoa màu và cây ăn quả đều bị phá hoại nghiêm trọng. Con người rơi vào tình trạng đói khổ và bệnh tật. Đó là ác mộng chăng? Không phải, quả thực trên Trái Đất mà chúng ta sinh sống đang xảy ra điều đó. Đó là vì những tai họa to lớn do thuốc trừ sâu DDT và thuốc 666 mang lại cho con người.
DDT là chữ viết tắt tiếng Anh của hóa chất Dichlo-Dibenzen-Trichlo ethan, do nhà khoa học Ôsthơman Xithơlơ người áo năm 1872 sản xuất ra. Năm 1939 nhà hóa học Paoơ Niulơ người Thụy Sĩ phát hiện DDT có tính năng trừ sâu rất tốt, dùng để diệt các loài sâu phá hoại lương thực, cây ăn quả, rau xanh và các loài côn trùng gây bệnh rất có hiệu quả. Do đó DDT rất nhanh đã được dùng làm thuốc trừ sâu trên phạm vi rất rộng. Vì tính chất của DDT khá ổn định, hiệu quả của nó lâu dài, cộng thêm nó không dễ hòa tan trong nước, sau khi phun thuốc không bị nước mưa rửa sạch, cho nên sử dụng nó so với các loại thuốc trừ sâu khác hiệu quả rất nhanh, kinh tế hơn rất nhiều. Ngoài ra DDT dễ tổng hợp, có thể sản xuất một lượng lớn với giá rẻ. Vì vậy bắt đầu từ năm 1943 thuốc trừ sâu DDT được dùng rộng rãi với một lượng lớn trên toàn thế giới.
Loài người những tưởng rằng vấn đề trừ sâu hại được giải quyết triệt để từ đây. Song không may là sau khi sâu bệnh lắng xuống một thời gian thì chúng đã nhờn thuốc DDT và biến thành loài sâu có tính nguy hại lớn hơn đối với cây lương thực. Lúc đó thiên địch của sâu bệnh đã bị tiêu diệt phần lớn. Những loại thuốc trừ sâu này đồng thời với hiệu quả ngày càng giảm lại gây ô nhiễm rất nghiêm trọng đối với môi trường. Vì tính chất của chúng khá ổn định, tốc độ phân giải rất chậm, nếu muốn tiêu giảm 95% DDT trong đất phải cần đến 30 năm, vì vậy chúng tồn tại lâu dài trong môi trường. Phạm vi khuếch tán của DDT cũng rất rộng, nó có thể trôi theo nước và các dòng sông, bay theo không khí đến khắp mọi nơi trên thế giới, sau đó lại rơi xuống mặt đất cùng với nước mưa. Ở Châu Nam Cực và các đảo ở Bắc Cực người ta đã phát hiện thấy loại thuốc trừ sâu này. Có thể thấy rõ phạm vi ảnh hưởng của chúng là rất lớn. Ngoài ra thuốc trừ sâu DDT trong môi trường thông qua sinh vật tích lũy và thông qua các chuỗi thức ăn có thể được phóng đại và khuếch tán, có tính nguy hại rất lớn đối với con người và các loài sinh vật khác. Ví dụ DDT phá hoại sự hấp thu và đào thải bình thường đối với canxi, khiến cho vỏ trứng mỏng hơn và dễ vỡ, khiến cho trứng của các loài chim không nở thành con. DDT còn tích tụ trong lớp mỡ của cơ thể người, dẫn đến tác hại cho gan, thận và hệ thống thần kinh, gây nên ngộ độc mãn tính.
Tuy thuốc trừ sâu DDT chỉ sử dụng với số lượng lớn trong vòng 20 năm, nhưng tác dụng phá hoại môi trường và sinh thái của chúng vô cùng to lớn, mấy chu kì 20 năm nữa cũng chưa thể bù đắp lại được. Bắt đầu từ những năm 60 của thế kỉ XX, rất nhiều nước kể cả Trung Quốc đã cấm dùng hoặc hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu DDT.
Từ khoá: DDT.
@by txiuqw4