Ngày nay rất nhiều người hiểu được phải bảo vệ động vật hoang dã quí hiếm như gấu trúc, khỉ lông vàng v.v.. Nếu săn bắt những động vật thuộc trọng điểm bảo tồn quốc gia một cách phi pháp thì sẽ bị truy cứu hình sự. Nhưng vì sao lại phải bảo vệ chúng? Có phải vì chúng đáng yêu, hoặc là để cho chúng ta thưởng ngoạn không? Không phải. Gấu trúc ngây ngô, con hổ dũng mãnh, con trâu lờ đờ, cá sấu ranh mãnh v.v.. đều là những động vật bảo tồn trọng điểm của quốc gia.
Cần phải bảo tồn những động vật quí hiếm này, trước hết là vì chúng đang có nguy cơ nhanh chóng bị tuyệt chủng. Theo các tài liệu có liên quan thì gần 2.000 năm lại đây, toàn thế giới đã có hàng nghìn loài động vật hoang dã đã bị tiêu diệt, trong đó từ thế kỉ XVI đến nay đã tiêu diệt 150 loài chim, 95 loài cầm thú, 80 loài bò sát lưỡng cư. Hơn nữa vì con người gây nhiễu loạn và do môi trường tự nhiên bị biến đổi nên tốc độ diệt chủng của chúng ngày càng nhanh. Lấy loài cầm thú làm ví dụ, ở thế kỉ XVII bình quân cứ 5 năm có một loài bị tiêu diệt, đến thế kỉ XX bình quân cứ 2 năm có một loài bị tiêu diệt. Hiện nay đã có hơn 1.700 loài động vật hoang dã đang đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt, trong đó có hơn 1.000 loài chim, hơn 300 loài cầm thú, 138 loài bò sát lưỡng cư, 193 loài cá. Ô nhiễm môi trường có thể thông qua xử lí để khiến chúng phục hồi trở lại, song một khi loài vật đã bị diệt chủng thì không thể phục hồi lại được. Linh cảm của loài người để sáng tạo ra rất nhiều phát minh đều bắt nguồn từ các loài sinh vật tự nhiên. Ví dụ như kết cấu của tổ ong, đường bay của loài chim, v.v..
Thuốc phòng và chữa bệnh cho loài người có hơn một nửa được phát hiện từ động, thực vật hoang dã và chiết tách ra khỏi chúng. Hơn nữa rất nhiều loại thuốc hiện nay còn chưa có chất gì có thể thay thế được, ví dụ muốn sản xuất vacxin đề phòng bại liệt cho trẻ em chỉ có thể lấy được từ thận của khỉ. Nếu những loài động vật này bị tiêu diệt thì đó là một tổn thất to lớn đối với nhân loại chúng ta, không gì có thể bù đắp được. Vì sự phát triển của khoa học kĩ thuật còn bị hạn chế nên hiện nay chúng ta còn chưa hiểu hết công dụng và giá trị của mỗi loài vật, nhưng bảo tồn thêm một loài vật chính là chúng ta đã bảo tồn một phần của cải cho con cháu mai sau. Số lượng loài vật bị giảm nhanh và bị diệt chủng cũng như môi trường tự nhiên ngày càng xấu đi đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự cân bằng sinh thái tự nhiên. Ngay đến loài sâu bệnh, loài chuột cũng vì thiên địch bị vô tình giết chết mà sinh sôi nảy nở rất nhanh, khiến cho rừng, thảo nguyên và đồng ruộng ngày càng bị tổn thất nghiêm trọng. Những tổn thất này đang làm nguy hại đến lợi ích và sự sống của loài người. Vì vậy bảo tồn các động vật quí hiếm không những là bảo tồn các gen di truyền phong phú của các loài động vật quí hiếm, mà cũng là bảo tồn bản thân loài người. Ngoài ra nghiên cứu những loài động vật này đối với việc tìm hiểu bối cảnh lịch sử và tiêu chuẩn chất lượng của môi trường tự nhiên cũng có một giá trị rất to lớn.
Ngày nay việc bảo tồn các động vật quí hiếm đã trở thành hành động chung trên toàn cầu. Trung Quốc năm 1980 đã tham gia “Công ước mậu dịch quốc tế về động, thực vật hoang dã có nguy cơ bị tiêu diệt”. Bảo tồn động vật hoang dã là một sự nghiệp công việc thuộc về thế hệ ngày nay nhưng lợi ích lại để mãi về sau. Mỗi người chúng ta đều có trách nhiệm, tự giác bảo tồn động vật hoang dã, khiến chúng không bị tổn thương, không bị giết hại.
Từ khoá: Động vật hoang dã; Loài vật có nguy cơ bị tiêu diệt; Nguồn tài nguyên loài vật; Tính di truyền đa dạng.
@by txiuqw4