Sự kiện sương mù London gây chấn động thế giới xảy ra ngày 5 tháng 12 năm 1952. Hôm đó ngay từ sáng sớm, cả thành phố London đã bị bao phủ trong sương mù. Khi tiếng chuông vang lên, nhiệt độ giảm xuống nhanh chóng. Không khí ẩm ướt và nặng như một khối chì đè lên không trung thành phố, sương dày đặc không loãng ra được, không thể nhìn thấy Mặt Trời. Trong lúc đó, hàng ngàn, hàng vạn ống khói của các gia đình và nhà máy vẫn tiếp tục nhả vào bầu trời những cuộn khói đen kịt. Mặt đất không hề có gió, khói không thể khuếch tán được. Nồng độ của bụi khói và khí sunfurơ trong không khí không ngừng tăng lên. Khắp các ngõ hẻm tràn đầy khí sunfurơ và bụi than. Những ánh sáng màu vàng từ đèn pha ô tô không xuyên nổi làn sương mù, cảnh sát giao thông buộc phải đeo khẩu trang phòng độc, người qua lại ngày càng ho nhiều và chảy nước mắt.
Đến chập tối ngày thứ năm, sương mù mới bắt đầu nhạt dần. Nhưng trận sương mù kéo dài năm ngày này đã cướp đi sinh mệnh của hơn 4.000 người, ba tháng sau đó lại tiếp tục chết thêm hơn 8.000 người.
Vậy tại sao trận sương mù London này lại giết chết người? Sau sự kiện này qua nhiều mặt điều tra, cuối cùng người ta đã làm sáng tỏ: khí sunfurơ và những giọt nước cùng tác dụng với bụi trong không khí đã hình thành nên trận sương mù dày đặc này. Bụi chủ yếu do các hạt than trong khói than gây nên, chúng chứa khí sunfurơ, oxit silic, oxit nhôm làm thành những hạt nhân của các giọt mù xúc tác với khí sunfurơ trong không khí, khiến cho chúng xảy ra các phản ứng oxi hóa, hình thành SO3, gây nguy hại cho sức khỏe con người, uy hiếp sự sống. Trong sương mù hàm lượng axit sunfuric rất lớn chứa nhiều khí độc và bụi, làm cho phổi của con người hình thành các bọt nhỏ trên niêm mạc và dần dần thành từng mảng lớn. Chúng thâm nhập vào máu, chảy khắp toàn thân gây nên nguy hiểm.
Ngoài ra trong trận sương mù này, điều kiện khí hậu cũng đóng vai trò “hung thủ” giúp hình thành sương mù. Sáng ngày 5/12 trên không trung London có một luồng cao áp ngưng trễ lại, làm cho mặt đất hoàn toàn không có gió. Vì ban đêm mặt đất bức xạ rất mạnh, phần lớn nhiệt lượng đã mất đi, do đó nhiệt độ gần mặt đất thấp so với nhiệt độ trên cao, vì vậy trong không gian trên mặt đất từ 50 – 150 m hình thành một lớp “nhiệt độ ngược” từ dưới lên trên là lạnh đến ấm. Hơi nước trong lớp “nhiệt độ ngược” gần bão hòa có lợi cho việc hình thành sương mù. Do tồn tại lớp “nhiệt độ ngược” nên không khí lạnh chìm xuống dưới, không khí nóng nhẹ ở trên, khiến cho không khí trên dưới khó trao đổi và ở trạng thái ổn định. Lớp “nhiệt độ ngược” giống như một cái chảo lớn úp lên cả thành phố, ngăn chặn nhiệt độ mặt đất vận động đi lên. Vì vậy bụi khói, khí sunfurơ từ trong các ống khói của các nhà máy và gia đình thải ra bị phong tỏa ở phía dưới không khuếch tán ra được, các chất ô nhiễm tích tụ ngày càng nhiều, lại có sương mù làm môi giới nên đã hình thành ra thảm kịch sương mù giết chết người.
Từ khoá: Sự kiện sương mù London; Mù axit sunfuric; Khí sunfurơ; Bụi; Lớp “nhiệt độ ngược”.
@by txiuqw4