Trong khí thải của ô tô có các hợp chất của chì như chì tetrametyl (CH3)4Pb. Đó là vì trong xăng đã pha chất phụ gia chống nổ chì tetrametyl. Thông thường mỗi galon (bằng 3,79 lít) xăng người ta thêm vào 2 – 4 g chì tetrametyl. Khi ô tô chạy, 25% - 75% chất này cháy với xăng sản sinh ra các hợp chất của chì thải vào không khí. Chì là kim loại nặng, rất độc, ankyl chì có độ độc càng cao hơn. Ví dụ độ độc của ankyl chì cao gấp 100 lần so với kim loại chì. Khi chì và các hợp chất của chì xâm nhập vào không khí ở dạng những hạt li ti, khuếch tán đi rất xa. Trong băng tuyết ở Bắc Cực, hàm lượng chì hai năm trở lại đây đã tăng lên 20 lần. Số chì này đều là từ các lục địa trôi nổi bay đến. Cùng với sự phát triển của công nghiệp hiện đại, không khí ô nhiễm chì đã lan rộng khắp thế giới và ngày càng trở nên nghiêm trọng. Không khí ô nhiễm chì, trên 90% là do khí thải ô tô tạo nên. Chì và các hợp chất của chúng trong không khí sau khi lắng xuống mặt đất còn làm cho nguồn nước và đất đai bị ô nhiễm.
Chì và các hợp chất của chì rất có hại cho cơ thể người. Chúng có thể đi theo đường ăn uống vào đường tiêu hóa, hoặc thông qua hô hấp đi vào phổi, chất chì tetramethyl còn có thể thông qua da thẩm thấu vào cơ thể. Chì sau khi vào cơ thể, 90% - 95% sẽ hình thành chất chì photphat Pb3(PO4)2 trầm tích vào trong xương, chỉ một ít được bài tiết ra khỏi cơ thể. Khi chì tích tụ trong cơ thể đến một nồng độ nhất định sẽ gây nên ngộ độc chì. Nói chung cơ thể sau khi nhiễm độc chì mặt sẽ xanh nhợt, váng đầu, uể oải, đau khớp, nếu nhiễm độc chì nặng hơn sẽ có các chứng bệnh thiếu máu. Đó là vì chì hợp thành với các hồng cầu trong máu gây trở ngại cho khả năng hấp thu và đào thải của cơ thể.
Năm 1961 ở Tokyo, Nhật Bản đã xảy ra sự kiện nhiễm độc chì mãn tính trên những nút giao thông ở ngoại ô Tôkyô, nơi có xe cộ qua lại tấp nập, mỗi phút khoảng 50 ô tô, các khí thải chứa chì thải vào không khí khiến cho dân cư xung quanh xuất hiện nhiều hiện tượng chức năng máu giảm thấp. Có những người dân còn bị các bệnh về tim mạch, não ứ máu và viêm thận mãn tính. Cảnh sát giao thông buộc phải đội mũ phòng độc khi làm nhiệm vụ. Trên thực tế khí thải ô tô chứa chì đã tạo nên sự ô nhiễm môi trường rất nghiêm trọng.
Muốn ngăn ngừa và giảm thấp ô nhiễm chì do ô tô gây nên thì biện pháp tốt nhất là sử dụng xăng không có chì. Ở Bắc Kinh, Thượng Hải và một số thành phố lớn của Trung Quốc, ngày 01 tháng 6 năm 1988 và ngày 01 tháng 10 năm 1988 đã lần lượt dùng xăng không chì1. Các nhà khoa học dự đoán sau khi tất cả ô tô dùng xăng không chì thì tốc độ ô nhiễm chì trong không khí sẽ giảm từ 80% - 90%. Lúc đó không khí thành phố sẽ trong sạch trở lại.
Từ khoá: Chì; Chì tetrametyl; Xăng không chì.
@by txiuqw4