Hàm lượng khí CO2 trong không khí ở dưới mức độ nhất định có thể khiến cho Trái Đất duy trì được nhiệt độ thích hợp. Nếu trong không khí không có khí CO2 thì nhiệt độ bình quân toàn cầu chỉ khoảng -15oC, Trái Đất sẽ ở trong môi trường băng giá. Nếu hàm lượng khí CO2 tăng lên cao thì Trái Đất sẽ ấm lên. Các nhà khoa học tính toán: nếu nồng độ CO2 trong không khí lên đến 420 ppm thì tất cả băng tuyết trên núi cao và Bắc Cực, Nam Cực đều chảy tan.
Vì loài người sử dụng một lượng lớn nguồn năng lượng khoáng vật như than đá, dầu mỏ, khí đốt khiến cho hàm lượng khí CO2 trong khí quyển tăng lên nhanh chóng. Ngày nay tốc độ tăng trưởng của khí CO2 hàng năm là 0,7 ppm. Nừu tiếp tục như hiện nay thì đến thập kỉ 30 của thế kỉ XXI, nhiệt độ bình quân trên Trái Đất sẽ cao hơn so với hiện nay từ 1,5 – 4,5 oC. Lúc đó nước biển sẽ biến ấm và dâng lên, mực nước biển sẽ tăng cao 0,2–0,4 m cộng với nước băng hà tan thì mực nước biển sẽ còn dâng lên cao hơn nữa, có khả năng dìm phần lớn các thành phố duyên hải xuống đáy biển, khiến cho môi trường tự nhiên và hệ thống sinh thái bị phá hoại nghiêm trọng. Các tai họa như gió lốc, mưa bão, sóng thần, hạn hán, lũ lụt sẽ xảy ra dồn dập, đem lại những tổn thất không thể lường được cho nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi, ngư nghiệp, v.v.. cũng như cuộc sống của con người. Có người gọi đó là “tai họa chỉ đứng sau chiến tranh hạt nhân”.
Đối mặt với hiện trạng Trái Đất ấm lên, chúng ta cần có đối sách gì? Các nhà khoa học đã đưa ra hai loại đối sách: “đối sách thích ứng” và “đối sách hạn chế”. Đối sách thích ứng tức là dùng các biện pháp để thích ứng với sự biến đổi của khí hậu môi trường. Ví dụ, ở vùng duyên hải xây dựng các con đê để ngăn ngừa nước biển dâng lên cao; cải tiến chất lượng của nông sản để thích ứng với sự biến đổi của khí hậu. Biện pháp hạn chế tức là hạn chế những hoạt động của con người gây tác hại đối với môi trường. Ví dụ hạn chế lượng thải khí CO2, cải tiến nguồn năng lượng không dùng than đá và dầu mỏ là chủ yếu, ra sức khai thác nguồn năng lượng Mặt Trời, hạt nhân, sức gió v.v.. Ngoài ra, cần phải trồng cây gây rừng để tăng thêm sức hấp thụ khí CO2 của thực vật, khiến cho hàm lượng khí CO2 trong không khí giảm thấp, từ đó mà ngăn ngừa Trái Đất tiếp tục ấm lên.
Từ khoá: Toàn cầu ấm lên; Khí cacbonic.
@by txiuqw4