sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

145. Nước Tẩy Rửa Ảnh Hưởng Đến Môi Trường Như Thế Nào?

Nước tẩy rửa là sản phẩm cần thiết trong cuộc sống ngày nay. Nó gồm nhiều loại thường gặp, như: nước rửa bát, bột giặt quần áo, nước tẩy các chất dầu mỡ trong nhà bếp, v.v... Việc có nhiều loại nước tẩy sẽ sinh hoạt thuận lợi hơn rất nhiều, nhưng đồng thời với sự tẩy sạch các chất bẩn thì chúng cũng gây ô nhiễm môi trường không ít.

Chất tẩy rửa là những hợp chất hữu cơ chứa một lượng muối của axit hữu cơ và muối sunfat. Vì trong quá trình tẩy rửa, chúng chỉ "kéo" chất bẩn ra khỏi các dụng cụ mà không tiêu trừ được các chất bẩn, cho nên sau khi tẩy rửa, các chất bẩn và chất tẩy rửa sẽ thâm nhập vào nước, cuối cùng chảy ra các sông, hồ trở thành chất gây ô nhiễm.

Những chất ô nhiễm này chảy theo nước gặp các loài vi khuẩn khác nhau. Có loài vi khuẩn "háo oxi", trong điều kiện có đủ oxi chúng sẽ "ăn" rất nhiều chất hữu cơ trong cáu bẩn, thông qua tác dụng phân giải chúng sẽ xoá bỏ triệt để những chất cáu bẩn có trong nước cũng như các chất cacbonic và khí nitơ, v.v... Nhưng chất tẩy rửa không dễ bị những vi khuẩn háo oxi này phân giải, bởi vì thành phần chủ yếu của chúng là muối của axit hữu cơ thơm, trong phân tử của nó có kết cấu benzen vòng, vi khuẩn rất khó "ăn". Do đó, khi chất tẩy rửa lẫn vào nước sông, hồ sẽ được lưu lại trong một thời gian dài. Sau khi chảy theo dòng nước khoảng 200 km, chỉ có 30% lượng chất tẩy bị các vi khuẩn phân giải.

Khi trong nước sông có lẫn chất tẩy rửa, trên mặt nước thường sủi bọt, đó là do muối của axit có gốc cacbua thơm gây nên. Theo xác định khi nồng độ muối của axit có gốc cacbua thơm đạt đến 0,5 mg/lít thì nước sẽ xuất hiện bọt. Bọt nhiều sẽ cản trở mặt nước tiếp xúc với không khí, khiến cho tác dụng tự làm sạch của nước giảm thấp. Khi thải vào nước một lượng lớn chất tẩy, chúng sẽ tiêu hao oxi hoà tan trong nước khiến cho cá vì thiếu oxi mà chết. Chất tẩy còn gây độc cho các loài thuỷ sinh, gây cho cá con bị dị dạng. Ngoài ra muối sunfat trong chất tẩy sau khi lẫn vào nước gây nên nước giàu dinh dưỡng, phá hoại môi trường sinh thái của các loài thuỷ sinh.

Ngoài ô nhiễm đối với sông, hồ, chất tẩy còn ảnh hưởng đến sức khoẻ của con người. Nếu tiếp xúc với chất tẩy lâu dài, niêm mạc và da bị kích thích, gây nên tổn thương cho các cơ quan của cơ thể.

Từ khoá: Chất tẩy rửa; Muối của axit sunfuric có gốc cacbua-muối sunfonic; Sinh vật phân giải; Giàu dinh dưỡng.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx