sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

181. Vì Sao Nói Rác Thải Là "Của Cải Để Sai Chỗ"?

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế và cuộc sống ngày càng được nâng cao, hàng năm rác thải cũng tăng lên với tốc độ 10%. Ngày nay rác thải đã trở thành một tai họa chung của nhân loại. Hàng ngày lượng rác thải của các thành phố trên thế giới thải ra nhiều đến kinh người. Nhật Bản là 35 triệu tấn, Mỹ hơn 100 triệu tấn. Các bức ảnh chụp được từ vệ tinh cho thấy các thành phố cỡ lớn và cỡ vừa trên thế giới đều bị rác thải bao bọc. Trung Quốc cũng thế trong số 660 thành phố của Trung Quốc có hơn một nửa đã bị rác thải bao quanh.

Trong con mắt của người bình thường thì rác thải là nguồn ô nhiễm môi trường, nguồn truyền bệnh, hầu như không có ích lợi gì. Nhưng các nhà khoa học lại cho rằng rác thải là một loại của cải có giá trị có thể khai thác được. Trong rác thải thông thường giấy loại chiếm đa số, khoảng 30% - 40%, thủy tinh chiếm 6%, kim loại chiếm 8%, phế liệu thực vật chiếm 12%. Thành phần rác thải của đô thị rất hỗn tạp. Muốn cho rác thải trở thành nguồn của cải thì trước hết phải xử lí phân loại chúng. Ở một số nước phát triển, rác thải khu dân cư đều được phân loại theo những thùng khác nhau, sau đó mới vận chuyển đến nhà máy tự động phân loại. Thông qua một loạt qui trình đem các vật khác nhau trong rác thải như kim loại, thủy tinh, chất dẻo, cao su v.v.. phân loại ra. Rác sau khi được phân loại, qua xử lí thì có thể biến thành những thứ có ích. Ở Đức, 60% giấy loại, 50% chai lọ thủy tinh, 40% các chế phẩm bằng đồng đều được chế tạo ra từ nguồn rác thải. Ở Mỹ trên một nửa nguyên liệu của ngành công nghiệp gang thép là do ô tô phế thải cung cấp.

Từ những năm 70, người Pari ở Pháp đã dùng lò đốt rác thải để dọn sạch hàng núi rác, đưa lại 30% nguồn nước nóng dùng cho dân cư sưởi ấm. Ở Nhật người ta dùng rác thải để chế tạo thành phân bón dạng hạt dùng để trồng nho và các vật liệu xây dựng để xây nhà ở kiên cố bằng vật liệu nhẹ. Nếu đốt rác hữu cơ và các vật bằng nhựa trong lò sẽ thu được hơi nước dùng để chạy tuabin máy phát điện. Như vậy mỗi lần đốt 1.000 tấn rác có thể thu được 20.000 kWh điện. Bang Missouri của Mỹ có một nhà máy phát điện dùng nhiên liệu là rác thải của 12 thành phố lân cận, hàng ngày có thể tiết kiệm được hơn 7 vạn galon (tương đương 265 nghìn lít) dầu nhiên liệu. Xỉ than sau khi đốt còn có thể đập vụn lẫn với đá dăm để làm vữa bê tông, gia nhiệt đến 300oC sẽ là một loại vật liệu phủ mặt đường rất tốt. Rác qua lên men có thể sản sinh ra khí mêtan. Ở Mỹ người ta đã xây xong nhà máy điện dùng khí mêtan lớn nhất thế giới, hàng ngày sản xuất ra 140 ngàn m3 khí metan CH4 có thể cung cấp cho 1 vạn hộ sử dụng.

Kĩ thuật cao đã biến rác thải thành tài nguyên có ích. Rác thải đã trở thành “của cải đặt sai chỗ”.

Từ khoá: Rác thải; Tài nguyên; Thu hồi.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx