Hoả Tinh là một thiên thể về số mặt nào đó rất giống với Trái Đất. Trong hệ Mặt Trời nó cách Mặt Trời 1,5 đơn vị thiên văn, so với Trái Đất cách Mặt Trời một đơn vị thiên văn chỉ xa hơn 50%. Nhiệt độ bề mặt Hoả Tinh khoảng 20 °C- 140 °C. Thời gian chu kỳ tự quay một vòng của Hoả Tinh là 24 giờ 37 phút 22 giây, so với chu kỳ tự quay của Trái Đất chỉ dài hơn khoảng 40 phút. Trục của Hoả Tinh nghiêng với đường xích đạo của nó thành một góc 23 độ 59 phút, gần giống với Trái Đất (góc đường xích đạo là 23o 27’ ) do đó trên Hoả Tinh cũng có bốn mùa thay đổi. Thời gian Hoả Tinh quay một vòng quanh Mặt Trời là 687 ngày, chưa đến 2 năm của Trái Đất.
Hoả Tinh cũng có tầng khí quyển tuy vô cùng loãng, chỉ bằng 1% tầng khí quyển của Trái Đất, hơn nữa thành phần chủ yếu là khí CO2 (chiếm 95%). Nhưng con người thông qua thí nghiệm biết được có một số sinh vật cấp thấp có thể tồn tại trong môi trường như thế.
Chính vì Hoả Tinh có những điều kiện tương tự với Trái Đất nên hơn 100 năm nay người ta luôn nuôi hy vọng trên Hoả Tinh có sự sống. Đặc biệt ở cuối thế kỷ XIX có sự phát hiện gọi là "kênh đào" trên Hoả Tinh càng khiến cho nhiều người tin rằng trên Hoả Tinh có sinh vật có trí tuệ sinh sống. Mãi đến thập kỷ 50 của thế kỷ XX nhiều người vẫn còn tin tưởng có sự tồn tại người Hoả Tinh. Năm 1959 sau khi con người đã phóng vệ tinh nhân tạo, nhà thiên văn Liên Xô Shokolovski - người tương đối có quyền uy, còn tuyên bố với toàn thế giới: căn cứ nghiên cứu của ông, hai vệ tinh của Hoả Tinh còn tiên tiến hơn "vệ tinh nhân tạo Hoả Tinh" do con người phóng lên. Nhưng cùng với sự phát triển của kỹ thuật thám hiểm vũ trụ, con người đã có khả năng quan sát Hoả Tinh ở cự ly rất gần. Người ta phát hiện hai vệ tinh của Hoả Tinh đều là những thiên thể bằng đá, trên Hoả Tinh căn bản không tồn tại kênh đào do con người đào nên, càng không có dấu vết của sinh vật trí tuệ nào, thậm chí ngay những sinh vật mà mắt thường có thể phân biệt được cũng không có.
Mặc dù như thế con người vẫn chưa chịu bó tay, sinh vật lớn không có nhưng không thể vì thế mà nhận định rằng ở đó không có vi sinh vật. Vì vậy năm 1976, khi con người dùng tàu "Cướp biển" (Viking) đổ bộ lên Hoả Tinh, nó có nhiệm vụ tìm kiếm sự sống trên Hoả Tinh. Con người đã thiết kế 3 phòng thí nghiệm đặc biệt: một là tìm kiếm xem có sự trao đổi chất trên cơ sở tác dụng của quang hợp không; hai là mô phỏng sự trao đổi chất trên Trái Đất để làm rõ trong đất của Hoả Tinh có vi sinh vật không; ba là đo đạc sự trao đổi khí giữa sinh vật và môi trường xung quanh. Những kết quả thí nghiệm này không chứng minh được, nhưng cũng không phủ nhận được trên Hoả Tinh tồn tại sự sống. Vì thế Hoả Tinh có sự sống hay không vẫn còn là một bí ẩn.
Điều làm cho người ta phấn khởi là, cách đây không lâu, mùa thu năm 1996. Cục Hàng không Vũ trụ Nasa Mỹ tuyên bố họ đã lấy được một vẫn thạch ở Nam Cực của Trái Đất từ Hoả Tinh rơi xuống, phát hiện thấy có dấu vết của vi sinh vật. Theo nghiên cứu, vẫn thạch này được hình thành cách đây khoảng 4,0 - 4,5 tỉ năm và có khả năng trong một lần núi lửa hoạt động lớn cách đây 16 triệu năm đã từ Hoả Tinh bay vào không trung, sau đó trôi nổi gần 10 triệu năm, cách đây 13.000 năm đã rơi xuống vùng băng nguyên thuỷ ở Nam Cực Trái Đất.
Đồng thời các nhà khoa học còn cẩn thận chỉ rõ: cái gọi là di tích của vi sinh vật cũng có thể được nhiễm từ các chất của Trái Đất. Hơn nữa cho dù vẫn thạch từ Hoả Tinh đến nay có vi sinh vật thì đó cũng là tình hình trên Hoả Tinh cách đây từ rất lâu, điều đó không thể chứng minh hiện nay trên Hoả Tinh vẫn có sự sống. Cho nên câu đố sự sống trên Hoả Tinh vẫn còn chưa có lời giải đáp.
@by txiuqw4