sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

4 - Beaumarchais (1732 - 1791) – Nhà Văn Điệp Viên Và Những Cuộc Phiêu Lưu

Là một nhà viết kịch vĩ đại, tác giả của "Đám cưới Figaro" và "Người thợ cạo thành Xevin" nổi tiếng, nhưng phần lớn cuộc đời Beaumarchais lại trôi qua ở những cuộc đầu cơ buôn bán, xích mích gây lộn, những vụ tai tiếng ầm ĩ, thách đấu hay bị bắt giam hoặc bị lưu đày, hay ở những cuộc phiêu lưu tình ái. Người ta đồn rằng Beaumarchais đã đầu độc cả ba bà vợ, thậm chí cả cậu con trai, mặc dù thực tế ông chẳng đầu độc ai và rất yêu cậu con trai đã bị chết từ lúc còn nhỏ.

Augustine Caron nối nghiệp nghề chữa đồng hồ của cha, nhưng nhờ tài năng của mình ông đã trở thành thợ chữa đồng hồ cho đức vua. Ông đã không bỏ phí thời gian, sớm lấy một bà góa hơn tuổi nhưng giàu có. Với tiền của vợ, ông mua được chức giữ kho trong cung và tước hiệu quý tộc với tên mới là Pie Augustine de Beaumarchais. Ông còn là thày dạy nhạc cho các công chúa - một người thày đáng yêu của bốn cô gái lỡ thì.

Beaumarchais tham gia đủ loại mưu mô toan tính. Ông viết "Hồi ký" tố cáo các nhân vật tôn quý có chức quyền và ông được các quý bà Paris ngưỡng mộ. Giới cận thần ganh ghét, gây cho ông bao điều phiền toái. Vở kịch "Người thợ cạo thành Xevin" bị cấm công diễn, các công chúa xa lánh ông, ông bị truy tố và bị tước quyền công dân. Tuy nhiên án lệnh lại mang cho ông niềm vinh quang: ông hoàng Conti đặt tiệc mời ông, hàng trăm quý bà Paris bày tỏ niềm cảm thông. Ngay cả cảnh sát trưởng Xanti cũng đích thân tới chúc mừng.

Tiếng tăm của Beaumarchais, trí tuệ kiệt xuất và tình trạng nợ nần nghèo khó của ông đã khiến Xanti nảy sinh ý định tuyển mộ ông làm điệp viên. Thực ra, trước đó Beaumarchais đã hoàn thành một nhiệm vụ bí mật của triều đình. Lần ấy ông sang Tây Ban Nha để giải quyết vấn đề danh dự gia đình, buộc nhà quý tộc Clavikho phải giữ lời hứa hôn với chị ông. Ông nhanh chóng giải quyết vụ việc, nhưng còn lưu lại Madrid hai tháng. Khi ấy ông chỉ là một nhà quý tộc nguồn gốc đáng ngờ, một người thợ chữa đồng hồ bình thường, nhưng ông lại được chính đức vua Tây Ban Nha và quan thượng thư tiếp. Mãi sau này người ta được biết Beaumarchais đã trao đổi với họ nhiều vấn đề chứ không chỉ riêng chuyện rắc rối của chị ông. Thực ra, nhà vua đã buộc quý ngài Clavikho cầu hôn người mà ông ta đã lừa đảo, nhưng theo yêu cầu khẩn khoản của Beaumarchais thì chính chị ông đã từ chối "vị hôn phu". Thực chất vấn đề là chuyện khác. Vua Pháp Louis XV đã yêu cầu Beaumarchais trao đổi với vua Tây Ban Nha một vấn đề mà chính ngài đại sứ cũng không được tin tưởng giao phó. Nhiệm vụ đã được Beaumarchais hoàn tất tốt đẹp. Ở Madrid, Beaumarchais không chỉ làm quen mà còn kết thân với ngài đại sứ Anh quốc - bá tước Rosf. Tình bạn này sẽ còn có vai trò của nó.

Nhưng đã xảy ra vụ việc làm Beaumarchais mất tất cả. Và rõ ràng viên cảnh sát trưởng Xanti đến thăm ông không phải không có mưu đồ: cần phải "củng cố" điệp viên tương lai. Xanti đã khuyên Beaumarchais nhanh chóng rời khỏi Pháp và còn hứa sẽ giúp đỡ tìm mọi cách xin được xem xét lại vụ việc. Chuyện diễn biến đúng như vậy. Ngay đêm hôm đó, ngày 26 tháng 2 năm 1774, Beaumarchais bí mật rời Pháp đến Ghent, từ đó ông gửi thư cho đức vua xin hủy bỏ bản án. Cuối thư ông viết: "Loại bỏ một thần dân trung thành mà tài năng có thể có ích cho đức vua và đất nước là phi lý". Từ Ghent, Beaumarchais đi London và tới đó vào ngày 5 tháng 3. Đúng hôm ấy (nghĩa là chỉ một tuần sau ngày tuyên án!) sứ quán thông báo cho ông lệnh của đức vua "Không được chậm trễ tới ngay Versaiillees. Đức vua đợi ông ở đó".

Nhiệm vụ mang "tầm cỡ quốc gia" đầu tiên là việc cứu vãn "danh dự" của sủng phi, bà Du Bari. Ông Moran nào đó ở Anh đã cho ấn hành cuốn "Ghi chép của một gái bán hoa" đầy tai tiếng nói về quá khứ của Du Bari và ông ta chuẩn bị đưa sách sang Pháp. Tình hình căng thẳng đến mức điều đó không chỉ đe dọa chính nhân vật được nói tới mà sẽ còn gây om sòm ở Pháp. Thời ấy London là nơi trú chân của nhiều phần tử chống đối đức vua. Sách châm biếm đả kích nhà vua được ấn hành đủ loại như "Cuộc đời một sủng phi bên ngai vàng nước Pháp", "Làm sao một phụ nữ lẳng lơ trở thành người tình của đức vua?". Trong số đó Moran nổi bật lên cả về tài châm biếm cũng như ngòi bút sắc bén độc địa, vì vậy đức vua rất kiềng ông ta. Beaumarchais đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đúng là với số tiền lớn Beaumarchais đã thuyết phục được Moran không chỉ từ bỏ ý định mà còn trao cho ông tất cả sách đã in thậm chí cả bản thảo. Ba ngàn cuốn đã được đốt sạch trong lò nung vôi với sự chứng kiến của Beaumarchais và Ghuyđen, bạn ông. Hơn thế nữa, là một điệp viên đích thực, Beaumarchais đã tuyển mộ luôn Moran. Về việc này ông đã viết trong thư báo cáo đức vua: "Thần đã biến một trong những tác giả châm biếm đả kích ở London thành điệp viên của mình. Ông ta sẽ báo trước cho thần về mọi mưu đồ tương tự. Thần đã thành công trong việc biến người săn trộm láu cá thành một thợ săn lành nghề. Dưới chiêu bài nhận nhiệm vụ khảo sát văn học ta có thể trả cho ông ta một mức lương phải chăng cho những tin mật về các mưu đồ ấn hành các tác phẩm châm biếm đả kích đã nói ở trên. Điệp viên này còn có nhiệm vụ theo dõi những người Pháp tới London, báo cáo với thần về những tên tuổi và công việc thu hút họ... Các thông tin mật của điệp viên này còn mở rộng ra nhiều vấn đề chính trị khác và với những trích dẫn được thần báo về Hoàng thượng sẽ luôn luôn nắm được tình hình". Beaumarchais ký tên "Ronac".

Ở London ngoài Moran bình thường còn có những nhân vật quan trọng hơn. Chính lúc này mối bang giao cũ với bá tước Rocpho - lúc này đã là thủ tướng - mới đắc dụng. Beaumarchais đã nối lại tình bằng hữu thân thiết: "Hơn thế thần đã thỏa thuận với bá tước Rosf - Beaumarchais viết - để ông bí mật cung cấp cho ta mọi phương tiện dập tắt các mưu đồ viết lách ngay từ khi mới manh nha. Ông ta chỉ ra một điều kiện duy nhất: Mọi thông tin và việc làm của ông không được coi là của một thủ tướng và phải bảo mật tuyệt đối, chỉ có thần và Đức Kim thượng biết thôi". Sau này bá tước còn giúp nước Pháp nhiều việc khác nữa.

Tuy nhiên cũng cần lưu ý thêm là mọi quyền lợi và công việc của Beaumarchais không chỉ có chuyện kiểm soát các tác giả châm biếm đả kích. Thư của ông viết cho nhà vua có đề cập tới chuyện này: "... còn có nhiều vấn đề khác liên quan tới Hoàng thượng, nhưng không thể viết ra giấy được. Thần sẽ báo cáo trực tiếp Đức Kim thượng". Song những vấn đề đó mãi mãi là bí mật được giữ kín bởi Beaumarchais đã không gặp được đức vua. Ở Paris người ta chờ Beaumarchais về để trao tặng ông phần thưởng cao quý - khôi phục quyền công dân cho ông. Nhưng đúng ngày ông từ London về tới Paris, ngày mồng 9 tháng 5 năm 1774, đức vua đột ngột qua đời. Mong muốn của Beaumarchais tan thành mây khói.

Đức vua mới, Louis XVI, lại cử Beaumarchais sang London. Đối tượng của "quý ông Rônắc" lần này là ngài Atkison - một người cũng tự xưng là Angielutri. Atkison là tác giả cuốn "Cảnh báo", trong đó chứng minh quyền của "nhánh Tây Ban Nha với vương miện Pháp". Beaumarchais đã thuyết phục được Atkison cho hủy tám ngàn cuốn đã được ấn hành ở London và Amstecdam, nhưng hắn đã giữ lại bản thảo và bỏ trốn sang Nĩrnberg. Thế là bắt đầu cuộc truy lùng với đủ mọi chuyện để viết thành truyện trinh thám: nào là bị cướp tấn công, nào là tòa án, cả chuyện vượt sông Danuyp, rồi chuyện được tiếp kiến Nữ hoàng Áo, lại thêm cả một tháng trời bị giam giữ ở Vienna. Thế mà vẫn không bắt được Atkison, tuy nhiên không bao lâu sau chính hắn đã từ bỏ ý định xuất bản cuốn sách.

Tháng 4 năm 1775, Beaumarchais lại đi London để bịt miệng hai tên "bồi bút": quý bà Campanhon và thày tu Vinon - tác giả của những bài châm biếm đả kích đức vua. Bá tước Rosf đã giúp Beaumarchais. Dẹp xong hai tên "bồi bút", Beaumarchais, theo lời ông, bắt tay vào "những việc cao quý hơn". Lần này ông ký tên thực của mình trong lá thư gửi đức vua "... Thần đã bắt đầu nghiên cứu một số vấn đề. Đức Kim thượng sẽ hài lòng mãn ý bởi vì tên tuổi của thần - và cũng chỉ có điều đó - đã cho phép thần tới mọi nơi, tiếp xúc với các đảng phái khác nhau và có thể biết được đầu tiên và ngay lập tức mọi thông tin liên quan tới đất nước và hiện tình của Anh quốc". Tiếp sau đó ông trình bày và phân tích các thông tin thu nhận được.

Lúc này ở London xuất hiện một kẻ phiêu lưu (nam hay nữ) mang danh D'Eon. Tên này có trong tay những bức thư của đức vua Louis XV, bằng chứng của những ý đồ thù địch đối với Anh quốc, nói về các kế hoạch đổ bộ quân lên vùng biển vương quốc này. Cho dù đức vua đã qua đời nhưng một khi những lá thư trên được loan truyền thì dễ nổ ra chiến tranh Anh-Pháp, điều mà Beaumarchais có nhiệm vụ không được để xảy ra. Đó cũng lại là điều mà D'Eon đưa ra đe dọa chính phủ Pháp. Cả hai kẻ phiêu lưu có hạng và lưu manh có cỡ D'eon và Beaumarchais đã nhanh chóng tìm được tiếng nói chung. Bằng mọi cách mua chuộc, phỉnh nịnh, hứa hẹn Beaumarchais đã thuyết phục được D'Eon từ bỏ ý định công bố những lá thư tai hại trên. "Cả hai bên" thậm chí đã ký thỏa ước: "Chúng tôi, ký tên dưới đây, Pie Augustine Caron de Beaumarchais - đặc phái viên của đức vua Pháp và tiểu thư D'eon de Bomon - trưởng nữ..."

Cũng tại London, thông qua D'Eon, Beaumarchais đã gia nhập nhóm của Artur Lee - đại diện của bọn thống trị thuộc địa Mỹ. Việc kết thân này còn đem lại hiệu quả lâu dài sau này. Khi đó là thời kỳ nhân dân Mỹ đấu tranh cho nền độc lập của mình. Giới cầm quyền Pháp công khai ủng hộ những người nổi dậy chống lại sự thống trị của Anh. Tình bằng hữu giữa Beaumarchais và Artur Lee đáp ứng kế hoạch của chính phủ Pháp. Beaumarchais đã giả thành lập công ty "Roderica Octaleda và K", qua đó tích cực cung cấp vũ khí đạn dược cho nghĩa quân Mỹ. Và mặc dù người Anh biết rất rõ việc này, song họ vẫn không thể chính thức đòi hỏi gì ở phía Pháp, bởi công ty là của tư nhân và một mình Augustine Caron de Beaumarchais chịu trách nhiệm. Mọi việc trên đều giữ bí mật, song Beaumarchais sẽ không phải là Beaumarchais nếu như ông không nảy ra ý tổ chức diễn kịch. Khi những con tàu chở vũ khí đầu tiên rời cảng Bordeaux trong "bảo mật tuyệt đối" thì ông đã đưa đoàn ca kịch tới biểu diễn rầm rộ. Tiết mục chủ chốt của đêm diễn là vở "Đám cưới Figaro" nổi tiếng.

Beaumarchais còn trải qua nhiều vụ việc, nhiều cuộc phiêu lưu thật thú vị, nhưng chẳng liên quan gì tới hoạt động điệp viên ngầm nên không đề cập tới ở đây. Chỉ có một sự kiện tuy ít người biết đến, nhưng lại đáng ghi nhận là về những tháng cuối đời ông chuyển sang tìm hiểu khoa học hàng không, vũ trụ. Ông viết: "Một trong những ý tưởng cao đẹp của khoa học tất nhiên đó là việc đưa những vật thể nặng lên cao trên tầng không khí nhẹ bỗng... "

Ngày 18 tháng 5 năm 1799 Beaumarchais qua đời để lại cho con cháu gần hai trăm ngàn frăng - một món tiền khá lớn thời đó, chưa kể bất động sản và cả các giấy nợ.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx