sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

8 - Alecxandr Chernưsev (1785 - 1857) – Con Đường Dẫn Đến Vinh Quang

Nhân lễ đăng quang của Sa hoàng hai mươi bốn tuổi Alecxandr Đệ nhất vào năm 1801, giới quý tộc Moskva đã tổ chức lễ hội tưng bừng. Trong vũ hội người ta nhảy điệu ekoses, là điệu nhảy trong đó đàn ông xếp hàng một bên, phụ nữ xếp hàng một bên. Đứng bên cạnh hoàng đế là chàng quản cơ mười sáu tuổi, con trai một viên tướng pháo binh, nghị sĩ nguyên lão viện. Họ trao đổi mấy câu, rồi sau đó chuyện trò cả tiếng đồng hồ. Sa hoàng trẻ tuổi rất thích cậu thanh niên. Ngài lưu ý ghi nhớ đến cậu ta và phong cấp thiếu tá phục vụ trong trung đoàn Kavalergard.

Hai năm sau Chernưsev được thăng cấp đại tá và lần đầu tiên ra mặt trận. Trong trận Austerlis chàng được tặng thưởng huân chương chữ thập Thánh Vladimir cấp 4 có dải băng, còn trong trận Fridlanski là huân chương chữ thập Thánh Georgi cấp 4 và một thanh kiếm vàng.

Tháng 2 năm 1808, Alecxandr phái Alecxandr Chernưsev mang thư riêng đến cho Napoleon. Khi nhận thư, hoàng đế Pháp hỏi sứ giả của sa hoàng mấy câu. Chernưsev trả lời bạo dạn và thông minh với sự chứng kiến của cả đại sứ Nga là hoàng thân Curakin khiến ông này cũng lấy làm thán phục. Cuộc tiếp kiến diễn ra hơn một giờ đồng hồ liền.

Chernưsev thuật lại cuộc chuyện trò với Napoleon cho sa hoàng nghe. Hoàng đế cười lớn, rất chú ý đến những nhận xét sắc sảo, chính xác và thú vị của Chernưsev. Tháng 3 năm 1809, nhà vua lại ủy nhiệm Chernưsev làm đại điện riêng của mình tại đại bản doanh của Napoleon trong thời gian xảy ra cuộc giao tranh của quân Pháp chống Áo và Phổ. Năm 1810, Chernưsev thường xuyên có mặt trong triều đình của hoàng đế Napoleon.

Cuộc sống của Chernưsev thoạt nhìn có vẻ vô tư, nông nổi trong giới quý tộc, nhưng thực ra chàng đang làm nhiệm vụ vì sa hoàng. Chàng là một trong bảy "điệp viên quân sự" đầu tiên được bộ trưởng quốc phòng Barklaem-De-Tolli phái sang thủ đô các quốc gia châu Âu với tư cách nhân viên của "Phòng lãnh sự đặc biệt" - là cơ quan chuyên môn của tình báo quân sự Nga. Chernưsev và những người khác có những nhiệm vụ sau: trong lĩnh vực tình báo chiến lược, phải khai thác được các thông tin chiến lược quan trọng; trong lĩnh vực tình báo chiến thuật nghiệp vụ - khai thác thông tin về tình hình các đạo quân của đối phương trên biên giới Nga; trong lĩnh vực phản gián - phát giác và vô hiệu hóa hoạt động cơ quan gián điệp của Napoleon. Đồng thời cũng cần thu thập tin về tinh thần trong quân đội và trong dân chúng, về các khả năng, phẩm chất và khiếm khuyết của các vị tướng xuất sắc nhất, "về các nguồn lực bên trong của các cường quốc, về các phương tiện để tiếp tục chiến tranh và các cuộc điều quân nhằm mục đích phòng thủ hay tấn công".

Các báo cáo đầu tiên của Chernưsev đến vào đầu tháng 8 năm 1810, và không có gì lạ là Napoleon trở thành nguồn cung cấp thông tin đầu tiên. Đó là kết quả thu được từ chính những cuộc chuyện trò kéo dài với Chernưsev trong hoàn cảnh không chính thức, khi hoàng đế không hề ngờ vực nói cả về những chuyện bí mật nhất. Quan hệ thân tình của viên đại tá Nga với Napoleon không phải là điều bí mật với mọi người xung quanh. Điều đó khiến vai trò, sức nặng của chàng trong xã hội quý tộc tăng lên và cho phép mở rộng phạm vi các cuộc làm quen có lợi. Nhưng Chernưsev giành được vinh quang và tình cảm của cả Paris chỉ sau vụ cháy nổi tiếng năm 1810 tại nhà sứ thần nước Áo.

Ngọn lửa từ một cây nến bắt vào tấm rèm đúng lúc tất cả các vị khách say sưa khiêu vũ. Lập tức các đồ gỗ bốc cháy, ngọn lửa liếm vào các bức tường, vào váy áo mỏng nhẹ của các quý bà. Bắt đầu một cơn hoảng loạn, trong ngọn lửa điên cuồng có hàng chục người chết là những tinh hoa của các hội thượng lưu. Khi ấy có một sĩ quan nhảy lên bệ cửa sổ, giọng chàng sang sảng đầy uy quyền buộc mọi người trấn tĩnh, không chen lấn giẫm đạp nhau. Ngay tại chỗ, chàng tổ chức một nhóm người cứu hộ can đảm xông vào lửa lôi những con người đang kêu gào tuyệt vọng ra. Bản thân vị anh hùng đó đã đưa được hai phụ nữ thoát khỏi ngọn lửa. Đó là Carolina Murat và Polina Borgeze - chị em với hoàng đế Napoleon. Vị anh hùng đó chính là Alecxandr Chernưsev. Sáng ngày hôm sau, lời ngợi ca chàng đã bay khắp Paris. Người ta thậm chí còn gọi chàng là "vị tiểu hoàng đế của Paris". Trong xã hội không ai là người không ao ước được làm quen với vị anh hùng thông minh, điển trai, can đảm, "người yêu quý của cả hai vị hoàng đế".

Trong một khoảng thời gian ngắn, Chernưsev đã thiết lập được một mạng lưới hoàn chỉnh các thông tin viên trong giới quan chức chính phủ và quân nhân của nước Pháp. Đó không chỉ là những "bè bạn theo kiểu Platon" (nghĩa là kết thân hoàn toàn vô tư, không vụ lợi), khá nhiều người trong số này được mua chuộc bằng tiền bạc, và có cả những nông dân mà chàng lôi kéo được về sau này.

Trong số các gián điệp hoạt động cho Chernưsev có nhân viên Bộ Quốc phòng Pháp tên là Michel. Ông này thuộc nhóm các sĩ quan hai lần trong tháng tổng hợp cái gọi là "Bản tin vắn" - báo cáo về tình hình quân số và bố trí quân của các lực lượng vũ trang Pháp. Báo cáo này chỉ được lập một bản duy nhất để trình lên đích thân hoàng đế Napoleon. Nhưng Michel đã kiếm tiền thêm bằng cách sao cho Chernưsev một bản. Một tuần sau bản sao đó được một tùy phái viên đặc biệt mang về trình Alecxandr Đệ nhất. "Tại sao ta lại không có thêm nhiều vị bộ trưởng như chàng trai trẻ này nhỉ!" - có lần sa hoàng đã viết như vậy bên lề một bản báo cáo do Chernưsev gửi về.

Một người tình khác trong giới thượng lưu của Chernưsev là cô Polina Fures. Trong thời kì chiến dịch Ai Cập, Polila là nhân tình của hoàng đế Napoleon. Khi quay trở về Pháp, phòng khách thượng lưu của cô là nơi có mặt của rất nhiều nhân vật thông minh và thú vị. Nhiều người trong số họ lọt vào tầm ngắm của Chernưsev và tỏ ra hữu dụng đối với chàng. Ví dụ "ông chủ địa đồ học" - thư kí văn phòng trắc đạc của Napoleon. Ông này đã cung cấp cho Chernưsev bản sao bản đồ hàng loạt thành phố nước châu Âu và các vùng ngoại ô của chúng, những nơi có tuyến bố phòng, đường sá và kho vũ khí...

Chernưsev cũng mở rộng quan hệ với các nhà hoạt động quân sự cấp cao của nước Pháp, với các tướng soái. Những đặc điểm chàng nhận xét về các tướng lĩnh và nguyên soái này như Udino, Lefevr, Davu, Grusi và những người khác có thể trở thành những kiểu mẫu của nghệ thuật phân tích và thư tín.

Tuy nhiên hoạt động tích cực của nhà tình báo này không thoát khỏi sự chú ý của cơ quan phản gián Pháp. Người ta bắt đầu theo dõi chàng sát sao. Chàng cảm thấy xung quanh mình bắt đầu quần tụ những đám mây đen. Polina Fures đã cảnh báo cho chàng về mối nguy hiểm và khuyên chàng nhanh chóng rời nước Pháp. Chernưsev đốt hết các tài liệu liên quan trong lò sưởi rồi trở về Peterburg.

Sau khi Chernưsev ra đi, người ta tiến hành khám xét ngôi nhà của chàng và tình cờ bắt được một lá thư của Michel rơi dưới tấm thảm trải sàn. Bị hỏi cung, ông này thú nhận tất cả và rơi đầu dưới lưỡi dao máy chém.

Các báo Paris đăng những tài liệu do bộ trưởng cảnh sát Xavary cung cấp về hoạt động gián điệp của đại tá Chernưsev.

Kết luận chủ yếu Chernưsev rút ra trên cơ sở các cuộc đối thoại với hoàng đế Napoleon và những người thân cận của hoàng đế được chàng ghi ở một trong các bản báo cáo như sau: "Chiến tranh là không thể tránh khỏi và sớm muộn cũng sẽ xảy ra". Chàng đã thông báo đúng thời điểm xảy ra và hướng tấn công của quân Pháp.

Sa hoàng tặng thưởng cho Chernưsev và phái chàng sang Thụy Điển với nhiệm vụ thăm dò lập trường của chính phủ Thụy Điển trong trường hợp có chiến tranh giữa Pháp và Nga. Chàng đã tham gia vào việc chuẩn bị soạn thảo hiệp ước bí mật giữa Nga và Thụy Điển kí ngày 5 tháng 4 năm 1812 và bảo đảm cho nước Nga "thái độ trung lập thiện chí của Thụy Điển".

Chernưsev trở thành một trong những nhà tổ chức và tham gia tích cực phong trào du kích ở hậu phương của quân đội Napoleon. Trong giai đoạn kết thúc chiến tranh, với một đạo quân nhỏ chàng đã chiếm Elba, sau đó chiếm thành phố Kassel do Jero Bonaparte và tướng Aliks trấn giữ. Chàng trở về Paris như một người chiến thắng và dành chuyến viếng thăm đầu tiên cho bà Polina Fures.

Con đường công danh của Chernưsev cả trong môi trường quân sự lẫn dân sự đều thực sự hiển hách. Năm 1812 ông được phong hàm tướng tùy tùng, còn vào năm 1826 - tướng kị binh. Năm 1832 được chỉ định làm bộ trưởng quốc phòng và làm việc ở cương vị này hai mươi năm. Vì công lao đối với Tổ quốc, năm 1826 ông được phong hiệu bá tước và vào năm 1843 - công tước điện hạ. Là triều thần tận tụy của Sa hoàng, ông đã thể hiện rõ điều này trong vai trò thành viên của ban điều tra sơ thẩm vụ các chiến sĩ Tháng chạp.

Suốt cả cuộc đời, Chernưsev luôn hứng thú với nghề tình báo. Khi là bộ trưởng Bộ Quốc phòng, ông thu hút không chỉ các quân nhân, mà cả nhân viên của Bộ Ngoại giao và các cơ quan bộ khác hoạt động ở nước ngoài vào hoạt động tình báo.

Tháng 11 năm 1831, theo sáng kiến của Chernưsev, Sa hoàng Nicolai I lệnh cho sứ quán Nga ở London không chỉ "thu thập các thông tin chính xác và đáng tin cậy nhất" về những vũ khí mới sáng chế của Anh mà nếu có thể phải lấy cả mẫu chuyển về. Đồng thời tất cả các sứ quán Nga ở các nước châu Âu có trách nhiệm chuyển sang đặc biệt chú ý đến các phát minh, sáng chế và những hoàn thiện thiết bị kĩ thuật quân sự và thiết bị sản xuất trong các công xưởng và các ngành công nghiệp.

Từ năm 1832, hiệu quả hoạt động của các cơ quan đại diện ở nước ngoài tăng lên rõ rệt. Có thể điểm một vài thành tích của ngành tình báo như sau: lấy được bản mô tả mẫu càng dã pháo của quân Pháp; bản vẽ kĩ thuật và mô tả các loại hỏa tiễn, súng và pháo mới; giáo trình nội bộ dùng cho trường kĩ sư pháo binh quân sự ở Mese; tài liệu hướng dẫn sản xuất đại pháo của các nhà máy Tuluse; mẫu nòng súng rãnh xoắn; bản mô tả mẫu băng đạn mới; mô hình mẫu súng mới và mẫu máy điện báo mới. Tại London các gián điệp Nga đã lấy được mẫu nắp nụ xòe cho súng và mẫu máy sản xuất cả nắp lẫn súng sử dụng các nắp mới này.

Thông tin khai thác được không chỉ liên quan đến các thành tựu kĩ thuật quân sự mà cả về quân số, tình hình phân bố, mức độ sẵn sàng tác chiến và tinh thần chiến đấu của binh lính.

Đến tận cuối thời kì công tác của mình trong Bộ Quốc phòng, Chernưsev không bao giờ lơ là các vấn đề của hoạt động tình báo. Bức thư gửi Bộ Ngoại giao ngày 8 tháng 5 năm 1852 là một trong những tài liệu cuối cùng thuộc lĩnh vực hoạt động này của ông. Trong đó Chernưsev cụ thể hóa nhiệm vụ dành cho sứ quán Nga ở các nước khác nhau trong việc khai thác thông tin quân sự. Thời kì này Chernưsev không có nhiều đóng góp trong lĩnh vực quân sự.

Năm 1848, ông giữ cương vị tối cao ở nước Nga là Chủ tịch Hội đồng Quốc gia, trong khi vẫn kiêm nhiệm chức bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Đó là một chức vụ mang tính danh nghĩa, danh dự hơn là quyền lực.

Alecxandr Chernưsev mất ngày 20 tháng 6 năm 1857 tại Kastellamare-de-Stabia (Italia) trong thời kì chữa bệnh.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx