sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

83 - Nass Caw (1918 - 2002) - Người Sáng Lập Ngành Tình Báo Ấn Độ

Dư luận ấn Độ bàn tán xung quanh cái chết bí ẩn của ông Nass Caw, 84 tuổi, người được coi là cha đẻ của ngành Tình báo ấn Độ, tại tư dinh ở thủ đô New Delhi. Thậm chí có người còn nói, cái chết của ông Nass Caw là sự kết thúc một thời huy hoàng trong lịch sử của tình báo ấn Độ. Theo giới chuyên môn, ông Nass Caw không những là một trong những người được dòng họ Gandhi tin cậy nhất, mà còn là một trong những người thần bí nhất Ấn Độ.

Ông Nass Caw sinh năm 1918, tại một thành phố phía Bắc Ấn Độ. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông gia nhập lực lượng Cảnh sát và trước khi Ấn Độ tuyên bố độc lập (1947), ông được cử về công tác tại Cục Tình báo do người Anh thành lập và trở thành một trong những người ấn độ đầu tiên hoạt động trong lĩnh vực này. Sau khi Ấn Độ tuyên bố độc lập, nhờ vào khả năng quản lý cũng như năng khiếu bẩm sinh về lĩnh vực tình báo nên Nass Caw đã được Thủ tướng Nehru, Thủ tướng Indira Gandhi và Thủ tướng Rajiv Gandhi giao trọng trách đứng đầu Cơ quan Tình báo Ấn Độ. Thậm chí Thủ tướng Indira Gandhi còn coi ông Nass Caw là người thân tín nhất của mình, trước khi ra một quyết sách lớn, bà đều tham khảo ý kiến của ông. Sau cuộc chiến tranh Pakistan - Ấn Độ lần thứ hai (năm 1965), Thủ tướng Indira Gandhi yêu cầu ông Nass Caw thành lập Cục Tình báo đối ngoại với mô hình giống như KGB của Liên Xô, MI-5 của Anh và CIA của Mỹ. Vì công tác chuẩn bị quá gấp nên sau khi bí mật chiêu mộ được 250 chuyên gia phân tích, xử lý tin cùng các chuyên gia giỏi trong lĩnh vực hoạt động tình báo, ông Nass Caw đã đứng ra đảm trách cương vị Cục trưởng Cục Tình báo đối ngoại. Năm 1977, ông Nass Caw tuyên bố nghỉ hưu sau thất bại của Thủ tướng Indira Gandhi trong cuộc tranh cử. Sau khi bà Indira Gandhi trở lại chính trường, việc đầu tiên của bà là mời ông Nass Caw đảm trách cương vị Cố vấn an ninh quốc gia. Người ta còn nhớ, tháng 7-1984, ông Nass Caw đã đề nghị Thủ tướng Indira Gandhi đưa các vệ sĩ người Xích ra khỏi đội bảo vệ của bà, song đề nghị này đã bị bà kiên quyết từ chối: "Chúng ta làm thế có coi được không?". Nhưng thực tế đã chứng minh ngược lại: 9 giờ 15 phút ngày 30-10-1984, Thủ tướng Indira Gandhi đã bị 2 lính gác cổng người Xích (Banter Singh và Steven Singh) bắn chết.

Đến đời Thủ tướng Rajiv Gandhi, ông Nass Caw được bổ nhiệm làm Cố vấn cao cấp chuyên xử lý các vấn đề có liên quan tới tình báo cũng như liên hệ với các tổ chức tình báo trên thế giới. Theo giới thạo tin, ông Nass Caw là người được Thủ tướng Rajiv Gandhi cử làm đại sứ, khai thông những trở ngại để Ấn Độ và Trung Quốc tái bình thường hóa quan hệ (năm 1988). Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, dòng họ Gandhi là một trong những dòng họ chịu nhiều đau thương nhất trên thế giới bởi không chỉ bản thân bà Indira Gandhi bị ám sát, mà cả hai con trai bà cũng đều bị chết một cách bí ẩn (Thủ tướng Rajiv Gandhi bị ám sát năm 1991, còn Sanjai Gandhi bị tai nạn máy bay). Chính vì vậy, Chính phủ Ấn Độ đã phải áp dụng các biện pháp bảo vệ đặc biệt đối với bà Sonia Gandhi, vợ cố Thủ tướng Rajiv Gandhi và hai con của bà. Ngoài 3 cảnh vệ lấy từ lực lượng tình báo, 1 đội bảo vệ khác được huấn luyện kỹ càng cũng được tăng cường để bảo vệ an toàn cho gia đình bà. Những người lính này được tuyển lựa rất cẩn thận, không một cảnh vệ nào thuộc đội cảnh vệ cho Thủ tướng Rajiv Gandhi được tái sử dụng đủ thấy vấn đề này quan trọng tới mức nào.

Theo giới chuyên môn, Cục Tình báo Đối ngoại mặc dù mới thành lập chưa đầy 3 năm, nhưng đã phát huy tác dụng to lớn trong cuộc chiến tranh Pakistan - Ấn Độ lần thứ ba (năm 1971). Khi đó nhân viên của Cục Tình báo Đối ngoại ngoài việc báo cáo chính xác những tin tức tình báo có liên quan tới tình hình chính trị, kinh tế, xã hội, cũng như việc đóng và di chuyển quân của phía Pakistan, còn kích động nhiều sĩ quan cao cấp trong quân đội Pakistan tạo phản, tổ chức huấn luyện vũ trang cho lực lượng chống đối Chính phủ tại Bangladesh để gây ra những cuộc bạo loạn quy mô lớn. Tất cả những công việc này của Cục Tình báo Đối ngoại không những góp phần quan trọng vào chiến thắng về quân sự của Ấn Độ trong cuộc chiến tranh năm 1971, mà còn giúp Bangladesh tuyên bố độc lập, tách ra khỏi Pakistan. Tháng 6-1975, sau khi nhận được tin tức tình báo: sắp xảy ra một cuộc đảo chính quân sự tại Bangladesh, ông Nass Caw đã bí mật bay sang thủ đô Dhaka để thông báo tin này cho Tổng thống Raheman, nhưng ông Raheman đã không tin vào tin này và hậu quả đã xảy ra - 2 tháng sau ông bị giết chết trong vụ đảo chính quân sự. Năm 1981, khi thăm Ấn Độ, tướng Qiya của Bangladesh đã nói với Thủ tướng Indira Gandhi rằng: "Ông Nass Caw còn hiểu đất nước Bangladesh hơn tôi". Sau khi kết thúc cuộc chiến tranh năm 1971, chiến tích của ông Nass Caw đã được Tư lệnh Lục quân Ấn Độ ca ngợi: "Nếu không có những tin tức tình báo của ông, quân đội chẳng biết tác chiến như thế nào". Kể từ đó tên tuổi của Cục Tình báo Đối ngoại cũng như của ông Nass Caw nổi như cồn. Bài học kinh nghiệm này đã được trường quân sự West Point, Mỹ, lấy làm giáo trình giảng dạy cho tới tận ngày hôm nay. Tên tuổi của ông Nass Caw còn được ghi vào cuốn "Những nhân vật đứng đầu Cơ quan Tình báo thế giới" do phương Tây biên soạn.

Mặc dù là một người quan trọng như vậy, nhưng ông Nass Caw rất hiếm khi xuất hiện công khai, lẩn tránh ống kính phóng viên và luôn đeo kính đen mỗi khi ra ngoài. Sau khi nghỉ hưu, ông cũng ít xuất hiện nơi đông người, không viết hồi ký. Tuy là một nhân vật bí hiểm, song ông là người đa tài, là một cao thủ trong lĩnh vực điêu khắc. Vị thế của Cục Tình báo Đối ngoại ngày một nâng cao, hiện nay nó thường xuyên cung cấp cho nội các Chính phủ Ấn Độ những kết quả phân tích, nghiên cứu mới nhất xung quanh lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế... Những người lãnh đạo sau này của Cục Tình báo Đối ngoại đều tự xưng mình là con trai của ông Nass Caw.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx