sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

85 - Anna Morozova (1920 - 1944) - Nữ Điệp Viên Nga Anh Hùng Thế Chiến II

Trong số những nữ điệp viên anh hùng của Thế chiến thứ II, tên tuổi của Anna Morozova chiếm một vị trí đặc biệt. Trong một thời gian dài, cô bị lãng quên nhưng rồi trở nên nổi tiếng khắp đất nước Xô Viết nhờ bộ phim "Hãy trút đạn lên đầu chúng tôi", trong đó hình ảnh cô đã được nữ diễn viên Ludmila Casatkina thể hiện một cách xuất sắc. Nhưng ít ai biết rằng quãng đời hoạt động bí mật được kể lại trong phim chỉ chiếm một phần ba cuộc đời chiến đấu của cô.

Trước chiến tranh, tại nhà ga Xesa thuộc tỉnh Smolensk, cách Moskva chừng ba trăm cây số, có doanh trại của một đơn vị không quân. Tại đây, cô gái Anna Morozova hai mươi tuổi chỉ là một nhân viên văn phòng làm việc theo hợp đồng. Ngay hôm sau ngày chiến tranh bùng nổ, cô đến gặp chỉ huy đơn vị và nộp đơn xin ra trận.

- Thì đây cũng là mặt trận rồi còn gì, - chỉ huy bảo cô. - Hãy yên tâm làm việc chỗ cũ đi.

Nhưng quân Đức tiến đến mỗi ngày một gần, và một hôm, Anna được mời đến phòng làm việc của phó chỉ huy. Tại đây có một sĩ quan lạ mặt đứng tuổi.

- Anna, - ông nói, - chúng tôi biết rõ cô. Bọn phát xít sắp tới đây. Đơn vị chúng tôi sắp di chuyển. Nhưng một người nào đó phải ở lại. Công việc sẽ nguy hiểm và phức tạp. Cô có sẵn sàng làm công việc này không?

Câu chuyện dĩ nhiên không ngắn gọn đến thế, không đơn giản đến thế. Anna được mọi người hoàn toàn tin cậy, cô được uỷ thác ở lại để làm công tác phá hoại bí mật. Vào hôm sơ tán, cô phải diễn một vở kịch nhỏ. Cô xách va li chạy đến ban tham mưu khi chiếc xe cuối cùng chở phụ nữ và trẻ em đã lăn bánh về phía Đông. Vẻ buồn rười rượi, cô trở về nhà, hay đúng hơn, trở về khu trường mẫu giáo cũ bởi vì nhà của họ đã bị bom Đức phá huỷ. Ngay tối hôm đó, quân đội phát xít tiến vào làng.

Bọn Đức khôi phục hoàn toàn khu sân bay hạng nhất được xây dựng ít lâu trước chiến tranh và còn mở rộng thêm. Căn cứ không quân ở đây trở thành một trong những căn cứ lớn nhất chuyên dùng cho máy bay ném bom tầm xa của Hitler. Từ đây, máy bay của phi đoàn không quân số hai do trung tướng Albert Kesselring chỉ huy thực hiện các chuyến bay bắn phá Moskva, Gorki, Iaroslav, Saratov... Sân bay có hệ thống phòng không cực mạnh, được bảo vệ vững chắc từ mặt đất, tất cả các cửa ngõ đến sân bay đều bị phong toả, lãnh thổ xung quanh sân bay được đặt dưới một chế độ đặc biệt.

Thời gian đầu, nhóm của Anna gồm những cô gái làm việc trong bộ phận hậu cần của đơn vị phát xít. Trong nhóm có cả hai cô gái Do Thái đến từ khu nhà ổ chuột ở Smolensk và đã được Anna che giấu. Sau đó hai cô được đưa vào đội du kích làm liên lạc. Các cô gái thu thập tin tức và những tin tức này được Anna chuyển cho... viên cảnh sát Constantin Povarov - người lãnh đạo tổ chức bí mật địa phương. Ông liên lạc với các chiến sĩ du kích và các điệp viên, rồi thông qua họ liên lạc với Trung Tâm.

Thật đáng tiếc là những tin tức mà các cô gái thu thập được không nhiều và giá trị lắm bởi vì những ai là người Nga đều không được phép ra vào các trụ sở quân sự và ban tham mưu. Nhưng phụ nữ có một ưu thế hiển nhiên: ở những nơi nào họ không thể tự mình hoạt động được thì họ hoạt động thông qua nam giới. Các cô gái trong nhóm của Anna cũng vậy: họ thu hút được một số nam giới làm trợ thủ cho họ, đó là những thanh niên Ba Lan, Tiệp Khắc... bị động viên vào quân đội phát xít. Bởi vậy, nếu lúc đầu thành công của họ có tính chất ngẫu nhiên (chẳng hạn như Anna đánh cắp được chiếc mặt nạ phòng hơi ngạt kiểu mới nhất hoặc biết được số hiệu các đơn vị phát xít đóng tại sân bay) thì về sau, nhờ các trợ thủ của họ là binh lính trong quân đội phát xít, hoạt động của họ có kế hoạch hơn và thường xuyên hơn. Chẳng bao lâu sau, Anna nhận được tấm bản đồ chỉ rõ các ban tham mưu, các trại lính, kho chứa, xưởng thợ, sân bay giả, các khẩu đội cao xạ, đèn chiếu, những chỗ đỗ máy bay kèm theo số lượng chính xác số máy bay ở từng chỗ đỗ.

Tấm bản đồ này được chuyển đến ban trinh sát của bộ tham mưu phương diện quân Miền Tây của Hồng quân. Kết quả là trận không kích sau đó của không quân Xô Viết đã phá huỷ được hai mươi hai máy bay phát xít, hai mươi chiếc khác bị hư hỏng, ba chiếc bị bắn rơi khi tìm cách cất cánh. Kho xăng cũng bị đốt cháy. Sân bay phải ngừng hoạt động suốt một tuần lễ. Mà đó là vào những ngày chiến tranh ác liệt!

Từ ngày ấy, dựa vào tin tức của các cô gái trong nhóm Anna, căn cứ không quân phát xít ở đây bị oanh kích một cách hệ thống mặc dù bọn Đức bố trí thêm những sân bay giả và tăng cường lực lượng phòng không.

Sau khi Constantin Povarov bị chết vì ngẫu nhiên vướng phải mìn, Anna đứng đầu tổ chức bí mật ở Xesa.

Trong những ngày diễn ra trận Stalingrad, căn cứ không quân Đức tại Xesa bị giáng những đòn nặng, phải hứng chịu hai nghìn rưởi quả bom và mấy chục chiếc máy bay bị loại khỏi vòng chiến. Vào quãng thời gian này, Anna đã có người của mình trong ban tham mưu của đại uý Đức Acvaide, chỉ huy trưởng sân bay. Người này tên là Vendelin Roglich. Anh có điều kiện thu thập những tin tức hết sức quan trọng như lịch bay, những số liệu về các sân bay giả, và thậm chí, cả những kế hoạch càn quét chống du kích. Chính Vendelich đã thông báo cho Anna biết về một bộ phận đơn vị bay ở sân bay Xesa đi nghỉ ở làng Xergheevsk. Các chiến sĩ du kích liền mở một cuộc đột kích ban đêm vào "nhà nghỉ", tiêu diệt được gần hai trăm phi công và nhân viên kỹ thuật Đức.

Vào mùa hè năm 1943, cả Liên Xô và Đức đều chuẩn bị những trận giao chiến quyết định ở vòng cung Curxc. Được các điệp viên hướng dẫn, không quân Xô Viết đã giáng một loạt đòn chí mạng xuống sân bay Xesa. Trong lúc diễn ra những trận không kích dữ dội này, bọn Đức có thể ẩn nấp vào các hầm ngầm và hầm trú ẩn. Còn Anna và các bạn gái của cô thì tự thu hút hoả lực vào chính mình, nơi ẩn nấp của các cô chỉ là những căn hầm đơn sơ trong những ngôi nhà gỗ nhỏ bé.

Nhóm của Anna không chỉ thu thập tin tức, họ còn hoạt động phá hoại, cả phá hoại lặt vặt (đổ đường vào xăng của bọn Đức, rắc cát vào súng máy, đánh cắp dù và vũ khí) lẫn phá hoại lớn (gắn mìn nổ chậm vào bom và khoang chứa bom của máy bay khiến máy bay nổ tung trên không vì "nguyên nhân không rõ" sau khi cất cánh được một - hai tiếng đồng hồ).

Ngày mồng 3 tháng 7 năm 1943, các cô gái nhận thấy sân bay nhộn nhịp khác thường. Rất nhiều máy bay mới và nhân viên kỹ thuật cùng phi công mới được đưa đến. Họ nghe lén cuộc trò chuyện giữa các phi công và được biết là cuộc tấn công ở vòng cung Curxc sẽ bắt đầu vào ngày mồng 5 tháng 7. Tin này được chuyển kịp thời về Trung Tâm, và đây là một bằng chứng nữa xác nhận những tin tức tình báo mà Trung Tâm đã nhận được. Điều này đã giúp quân đội Xô Viết giáng đòn phủ đầu vào quân đội phát xít và đã đóng một vai trò không nhỏ vào kết cục của một trong những chiến dịch lớn nhất Thế chiến thứ hai.

Chỉ riêng trong những ngày diễn ra trận Curxc, các cô gái trong nhóm Anna đã làm nổ tung mười sáu máy bay! Các phi hành đoàn phát xít bị tử nạn mà không kịp thông báo qua điện đài về nguyên nhân máy bay nổ. Những cuộc điều tra và phân tích kỹ thuật bắt đầu. Tư lệnh không đoàn thứ sáu là bá tước fon Rictofen lừng danh đã khiếu nại với Berlin, buộc tội phá hoại ngầm cho nhà máy sản xuất máy bay. Tuy nhiên, các cuộc điều tra đều không đem lại kết quả. Tổ chức bí mật ở Xesa là một trong số ít những tổ chức bí mật không có kẻ phản bội. Chỉ có một thành viên hy sinh do sự sơ suất của chính mình - đó là Ian Mancovski, anh không khai báo một ai và đã hy sinh anh dũng. Anh không chịu chạy trốn vì sợ sẽ gây nguy hại cho người vợ đang mang thai là Luxia Senchilin.

Ít lâu sau, ba chiếc máy bay bị Ian Tim gài mìn chưa kịp cất cánh đã nổ tung ngay trước mắt mọi người. Lẽ ra, những chiếc máy bay này phải nổ tung sau khi cất cánh được một - hai tiếng đồng hồ, nhưng giờ cất cánh bị trì hoãn. Làn sóng bắt bớ lan tràn khắp Xesa. Ian Tim và Stephan Harkevich bị bắt nhưng chạy trốn được. Anna chuyển họ sang đội du kích. Đa số các thành viên tổ chức bí mật cũng kịp trốn thoát.

Ngày 18 tháng 9 năm 1943, Xesa được giải phóng. Nhưng đối với Anna thì cuộc đấu tranh chống phát xít chưa kết thúc. Cô trở thành học viên trường tình báo. Sau đó họ hàng và những người thân của cô mất liên lạc với cô. Đến năm 1945, họ nhận được tin cô bị mất tích. Nhưng trong thực tế thì tình hình có khác. Sau khi tốt nghiệp trường tình báo, Anna cùng một số điệp viên được tung vào hậu phương quân Đức để thăm dò hệ thống công sự của kẻ thù. Đêm 26 rạng ngày 27 tháng 7 năm 1944, một nhóm điệp viên Xô Viết nhảy dù xuống vùng Đông Phổ gồm tám người, đứng đầu là đại uý Pavel Crưlatức. Trong nhóm có hai phụ nữ là Dina Baradoseva và Anna Morozova, bí danh là “Thiên Nga". Họ không gặp may vì rơi xuống một khu rừng cây cao, sáu chiếc dù bị mắc trên cây làm lộ nơi họ nhảy xuống. Vài giờ sau khi họ tiếp đất, một viên sĩ quan Đông Phổ là Eric Coc được thông báo là về mạn Đông Bắc Keningsberg có phát hiện thấy mấy chiếc dù. Tiếp đó, nhờ chó đánh hơi, chúng tìm thấy cả những chiếc dù khác chôn trong đất cùng một chiếc xe chở ắcquy dự trữ dùng cho điện đài và đạn dược. Tin tức về vụ nhảy dù chỉ cách tổng hành dinh của Hitler chừng hai - ba chặng đường đêm khiến Eric Coc cùng tất cả các đơn vị bảo vệ của y hết sức lo lắng. Hơn nữa, vụ việc lại xảy ra chỉ một tuần sau cuộc mưu sát Hitler bất thành tại chính khu vực "Hang sói" này. Thêm vào đấy, Eric Coc còn là một chủ đất lớn có tới vài lãnh địa ở Đông Phổ. Vậy mà tất cả những thứ đó lại bị bọn Nga xâm phạm! Coc có đủ cơ sở để lo lắng rằng y có thể chịu số phận của Wilhelm Kube, viên toàn quyền Đông Phổ đã bị các điệp viên Xô Viết giết chết. Bởi vậy, y tung một lực lượng lớn truy tìm dấu vết của nhóm điệp viên vừa nhảy dù xuống. Chúng bắt đầu cuộc truy lùng, và ngay trong trận giao chiến ngắn ngủi đầu tiên, chỉ huy trưởng của nhóm đã bị hy sinh.

Nhưng cũng ngay trong ngày hôm đó, nhóm điệp viên Xô Viết bất ngờ bắt gặp tuyến công sự dự trữ mạnh nhất của phát xít Đức gồm những hoả điểm, lỗ châu mai và giao thông hào bằng bê tông cốt thép. Tuyến công sự này không có ai bảo vệ vì mặt trận cách đây rất xa. Bộ chỉ huy Xô Viết cũng không hay biết gì về tuyến công sự này. Đó là thành công đầu tiên của nhóm. Hơn nữa, họ còn bắt được hai tù binh thuộc Cục Xây dựng Quân đội. Nhờ thế, họ biết được khá nhiều chi tiết về tuyến công sự "Ilmenhorst" kéo dài từ biên giới Litva ở phía Bắc cho tới vùng đầm lầy Maduaxki ở phía Nam. Một tên tù binh còn kể về những căn cứ đã được chuẩn bị sẵn trong rừng cho các nhóm phá hoại với đầy đủ vũ khí, đạn dược và lương thực.

Anna hoá ra là nhân vật không thể thay thế được trong nhóm: gặp sông là cô nhảy ngay xuống tìm chỗ lội qua được, tiếp đó, khi cả nhóm bị một đám trẻ con Đức ở xóm gần đó "bao vây", cô liền thay quân phục bằng bộ váy áo thông thường và đến gặp đám trẻ con, cô đánh lạc hướng chúng trong khi đồng đội của cô rút vào rừng. Tiếng Đức của cô lúc này thật hữu ích.

Bọn Đức tổ chức một cuộc săn đuổi ráo riết nhóm điệp viên Xô Viết. Để người dân địa phương thêm cảnh giác, chúng đốt cháy xóm Clainberg, giết chết dân trong xóm rồi tung tin trên các tờ báo địa phương rằng đó là do nhóm điệp viên Xô Viết nhảy dù xuống gây ra. Tên sát nhân và đao phủ Eric Coc không ngại gì mà không thực hiện một hành động khiêu khích như vậy.

Ngay cả Himmler cũng quan tâm đến kết quả của cuộc truy lùng, y nhiều lần gọi điện về Berlin. Cuộc săn đuổi diễn ra suốt ngày đêm. Ngoài lực lượng cảnh sát, chúng còn huy động riêng hai trung đoàn chà xát các khu rừng. Những đơn vị cơ động lập tức đi xe đến ngay những nơi nào đáng ngờ.

Vào một đêm giông bão, nhóm điệp viên Xô Viết bắt gặp một trạm liên lạc của Đức. Qua cửa sổ có thể thấy một tên trực ban đang ngủ.

- Để tôi vào cho, - Anna tình nguyện nói. - Nếu tên Đức thức dậy, tôi sẽ bảo là ngoài cửa có một phụ nữ bị ốm và tôi đề nghị hắn giúp đỡ. Khi hắn bước ra, các đồng chí sẽ bắt lấy hắn, nếu không tôi sẽ bắn chết hắn.

Họ làm đúng như vậy. Khi tên Đức bước ra, y lập tức bị bắt và bị tra hỏi. Y không cung cấp được tin gì có giá trị nhưng cho biết rằng tất cả mọi người, cả dân sự cũng như quân sự, đều đã được cảnh báo về việc có một nhóm điệp viên Xô Viết nhảy dù xuống.

Khi đến gần thành phố Golglap, họ lại vấp phải một tuyến công sự tăng cường. Tại đây, họ bị một một toán quân Đức bắt gặp. Không thể lùi được nữa, họ đành phải giao chiến mới phá được vòng vây. Trong lúc giao chiến, họ bất ngờ bắt gặp một sân bay và từ sân bay này, họ may mắn chạy thoát được vào rừng. Họ nhanh chóng dùng điện đài báo cáo về Trung Tâm những tin tức thu lượm được. Rồi họ quay lại khu rừng mà bọn Đức đã chà xát để ngủ đêm. Hôm sau, họ nhận được lệnh của Trung Tâm quay trở lại khu vực đã nhảy dù xuống, tiến ra con đường Kenningsberg - Tinzit và quan sát những đoàn xe chuyên chở chạy qua con đường này và con đường xa lộ gần đấy. Họ tìm được một vị trí thuận lợi có thể quan sát được cả hai con đường nói trên. Để truyền đi các bức điện, Anna thường phải "hành quân" nhiều cây số. Họ liên lạc với Trung Tâm tại những địa điểm bất ngờ nhất: ngoài cánh đồng, cạnh những doanh trại Đức, ngoại ô các thành phố, trên bờ vịnh Kurishes Haf. Trong vòng một đêm, họ thường đi được rất xa, ngoài vòng vây của quân Đức, rồi lại quay trở lại.

Bản báo cáo của ban tham mưu phương diện quân Belorus số ba có ghi rõ: "Nhóm trinh sát "Jeck" cung cấp được nhiều tin tức quý giá. Trong số sáu mươi bảy bức điện nhận được, có bốn mươi bảy bức có giá trị".

Cả nhóm đều thiếu ăn. Bức điện của chỉ huy trưởng mới của nhóm gửi Trung Tâm vào đầu tháng 11 năm 1944 viết: "Tất cả các thành viên trong nhóm đều là cái bóng chứ không còn là người nữa... Họ đói lả và rét cóng trong bộ quần áo mùa hè, họ không còn đủ sức vác súng nữa. Chúng tôi đề nghị được phép sang Ba Lan, nếu không tất cả sẽ chết hết".

Nhưng họ vẫn tiếp tục hoạt động, vẫn tiếp tục trinh sát, vẫn bắt tù binh và vẫn gửi mật điện về Trung Tâm. Trong một trận giao chiến, họ bị bao vây.

Bức điện của "Thiên Nga" viết: "Ba ngày trước đây, bọn SS tấn công vào rừng. "Xoica" (tức Dina) bị thương ngay ở ngực. Cô ấy bảo tôi: "Nếu có thể thì hãy nói với mẹ tôi rằng tôi đã làm tất cả những gì có thể làm được. Tôi đã chết xứng đáng". Rồi cô ấy tự sát".

Những người còn lại thoát được khỏi vòng vây nhưng mất liên lạc với nhau. Suốt ba ngày, Anna cùng điện đài lang thang trong rừng cho đến khi bắt gặp nhóm trinh sát của đại uý Xô Viết Secnưc. Họ gặp gỡ các chiến sĩ du kích Ba Lan, cùng nhau thực hiện một vài chiến dịch. Một hôm, họ rơi vào ổ phục kích, đại uý Secnưc và những người khác đều hy sinh.

Riêng Anna lại chạy thoát. Cô đến được lãnh thổ Ba Lan, đến được khu rừng Mưsenexki ở mạn Bắc Varsava. Tại đây, cô có cơ may sống sót nếu hoà vào dòng người chạy nạn. Nhưng cô quyết định tiếp tục chiến đấu.

Cô đi tìm một đội du kích Ba Lan, gia nhập đội này và tham gia các cuộc chiến đấu. Trong một trận giao chiến, cô bị thương, bị gãy tay trái. Cô nói đùa: "Nhân viên điện đài chỉ cần tay phải là đủ".

Cô được giấu trong rừng nhưng rồi bọn Đức lại kéo đến. Sáng ngày 11 tháng 11 năm 1944 đã trở thành buổi sáng cuối cùng đối với cô. Cô bị bao vây, mặc dù bị thương, cô vẫn bắn trả quyết liệt, và khi bọn Đức muốn bắt sống cô thì cô dùng lựu đạn tự làm nổ tung cả mình lẫn điện đài.

Các chiến sĩ du kích Ba Lan chôn cất cô tại ngôi mộ chung ở Gratdannule.

Năm 1963, Anna Morozova được truy tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô và được tặng thưởng huân chương "Thập Tự Grunvanda hạng II" của Ba Lan.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx