sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

107 - Các Điệp Vụ Của An Ninh T4 Trong Chiến Dịch Hồ Chí Minh Lịch Sử

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, hơn 13.000 cán bộ công an ở khắp mọi miền đất nước vinh dự được trực tiếp tham gia, có mặt ở nhiều nơi, lập nhiều thành tích vẻ vang, góp phần vào chiến thắng chung của dân tộc, ở đây chỉ hệ thống lại một số hoạt động của các chiến sĩ điệp báo an ninh Đặc khu Sài Gòn - Gia Định (ANT4) trong những ngày gần cuối của chiến dịch.

Huỳnh Bá Thành (họa sĩ Ớt), cán bộ điệp báo ANT4, thuộc cụm điệp báo A10, trong vai một ký giả, hoạt động trong giới trí thức, sinh viên, nhà báo, nhà văn, nhóm "lực lượng thứ ba", nghị sĩ đối lập. Anh được chỉ thị thâm nhập nhóm thân Dương Văn Minh từ năm 1971, thường lui tới tư dinh tướng Minh và có quan hệ tương đối gần gũi với ông ta. Ngày 15, 16-4, ta giải phóng Phan Rang. Ngày 21-4, giải phóng Xuân Lộc. Địch hoang mang, tuyệt vọng. Thực hiện sự chỉ đạo của lãnh đạo ANT4 là cần mở rộng tuyên truyền công khai thắng lợi to lớn của quân và dân ta trên khắp mặt trận, Huỳnh Bá Thành thúc đẩy nhóm thân Dương Văn Minh ra bản tin công khai, phát cho 40 đoàn thể công khai và báo ở nội thành. Những tin tức đăng trong các tin báo đó là do các đồng chí trong cụm A10 dựa vào Đài Phát thanh Giải phóng và Đài Tiếng nói Việt Nam mà biên soạn và cung cấp. Cụm A10 thúc đẩy nhóm Dương Văn Minh đứng ra làm bình phong và liên kết với 40 đoàn thể, phong trào quần chúng cách mạng, tiến bộ, đấu tranh đòi lật đổ Thiệu. Trước sức ép do liên tiếp thất bại trên chiến trường, nhất là sức đấu tranh của công luận, của quần chúng cách mạng và các lực lượng tiến bộ, ngày 21-4, Thiệu ngậm ngùi đọc diễn văn tuyên bố từ chức. Việc Thiệu trao quyền cho Trần Văn Hương đã 71 tuổi làm cho Dương Văn Minh và những người thân tín của ông thất vọng và bực tức. Đây là mâu thuẫn có thể khai thác và lợi dụng được. Dựa vào tin tức thu được trên Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Phát thanh Giải phóng, cụm A10 tác động vào các dân biểu đối lập như Lý Quý Chung, Nguyễn Văn Chung, Dương Văn Ba... cùng ra bản tuyên bố chống "Chính phủ Thiệu không có Thiệu", đòi Trần Văn Hương phải từ chức.

Cụm A10 cùng Văn phòng báo chí Dương Văn Minh tổ chức họp báo gồm cả báo trong nước và nước ngoài. Để chuẩn bị họp báo, cụm A10 đã in tuyên cáo (dịch ra cả tiếng Anh và Pháp). Cuộc họp báo thành công, thu hút được trên 40 đoàn thể và báo giới tham gia. Tuyên cáo 3 thứ tiếng được phát cho mọi người.

Sáng ngày 25-4, nhằm lúc nhóm dân biểu phản động trong thượng nghị sĩ nhóm họp, chuẩn bị làm lễ tấn phong Trần Văn Hương, nhóm dân biểu đối lập đã phân phát tuyên cáo chung của 40 đoàn thể báo giới đòi Trần Văn Hương phải từ chức. Hội trường rối loạn. Dân biểu Lý Quý Chung đoạt micro đọc bản tuyên cáo. Cuộc "tấn phong" thất bại.

Ngày 28-4, các hướng, các mũi quân chủ lực của ta đã đến sát cửa ngõ Sài Gòn, chỉ chờ lệnh là tấn công. Dư luận trong dân chúng và binh sĩ xôn xao, nếu Chính phủ Trần Văn Hương ngoan cố, Cách mạng sẽ tấn công. Trong ngày, Cao Văn Viên, Tổng tham mưu trưởng quân đội ngụy, vừa ký xong lệnh "Tử thủ đến cùng trên mảnh đất còn lại" thì y đã vội chuồn ra nước ngoài. Nguyễn Bá Cẩn cũng chuồn luôn. 17 giờ hôm đó, Trần Văn Hương buộc phải tuyên bố trao quyền lại cho Dương Văn Minh.

Trên thực tế, khi lên thay Trần Văn Hương, Dương Văn Minh không thể làm gì hơn để lật lại thế cờ. Vì thế, làm cho Dương Văn Minh chấp nhận đầu hàng không điều kiện là chủ trương sáng suốt và tỉnh táo của Đảng ta trong chỉ đạo chiến dịch.

Bằng nhiều con đường, điệp báo viên ANT4 đã có người tiếp cận Dương Văn Minh.

Ông Nguyễn Khắc Thuận, một cơ sở điệp báo của ANT4 là vận động viên quần vợt, đã từng so vợt với Dương Văn Minh. Theo hướng dẫn của đồng chí Ba Dũng, ủy viên Ban ANT4, ông Thuận đã gây dựng được quan hệ thân thiết với Dương Văn Minh. Từ khi Thiệu từ chức, ta nhận định có khả năng Dương Văn Minh sẽ được đưa lên làm tổng thống. Ông Thuận thường luôn có mặt tại tư dinh của Dương Văn Minh. Khi tướng Minh lên làm tổng thống, ông Thuận trở thành cố vấn của Minh. Được sự chỉ đạo của Ban ANT4, ông Thuận nói với tướng Minh: "Tôi là đại diện của Mặt trận, Mặt trận yêu cầu anh phải đầu hàng, nếu không hành động kịp thời sẽ thân bại danh liệt".

Anh Nguyễn Hữu Thái được chỉ đạo tìm cách tiếp cận Dương Văn Minh từ trước khi Minh trở thành tổng thống. Sáng ngày 30-4, Thái cũng có mặt tại Dinh Độc Lập. Thái đã góp phần thúc đẩy Dương Văn Minh đầu hàng và tổ chức ghi âm lời tuyên bố của Dương Văn Minh phát trên Đài Sài Gòn trưa ngày 30-4.

Trong khi các lực lượng của ta tiến công và chiếm lĩnh các vị trí, nhiều chiến sĩ điệp báo và cơ sở điệp báo ANT4 đã làm nhiệm vụ liên lạc dẫn đường, khéo léo tác động để sĩ quan, binh lính địch bỏ trốn, hoặc đơn phương ngừng bắn... tạo điều kiện cho việc tiến công chiếm lĩnh của chúng ta thực hiện được thuận lợi và trọn vẹn.

13 giờ ngày 30-4, một mũi tiến công của ANT4 đánh chiếm Bộ Tư lệnh Cảnh sát quốc gia ngụy. Lúc này bọn địch ở đây đã tháo chạy hết. Một nhân viên cảnh sát đặc biệt ngụy là cơ sở bí mật của ANT4, làm việc trong Ban thẩm vấn đã đón lực lượng ta và hướng dẫn đến chốt giữ bảo vệ các khu: lưu trữ hồ sơ, cảnh sát đặc biệt, truyền tin, căn cước và các kho tàng.

Đồng chí Bảo Việt và một số cán bộ điệp báo hoạt động trong biệt đoàn Lôi Hổ. Khi biệt đoàn này được điều động đến bảo vệ Bộ Tổng tham mưu, nhằm lúc tâm lý binh lính địch hoang mang, Bảo Việt đã tác động để tên thiếu tá trưởng phòng 3 cùng bỏ trốn với binh lính, giao chìa khóa các phòng tài liệu lại cho anh.

Tại trụ sở Tổng Liên đoàn Lao động Trần Quốc Biểu, ngày 28-4, Biểu và tay chân thân tín đã trốn hết. Trần Quang Sang, ủy viên Ban chấp hành, cơ sở điệp báo của ANT4, theo chỉ đạo đã lập một "Ban đại diện" (gồm 4 người) do Sang phụ trách. Là "thủ lĩnh mới", anh yêu cầu tập trung 12 súng trường và 6 súng ngắn cất vào kho. Thủ lĩnh giữ chìa khóa. Sáng ngày 30-4, tại trụ sở cơ quan sặc mùi phản động này xuất hiện một lá cờ Mặt trận giải phóng và 2 băng khẩu hiệu với dòng chữ "Nhiệt liệt chào mừng Mặt trận dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam", "Hoan nghênh bộ đội ta vào giải phóng thành phố".

Thành tích của các chiến sĩ điệp báo an ninh Đặc khu Sài Gòn - Gia Định trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử chắc chắn còn nhiều, một phần nào đó 25 năm qua đã được sách vở, báo chí và đồng chí, đồng đội nhắc đến. Nhưng do tính đặc trưng của hoạt động tình báo nên hiện nay có những chiến công thầm lặng, hiển hách mà chúng ta vẫn chưa biết hết được.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx