sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 17:Dù chúng ta hạnh phúc hay bất hạnh - P2

Bà chủ tiếp tục giải thích với Aomame. Sau khi con gái tự sát một năm, bà đã dựng ra một nơi ẩn náu riêng cho những người đàn bà chung cảnh ngộ bị bạo hành gia đình giày vò. Bà có một ngôi nhà nhỏ hai tầng ở khu đất gần biệt thự Azabu đang định sẽ dỡ bỏ, nên không có người ở. Bà cho sửa qua căn nhà ấy, dùng làm nơi cho những người đàn bà không còn biết chạy đi đâu kia. Bà cũng lập ra một “phòng tư vấn cho những phụ nữ gặp khó khăn vì bạo lực” do các luật sư ở Tokyo phụ trách, có nhân viên tình nguyện thăm hỏi và trực điện thoại tư vấn. Sau khi liên hệ với bà, những người đàn bà cần gấp một nơi tránh nạn sẽ được đưa tới đây. Người mang theo con nhỏ cũng không ít, thậm chí có cả những cô bé mười mấy tuổi bị cha xâm hại tình dục. Bọn họ ở lại đó, cho đến khi tìm được một nơi có thể an thân. Vật dụng cần cho cuộc sống trước mắt, thực phẩm và quần áo, đều được cung ứng đầy đủ. Họ giúp đỡ lẫn nhau, sống theo kiểu cộng đồng. Mọi chi phí đều do bà chủ chu cấp.

Luật sư và những người tư vấn định kỳ đến thăm họ, chăm sóc cho họ, bàn bạc kế hoạch tương lai. Nếu rảnh rỗi, bà chủ cũng đến, chăm chú lắng nghe từng người một dốc bầu tâm sự, cho họ những lời khuyên thích hợp. Ngoài ra, bà còn giúp họ tìm công việc và chỗ ở mới để ổn định cuộc sống. Nếu xảy ra những rắc rối cần đến sự can thiệp của cơ bắp, thì Tamaru sẽ ra tay xử lý sao cho thích đáng. Chẳng hạn, chồng biết vợ ở đâu, đến cưỡng ép bắt về, mấy chuyện phiền phức này không ai giải quyết vừa nhanh lại vừa hiệu quả như Tamaru.

“Nhưng mà, chỉ mình tôi và Tamaru thì không thể giải quyết mọi vấn đề được. Huống hồ còn có một số trường hợp, dù có vận dụng luật pháp cũng không tìm ra được cách giải quyết khả thi nào,” bà chủ nói.

Aomame thấy rằng càng nói gương mặt bà chủ càng lộ ra một thứ ánh sáng đặc biệt có màu đỏ hồng. Và theo đó, ấn tượng đôn hậu, cao quý thường ngày cũng nhạt dần đi, rồi tan biến không còn tăm tích. Chỉ còn lại một thứ vượt trên cả sự phẫn nộ và sự kinh tởm đơn thuần. Đó giống như một thứ hạt nhân vô danh, vừa cứng vừa nhỏ, ở sâu thẳm trong tinh thần. Dẫu vậy, giọng nói bình tĩnh của bà không hề thay đổi từ đầu đến cuối.

“Tất nhiên, nếu mấy gã đó không tồn tại nữa, thì có thể bớt đi sự phiền phức lúc ra tòa ly hôn, tiền bảo hiểm có thể lập tức đến tay, dẫu rằng sự tồn tại (hoặc không tồn tại) của một con người không thể được quyết định chỉ dựa trên các lý do thực tiễn. Chỉ sau khi đưa ra tất cả các nhân tố, nghiên cứu và nhận định một cách công bằng, cẩn trọng, cuối cùng kết luận rằng gã đàn ông ấy hoàn toàn không đáng để thương xót, chúng tôi mới hành động. Đó là những kẻ chẳng khác nào loài ký sinh trùng chuyên hút máu của người yếu. Linh hồn chúng đã lệch lạc cùng cực, không còn khả năng chữa trị, cũng không có ý chí để làm lại con người, chúng là những tên khốn kiếp chẳng thể tìm được bất cứ giá trị nào để sống tiếp trên đời này nữa.”

Bà chủ ngậm miệng, chăm chú nhìn Aomame trong giây lát với ánh mắt như có thể nhìn xuyên qua cả tường đá, sau đó nói bằng giọng ôn tồn như cũ.

“Đối với hạng người này, chúng tôi chỉ có thể dùng cách thức nào đó mời chúng biến mất. Một cách thức tuyệt đối không thu hút sự chú ý của mọi người.”

“Có thể làm được chuyện này ư?”

“Có nhiều cách khác nhau để làm một người biến mất.” bà chủ cân nhắc câu chữ. Đoạn, bà ngừng trong giây lát, nói tiếp, “Tôi có thể tạo ra cách nào đó để khiến một con người biến mất. Tôi có khả năng làm việc đó.”

Aomame lại ngẫm nghĩ về những gì bà chủ vừa nói, nhưng cách biểu đạt của bà quá mơ hồ khó hiểu.

Bà chủ nói: “Chúng ta đều đã từng mất đi người quý giá nhất vì những chuyện phi lý hết sức, và bị tổn thương sâu sắc. Vết thương trong lòng này có lẽ sẽ không bao giờ chữa khỏi được. Nhưng chúng ta không thể cứ ngồi ì ra đó nhìn vết thương của mình, cần phải đứng lên hành động tiếp. Hơn nữa, không phải để báo thù cho bản thân, mà là vì chính nghĩa. Thế nào, liệu cô có muốn giúp tôi hay không? Tôi cần một người hợp tác đáng tin cậy, giỏi giang. Một người có thể cùng chia sẻ bí mật và gánh vác sứ mệnh.”

Aomame mất không ít thời gian để sắp xếp lại những lời lẽ ấy trong đầu, lý giải những gì bà chủ nói. Đây là một sự bộc bạch và đề xuất khó tin. Hơn nữa, sau khi nghe lời đề nghị ấy, nàng phải lâu hơn nữa mới ổn định được xúc cảm. Trong khi đó, bà chủ vẫn ngồi trên ghế, tư thế không thay đổi, chăm chú nhìn Aomame, im lặng không nói một lời. Bà có vẻ rất thong dong, dường như đã chuẩn bị sẵn tinh thần để chờ đợi.

Không nghi ngờ gì nữa, chắc chắn là bà ấy mắc một chứng điên nào đó, Aomame nghĩ. Nhưng bà chủ không điên, cũng không bị bệnh. Chẳng những vậy, tinh thần bà thậm chí còn cực kỳ ổn định, không chút dao động, tới mức lạnh lùng. Lại có cả những chứng cứ xác thực làm cơ sở. Nói là điên thì không đúng lắm, mà có lẽ chính xác hơn thì nên nói là một thứ gần giống với bệnh điên. Hẳn là thiên kiến đúng đắn. Lúc này, bà ấy đang muốn chia sẻ với mình sự điên cuồng và thiên kiến ấy. Đồng thời yêu cầu mình cũng phải lạnh lùng như bà ấy. Bà ấy tin rằng mình đủ tư chất để làm việc đó.

Rốt cuộc nàng đã nghĩ trong bao lâu? Khi chìm vào suy tư, con người ta dường như mất đi cảm giác về thời gian. Duy chỉ trái tim và vẫn cứng nhắc khắc ghi một tiết tấu nhất định. Aomame ghé thăm mấy căn phòng nhỏ bé ở trong nàng, như thể con cá bơi ngược dòng nước, lần về đầu nguồn con sông thời gian. Nơi đó có những cảnh tượng đã quá quen thuộc, có những mùi vị đã quên lãng từ lâu, có những hoài niệm dịu dàng, có những nỗi đau dữ dội. Một tia sáng không biết từ đâu chiếu tới, bất ngờ đâm xuyên thân thể Aomame. Nàng bỗng nhận ra một cảm giác kỳ diệu, cơ thể nàng dường như đã trở nên trong suốt. Vươn bàn tay về phía tia sáng ấy, có thể nhìn thấy cảnh tượng phía sau bàn tay. Thân thể đột nhiên nhẹ bông. Aomame thầm nhủ: Cứ cho là bây giờ, mình phó mặc cho điên cuồng và thiên kiến, rồi phải tan xương nát thịt, thế giới diệt vong, thì rốt cuộc mình cũng có còn gì để mất?

“Tôi hiểu rồi,” Aomame trả lời. Nàng cắn môi một lát, rồi cất tiếng nói tiếp: “Tôi sẵn lòng giúp đỡ trong khả năng có thể.”

Bà chủ đưa hai tay ra, nắm chặt bàn tay Aomame. Từ đó trở đi, Aomame và bà bắt đầu chia sẻ bí mật, sứ mệnh và cả cái thứ gần giống với điên cuồng kia nữa. Không, có lẽ đó chính là sự điên cuồng tột độ. Nhưng ranh giới giữa hai thứ đó rốt cuộc nằm ở đâu, thì Aomame lại không nhìn rõ. Hơn nữa, những kẻ mà nàng và bà chủ cùng đưa sang thế giới xa xôi kia, dù sao chăng nữa, đều là những kẻ không đáng được thương hại.

“Tính ra từ sau lần cô chuyển cái gã ở khách sạn khu Shibuya sang thế giới khác đến giờ, cũng chưa lâu lắm,” bà chủ bình tĩnh nói. Lúc bà nói chuyển “sang thế giới khác”, thoạt nghe cứ như đang nói đến chuyện dịch chuyển đồ đạc trong nhà.

“Bốn ngày nữa là tròn hai tháng,” Aomame đáp.

“Chưa được hai tháng,” bà chủ tiếp lời. “Thành thử, bây giờ mà lại nhờ cô đi làm công việc tiếp thì không được hợp lý lắm. Ít nhất cũng phải giữ cách quãng nửa năm. Nếu thời gian giữa hai vụ quá ngắn, gánh nặng tâm lý của cô sẽ trở nên quá lớn. Nói thế nào nhỉ, đây dù sao cũng không phải chuyện vặt vãnh. Thêm vào đó, có thể không bao lâu nữa sẽ có người nghi vẫn rằng, hình như tỷ lệ tử vong do bệnh tim bột phát của những người đàn ông có liên quan đến phòng tư vấn của tôi hơi cao.”

Aomame mỉm cười, đoạn nói: “Trên đời cũng có nhiều kẻ đa nghi lắm.”

Bà chủ cũng mỉm cười đáp lại. “Cô biết rồi đấy, tôi là một người cực kỳ cẩn thận, xưa nay chẳng bao giờ tin vào những thứ ngẫu nhiên, hay may mắn. Bao giờ với những gã đàn ông đó tôi cũng tìm kiếm một giải pháp ôn hòa. Chỉ khi nào xác định rằng không còn khả năng nào như thế, tôi mới lựa chọn giải pháp cuối cùng. Đồng thời, khi vạn bất đắc dĩ phải dùng đến cách ấy, tôi sẽ loại trừ tất cả những nguy hiểm có thể xảy ra. Nghiên cứu tất cả một cách kỹ càng và tỉ mỉ, chuẩn bị mọi phương án, sau khi khẳng định là không còn gì sơ suất, tôi mới nhờ đến cô. Vì vậy cho đến giờ, vẫn chưa từng xảy ra bất cứ vấn đề gì. Có phải không?”

“Vâng,” Aomame thừa nhận. Đích xác là như thế. Khi đến nơi được chỉ định từ trước, mọi việc đều đã được bố trí chu đáo đâu vào đó. Nàng chỉ còn việc dùng mũi kim nhọn đâm một nhát vào vị trí đặc biệt ở sau gáy đối phương. Rồi sau khi xác nhận đối phương đã “chuyển sang một thế giới khác”, thì rời khỏi hiện trường. Cho đến hiện tại, tất cả các vụ đều được tiến hành thuận lợi và rất có hệ thống.

“Nhưng tới đối thủ lần này, rất tiếc phải nói như vậy, có lẽ đành phải miễn cưỡng nhờ đến cô. Kế hoạch chưa hoàn toàn chín muồi, nhân tố bất trắc còn nhiều, sợ rằng không thể cung cấp đầy đủ mọi điều kiện cho cô như những lần trước. Vì so với các lần trước, trường hợp này hơi khác biệt.”

“Khác biệt chỗ nào?”

“Đối tượng không phải là một gã đàn ông địa vị bình thường.” Bà chủ cẩn trọng lựa chọn từ ngữ diễn đạt, “nói cụ thể hơn, trước tiên là được bảo vệ cực kỳ cẩn mật.”

“Chính trị gia?”

Bà chủ lắc đầu. “Không, không phải chính trị gia. Chuyện này, sau tôi sẽ nói kỹ hơn. Chúng tôi vẫn đang thử thăm dò nhiều cách khác nhau, để xem có thể không cần phải cô đi giải quyết hay không. Nhưng hình như chẳng có cách nào thuận lợi cả. Các phương pháp bình thường đều vô dụng. Thật vô cùng xin lỗi, nhưng ngoài nhờ cô ra, chúng tôi không nghĩ ra cách nào nữa.”

“Công việc này cần gấp không ạ?” Aomame hỏi.

“Không, không cần gấp. Cũng không có thời hạn phải hoàn thành. Có điều, nếu để quá muộn, số người bị hại e rằng sẽ tăng lên. Hơn nữa, cơ hội cho chúng ta rất có hạn. Không thể biết trước được thời cơ sẽ đến lúc nào.”

Ngoài cửa sổ trời đã tối hẳn, gian phòng để phơi nắng bị bao vây trong tĩnh lặng. Trăng đã lên chưa nhỉ? Aomame tự hỏi. Nhưng từ vị trí nàng đang ngồi không thể nhìn thấy bên ngoài.

Bà chủ nói: “Tôi định sẽ giải thích tình hình với cô hết sức rõ ràng cặn kẽ. Nhưng trước đó, tôi muốn cô gặp một người đã. Giờ chúng ta sẽ đi gặp.”

“Người đó đang sống ở đây ư?” Aomame hỏi.

Bà chủ chầm chậm hít vào một hơi, từ sâu trong cổ họng phát ra một âm thanh nho nhỏ. Trong đôi mắt bà chợt ánh lên một tia sáng đặc biệt mà nàng chưa bao giờ thấy.

“Cô bé được đưa từ trung tâm tư vấn đến đây sáu tuần rồi. Suốt bốn tuần đầu cô bé không nói một lời nào, hầu như chỉ ở trong trạng thái tinh thần hoảng hốt, mất toàn bộ năng lực sử dụng ngôn ngữ. Chúng tôi chỉ biết tên và tuổi cô bé, lúc được đưa về từ ga tàu điện ngầm, trên người chỉ mặc một cái áo ngủ rách rưới, đã đi qua nhiều nơi, cuối cùng mới đến chỗ chúng tôi. Tôi đã phải dành nhiều thời gian nói chuyện với cô bé, từng chút một, mãi cuối cùng mới khiến cô bé hiểu được rằng không phải sợ, chỗ này an toàn. Bây giờ, ít nhiều cô bé đã có thể mở miệng nói năng được rồi, tuy lời nói vẫn rất vụn vặt, nhưng ghép những mảnh vụn ấy lại, cũng có thể hiểu được chuyện gì đã xảy ra. Thực sự hết sức tàn nhẫn, khó dùng lời nói mà thuật lại được, thậm chí chỉ nghe thôi cũng đủ thấy bất nhẫn rồi.”

“Lại là bị chồng bạo hành ạ?”

“Không phải.” Giọng bà chủ nghe thật chua chát, “Cô bé mới mười tuổi.”

Bà chủ và Aomame đi qua sân, mở khóa, bước qua cánh cửa gỗ nhỏ, sang phía nhà lánh nạn cho phụ nữ ở bên cạnh. Đó là một tòa nhà xây dựng bằng gỗ, hồi xưa, khi người làm công trong biệt thự nhiều hơn, nơi này chủ yếu được dùng làm chỗ ở cho họ. Một căn nhà nhỏ hai tầng, kiến trúc rất có phong cách, nhưng nếu đem cho thuê làm nhà ở thì hơi cũ. Tuy nhiên, dùng làm nơi lánh nạn cho những người đàn bà không còn đường nào để đi thì chẳng có gì đáng chê trách. Những cây sồi già nua vươn rộng tán lá, che chở cho căn nhà nhỏ. Trên cửa dẫn vào tiền sảnh khảm những hình trang trí bằng thủy tinh rất đẹp. Nhà tổng cộng có mười phòng. Có lúc đông người, có lúc vắng người, nhưng thường bao giờ cũng có năm sáu người đàn bà lặng lẽ sống ở đây. Lúc này khoảng một nửa số phòng vẫn còn sáng đèn. Ngoài tiếng trẻ con thi thoảng vọng ra từ đâu đó, xung quanh yên tĩnh đến ngạc nhiên, như thể căn nhà nhỏ tự im lìm không nói năng gì vậy. Ở đây không có những âm thanh ồn ào của cuộc sống. Ngoài cửa xích một con chó cái giống béc giê Đức, khi có người đi qua, nó liền thấp giọng gầm gừ, rồi sủa mấy tiếng. Không hiểu ai đã huấn luyện nó thế nào, khi có đàn ông đi qua, con chó này liền nổi điên lên sủa mãi không thôi. Nhưng người thân nhất với nó lại là Tamaru.

Khi bà chủ lại gần, con chó lập tức ngừng sủa, ra sức vẫy đuôi, khịt khịt mũi chừng như vui mừng lắm. Bà khom người xuống, nhè nhẹ vỗ lên đầu nó. Aomame cũng gãi gãi phía sau tai nó. Con chó nhớ được mặt Aomame, nó là con chó rất thông minh, không hiểu sao lại thích ăn rau chân vịt. Sau đó, bà chủ lấy chìa khóa mở cửa tiền sảnh.

“Một người phụ nữ sống ở đây lo chăm sóc cho cô bé đó,” bà chủ nói với Aomame, “Ở chung phòng với cô bé, cố gắng để ý bất cứ lúc nào. Tôi không yên tâm để cô bé ở một mình.”

Ở nơi này, người ta ngầm khuyến khích những người đàn bà chăm sóc lẫn nhau, kể cho nhau nghe những gian nan khổ sở mình từng trải nghiệm, chia sẻ nỗi đau của nhau. Nhờ làm vậy, nhiều người đã dần chữa lành vết thương trong lòng. Người vào trước truyền lại cho người vào sau các yếu lĩnh để sống, trao lại các vật phẩm cần thiết cho cuộc sống. Việc nấu nướng và quét dọn đều phân công lần lượt. Đương nhiên, trong đó cũng có những người chỉ thích ở một mình, tuyệt đối không bao giờ mở miệng nhắc đến những gì đã trải qua. Với những người đàn bà như thế, sự cô độc và im lặng của họ được tôn trọng. Nhưng hầu hết đều mong được trút bầu tâm sự với những người có cùng cảnh ngộ. Ở đây cấm uống rượu, hút thuốc, người lạ không được phép tự tiện ra vào, ngoài ra không có hạn chế đặc biệt gì khác.

Ngôi nhà có một điện thoại, một ti vi, đặt ở phòng khách chung cạnh sảnh. Trong phòng còn có một bộ sofa cũ và bàn ăn. Hầu hết thời gian trong ngày của những người phụ nữ trôi qua trong gian phòng này. Ti vi gần như không bao giờ bật, khi nào bật thì âm lượng luôn được chỉnh xuống mức gần như không nghe thấy gì. Có vẻ như họ thích ngồi một mình đọc sách, xem báo, thêu thùa hoặc chụm đầu thì thầm trò chuyện hơn. Cũng có người từ sáng đến tối chỉ vẽ tranh. Đó là một không gian lạ lẫm, tựa như một nơi cư trú tạm thời nằm giữa thế giới thực và thế giới của những người đã chết, ánh sáng cũng ảm đạm và nặng nề. Dù là ngày nắng nôi hay ngày râm mát, ban ngày hay nửa đêm, ánh sáng ở đó đều giống nhau. Mỗi lần đến thăm căn nhà ấy, Aomame đều có cảm giác sự tồn tại của nàng dường như không phù hợp với nơi đây, và nàng chỉ như một vị khách không mời xuẩn ngốc. Nơi đó giống như một câu lạc bộ cần có tư cách đặc biệt mới được gia nhập. Sự cô độc mà họ cảm nhận hoàn toàn khác với sự cô độc của Aomame.

Bà chủ vừa xuất hiện, ba người đàn bà trong phòng khách liền đứng lên. Thoạt nhìn đã nhận ra ngay, bọn họ hết sức kính trọng bà. Bà chủ ra hiệu cho họ ngồi xuống.

“Các cô cứ ở đó được rồi. Tôi chỉ muốn gặp Tsubasa nói mấy câu thôi.”

“Tsubasa ở trong phòng ạ,” một người trạc tuổi Aomame cất tiếng đáp. Mái tóc cô vừa thẳng lại vừa dài.

“Cô bé ở cùng với Saeko. Hình như vẫn chưa thể xuống dưới này,” một người đàn bà đứng tuổi nói.

“Có lẽ còn cần thêm chút thời gian nữa,” bà chủ mỉm cười.

Ba người phụ nữ im lặng gật đầu. Họ đều hiểu rất rõ, cần thêm thời gian nghĩa là thế nào.

Sau khi lên tầng hai, vào trong phòng, bà chủ nói với một cô gái vóc người nhỏ nhắn, trông không có gì nổi bật: liệu cô có thể ra ngoài một lát được không. Cô gái tên Saeko ấy khẽ cười, rồi bước ra ngoài, khép cửa, đi xuống dưới, để lại cô bé mười tuổi tên là Tsubasa. Trong phòng kê một cái bàn nhỏ dùng để ăn cơm. Cô bé, bà chủ và Aomame ngồi xung quanh cái bàn ấy. Cửa sổ buông một tấm rèm rất dày.

“Chị này tên là Aomame,” bà chủ nói với cô bé, “Chị ấy làm việc cùng bà. Cháu không phải lo lắng.”

Cô bé đưa mắt liếc nhanh Aomame một cái, khẽ gật đầu. Động tác khẽ khàng đến độ gần như không để người khác nhận ra.

“Cô bé này tên là Tsubasa,” bà chủ giới thiệu, sau đó hỏi cô bé: “Tsubasa đến đây được bao lâu rồi nhỉ?”

Cô bé khẽ lắc đầu, hình như đang nói “không biết”. Biên độ của cái lắc đầu ấy chỉ chừng một xăng ti mét.

“Sáu tuần và ba ngày,” bà chủ nói, “Có lẽ cháu không nhớ nhưng bà thì có đếm đấy. Cháu có biết tại sao không?”

Cô bé lại khẽ lắc đầu.

“Bởi vì trong một số trường hợp, thời gian là thứ vô cùng quan trọng,” bà chủ nói, “Dù chỉ là số đếm, cũng có ý nghĩa lớn.”

Theo quan sát của Aomame, Tsubasa là một cô bé mười tuổi có thể gặp ở bất cứ đâu. So với đám trẻ cùng tuổi, cô bé tương đối cao, nhưng thân hình lại quá gầy guộc, ngực còn chưa nhú. Có vẻ như bị suy dinh dưỡng mãn tính. Mặt mũi cô bé không xấu, nhưng ấn tượng hết sức mờ nhạt. Đôi mắt làm người ta liên tưởng đến một ô kính cửa sổ bị phủ lên một lớp sương mù, dù nhìn kỹ cũng không thể thấy rõ bên trong. Đôi môi mỏng khô khốc hay run rẩy một cách bất an, như thể muốn nói gì đó, nhưng thực tế lại không có âm thanh nào thành hình.

Bà chủ lấy trong túi giấy ra một hộp sô cô la hình dáng khác nhau rất đẹp. Bà đưa cho Tsubasa một viên, rồi đưa cho Aomame một viên, sau đó tự nhặt một viên lên cho vào miệng. Aomame cũng cho viên của mình vào miệng. Thấy hai người làm vậy, Tsubasa bèn ăn theo. Ba người không nói gì, chỉ lặng lẽ ăn sô cô la.

“Cô còn nhớ lúc mình mười tuổi thế nào chứ?” bà chủ hỏi Aomame.

“Nhớ rõ mồn một,” Aomame đáp. Năm đó, nàng đã nắm tay một cậu bé, thề rằng cả đời này chỉ yêu một mình cậu ta. Mấy tháng sau, nàng có kinh lần đầu tiên. Khi ấy, trong người Aomame có rất nhiều thứ đã thay đổi. Nàng đã quyết tâm rời xa tín ngưỡng, cắt đứt quan hệ với cha mẹ.

“Tôi cũng nhớ rõ mồn một,” bà chủ nói, “Năm mười tuổi, cha dẫn tôi đi Paris, ở lại đó chừng một năm. Lúc đó cha tôi là nhân viên ngoại giao, chúng tôi sống trong một căn hộ gần công viên Luxembourg. Đó là giai đoạn cuối của Thế chiến thứ nhất, các ga tàu lèn chật cứng binh sĩ bị thương. Có những người lính gần như vẫn còn là trẻ con, cũng có cả người đã cao tuổi. Paris vốn là một thành phố bốn mùa đều tươi đẹp, nhưng ấn tượng nó để lại trong tôi chỉ đầy máu tươi đầm đìa. Ở tiền tuyến, trận chiến ác liệt đang diễn ra, những người mất chân mất tay mất mắt tựa hồ những linh hồn bị vứt bỏ, lưu lạc khắp đầu đường ngõ phố. Mắt nhìn đâu cũng chỉ thấy một màu trắng của những dải băng cứu thương quấn trên người họ, cùng với sắc đen của những mảnh vải quấn trên tay những phụ nữ. Rất nhiều quan tài mới tinh được xe ngựa chở đến nghĩa địa. Mỗi khi có quan tài chạy qua, đoàn người lại ngoảnh mặt đi hướng khác, đưa tay lên bụm chặt miệng lại.”

Bà chủ vươn bàn tay qua bàn. Cô bé hơi ngần ngừ, rồi giơ bàn tay đang để trên đùi đặt vào lòng bàn tay bà chủ. Bà chủ nắm lấy bàn tay cô. Khi đi lướt qua xe ngựa chở quan tài trên đường phố Paris thuở còn là một cô bé, hẳn cha hoặc mẹ cũng nắm chặt tay bà như thế này, trấn an bà không cần phải lo lắng. Đừng lo, con đang ở nơi an toàn rồi, không phải sợ gì cả.

“Một ngày cơ thể một người đàn ông đều tạo ra mấy triệu tinh trùng,” bà chủ nói với Aomame, “Cô biết chuyện này không?”

“Tôi không biết con số cụ thể,” Aomame đáp.

“Con số cụ thể thì đương nhiên tôi cũng không biết. Tóm lại là nhiều không đếm xuể. Bọn họ phóng tất cả số đó ra trong một lần xuất tinh. Nhưng số lần rụng trứng của người đàn bà lại chỉ có hạn. Cô có biết là bao nhiêu không?”

“Tôi không nhớ rõ con số chính xác.”

“Cả đời chỉ có bốn trăm trứng,” bà chủ nói, “Không phải tháng nào cũng tạo ra trứng mới, mà từ khi người đàn bà sinh ra trên đời toàn bộ số trứng đó đã được chứa trong cơ thể rồi. Từ sau khi người đàn bà có kinh lần đầu tiên, mỗi tháng sẽ có một trứng chín và rụng. Trong cơ thể cô bé này cũng có những trứng như thế. Chu kỳ sinh lý của cô bé còn chưa bắt đầu, vì vậy đám trứng chưa từng được đụng tới, có lẽ là vẫn nằm yên trong ngăn kéo tủ. Sứ mệnh của đám trứng này, không cần phải nói cũng biết, chính là để tiếp nhận tinh trùng và thụ thai.”

Aomame gật đầu.

“Khuynh hướng tinh thần của đàn ông và đàn bà không giống nhau, trong đó có rất nhiều điều nảy sinh từ sự khác biệt của cơ quan sinh dục. Đàn bà chúng ta, nếu chỉ xét về mặt sinh lý thuần túy, thì là sống để bảo vệ số trứng hữu hạn ấy. Cô cũng vậy mà tôi cũng vậy, cả cô bé này cũng vậy.” Nói tới đây, khóe miệng bà thoáng hiện lên một nụ cười, “Đối với tôi, có lẽ nên dùng thì quá khứ, từng sống.”

Đến nay mình đã rụng hai trăm quả trứng, Aomame tính nhanh trong đầu. Trong cơ thể mình chắc vẫn còn một nửa, bên trên có khi còn dãn nhãn “Đã đặt trước” cũng nên.

“Nhưng mà, trứng của cô bé sẽ không thể thụ thai được,” bà chủ nói, “Tuần trước, tôi có mời bác sĩ quen tới kiểm tra, tử cung của cô bé đã bị phá hoại.”

Aomame nhăn mặt, đưa mắt nhìn bà chủ. Sau đó lại hơi ngoảnh đầu sang phía cô bé. Không sao thốt nên lời. “Bị phá hoại?”

“Đúng vậy. Bị phá hoại,” bà chủ nói, “Dù phẫu thuật cũng không thể phục hồi nguyên trạng.”

“Ai làm vậy?” Aomame hỏi.

“Chúng tôi vẫn chưa rõ,” bà chủ nói.

“Người Tí Hon,” cô bé chợt lên tiếng.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx