sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Lời Bạt

Câu chuyện về bốn mươi ngày này tự nó nói lên tất cả. Tôi đã cố gắng trình bày hết sức đầy đủ và khách quan những gì đã xảy ra, và thuật lại thật nhiều về những người du kích cùng với phong trào của họ, dựa trên cái nhìn dù khác thường nhưng phải nói là hạn hẹp của chúng tôi vào hậu trường của "phía bên kia" ít được biết đến của cuộc chiến tranh Đông Dương.

Tôi chỉ cố tình bỏ qua hai chi tiết. Mike, Beth và tôi đã đồng ý giữ kín địa chỉ chính xác nơi chúng tôi được thả. Chúng tôi cảm thấy chi tiết này có thể được các du kích xem là thông tin an ninh quân sự. Chúng tôi nghĩ rằng việc tránh không đưa ra những bí mật quân sự của họ là rất quan trọng, vì các hậu quả có thể xảy ra cho các phóng viên khác còn đang mất tích và có thể vẫn còn bị giam giữ, và cũng vì chúng tôi muốn giữ đúng lời chúng tôi đã nói với các du kích rằng chúng tôi là nhà báo chứ không phải gián điệp. Chi tiết thứ hai bị bỏ qua là tên thật và địa chỉ thường xuyên của các du kích hộ tống chúng tôi. Họ đã cung cấp chi tiết đó trong một thể hiện bất ngờ về sự tin cậy và đã yêu cầu chúng tôi giữ kín. Họ không yêu cầu chúng tôi giữ lại một điều gì khác.

Vì sao chúng tôi được thả? Chỉ sau khi về đến Mỹ tôi mới được biết về cơn đại hồng thủy thư thỉnh nguyện tràn ngập Bắc Việt Nam và Mặt trận Dân tộc Giải phóng ở Hà Nội và Paris và Hoàng thân Sihanouk ở Bắc Kinh. Các thượng nghị sĩ, các nhà ngoại giao, các học giả, các lãnh tụ phong trào hòa bình, và các nhà báo đồng nghiệp đã viết thư hoặc gửi điện cho các mối liên hệ của họ ở phía bên kia, bảo đảm rằng chúng tôi là những phóng viên chân thật và nên được trả tự do ngay tức khắc. Wilfred Burchett, mà tôi có dịp biết tại cuộc đàm phán hòa bình ở Paris, ngẫu nhiên đang ở Bắc Kinh để phỏng vấn Hoàng thân Sihanouk vào lúc chúng tôi bị bắt. Ông đã hoàn tất bài phỏng vấn nhưng còn ở Bắc Kinh và lập tức quay lại tổng hành dinh của Sihanouk để thúc đẩy việc tra tự do cho chúng tôi. Có lẽ cũng rất hữu ích khi việc bắt giữ chúng tôi đã được xử lý thành bản tin chính trên trang đầu tờ The Washington Post mà Sihanouk thường xuyên đọc, và tờ International Herald Tribune, mà những người cộng sản Việt Nam ở Paris vẫn đọc.

Tờ St. Louis Post-Dispatch hành động mau lẹ và sẵn sàng làm bất cứ điều gì để tôi được trả tự do. Ngay cả ý tưởng đưa ra một khoản tiền chuộc cũng đã được xem xét, mặc dù ý tưởng này đã nhanh chóng bị bác bỏ vì không thể thực hiện được. Joseph Pulitzer, Jr., nhà biên tập và xuất bản, đã chỉ thị cho Evarts A. Graham, Jr., thư ký tòa soạn, phải cố lâm mọi cách có thể được. Dưới sự chỉ đạo của họ, Marquis Childs, người phụ trách chuyên mục, và là cộng tác viên biên tập của tờ Post-Dispatch đã bay sang Paris dành trọn một tuần gặp gỡ các nhà ngoại giao và các nhân vật khác có mối quan hệ với phía bên kia. Thomas W. Ottenad. quyền trưởng văn phòng Wasington lúc tôi vắng mặt, đã điều phối nhiều nỗ lực này.

Tòa báo đã cho sao chụp tất cả các bài tôi từng viết về cuộc chiến tranh Đông Dương, gửi cho các con gái tôi, Janet và Martha ở Paris để cung cấp cho phái đoàn Bắc Việt Nam.

Những lời thỉnh nguyện đó hẳn là có tác động, song cũng nên ghi nhận rằng phía Việt Nam luôn luôn thả tù nhân với mục đích chính trị rõ ràng. Trong trường hợp của chúng tôi, chúng tôi được thả đúng hai tuần trước cái thời hạn chót do Nixon tự đặt ra cho việc rút quân Mỹ khỏi Campuchia. Những bài báo trung thực về điều xảy ra ở phía bên kia đương nhiên sẽ làm giảm tác dụng của những thông tin chính thức của Phnôm Pênh, Sài Gòn, và Washington về thành công của cuộc xâm nhập của Hoa Kỳ, sự yếu ớt của đối phương, và điều gọi là tinh thần đoàn kết của nhân dân Campuchia ủng hộ chế độ Lon Nol và chống xâm lược Cộng sản.

Các viên chức của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Sài Gòn đã yêu cầu chúng tôi cung cấp mọi thông tin có thể giúp đề ra những nỗ lực mới nhằm đạt được sự trả tự do cho các nhà báo bị mất tích khác. Họ bảo chúng tôi rằng việc chúng tôi được trả tự do đã diễn ra ngay lúc họ đã soạn xong các kế hoạch phái các toán lính Mỹ đi bố ráp để tìm chúng tôi. Chúng tôi mừng là nỗ lực giải cứu ấy chưa được thực hiện, vì điều đó có lẽ sẽ chỉ khiến chúng tôi mất mạng mà thôi. Lời khuyên của chúng tôi dành cho họ là phải tránh dùng các biện pháp quân sự hay ngay cả các biện pháp ngoại giao để cứu các phóng viên mất tích. Chúng tôi nói rằng các biện pháp đó sẽ chăng có tác dụng gì mà chỉ làm tăng thêm mối ngờ vực của đối phương rằng các nhà báo đó đúng là gián điệp. Chúng tôi đặc biệt yêu cầu CIA và các cơ quan tình báo khác đừng hỏi han gì về các nhà báo mất tích. Chúng tôi nhắc nhở các quan chức, vấn đề lớn nhất của chúng tôi là phải thuyết phục các du kích rằng chúng tôi không phải là các điệp viên CIA. Chúng tôi nói, việc thinh nguyện trả tự do cho các phóng viên Mỹ nên dành cho các nhà trung gian nước ngoài, các cá nhân hay các nhóm tư nhân Mỹ, và có thể là các đại biểu quốc hội, còn các cơ quan hành pháp thì dứt khoát phải đứng ngoài cuộc. Một số quan chức Mỹ ở Sài Gòn tỏ vẻ kinh ngạc khi nghe lời khuyên này, nhưng tôi thấy ở Washington, ý nghĩa của nó đã được Bộ Ngoại giao hiểu rõ. Một đề nghị khác cửa chúng tôi là được mọi đơn thư xin cho các phóng viên bị mất tích phải gửi đến Hoàng thân Sihanouk. Mặc dù vai trò chính xác của ông trong cuộc chiến ở Campuchia không rõ ràng, nhưng về danh nghĩa ông là người đứng đầu Mặt trận Giải phóng tại đó, và các thỉnh nguyện trực tiếp đến Hà Nội có thể được coi là sự xúc phạm.

Các quan chức Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn còn muốn chúng tôi phải chịu một cuộc "phỏng vấn". Chúng tôi khước từ, trên cơ sở là trách nhiệm đầu tiên của chúng tôi là đối với các tờ báo của chúng tôi. Khi họ tạo sức ép mạnh hơn, tôi nêu thêm rằng chúng tôi đã mất bốn mươi ngày để bác bỏ việc chúng tôi làm việc cho CIA, và nay chúng tôi không có ý định làm ngược lại điều đó.

Tại Washington, tôi chấp nhận lời mời của Ngoại trưởng William P. Rogers để thảo luận về sự việc tôi đã trải qua, sau khi tôi đã viết xong một loạt bài cho tờ Post-Dispatch. Ông đã dành ra hai tiếng rưỡi, và tôi nhận thấy ông là một người rất biết lắng nghe. Tôi mất thêm một buổi chiều nữa với hai mươi lăm thượng nghị sĩ trong một phiên họp kín được Thượng Nghị sĩ J. William Fulbright, Chủ tịch ủy ban Đối ngoại sắp xếp.

Một trong những công việc đầu tiên của tôi khi về nước là thu xếp để dịch ra tờ thông hành an toàn mà các du kích đưa cho chúng tôi sử dụng trên đường tìm về Sài Gòn. Một viên chức ở Đại sứ quán Campuchia đã có nhã ý dịch nó ra tiếng Anh. Nó đề ngày 14 tháng 6 và mang một chữ ký không thể đọc được của “Tư lệnh Quân khu 203" và ghi rằng "sau khi đã thức tỉnh các tù nhân này", ông ta đã quyết định thả họ và yêu cầu các lực lượng của Mặt trận Campuchia “tạo thuận lợi cho họ về với phía của họ". Viên chức Campuchia đó nói rằng ông không quen thuộc với cách sử dụng từ "thức tỉnh" nhưng cho rằng nó có nghĩa là “tẩy não". Tôi biết rất có thể sẽ có một số sự chỉ trích và ngờ vực đối với các phát hiện của chúng tôi, và đã khuyến cáo ban biên tập nên cho in bản dịch đó để phòng ngừa rủi ro sau này nó lộ ra và bị cho là chúng tôi đã che giấu nó. Tuy nhiên, các bài báo của chúng tôi, đăng rộng rãi trên nhiều tờ báo, đã được đón nhận thuận lợi. Đã có hàng trăm thư khen ngợi và chỉ có khoảng mười thư phàn nàn.

Một điều không ngờ, tôi biết được là mình đã giảm hơn mười một ký. Tôi cảm thấy khỏe mạnh và đầy sức sống, dây thắt lưng của tôi thu nhỏ hẳn lại. Nhưng khi leo lên cái cân, tôi nhận ra mình đã mất bao nhiêu thịt từ tay, chân và bả vai. Lý do tất nhiên là vì khẩu phần ăn từ gạo no nhưng không bổ dưỡng. Chúng tôi đã ăn cùng loại thực phẩm như các du kích, nhưng họ thường kiên trì ăn nhiều hơn thức ăn ấy, và với một cơ thể nhỏ hơn phải duy trì.

Ngoài việc giảm trọng lượng. tôi còn phải chịu một hiệu ứng chậm. Sau khi viết xong loạt bài về cuộc trải nghiệm ở Campuchia, tôi bị một chứng bệnh nhiệt đới nặng. Bệnh này do một loài vi khuẩn thường thấy trong đất tại một số nơi ở Đông Dương gây ra. Hai tuần trong nhà thương, tiếp theo là hai tháng nghỉ dưỡng để phục hồi sức khỏe và trọng lượng, tôi đã bình phục hoàn toàn.

Tôi dự tính trở lại Đông Dương trong tương lai để làm nhiệm vụ tiếp tục tường thuật diễn biến của cuộc chiến.

Xin nói đôi chút về các hành lý bị mất của chúng tôi: Một là giấy tờ cá nhân của tôi đã được gửi đến Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn, nhưng cái đồng hồ của tôi, các máy ảnh của chúng tôi và máy thu băng của Mike chắc là đã lọt vào tay quân đội Sài Gòn. Đúng là họ đã tấn công vào căn nhà chúng tôi đã ở mấy đêm đầu tiên và là nơi mà giấy tờ và các hành lý khác của chúng tôi được cất giữ. Còn chiếc xe hơi chúng tôi mượn thì lần cuối cùng được trông thấy đang thuộc về một tỉnh trưởng Campuchia. Các máy đánh chữ của chúng tôi để trong xe, chắc cũng trở thành tài sán của ông ta rồi.

Điều sau hết, tôi đã từng hy vọng rằng lá thư tôi viết cho vợ tôi cuối cùng sẽ xuất hiện. Nhưng nếu như nó đã có được gửi đi, thì nó vẫn chưa đến. Tôi không ngạc nhiên về điều này. Chính tôi đã chứng kiến các du kích có nhiều điều phải bận tâm hơn là việc chuyển lá thư. Nhưng cho dù không có một lời trấn an nào, Helen đã đứng vững suốt thời gian tôi vắng mặt với niềm xác tín rằng sớm muộn gì tôi cũng an toàn trở về.

WASHINGTON, D.C.

Tháng 2- 1971


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx