sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 16

Bảy giờ sáng.

Sếp cẩm kéo Camille ra một góc:

— Nào, lần này thì anh đừng quấy nữa đấy?

Camille không hứa hẹn gì.

— Hứa rồi đấy nhé… - Le Guen kết luận.

Hứa là một chuyện. Khi thẩm phán Vidard tới nơi, Camille không kìm được đã ra mở cửa, rồi vừa chỉ tay lên những bức ảnh chụp cô gái trẻ đính trên tường vừa nói:

— Thưa ông thẩm phán, ông thích nạn nhân, thì đây mời ông thưởng thức. Nạn nhân này thực sự ngon lành đấy.

Những bức ảnh đã được phóng to và, đính lên cả loạt như vậy, trông thật giống trò chiêm ngưỡng thói bạo dâm. Đó là những bức ảnh thực sự khiến người ta đau lòng. Trên bức này, ánh mắt gần như điên loạn của cô gái trẻ bị khuôn theo cái khe ngang tạo nên từ hai thanh gỗ đặt cách nhau, lại có bức cả người cô cuộn hẳn lại gò bó, như thể bị gãy nát, đầu ngoẹo xuống và kẹt cứng dưới nắp lồng, rồi lại có bức cận cảnh hai bàn tay cô, các đầu móng tay chảy máu, hẳn là do cứ cào mãi vào lớp gỗ. Rồi lại hai bàn tay, chai nước mà cô được phép sử dụng thì quá to, không chui lọt khe giữa các thanh gỗ, ta có thể hình dung nữ tù nhân phải đổ nước vào lòng bàn tay mà uống, với cơn khát cháy cổ của kẻ đắm tàu, chắc chắn cô chưa bao giờ được thả ra khỏi lồng bởi cô ỉa đái ngay ở đó, đầy người lấm láp. Và bẩn thỉu, bầm giập, có thể thấy rằng cô đã bị đánh đập, chắc hẳn đã bị hãm hiếp. Tổng thể càng đau lòng hơn nữa vì cô vẫn còn sống. Ta không dám tưởng tượng những gì đang chờ đợi cô.

Tuy nhiên, trước cảnh tượng này, mặc Camille khiêu khích, thẩm phán Vidard vẫn bình tĩnh, anh ta xem từng bức ảnh một.

Mọi người đều im lặng. Mọi người, nghĩa là Armand, Louis và sáu điều tra viên mà Le Guen đã điều tới. Không phải dễ dàng mà điều động được ngay lập tức từng ấy con người.

Viên thẩm phán bước đi dọc theo những bức ảnh, khuôn mặt thuần phác và nghiêm trang. Cứ như thể một ông quốc vụ khanh đang khai mạc triển lãm. Đó là một thằng ngu trẻ tuổi với những suy nghĩ của kẻ ngu xuẩn khốn kiếp, Camille nghĩ thầm, nhưng tay này không hề hèn nhát bởi vì hắn quay sang ông.

— Chỉ huy Verhoeven, - Anh ta nói, - Ông phản đối quyết định bao vây nơi ở của Trarieux, còn tôi, tôi phản đối cách thức ông dẫn dắt cuộc điều tra ngay từ đầu.

Camille vừa mở miệng định nói thì viên thẩm phán ngắt lời luôn, tay giơ lên thật cao, lòng bàn tay hướng về phía trước:

— Chúng ta có xung khắc nhưng tôi đề nghị chúng ta giải quyết chuyện ấy sau. Tôi thấy rằng hiện giờ, dù cho ông có nghĩ gì, việc khẩn cấp vẫn là nhanh chóng tìm ra… nạn nhân này.

Thằng ngu xuẩn khốn kiếp nhưng khôn khéo, không thể chối cãi điều ấy. Le Guen để cho vài giây trôi qua trong im lặng rồi hắng giọng. Nhưng viên thẩm phán đã nhanh chóng quay sang những người khác, nói:

— Thưa ông cảnh sát trưởng, xin ông cho phép tôi khen ngợi người của ông đã rất mau chóng tìm ra Trarieux trong điều kiện có quá ít dấu vết như vậy. Rất đáng kể đấy.

Đến đây thì hiển nhiên anh ta đã đi hơi quá.

— Ông đang ra tranh cử đấy à? - Camille hỏi. - Đó là phương thức hành động đặc trưng của ông sao?

Le Guen lại ho. Lại im lặng. Louis khoái trá cắn môi, Armand nhìn xuống giày cười cười, còn những người khác tự hỏi mình đang rơi vào chuyện quái quỷ gì thế này.

— Chỉ huy này, - Thẩm phán cất tiếng, - Tôi biết tính chất công việc của ông. Tôi cũng biết chuyện cá nhân của ông, nó liên quan mật thiết với nghề nghiệp của ông.

Lần này, nụ cười của Louis và Armand đông cứng lại. Tâm trí của Camille và Le Guen được đặt vào cấp báo động cao nhất. Viên thẩm phán bước lên, không quá sát để không tạo cảm giác áp đảo chỉ huy.

— Nếu ông cảm thấy rằng vụ việc này… biết nói thế nào nhỉ… tác động quá nhiều đến cuộc sống riêng của ông, thì tôi sẽ là người đầu tiên thấu hiểu.

Lời cảnh báo hết sức rõ ràng, sự đe dọa lồ lộ ở đó.

—Tôi chắc chắn rằng cảnh sát trưởng Le Guen sẽ có thể điều động một ai đó ít dính líu hơn để phụ trách cuộc điều tra này. Nhưng-nhưng-nhưng-nhưng-nhưng… (lần này, anh ta dang rộng hai tay như thể muốn ôm lấy những đám mây), nhưng… tôi phó thác cho ông, chỉ huy ạ. Hoàn toàn tin tưởng.

Với Camille, như vậy là đã quá rõ, kẻ này là một thằng khốn. Đã nghìn lần trong đời mình, Camille hiểu cảm giác của những kẻ phạm tội ngẫu nhiên, tức là những kẻ giết người không chủ ý, vì giận dữ, vì mù quáng ông đã bắt hàng chục kẻ như thế. Những kẻ bóp cổ vợ, những bà vợ lấy dao đâm chồng, những thằng con trai đẩy ông bố ngã qua cửa sổ, những bạn bè bắn bạn bè, những hàng xóm chẹt chết con trai một hàng xóm khác, và ông lục tìm trong trí nhớ xem đã có trường hợp nào một chỉ huy cảnh sát rút súng công vụ ra bắn vào giữa trán một thẩm phán hay chưa. Thay vì làm vậy, ông không nói gì. Ông chỉ gật đầu. Phải vận hết sức ông mới có thể không nói gì như thế này, bởi tên quan chức kia vừa có một ám chỉ tồi tệ đến Irène, nhưng cũng chính vì thế mà ông tự bắt mình phải im lặng, bởi có một phụ nữ đã bị bắt cóc và ông đã thề sẽ tìm ra cô ấy, còn sống. Viên thẩm phán biết điều đó, viên thẩm phán hiểu ông và rõ ràng, viên thẩm phán được lợi từ thái độ câm lặng này.

— Thôi được rồi, - Anh ta nói, vẻ hài lòng thấy rõ. - Giờ thì cái tôi đã nhường chỗ cho công việc, tôi nghĩ rằng ông có thể quay trở lại làm tiếp rồi đấy.

Camille sẽ giết hắn. Ông chắc chắn như vậy. Sẽ còn phải chờ nhưng thằng này, ông sẽ giết hắn. Tự tay giết.

Viên thẩm phán quay sang Le Guen trong lúc chuẩn bị đi khỏi:

— Tất nhiên là thưa ông cảnh sát trưởng, - Anh ta hơi nhấn giọng kiểu cách. - Ông phải liên tục báo tin cho tôi nhé.

— Có hai việc khẩn cấp, - Camille nói với nhóm của mình. - Thứ nhất là vẽ ra chân dung cái tên Trarieux này, cố hiểu cuộc đời hắn. Chính trong đời hắn ta sẽ tìm ra dấu vết cô gái này, có thể cả nhân thân cô ấy nữa. Bởi vì đó là vấn đề đầu tiên, ta vẫn chưa biết gì về cô ấy, cả cô ấy lẫn lý do khiến cô ấy bị bắt cóc. Điều này dẫn tới điểm thứ hai, sợi dây duy nhất chúng ta có thể lần theo, đó là những mối quan hệ của Trarieux mà ta có thể tìm được trong điện thoại của hắn, trên máy vi tính tuy là của con trai hắn nhưng hắn có sử dụng. Có vẻ cũng đã lâu rồi, xem lịch sử dùng máy thì cách đây đã nhiều tuần, nhưng đó là tất cả những gì chúng ta có.

Quá ít. Những điều duy nhất họ có thể chắc chắn vào thời điểm này đều đáng lo ngại. Chẳng ai có thể nói Trarieux định làm gì cô gái mà lại đi nhốt cô vào cái lồng treo đó nhưng, giờ đây khi hắn đã chết, thì không nghi ngờ gì nữa, cô sẽ không còn sống được lâu. Không ai dám nói thẳng ra bản chất của mối nguy, nó tên là chứng mất nước, là cái đói lả, ai cũng biết đó là những cái chết đau đớn, kéo dài bất tận. Đấy là còn chưa tính đến lũ chuột. Marsan là người đầu tiên lên tiếng. Đó là kỹ thuật viên sẽ đóng vai trò trung gian giữa đội Verhoeven và các nhóm kỹ thuật đang theo vụ này.

— Ngay cả nếu cô ấy còn sống lúc chúng ta tìm được, - Anh ta nói, - Chứng mất nước cũng có thể để lại những di chứng không thể chữa trị đối với hệ thần kinh. Các anh có cơ tìm thấy một món thực vật đấy.

Anh ta không dè chừng, ý tứ gì. Nhưng anh ta nói đúng, Camille nghĩ thầm. Mình thì mình không dám nói thế vì mình sợ và cứ sợ như thế mình sẽ chẳng thể nào tìm ra cô gái ấy. Ông thở hắt ra.

— Cái xe thì sao? - Ông hỏi.

— Đêm hôm qua đã được khám nghiệm chi tiết rồi, - Marsan vừa đáp vừa giở sổ tay ra xem. - Chúng tôi đã tìm thấy tóc và máu, tức là có ADN của nạn nhân nhưng vì trong hồ sơ không có nên chúng tôi vẫn không biết cô ấy là ai.

— Còn chân dung phác thảo?

Ở túi trong, Trarieux để một bức ảnh con trai hắn, chụp tại một hội chợ phiên. Anh ta đứng cạnh một cô gái, vòng tay ôm cổ cô ta nhưng bức ảnh bị lấm máu và, dù có thế nào thì nó cũng được chụp từ khá xa. Cô gái khá béo, không thể chắc có phải là cô kia hay không. Đống ảnh lưu trong điện thoại thì hứa hẹn hơn.

— Chắc sẽ có kết quả khả quan, - Marsan nói. - Đó là một cái điện thoại rẻ tiền nhưng có nhiều ảnh chụp mặt, từ nhiều góc độ khác nhau, gần như là tất cả những gì chúng tôi cần. Chiều nay các anh sẽ có thôi.

Việc phân tích địa điểm sẽ rất quan trọng. Trừ mỗi việc các bức ảnh đều được chụp theo kiểu gí sát hoặc rất sát, thành thử ta chỉ thấy được rất ít cái nơi người phụ nữ đang bị nhốt. Các kỹ thuật viên đã scan ảnh, họ đã tính toán, phân tích, phóng to, tìm kiếm…

— Vẫn chưa biết được chỗ này dùng để làm gì, - Marsan bình luận. - Căn cứ vào giờ giấc chụp các bức ảnh và chất lượng ánh sáng thì ta có thể chắc chắn nó ở hướng Đông Bắc. Tức là hướng cực kỳ thông dụng. Các bức ảnh không hề thể hiện phối cảnh, chiều sâu, thế nên không thể ước lượng kích thước các phòng. Ánh sáng chiếu từ trên xuống, có thể ước tính trần nhà cao ít nhất bốn mét. Có thể hơn, không biết được. Sàn nhà bằng bê tông, chắc chắn là có rò nước. Tất cả các ảnh đều được chụp trong ánh sáng tự nhiên, có lẽ là không có điện, về các dụng cụ mà kẻ bắt cóc sử dụng, căn cứ vào những gì ít ỏi mà ta thấy được, thì chẳng có gì đáng nói. Cái hòm làm bằng gỗ thô, loại phổ biến, ghép lại bằng lối bắt vít thông thường, cái vòng inox giữ phía trên nó rất thông dụng, cũng như sợi dây mà ta nhìn thấy, gai dầu kiểu cổ điển, chẳng có gì để nói. Có thể đoán rằng lũ chuột không phải thú nuôi. Như vậy, chúng ta phải tìm kiếm một tòa nhà bỏ không, xập xệ.

— Ngày giờ chụp các bức ảnh cho thấy Trarieux đến đó ít nhất hai lần một ngày, - Camille nói. - Vậy có thể thu hẹp phạm vi lại quanh ngoại ô Paris.

Quanh ông, mọi người gật đầu tán thành, Camille thấy rõ điều ông vừa nói ai cũng đã biết cả rồi. Thoáng chốc, ông tưởng chừng mình đang ở nhà với Doudouche, ông không còn muốn ở đây nữa, lẽ ra ông nên chấp nhận đổi người khi Morel về. Ông nhắm mắt lại. Hồi tâm.

Louis đề xuất giao cho Armand nhiệm vụ lập ra một bảng miêu tả ngắn gọn địa điểm dựa trên các chi tiết đã có, sau đó gửi đi khắp vùng Île-de-Franc, nhấn mạnh rằng vụ này hết sức khẩn cấp, Camille đáp là đồng ý, được, tất nhiên. Họ không ảo tưởng gì. Các thông tin ít ỏi đến mức chúng có thể tương ứng với gần ba phần tư các tòa nhà hiện có, đến mức, theo thông tin mà Armand lấy được từ các sở cảnh sát, quanh Paris có sáu mươi tư nơi bị xếp vào loại “đất hoang công nghiệp”, đấy là còn chưa kể hàng trăm khu nhà và tòa nhà rệu rã.

— Không có gì trên báo chứ? - Camille nhìn Le Guen, hỏi.

— Anh đùa đấy à?

Louis đã đi ra hành lang dẫn về phía cửa nhưng bỗng quay trở lại. Vẻ lo lắng.

— Dẫu sao thì… - anh nói với Camille. - Anh không thấy là làm một cô bé con cũng khá phức tạp à? Thậm chí không phải là hơi quá cao siêu đối với một kẻ như Trarieux sao?

— Không đâu Louis, chính cậu mới hơi quá cao siêu so với Trarieux ấy! Hắn đã không làm một “cô bé con” mà đó là ý tưởng của cậu, một chi tiết rất hay ho rút ra từ lịch sử, nó cho thấy cậu có học vấn, nhưng còn hắn, hắn đã không làm một cô bé con. Hắn chỉ làm một cái lồng thôi. Và nó quá nhỏ.

Le Guen nửa nằm nửa ngồi trên cái ghế phô tơi giám đốc của mình. Ông nhắm mắt lắng nghe Camille, trông cứ như thể ông đang ngủ. Đó là cách tập trung tinh thần của ông.

— Jean-Pierre Trarieux, - Camille nói, - sinh ngày 11 tháng Mười năm 1953, năm mươi ba tuổi. Có bằng thợ nguội, hành nghề hai mươi bảy năm tại các xưởng liên quan đến ngành hàng không (hắn khởi nghiệp ở hãng Sud Aviation vào năm 1970). Bị mất việc do tình hình kinh tế khó khăn vào năm 1997, thất nghiệp hai năm, rồi hắn tìm được một công việc thuộc bộ phận bảo trì ở bệnh viện René-Pontibiau, hai năm sau đó lại mất, lại phải nghỉ, tái thất nghiệp nhưng có chút thay đổi, vào năm 2002, hắn được nhận làm gác dan cho khu đất công nghiệp. Hắn rời căn hộ của mình đến sống tại nơi làm việc.

— Dữ tính hả?

— Tàn bạo. Hồ sơ làm việc của hắn nhắc tới những cuộc ẩu đả, kiểu như vậy, hắn thuộc loại nóng nảy lắm. Ít nhất thì đó cũng là điều chắc vợ hắn đã nghĩ. Roseline. Hắn cưới bà ta năm 1970. Bọn họ có một đứa con trai, Pascal, sinh cùng năm ấy. Từ đây câu chuyện bắt đầu trở nên thú vị, tôi sẽ quay lại sau.

— Không, - Le Guen ngắt lời, - Kể ngay đi.

— Thằng con trai đã biến mất. Hồi tháng Bảy năm ngoái.

— Kể thêm đi.

— Tôi còn đang đợi các chi tiết bổ sung, nhưng nhìn chung, cái tay Pascal ấy gần như xôi hỏng bỏng không trong mọi sự, trường cấp một, cấp hai, trung học kỹ thuật, học nghề, công việc. Thất bại toàn diện. Nó làm thợ, làm nghề chuyển nhà thuê, kiểu kiểu vậy. Không hề ổn định. Lão bố xin được cho nó vào làm cùng bệnh viện (năm 2000), hai bố con trở thành đồng nghiệp. Trong tình đoàn kết công nhân, bọn họ lại đồng thất nghiệp, cùng bị tống cổ vào năm sau đó. Khi lão bố xin được chân gác dan vào năm 2002, thằng con đến ở cùng. Nhắc lại nhé, dù sao nó cũng ba mươi sáu tuổi rồi, cái tay Pascal ấy! Ta đã thấy phòng của nó trong căn hộ của lão bố. Trò chơi điện tử, poster bóng đá và Internet rõ ràng toàn “các trang bậy bạ”. Nếu không tính đến hàng chục lon bia rỗng dưới gầm giường, thì đó là một căn phòng dành cho thiếu niên đúng nghĩa. Trong các cuốn tiểu thuyết, gặp trường hợp như vậy, nếu sợ độc giả không hiểu thì sau từ “thiếu niên” người ta thường thêm từ “chậm phát triển”. Rồi đột nhiên, tháng Bảy năm 2006, lão bố tuyên bố thằng con trai mất tích.

— Có điều tra chứ?

— Cũng có thể gọi là như vậy. Lão bố lo lắng. Còn bên cảnh sát, trước hoàn cảnh như vậy, họ tránh trớ liền. Thằng con trai đã bỏ trốn cùng một đứa con gái, mang theo quần áo, vật dụng cá nhân và tiền trong tài khoản của lão bố, sáu trăm hai mươi ba euro, anh hiểu rồi đấy… Thế nên, ở chỗ cảnh sát, người ta chỉ dẫn cho lão bố. “Tìm kiếm vì quyền lợi của gia đình.” Mở rộng ra toàn vùng, không tìm được gì. Đến tháng Ba, mở rộng ra toàn quốc, vẫn chẳng tìm được gì. Trarieux kêu gào như một thằng điên, hắn muốn có một kết luận. Thế là vào đầu tháng Tám, một năm sau khi thằng con trai biến mất, người ta gửi đến cho hắn “chứng nhận tìm kiếm không có kết quả”. Cho đến tận bây giờ, thằng con trai vẫn chưa thấy xuất hiện trở lại. Tôi cho rằng khi biết tin bố nó đã chết, nó sẽ mò về.

— Thế còn bà mẹ thì sao?

— Trarieux đã ly dị vào năm 1984. Nói đúng ra thì bà mẹ mới là người đòi ly dị, bạo lực gia đình, đánh đập, nghiện rượu. Thằng con trai ở với bố. Có vẻ hai tay ấy sống với nhau rất hòa thuận. Ít nhất là cho đến lúc tay Pascal quyết định té. Bà mẹ đã lấy chồng mới, sống ở Orléans. Bà… (ông lục sổ nhưng không tìm thấy), thôi được rồi, chẳng quan trọng, dù gì thì tôi cũng đã cho người đi tìm bà ta, họ sẽ dẫn bà ta đến gặp tôi.

— Còn gì nữa không?

— Có, điện thoại di động của Trarieux đăng ký đường dây chuyên nghiệp. Chủ của hắn muốn có thể gọi được cho hắn vào bất kỳ lúc nào, cho dù hắn ở đâu. Phân tích rồi thì thấy hầu như hắn không hề dùng điện thoại, gần như tất cả các cuộc gọi là cho chủ hắn hoặc vì các “yêu cầu công việc”, như người ta hay nói. Và rồi, bỗng nhiên, hắn bắt đầu gọi điện thoại. Không nhiều lắm, nhung như vậy là rất mới mẻ. Khoảng chục số máy đột nhiên xuất hiện trong máy của hắn, hắn gọi cho họ một, hai, ba lần…

— Vậy thì sao?

— Vậy thì làn sóng gọi điện đột nhiên này bắt đầu hai tuần sau khi có cái chứng nhận “tìm kiếm không có kết quả” liên quan đến con trai hắn, và ngừng hẳn ba tuần trước khi cô gái bị bắt cóc.

Le Guen nhíu mày. Camille đề xuất một giả thiết:

— Trarieux nhận ra rằng cảnh sát chẳng thèm làm gì, thế là hắn tự tiến hành cuộc điều tra.

— Anh nghĩ cô gái trong lồng của chúng ta chính là người đã cùng con trai hắn chuồn mất à?

— Đúng, tôi nghĩ thế.

— Anh từng nói trên ảnh đó là một cô béo. Cô gái của chúng ta có béo đâu.

— Một cô béo, một cô béo… Cô ta có thể giảm cân, tôi biết làm sao được. Dẫu thế nào thì tôi vẫn nghĩ đó cùng là một người. Còn bây giờ, nếu phải nói cho anh biết cái tay Pascal đang ở đâu thì…


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx