sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Anna Karenina (Tập 1) - Phần 1 - Chương 03

Levin đột nhiên đỏ mặt, không phải như kiểu người lớn tuổi, chỉ hời hợt bên ngoài, tự mình không hay, mà như một chú bé cảm thấy tính nhút nhát làm cho mình đâm lố bịch, và do đó, lại càng đỏ mặt hơn, tựa hồ sắp phát khóc. Thật khổ tâm khi nhận thấy trên bộ mặt thông minh và trai tráng ấy một vẻ quá con nít như vậy, đến nỗi Oblonxki phải quay nhìn đi chỗ khác.

- Phải, vậy chúng ta có thể gặp nhau ở đâu? Mình có chuyện nhất thiết phải nói với cậu, - Levin nói. Oblonxki ra vẻ đăm chiêu suy nghĩ.

- Mình đề nghị với cậu thế này: đến hiệu Gurin ăn trưa, ta sẽ có thể trò chuyện được. Mình còn rỗi cho đến ba giờ.

- Không, - Levin đáp sau một lúc suy nghĩ. - Mình còn phải đi đằng này.

- Vậy thì ta ăn chiều với nhau nhé.

- Ăn chiều ư? Nhưng câu chuyện mình nói với cậu chả có gì đặc biệt đâu: chỉ hai câu thôi; ta sẽ nói chuyện sau vậy.

- Được, cậu nói hai câu của cậu cho mình nghe đi, rồi đến bữa chiều ta sẽ bàn thêm.

- Thế này nhá, - Levin nói. - Vả lại, cũng chả có gì đặc biệt đâu. - Mặt chàng đột nhiên cau lại, do phải cố vượt lên thói nhút nhát.

- Gia đình Serbatxki hiện làm gì? Không có gì thay đổi chứ? - chàng hỏi.

Xtepan Arcaditr từ lâu đã biết Levin mê cô em vợ mình là Kitti(8) nên thoáng mỉm cười và cặp mắt ông vụt long lanh vui thích.

(8) Tên gọi theo tiếng Anh của Ecaterina.

- Quả là cậu đã nói với mình có hai câu thật, nhưng mình không thể trả lời cậu vắn tắt như thế được, bởi vì... Xin lỗi cậu một lát...

Viên thư ký bước vào, với cái vẻ thân tình kính cẩn, và cái ý thức khiêm tốn chung của mọi người thư ký tự biết mình thạo công việc hơn hẳn thủ trưởng; anh ta mang giấy tờ đến cho Oblonxki và dùng hình thức câu hỏi để giải thích cho ông một chỗ khó xử. Xtepan Arcaditr không đợi anh ta nói hết, thân mật đặt tay lên tay áo viên thư ký.

- Không, ông cứ làm như tôi đã dặn, - ông nói, mỉm cười để làm nhẹ bớt lời phán đó, và sau khi cắt nghĩa tóm tắt ý kiến của mình về vấn đề ấy, ông đẩy chồng giấy ra và bảo: - ông cứ làm như thế cho, ông Zacari Nikititr ạ.

Viên thư ký ngượng ngập, rút lui. Trong khi họ nói chuyện, Levin đã hoàn toàn bình tĩnh lại; chàng vẫn đứng tỳ khuỷu tay vào chiếc ghế tựa, và nét mặt lộ vẻ chăm chú mỉa mai.

- Mình không hiểu, mình không hiểu, - chàng nói.

- Cậu không hiểu cái gì? - Oblonxki mỉm cười vui vẻ hỏi và lấy ra một điếu thuốc lá. Ông chờ Levin thốt ra một điều gì kỳ cục.

- Nhưng mình không hiểu các cậu làm cái gì thế, - Levin nhún vai nói. - Làm sao mà cậu có thể làm việc đó nghiêm túc được nhỉ?

- Tại sao?

- Vì... cậu chả có việc gì phải làm cả.

- Cậu tưởng thế chứ, tụi mình đang bù đầu vì công việc đấy.

- Toàn chuyện giấy tờ cả thôi; nhưng cậu có khiếu về mặt ấy đấy, - Levin nói thêm.

- Nghĩa là cậu cho rằng mình còn thiếu một cái gì phải không?

- Có thể, - Levin nói. - Nhưng dù sao mình vẫn thán phục cái điệu bộ trịnh trọng của cậu và hãnh diện có được người bạn là một nhân vật quan trọng đến thế. Với lại cậu chưa trả lời câu hỏi của mình, - chàng nói tiếp, gắng tự chủ để nhìn thẳng vào mắt Oblonxki.

- Được, được, không chóng thì chầy thế nào rồi cũng đến lượt cậu cho mà xem. Chừng nào cậu còn có ba ngàn mẫu trong quận Karazino, bắp thịt còn rắn chắc như bây giờ và tươi tắn như một em bé gái mười hai tuổi, thì mọi việc đều êm đẹp, nhưng cả cậu nữa, rồi cậu cũng đến như bọn mình thôi. Còn điều cậu hỏi mình, thì chẳng có gì thay đổi cả, nhưng có điều đáng tiếc là cậu bẵng đi quá lâu không đến chơi đằng ấy.

- Tại sao, - Levin sợ hãi hỏi.

- Bởi vì... - Oblonxki đáp. - Ta sẽ nói chuyện đó sau. Cậu về đây có việc gì?

- Điều đó ta cũng sẽ nói chuyện sau, - Levin nói, mặt đỏ dừ lên.

- Được, mình hiểu rồi, - Xtepan Arcaditr nói. - Cậu ạ, lẽ ra mình định mời cậu về nhà kia đấy, nhưng vợ mình lại hơi mệt. Nếu cậu muốn gặp họ, chắc chắn là từ bốn giờ đến năm giờ thế nào họ cũng có mặt ở vườn thú đấy, Kitti vẫn trượt băng tại đó. Cậu cứ đến đấy, mình sẽ tới tìm cậu và ta sẽ cùng đi ăn chiều với nhau.

- Tốt lắm, vậy thì lát nữa nhé.

- Coi chừng đấy, mình biết cậu lắm: cậu có thể quên phắt đi hoặc đùng đùng trở về nông thôn! - Xtepan Arcaditr cười, nói to với Levin.

- Không, nhất định mình sẽ đến. - Và Levin rời khỏi phòng làm việc, đúng lúc bước ra khỏi cửa chàng mới sực nhớ là đã quên không chào các bạn đồng sự của Oblonxki.

- Ông ấy có vẻ cương nghị lắm, - Grinevitr nói, khi Levin đi khỏi.

- Phải, ông bạn thân mến ạ, - Xtepan Arcaditr gật đầu nói, - đó là một anh chàng sung sướng! Ba nghìn mẫu ở quận Karazino! Trước mặt cậu ta có tất cả, con người mới tươi tắn làm sao! Thật không giống như chúng ta đây...

- Ông thì cũng chả có gì phải phàn nàn, ông Xtepan Arcaditr ạ.

- Có chứ, mọi việc đều lung tung beng, - Xtepan Arcaditr vừa nói vừa thở dài.

6

Khi Oblonxki hỏi chàng đến Moxcva có việc gì, Levin đỏ mặt rồi lại tự giận mình vì đã đỏ mặt, bởi lẽ chàng không thể trả lời: “Mình đến xin cưới cô em vợ cậu đấy.” Vậy mà, chàng ra đây chỉ vì cái việc duy nhất ấy. Hai gia đình Levin và Serbatxki, hai gia đình quý phái lâu đời ở Moxcva luôn đi lại thân thiết với nhau. Mối quan hệ đó càng thêm khăng khít trong những năm Levin đi học. Chàng chuẩn bị thi và vào trường Đại học cùng một lúc với hoàng thân trẻ tuổi Serbatxki, anh của Doli và Kitti. Thời kỳ đó, Levin rất năng lui tới nhà Serbatxki và mê tất cả nhà. Kể ra thì cũng thật kỳ dị, nhưng quả là Conxtantin Levin phải lòng tất cả gia đình, và đặc biệt là phái nữ trong nhà Serbatxki. Levin không còn giữ được kỉ niệm nào về mẹ mình, và chàng chỉ có một người chị, thành thử chính ở nhà Serbatxki, chàng đã làm quen với cái môi trường phong nhã và học thức của những gia đình quý phái lâu đời, mà vì bố mẹ mất sớm, chàng không được hưởng. Tất cả những người trong gia đình ấy, và chủ yếu là phái nữ, đối với chàng, dường như có một vầng hào quang thơ mộng và huyền bí bao quanh, chẳng những chàng không hề nhìn thấy ở họ một khuyết điểm nào, ngược lại, chính là để có ánh hào quang thơ mộng đó mà chàng gán cho họ những hoài bão cao cả nhất và tất cả những gì toàn thiện toàn mỹ có thể có trên đời. Tại sao ba cô tiểu thư trẻ măng kia cứ phải xen kẽ một ngày nói tiếng Pháp rồi lại một ngày nói tiếng Anh? Tại sao vào những giờ nào đó, các cô cứ thay nhau ngồi vào dương cầm, tiếng đàn vẳng lên mãi tận phòng anh trai, nơi tốp thanh niên đang học tập? Tại sao các giáo sư dạy văn học Pháp, âm nhạc, hội họa và khiêu vũ cứ diễu đi diễu lại trong nhà? Tại sao, cứ đúng vào một giờ cố định, ba tiểu thư lại mặc áo choàng xatanh (Doli mặc một cái dài lê thê, Natalia một cái dài vừa và Kitti một cái ngắn tũn lộ cả đôi chân thon lẳn đi tất đỏ căng) cùng cô Linong(9) đi xe ngựa đến tận đại lộ Tve? Tại sao các tiểu thư cứ phải dạo chơi trên đại lộ Tve dưới sự hộ tống của tên hầu đeo phù hiệu vàng óng trên mũ? Tất cả những điều đó, chàng đều không hiểu nổi, cũng như phần lớn sự kiện xảy ra trong thế giới huyền bí của họ, nhưng chàng biết chắc tất cả những gì xảy ra ở đó đều tuyệt diệu và đúng là chàng đã mê cái không khí huyền bí đang bao quanh họ. Trong những năm ở trường Đại học, chàng suýt phải lòng cô chị cả Doli, nhưng người ta đã sớm gả cô cho Oblonxki. Thế là chàng bắt đầu mê cô em. Chàng lờ mờ cảm thấy mình phải mê một trong mấy chị em mà không thể xác định dứt khoát là cô nào. Nhưng lại đến lượt Natalia, ngay sau khi xuất hiện trong giới thượng lưu, đã lấy luôn nhà ngoại giao Lvop. Khi Levin rời khỏi trường Đại học thì Kitti hãy còn là một cô bé. Chàng Serbatxki trẻ tuổi gia nhập hải quân, đã bị chết đuối ở biển Ban Tích, và sự lui tới giữa Levin với gia đình Serbatxki thưa dần, mặc dầu tình bạn của chàng đối với Oblonxki vẫn thân thiết. Nhưng vào đầu mùa đông năm nay, sau một năm ở nông thôn, khi Levin đến Moxcva và gặp lại gia đình Serbatxki, chàng chợt hiểu duyên số đã định mình phải yêu người nào trong ba chị em. Cứ xét bề ngoài thì đối với chàng, chẳng có gì đơn giản hơn việc hỏi quận chúa Serbatxki làm vợ: ba mươi hai tuổi, con nhà gia thế, nói cho đúng là giàu có, xem ra rất có thể người ta sẽ coi chàng là một đám tốt. Nhưng Levin yêu Kitti và đối với chàng, Kitti dường như hoàn hảo hết sức về mọi phương diện, một con người vượt hẳn lên trên mọi sự ngẫu nhiên, còn bản thân chàng thì tự coi mình chẳng ra gì và quá ư phàm tục, đến nỗi ngay cả trong ý nghĩ, chàng cũng không sao hình dung nổi mọi người và bản thân Kitti lại có thể coi chàng là xứng đôi với nàng được.

(9) Đây là nữ gia sư của các tiểu thư nhà Serbatxki. Ở các nước phương Tây, chữ “cô” để chỉ tất cả những người đàn bà không chồng, không phân biệt trẻ hay già.

Sau khi sống ở Moxcva hai tháng như trong giấc mộng, hầu như ngày nào cũng gặp Kitti trong giới xã giao, nơi chàng đến để tìm gặp nàng, bỗng nhiên Levin cả quyết là chuyện không thể thành được và trở về trang trại. Chàng tin chắc cha mẹ nàng đánh giá mình chưa đủ điều kiện là chàng rể xứng với Kitti kiều diễm, và chính Kitti cũng không thể nào yêu chàng. Dưới mắt cha mẹ Kitti, chàng không có công việc thường xuyên và dứt khoát nào cả, chẳng có địa vị gì trong giới thượng lưu, trong khi các bạn bè, vào lúc chàng đã ba mươi hai tuổi đầu, người là đại tá cận vệ, người là giáo sư, kẻ là giám đốc ngân hàng hay giám đốc hỏa xa, hoặc chánh án như Oblonxki; còn chàng (chàng biết rất rõ những điều người ta có thể nghĩ về mình), chàng chỉ là anh điền chủ, nuôi bò cái, săn chim dẽ, xây nhà dựng cửa; vậy chàng chỉ là kẻ bất tài, không làm gì nên thân và trước mắt xã hội, chẳng kiếm được công việc gì khác ngoài những chuyện dành cho bọn vô tích sự. Bản thân Kitti, huyền bí và xinh đẹp, làm sao có thể yêu một anh con trai xấu như vậy (chàng tự cho là xấu trai), nhất là lại thô sơ và tầm thường đến thế. Hơn nữa, những quan hệ cũ giữa chàng với Kitti (những quan hệ giữa một người lớn hẳn hoi với một cô bé, hậu quả tình bạn giữa chàng với anh trai Kitti), đối với chàng, hình như cũng là một trở ngại khác cho mối tình. Một gã thanh niên trung thực, mã người chẳng có gì là ưa nhìn (chàng tự xét mình như thế), có thể khiến người ta muốn đánh bạn - chàng nghĩ bụng - nhưng muốn được yêu như chàng đã yêu Kitti, thì cần phải điển trai và nhất là phải... độc đáo. Chàng từng nghe nói phụ nữ thường hay yêu những anh đàn ông xấu xí và kém cỏi, nhưng chàng không tin vì chàng cứ suy từ bụng mình thì biết, chàng chỉ có thể yêu một người đàn bà đẹp, huyền bí và độc đáo. Tuy nhiên, sau hai tháng sống một mình ở nông thôn, chàng xác định rõ lối sống đó không còn là một cám dỗ tương tự như hồi còn trẻ măng, cảm giác đó không để chàng yên ổn lấy một phút, chàng sẽ không thể sống nổi nếu chưa được biết đích xác liệu nàng có thể trở thành vợ mình hay không, nỗi tuyệt vọng của chàng mới chỉ là do tưởng tượng thôi và chưa có gì chứng tỏ chàng sẽ bị từ chối. Thế là chàng đáp xe lửa đi Moxcva với quyết tâm sẽ tỏ tình và sẽ cưới nàng nếu được đồng ý. Hoặc là... nhưng chàng không dám nghĩ đến những điều sẽ xảy đến với mình, nếu bị cự tuyệt.

7

Tới Moxcva bằng chuyến xe lửa sáng, Levin ghé vào nhà ông anh cùng mẹ khác cha Coznưsev. Sau khi thay quần áo, chàng đến phòng anh định kể ngay cho ông rõ tại sao chàng đến Moxcva và hỏi ý kiến ông, nhưng anh chàng không phải chỉ có một mình. Trong phòng còn có một giáo sư triết học nổi tiếng, từ Kharcov đến, với chủ đích làm sáng tỏ sự hiểu lầm nảy ra giữa hai người về một luận điểm triết học rất trọng yếu. Ông giáo sư đang tiến hành một cuộc bút chiến sôi nổi, công kích các nhà duy vật chủ nghĩa và Xergei Coznưsev rất quan tâm theo dõi cuộc bút chiến. Sau khi đọc bài báo gần đây nhất của giáo sư, ông gửi thư phản đối giáo sư về một vài điểm: ông trách giáo sư nhượng bộ phái duy vật nhiều quá. Và vị giáo sư lập tức đến đây để thanh minh. Đó là một vấn đề thời sự nóng hổi: có ranh giới nào giữa những hiện tượng tâm lý và sinh lý trong sinh hoạt của con người không và nó ở vào chỗ nào? Xergei Ivanovitr tiếp đón em trai với nụ cười đáng yêu và lạnh lùng thường ngày của ông, và sau khi giới thiệu chàng với giáo sư, lại tiếp tục câu chuyện. Người đàn ông nhỏ bé đeo kính, trán hẹp, ngừng một giây để chào Levin rồi lại tiếp tục chứng minh, chẳng buồn mảy may để ý đến chàng. Levin ngồi xuống chờ cho giáo sư đi khỏi, nhưng chẳng mấy chốc chàng bị lôi cuốn ngay vào câu chuyện. Chàng đã đọc những bài báo đó đăng trên các tạp chí và quan tâm đến chúng như một người nghiên cứu khoa vạn vật ở trường Đại học quan tâm đến sự phát triển của môn học này, nhưng chưa bao giờ chàng đem những điều suy diễn khoa học về nguồn gốc con người với tính cách là động vật, về những phản xạ, về sinh học và xã hội học, đối chiếu với những vấn đề ngày càng khiến chàng bận tâm: ý nghĩa của sự sống và cái chết. Lắng nghe cuộc tranh luận, chàng thấy hai bên đang xác lập mối liên hệ giữa khoa học và những vấn đề có dính líu đến tâm hồn. Nhiều lần, họ suýt đề cập đến những vấn đề này, nhưng cứ mỗi lần mon men gần tới cái điều Levin cho là chủ yếu, họ lại hấp tấp lảng xa để rồi lại lao vào lĩnh vực những nét phân biệt tinh vi, những phản bác, trích dẫn, điển cố, dẫn chứng và chàng vất vả lắm mới hiểu họ đang bàn chuyện gì!

- Tôi không thể thừa nhận, - Xergei Ivanovitr nói rành rọt, khúc chiết và trang nhã như thường thấy trong ngôn ngữ của ông, - trong bất kỳ trường hợp nào, tôi cũng không thể thừa nhận như Két rằng tất cả những điều tôi hình dung về thế giới bên ngoài là do cảm giác mà ra. Khái niệm cơ bản về con người không phải đến với tôi bằng giác quan, vì chẳng có cơ quan đặc biệt nào để truyền đạt ý niệm đó cả.

- Phải, nhưng cả Vuyếcxt, cả Cnovxc và cả Pripaxov đều sẽ trả lời rằng ý thức về con người của ông là do sự giao tiếp của cảm giác, nó chỉ là sản phẩm của cảm giác. Thậm chí, Vuyếcxt còn nói dứt khoát là hễ không còn cảm giác thì cũng không còn ý thức về con người nữa.

- Ngược lại, tôi cho rằng... - Xergei Ivanovitr mở đầu.

Nhưng một lần nữa, Levin cảm thấy, giữa lúc hơi đụng đến vấn đề chủ yếu, họ lại né ra; chàng quyết định hỏi vị giáo sư:

- Vậy nếu cảm giác của tôi chìm đắm vào chốn hư vô, nếu thể xác tôi chết đi, thì không thể có cuộc sống nữa chăng? - Chàng hỏi.

Giáo sư có vẻ phật ý và như bị tổn thương về tinh thần vì câu phá ngang đó: ông đưa mắt nhìn kẻ nói leo, hắn giống phu kéo thuyền hơn là triết gia, và lại nhìn Xergei Ivanovitr như để hỏi xem nên trả lời thế nào. Nhưng Xergei Ivanovitr tuyệt nhiên không nghiệt ngã như giáo sư: trong óc ông có đủ cả câu trả lời giáo sư, lẫn sự thông cảm với cái quan điểm đơn giản và tự nhiên dẫn đến câu hỏi đó; ông mỉm cười nói:

- Chúng ta không có đủ luận cứ, - vị giáo sư nhấn mạnh thêm và tiếp tục trình bày luận điểm của mình. - Không, - ông nói, - tôi cho rằng nếu cảm giác cũng dựa trên ấn tượng như Pripaxov đã nói thì chính vì thế mà ta càng phải phân biệt rõ ràng hai khái niệm ấy.

Levin không nghe nữa và chờ giáo sư đi khỏi.

8

Khi giáo sư đã ra về, Xergei Ivanovitr quay lại phía cậu em.

- Tôi rất mừng thấy chú lên chơi. Chú ở đây có lâu không? Công việc trang trại ra sao?

Levin biết ông anh rất ít quan tâm đến chuyện trang trại và ông hỏi chỉ vì phép lịch sự, cho nên chàng cũng chỉ nói chuyện bán lúa mì và thu nợ thôi. Levin có ý nói với anh về dự định thành lập gia đình và muốn hỏi ý kiến ông; thậm chí chàng còn quyết tâm thế nào cũng nói. Nhưng khi gặp anh, theo dõi cuộc nói chuyện của ông với giáo sư, rồi lại nghe ông hỏi thăm tình hình quản lý trang trại với cái giọng vô tình mà thành ra kẻ cả (của cải của mẹ để lại không chia và chính Levin quản lý toàn bộ), Levin cảm thấy không thể ngỏ cho anh biết dự định lấy vợ của mình được nữa. Chàng cảm thấy ông anh sẽ không nhìn nhận vấn đề như chàng mong muốn.

- Công việc của hội đồng tự trị chỗ chú ra sao? - Xergei Ivanovitr hỏi, ông vốn rất quan tâm đến những thí nghiệm về hành chính địa phương mà ông cho là rất quan trọng.

- Em hoàn toàn chẳng biết tí gì.

- Sao hả?... Chú là ủy viên hội đồng kia mà?

- Không, em không phải là ủy viên nữa; em xin từ chức rồi, - Levin đáp, - và em không đi họp nữa.

- Thật đáng tiếc! - Xergei Ivanovitr cau mày nói. Để tự bào chữa, Levin bắt đầu kể những việc người ta thường làm trong các cuộc họp của hội đồng tự trị ở quận chàng.

- Bao giờ cũng vẫn vậy! - Xergei Ivanovitr ngắt lời chàng, - người Nga chúng ta bao giờ cũng thế! Có lẽ khả năng nhìn thấy khuyết điểm của bản thân mình là mặt tốt của tính tình chúng ta, nhưng chúng ta đã đi quá trớn: ta khoái trá với cái chất châm biếm mà bao giờ ta cũng có thừa. Tôi chỉ cần nói với chú điều này thôi: nếu người ta cho một dân tộc khác ở châu Âu, như người Đức, người Anh chẳng hạn, được hưởng cũng những quyền hạn đó, cũng những chế độ địa phương đó, họ sẽ biến những cái đó thành tự do, còn chúng ta thì chỉ biết đem ra chế giễu.

- Biết làm thế nào được? - Levin nói với vẻ mặt phạm lỗi. - Đó là lần thí nghiệm cuối cùng của em. Em đã cống hiến tất cả sức lực vào đó. Em không thể chịu được nữa, em là kẻ bất tài.

- Chú không phải là kẻ bất tài đâu, - Xergei Ivanovitr nói, - nhưng chú không nhìn vấn đề với một quan điểm đứng đắn.

- Có lẽ thế, - Levin đáp, giọng buồn buồn.

- Chú có biết là chú Nicolai nhà ta đã trở về chưa? - Nicolai là anh ruột Conxtantin Levin và em cùng mẹ khác cha với Xergei Ivanovitr. Đó là con người bỏ đi: anh ta phung phí phần lớn gia sản, đàn đúm với một bọn người kỳ lạ, tư cách chẳng ra gì và xích mích với anh em ruột.

- Anh bảo sao? - Levin hoảng hốt thốt lên. - Sao anh biết?

- Procov trông thấy chú ấy ngoài phố.

- Ở Moxcva này ấy à? Anh ấy ở đâu? Anh có biết không? - Levin đứng dậy như định đi ngay.

- Tôi tiếc là đã nói với chú điều đó, - Xergei Ivanovitr nói và lắc đầu khi thấy vẻ bối rối của cậu em út. - Tôi đã cho người đi hỏi xem chú ấy ở đâu và tôi đã nhờ gửi tới tận tay chú ấy lá hối phiếu nhà Trubin mà tôi trả tiền rồi. Đây là thư chú ấy trả lời.

Và Xergei Ivanovitr lấy ở dưới cái chặn giấy ra một lá thư, chìa cho em xem. Levin đọc mảnh giấy đặc sịt một thứ chữ kỳ quặc và quen thuộc: “Tôi xin mọi người để cho tôi được yên thân. Tôi chỉ yêu cầu các ông anh, ông em thân mến của tôi có thế. Nicolai Levin.”

Đọc xong bức thư, Levin cứ đứng nguyên trước mặt Xergei Ivanovitr, đầu cúi gằm, mảnh giấy trong tay. Trong tâm hồn chàng, ý muốn tạm quên người anh khốn khổ kia đang vật lộn với ý thức biết như thế là sai.

- Rõ ràng nó muốn sỉ nhục tôi, - Xergei Ivanovitr nói, - nhưng nó không đủ sức làm thế, còn tôi, với tất cả tấm lòng, tôi muốn giúp nó, nhưng biết không thể được.

- Vâng, vâng, - Levin nhắc lại. - Em hiểu và em tán thành thái độ của anh đối với anh ấy; dù sao em cũng phải đi gặp anh ấy!

- Tuy tôi muốn can chú là không nên, nhưng nếu chú muốn, thì chú cứ việc đến, - Xergei Ivanovitr nói. - Về phần tôi, tôi chả lo: nó không làm anh em mình bất hòa được đâu; nhưng tôi khuyên chú tốt hơn hết là đừng đến đó. Không giúp gì được cho nó đâu. Nhưng thôi, chú muốn làm thế nào thì tùy.

- Có thể là không giúp nổi anh ấy, nhưng em cảm thấy, nhất là trong lúc này (nhưng điều đó lại là chuyện khác), em cảm thấy em sẽ không yên tâm nếu...

- Tôi không hiểu chú ra sao cả, - Xergei Ivanovitr nói, - tôi chỉ hiểu có một điều, - ông nói thêm: - đó là một bài học nhục nhằn. Từ khi chú Nicolai nhà ta thành con người như bây giờ, tôi trở nên rộng lượng hơn đối với cái mà người ta gọi là sự đê mạt... Chú có biết nó đã làm những gì không?

- Chao! Thật ghê gớm! Ghê gớm! - Levin nhắc đi nhắc lại.

Sau khi hỏi người hầu phòng của Xergei Ivanovitr địa chỉ anh trai, Levin định đến đấy ngay, nhưng chàng lại thay đổi ý kiến, quyết định hoãn cuộc đi thăm đến tối. Muốn cho tâm trí thanh thản, trước hết chàng cần giải quyết vấn đề đã khiến chàng tới Moxcva. Từ nhà ông anh, chàng lại thẳng tòa án của Oblonxki và sau khi biết nơi gia đình Serbatxki thường tới vui chơi, chàng đi luôn đến chỗ người ta bảo có thể gặp được Kitti.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx