sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Anna Karenina (Tập 1) - Phần 2 - Chương 11

27

Anna đang ở trên gác; đứng trước gương, nàng đang nhờ Annusca giúp một tay đính nốt cái nơ cuối cùng vào áo dài, thì nghe thấy tiếng bánh xe nghiến trên đá sỏi trước thềm.

“Betxi đâu có đến sớm quá thế, nàng nghĩ và nhìn qua cửa sổ, thấy cỗ xe ngựa thò ra chiếc mũ đen và đôi tai quá quen thuộc của chồng. Ồ! Thật rủi chưa! Mong sao lão ta đừng ngủ lại!” Nàng tự nhủ, và quá lo sợ về hậu quả có thể xảy tới của cuộc thăm này, nàng không kịp để một phút suy nghĩ, đi ngay ra đón chồng với bộ mặt hớn hở. Cảm thấy mình buông xuôi theo cái ý thức dối trá và mưu mẹo đã thành thông lệ, nàng lập tức làm theo ý thức đó và bắt đầu nói mà không biết mình sẽ nói gì.

- A! Tốt quá! - nàng nói, chìa tay cho chồng và mỉm cười với Xliuđin vốn đã là người thân trong nhà. - Mình ngủ lại đây đêm nay nhé? (đó là câu đầu tiên do thói mưu mẹo xui nàng nói). - Chúng ta cùng đi bây giờ. Thật đáng tiếc là em lại trót hẹn với Betxi. Chị ấy sắp đến đón em.

Alecxei Alecxandrovitr cau mày khi nghe nhắc đến tên Betxi.

- Ồ! Tôi đâu muốn chia rẽ đôi bạn gắn bó keo sơn, - ông nói với giọng nhạo báng thường lệ. - Tôi sẽ đi với Mikhain Vaxiliêvich. Bác sĩ dặn phải vận động thân thể. Tôi sẽ đi bộ một quãng và tưởng tượng như mình đang chạy đua.

- Nhưng đã vội gì đâu, - Anna nói. - Các ông xơi trà nhé! - nàng rung chuông.

- Mang trà ra và bảo với cậu Xergei, ông đã tới. Thế nào, sức khỏe của mình ra sao? Mikhain Vaxiliêvich, ông chưa đến chơi đây lần nào, ông xem cái bao lơn tôi thu dọn đẹp đấy chứ, - nàng nói, lúc với chồng, lúc với khách. Nàng nói giản dị, tự nhiên, nhưng quá nhiều và quá nhanh. Nàng cũng cảm thấy thế và nhất là trước cái nhìn tò mò của Mikhain Vaxiliêvich, nàng như thấy ông ta đang quan sát mình.

Mikhain Vaxiliêvich, ngay sau đó, đi ra sân thượng. Nàng ngồi xuống cạnh chồng.

- Trông nét mặt mình không được khỏe lắm, - nàng nói.

- Phải, - ông trả lời, - hôm nay bác sĩ có đến thăm và làm tôi mất một tiếng đồng hồ. Tôi chắc có người bạn thân nào đó đã nhờ ông ta đến thăm: sức khỏe của tôi quý giá đến thế đấy...

- Ông ta bảo gì mình? - Nàng hỏi han chồng về sức khỏe, công việc, khuyên nên nghỉ ngơi và đến ở với mình.

Nàng nói những điều đó một cách vui vẻ, nhanh nhảu, và với một ánh kỳ lạ trong khóe mắt: nhưng Alecxei Alecxandrovitr giờ đây không hề chú ý đến giọng nói đó. Ông chỉ nghe lời nói và chỉ hiểu theo nghĩa trực tiếp. Ông trả lời giản dị mặc dầu vẫn châm biếm. Chuyện trò không có gì đặc biệt, nhưng sau này, Anna không bao giờ nhớ tới cuộc trao đổi ngắn ngủi đó mà không cảm thấy một nỗi hổ thẹn day dứt. Xerioja theo bà gia sư đi vào. Giá Alecxei Alecxandrovitr chú ý quan sát, hẳn ông sẽ nhận thấy cặp mắt rụt rè ngơ ngác của chú bé hết nhìn bố lại quay sang mẹ. Nhưng ông không muốn thấy gì và quả cũng không thấy gì hết.

- Thế nào, chàng trai trẻ! Nó lớn nhỉ. Đúng thế, nó thành người lớn hẳn hoi rồi đấy. Chào chàng trai trẻ! - Và ông chìa tay cho chú bé Xergei đang khiếp sợ. Đứa trẻ, xưa nay, đối với bố vẫn nhút nhát, nay lại càng tránh mặt Alecxei Alecxandrovitr từ khi ông gọi nó là “chàng trai trẻ” và từ khi nó hoài công tự hỏi xem Vronxki là bạn hay là thù. Nó quay về phía mẹ, như muốn cầu xin che chở. Nó chỉ thoải mái khi gần mẹ. Alecxei Alecxandrovitr lúc đó đã bắt chuyện với bà gia sư, tay vẫn nắm lấy vai con khiến cho Xerioja khổ sở và ngượng nghịu đến nỗi Anna tưởng như nó sắp phát khóc. Lúc nãy, nàng đã đỏ mặt khi thấy con vào: bây giờ thấy nó lúng túng, nàng vội đứng dậy, nhấc tay chồng khỏi vai thằng bé, ôm hôn và dắt nó ra sân thượng, rồi quay trở vào ngay.

- Bây giờ đến giờ rồi, - nàng nói, liếc nhìn đồng hồ. - Không hiểu sao Betxi vẫn chưa thấy đến?

- Phải, - Alecxei Alecxandrovitr nói, đứng dậy chắp hai tay lại bẻ khục. - Tôi mang cả tiền đến cho mình nữa, vì chỉ có lồng sao nuôi sống nổi chim. Chắc mình cần tiền chứ?

- Không... à có! - nàng nói, không nhìn ông và mặt đỏ dừ. - Sau cuộc đua, mình trở về đây chứ?

- Có chứ! - Alecxei Alecxandrovitr trả lời. - Quận chúa Tverxcaia, niềm vinh dự của Peterburg kia rồi, - ông nói thêm khi nhìn qua cửa sổ thấy cỗ xe ngựa kiểu Anh có hòm xe nhỏ xíu cất rất cao. - Lịch sự quá! Thanh nhã quá! Thôi, ta đi.

Quận chúa Tverxcaia không xuống xe và chỉ có tên hầu đi ghệt, mặc áo nâu và đội mũ đen, nhảy xuống trước thềm.

- Tôi ra ngay đây. Tạm biệt! - Anna nói. Nàng ôm hôn con, đến gần Alecxei Alecxandrovitr và chìa tay cho chồng. - Mình đến thăm thế này, thật tốt quá.

Alecxei Alecxandrovitr hôn tay nàng.

- Thôi, tạm biệt! Mình sẽ quay về uống trà, thật là tuyệt! - nàng nói và đi ra, mặt mày hớn hở, tươi vui. Nhưng ông vừa khuất mắt, nàng đã thấy tay gờn gợn lên ở chỗ môi chồng chạm nhẹ vào và rùng mình ghê tởm.

28

Alecxei Alecxandrovitr đến trường đua thì Anna đã ngồi cạnh Betxi trong khán đài có đủ mặt xã hội thượng lưu. Nàng thấy chồng từ xa. Hai người đàn ông đó: chồng và người yêu là hai trung tâm của đời nàng và không cần đến giác quan, nàng cũng biết chỗ nào có mặt họ. Nàng cảm thấy từ xa chồng đang lại gần và bất giác dõi theo ông ta đang tiến lên giữa đám đông. Nàng thấy chồng đến gần khán đài, khi lên mặt bề trên đáp lại những cái chào vồn vã, lúc thân ái, lơ đãng bắt tay những người ngang hàng, khi lại thấp thỏm đợi những kẻ quyền cao chức trọng trong xã hội đoái nhìn đến để ngả cái mũ tròn to đang kẹp hai chỏm tai ra chào. Nàng đã biết tất cả cái cung cách ấy và lấy làm ghê tởm. “Tham công danh và mong ước thành đạt, tất cả tâm hồn lão ta chỉ có thế, nàng nghĩ: những quan điểm cao thượng, lòng yêu học vấn, tôn giáo, tất cả những cái đó chỉ là phương tiện để đạt tới mục đích.” Qua cái nhìn của ông ta về phía khán đài phụ nữ (ông nhìn đúng phía nàng, nhưng không nhận ra vợ giữa cái biển the lụa, ruy băng, lông chim, ô, dù và hoa lá), nàng biết chồng đang tìm mình nhưng nàng giả tảng như không thấy.

- Alecxei Alecxandrovitr! - quận chúa Betxi gọi, - ông không thấy bà nhà à? Bà ấy đây! - Ông mỉm cười, nụ cười lạnh nhạt thường ngày.

- Mọi thứ ở đây đều lộng lẫy làm quáng cả mắt, - ông nói và đi về phía khán đài. Ông mỉm cười với Anna như kiểu những người chồng thường mỉm cười khi gặp lại vợ vừa chia tay với mình xong, và chào quận chúa cùng những người quen khác theo cách tùy nghi đối xử: bông đùa với phụ nữ và thăm hỏi xã giao với đàn ông. Dưới chân khán đài, có một vị tướng phụ tá nổi tiếng thông minh và học thức, vốn được Alecxei Alecxandrovitr trọng nể. Carenin bắt chuyện với ông ta. Lúc đó là giờ nghỉ giữa hai cuộc đua nên không có gì ngăn trở họ nói chuyện. Vị tướng phụ tá chỉ trích môn thể thao này. Alecxei Alecxandrovitr cãi lại để bênh vực, Anna nghe thấy giọng chồng nhỏ nhẹ, đều đặn và không bỏ sót lời nào: tất cả những điều ông nói hình như đều giả dối và làm nàng khổ tai vô cùng.

Khi cuộc đua vượt chướng ngại bắt đầu, nàng cúi về phía trước; trong lúc dán chặt đôi mắt vào Vronxki đang bước lại gần ngựa và nhảy lên yên, nàng nghe thấy cái giọng chối tai của chồng nói thao thao. Đang bồn chồn lo lắng cho Vronxki, nàng càng khổ tâm hơn vì cái tiếng nói nhỏ nhẹ hầu như không dứt đó mà nàng đã thuộc hết mọi âm sắc. “Mình là một con đàn bà xấu xa, là đồ bỏ đi, nàng nghĩ, nhưng mình không thích nói dối, không chịu được sự dối trá, còn lão ta thì sống bằng dối trá. Lão biết hết, nhìn thấy hết; lão cảm thấy thế nào mà lại nói năng bình tĩnh như vậy được? Nếu lão giết mình, hoặc giết Vronxki thì có lẽ mình sẽ trọng lão đấy. Nhưng đằng này, lão chỉ cần dối trá và giữ thể diện, Anna thầm nhủ, không tự hỏi cụ thể nàng mong đợi gì ở chồng hay muốn thấy ông ta có thái độ như thế nào. Nàng cũng không đoán được ra rằng sự hoạt bát của Alecxei Alecxandrovitr, điều đã làm nàng bực tức đến thế, chỉ biểu hiện nỗi hoang mang thầm kín của ông ta mà thôi. Như đứa trẻ vừa bị vấp đang nhảy nhót vùng vẫy để quên đau, Alecxei Alecxandrovitr cần bắt trí tuệ hoạt động để gạt xa những ý nghĩ tất nhiên phải nảy ra khi có mặt vợ và Vronxki, người giờ đây luôn luôn được nhắc đến tên.

- Trong các cuộc đua ngựa của sĩ quan, nguy hiểm là một tất yếu, - ông nói. - Sở dĩ nước Anh có thể nêu lên trong lịch sử quân sự của mình những chiến công đặc biệt oanh liệt của kị binh, chẳng qua cũng nhờ ở sự phát triển lịch sử của sức ngựa cũng như sức người. Theo ý tôi, thể thao có tầm quan trọng lón và thường thường ta mới chỉ nhìn thấy khía cạnh bề ngoài thôi.

- Không phải bao giờ cũng là bề ngoài đâu, - quận chúa Tverxcaia nói. - Hình như có một sĩ quan đã gẫy mất hai xương sườn.

Alecxei Alecxandrovitr mỉm nụ cười thường lệ chỉ để lộ hàm răng, còn ngoài ra không có ý nghĩa nào khác.

- Thưa quận chúa, ta tạm cho rằng đó không phải là bề ngoài, mà là bề trong vậy, - ông nói. - Vấn đề không phải ở đó, - và ông lại quay về phía vị tướng nãy giờ ông vẫn nói chuyện đứng đắn, - ngài đừng quên những người chạy đua là sĩ quan và họ đã chọn nghề đó: mọi thiên hướng đều có mặt trái. Cái đó trực tiếp thuộc nghĩa vụ của sĩ quan. Một trò thể thao quái gở như đấu quyền hoặc chọi bò mộng là dấu hiệu của dã man. Nhưng thể thao có chuyên môn hóa là dấu hiệu của tiến bộ.

- Hừ, lần sau, tôi sẽ không đến đây nữa, trò này chán lắm, - quận chúa Betxi nói. - Phải không, Anna?

- Phải, nhưng mà hấp dẫn, - một bà khác nói. - Giá tôi là người La Mã, tôi sẽ đi xem tất cả mọi trò ở trường đấu.

Anna không nói gì và không rời chiếc ống nhòm vẫn luôn dõi về một phía.

Trong lúc đó, một vị tướng người cao lớn, đi ngang qua khán đài. Alecxei Alecxandrovitr ngừng bặt đứng dậy hấp tấp nhưng trang trọng và cúi rạp xuống chào.

- Ông không dự cuộc đua à? - vị tướng hỏi đùa ông ta.

- Cuộc đua của tôi còn khó hơn, - Alecxei Alecxandrovitr kính cẩn trả lời.

Và mặc dầu câu trả lời chẳng có ý nghĩa gì cả, vị tướng vẫn ra vẻ thưởng thức được câu nói của một người thông thái và hiểu thấu ý vị mặn mà của câu pha trò..

- Có hai quan điểm, - Alecxei Alecxandrovitr nói tiếp: - quan điểm của người làm trò và quan điểm của người xem. Tôi cũng công nhận sự ham thích những trò vui thuộc loại này là dấu hiệu chắc chắn nhất về trình độ phát triển kém cỏi của khán giả, song le...

- Quận chúa, ta đánh cuộc nào! - tiếng Xtepan Arcaditr gọi Betxi vang lên ở dưới. - Bà đặt cuộc ai thắng nào?

- Anna và tôi, chúng tôi cuộc là hoàng thân Kudovlev thắng, - Betxi trả lời.

- Còn tôi thì Vronxki. Một đôi găng tay nhé?

- Đồng ý!

- Tuyệt nhỉ? - Alecxei Alecxandrovitr im lặng trong khi mọi người nói chuyện chung quanh, nhưng sau đó nói luôn:

- Tôi thừa nhận trừ phi là những trò chơi tu mi nam tử... - Ông định nói tiếp nhưng giữa lúc đó, có lệnh xuất phát, và mọi câu chuyện ngừng lại. Alecxei Alecxandrovitr cũng nín lặng. Mọi người đều đứng dậy, nhìn về phía ngoài. Alecxei Alecxandrovitr không thích đua ngựa nên không theo dõi các kị sĩ mà lơ đãng đưa mắt mệt mỏi nhìn khán giả. Cái nhìn của ông dừng lại ở Anna. Khuôn mặt nàng tái xanh và nghiêm nghị. Rõ ràng nàng không thấy gì và cũng không thấy ai ngoài một người duy nhất. Bàn tay co quắp nắm chặt lấy cái quạt, nàng nhịn cả thở. Carenin quay phắt đi để quan sát những bộ mặt khác. “Cái bà ở đằng kia và những người khác cũng đều có vẻ rất hồi hộp; đó là điều hết sức tự nhiên”, Alecxei Alecxandrovitr tự nhủ. Ông cũng muốn không nhìn vợ nhưng cặp mắt lại bất giác hướng về nàng. Lần thứ hai, ông ngắm khuôn mặt đó, cố tình không chịu đọc ra những cái đã phơi bày lồ lộ trên nét mặt, nhưng trái với ý muốn, ông ghê sợ nhìn thấy ở đó chính cái điều ông muốn ngơ đi. Cái ngã đầu tiên, cái ngã của Kudovlev sau con ngòi, làm mọi người xúc động, nhưng bằng vào bộ mặt tái xanh và đắc thắng của Anna, Alecxei Alecxandrovitr biết người mà vợ ông đang theo dõi không ngã. Lúc một sĩ quan khác ngã đâm đầu tưởng chết, sau khi Makhotin và Vronxki nhảy qua hàng rào lớn, toàn thể khán giả đều rùng mình kinh hãi thì Alecxei Alecxandrovitr thấy Anna thậm chí không hề chú ý tới tai nạn đó và hầu như cũng không hiểu người ta bàn tán gì chung quanh. Ông càng nhìn nàng dữ, về sau càng riết róng hơn. Anna đang để hết tâm trí vào cảnh đua ngựa mà vẫn cảm thấy cái nhìn lạnh lùng của chồng chằm chằm dán vào mặt mình.

Nàng quay đầu lại nhìn chồng một lát vẻ dò hỏi và khẽ nhíu lông mày rồi trở lại tư thế cũ.

“Chà! Cần quái gì”, tựa hồ nàng muốn nói với chồng như vậy và không thèm nhìn ông ta lần nào nữa.

Cuộc đua thật không may: trong số mười bảy kị sĩ, già nửa đã bị ngã và gãy xương. Về cuối cuộc đua, sự xúc động chung càng thêm mãnh liệt khi thấy Đức vua cũng tỏ vẻ bất mãn.

29

Mọi người đều la hét biểu lộ bất bình, người ta lặp đi lặp lại câu nói do một người nào đó thốt ra: “Chỉ còn thiếu trường đấu và sư tử nữa thôi”, và ai nấy đều khiếp sợ; cho nên khi Vronxki ngã và Anna thét lên, cái đó không làm ai ngạc nhiên. Nhưng ngay sau đó, nàng liền biến sắc, lần này thật quá lộ liễu. Nàng hoảng hốt. Nàng cuống cuồng như con chim mắc bẫy: khi định đứng dậy bỏ đi, khi quay lại với Betxi.

- Ta đi thôi, đi đi thôi, - nàng nói với quận chúa.

Nhưng Betxi không nghe thấy. Người cúi gập xuống, bà ta đang nói chuyện với một vị tướng đến chào mình. Alecxei Alecxandrovitr đến gần vợ và lễ phép đưa cánh tay ra.

- Nếu mình muốn thì ta cùng về, - ông nói bằng tiếng Pháp; nhưng Anna đang lắng nghe vị tướng nói và không nhìn thấy chồng.

- Hình như anh ta bị gãy chân, - vị tướng nói. - Thật không thể tưởng tượng được!

Anna không trả lời chồng, đưa ống nhòm lên mắt và nhìn về phía Vronxki ngã ngựa, nhưng vì xa quá và người xúm lại xem quá đông nên không nom thấy gì. Nàng hạ ống nhòm xuống và định bỏ đi; nhưng giữa lúc đó, một sĩ quan vùn vụt phi ngựa tới, đến tâu với Đức vua. Anna cúi xuống phía trước để lắng nghe.

- Xtiva! Xtiva! - nàng gọi anh trai. Nhưng anh nàng không nghe thấy. Nàng định rời khỏi khán đài.

- Nếu mình muốn đi thì đây là lần thứ hai tôi xin đưa cánh tay để đón mình, - Alecxei Alecxandrovitr nói và khẽ chạm vào cánh tay nàng.

Nàng né xa chồng, vẻ ghê tởm và không nhìn thẳng vào mặt ông, nàng trả lời:

- Không, không, cứ để mặc tôi, tôi còn ở lại. - Lúc này, nàng thấy một sĩ quan đang từ chỗ Vronxki ngã chạy tắt qua vòng đua đến khán đài. Betxi vẫy khăn tay ra hiệu gọi anh ta: viên sĩ quan cho biết là kị sĩ không bị thương nhưng con ngựa thì gãy xương sống. Được tin này, Anna vội ngồi xuống và che mặt sau chiếc quạt. Alecxei Alecxandrovitr thấy nàng khóc và không nén được những tiếng nức nở làm ngực phập phồng. Ông liền đứng chắn trước mặt, để che đi cho nàng có thời giờ trấn tĩnh lại.

- Lần thứ ba tôi đưa tay cho mình, - một lát sau ông nói. Anna nhìn chồng và không biết nói gì. Betxi đến gỡ cho nàng.

- Không, Alecxei Alecxandrovitr ạ, chính tôi mời Anna đi và tôi đã hứa đưa chị ấy về, - bà nói xen vào.

- Xin quận chúa thứ lỗi, - ông trả lời, lễ phép mỉm cười, nhưng nhìn bà ta một cách kiên quyết, - tôi thấy Anna khó ở và tôi muốn cùng về với nhà tôi.

Anna quay lại, vẻ sợ hãi, ngoan ngoãn đứng dậy và khoác tay chồng.

- Tôi sẽ cho người đến hỏi thăm tin tức chú ấy và sẽ báo cho chị Anna. - Betxi nói thầm với nàng.

Rời khán đài, Alecxei Alecxandrovitr vẫn chuyện trò với những người ông gặp như không có chuyện gì xảy ra và Anna cũng phải trả lời và nói năng bình thường như không có chuyện gì xảy ra, nhưng nàng không còn bụng dạ nào, cứ khoác tay chồng bước đi như trong mộng. “Chàng có bị thương không? Họ nói có thực không? Liệu chàng có đến không? Hôm nay liệu mình có gặp được chàng không?”, nàng nghĩ. Nàng lặng thinh bước lên xe của Alecxei Alecxandrovitr và ra khỏi đám xe ngựa. Tuy đã nhìn thấy hết, Alecxei Alecxandrovitr vẫn không cho phép mình nghĩ đến tình cảnh hiện tại của vợ. Ông chỉ thấy dấu hiệu bề ngoài thôi. Ông thấy nàng đã có những hành vi chướng mắt và thấy bổn phận mình phải báo cho nàng biết điều đó. Nhưng điều rất khó cho ông là chỉ được nói có thế, không hơn. Ông mở miệng định nhận xét là nàng đã xử sự vô lối, nhưng lại phải miễn cưỡng nói khác hẳn.

- Sao chúng ta lại có thể thích thú đến thế những trò vui tàn ác ấy nhỉ, - ông nói. - Tôi thấy là...

- Sao kia? Tôi không hiểu, - Anna nói, giọng khinh bỉ.

- Tôi phải nói với mình là... - ông nói. “Sắp nói thẳng ra đây”, nàng nghĩ và bỗng sợ hãi.

- Tôi phải nói với mình là hành vi hôm nay của mình thật không phải cho lắm, - ông nói bằng tiếng Pháp.

- Không phải ở chỗ nào? - nàng lớn tiếng cãi, quay ngoắt đầu lại và nhìn thẳng vào mắt chồng, lần này không phải với thái độ vui vẻ trí trá, mà với một vẻ quả quyết nhằm che giấu nỗi sợ trong lòng.

- Cẩn thận đấy, - ông nói và chỉ chiếc cửa kính đã hạ xuống sau lưng xà ích. Ông nhỏm dậy và kéo kính lên.

- Mình thấy cái gì là không phải? - nàng nhắc lại.

- Vẻ hốt hoảng mình không giấu được khi có một kị sĩ ngã ngựa. - Ông chờ nàng đáp lại, nhưng nàng chỉ nhìn về phía trước, không nói gì.

- Tôi đã yêu cầu mình ở nơi đông người phải xử sự thế nào cho kẻ xấu miệng không có gì để chỉ trích ta được. Đã có dạo tôi nói về quan hệ nội bộ trong nhà với nhau, nay tôi không nói đến nữa. Bây giờ tôi nói đến những quan hệ bên ngoài. Mình đã xử sự không thích đáng và tôi mong từ nay không xảy ra thế nữa. - Lời chồng nói, nàng không nghe được đến một nửa, nàng thấy sợ ông nhưng lại tự hỏi có đúng Vronxki không bị thương không. Khi họ nói người kị mã vẫn lành lặn nhưng con ngựa thì gẫy xương sống, có phải là nói về chàng không. Khi chồng nói dứt lời, nàng chỉ gượng cười mỉa mai và không trả lời vì không hề nghe thấy gì cả. Alecxei Alecxandrovitr vừa nãy mạnh dạn khơi chuyện, nhưng khi đã hiểu rõ vấn đề mình nói, thì nỗi sợ nàng đang cảm thấy liền lan sang ông. Ông nhận thấy nụ cười đó và đâm ra hiểu lầm một cách kỳ quặc. “Cô ta cười mình ghen bóng ghen gió. Phải, cô ấy sẽ nhắc lại điều đã nói với mình lần trước: những mối ngờ vực của mình là vô căn cứ, là lố bịch.”

Giờ đây, trước nguy cơ phải thấy mọi sự phanh phui ra, ông không ao ước gì hơn là được thấy nàng trả lời bằng cái giọng chế giễu như trước rằng điều ông ngờ vực là lố bịch và vô căn cứ. Những điều ông biết khủng khiếp đến nỗi lúc này, ông sẵn sàng tin bất cứ cái gì. Nhưng nhìn vẻ mặt sợ hãi và tối sầm của Anna, ông không còn hi vọng gì nữa dù chỉ là một lời dối trá.

- Có lẽ tôi lầm, - ông nói. - Nếu vậy xin mình thứ lỗi cho tôi.

- Không, mình không lầm đâu, - nàng thong thả nói, tuyệt vọng nhìn vào bộ mặt lạnh lùng của chồng. - Mình không lầm đâu. Tôi đã hốt hoảng và tôi không thể không hốt hoảng. Nghe mình nói, tôi lại nghĩ tới chàng. Tôi yêu chàng, tôi là người yêu của chàng, tôi không chịu nổi mình, mình làm tôi sợ, tôi ghét mình... Mình muốn làm gì tôi thì làm. - Và gieo mình vào góc xe, nàng òa lên nức nở và lấy tay che mặt. Alecxei Alecxandrovitr không chớp mắt, không nhìn đi nơi khác, nhưng cả bộ mặt đột nhiên đờ ra trang nghiêm như mặt người chết và giữ nguyên vẻ đó suốt đoạn đường còn lại. Khi gần về tới biệt thự, ông mới quay bộ mặt vẫn không đổi sắc thái về phía nàng.

- Được! Nhưng tôi yêu cầu cô bề ngoài phải giữ thể diện cho đến khi nào (giọng ông run lên) tôi có biện pháp bảo toàn danh dự của tôi, những biện pháp mà tôi sẽ báo cho cô biết sau. - Ông xuống trước và đỡ nàng xuống xe. Trước mặt gia nhân, ông bắt tay nàng, rồi lại lên xe quay về Peterburg. Ông vừa đi khỏi thì một người hầu của quận chúa Betxi đã đưa lại cho Anna một bức thư:

“Tôi đã cho người đến hỏi tin tức Alecxei, chú ấy viết giấy cho biết vẫn khỏe mạnh lành lặn, nhưng đang khổ sở vô cùng...!”

“Vậy là chàng sẽ đến, nàng nghĩ. Mình nói hết với lão ta như thế là phải!” Nàng xem đồng hồ. Hãy còn ba giờ nữa và nhớ lại từng chi tiết cuộc gặp gỡ vừa rồi giữa hai người, lòng nàng lại cháy bùng lên.

“Lạy Chúa, trời sáng quá! Thật ghê sợ, nhưng mình thèm được thấy mặt chàng và mình thích cái ánh sáng huyền hoặc này... Chồng mình! À phải!... Cũng may, thế là mình đã dứt khoát với lão ta!”


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx