sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Anna Karenina (Tập 1) - Phần 3 - Chương 02

Xergei Ivanovitr nhún vai.

- Ý chú muốn đi đến kết luận gì?

- Tôi muốn nói bao giờ tôi cũng hết sức bảo vệ đến lợi ích cá nhân của tôi; khi họ đến khám xét nhà ta, hồi tôi còn là sinh viên, và khi cảnh sát đọc thư của chúng tôi, tôi đã sẵn sàng đem hết sức mình ra bảo vệ những quyền học tập và tự do. Tôi thừa nhận chế độ quân dịch vì nó dính dáng đến vận mệnh con cái anh em và cả bản thân tôi nữa; tôi sẵn sàng bàn bạc về tất cả những gì có liên quan đến tôi; còn như bàn bạc về việc sử dụng bốn vạn rúp như thế nào hoặc xử án một lão mugich đần độn thì tôi không thấy ích lợi gì cả và tôi cũng không thấy đủ sức làm.

Conxtantin Levin nói, dòng lý luận trào lên như nước vỡ bờ. Xergei Ivanovitr mỉm cười.

- Thế nếu ngày mai chú có việc kiện tụng, chú có ưng để tòa án hình sự cũ xét xử không?

- Tôi sẽ không kiện tụng gì cả. Tôi không có ý định cắt cổ ai và không mảy may cần thiết mọi cái đó. Tóm lại, - chàng tiếp tục nói, chuyển sang những ý kiến thuộc loại khác hẳn, - các cơ quan hàng tỉnh của ta làm tôi nghĩ tới những cây bạch dương non ta cắm xuống đất trong dịp lễ Hạ trần để tượng trưng một khu rừng, trong khi bên châu Âu không cần có chúng ta, rừng vẫn cứ mọc. Tôi không thể nào thành tâm tưới nước cho những cây bạch dương non đó và cũng không thể tin ở chúng được. - Xergei Ivanovitr chỉ nhún vai, tỏ ý ngạc nhiên về cái ý kiến đưa những cây bạch dương non xen vào cuộc tranh cãi, tuy ông hiểu ngay em trai muốn ám chỉ cái gì.

- Xin lỗi chú, nhưng không thể lý luận như thế được, - ông nhận xét.

Nhưng Conxtantin Levin muốn thanh minh về cái khuyết điểm mà chính chàng cũng tự nhận thấy: sự lãnh đạm đối với lợi ích công cộng. Cho nên chàng tiếp tục nói:

- Tôi nghĩ không có hoạt động nào có thể xác lập được nếu không dựa trên lợi ích riêng. Đó là một chân lý phổ biến, triết học, - chàng nói, và nhắc lại một cách quả quyết chữ “triết học”, như tỏ ra mình cũng có quyền bàn triết học như bất cứ ai.

Xergei Ivanovitr lần nữa lại mỉm cười. “Cả nó nữa, nó cũng có một thứ triết học để phục vụ cho khuynh hướng riêng”, ông nghĩ thầm.

- Thôi đừng bàn đến triết học nữa, - ông nói. - Nhiệm vụ chủ yếu của triết học qua mọi thế kỉ chính là tìm ra mối liên hệ cần thiết vẫn tồn tại giữa lợi ích chung và lợi ích riêng. Nhưng cái đó không dính dáng gì đến đây cả. Trái lại, anh cần cải chính sự so sánh của chú. Những cây bạch dương chú vừa nói không phải là được cắm xuống đất, mà có cây được trồng, có cây được gieo; phải nương nhẹ chăm sóc những cây đó. Chỉ có dân tộc nào thấy tầm quan trọng và giá trị của các thiết chế và coi trọng nó, mới có tương lai; đó là những dân tộc duy nhất có thể gọi là có lịch sử. Thế là Xergei Ivanovitr đã chuyển vấn đề sang lĩnh vực triết học lịch sử mà Conxtantin không sao hiểu nổi, và chứng minh rõ tất cả sai lầm trong quan điểm của chàng.

- Còn như nói chú không thích việc đó, thì xin lỗi chú, đó chỉ là thói lười biếng của người Nga chúng ta, cái thói quen cũ kiểu đại lãnh chúa; anh tin chú sẽ nghĩ lại về sự sai lầm nhất thời này. Conxtantin nín lặng. Chàng cảm thấy mình bị đánh bại tan tành, nhưng đồng thời cũng cảm thấy ông anh không hiểu đúng ý chàng. Và chàng cũng không hiểu tại sao ông ta lại không hiểu mình: vì chàng không biết diễn đạt rõ ràng điều muốn nói hay vì ông anh không muốn hoặc không biết cách hiểu chàng Chàng không đào sâu ý nghĩ đó, và không trả lời ông anh, chàng lại mải mê theo đuổi những suy tưởng liên quan đến vấn đề khác.

Xergei Ivanovitr cuộn dây chiếc câu cuối cùng lại tháo ngựa ra và cả hai lên đường về.

4

Nỗi lo lắng riêng làm bận lòng Levin suốt cuộc nói chuyện với anh là như sau: năm ngoái, một hôm đi trông nom việc cắt cỏ, chàng đã nổi nóng với quản lý và phải dùng đến một phương pháp quen thuộc để tự làm nguôi giận là: cầm lấy hái của nông dân và tự tay cắt cỏ. Công việc đó khiến Levin thích thú đến nỗi về sau chàng lại làm nhiều lần nữa; chàng phát hết cánh đồng cỏ chạy dài trước nhà và ngay từ mùa xuân năm nay, chàng đã dự định cùng nông dân cắt cỏ suốt mấy ngày liền. Từ khi ông anh về ở đây, chàng tự hỏi có nên thực hiện kế hoạch đó hay không. Chàng áy náy phải để anh ở nhà một mình suốt ngày và sợ Xergei Ivanovitr sẽ cười mình. Nhưng lúc đi ngang qua đồng cỏ, chàng sực nhớ lại những cảm giác khi cắt cỏ và hầu như dứt khoát quyết định năm nay lại sẽ tham gia nữa. Sau cuộc tranh cãi đáng bực này, ý định đó trở lại trong đầu óc chàng. “Mình cần phải hoạt động thể lực, kẻo rồi đâm xấu tính hoàn toàn mất thôi.” Chàng nghĩ thầm và quyết định cứ cắt cỏ dù có ngượng với anh và người khác cũng được. Chiều hôm ấy, Conxtantin Levin đến buồng giấy, sắp đặt công việc và sai người vào làng gọi người đi cắt cỏ ở cánh đồng đẹp nhất và lớn nhất: cánh đồng cỏ Kalinôvưi.

- Đem cái hái của tôi đến cho Tito bảo mài sắc rồi ngày mai mang ra cho tôi: có lẽ tôi sẽ cùng đi cắt cỏ với mọi người, - chàng nói, cố giấu vẻ ngượng ngùng.

- Thưa ông vâng ạ, - viên quản lý mỉm cười nói.

Buổi tối uống trà, Levin nói với anh:

- Chắc là sắp đẹp trời đây. Ngày mai, tôi bắt đầu cắt cỏ.

- Anh rất thích công việc này, - Xergei Ivanovitr nói.

- Tôi cũng thế, thích vô cùng. Thỉnh thoảng tôi cũng cắt cỏ với nông dân và ngày mai tôi định làm việc với họ suốt ngày. - Xergei Ivanovitr ngẩng đầu và ngạc nhiên nhìn em.

- Sao hả? Suốt cả ngày ở ngoài đó với nông dân, như một người trong bọn ấy à?

- Vâng, thú vị lắm, - Levin nói.

- Đó là môn thể dục rất tốt, nhưng e chú không chịu đựng nổi, - Xergei Ivanovitr nói, không chút giễu cợt.

- Tôi đã thử rồi. Lúc đầu cũng vất vả đấy, nhưng rồi sau quen dần. Tôi hi vọng không đến nỗi tụt lại sau.

- Tốt lắm! Thế nhưng chú cho anh biết ý kiện bọn mugich nhìn sự việc này bằng con mắt như thế nào? Chắc họ buồn cười và cho ông chủ là con người kỳ cục nhỉ.

- Không, tôi không tin thế, công việc này vừa vui lại vừa rất khó nhọc, thành thử chả còn đầu óc nào mà nghĩ ngợi nữa.

- Chú làm thế nào mà ăn trưa với họ được? Chả lẽ lại mang ra đấy cho chú chai vang Sato Lafit và con gà quay thì bất tiện quá!

- Tất nhiên: khi họ nghỉ thì tôi về nhà.

Sáng hôm sau, Conxtantin Levin dậy sớm hơn thường lệ, nhưng phải nán lại để cắt đặt công việc, và khi chàng ra đến đồng cỏ thì mọi người đã phạt xong luống đầu.

Từ trên dốc, chàng đã trông thấy phía dưới chân đồi một khoảng đồng đã cắt cỏ, đầy bóng râm, với những bó cỏ màu xám và những áo khoác của nông dân cởi ra chất thành từng đống đen nho nhỏ ở chỗ họ bắt đầu luống thứ nhất.

Càng lại gần, chàng càng nhìn rõ đám nông dân đang nối đuôi nhau thành hàng dọc đi lên, người mặc áo khoác, kẻ mặc sơ mi, vung hái mỗi người một kiểu. Chàng đếm được bốn mươi hai người. Họ từ từ tiến trên mặt thung gập ghềnh của cánh đồng cỏ; dạo trước đây là một hồ nước. Levin nhận ra một vài nông dân của mình. Ở đó có lão EcMill mặc sơ mi trắng rất dài, đang cúi xuống đung đưa lưỡi hái, có gã thanh niên Vaxca, ngày trước làm xà ích cho Levin, đang vung rộng cánh tay phạt cỏ. Ở đó có cả Tito, một nông dân nhỏ bé khẳng kheo, từng dạy Levin cắt cỏ. Anh ta tiến lên, người không cúi, vung rộng lưỡi hái phát dễ như bỡn. Levin xuống ngựa và sau khi buộc ngựa ở gần đường hẻm, chàng đến chỗ Tito đang đi lấy chiếc hái thứ hai sau bụi rậm và chìa cho chàng.

- Thưa ông, hái mài xong rồi đấy ạ; sắc như dao cạo, cắt cứ đi phăng phăng, - Tito nói, vừa ngả mũ chào và mỉm cười đưa dụng cụ cho chàng. Levin cầm lấy hái và cắt thử. Cắt xong một luống, đám mugich đầm đìa mồ hôi ngừng tay, và mặt mày hớn hở, hết người nọ đến người kia tươi cười chào ông chủ. Mọi người đều nhìn chàng, nhưng không ai nói gì, mãi đến khi một ông già cao lớn, mặt nhăn nheo và nhẵn nhụi, mặc áo da cừu, quay lại bảo Levin:

- Ông chủ ạ, ông nên cẩn thận, đâm lao thì phải theo lao đấy, - ông lão nói và Levin nghe thấy tiếng cười cố nén lại trong đám thợ cắt cỏ.

- Tôi sẽ cố không tụt lại sau, - chàng nói, đứng vào sau Tito và chờ lúc bắt đầu.

- Cẩn thận đấy nhé, - ông lão nhắc lại. Tito tiến lên và Levin nối gót theo sau. Cỏ ở gần đường mọc thấp và Levin, bẵng đi một dạo không làm việc này, thấy lúng túng vì những con mắt đăm đăm nhìn mình. Lúc đầu, chàng cắt kém, mặc dầu mạnh tay hái. Chàng nghe thấy lời nhận xét ở sau lưng.

- Lưỡi hái đóng chuôi hỏng rồi, chỗ tay cầm cao quá, trông xem ông ta phải cúi xuống thế kia kìa, - một người nói.

- Phải ấn mạnh gót lưỡi hái xuống nữa, - người khác nói.

- Không đến nỗi nào, khá lắm, ông ta sẽ quen thôi, - ông lão xen vào. - Ông ta dấn lên rồi kia kìa... Ông đưa lưỡi hái phát rộng quá, thế sẽ chóng mệt... Chả trách được người ta là chủ, người ta làm cho người ta mà! Ông bỏ sót nhiều quá! Ngày xưa bọn tôi mà làm ăn như thế này thì cứ gọi là nhừ đòn. - Cỏ đã mềm hơn và Levin lẳng lặng nghe theo lời họ, không đáp lại, cố làm cho thật tốt và bước theo sau Tito. Họ đi được trăm bước, Tito vẫn tiến lên không ngừng và không tỏ chút gì mệt mỏi; nhưng Levin bắt đầu lo không đương nổi nữa vì đã quá mệt. Chàng cảm thấy mình kiệt sức và định bảo Tito dừng lại. Nhưng vừa vặn lúc đó, Tito ngừng hái; anh ta cúi xuống, vơ một nắm cỏ, lau sạch lưỡi hái và bắt đầu mài. Levin ưỡn thẳng lưng và thở phào, liếc nhìn xung quanh. Một gã mugich theo sau chàng; rõ ràng anh ta cũng mệt, vì chưa bắt kịp Levin mà anh ta đã dừng lại và mài lưỡi hái. Tito mài sắc lưỡi hái của mình và của Levin, rồi họ lại tiếp tục làm. Đến đợt thứ hai, lại vẫn thế. Tito sau mỗi nhát hái lại tiến lên, không dừng bước và cũng không mệt mỏi. Levin bước theo sau, gắng không để bị bỏ cách nhưng mỗi lúc càng thấy khó khăn hơn đến nỗi chàng cảm thấy không sao có được nữa; thì vừa vặn đúng lúc đó. Tito lại dừng bước và mài lưỡi hái. Cứ thế, họ cắt xong luống cỏ thứ nhất, đặc biệt khó nhọc đối với Levin; nhưng khi họ đi tới cuối luống và Tito vác lưỡi hái lên vai, quay trở lại xéo lên vết chân cũ còn hằn trên vệt đồng cỏ phát quang và Levin cũng làm như vậy, thì mặc dầu mồ hôi long lanh trên khuôn mặt, đang từ mũi nhỏ xuống và lưng ướt đầm đìa, chàng vẫn cảm thấy rất sung sướng. Điều khiến chàng vui nhất là biết chắc bây giờ mình sẽ đương nổi.

Tuy nhiên, niềm vui thích đó cũng giảm sút do ý nghĩ việc mình làm còn kém. “Mình phải bớt vung cánh tay mà xoay người nhiều hơn”, chàng tự nhủ, vừa so sánh vạt cỏ do Tito hái thẳng tắp như kẻ chỉ với vạt cỏ của mình đứt quãng và lởm chởm như răng cưa. Levin nhận thấy Tito cắt luống cỏ thứ nhất rất nhanh chắc để thử thách ông chủ, mà luống cỏ đó lại đặc biệt dài. Về sau, công việc dễ hơn nhưng Levin vẫn phải dốc toàn lực để khỏi tụt lại sau. Chàng không nghĩ ngợi, không mong muốn gì, chỉ cốt sao khỏi bị bỏ cách và làm xong việc một cách mỹ mãn nhất. Chàng chỉ nghe thấy tiếng lưỡi hái rít lên và nhìn thấy trước mặt cái bóng đen thẳng đường của Tito xa dần, một cánh đồng hình bán nguyệt, đám cỏ và hoa từ từ uốn mình ngả xuống cạnh lưỡi hái và xa hơn nữa là cuối bãi, đến đó sẽ được nghỉ ngơi. Đang giữa lúc làm việc, chàng bỗng thấy một cảm giác mát rượi khoan khoái trên đôi vai nóng bỏng và đầm đìa mồ hôi mà không hiểu đó là cái gì và từ đâu lại. Chàng ngước nhìn lên trời trong khi mọi người mài lưỡi hái. Một đám mây đen nặng nề là là bay tới và trời đổ mưa rào. Vài gã mugich đi lấy áo khoác mặc; những người khác cùng Levin thích thú so đôi vai dưới những tia nước mát. Những luống cỏ nối tiếp nhau. Luống dài, luống ngắn, cỏ chỗ tốt chỗ xấu. Levin hoàn toàn mất hết ý thức về thời gian và không biết lúc đó là sớm hay muộn. Trong công việc làm, giờ đây đã len vào một sự biến đổi khiến chàng thật sự vui sướng. Giữa lúc mải mê lao động, có hẳn những giây phút dài chàng không nhớ mình đang làm gì; chàng khoan khoái, và trong giây phút đó, luống cỏ chàng cắt cũng đều đặn và hoàn hảo như của Tito. Nhưng hễ nhớ ra mình đang làm gì và bắt đầu cố làm tốt hơn thì lập tức chàng cảm thấy công việc hết sức nặng nề và kết quả lại tồi hơn. Đến cuối luống, chàng muốn quay trở lại lần nữa, nhưng Tito đã dừng bước, đến gần và thì thầm nói nhỏ với ông lão. Cả hai cùng nhìn mặt trời. “Không biết họ nói gì với nhau mà lại không tiếp tục làm nữa?” Levin tự hỏi, không nghĩ ra là đám mugich đã làm liền bốn tiếng đồng hồ và đã đến lúc ăn sáng.

- Ông chủ ạ, ta đi ăn thôi, - ông già nói.

- Đến giờ rồi à? Được. - Levin đưa hái cho Tito và bước đến gần ngựa, cùng với đám mugich đang đi lấy bánh ăn vượt qua khoảng đồng cỏ rộng lớn phát quang nơi bị ướt mưa. Và mãi lúc đó, chàng mới nhận ra mình đoán sai thời tiết và trận mưa đã làm ướt cỏ.

- Cỏ đến thối mất, - chàng nói.

- Thưa ông chủ, không việc gì đâu ạ. Cắt cỏ gặp mưa, phơi khô gặp nắng, - ông già nói. Levin tháo ngựa và quay về nhà ăn sáng. Xergei Ivanovitr vừa thức dậy. Levin uống xong cà phê và quay ngay lại chỗ cắt cỏ trước khi ông anh kịp mặc quần áo và sang buồng ăn.

5

Sau bữa sáng, Levin bỏ chỗ cũ, đến đứng giữa ông già hay bông đùa đã mời chàng đến cạnh, và một gã mugich trẻ tuổi, lấy vợ từ mùa thu năm ngoái và hè năm nay mới đi cắt cỏ lần đâu. Ông già, người thẳng đuỗn, đưa đôi bàn chân chữ bát bước từng bước dài đều đặn tiến lên, và, bằng một động tác chính xác, chừng mực, tựa hồ cũng thoải mái như ta vừa đi vừa ve vẩy tay, ông nhẹ nhàng phạt luống cỏ cao đều. Tưởng như lưỡi hái tự nó phạt băng cỏ rậm.

Đằng sau Levin là gã Misca trẻ tuổi. Đầu quấn vòng cỏ tươi tết lại để giữ mái tóc, khuôn mặt tươi tắn và niềm nở của anh ta rúm lại vì cố gắng; nhưng khi có người nhìn, anh ta lại mỉm cười. Rõ ràng cu cậu sẵn sàng thà chết còn hơn phải thú nhận là công việc vất vả. Levin đi giữa hai người. Vào lúc nóng bức nhất, chàng lại thấy công việc có vẻ bớt khó nhọc. Mồ hôi đổ đầm đìa làm chàng thấy mát dịu và mặt trời hun cháy lưng, mặt và hai cánh tay để trần đến khuỷu làm chàng càng tăng thêm nghị lực và sức mạnh. Những giây phút vô thức không mảy may nghĩ đến công việc đang làm, đến với chàng mỗi lúc một nhiều hơn. Lưỡi hái cứ tự động đưa đi. Đó là những khoảnh khắc hạnh phúc. Chàng lại càng vui sướng hơn, khi đến gần con sông giáp cánh đồng cỏ, ông già vơ một nắm cỏ ướt lau lưỡi hái, nhúng nó xuống dòng nước mát lạnh và múc nước vào ống bơ đưa cho Levin.

- Ông chủ, mời ông nếm thử món rượu kvat của tôi! Ngon tuyệt, phải không? - ông già nháy mắt nói với chàng.

Và quả thực Levin chưa bao giờ uống thứ rượu ngọt nào có thể sánh với thứ nước âm ấm này, lềnh bềnh những cỏ và đượm mùi gỉ ống bơ sắt tây. Ngay sau đó, họ dạo bước thung dung và khoan khoái, tay xách hái, vừa đi vừa lau mồ hôi ròng ròng chảy, thở căng lồng ngực và đưa mắt nhìn suốt dãy dài thợ hái cùng những việc đang diễn ra xung quanh, trong rừng và ngoài đồng. Levin càng cắt cỏ càng luôn cảm thấy những phút quên lãng trong đó không phải tay chàng điều khiển chiếc hái nữa, mà hình như chính chiếc hái cuốn tất cả con người có ý thức và tấm thân tràn đầy sinh lực của chàng: công việc cứ tự động tiến hành chính xác và đều đặn như có phép tiên, tuy chàng không để ý gì đến nó. Đó là những phút vô cùng hạnh phúc. Chỉ lúc nào phải ngừng động tác đã trở thành vô thức ấy và phải suy nghĩ, chàng mới thấy vất vả hoặc lúc phải đi vòng một mô đất hay một bụi chua me chưa rẫy. Ông già làm gọn những việc đó rất thoải mái. Mỗi khi gặp một mô đất, ông liền chuyển động tác và khi dùng gót lưỡi hái, lúc dùng mũi, cùng một lúc xén từng nhát nhỏ hai bên mô đất. Vừa làm ông già vừa quan sát tất cả những gì bày ra trước mắt: khi ông bứt một trái cây nhấm nháp hoặc mời Levin ăn, khi dùng hái gạt một cành cây ra, khi ngắm một ổ cun cút mà con chim cái vừa kịp bay lên thoát khỏi lưỡi hái, khi bắt một con rắn độc gặp ngang đường, lấy mũi hái xiên như xiên bằng đinh ba vung lên cao đưa cho Levin xem và quẳng nó ra xa. Nhưng đối với Levin và gã trai trẻ đi sau, thật khó mà làm được nhiều động tác như vậy. Cuốn theo nhịp hoạt động như cái máy, giữa lúc hăng say làm việc, họ không đủ sức để ngắt đoạn nhịp điệu đó đồng thời quan sát những gì bày ra trước mặt. Levin không cảm thấy thời giờ trôi qua. Nếu ai hỏi chàng cắt cỏ từ bao lâu rồi, chàng sẽ trả lời là mới được nửa giờ, mà thực ra thì đã gần tới bữa trưa. Khi ở cuối cánh đồng cỏ quay lại, ông già lưu ý Levin tới những em bé trai gái gần như khuất sau đám cỏ cao đang từ nhiều ngả chạy đến đám thợ hái, tay trĩu xuống vì những túi đựng bánh và những vò rượu kvat nút giẻ.

- Đàn ruồi con đến kia rồi, - ông già vừa chỉ lũ trẻ vừa nói, và khum tay che ngang mắt nhìn về phía mặt trời. Họ cắt thêm hai luống cỏ nữa, rồi ông già dừng lại.

- Thôi, ông chủ ạ, ta phải ăn đi thôi, - ông nói, giọng dứt khoát. Tới bờ sông, đám thợ hái liền đi đến chỗ để áo choàng, bọn trẻ mang bữa ăn đang chờ cạnh đấy. Mọi người quây quần lại, tốp ra cạnh những cỗ xe ngựa, tốp ngồi ngay dưới bụi kim tước, ở đấy cỏ đã đánh thành đống. Levin ngồi xuống cạnh họ; chàng không muốn bỏ đi. Không ai cảm thấy gò bó trước mặt chàng nữa. Đám mugich sửa soạn ăn trưa. Người thì rửa ráy, bọn trai trẻ tắm dưới sông, kẻ thì dọn chỗ ngủ trưa, mở túi bánh, mở nút vò rượu kvat ra. Ông già bẻ vụn bánh trong chiếc bát, dùng cán thìa nghiền nát, lấy nước đựng trong ống bơ rưới lên, cắt thêm vài khoanh bánh, trộn tất cả với nước và quay mặt về phương Đông bắt đầu cầu nguyện.

- Này, ông chủ, mời ông lại đây nếm thử món xúp mì của lão, - ông già nói và quỳ xuống chiếc bát.

Món xúp ngon đến nỗi Levin không muốn về nhà ăn trưa nữa. Chàng ăn chung với ông già và cùng bàn bạc về công việc gia đình ông ta mà chàng tỏ ra hết sức quan tâm. Còn về phần mình, chàng cũng kể cho ông nghe những dự định với mọi chi tiết có thể làm ông ta chú ý. Chàng thấy gần gũi ông già hơn với anh mình và bất giác mỉm cười về mối thiện cảm của mình đối với ông. Rồi ông già đứng dậy, cầu nguyện và đến nằm dưới bụi cây sau khi vơ cỏ lót đầu; Levin cũng làm như vậy và mặc dầu ruồi bâu nhằng nhẵng cùng bọ rầy bé li ti bò buồn buồn trên mặt, trên mình đầm đìa mồ hôi, chàng vẫn ngủ ngay và mãi khi mặt trời ngả bên kia bụi cây chiếu tới chỗ nằm, chàng mới thức giấc. Ông già đã dậy từ lâu: ông đang ngồi mài lưỡi hái của đám thợ bạn trẻ. Levin nhìn quanh và không nhận ra đây là đâu nữa: tất cả đều đã biến đổi. Một khoảng đồng cỏ rộng lớn đã phát xong và rực lên một thứ ánh sáng đặc biệt, mới mẻ, với những luống cỏ đã thơm hương dưới nắng xiên khoai của mặt trời xế tà. Cả những đồng cỏ nằm bên bờ sông, cả con sông vừa nãy không trông thấy, giờ đây lấp lánh sáng như thép ở chỗ lượn khúc, cả những người đi ra chỗ làm hoặc đang đứng dậy, cả đàn diều hâu bay lượn trên đồng cỏ trơ trụi, tất thẩy đều hoàn toàn mới mẻ. Sau khi tỉnh hẳn, Levin nhẩm tính số lượng cỏ cắt được và công việc còn có thể làm thêm trong ngày. Bốn mươi hai người đã làm được một khối lượng công việc to lớn. Cả cánh đồng cỏ rộng, mà dưới thời nông nô phải ba mươi người làm quần quật suốt hai ngày mới xuể, đã được cắt hái xong. Chỉ còn những đám nhỏ sót lại trong góc. Nhưng Levin muốn làm đến mức tối đa trong hôm đó và chàng bực mình vì mặt trời lặn quá sớm. Chàng không thấy mệt chút nào: chàng chỉ có một mong muốn: làm mỗi lúc một nhanh hơn và càng nhiều càng tốt.

- Hay ta cắt thêm cả ở đồi Masca nữa, bác thấy thế nào? - chàng nói với ông già.

- Cái đó còn tùy Chúa: mặt trời không còn cao nữa đâu. Chắc ông sẽ đãi bọn trai tí rượu nữa?

Đến bữa chiều, khi mọi người đã ngồi xuống và cánh nghiện thuốc đã châm điếu hút, ông già liền báo cho biết nếu họ cắt cỏ thêm ở đồi Masca thì sẽ có rượu vôtka uống.

- Tại sao lại không cắt kia chứ? Tito, tiến lên trước đi! Chỉ trong nháy mắt là ta sẽ cắt xong chỗ này thôi! Đến tối rồi sẽ ăn. Dẫn bọn tôi ra làm luôn đi thôi! - những giọng nói vang lên, và ăn xong bánh mì, đám thợ hái liền bắt tay vào việc.

- Nào, các chú, cố lên! - Tito nói và rảo bước đi trước gần như chạy.

- Đi, đi thôi! - ông già nói, vội đuổi theo sau và dễ dàng bắt kịp anh ta. - Cẩn thận đấy! Lão sẽ cho anh biết lưỡi hái của lão!

Già và trẻ, mạnh ai người nấy hái. Nhưng dù vội đến đâu, họ cũng không làm hỏng cỏ, và những luống cỏ vẫn ngả xuống mượt và đều như thường. Trong vòng dăm phút họ đã cắt xong đám cỏ còn lại. Số người cuối cùng cắt nốt luống của mình, trong khi những người đằng trước đã khoác áo lên vai và vượt qua đường cái đi về phía đồi Masca. Sau một phút ngắt ngủi bàn bạc xem nên cắt theo chiều dọc hay chiều ngang, Prôkhor Ecmilin, một thợ hái nổi tiếng, một nông dân rất cao lớn, tóc dài và râu đen nhánh, đi lên trước. Anh ta cắt luống cỏ thứ nhất rồi quay gót trở lại; lúc đó mọi người mới theo vết chân anh ta đi xuống khe, rồi lại trèo lên đồi, đến tận ven rừng. Mặt trời đã khuất sau rặng cây. Sương xuống. ánh nắng chỉ còn chiếu sáng đỉnh đồi, ở dưới khe sương mù dâng lên và ở sườn đồi bên kia, đám thợ hái tiến lên trong bóng tối lạnh và ẩm ướt. Công việc đang dồn dập. Cỏ thơm ngai ngái từ trên cao, ngả xuống sột soạt êm như ru. Đám thợ hái tiến thành hàng dọc có phần quá sát nhau; ống bơ kêu loảng xoảng, lưỡi hái chạm nhau hoặc kêu rít dưới hòn đá mài và mọi người í ới vui vẻ gọi nhau, thúc giục nhau. Levin vẫn đi giữa gã trai trẻ và ông già. Ông già đã mặc áo lông cừu, vẫn luôn luôn vui vẻ, bỡn cợt và thoải mái. Trong rừng, giữa đám cỏ xanh tốt, chốc chốc lại thấy những chiếc nấm mòng mọng bị lưỡi hái phạt băng. Nhưng mỗi lần thấy nấm, ông già lại cúi xuống ngắt và nhét vào trong áo sơ mi. “Lại thêm tí quà mọn cho bà lão”, ông già nói, gọi là để giải thích. Cỏ non mềm và ẩm ướt dễ cắt, nhưng lên xuống bờ khe dốc đứng thì thật vất vả. Cái đó cũng không cản trở ông già. Ông vẫn đều tay đưa ngang lưỡi hái, trèo lên dốc từng bước ngắn, vững chãi trên đôi chân đi dép bằng vỏ cây bạch dương. Mặc dầu người run rẩy, quần trễ xuống dưới sơ mi, nhưng trên đường đi, ông vẫn không hề bỏ sót một nhánh cỏ, một chiếc nấm nào và tiếp tục bông đùa với Levin cùng đám mugich. Levin đi sau ông già, luôn luôn tưởng như sắp ngã lăn ra khi phải vừa vung hái vừa tiến lên ngọn đồi dốc đến nỗi trèo không cũng đủ vất vả, nhưng chàng vẫn tiếp tục đi lên và làm những việc phải làm. Chàng cảm thấy có một sức mạnh bên ngoài nâng đỡ mình.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx