4
Sau khi gặp Vronxki ở thềm nhà mình, Alecxei Alecxandrovitr tới rạp hát, như đã định trước. Ông xem hai hồi đầu và gặp những người cần gặp. Khi về tới nhà, ông chăm chú nhìn lên mắc áo, và thấy không có chiếc áo khoác nhà binh nào treo ở đấy, ông mới vào phòng riêng. Trái với thói quen, ông không đi nằm và cứ đi bách bộ trong phòng đến tận ba giờ sáng. Ông căm giận vợ đã không chịu giữ thể diện và thực hiện điều kiện duy nhất ông đề ra: không được tiếp tình nhân ở nhà, nỗi căm giận làm ông mất hết thanh thản. Cô ta đã vi phạm điều giao ước, vậy ông phải trừng phạt và thực hiện lời dọa nạt: ông sẽ ly hôn và giành lấy đứa con. Ông biết hết những khó khăn trong việc đó, nhưng ông đã nói mình sẽ làm như vậy, và bây giờ ông phải thực hiện lời đe dọa ấy. Nữ bá tước Lidia Ivanovna vạch cho ông thấy đó là lối thoát tốt nhất, và thời gian gần đây, những thủ tục ly hôn đã đơn giản đi nhiều, nên Alecxei Alecxandrovitr thấy có thể khắc phục được những khó khăn về thể thức. Rủi thay (thật là họa vô đơn chí), việc tổ chức các dị tộc và việc dẫn thủy nhập điền của tỉnh Zaraixc đã gây cho ông rất nhiều điều khó chịu, thành thử ít lâu nay, ông luôn ở trong tâm trạng hết sức bực bội. Suốt đêm ông không ngủ, và nỗi giận dữ cứ tăng lên rất nhanh, cho đến sáng thì đến tột đỉnh. Ông vội mặc quần áo như thể đang cầm một cái cốc đầy giận dữ chỉ sợ tràn ra ngoài làm vương vãi luôn cả chút nghị lực cần thiết để nói chuyện dứt khoát với vợ; ông vừa biết vợ đã dậy là lập tức vào ngay buồng nàng. Anna xưa nay vẫn tự cho là hiểu chồng rất rõ, cũng sửng sốt vì vẻ mặt ông ta khi bước vào buồng. Lông mày nhíu lại, mắt ông cứ chòng chọc nhìn thẳng phía trước, vẻ lầm lầm, tránh cái nhìn của vợ; ông mím chặt đôi môi đầy vẻ khinh bỉ. Từ dáng đi, cử chỉ đến giọng nói đều lộ vẻ kiên quyết, dứt khoát chưa từng thấy. Sau khi bước qua ngưỡng cửa buồng, ông đi thẳng vào chỗ bàn giấy của Anna, không chào hỏi, lấy chìa khóa và mở ngăn kéo.
- Ông muốn gì nào? - nàng kêu lên.
- Tìm thư từ của nhân tình cô, - ông ta nói.
- Thư từ không để ở đây, - nàng nói và đóng ngăn kéo lại; nhưng thấy cử chỉ ấy, ông biết là mình đoán đúng, và thô bạo gạt mạnh tay vợ, ông chộp nhanh lấy cái ví mà ông biết nàng dùng đựng giấy tờ quan trọng nhất. Nàng toan giằng lại ví, nhưng ông đẩy nàng ra.
- Cô ngồi xuống! Tôi có chuyện cần nói với cô, - ông nói, lấy cánh tay kẹp cái ví, kẹp chặt đến nỗi vai ông nhô hẳn lên. Nàng nhìn chồng im lặng, ngạc nhiên và sợ sệt.
- Tôi đã nói với cô là tôi cấm cô không được tiếp nhân tình ở nhà tôi kia mà.
- Tôi cần gặp anh ấy để... - Nàng ngừng lại, không bịa nổi cớ gì.
- Tôi chẳng thèm đếm xỉa đến lý do của người đàn bà viện ra để gặp tình nhân.
- Tôi chỉ muốn... - nàng nói và đỏ mặt. Thái độ cục cằn kia làm nàng nổi giận và mạnh dạn lên. - Sỉ nhục tôi bây giờ thì dễ biết mấy, chẳng lẽ ông không thấy thế sao? - nàng nói.
- Người ta có thể lăng nhục một người đàn ông lương thiện và một người đàn bà lương thiện, nhưng nói với thằng kẻ cắp rằng nó là thằng kẻ cắp, thì đó chỉ là xác nhận một việc có thực mà thôi.
- Thì ra đây là tính tàn bạo mới trước kia tôi không thấy ở ông.
- Cô cho rằng một người chồng để vợ được tự do và cho phép cô ta dùng tên tuổi mình làm chỗ nương thân lương thiện với điều kiện duy nhất là phải giữ thể diện, là tàn bạo sao? Thế mà gọi là tàn bạo ư?
- Còn xấu xa hơn cả tàn bạo nữa kia, đó là đê tiện, nếu ông muốn biết rõ! - Anna kêu lên trong nỗi căm hờn sôi sục. Nàng đứng dậy và định đi ra.
- Không được! - ông ta thét lên, tiếng the thé, giọng cao hơn thường lệ, và những ngón tay dài của ông bóp chặt lấy cánh tay Anna bắt nàng ngồi xuống, bóp chặt đến nỗi chiếc vòng hằn cả vệt đỏ lên tay nàng. - Đê tiện ư? Nếu cô muốn dùng đến chữ ấy, thì đê tiện chính là bỏ chồng bỏ con đi theo nhân tình mà vẫn tiếp tục ăn bám vào chồng. - Nàng cúi đầu xuống. Không những nàng không nói với ông điều hôm qua đã nói với Vronxki, rằng chính chàng mới là chồng và Carenin chỉ là thừa, thậm chí nàng còn không nghĩ đến điều ấy nữa. Nàng thấy mỗi lời ông nói đều rất đúng và đành chỉ khẽ nói:
- Ông không thể nào nhận định hoàn cảnh của tôi nghiêm khắc hơn chính tôi đâu; nhưng ông nói ra tất cả điều ấy để làm gì?
- Tại sao tôi nói ra à? Tại sao à? - ông nói tiếp, giọng vẫn giận dữ. - Để cô hiểu rằng, vì cô không tuân theo ý tôi về chuyện giữ thể diện, tôi sẽ có biện pháp chấm dứt tình trạng này.
- Nó sẽ tự chấm dứt, rất sớm thôi, - nàng nói, và nước mắt lại trào ra khi nghĩ đến cái chết sắp tới, cái chết lúc này nàng đang mong ước.
- Nó sẽ chấm dứt sớm hơn các người tưởng đấy, cô và nhân tình của cô ấy! Các người tìm cách thỏa mãn những dục vọng xác thịt...
- Alecxei Alecxandrovitr! Không những thế là kém độ lượng mà còn thô bỉ nữa, khi đánh người đã ngã xuống đất.
- Phải, cô bao giờ cũng chỉ nghĩ đến mình cô thôi! Những đau đớn của người từng là chồng cô, không làm cô bận tâm. Đời hắn ta có tan nát, hắn ta có đau đớn trăm bề, đối với cô cũng vậy thôi... - Alecxei Alecxandrovitr nói nhanh đến nỗi đâm lắp bắp. Anna thấy buồn cười, nhưng liền đó nàng hổ thẹn nghĩ lúc này không thể có cái gì là tức cười được. Và lần đầu tiên nàng thông cảm, tự đặt vào địa vị chồng và thương hại ông ta. Nhưng nàng biết nói gì, làm gì bây giờ? Nàng cúi đầu và nín lặng. Ông im lặng một lát, rồi lại nói tiếp, giọng bớt the thé, cố nhấn mạnh vài chữ chẳng có gì đặc biệt quan trọng.
- Tôi đến để nói với cô... - ông ta mào đầu.
Nàng ngước mắt nhìn chồng. “Không phải thế đâu, đó chỉ là bề ngoài thôi, nàng nghĩ thầm và nhớ lại bộ mặt chồng khi nói lắp. Không, một người có đôi mắt đục lờ và vẻ bình yên thỏa mãn thế kia không thể có tình cảm gì hết.”
- Tôi không thể thay đổi gì hết, - nàng khẽ nói.
- Tôi đến để nói cho cô biết ngày mai tôi đi Moxcva và sẽ không quay về nhà này nữa. Tôi sẽ bảo thầy kiện, người được tôi phó thác lo liệu việc ly dị, báo cho cô biết quyết định của tôi. Còn con trai tôi, nó sẽ đến ở với em gái tôi, - Alecxei Alecxandrovitr vừa nói vừa cố nhớ những điều mình định nói về vấn đề đứa con.
- Ông dùng Xerioja để hành hạ tôi, - nàng nói và nhìn trộm chồng.
- Ông có yêu gì nó đâu... Để nó lại cho tôi!
- Đúng như vậy, tôi không còn yêu cả con trai tôi nữa. Sự kinh tởm cô gây cho tôi đã vấy sang cả nó. Nhưng dù sao tôi cũng đem nó đi theo. Thôi vĩnh biệt!
Ông ta định đi ra, nhưng lần này chính nàng giữ chồng lại.
- Alecxei Alecxandrovitr, ông để Xerioja lại cho tôi! - nàng lại khẽ nói. - Tôi chỉ xin ông có thế thôi. Ông để nó lại cho tôi đến khi... Tôi sắp sửa ở cữ rồi, ông để nó lại cho tôi!
Alecxei Alecxandrovitr đỏ rừ cả mặt, hấp tấp rút tay khỏi tay nàng, rời căn buồng không nói năng gì cả.
5
Khi Alecxei Alecxandrovitr bước vào phòng đợi của vị luật sư nổi tiếng ở Peterburg thì đã thấy khá đông. Có ba bà: một trẻ, một già, và một vợ lái buôn, ba ông: một chủ nhà băng ngón tay đầy nhẫn, một nhà buôn rậm râu và một viên chức mặc đồng phục cổ đeo thánh giá, vẻ mệt rũ, rõ ràng họ ngồi đợi lâu rồi. Hai thư ký ngồi viết, ngòi bút chạy sột soạt. Đồ dùng văn phòng đều thuộc loại thượng hảo hạng, Alecxei Alecxandrovitr vốn rất thích các thứ đó, không thể không nhận ra điều ấy. Một viên thư ký vẫn ngồi nguyên, quay sang ông, vẻ quàu quạu, mắt hấp háy:
- Ngài cần gì?
- Nói chuyện với luật sư.
- Ông ấy đang bận, - viên thư ký trả lời cộc lốc, lấy bút chỉ vào đám người ngồi đợi, và tiếp tục viết.
- Ông ấy không thể dành một lát để tiếp tôi sao? - Alecxei Alecxandrovitr nói.
- Ông ấy không có lấy một phút rảnh, lúc nào cũng bận. Xin ngài chịu khó ngồi đợi.
- Ông làm ơn chuyển giúp cái thiếp của tôi cho ông ấy, - Alecxei Alecxandrovitr đành lộ tên thật của mình. Gã thư ký cầm lá thiếp, xem vẻ không ưng ý và đi về phía cửa.
Về nguyên tắc, Alecxei Alecxandrovitr vẫn thừa nhận cơ sở đúng đắn của việc cải cách tư pháp, nhưng vì những lý do hành chính cao cấp ông được biết, ông không hoàn toàn tán thành một số hình thức thi hành luật pháp và chỉ trích nó trong phạm vi có thể chỉ trích một tổ chức đã được quyền lực tối cao xét duyệt. Cả đời ông cống hiến cho hoạt động hành chính, cho nên, mỗi khi chỉ trích một chi tiết nào đó, ông đồng thời thừa nhận luôn rằng sai lầm là tất yếu, nhưng có thể bổ khuyết được trong từng trường hợp cụ thể. Về tổ chức pháp lý mới, ông phản đối những đặc quyền dành cho luật sư. Cho đến nay, ông chưa hề giao thiệp với họ, cho nên chỉ phê phán trên lý thuyết thôi; nhưng bây giờ, thái độ chỉ trích của ông căn cứ trên cảm giác khó chịu do phòng đợi của viên luật sư này gây ra.
- Ông ấy ra ngay bây giờ, - gã thư ký nói, và quả nhiên, hai phút sau cái bóng dài ngoẵng của một nhà luật học già vừa bàn bạc xong với luật sư, xuất hiện trên bậc cửa, và sau đó là đích thân luật sư. Ông ta thấp, mập người và hói trán, râu đen ngả màu hung, trán dô, lông mày dài và thưa. Ông diện như anh chàng đi hỏi vợ, từ cà vạt và bộ dây chuyền kép đeo đồng hồ đến đôi giầy ngắn cổ đánh xi bóng loáng. Mặt ông có vẻ thông minh và giàu nghị lực, nhưng lối ăn mặc cầu kỳ thì lại quê kệch.
- Xin mời ngài vào, - luật sư vừa nói vừa quay về phía Alecxei Alecxandrovitr. Ông ta nhường khách đi trước vẻ nghiêm trang, và đóng cửa lại. - Xin mời ngài ngồi, - ông nói, chỉ cho khách cái ghế bành cạnh bàn giấy chất đầy giấy tờ, và ông cũng ngồi xuống, hai bàn tay nhỏ bé, ngắn ngủn, có lông trắng xoa vào nhau và đầu nghiêng sang bên. Nhưng ông ta vừa ngồi yên trong tư thế đó thì một con mối liệng trên bàn giấy. Với một vẻ nhanh nhẹn bất ngờ, khác hẳn bề ngoài của ông ta, vị luật sư xòe tay chộp lấy con mối và ngồi về tư thế cũ.
- Trước khi vào đề tôi cần báo trước để ông biết mục đích cuộc đến thăm này cần giữ kín, - Alecxei Alecxandrovitr nói, ông đã ngạc nhiên theo dõi cử chỉ vừa rồi của luật sư.
Một nụ cười thoáng nở trên đôi môi lún phún hàng ria đỏ kệch của luật sư.
- Nếu không biết giữ kín những bí mật khách hàng phó thác thì tôi đã chẳng là luật sư. Nhưng nếu ngài muốn bảo đảm...
Alecxei Alecxandrovitr liếc nhìn mặt ông ta thấy cặp mắt xám, thông minh đang cười, dường như đã biết tất cả.
- Ông biết tên tôi chứ? - Alecxei Alecxandrovitr tiếp.
- Tôi có được nghe tên và như mọi người Nga, tôi biết (ông ta lại chộp con mối nữa) ngài đã cống hiến cho đất nước biết bao công sức, - luật sư nghiêng đầu nói.
Alecxei Alecxandrovitr thở dài và cố vận dụng hết can đảm. Khi quyết định rồi, ông lại nói bằng cái giọng the thé, không chút ấp úng và nhấn mạnh vào một số chữ:
- Tôi chẳng may bị phụ tình và tôi muốn cắt đứt quan hệ với vợ một cách hợp pháp, nói cách khác là xin ly dị, nhưng làm sao để con tôi phải rời mẹ nó. - Đôi mắt xám của luật sư cố nhịn cười nhưng lại ánh lên một nỗi vui thích không kìm được và Alecxei Alecxandrovitr thấy rõ đó không chỉ đơn thuần là niềm vui của kẻ được giao một việc có lợi: đó là vẻ đắc thắng, phấn hứng, một ánh lóe lên giống như cái ánh của điềm gở ông từng thấy trong mắt vợ.
- Ngài cần tôi giúp về việc ly dị, phải không ạ?
- Đúng thế, nhưng có lẽ tôi phải lạm dụng sự quan tâm của ông. Tôi đến để hỏi ý kiến ông trước. Tôi muốn ly dị, nhưng đối với tôi thể thức rất quan trọng. Nếu không phù hợp với đòi hỏi thì tôi sẽ khước từ cách làm hợp pháp.
- Ồ, tất nhiên, - luật sư nói, - bao giờ ngài cũng tự do làm theo ý riêng.
Luật sư nhìn chằm chằm xuống chân Alecxei Alecxandrovitr, vì sợ phô trương vẻ vui thích không kìm nổi của mình sẽ làm phật lòng khách hàng. Ông nhìn con mối đang bay trước mũi, và mặc dầu rất muốn bắt ông vẫn cố nén, vì tôn trọng địa vị của Alecxei Alecxandrovitr.
- Tuy về đại thể, tôi có biết qua nguyên tắc lập pháp trong vấn đề này, - Alecxei Alecxandrovitr nói tiếp, - tôi vẫn muốn biết cách thức áp dụng trong thực tế.
- Vậy ngài muốn, - luật sư không ngước mắt đáp, và không khỏi vui thích dùng lối nói của khách hàng, - ngài muốn tôi trình bày những phương pháp có thể giúp ngài thực hiện được ý đồ phải không ạ?
Và, sau khi Carenin gật đầu đồng ý, ông ta nói tiếp, thỉnh thoảng lại nhìn vào mặt Alecxei Alecxandrovitr đang đỏ ửng lên từng vết.
- Theo luật pháp của ta (ông ta uốn giọng một cách hơi khinh thị khi nói: luật pháp của ta) thì việc ly dị, như ngài đã biết, có thể chấp nhận trong những trường hợp sau đây... Bảo họ đợi đấy! - ông bảo gã thư ký vừa thò đầu qua cánh cửa; tuy nhiên, ông vẫn đứng lên ra nói với gã mấy câu và trở về chỗ ngồi. - Trong những trường hợp sau đây: cơ thể có tật bẩm sinh, mất tích hơn năm năm, - ông vừa nói, vừa gập ngón tay ngắn ngủn đầy lông, - và cuối cùng, là ngoại tình (ông thốt ra tiếng đó với vẻ đắc ý ra mặt). - Phân loại chi tiết hơn như sau (ông tiếp tục gập những ngón tay to bè, mặc dầu những trường hợp và phân mục nọ rõ ràng không thể xếp cùng loại): cơ thể có tật bẩm sinh của chồng hoặc vợ, chồng ngoại tình hay vợ ngoại tình. - Vì mấy ngón tay gập cả rồi, ông lại xòe ra và nói tiếp: - về phương diện lý thuyết thì như vậy, nhưng tôi chắc ngài hạ cố hỏi là để muốn biết việc áp dụng trong thực tế. Cho nên, bằng vào những điểm trên, tôi cần thưa rằng mọi trường hợp ly hôn rút lại đều là... nếu tôi không lầm, thì đây không có vấn đề cơ thể có tật bẩm sinh hay mất tích phải không ạ?
Alecxei Alecxandrovitr gật đầu.
- Rút lại là như sau: một trong hai vợ chồng có ngoại tình, trong trường hợp ấy phải xác định một bên đương sự mắc tội do hai bên đều thỏa thuận, hay nếu không có sự thỏa thuận... thì phải bắt quả tang. Tôi cần nói, thực tế trường hợp sau họa hoằn lắm mới xảy ra, - luật sư nói, liếc nhìn Alecxei Alecxandrovitr thật nhanh, rồi lặng thinh như một anh lái súng sau khi khoe các ưu điểm của khẩu nọ khẩu kia, đang đợi khách hàng chọn. Nhưng Alecxei Alecxandrovitr cũng nín lặng và luật sư nói tiếp: - Theo tôi, trường hợp thông thường nhất, giản dị nhất và hợp lý nhất là việc ngoại tình có thỏa thuận chung. Tôi sẽ không tự cho phép nói như vậy, nếu không phải là đang thưa chuyện với một người tiến bộ, - luật sư nói, nhưng tôi nghĩ, chúng ta hiểu nhau cả. Alecxei Alecxandrovitr đâm hoang mang đến nỗi không hiểu ngay thế nào là ích lợi của ngoại tình có thỏa thuận chung, và lộ rõ nỗi bối rối đó trong khóe mắt; nhưng luật sư đã mách nước cho ông:
- Hai vợ chồng không thể sống chung được nữa; đó là một thực tế. Nếu cả hai đều bằng lòng ly dị thì các chi tiết và thủ tục không quan trọng. Và đồng thời, đây là cách giản đơn và chắc chắn nhất.
Lần này Alecxei Alecxandrovitr hiểu rõ hoàn toàn. Nhưng lòng mộ đạo không cho ông dùng biện pháp đó.
- Vấn đề đó không thể đặt ra trong trường hợp này, - ông nói. - Tôi chỉ thấy có một giải pháp: chứng minh vụ ngoại tình bằng thư từ hiện tôi đang giữ.
Luật sư bĩu môi khi nghe nói đến thư từ, và “à” một tiếng tỏ vẻ thương hại và khinh bỉ.
- Ngài chớ nên quên, - ông ta nói, - những vấn đề loại này thuộc thẩm quyền của giới giáo sĩ tối cao; các đức cha đều rất khoái một số tiểu tiết, - ông ta nói, mỉm cười đầy thiện cảm với thích thú của các đức cha. - Thư từ tất nhiên có thể có ích nhưng bằng chứng cần được thu lượm trực tiếp, nghĩa là phải do người làm chứng đưa ra. Nếu tôi có vinh dự được ngài tin cẩn, thì xin ngài cứ cho tôi được quyền chọn biện pháp cần thiết. Muốn đạt mục đích phải dùng thủ đoạn.
- Nếu sự thể như vậy... - Alecxei Alecxandrovitr nói, mặt tái nhợt; nhưng vừa lúc đó, luật sư đứng dậy và chạy ra cửa trả lời viên thư ký lại vào ngắt chuyện lần nữa.
- Anh nói với bà ấy là ở đây không có chuyện mặc cả! - ông bảo thư ký rồi quay lại với Alecxei Alecxandrovitr.
Vừa đi, ông vừa chộp được chú mối nữa, không để khách nhìn thấy. “Đợt nghỉ hè của mình năm nay tha hồ thú vị!”, ông ta chau mày thầm nghĩ.
- Ngài nghĩ sao ạ? - ông ta nói.
- Tôi sẽ viết thư cho ông biết quyết định của tôi, - Alecxei Alecxandrovitr vừa nói vừa đứng dậy và tì người vào bàn. Đứng im một lát, ông nói thêm: - Vậy thì, những lơi ông nói cho phép tôi kết luận việc ly dị có thể thực hiện được. Xin ông làm ơn cho biết những điều kiện của ông.
- Mọi việc đều có thể xong xuôi, nếu ngài để tôi hoàn toàn tự do hành động, - luật sư nói, không trả lời vào câu hỏi. - Chừng nào tôi có thể nhận được tin ngài? - ông vừa hỏi vừa đi lại gần cửa, mắt sáng ngời không kém đôi giày cao cổ đánh xi bóng loáng.
- Trong vòng một tuần nữa. Nhưng xin ông vui lòng cho biết ông có nhận đảm nhiệm việc này không, và với điều kiện thế nào.
- Được ạ. - Luật sư kính cẩn cúi chào, đưa khách hàng ra ngoài và khi còn lại một mình, ông tha hồ mừng. Ông cảm thấy tâm hồn khoái hoạt đến nỗi đã hạ giá cho bà khách mặc cả lúc nãy, trái với nguyên tắc thường lệ, thôi không chộp mối nữa, và quyết định mùa đông tới, thế nào cũng cho bọc nhung đồ đạc, như ở nhà Xigônin vậy.
6
Alecxei Alecxandrovitr Carenin thu được thắng lợi rực rỡ trong kỳ họp tiểu ban hôm 17 tháng 8, nhưng thắng lợi đâm ra bất lợi cho ông. Tiểu ban mới chịu trách nhiệm điều tra tình hình mọi mặt của các dị tộc, nhờ Alecxei Alecxandrovitr, đã thành lập và được phái đến tại chỗ rất nhanh chóng. Ba tháng sau, tiểu ban đệ trình báo cáo. Tình hình các dị tộc đã được nghiên cứu về các mặt chính trị, hành chính, kinh tế, chủng tộc, vật chất và tôn giáo. Mọi vấn đề đều kèm theo lời giải đáp biên soạn rất tuyệt không hồ nghi vào đâu được, vì đó không phải là sản phẩm của trí tuệ con người vốn bao giờ cũng có thể lầm lẫn, mà là sản phẩm của chủ nghĩa quan liêu. Mọi lời giải đáp đều dựa trên những bằng cứ chính thức, những báo cáo của các thống đốc và giám mục, dựa trên những liên hệ giữa các nhà chức trách quận với các vị thủ chỉ, những liên hệ này lại dựa trên những báo cáo của chính quyền các khu và các linh mục xứ đạo. Cho nên tất cả những câu trả lời đó đều đáng tin cậy. Mọi câu hỏi đại loại như: Tại sao mùa màng lại kém? Tại sao dân cư lại thiết tha với tín ngưỡng của họ? v. v... mà nếu không có sự cứu viện của bộ máy hành chính thì hàng thế kỉ cũng không phân giải được, những câu hỏi đó đều đã được giải đáp phân minh và dứt khoát. Và cách giải quyết đó lại phù hợp với ý đồ của Alecxei Alecxandrovitr. Nhưng Xtremov, bị chạm nọc trong kỳ họp vừa rồi, khi nhận báo cáo của tiểu ban, liền sử dụng một chiến thuật mà Alecxei Alecxandrovitr không lường trước được. Xtremov lôi kéo mấy nhân viên trong tiểu ban, đột nhiên chuyển sang đứng về phe Alecxei Alecxandrovitr và không những nhiệt liệt ủng hộ việc áp dụng các biện pháp do Carenin dự kiến mà còn đề nghị thêm những biện pháp khác quá khích hơn, cũng theo tinh thần ấy. Những biện pháp đó được thông qua và đồng thời chiến thuật của Xtremov cũng lộ nguyên hình. Những biện pháp quá trớn đó vô lý đến nỗi, cùng một lúc, cả những vị trong chính phủ, lẫn dư luận công chúng, cả các phu nhân thông minh lẫn báo chí đều đổ xô vào công kích, biểu lộ sự bất bình với chính các biện pháp cùng cha đẻ ra chúng là Alecxei Alecxandrovitr. Còn Xtremov, ông ta bèn lẩn mặt, làm bộ như chỉ mù quáng theo đuổi Carenin và ngạc nhiên trước tiên về những việc đã được tiến hành. Uy tín Alecxei Alecxandrovitr dó đó bị một đòn tai hại. Nhưng mặc dầu sức khỏe sút kém, mặc dầu buồn tủi vì chuyện vợ con, Alecxei Alecxandrovitr vẫn chưa cam chịu thất bại. Một sự chia rẽ xảy ra trong tiểu ban. Một bên, do Xtremov cầm đầu, giải thích sai lầm của họ là vì quá tin vào tiểu ban điều tra và nói bản tường trình của tiểu ban đó chỉ là một mớ những điều vô lý. Những người khác về phe với Carenin, thấy nguy cơ của một thái độ cách mạng như vậy đối với công việc Nhà nước, thì ủng hộ việc làm của tiểu ban. Câu chuyện đâm rối tinh đến nỗi cả những giới cao cấp, cả lớp thượng lưu tuy rất quan tâm đến vụ tranh chấp này, cũng không tài nào biết được hoàn cảnh của những dị tật thật ra là cùng khốn hay phồn vinh. Địa vị Alecxei Alecxandrovitr, vốn đã tổn thương vì sự khinh miệt đổ lên đầu ông do nỗi bất hạnh về đường vợ chồng, nay lại càng lung lay tợn. Ông bèn quyết định một điều quan trọng. Ông tuyên bố sẽ xin phép thân hành đến điều tra tại chỗ, làm tiểu ban rất ngạc nhiên. Và khi được phép, Alecxei Alecxandrovitr liền đi về một tỉnh xa. Việc Alecxei Alecxandrovitr ra đi càng gây dư luận sôi nổi vì trước khi lên đường, ông chính thức từ chối số kinh phí vận chuyển ấn định bằng tiền thuê mười hai ngựa trạm.
- Tôi thấy thái độ đó rất khẳng khái, - nhân chuyện đó Betxi có nói với quận chúa Myagkaia như vậy. - Tại sao lại cấp tiền thuê ngựa trạm trong khi mọi người đều biết bây giờ đâu đâu cũng có đường xe lửa?
Nhưng quận chúa Myagkaia không đồng ý và thậm chí còn khó chịu về cách nhìn đó.
- Chị nói thế nào mà chẳng được, khi có hàng bao nhiêu triệu trong tay! - bà ta nói. - Còn tôi, tôi rất mừng khi nhà tôi đi thanh tra các nơi. Mỗi lần như thế ông ấy vừa khỏe ra vừa được một chuyến du lịch thú vị, còn tôi, tôi được trả tiền xe và công xà ích.
Alecxei Alecxandrovitr đi qua Moxcva, và dừng lại đó ba ngày.
Ngay sau hôm đến Moxcva, ông ghé thăm vị thống đốc. Đến ngã tư phố Gazet lúc nào cũng ùn ùn xe nhà và xe thuê, đột nhiên ông nghe thấy có ai gọi mình, gọi toáng lên bằng một giọng vui vẻ và sang sảng khiến ông không thể không quay lại. Ở góc hè, Xtepan Arcaditr đang đứng, mình mặc áo choàng ngắn đúng thời trang và đội mũ vành hẹp lệch sang bên, miệng tươi cười lấp lánh hàm răng trắng muốt giữa đôi môi đỏ chót, vẻ vui tươi, trẻ trung và rạng rỡ. Ông ta lớn tiếng gọi và ra hiệu cho Carenin dừng lại. Một tay ông bám vào cửa chiếc xe ngựa đỗ ở góc, từ trong đó một phụ nữ đội mũ nhung và hai đứa trẻ đang ló đầu ra. Xtepan Arcaditr mỉm cười ra hiệu cho ông em rể lại gần. Người đàn bà nở một nụ cười hiền hậu và cũng vẫy tay về phía Alecxei Alecxandrovitr. Đó là Doli và các con. Alecxei Alecxandrovitr không muốn gặp ai ở Moxcva và nhất là càng không muốn gặp anh vợ. Ông ngả mũ chào và định tiếp tục đi, nhưng Xtepan Arcaditr bảo xà ích dừng xe lại và chạy trong tuyết đến tận xe Carenin.
- Chú tệ quá, chả báo trước cho chúng tôi biết. Chú đến đây lâu chưa? Hôm qua, tôi đến khách sạn Duixo thấy tên chú trong sổ tạm trú mà thậm chí cũng không nghĩ ra là chú nữa kia! - Xtepan Arcaditr vừa nói vừa thò đầu vào cửa xe. - Nếu không tôi đã đến chỗ chú rồi. Tôi rất mừng được gặp chú! - ông nói vừa đập chân vào nhau để rũ tuyết. - Chú không báo trước cho chúng tôi, thật tệ! - ông nhắc lại.
- Tôi không có thì giờ, tôi rất bận, - Alecxei Alecxandrovitr trả lời cộc lốc.
- Đến gặp nhà tôi đi, nhà tôi muốn gặp chú lắm đấy. - Alecxei Alecxandrovitr bỏ tấm chăn đang ủ đôi chân run rẩy và xuống xe, rẽ lối qua lớp tuyết đến gặp Daria Alecxandrovna.
- Có chuyện gì thế, Alecxei Alecxandrovitr? Tại sao chú lại lánh mặt chúng tôi như vậy? - Doli mỉm cười nói.
- Tôi bận quá. Rất sung sướng được gặp anh chị, - ông nói bằng một giọng lộ vẻ ngược hẳn lại. - Thế chị có khỏe không?
- Cô Anna thân mến của tôi có khỏe không? - Alecxei Alecxandrovitr lầm bầm vài câu và định cáo từ. Nhưng Xtepan Arcaditr giữ ông lại.
- Mai ta sẽ làm như thế này nhé. Doli, mình hãy mời chú ấy đến ăn cùng Coznưsev và Petxov, để thết chú ấy một bữa trí thức Moxcva!
- Ừ mà phải, chú đến nhé, chúng tôi rất vui sướng được tiếp chú, - Doli nói. - Xin mời chú đến vào lúc năm giờ hoặc sáu giờ, tùy chú. Còn cô Anna thân mến của tôi ra sao? Đã lâu lắm rồi...
- Nhà tôi vẫn khỏe, - Alecxei Alecxandrovitr cau mày, lầm bầm nói. - Rất hân hạnh! - Và ông quay lại xe.
- Chú đến chứ? - Doli hỏi với theo. Alecxei Alecxandrovitr nói một câu vào trong xe để không thấy tiếng xe chạy xa dần.
- Mai tôi sẽ qua chỗ chú! - Xtepan Arcaditr nói to với ông ta. Alecxei Alecxandrovitr ngồi thụt sâu vào trong xe để không thấy gì và không ai thấy mình.
- Con người mới kỳ cục làm sao! - Xtepan Arcaditr nói với vợ và sau khi xem đồng hồ, khoát tay âu yếm tạm biệt vợ con rồi thoăn thoắt bước đi trên vỉa hè.
- Xtiva! Xtiva! - Doli gọi chồng, mặt đỏ dừ. Ông ta quay đầu lại.
- Này mình, em phải mua áo choàng cho Grisa và Tania. Đưa tiền cho em.
- Được rồi, mình cứ bảo là tôi thanh toán sau! - và ông biến mất sau khi vui vẻ chào một người bạn đi xe ngựa ngang qua.
@by txiuqw4