sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Anna Karenina (Tập 2) - Phần 5 - Chương 11

26

- Thế nào bác Capitonitr? - Xerioja, mặt đỏ bừng vui thích sau cuộc dạo chơi hôm trước sinh nhật, hỏi lão gác cổng già khi lão cởi áo khoác cho nó và đứng cao sừng sững, mỉm cười nhìn xuống chú bé. - Cái ông viên chức đeo băng có đến không? Ba có tiếp ông ta không?

- Có. Khi ông chánh văn phòng ra về, tôi đã vào báo với ông nhà tiếp ông ta, - lão gác cổng vui vẻ nháy mắt nói với chú bé. - Cậu để tôi cởi áo cho nhé.

- Xerioja! - viên gia sư người Xerbi đứng trên ngưỡng cửa thông sang các gian buồng gọi. - Em hãy cởi áo lấy một mình!

Nhưng Xerioja không chú ý đến những lời đó, mặc dầu đã nghe thấy cái giọng nhỏ nhẻ của ông gia sư: chú bé đứng đó, nắm lấy dây lưng lão gác cổng và nhìn thẳng vào mặt lão.

- Thế ba có làm giúp những việc ông ta cần không?

Lão gác cổng gật đầu. Ông viên chức đeo băng đã bảy lần đến thỉnh cầu Alecxei Alecxandrovitr việc gì đó, làm Xergei và lão gác cổng phải chú ý. Một hôm Xerioja gặp ông trong phòng chờ và nghe thấy ông ta nài nỉ van lơn, nhờ lão gác cổng báo xin tiếp kiến, nếu không ông chỉ còn cách cùng chết với lũ con.

Từ hôm đó, sau một lần gặp nữa tại phòng chờ, Xerioja quan tâm đến ông ta.

- Ông ta có hài lòng lắm không? - chú bé hỏi.

- Tôi chắc là có! Ông ta ra khỏi đây như muốn nhảy cẫng lên.

- Có ai mang gì lại đây không? - Xerioja hỏi, sau khi nín lặng hồi lâu.

- Thưa cậu, có ạ, - lão gác cổng gật đầu nói nhỏ với chú bé, - của nữ bá tước gửi đến.

Xerioja hiểu ngay đó là quà của nữ bá tước Lidia Ivanovna tặng nó nhân kỉ niệm ngày sinh.

- Bác bảo sao hả? Đâu?

- Cornei đưa lên phòng của ba rồi. Chắc là một đồ chơi đẹp lắm!

- To chừng nào? Bằng này nhé?

- Không, nhỏ hơn, nhưng đẹp lắm.

- Sách à?

- Không đồ chơi. Thôi, cậu đi đi, Vaxili Lukic gọi cậu đấy, - lão gác cổng nói vậy khi nghe thấy tiếng chân ông gia sư. Lão nhẹ nhàng gỡ bàn tay bé nhỏ đã tuột nửa găng ra ngoài, đang bím lấy dây lưng lão và nháy mắt ra hiệu chỉ về phía gia sư Lukic.

- Vaxili Lukic, em đến ngay đây, - Xerioja trả lời với nụ cười vui vẻ và âu yếm bao giờ cũng làm xiêu lòng thầy Vaxili Lukic nghiêm khắc.

Xerioja đang sung sướng quá nên không thể không chia xẻ với ông bạn gác cổng niềm vui của gia đình mà đứa cháu gái nữ bá tước vừa cho chú biết trong khi dạo chơi ở vườn hoa mùa hè. Chú bé thấy niềm vui đó càng lớn hơn vì nó trùng hợp với niềm vui của ông viên chức và niềm vui của bản thân chú khi được biết có người mang đồ chơi đến tặng. Xerioja thấy hôm nay hình như mọi người đều phải được sung sướng và hài lòng.

- Bác có biết ba được thưởng huân chương Alecxandr Nevxki không?

- Tất nhiên có biết chứ! Người ta đến chức mừng ông rồi đấy.

- Ba có thích không?

- Được Nga hoàng ban ơn thì ai mà chả thích. Ông nhà xứng đáng được như vậy, - lão gác cổng nói giọng nghiêm trang và trịnh trọng.

Xerioja vừa ngẫm nghĩ, vừa ngắm khuôn mặt lão gác cổng mà chú thuộc đến từng nét nhỏ nhất, nhất là cái cằm lơ lửng giữa hai chòm râu má hoa râm, điều không ai nhận thấy trừ Xerioja vì bao giờ chú bé cũng nhìn ông bạn từ dưới lên.

- Con gái bác đến thăm bác đã lâu Cha? Con gái lão gác cổng ở trong đội vũ balê.

- Ngày thường nó không có thì giờ lại đâu. Nó cũng phải học chứ. Thôi mời cậu đi học bài đi.

Bước vào phòng, đáng lẽ ngồi xuống học bài thì Xerioja lại bảo gia sư là nó đoán người ta đã mang đến cho nó một cái đầu tàu hoả.

- Thầy bảo có đúng không? - nó hỏi.

Nhưng Vaxili Lukic đang nghĩ tới việc chuẩn bị bài ngữ pháp cho vị giáo sư sẽ đến đây hồi hai giờ.

- Không, Thưa thầy, - nó đột nhiên hỏi sau khi ngồi vào bàn học, tay cầm quyển sách, - thầy bảo cho em biết trên huân chương Alecxandr Nevxki còn có huân chương gì nữa? Thầy biết là ba vừa được thưởng huân chương Alecxandr Nevxki chứ?

Vaxili Lukic trả lời còn có huân chương Thánh Vladimia.

- Thế to hơn nữa là huân chương gì?

- Thánh Andrei.

- Thế cao hơn huân chương Thánh Andrei là gì?

- Tôi không biết.

- Sao kia, cả thầy cũng không biết à? - và Xerioja tì khuỷu tay xuống bàn, triền miên suy nghĩ.

Những ý nghĩ đó thuộc loại phức tạp và linh tính nhất. Chú bé tưởng tượng đủ điều, nào là ba chú cùng một lúc được hưởng cả huân chương Thánh Vladimia lẫn huân chương Thánh Andrei, nào là hôm nay ông sẽ dễ dãi hơn nhiều đối với bài học và bản thân chú, nào là khi lớn lên, chú cũng sẽ được hưởng mọi thứ huân chương, kể cả những huân chương sẽ đặt ra cao hơn huân chương thánh Andrei nữa. Hễ họ đặt ra huân chương nào là chú sẽ xứng đáng được thưởng ngay huân chương đó. Họ sẽ đặt ra những huân chương ngày càng cao hơn và chú sẽ lập tức xứng đáng được thưởng ngay mọi huân chương đó. Thời gian trôi theo những ý nghĩ đó và khi giáo sư đến, bài học về những bổ từ thời gian, địa điểm và trạng thái, chú vẫn chưa thuộc và giáo sư chẳng những không bằng lòng mà còn buồn phiền. Vẻ buồn rầu của giáo sư làm Xerioja xúc động. Chú không cảm thấy mình có lỗi: dù cố gắng thế nào, chú cũng không thể học thuộc được bài; khi giáo sư giảng, chú thấy hình như mình hiểu cả, nhưng khi còn lại một mình, quả thực chú không sao hiểu nổi tại sao một chữ ngắn như vậy và dễ hiểu như vậy, chẳng hạn chữ “bỗng nhiên” lại được mệnh danh là bổ từ trạng thái; nhưng chú vẫn hối hận vì đã làm phiền lòng giáo sư.

Chú chọn lúc giáo sư đang lẳng lặng tìm gì đó trong quyển sách:

- Thầy Mikhain Ivanitr, sinh nhật của thầy vào ngày nào ạ? - chú đột nhiên hỏi.

- Em hãy nghĩ đến việc học của em thì hơn; ngày hội không có gì quan trọng đối với một người đứng đắn. Đó cũng là một ngày phải làm việc như mọi ngày thôi.

Xerioja chăm chú nhìn giáo sư, nhìn bộ râu thưa thớt, cặp kính tuột xuống mũi của ông và suy nghĩ miên man đến nỗi lần này chú hoàn toàn không nghe thấy những lời ông giảng. Chú biết giáo sư không nghĩ đúng như ông nói, chú cảm thấy thế qua giọng ông khi thốt ra lời đó. “Nhưng tại sao họ lại cứ đồng tình nói giống hệt nhau những chuyện buồn tẻ và vô ích như vậy với mình? Tại sao ông ta lại xa lánh mình? Tại sao ông ta không yêu mình?”, đứa bé buồn rầu tự hỏi mà không tìm nổi câu trả lời.

27

Sau bài học của giáo sư đến bài học của ông bố. Trong khi chờ đợi, Xerioja ngồi trước bàn học nghịch con dao con và tiếp tục suy nghĩ. Một trong những công việc ưa thích của chú là tìm mẹ trong những lúc dạo chơi. Chú không tin vào cái chết nói chung và nhất là không tin là mẹ chết, mặc dầu Lidia Ivanovna nói thế và bà cũng xác nhận điều ấy: cho nên, sau khi họ nói mẹ đã chết, chú vẫn tiếp tục tìm mẹ khi dạo chơi. Tất cả những phụ nữ xinh đẹp, tóc nâu, hơi đậm người đều là mẹ chú. Mỗi khi thấy một bà như vậy, một niềm yêu thương mãnh liệt tràn ngập tâm hồn Xerioja đến nỗi chú nghẹn thở và rưng rưng nước mắt. Và lần nào chú cũng hi vọng có một trong những người đàn bà đó đến với chú và nhấc mạng che mặt lên. Chú sẽ nhìn thấy khắp mặt mẹ, mẹ sẽ mỉm cười, ôm chú trong tay. Chú sẽ ngửi thấy mùi thơm của mẹ, cảm thấy bàn tay hiền dịu và khóc òa lên, vui sướng như cái tối nằm dưới chân mẹ, cho mẹ cù và chú cười chảy cả nước mắt rồi cắn vào bàn tay mẹ đẹp, trắng muốt, đầy nhẫn. Sau đó, khi bà vú nuôi cho biết mẹ chưa chết và khi bà cùng Lidia Ivanovna giảng giải là đối với chú, mẹ chết rồi vì mẹ không tốt (chú yêu mẹ nên chẳng bao giờ tin thế), chú lại tiếp tục tìm kiếm và chờ đợi mẹ như không có việc gì xảy ra. Hôm nay, ở Vườn hoa mùa hè, chú thấy một bà đeo mạng màu hoa cà men theo cùng một lối tiến lại gần, chú nhìn mà cứ thổn thức hi vọng đó chính là mẹ. Nhưng bà không đến tận nơi mà rẽ đi khuất. Hôm nay, Xerioja thấy lòng yêu thương mẹ tràn ngập mãnh liệt hơn bao giờ hết và chú vừa ngồi đợi bố, vừa lấy dao gọt cạnh bàn, đôi mắt long lanh nhìn thẳng đằng trước, vẻ lơ đãng, tưởng nhớ tới mẹ.

- Bà đang đến đấy, - Vaxili Lukic bảo chú.

Xerioja đứng phắt dậy, ra đón bố và sau khi hôn tay bố, liền chăm chú nhìn mặt ông, tìm xem có dấu hiệu gì vui mừng sau khi được thưởng huân chương Alecxandr Nevxki.

- Con đi dạo chơi có thích không? - Alecxei Alecxandrovitr hỏi con, ngồi vào ghế bành và mở cuốn kinh Cựu ước. Mặc dầu đã nhiều lần bảo Xerioja rằng bất cứ tín đồ nào cũng phải thuộc làu Kinh Thánh, chính ông cũng thường phải luôn tra cứu kinh Cựu ước để giảng bài. Chú bé nhận thấy thế.

- Có ạ, con chơi thích lắm ba ạ, - Xerioja nói, ngồi ngang trên ghế và lắc lư người, điều chú không được phép làm. - Con gặp Nadenca (Nadenca là cháu gái Lidia Ivanovna được bà nuôi nấng dạy dỗ). Nó bảo con là ba được thưởng huân chương mới. Ba có thích không hả ba?

- Thứ nhất, ba yêu cầu con không được lắc lư thế, - Alecxei Alecxandrovitr nói, - và thứ hai, đối với chúng ta công việc mới là quý, chứ không phải khen thưởng. Ba muốn con hiểu điều đó. Nếu con làm việc, học tập để nhận phần thưởng, con sẽ cảm thấy vất vả; nhưng nếu yêu thích công việc trong khi lao động con sẽ tìm thấy phần thưởng ngay trong đó. (Alecxei Alecxandrovitr nhớ lại sáng nay đã phải kí tới một trăm mười tám công văn và ông chỉ lấy tinh thần trách nhiệm cao mà tự động viên mình làm xong cái công việc bạc bẽo ấy). - Đôi mắt long lanh yêu thương và vui sướng của Xerioja tối sầm lại trước cái nhìn của bố. Lần nào nói chuyện với nó, Alecxei Alecxandrovitr cũng giữ nguyên một giọng như vậy và đứa trẻ đã tập làm quen với điều đó. Bao giờ cũng vậy - ít ra cũng là cảm tưởng của chú bé - ông nói với nó như nói với một đứa trẻ tưởng tượng thường thấy trong sách, không giống nó chút nào. Và đứng trước mặt bố, Xerioja cố gắng để giống đứa bé nọ.

- Ba chắc con hiểu chứ! - ông bố bảo con.

- Thưa ba vâng, - Xerioja trả lời, đóng vai đứa trẻ tưởng tượng. Bài học gồm việc học thuộc lòng mấy đoạn kinh Phúc âm và đọc những chương đầu kinh Cựu ước. Xerioja thuộc bài nhưng trong khi đọc, chú lại mải ngắm cái gờ trán bố gần như thẳng góc với thái dương nên đâm lú lấp và đọc nhầm hai đoạn kinh, một đoạn thì kết thúc và một đoạn lại bắt đầu bằng cùng một chữ. Đối với Alecxei Alecxandrovitr thì hiển nhiên là chú bé không hiểu gì lời mình đọc cả và điều đó làm ông bực tức. Ông cau mày và bắt đầu giảng giải, Xerioja từng nghe những lời đó hàng bao lần rồi và không bao giờ nhớ được, vì trong đó chẳng có gì đáng tìm hiểu cả. Đại loại như: “bỗng nhiên” là một bổ từ trạng thái, Xerioja nhìn bố, khiếp hãi, và chỉ nghĩ tới một việc: liệu bố có bắt nhắc lại lời ông vừa nói như một vài lần trước không? Ý nghĩ đó làm chú khiếp sợ đến nỗi không còn hiểu gì. Nhưng bố không bắt chú nhắc lại và chuyển sang học Kinh Cựu ước. Xerioja kể rất trôi chảy các sự tích nhưng đến khi phải giải thích ý nghĩa những sự tích đó, chú cứ ngồi im thin thít, mặc dầu có lần đã phải phạt vì bài đó. Đến đoạn các tộc trưởng trước trận hồng thuỷ, chú không nói được gì nữa: chú ngắc ngứ, lấy dao gọt bàn, lắc lư trên ghế. Chú chỉ nhớ có Enor, còn sống, được đưa lên trời. Trước đây một lát, chú còn nhớ những tên khác, thế mà bây giờ đã quên tiệt, chủ yếu vì trong toàn bộ kinh Cựu ước, Enor là nhân vật chú ưa thích nhất và vì trong đầu óc chú việc Enor được đưa lên trời gắn liền với chuỗi dài ý nghĩ đã choán hết tâm tư, trong khi chú đăm đăm nhìn cái dây đeo đồng hồ của bố và khuy áo gi lê tuột một nửa ra ngoài khuyết. Xergei không tin hẳn là có cái chết, mà người ta thường nói với chú. Chú không tin là những người chú yêu và cả bản thân chú có thể chết. Đối với chú, cái đó hoàn toàn không thể có và không thể hiểu được. Nhưng ai cũng nói tất cả mọi người đều chết: chú tìm hỏi những người chú tin cậy và họ đều thừa nhận điều đó; bà vú nuôi cũng bảo thế, mặc dầu miễn cưỡng. Nhưng nếu Enor không chết, thế tức là mọi người đều không chết. “Tại sao mỗi người lại không xứng đáng được lên trời từ lúc còn sống?” Xerioja thầm nghĩ. Những kẻ độc ác, nói cách khác là những người Xerioja không thích, có thể chết, nhưng người tốt thì có thể được như Enor.

- Thế nào, những tộc trưởng khác tên là gì?

- Enor... Enor...

- Con nói tên đó rồi, Xerioja, như thế là không tốt. Rất không tốt. Nếu con không gắng học điều cần thiết hơn cả đối với một tín đồ, - ông bố đứng dậy và nói, - thì liệu con còn quan tâm đến cái gì nữa kia chứ? Ba không bằng lòng con và Piot’r Igantiêvich (tức ông giáo chính) cũng không bằng lòng con... Ba buộc phải phạt con.

Bố và thầy giáo, cả hai đều bực Xerioja và quả thực, nó học rất kém. Tuy nhiên, không thể bảo nó là đứa trẻ đần độn. Trái lại, nó còn thông minh hơn nhiều so với những đứa trẻ thầy giáo đã nêu lên làm gương. Theo cách nhìn của ông bố, nó không chịu học điều người ta dạy nó. Sự thực, nó không thể học được. Nó không học được vì tâm hồn nó chứa đựng những yêu cầu cấp thiết hơn nhiều so với yêu cầu mà bố và thầy giáo đề ra. Những yêu cầu khác nhau đó chống đối nhau, cho nên nó công khai đối lập với những người giáo dục nó. Nó lên chín, nó chỉ là một đứa con nít; nhưng nó hiểu tâm hồn nó, tâm hồn đó thân thiết với nó, nó bảo vệ tâm hồn như hàng mi bảo vệ con mắt, chống lại những ai muốn đi sâu vào tâm hồn mà không có chìa khóa của tình yêu. Những người giáo dục than phiền nó không chịu học trong khi tâm hồn nó lại đang khao khát hiểu biết. Nếu nó học được gì là học ở Capitonitr, ở bà vú, ở Nadenca, ở Valixi Lukic, chứ không phải ở các giáo sư. Dòng nước mà ông bố và nhà sư phạm chờ đợi sẽ xoay chuyển bánh cối xay của họ, từ lâu đã thấm vào miếng đất khác để tác động ở đó. Để phạt Xerioja, ông bố cấm nó không được đến thăm Nadenca - cháu gái Lidia Ivanovna: nhưng hình phạt hóa ra lại có lợi cho nó. Vaxili Lukic hôm đó đang phấn khởi, đã bày cho nó cách làm cối xay gió. Nó dành cả buổi tối để làm một cái và mơ tưởng cách dùng cối xay như vậy để quay lộn trong không trung: liệu có phải buộc người vào hay chỉ cần bám chặt cánh cối xay thôi? Cả buổi tối nó không nghĩ đến mẹ, nhưng khi đi nằm, đột nhiên nhớ tới, nó bèn cầu nguyện theo cách riêng để mẹ thôi đừng ẩn trốn nữa và đến thăm nó trong dịp sinh nhật ngày mai.

- Thầy Vaxili Lukic, thầy có biết em cầu xin thêm cái gì nữa không?

- Cầu học giỏi hơn?

- Không.

- Cầu đồ chơi?

- Không. Thầy chẳng đoán ra được đâu. Tuyệt lắm kia, nhưng bí mật! Khi nào thành sự thực, em sẽ nói cho thầy biết. Thầy không đoán được, phải không?

- Chịu. Chú sẽ nói cho tôi biết sau nhé, - Vaxili Lukic nói và mỉm cười, một việc hiếm thấy ở ông. - Chú ngủ đi, tôi tắt nến đây.

- Không có ánh sáng, em càng nhìn thấy rõ điều em đã khẩn cầu. Ấy, suýt nữa em lộ cho thầy biết điều bí mật rồi đấy! - Xerioja nói và cười khanh khách. Khi ông đem nến đi rồi, Xerioja cảm thấy như mẹ hiện ra. Mẹ đứng bên cạnh và âu yếm nhìn chú. Nhưng những cối xay, con dao liền chen vào, tất cả đều rối mù... và chú bé ngủ thiếp đi.

28

Tại Peterburg, Vronxki và Anna trọ ở một khách sạn loại sang nhất. Vronxki ở dưới nhà, Anna cùng con gái, chị vú và chị hầu ở một gác rộng gồm bốn buồng. Ngay hôm mới đến, Vronxki đã lại nhà anh trai: ở đó, chàng gặp mẹ, bà đến Moxcva để thu xếp công việc. Mẹ và chị dâu tiếp chàng như thường lệ: hai người hỏi thăm về chuyến du lịch nước ngoài, nói chuyện về những người cùng quen biết, nhưng không hề đả động câu nào tới chuyện dan díu của chàng với Anna. Trái lại, hôm sau, đến thăm chàng, ông anh nhắc đến nàng trước tiên. Và Alecxei không quanh co úp mở nói tuột rằng chàng coi mối tình với Carenina là hôn nhân, chàng định thu xếp cho xong chuyện li dị để kết hôn, nhưng trong khi chờ đợi chàng vẫn coi nàng như vợ chính thức và nhờ anh kể lại chuyện đó cho mẹ và chị dâu biết.

- Mặc cho thế gian phản đối, tôi không cần, - Vronxki nói, - nhưng nếu gia đình còn muốn hòa thuận với tôi, thì cũng cần đối xử hòa hảo với vợ tôi.

Ông anh cả, vốn luôn luôn tôn trọng ý kiến em trai, còn phân vân không biết Alecxei phải hay trái, chừng nào mọi người chưa kết luận dứt khoát về vấn đề này; nhưng bản thân ông thì không phản đối gì cho nên ông cùng em trai lên phòng Anna. Trước mặt anh, cũng như trước mặt bất cứ ai, Vronxki gọi Anna bằng “chị” và đối xử như một bạn gái thân, nhưng hàm ý rằng ông anh đã hiểu rõ quan hệ giữa hai người, cho nên họ bàn đến dự định đưa Anna về sống ở trang trại của Vronxki. Mặc dầu có kinh nghiệm xã giao, Vronxki vẫn phạm phải một sai lầm kì quặc, nó là hậu quả hoàn cảnh mới hiện nay của chàng. Đáng lẽ chàng phải hiểu xã hội thượng lưu sẽ cấm cửa hai người; trái lại, chàng mơ hồ nghĩ rằng thời trước mới thế, còn bây giờ, nhờ những tiến bộ nhanh chóng (vô hình chung gần đây chàng trở thành người ủng hộ mọi tiến bộ), dư luận xã hội đã thay đổi và vấn đề họ có tiếp Anna và chàng hay không, còn chưa ngã ngũ. “Tất nhiên, chàng thầm nghĩ, giới quý phái chính thức sẽ không tiếp nàng, nhưng những người thân của mình có thể và phải hiểu hoàn cảnh cho thích đáng”. Người ta có thể ngồi bắt tréo khoeo hàng giờ liền nếu biết không có gì cản trở mình thay đổi tư thế, nhưng hễ đã biết mình bắt buộc phải ngồi gập chân là y như rằng bị chuột rút và đôi chân sẽ theo bản năng tìm cách duỗi ra. Đó đúng là điều Vronxki cảm thấy đối với giới thượng lưu. Mặc dầu, trong thâm tâm, chàng biết hai người không thể bén mảng đến giới xã giao được nữa, chàng vẫn tiếp tục tự hỏi liệu giới thượng lưu có thay đổi không và liệu họ có tiếp hai người không. Nhưng rồi chàng đành thừa nhận: nếu giới thượng lưu còn mở cửa tiếp chàng, thì họ vẫn cấm cửa Anna. Như trong trò chơi mèo đuổi chuột, những bàn tay giơ lên cho chàng chui qua lập tức hạ xuống chắn Anna.

Một trong những phụ nữ đầu tiên thuộc giới thượng lưu Peterburg chàng gặp lại là bà chị họ Betxi.

- À đây rồi! - bà vui vẻ thốt lên khi thấy chàng. - Thế còn Anna đâu? Tôi rất mừng! Cô chú trọ ở đâu? Tôi chắc sau cuộc hành trình thú vị vừa rồi, chú hẳn thấy thành phố Peterburg thật gớm ghiếc nhỉ. Tôi có thể mường tượng ra tuần trăng mật của chú ở Rôm. Thế còn việc li dị? Thu xếp xong cả rồi chứ?

Vronxki thấy vẻ vui mừng của Betxi biến mất khi được biết việc li dị vẫn chưa thành.

- Tôi biết họ sẽ ném đá vào tôi, nhưng tôi sẽ đến thăm Anna, phải, nhất định tôi sẽ đến. Cô chú ở đây có lâu không?

Quả thực, ngay hôm đó, bà đến chơi với Anna; nhưng thái độ bà không giống như trước nữa. Rõ ràng bà kiêu hãnh vì sự táo bạo của mình và muốn Anna phải kính phục cái bằng chứng về lòng chung thuỷ và hữu ái đó. Bà ngồi nói chuyện tin tức trong ngày không quá mười phút và trước khi ra về còn bảo:

- Chị vẫn chưa nói cho tôi biết bao giờ sẽ li dị? Vì dù tôi có bất chấp mọi dư luận, thì bọn lên mặt đạo đức vẫn cứ lãnh đạm với chị chừng nào hai người chưa kết hôn. Mà bây giờ thì thật dễ dàng. Việc đó có thể làm được. Thế ra thứ sáu này chị đi à? Thật đáng tiếc, từ nay đến hôm đó, ta không gặp nhau được.

Xem thái độ Betxi, lẽ ra Vronxki đã có thể hiểu là chẳng thể trông mong gì nữa ở giới thượng lưu, nhưng chàng vẫn ướm thử lần nữa ở gia đình. Chàng không đặt chút hi vọng nào ở mẹ. Chàng biết mẹ yêu thích Anna trong lần gặp đầu tiên, nhưng bây giờ bà rất khắc nghiệt với người đã phá hoại sự nghiệp con trai bà. Nhưng chàng hi vọng rất nhiều ở bà chị dâu Varya. Chàng tin bà sẽ không lên án hai người, sẽ vui vẻ, mạnh dạn đến thăm và tiếp Anna ở nhà bà.

Ngay sau hôm đến Peterburg, Vronxki lại nhà, và thấy bà chỉ có một mình, liền nói thẳng ý muốn của mình.

- Alecxei, chú biết tôi rất quý chú và rất sẵn sàng làm mọi việc giúp chú, - bà nói, sau khi nghe chàng kể từ đầu đến cuối. - Sở dĩ tôi vẫn làm thinh, vì biết không giúp ích gì được cho hai người, cả chú lẫn Anna Arcadievna (bà phát âm thật rành rọt: Anna Arcadievna). Chú đừng cho rằng tôi kết tội cô ta. Hoàn toàn không phải thế: có thể, ở vào địa vị đó, tôi cũng sẽ làm như vậy. Tôi không đi sâu vào chi tiết và cũng không làm thế được, bà nói, thỉnh thoảng lại rụt rè nhìn bộ mặt lầm lầm của chàng. Nhưng ta cần nói thẳng thắn với nhau. Chú muốn tôi đến thăm cô ấy, tiếp cô ấy tại nhà và bằng cách đó, khôi phục lại địa vị cô ấy trong xã hội thượng lưu; nhưng chú hiểu cho tôi không thể làm thế được. Tôi còn lũ con gái đang tuổi lớn và bắt buộc phải sống trong chốn thượng lưu vì nhà tôi. Giả dụ tôi đến thăm Anna Arcadievna; chắc cô ấy sẽ hiểu tôi không thể mời cô ấy đến nhà được hoặc cùng bất đắc dĩ thì tôi phải liệu cách mời thế nào để cô ấy khỏi gặp những người có cách nhìn nhận khác: chính cô ấy sẽ tự ái trước. Tôi không thể nâng cô ấy dậy...

- Nhưng tôi cho rằng cô ấy cũng chẳng sa ngã gì hơn hàng trăm phụ nữ chị vẫn tiếp! - Vronxki ngắt lời, mặt càng sa sầm, và lẳng lặng đứng dậy, biết không thể lay chuyển được chị dâu.

- Alecxei! Chú đừng giận tôi. Tôi xin chú, chú hãy hiểu cho đó không phải lỗi tại tôi, - Varya nói tiếp và nhìn chàng với một nụ cười e dè.

- Tôi không giận chị, - chàng nói, mặt vẫn buồn rười rượi, - nhưng điều đó càng làm tôi khổ tâm gấp đôi. Và tôi lấy làm tiếc là điều đó sẽ cắt đứt tình thân giữa chúng ta. Cứ tạm cho rằng điều đó không cắt đứt mà chỉ làm nhạt tình thân. Chị cũng hiểu đối với tôi, không có cách nào khác.

Nói rồi, chàng liền từ giã bà.

Vronxki hiểu dù có thử vận động thêm người khác cũng vô ích và mấy ngày đó hai người sống tại Peterburg như ở một thành phố xa lạ, tránh mọi tiếp xúc với chốn thượng lưu cũ, để khỏi hứng lấy những bực mình và nhục nhã có thể xúc phạm sâu sắc đến chàng. Một trong những bực dọc chủ yếu là tên chàng luôn luôn bị ghép liền với tên Alecxei Alecxandrovitr. Không thể nói bất cứ vấn đề gì mà câu chuyện không chuyển sang Alecxei Alecxandrovitr; không thể đi đâu mà không vấp phải tên ông ta. Ít nhất, đó cũng là cảm tưởng của Vronxki, tựa hồ người có ngón tay đau, ở đâu cũng như bị ai cố tình chạm phải ngón tay khốn khổ đó. Vronxki thấy những ngày ở Peterburg càng nặng nề thêm vì suốt thời kì đó, chàng thấy tính nết Anna đâm khác thường và khó hiểu. Khi thì nàng có vẻ say mê chàng, khi lại lạnh lùng, bực bội và bí hiểm. Nàng không chịu thổ lộ cho chàng biết điều gì đang giày vò mình và hình như không chú ý tới những bực bội đang đầu độc cuộc sống Vronxki, những điều lẽ ra còn cay cực gấp bội đối với nàng, con người thường ngày vốn tinh tế nhạy cảm là thế.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx