sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Anna Karenina (Tập 2) - Phần 8 - Chương 02

4

Khi tàu dừng ở tỉnh lị, Xergei Ivanovitr không vào quầy hàng ăn mà chỉ dạo bước quanh sân ga.

Lần thứ nhất đi qua toa xe, ông thấy rèm cửa đều hạ xuống. Nhưng đến lần thứ hai, ông thấy bà bá tước già ở cửa sổ. Bà vẫy Coznưsev lại gần.

- Ông ạ, - bà nói, - tôi đưa tiễn em nó tới Kuôcxkơ.

- Vâng, tôi cũng đã nghe nói, - Xergei Ivanovitr trả lời, dừng lại trước cửa sổ và đưa mắt nhìn vào trong toa xe. - Ông ấy hành động như thế thật là đẹp đẽ! - ông nói thêm khi thấy Vronxki không ở đó.

- Thì sau nỗi bất hạnh ấy, nó còn biết làm gì hơn nữa?

- Thật là một sự việc khủng khiếp! - Xergei Ivanovitr nói.

- Chao ôi! Tôi thật đến là khổ nhục! Nhưng mời ông lên đây đã... Chao ôi! Tôi thật đến là khổ nhục! - bà nhắc lại, khi Xergei Ivanovitr đã lên ngồi cạnh trên chiếc ghế đệm dài. - Thật không thể tưởng tượng được! Sáu tuần liền, nó không nói năng với ai và chỉ khi nào tôi ép mới chịu ăn. Và không thể để nó một mình một phút nào cả. Chúng tôi cất đi tất cả những gì có thể dùng để tự sát; chúng tôi ở tầng dưới, nhưng vẫn phải đề phòng mọi bất trắc. Ông cũng biết nó đã có lần vì cô ta mà tự bắn vào người rồi, - bà nói, và lông mày bà nhíu lại khi nhớ lại chuyện đó. - Phải, đúng là cái kết thúc tất yếu của hạng đàn bà như vậy. Cô ta đã chọn một cái chết đê tiện, xấu xa.

- Thưa bá tước phu nhân, chuyện phán xét đâu phải việc chúng ta, - Xergei Ivanovitr thở dài nói, - nhưng tôi rất hiểu chuyện đó đã làm phu nhân vô cùng khổ tâm.

- Thôi, ông đừng nhắc tới chuyện đó nữa. Tôi đang ở trang trại thì nó đến thăm. Có người mang tới một lá thư và nó lập tức trả lời ngay. Chúng tôi không ngờ cô ta lại ở ngoài ga. Buổi tối, tôi vừa về buồng riêng thì mụ hầu phòng Maria cho biết có một phu nhân nhảy xuống gầm tàu. Tin đó làm tôi choáng váng cả người! Tôi biết ngay là cô ta. Câu đầu tiên của tôi là bảo họ đừng cho con tôi hay. Nhưng nó đã biết rồi. Gã xà ích lúc bấy giờ ở ngoài đó và trông thấy tất cả. Khi tôi chạy tới buồng nó, nó như phát điên, trông thật đáng sợ. Không nói nửa lời, nó chạy vụt đi. Tôi không biết có chuyện gì xảy ra ngoài đó nhưng khi đưa về thì nó như người chết rồi. Tôi không nhận ra nó nữa. Hoàn toàn quỵ hẳn, bác sĩ bảo như vậy. Sau đấy, nó như cuồng dại! Nhưng thôi, nhắc đến chuyện đó làm gì! - bà bá tước khoát tay nói. - Thật là thời kì kinh khủng! Không, ông muốn nói gì tùy ông, nhưng cô ta quả là người xấu xa. Những chuyện đam mê, tuyệt vọng như vậy nghĩa là thế nào kia chứ? Tất cả những cái đó, chỉ cốt làm ra khác người. Cô ta quả là rất thành công! Cô ta tự giết đời mình và còn làm hại cả cuộc đời hai người đàn ông ưu tú: chồng cô ta và đứa con trai khốn khổ của tôi.

- Thế chồng bà ta thì sao ạ? - Xergei Ivanovitr hỏi.

- Ông ta đã đón đứa con gái về nhà. Lúc đó, Alecxei thỏa thuận tất cả. Nhưng bây giờ nó rất tiếc đã bỏ con gái mình cho người dưng. Nhưng nó không thể nuốt lời. Carenin có đi đưa ma. Chúng tôi đã thu xếp để ông ta khỏi gặp mặt Alecxei. Đối với nó cũng như với ông chồng, dứt đi như vậy còn hơn. Đó là một sự giải thoát. Nhưng đứa con tội nghiệp của tôi nữa, nó cũng bỏ tất. Ấy thế mà cô ta không thèm thương hại nó, cô ta làm nó gục hẳn hay cũng gần như vậy! Không, muốn nói thế nào thì nói, đó là cái chết của một phụ nữ đê tiện, vô đạo. Cầu Chúa xá tội nhưng tôi không khỏi căm ghét khi nhớ tới cô ta, khi thấy cái tai họa cô ta gây ra cho con tôi.

- Ông ấy bây giờ thế nào ạ?

- Chúa đã cứu vớt chúng ta bằng cuộc chiến tranh Xerbi này. Tôi già rồi, không hiểu gì về mọi cái đó, nhưng tôi thấy chính thượng đế đã ra tay phù hộ nó. Tất nhiên, đối với người mẹ, chuyện này thật ghê sợ; và nhất là người ta nói ở Peterburg, việc này không được coi trọng lắm đâu. Nhưng biết làm thế nào? Đó là điều duy nhất có thể làm nó phấn chấn lại tinh thần. Chả là Yasvin, bạn thân của nó, đánh bạc thua sạch, bèn chuẩn bị đi Xerbi. Anh ta đến thăm và thuyết phục nó đi theo. Giờ đây, nó đang bận tâm vì chuyện đó. Xin ông hãy nói chuyện với nó, tôi rất mong có người đến làm nó khuây khỏa. Nó đang buồn lắm. Nó sẽ sung sướng được tiếp ông. Xin ông hãy đi gặp nó, nó đang đi dạo đằng kia. - Xergei Ivanovitr vui vẻ nhận lời và sang bên kia sân ga.

5

Trong chiều tà, giữa đống ba lô hắt bóng chênh chếch trên sân ga, Vronxki, mình mặc áo khoác dài, mũ kéo sụp tận mắt và hai tay đút túi, đang đi đi lại lại như con thú dữ trong chuồng, cứ khoảng hai mươi bước lại quay ngoắt trở lại. Xergei Ivanovitr nhận thấy Vronxki hình như đã trông thấy ông nhưng giả tảng không nhận ra. Coznưsev hoàn toàn không để bụng việc đó. Đối với Vronxki, ông dẹp bỏ mọi suy xét cá nhân.

Lúc này, trước con mắt Xergei Ivanovitr, Vronxki đóng một vai trò hợp tác quan trọng trong một sự nghiệp vĩ đại và Coznưsev thấy bổn phận của ông là phải cổ vũ, khuyến khích. Ông đến gần chàng.

Vronxki dừng bước, nhìn vào mặt Xergei Ivanovitr và khi nhận ra, liền tiến lên mấy bước xiết chặt tay ông.

- Có lẽ ông không muốn gặp tôi, - Xergei Ivanovitr nói. - Tôi có thể giúp ông được việc gì không?

- Lúc này, tôi thấy gặp ông là đỡ khó chịu nhất. Xin ông tha lỗi. Đối với tôi, cuộc sống giờ đây không còn gì vui thú nữa.

- Tôi hiểu và muốn được giúp đỡ ông, - Xergei Ivanovitr nói, đôi mắt đăm đăm nhìn vào khuôn mặt đau khổ của Vronxki. - Ông có cần thư giới thiệu với Rixtic, với Milang không?

- Ồ, không! - Vronxki nói, như phải khá vất vả mới hiểu nổi câu nói trên. - Nếu ông không thấy phiền thì ta đi dạo một chút. Trong toa xe ngột ngạt quá! Thư giới thiệu ư? Không, xin cảm ơn; đi vào chỗ chết thì cần gì giới thiệu. Trừ phi gửi thư cho quân Thổ... - chàng nói, chỉ hơi nhếch mép mỉm cười. Đôi mắt chàng vẫn đượm vẻ đau buồn và bực bội.

- Phải, nhưng nó sẽ tạo thuận lợi cho ông trong quan hệ với một người sẵn sàng giúp ông, dù sao, sự giao thiệp này cũng cần thiết. Nhưng thôi, cái đó tùy ông. Tôi rất sung sướng khi được biết quyết định của ông. Người ta dèm pha tình nguyện quân rất nhiều: một người như ông sẽ nâng giá trị họ lên trước dư luận quần chúng.

- Ưu điểm duy nhất của tôi là không thiết sống nữa, - Vronxki nói. - Tôi biết mình còn đủ thể lực để chọc thủng một thế trận hoặc bị giết tại trận. Và tôi sung sướng tìm được một lí do để từ bỏ cuộc sống, chẳng những không chút cần thiết mà còn nặng nề đối với tôi. Cái đó cũng có thể giúp ích cho người nào đó. - Gò má chàng giật thon thót. Một cơn đau răng nhức nhối không lúc nào dịu đi ngăn không cho chàng nói năng với giọng điệu mong muốn.

- Ông sẽ hồi sinh, tôi xin nói trước như vậy, - Xergei Ivanovitr xúc động nói. - Giải phóng anh em ta khỏi ách áp bức là một mục đích xứng đáng cho ta sống và chết vì nó. Cầu Chúa ban phước lành cho ông thắng lợi trong sự nghiệp và yên tĩnh trong tâm hồn, - ông nói và chìa tay cho chàng.

Vronxki bắt tay Xergei Ivanovitr thật chặt.

- Với tư cách là công cụ, tôi vẫn còn đôi chút ích lợi. Nhưng xét về mặt con người, tôi chỉ còn là dư tàn, - chàng chậm rãi nói.

Cơn đau nhói buốt làm miệng chàng đầy ứ nước dãi và không nói được. Chàng nín lặng; mắt chàng dừng lại ở những bánh xe một toa than đang từ từ lướt tới. Đột nhiên, một nỗi bồn chồn mơ hồ và nặng trĩu làm chàng quên cơn đau răng trong chốc lát. Do nhìn toa than và đường ray, dưới tác động của cuộc trò chuyện với một người bạn chưa có dịp gặp lại từ khi xảy ra tai hoạ, chàng đột nhiên nhớ tới nàng hoặc đúng hơn nhớ tới những gì còn lại của thi thể nàng khi chàng bước vào căn nhà lán trong ga như một thằng điên; tấm thân đẫm máu vừa lìa cuộc sống nằm phơi ra trơ trẽn trước mắt những người xa lạ; cái đầu còn nguyên vẹn ngật ra đằng sau với bím tóc dày nặng cùng những búp loăn xoăn hai bên thái dương: trên khuôn mặt xinh đẹp hiện lên đờ đẫn một vẻ kì lạ, thiểu não với đôi môi tươi tắn hé mở, dễ sợ, với cặp mắt mở to như muốn nhắc lại lời đe dọa thốt ra trong cuộc cãi lộn: “Rồi anh sẽ phải hối hận về việc này!”.

Chàng cố gợi lên hình ảnh nàng đúng như lần đầu gặp ở ga: bí ẩn, quyến rũ, đa tình, cùng một lúc vừa tìm kiếm vừa ban phát hạnh phúc, chứ không phải như chàng trông thấy vào giây phút cuối cùng: dữ tợn và khao khát trả thù. Chàng cố nhớ lại những giờ phút đẹp đẽ nhất trong đoạn đời đã qua của họ; những giờ phút đó vĩnh viễn bị thẩm độc rồi. Sắc diện duy nhất giờ đây chàng thấy ở nàng là vẻ đắc thắng, sau khi thực hiện được lời đe dọa: và sự hối hận từ nay sẽ giày vò chàng mà chẳng ích lợi gì cho ai. Chàng không thấy đau răng nữa và những tiếng nức nở làm cho khuôn mặt chàng dúm lại.

Chàng dạo mấy bước dọc theo những ba lô chất đống và sau khi đã trấn tĩnh lại, chàng bình thản quay về phía Xergei Ivanovitr.

- Ông có xem những tin điện sau bản hôm qua không? Bọn chúng bị đánh bại lần thứ ba, người ta đang chờ đợi một trận quyết chiến trong ngày mai. - Và sau khi bàn bạc thêm về lời tuyên ngôn của Milang vừa xưng vương cùng những hậu quả to lớn mà việc đó có thể đưa lại, họ chia tay và mỗi người bước lên toa xe của mình sau tiếng chuông thứ hai.

6

Vì không biết lúc nào có thể rời Moxcva nên Xergei Ivanovitr không đánh điện báo cho em trai đi đón khi ông tới nơi. Lúc Catavaxov và Xergei Ivanovitr, đen nhẻm vì bụi đường, từ chiếc xe ngựa tối tân thuê ở ga bước xuống trước căn nhà tại Pokhrovxcoie vào khoảng giữa trưa, Levin lại đi vắng. Kitti đang ngồi trên bao lơn với bố và chị, nhận ra anh chồng, liền chạy vội xuống đón.

- Anh tệ thế, về mà chẳng báo trước cho chúng em biết gì cả, - nàng vừa nói vừa chìa tay cho Xergei Ivanovitr bắt và giơ trán để ông hôn.

- Chúng tôi đã đi đến nơi đến chốn không cần phiền nhiễu chú thím, - Xergei Ivanovitr trả lời. - Người tôi bụi bặm đến nỗi không dám chạm vào thím nữa. Tôi bận quá không biết lúc nào dứt ra được. Thế còn thím, - ông mỉm cười nói, - thím vẫn tiếp tục hưởng hạnh phúc bình yên trong nơi ẩn dật, tách ngoài dòng đời đấy chứ. Và đây, ông bạn Fedor Vaxilievitr của chúng ta, rốt cuộc, cũng đã quyết định về chơi đấy.

- Tôi không phải là mọi đâu; tắm rửa xong, tôi cũng sẽ giống mọi người, - Catavaxov nói với vẻ châm biếm quen thuộc, bắt tay Kitti và mỉm cười: bộ mặt đen nhẻm của ông càng làm nổi hàm răng trắng bóng.

- Coxtia sẽ rất vui sướng. Anh ấy đang ở ngoài trại. Chắc cũng sắp về bây giờ đấy.

- Lúc nào cũng bận bịu việc canh tác. Ông bà ở đây thực là kín. Ngoài thành phố giờ đây, chỉ toàn bàn chuyện chiến tranh Xerbi. Ông bạn chúng tôi nghĩ thế nào về vấn đề đó? Chắc ông ấy không đồng ý với mọi người?

- Có chứ, tôi chắc vậy, - Kitti trả lời, hơi lúng túng và đưa mắt nhìn Xergei Ivanovitr. - Để tôi cho đi tìm anh ấy về. Ba tôi hiện cũng đang ở đây. Ông cụ vừa ở nước ngoài về chưa được bao lâu.

Sau khi sai đi tìm Levin và dẫn khách đi rửa ráy, người ở buồng giấy, người ở căn phòng cũ của Doli, Kitti sai dọn ăn sáng cho khách và chạy trở về bao lơn, sung sướng vì được vận động thoải mái, điều không được phép làm trong thời gian có mang.

- Đó là Xergei Ivanovitr và giáo sư Catavaxov, - nàng nói.

- Ồ, đến vào lúc nóng nực thế này, quả là cái tội cái nợ, - lão quận công nói.

- Không đâu, ba ạ, anh ấy rất tốt và Coxtia quý anh ấy lắm, - Kitti nói với một nụ cười cầu khẩn vì thấy cha tỏ vẻ giễu cợt.

- Thì ba có bảo sao đâu.

- Chị thân yêu, chị ra gặp và tiếp họ nhé. - Kitti quay lại nói với chị. - Họ có gặp Xtiva ở ngoài ga: anh ấy khỏe lắm. Em đi bế Mitia đây. Thật hỏng quá, từ sau bữa trà đến giờ, em vẫn chưa cho nó bú. Nó dậy rồi và chắc đang khóc đấy, - và thấy sữa đã ứ lên bầu vú, nàng vội chạy sang buồng trẻ. Đây không phải chỉ là ước đoán đơn thuần mà là biết chắc (mối dây nối liền nàng với đứa trẻ chưa dứt): thấy sữa ứ lên bầu vú, nàng biết ngay con đang đói. Nàng biết nó sẽ khóc thét trước khi nàng kịp đến gần phòng trẻ. Và quả thực, nó đang khóc. Nghe tiếng khóc, nàng rảo bước. Nàng càng vội, nó càng khóc to hơn. Giọng nó tốt, khỏe nhưng có vẻ đang đói và giục giã.

- Em khóc lâu chưa? - nàng hỏi vú nuôi, ngồi xuống ghế tựa và cởi nịt vú ra. - Đưa em đây cho tôi, nhanh lên. Ồ, chị đến là nhiễu sự! Chị buộc dải mũ cho nó sau cũng được.

Đứa bé khóc nhiều khản cả cổ.

- Cứ nhẩn nha mợ ạ, - Agafia Mikhailovna nói, bà ta gần như không lúc nào rời phòng trẻ. - Phải mặc cho tươm tất chứ. Âu! Âu! - bà ta ầm ừ dỗ đứa trẻ, không để ý tới người mẹ.

Chị vú nuôi ẵm đứa bé lại cho Kitti. Agafia Mikhailovna theo sau, mặt hớn hở, âu yếm.

- Nó quen tôi, nó quen tôi đấy. Nó nhận ra tôi, thật đấy, thật như Chúa trời có thật vậy, Ecaterina Alecxandrovna ạ, - bà ta nói, tiếng còn to hơn cả tiếng khóc thét của thằng bé.

Nhưng Kitti không nghe bà ta nói. Sự sốt ruột của nàng tăng lên cùng lúc với sự sốt ruột của đứa trẻ. Sự nôn nóng đó làm cả hai hồi lâu không đạt tới mục đích. Đứa trẻ không bú trúng đầu vú và càng gắt tợn. Rốt cuộc, sau khi đứa bé sặc sụa lồng lộn bú trượt lần cuối vào khoảng không, mọi sự đi đến chỗ ổn thỏa. Hai mẹ con tự nhiên nguôi dịu, cùng nín lặng.

- Tội nghiệp thằng bé, mồ hôi mồ kê đầm đìa, - Kitti khẽ nói và sờ nắn đứa trẻ. - Tại sao u cho là em nhận ra u? - nàng nói và ghé nhìn đôi mắt đứa bé như đang ranh mãnh - nàng cho là thế - liếc mẹ dưới chiếc mũ sụp xuống tận rán, nhìn đôi má xinh xắn đang phập phồng đều đặn và bàn tay bé tí tẹo đỏ hồng đang quơ tròn.

- Không có lẽ! Nếu nó nhận ra ai thì chỉ là tôi thôi! - Kitti nói và mỉm cười.

Nàng mỉm cười vì tuy phủ nhận điều đó, trong thâm tâm nàng vẫn biết không những nó nhận ra Agafya Mihailôpna mà còn hiểu biết và nhận ra tất cả, kể cả những cái không ai biết và chính nàng, mẹ nó, cũng phải nhờ nó mới biết và hiểu ra. Đối với Agafia Mikhailovna, với vú nuôi, với ông nó, ngay với cả bố nó, Mitia là một sinh thể mới chỉ đỏi hỏi những chăm chút vật chất thôi, nhưng riêng mẹ nó từ lâu đã xem nó như một nhân cách tinh thần có những liên hệ trí tuệ phức tạp với nàng.

- Khi nào em dậy rồi mợ sẽ thấy. Tôi chỉ cần ra hiệu thế này là mặt nó sáng ngời lên, cái chú bé kháu khỉnh này. Thật y như mặt trời mọc ấy!

- Thôi được, thôi được, rồi sau sẽ hay, - Kitti khẽ nói. - Bây giờ u hãy đi ra, em ngủ đấy.

7

Agafia Mikhailovna rón rén đi ra; chị vú nuôi hạ rèm cửa, đuổi mấy con ruồi đã chui vào màn nôi và cả con ong bầu vẽ húc đầu vào cửa kính, rồi ngồi xuống và phe phẩy trên đầu hai mẹ con một nhành bạch dương chớm héo.

- Nóng quá! Giá ông trời mưa xuống một tí nhỉ, - chị ta nói.

- Ừ, ừ, suỵt... - Kitti nói, khẽ lắc lư người và âu yếm ghì lấy cánh tay nhỏ bé, mũm mĩm như có sợi chỉ buộc ngấn cổ tay vẫn đang ngọ nguậy của Mitia, thằng bé khi thì nhắm mắt, lúc lại hé mở. Cánh tay bé nhỏ đó làm Kitti bối rối: nàng thèm hôn nhưng lại sợ con thức giấc. Cuối cùng, cánh tay bé nhỏ thôi ngọ ngậy và đôi mắt nhắm lại. Tuy nhiên, thỉnh thoảng, chú bé lại tiếp tục bú và dướn đôi hàng mi dài cong lên nhìn mẹ: đôi mắt ươn ướt của nó đen láy trong khoảng tranh tối tranh sáng. Chị vú nuôi thôi phe phẩy cành bạch dương và gà gà ngủ. Từ gác trên vang xuống giọng nói của lão quận công và tiếng cười của Catavaxov. “Vắng mình chuyện vẫn rôm rả, Kitti thầm nghĩ, nhưng kể cũng tiếc là Coxtia không có nhà. Chắc chàng còn đến vườn nuôi ong. Chàng cứ đi luôn, kể cũng buồn, nhưng mình vẫn bằng lòng. Như thế chàng mới khuây khỏa. Độ này, chàng vui và khỏe hơn dạo mùa xuân. Dạo ấy, chàng lầm lì, buồn phiền đến nỗi mình đâm lo. Chàng đến là ngộ nghĩnh! Nàng mỉm cười thì thầm. Nàng hiểu cái gì đã giày vò chồng. Đó là sự vô tín ngưỡng. Nếu ai hỏi ở thế giới bên kia, kẻ vô tín ngưỡng có được cứu vớt linh hồn không, nàng ắt trả lời là không, ấy thế mà sự vô tín ngưỡng của chồng không hề làm nàng đau khổ: một mặt thừa nhận rằng kẻ vô đạo không được cứu vớt linh hồn, mặt khác lại yêu quý linh hồn chồng hơn mọi thứ trên đời, nàng mỉm cười thầm nghĩ tới sự vô tín ngưỡng của chồng và tự nhủ chàng thật là ngộ nghĩnh. “Vì sao chàng đọc triết học hoài, hết năm này sang năm khác? Nàng thầm nghĩ. Nếu mọi chuyện đều có trong sách, làm gì chàng chẳng hiểu. Nhưng nếu sách chỉ nói những điều dối trá thì đọc làm gì? Chính chàng cũng nói là muốn tin đạo. Thế thì tại sao chàng lại không tín ngưỡng? Chắc chàng suy nghĩ nhiều quá chăng? Và nếu chàng suy nghĩ nhiều quá, đó là vì chàng cô độc. Chàng bao giờ cũng cô độc. Có những chuyện chàng không thể nói với bọn mình được. Mình chắc hai ông khách này sẽ làm chàng vui thích, nhất là Catavaxov. Chàng vốn thích tranh luận với ông ta”, nàng thầm nghĩ và lập tức nhớ tới việc xếp đặt chỗ ở cho Catavaxov: nên sắp xếp cho ông ấy ngủ riêng hay ngủ cùng buồng với Xergei Ivanovitr đây? Ngay lúc đó, một ý nghĩ khiến nàng giật mình, đụng vào Mitia khiến nó gườm gườm nhìn nàng. “Hình như Pratxca vẫn chưa mang đồ giặt về. Thế là thiếu vải trải giường cho khách. Nếu mình không mó tay vào, khéo Agafia Mikhailovna đưa cho Xergei Ivanovitr vải trải giường dùng dở mất thôi...” Chỉ nghĩ tới việc đó, máu đã dồn lên mặt. “Mình phải đi thu xếp mới được”, nàng quyết định và trở lại những ý nghĩ lúc đầu, nàng sực nhớ mình đang suy nghĩ dở chừng về một vấn đề tâm tình quan trọng và cố moi trong đầu xem đó là chuyện gì. “à phải, Coxtia là người vô tín ngưỡng”, nàng mỉm cười nhớ lại. “Mặc kệ! Mình thích chàng cứ mãi mãi như thế, còn hơn như bà Stan hoặc như mình đã làm hồi ở nước ngoài. Ít nhất, chàng cũng không bao giờ đạo đức giả.” Và một hành động nhân từ mới đây của chồng trở lại rõ ràng trong đầu nàng. Hai tuần trước, Xtepan Arcaditr viết cho vợ một bức thư sám hối. Ông van xin bà cứu vớt danh dự bằng cách bán trại ấp để trang trải công nợ cho ông. Doli đã đến nước tuyệt vọng: bà căm ghét, khinh bỉ chồng, rồi lại thương hại; sau đó, bà quyết định li hôn và cự tuyệt yêu cầu đó nhưng rồi cuối cùng, cũng bằng lòng bán đi một phần ruộng đất. Kitti bất giác nở một nụ cười xúc động khi nhớ lại thái độ lúng túng của chồng, tất cả những cung cách vụng về rào đón để cuối cùng để nghị với nàng một biện pháp duy nhất, bất ngờ đối với Kitti, nhằm giúp đỡ Doli mà không làm bà mếch lòng: nhường lại phần tài sản của họ cho bà. “Vô đạo ư? Với tấm lòng như vậy, chỉ sợ xúc phạm đến bất cứ ai, kể cả đứa trẻ con, thế mà là vô đạo à? Tất cả vì người khác, không dành lại chút gì cho mình cả. Xergei Ivanovitr coi chàng như quản gia của anh ấy. Cả bà chị cũng vậy. Giờ đây, Doli và các cháu lại nhờ vả chàng. Chàng tự đặt cho mình nhiệm vụ giúp đỡ tất cả những nông dân hàng ngày đến gặp chàng... Phải, chỉ cần con giống được như bố, mẹ chỉ mong có thế thôi”, nàng kết luận, đôi môi hôn nhẹ lên má con và đưa Mitia cho vú nuôi.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx