sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 22

Cô lại tự đẩy mình vào chuyện phiền toái rồi, cô bác sĩ thân yêu,” Susan nói, bà đã nghe lỏm được gần hết cuộc chuyện trò khi đánh bóng đồ bạc trong kho lương thực.

“Thế sao? Nhưng mà Susan này, tôi thật sự muốn viết cái ‘kiếu phó’ đó. Tôi mến Anthony Mitchell... dù chẳng biết gì mấy về ông... và tôi cảm thấy chắc chắn rằng ông ấy sẽ trằn trọc dưới mộ nếu cáo phó của mình trên tờ Nhật báo Doanh nghiệp giống như bao cáo phó khác. Anthony hiếm khi thấy được mặt buồn cười trong một chuyện gì đó.”

“Thời trẻ Anthony Mitchell là anh chàng hết sức tử tế, cô bác sĩ thân yêu. Dù người ta nói hơi mơ mộng. Ông ấy không đủ bon chen để hợp với Bessy Plummer, nhưng ông ấy kiếm sống lương thiện và trả hết nợ nần. Dĩ nhiên ông ấy đã cưới một người không phù hợp chút nào. Giờ Bessy Plummer trông giống một người yêu có tính khôi hài vậy thôi chứ hồi ấy cô ta đẹp như tranh. Một số người trong chúng ta, cô bác sĩ thân yêu ạ,” Susan thở dài kết luận, “thậm chí còn không có gì nhiều nhặn như vậy để mà nhớ về.”

“Mẹ ơi,” Walter nói, “hoa máu rồng nở kín khắp sau hè kìa. Có đôi chim cổ đỏ đang bắt đầu xây tổ trên bậu cửa sổ kho lương thực. Mẹ cho phép chúng chứ, mẹ? Mẹ sẽ không mở cửa sổ làm chúng sợ bay đi mất chứ?”

Anne đã gặp Anthony Mitchell vài lần, dù căn nhà nhỏ xám xịt nơi ông sống ở tận Nam Glen, nằm giữa rừng vân sam và biển, có cây liễu to đẹp đẽ che như một cây dù lớn, mà bác sĩ ở Mowbray Narrows lo cho hầu hết người ở đây. Nhưng thỉnh thoảng Gilbert mua cỏ khô của ông nên có lần ông đem lại một mớ thì Anne dẫn ông đi xem khắp vườn rồi họ nhận ra mình cùng chung tiếng nói. Cô mến ông... gương mặt gầy, nhăn nheo, thân thiện, đôi mắt nâu nhạt can đảm, tinh anh, chưa bao giờ nao núng hay bị lừa bịp... có lẽ trừ một lần, khi cái đẹp nông cạn phù phiếm của Bessy Plummer lừa ông bước vào cuộc hôn nhân ngu ngốc. Nhưng ông không bao giờ có vẻ không vui hay bất mãn. Miễn là ông được cày cuốc làm vườn gặt hái thì ông mãn nguyện như một đồng cỏ già đầy nắng. Mái tóc đen điểm bạc và một tinh thần chính chắn, thanh tĩnh, bộc lộ trong những nụ cười hiếm hoi nhưng dịu ngọt. Những cánh đồng thân thương đem lại cho ông bánh mì và sự thích thú, niềm vui chinh phục và an ủi những lúc buồn đau. Anne vui vì ông được chôn gần chúng. Có thể ông vui vẻ ra đi nhưng ông cũng đã vui vẻ sống nữa. Ông bác sĩ ở Mowbray Narrows kể rằng khi nói với Anthony Mitchell là ông ta không thể đưa ra hy vọng bình phục nào thì Anthony mỉm cười đáp, “Thôi được, giờ tôi ngày một già đi rồi thì cuộc sống đôi lúc cũng hơi đơn điệu. Cái chết sẽ giống như một thay đổi. Tôi thật sự tò mò muốn biết, bác sĩ ạ.” Ngay cả bà Anthony, giữa mọi chuyện phi lý huyên thuyên của bà, cũng đã tiết lộ vài điều hé lộ con người thật của Anthony. Vài buổi chiều sau đó bên cửa sổ phòng mình Anne viết xong “Mộ người già” rồi đọc lại mà cảm thấy hài lòng.

“Đến nơi gió lướt

Rừng thông dày mượt,

Tiếng biển rì rào

Qua đồng cỏ đông,

Những hạt mưa rơi

Nhẹ ru giấc nồng.

Đến nơi đồng rộng

Xanh ngắt bốn bề,

Cánh đồng gặt hái

Dốc cỏ phía Tây,

Vườn cây đơm quả

Ông trồng lâu nay.

Đến nơi sao soi

Gần mãi bên ông,

Ánh dương tràn khắp

Quanh chỗ ông nằm,

Cỏ sương dịu dàng

Lẻn bên giấc ngủ.

Những gì ông yêu

Bao năm sống cùng,

Được bao ân huệ

Bên ông yên nghỉ,

Biển hát rì rào

Cho giấc nghìn thu.”

“Mình nghĩ Anthony Mitchell sẽ thích,” Anne nói, mở tung cửa sổ nghiêng người ra mùa xuân. Trong vườn của bọn trẻ đã có từng dãy lá rau diếp cong cong; hoàng hôn hồng dịu dàng sau rừng thích; Vùng Lòng Chảo vẳng tiếng cười dễ thương của bầy trẻ.

“Mùa xuân yêu kiều đến mức mình chẳng muốn đi ngủ và bỏ lỡ gì cả,” Anne nói.

Tuần sau đó, một chiều nọ bà Anthony Mitchell đến lấy “kiếu phó”. Anne thầm tự hào đọc cho bà nghe; nhưng mặt bà Anthony không tỏ vẻ hài lòng rõ rệt.

“Trời, tôi phải nói nó thật sống động. Cô diễn đạt các thứ rất hay. Nhưng... nhưng... cô không nói chữ nào về chuyện ông ấy đang ở trên thiên đường cả. Cô không chắc ông ấy đang ở đó sao?”

“Chắc đến mức không cần phải nhắc đến, bà Mitchell ạ.”

“Ờ, một số người có thể hồ nghi. Ông ấy... ông ấy không đi nhà thờ thường xuyên... dù ông ấy là công dân tốt trong cộng đồng. Nó cũng không nói tuổi ông ấy... không nhắc đến hoa. Chao ôi, vòng hoa trên quan tài nhiều không đếm xuể. Tôi nghĩ hoa là đủ nên thơ rồi!”

“Tôi lấy làm tiếc...”

“Ồ, tôi không trách cô... tôi không trách cô chút nào. Cô đã cố hết sức rồi, mà nó nghe cũng rất hay. Tôi nợ cô bao nhiêu?”

“Ơ kìa... ôi... không gì cả, bà Mitchell. Tôi không thể nghĩ đến chuyện như

vậy.”

“Thôi được, tôi nghĩ chắc cô sẽ nói vậy, nên có mang đến một chai rượu bồ công anh tôi tự làm. Nó làm dịu bao tử, nếu cô từng bị chứng đầy hơi làm phiền. Tôi có đem một chai trà thảo dược tự làm nữa, chỉ có điều tôi e cậu bác sĩ không đồng ý. Nhưng nếu cô muốn một ít và nghĩ có thể lén giấu vào chỗ nào cậu ấy không biết thì cô cứ nói.”

“Không, không, cám ơn bà,” Anne nói khá thẳng thừng. Cô vẫn chưa hoàn hồn sau chữ “sống động”.

“Tùy cô thôi. Cô cứ tự nhiên cho. Mùa xuân này tôi sẽ không cần thuốc men gì nữa. Hồi mùa đông khi chú em họ xa của tôi Malachi Plummer mất, tôi có bảo cô vợ góa của chú ấy cho tôi ba chai thuốc còn lại... họ mua đến cả tá. Cô ta định vất đi nhưng tôi chẳng bao giờ chịu nổi bỏ phí thứ gì. Tôi không thể uống quá một chai nên tôi bảo người làm công nhà chúng tôi lấy hai chai còn lại. ‘Nếu không bổ béo gì thì cũng chẳng hại gì đâu,’ tôi bảo anh ta thế. Không phải là tôi không có phần nhẹ nhõm khi cô không muốn nhận tiền gì cả cho bài kiếu phó vì lúc này tôi khá thiếu tiền. Đám tang tốn kém lắm mặc dù D. B. Martin đâu như là người lo dịch vụ tang lễ rẻ nhất ở vùng này. Tôi thậm chí còn chưa trả tiền đồ tang. Trả xong tôi mới cảm thấy mình đang để tang thật. May là tôi không phải mua mũ mới. Mũ này tôi may cho đám tang mẹ tôi mười năm trước rồi. Cứ như tôi thành góa phụ may mắn, nhỉ? Giá mà cô thấy góa phụ của Malachi Plummer bây giờ, cái mặt ủ rũ của cô ta! Thôi được, tôi phải đi đây. Tôi rất biết ơn cô, cô Blythe, dù là... nhưng tôi cảm thấy chắc chắn cô đã làm hết sức mình rồi và bài thơ dễ thương lắm.”

“Bà không ở lại ăn tối cùng chúng tôi ư?” Anne hỏi. “Chỉ có Susan và tôi... bác sĩ đi rồi còn bọn trẻ lần đầu có bữa ăn dã ngoại trong Vùng Lòng Chảo.”

“Tôi không phản đối đâu”, bà Anthony nói, vui vẻ ngồi lại xuống ghế. “Tôi sẵn sàng ngồi lâu chút nữa. Khi già rồi không hiểu sao ta phải nghỉ ngơi rất lâu. Và,” bà nói thêm, nở nụ cười thanh thản mơ màng trên gương mặt hồng hào, “có phải tôi nghe thấy mùi củ cải chiên không nhỉ?

Anne gần như ác cảm với củ cải chiên khi tuần tới tờ Nhật báo Doanh nghiệp ra báo. Ở đó, trong cột cáo phó, bài “Mộ người già”... có năm khổ thơ thay vì bốn như ban đầu! Và khổ thứ năm là:

“Một người chồng, người bạn và người đỡ đần tuyệt vời,

Chúa Trời chưa bao giờ tạo ra ai hơn thế,

Một người chồng tuyệt vời, dịu dàng và chân thật,

Một trong một triệu, Anthony yêu dấu, là anh.”

“!!!” Bên ánh Lửa nói.

“Tôi mong cô không thấy phiền khi tôi chen vào một khổ nữa,” tại buổi họp tới của Viện bà Mitchell nói với Anne. “Tôi chỉ muốn ca tụng Anthony thêm chút nữa... nên thằng Johnny Plummer cháu tôi đã viết. Nó ngồi xuống một cái là ngoáy ra nhanh như gió. Nó giống cô... nó trông không được sáng láng nhưng lại biết làm thơ. Nó có được cái tài ấy là nhờ mẹ nó... cô ta là người nhà Wickford. Nhà Plummer không có chút thi ca nào trong người cả... không tẹo nào.”

“Thật tiếc từ đầu bà không nghĩ đến chuyện bảo cậu ta viết ‘kiếu phó’ cho ông Mitchell,” Anne nói lạnh lùng.

“Ừ nhỉ? Nhưng tôi không biết nó biết làm thơ và đầu óc tôi mải lo tiễn đưa Anthony. Rồi mẹ nó cho tôi xem bài thơ nó viết về một con sóc chết đuối trong xô xi rô nhựa... thật xúc động. Nhưng bài của cô hay thật mà, cô Blythe. Tôi nghĩ cả hai gộp lại sẽ tạo nên cái gì đó khác biệt, cô có nghĩ thế không?”

“Vâng,” Anne nói.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx