sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 32

Vậy là Hội Phụ Nữ Thiện Nguyện sắp có buổi may chăn tại Bên Ánh Lửa rồi,” bác sĩ nói. “Mang hết mấy món bát đĩa nguy nga tráng lệ của cô ra đi, Susan, cung cấp thêm mấy cây chổi để sau đó còn gom góp tiếng tăm nhé.”

Susan mỉm cười thiểu não, như một người đàn bà khoan dung với sự thiếu hiểu biết của đàn ông về mọi thứ cơ bản, nhưng bà không thấy muốn cười... ít nhất là cho đến khi mọi thứ liên quan đến bữa ăn tối của Hội Thiện Nguyện đã đâu đó xong xuôi.

“Bánh nướng nhân thịt gà nóng,” bà vừa đi quanh vừa lẩm bẩm, “khoai tây nghiền và đậu xốt kem cho món chính. Cũng là một dịp thích hợp để dùng tấm khăn bàn ren mới của cô, cô bác sĩ thân yêu. Ở Glen chưa bao giờ thấy thứ gì như vậy nên tôi tin chắc nó sẽ gây xôn xao. Tôi đang chờ thấy mặt bà Annabel Clow khi nhìn thấy nó. Cô có dùng cái giỏ hai màu bạc xanh để cắm hoa không?”

“Có chứ, đầy hoa păng xê và dương xỉ xanh rêu hái trong rừng thích. Cháu còn muốn cô đặt ba chậu phong lữ hồng lộng lẫy của cô đâu đây... trong phòng khách nếu ta may chăn ở đó hay trên lan can ngoài thềm nếu trời đủ ấm. Cháu mừng là ta hãy còn rất nhiều hoa. Vườn chưa bao giờ đẹp như hè vừa rồi, cô Susan nhỉ. Nhưng hình như mùa thu nào cháu cũng nói thế thì phải?”

Có rất nhiều thứ phải giải quyết. Ai ngồi cạnh ai...chẳng hạn, nếu để bà Simon Millison ngồi bên bà William McCreery thì không bao giờ ổn, bởi họ chưa từng nói chuyện với nhau vì một mối cựu thù khó hiểu nào đó từ thời đi học. Rồi lại còn chuyện phải mời ai... vì đặc quyền của bà chủ tiệc là mời một vài khách không phải thành viên trong Hội.

“Cháu sẽ mời bà Best và bà Campbell,” Anne nói. Susan trông hoài nghi.

“Họ là người mới đến mà, cô bác sĩ thân yêu,”... rất giống như bà nói, “Họ là cá sấu mà.”

“Vợ chồng cháu cũng từng là người mới đến đấy thôi, Susan.”

“Nhưng trước đó ông chú của cậu bác sĩ đã ở đây nhiều năm rồi. Không ai biết gì về nhà Best và nhà Campbell cả. Nhưng đây là nhà cô mà, cô bác sĩ thân yêu, và tôi là ai mà phản đối người cô muốn mời? Tôi còn nhớ dịp may chăn nhiều năm trước tại nhà bà Carter Flagg, bà Flagg đã mời một bà không quen. Bà ta mặc vải pha len đến, cô bác sĩ thân yêu ạ... nói rằng không nghĩ Hội Phụ Nữ Thiện Nguyện đáng để chưng diện! ít ra với bà Campbell thì không phải sợ chuyện đó rồi. Bà ta rất cầu kỳ chải chuốt... dù tôi không đời nào hình dung ra cảnh mình mặc áo màu xanh cẩm tú cầu đi nhà thờ.”

Anne cũng không, nhưng cô không dám cười.

“Cháu nghĩ chiếc váy đó dễ thương hợp với mái tóc bạc của bà Campbell mà, Susan. Mà này, bà ấy muốn xin công thức làm nước xốt lý gai đậm đà của cô đấy. Bà ấy nói đã được nếm tại bữa tối ngày Hội mùa và nó ngon lắm.”

“Ồ, đấy cô bác sĩ thân yêu, đâu phải ai cũng làm được nước xốt lý gai đậm đà...” vậy là không còn tỏ vẻ chê bai váy cẩm tú cầu nữa. Từ đó trở đi nếu muốn bà Campbell có thể xuất hiện trong bộ đồ dân đảo Fiji cũng được, dù thế nào Susan vẫn sẽ tìm ra lý do bào chữa.

Những tháng trẻ đã thành tháng già nhưng mùa thu vẫn nhớ mùa hạ nên ngày may chăn giống tháng Sáu hơn là tháng Mười. Tất cả thành viên Hội Phụ Nữ Thiện Nguyện được mời đều đã đến, sung sướng chờ được một buổi tán gẫu thật ra trò và một bữa ăn tối của Bên Ánh Lửa, có lẽ ngoài ra còn được thấy một thứ thời trang mới dễ thương nào đó vì vợ bác sĩ vừa lên thị trấn.

Susan, vẫn không bị những trách nhiệm nấu nướng dồn cả lên đầu khuất phục, hiên ngang đi quanh nhà dẫn các bà các cô tới phòng dành cho khách, bình thản vì biết không ai trong họ có chiếc tạp dề viền ren móc sâu cả tấc bằng chỉ Số Một Trăm. Tại triển lãm Charlottetown tuần trước Susan đã giành giải nhất nhờ mũi ren đó. Ở đó bà và Rebecca Dew đã hẹn nhau làm nên một ngày huy hoàng, rồi đêm ấy Susan về nhà là người phụ nữ kiêu hãnh nhất đảo Hoàng Tử Edward.

Mặt Susan hoàn toàn kiềm chế nhưng ý nghĩ thì của riêng bà đôi khi điểm một chút tình ma.

“Celia Reese tới rồi đây, đang kiếm xem có cái gì để cười cợt như mọi khi. Chà, ở bàn ăn tối nhà ta thì bà ta sẽ không tìm thấy đâu, hãy cứ tin chắc chuyện đó. Myra Murray mặc nhung đỏ theo mình thấy thì hơi quá lộng lẫy đối với buổi may chăn nhưng mình không phủ nhận chị ta mặc trông đẹp. ít ra thì cũng không phải vải pha len. Agatha Drew... cặp kính cột vào sợi dây như thường lệ. Sarah Taylor... có thể đó là dịp may chăn cuối cùng bà ta dự... cậu bác sĩ nói quả tim bà ta yếu kinh lắm, nhưng tinh thần của bà ta thì! Bà Donald Reese... ơn Chúa, bà ta không dắt Marry Anna theo nhưng chắc chắn chúng ta sẽ phải nghe nhiều đấy. Jane Burr ở Bắc Glen. Cô ta không phải thành viên của Hội. Chà, sau bữa ăn tối tôi sẽ đếm thìa, hãy cứ tin chắc chuyện đó. Cả nhà đó ai cũng có tật táy máy tay. Candace Crawford... cô ta không quan tâm gì đến mấy buổi họp mặt Hội nhưng đó là nơi thích hợp để khoe hai làn tay xinh xắn và chiếc nhẫn kim cương. Emma Pollock mặc váy lót ló ra dưới váy, dĩ nhiên rồi... một người đàn bà đẹp nhưng cũng hời hợt như cả họ nhà ấy. Tillie MacAllister, đừng có mà làm đổ mứt ra khăn bàn như ở buổi may chăn nhà bà Palmer đấy nhé. Martha Crothers, bà sẽ có bữa ăn tử tế một lần này thôi. Chồng bà không đến được thì thật chán... tôi nghe nói ông ta phải sống nhờ quả hạch hay cái gì đó đại loại vậy. Bà Elder Baxter…tôi nghe nói người lớn trong nhà cuối cùng cũng đã làm Harold Reese sợ mà tránh xa Mina rồi. Harold cứ mơ mộng thay vì hành động, mà trái tim mềm yếu thì không bao giờ chinh phục được phái đẹp như Kinh Thánh nó. Thôi được, ta có đủ đồ để may hai tấm chăn lông và kim đã được xâu chỉ sẵn rồi.”

Mấy tấm chăn được xếp trên hàng hiên rộng rãi, sau đó thì ai nấy đều tíu tít cả ngón tay lẫn cái lưỡi. Anne và Susan mải lo chuẩn bị cho bữa tối trong bếp, còn Walter, hôm ấy bị giữ ở nhà không đi học vì cổ họng hơi đau, ngồi trên mấy bậc thềm có màn cây leo che khuất tầm nhìn của những người may chăn. Cậu luôn thích nghe người lớn nói chuyện. Họ nói những thứ thật lạ lùng, kỳ bí... rồi sau đó ta có thể nhớ lại rồi dệt nên chất liệu cho một vở kịch, những thứ phản chiếu màu sắc và bóng tối, hài kịch và bi kịch, những câu pha trò và nỗi buồn của mọi gia đình trong Bốn Làn Gió.

Trong hết thảy mấy bà mấy cô đang có mặt, Walter mến cô Myra Murray nhất, tiếng cười truyền cảm và mấy nếp nhăn ngộ nghĩnh quanh mắt. Cô biết làm cho câu chuyện đơn sơ nhất cũng đầy kịch tính và sinh động, đến đâu cô cũng làm cho cuộc sống tươi vui hơn; trông cô cũng thật xinh khi mặc chiếc áo nhung đỏ anh đào, mái tóc đen gợn sóng mượt mà và đôi hoa tai hình giọt nước đỏ bé tí bên tai. Bà Tom Chubb, gầy như que kim thì cậu ít thích nhất... có lẽ vì có lần bà gọi cậu là “đứa trẻ bệnh hoạn”. Cậu nghĩ bà Allan Milgrave trông hệt như một cô gà mái xám béo tốt còn bà Grant Clow thì hệt như cái trống có chân. Cô David Ransome còn trẻ có mái tóc màu nâu nhạt thì đẹp lắm, “đẹp quá mức không phù hợp để ở nông trại”, Susan đã nói ngày Dave cưới cô. Cô dâu trẻ, cô Morton MacDougall, trông như hoa anh túc trắng ngái ngủ. Edith Bailey, thợ may ở Glen, mấy lọn tóc bạc như sương và đôi mắt đen vui vẻ, không giống địa vị “gái già”. Cậu thích bà Meade, lớn tuổi nhất ở đó, có đôi mắt bao dung, dịu dàng và lắng nghe nhiều hơn là nói, còn cậu không thích Celia Reese, có cái nhìn thích thú ma mãnh như thể đang cười cợt tất cả mọi người.

Nhóm may chăn vẫn chưa bắt đầu trò chuyện thật sự. Họ đang bàn về thời tiết và quyết định xem nên ghép vải hình quạt hay hình thoi, thế là Walter miên man nghĩ đến vẻ đẹp của ngày đã chín, bãi cỏ lớn có những thân cây hùng vĩ, và trần gian trông như một đấng Nhân từ nào đó dang vòng tay vàng ôm lấy. Lá ngả sắc vàng thong thả rơi nhưng cây thục quỳ hào hiệp vẫn sặc sỡ trên tường gạch và đám bạch dương dệt phép phù thủy của loài dương lá rung dọc lối đi đến nhà kho. Walter mải chìm trong vẻ yêu kiều quanh mình đến mức cuộc chuyện trò của buổi may chăn đã đến hồi sôi nổi rồi cậu mới sực nhớ ra nhờ câu tuyên bố của bà Simon Millison.

“Gia đình đó nổi tiếng là có những đám tang ly kỳ. Các chị có ai quên được chuyện xảy ra ở đám tang Peter Kirk không?”

Walter dỏng tai lên. Cái này nghe thú vị đây. Nhưng cậu rất thất vọng khi bà Simon không tiếp tục kể chuyện đã xảy ra. Chắc ai cũng dự đám tang hay nghe chuyện rồi.

(“Nhưng sao trông ai cũng có vẻ không thoải mái khi nghe nhắc đến chuyện ấy vậy?”)

“Chắc chắn những gì Clara Wilson nói về Peter đều đúng, nhưng ông ta đã nằm dưới mồ rồi, tội nghiệp, nên ta hãy để ông ta yên nghỉ đi,” bà Tom Chubb nói với vẻ rất giả tạo... cứ như có ai đề nghị cải táng ông ta.

“Mary Anna luôn nói những câu thông minh lắm nhé” bà Donald Reese nói. “Các chị biết hôm nọ chúng tôi sắp đến dự đám tang Margaret Hollister thì con bé nói gì không? Mẹ ơi, con bé nói, ở đám tang có kem không?”

Vài bà lén cười mỉm thích thú với nhau. Hầu như ai cũng lờ bà Donald đi. Quả thật chỉ có một cách như vậy khi bà ta bắt đầu trăm lần như một kéo Mary Anna vào, cả đúng lúc lẫn không đúng lúc. Ta mà tỏ chút khuyến khích thì bà ta sẽ làm ta điên lên được. “Mấy chị biết Mary Anna nói gì không?” là câu khẩu lệnh lâu năm ở Glen.

“Nhân nói về đám tang,” Celia Reese nói, “ngày tôi còn con gái ở Mowbray Narrows có một đám tang kỳ quặc Stanton Lane đã đi thoát ly về lục địa miền Tây, sau đó có tiếng đồn là ông ta đã chết. Người nhà đánh điện nhờ người ta gửi xác về, thế rồi họ gửi, nhưng Wallace MacAllister, người lo tang lễ, khuyên họ không mở quan tài. Đám tang vừa mới mở màn tốt đẹp thì chính Stanton Lane bước vào, khỏe mạnh tráng kiện. Chưa bao giờ biết được cái xác đó thật ra là ai.”

“Thế người ta xử lý ông ta thế nào?” Agatha Drew hỏi.

“Ồ, họ chôn ông ta. Wallace nói việc chôn cất không thể trì hoãn được. Nhưng ta không đoàng hoàng gọi đó là đám tang được khi mà ai nấy đều mừng rỡ vì Stanton trở về ông Dawson đổi bài thánh ca cuối ‘Hãy khuây khỏa, hỡi những tín đồ Cơ Đốc’ thành ‘Đôi khi một ngọn đèn cũng mang đến điều ngạc nhiên’, nhưng hầu như ai cũng thấy đáng lẽ ông ta cứ để vậy luôn.”

“Các chị biết hôm nọ Mary Anna nói gì với tôi không? Con bé nói, Mẹ ơi, mục sư họ có biết hết mọi chuyện không?”

“Khi rối rắm ông Dawson bao giờ cũng quên trước quên sau,” Jane Burr nói. “Hồi ấy Bắc Glen do ông ta phụ trách và tôi nhớ có một Chủ nhật ông ta giải tán giáo đoàn rồi mới sực nhớ vẫn chưa lo lạc quyên. Vậy là ông ta chỉ còn biết chộp lấy cái đĩa quyên tiền mà chạy quanh sân. Đúng ra thì,” Jane nói thêm, “những ai đóng góp tiền hôm ấy chưa bao giờ đóng góp trước đó hoặc sau đó. Họ không thích từ chối ông mục sư. Nhưng ông ta như vậy thì thật chẳng ra thể thống gì.”

“Cái tôi không thích ở ông Dawson,” cô Cornelia nói, “là mấy bài cầu nguyện dài lê thê tàn nhẫn của ông ấy ở đám tang. Quả thật đến mức mọi người nói họ ganh tị với xác chết. Ông ấy lập kỷ lục ở đám tang Letty Grant. Tôi thấy mẹ ông ấy xỉu tới nơi rồi nên mới lấy dù chôn sau lưng bảo ông ấy cầu nguyện lâu thế đủ rồi.”

“Ông ấy chôn cất cho Jarvis tội nghiệp của tôi,” bà George Carr nói, nước mắt lã chã. Bà cứ khóc mỗi khi nhắc đến chồng mặc dù ông qua đời đã hai mươi năm rồi.

“Anh ông ấy cũng là mục sư,” Christine Marsh nói. “Hồi tôi còn con gái ông ấy ở Glen. Một đêm chúng tôi có buổi hòa nhạc trong hội trường và vì ông ấy là một trong các diễn giả nên ngồi trên bục. Ông ấy căng thẳng như ông em nên cứ xục xịch ghế ra sau mãi rồi bất ngờ ngã ngửa, cả người cả ghế, ngay trên gờ bờ hoa và cây cảnh chúng tôi xếp quanh bục. Chỉ còn thấy được mỗi hai bàn chân chĩa lên bên trên bục. Không hiểu sao sau đấy tôi cứ thấy nó làm hỏng mất bài giáo lý lủa ông ấy. Hai bàn chân ông ấy to khiếp.”

“Đám tang của Lane thì có thể chán thật đấy,” Emma Pollock nói, “nhưng ít ra cũng còn hơn không có đám nào. Các chị có nhớ tình trạng lộn xộn nhà Cromwell không?”

Mọi người cùng cười ồ lên nhớ lại. “Kể chúng tôi nghe chuyện đó đi,” bà Campbell nói. “Bà Pollock à, xin bà nhớ cho tôi là người lạ ở đây và tất cả mấy thiên trường thiên dòng họ tôi đều chưa được biết.”

Emma không biết “thiên trường thiên” là gì nhưng bà thích kể chuyện.

Abner Cromwell sống gần Lowbridge trong nông trại lớn nhất vùng đó và thời ấy ông ta là nghị sĩ. Ông ta là một trong những con ếch to nhất trong vũng nước Tory và quen biết mọi người quan trọng lớn nhỏ trên đảo. Ông ta cưới Julie Flagg, mẹ bà ta là người nhà Reese còn bà ngoại thuộc dòng họ Clow nên gần như họ có họ hàng với mọi gia đình ở Bốn Làn Gió. Một hôm có thông báo đăng trên tờ Daily Doanh nghiệp... ông Abner Cromwell đột tử tại Lowbridge và đám tang sẽ được tổ chức lúc hai giờ chiều hôm sau. Không hiểu sao vợ chồng Abner Cromwell không đọc được thông báo đó... mà dĩ nhiên thời ấy trong làng không có điện thoại. Sáng hôm sau Abner đi Halifax dự hội nghị Đảng Tự do. Lúc hai giờ mọi người bắt đầu lục tục kéo đến dự đám tang, đến sớm để có chỗ ngồi tốt, tưởng sẽ đông lắm vì Abner là một người lỗi lạc thế. Mà quả là đông thật, các chị cứ tin tôi. Đường sá hàng dặm quanh đó đúng là một dòng xe độc mã và thiên hạ cứ rào rào đổ đến cho đến khoảng ba giờ. Bà Abner muốn điên lên khi cố làm cho họ tin chồng bà chưa chết. Mới đầu một số người không tin bà. Bà ấy khóc mà nói với tôi rằng dường như họ nghĩ bà thủ tiêu cái xác rồi. Thế rồi đến khi thuyết phục được họ tin thì người ta lại làm như thể họ nghĩ Abner đáng ra phải chết. Họ giẫm khắp bãi cỏ có những luống hoa bà ấy rất tự hào. Không biết bao nhiêu là bà con xa cũng tới, mong được bữa ăn tối và chỗ ngủ lại qua đêm mà bà ấy lại không nấu nướng gì nhiều. Julie chưa bao giờ biết lo xa lắm, điều ấy thì phải công nhận. Hai hôm sau Abner về tới nhà thì thấy bà vợ trên giường suy nhược thần kinh và phải hàng tháng bà ấy mới vượt qua được chuyện đó. Suốt sáu tuần bà ấy không ăn lấy một miếng... à thì, hầu như không ăn gì. Tôi nghe đồn bà ấy nói nếu có đám tang thật thì bà ấy cũng không thể nào buồn lo hơn được. Nhưng tôi chưa hề tin bà ấy nói thế thật.”

“Chị đâu thể chắc,” bà William MacCreery nói. “Thiên hạ vẫn nói những thứ kinh khủng thế thôi. Khi họ khổ sở thì sự thật sẽ lộ ra mà. Chủ nhật đầu tiên sau khi chôn chồng, bà chị Clarice của Julie vẫn đến hát đồng ca như thường đấy.”

“Đám tang chồng cũng không làm Clarice buồn chán được lâu đâu” Agatha Drew nói. “Ở cô ta thì chẳng có gì đáng tin cậy cả. Bao giờ cũng hát ca nhảy nhót.”

“Tôi đã từng hát ca nhảy nhót... trên bờ biển chẳng ai nghe thấy tôi,” Myra Murray nói.

“À, nhưng từ ấy đến nay thì chị đã khôn ngoan hơn rồi,” Agatha nói.

“Khônggg, ngu ngốc hơn thì có,” Myra Murray nói thong thả. “Giờ thì ngu ngốc quá không còn nhảy nhót trên bờ biển được.”

“Mới đầu,” Emma nói, không bị tước mất dịp kể hết câu chuyện, “họ nghĩ mẩu cáo phó ấy đưa ra để đùa... vì trước đó mấy hôm Abner thất cử... nhưng hóa ra đó là tin cáo phó cho một Amasa Cromwell, sống tít trong rừng ở bên kia Lowbridge... không liên quan gì cả. ông ta thì chết thật. Nhưng phải rất lâu sau thiên hạ mới tha thứ cho Abner vì đã làm họ thất vọng, ấy là nếu mà họ có đời nào tha thứ.”

“Chà, kể cũng hơi bất tiện thật ấy chứ, đánh xe cả quãng đường dài như thế, ngay trong vụ mùa nữa, để rồi thấy ra là ta đi chỉ tổ mất công,” bà Tom Chubb chống chế.

“Nhưng thường thì thiên hạ vẫn thích có đám tang,” bà Donald Reese sôi nổi. “Tôi nghĩ ta đều như trẻ con cả. Tôi dẫn Mary Anna đến đám tang chú Gordon của nó và nó thích lắm. Mẹ ơi, ta không đào chú lên rồi chôn chú lại cho vui sao? “con bé nói thế đấy.”

Chuyện này thì họ cười thật... ai cũng cười trừ bà Elder Baxter, bà làm mặt nghiêm nghị và chọc kim vào tấm chăn không thương tiếc. Thời này chẳng còn gì thiêng liêng nữa. Chuyện gì cũng cười được. Còn bà, vợ một người đã có tuổi, sẽ không cho phép cười cợt gì liên quan đến đám tang.

“Nhân nói về Abner, mấy chị có nhớ cáo phó anh của ông ta, John, viết cho vợ mình không?” bà Allan Milgrave hỏi. “Nó mở đầu như thế này, ‘Chúa Trời, vì những lý do chỉ mình Ngài biết, đã hài lòng lấy đi cô dâu xinh đẹp của tôi mà để cho cô vợ xấu xí của chú em họ William sống’. Làm sao tôi quên được chuyện đó đã gây xôn xao đến thế nào!”

“Làm sao một thứ như vậy lại được in nhỉ?” bà Best hỏi.

“Ơ kìa, hồi ấy ông ta là tổng biên tập tờ Doanh nghiệp mà. ông ta tôn thờ bà vợ... Bertha Morris, tên cô ta đấy... mà ông ta lại ghét vợ William Cromwell vì chị ta không muốn ông cưới Bertha. Chị ta nghĩ Bertha lông bông phù phiếm quá.”

“Nhưng cô ta xinh mà,” Elizabeth Kirk nói.

“Cả đời tôi chưa thấy ai xinh vậy,” bà Milgrave đồng tình. “Nhà Moms có nòi người đẹp. Nhưng hay thay đổi... đổi như gió Không ai biết vì sao tâm trí cô ta ổn định đủ lâu mà cưới John. Người ta đồn bà mẹ khuyến khích cô ta. Bertha phải lòng Fred Reese nhưng anh ta nói tiếng là chuyên đi tán tỉnh. Thà rằng được sẻ trên tay, còn hơn được hứa trên mây hạc vàng, bà Moms dạy cô ta thế.”

“Cả đời tôi đã nghe câu tục ngữ đó,” Myra Murray nói, “nhưng tôi tự hỏi có đúng vậy không. Có lẽ con hạc trên mây biết hót con sẻ trên tay thì không.”

Chẳng ai biết phải nói thế nào nhưng dù gì bà Tom Chubb cũng nói. “Chị thì lúc nào cũng kỳ cục, Myra ạ.”

“Mấy chị biết hôm nọ Mary Anna nói gì với tôi không?” bà Donald hỏi. “Nó nói, Mẹ ơi, con sẽ phải làm sao nếu chẳng ai hỏi cưới con cả?”

“Mấy gái già chúng ta trả lời câu đó được đấy nhỉ?” Cella Reese hỏi, đưa cùi chỏ huých Edith Bailey một cái. Celia không ưa Edith vì Edith vẫn còn khá xinh đẹp và không hẳn đã hết cơ hội.

“Của đáng tội Gertrude Cromwell cũng xấu thật,” bà Grant Clow nói. “Thân hình chị ta như tấm ván. Nhưng nội trợ giỏi lắm. Tháng nào cũng đem hết màn ra giặt giũ, còn Bertha mà mỗi năm giặt một lần thì cũng đã giỏi lắm rồi. Mấy tấm chớp cửa sổ nhà cô ta lúc nào cũng quăn queo. Gertrude nói chỉ đánh xe ngang nhà John Cromwell thôi cũng đủ rùng mình. Vậy mà John Cromwell tôn thờ Bertha còn William thì chỉ kiên nhẫn chịu đựng Gertrude. Đàn ông thật lạ. Họ nói buổi sáng diễn ra lễ cưới William còn ngủ nướng nên mặc vội mặc vàng đến mức xỏ nhầm đôi giày cũ và đi tất cộc kệch.”

“Ấy vậy còn đỡ hơn Oliver Random,” bà George Carr cười khúc khích. “Anh ta quên may đồ cưới, còn bộ đồ véc của anh ta thì hoàn toàn không dùng được. Bị vá. Vậy là anh ta mượn bộ tốt nhất của em trai. Nó cứ che chỗ này hở chỗ kia.”

“Nhưng ít ra William với Gertrude còn cưới nhau,” bà Simon nói. Cô em Caroline của dù ta thì không. Cô ta và Ronny Drew cãi nhau chuyện mục sư nào sẽ làm lễ rồi rốt cuộc họ chẳng cưới nữa. Ronny bực điên đến nỗi đi cưới Edna Stone trước khi kịp bình tĩnh lại. Caroline đến dự đám cưới. Cô ta ngẩng cao đầu nhưng mặt thì như người chết.”

“Nhưng ít nhất cô ta còn giữ mồm giữ miệng,” Sarah Taylor nói. “Philippa Abbey thì không. Khi bị Jim Mowbray phụ bạc cô ta đến đám cưới của anh ta mà nói toang ra hết những điều cay đắng nhất suốt buổi lễ. Tất nhiên họ đều là tín đồ Anh giáo cả,” Sarah Taylor kết luận, như thể điều đó giải thích được cho mấy thói đỏng đảnh ấy.

“Có thật sau đó cô ta đeo hết nữ trang Jim tặng lúc họ đính hôn đến tiệc chiêu đãi không?” Celia Reese hỏi.

“Không, đâu có! Tôi không hiểu sao người ta cứ đồn đại những chuyện như vậy. Có những người chẳng làm gì hơn là đi rêu rao lại những lời đồn đại. Tôi dám nói Jim Mowbray cả đời phải ước gì mình đã lấy Pilippa. Vợ anh ta giữ rịt... mặc dù mỗi khi chị ta đi vắng thì anh ta được mặc sức.”

“Tôi chỉ thấy Jim Mowbray có một lần, ấy là đêm bọ cánh cứng gần như làm giáo đoàn chạy tán loạn tại lễ kỷ niệm ở Lowbridge,” Chrishne Crawford nói. “Rồi cái gì bọ cánh cứng chưa làm thì Jim Mowbray góp phần. Đêm ấy trời nóng nực nên họ để mở hết cửa sổ. Hàng trăm con bọ cánh cứng cứ tràn vào bay loạn xạ. Sáng ra người ta nhặt được tám mươi bảy con bọ chết trên bục đồng ca. Một số bà cuống cuồng cả lên khi bầy bọ bay sát mặt. Ngồi đối diện tôi ngay bên kia lối đi là vợ của mục sư mới đến... bà Peter Loring. Bà ấy đội chiếc mũ ren lớn có chùm lông vũ rủ xuống...”

“Người ta vẫn nghĩ bà ấy làm vợ mục sư mà quá ư là chải chuốt,” bà Elder Baxter tự ý chen vào.

“Xem tôi búng con bọ trên mũ bà vợ mục sư này,” tôi nghe Jim Mowbray thì thầm... anh ta ngồi ngay cạnh bà ấy. Anh ta nghiêng người tới nhắm một phát vào con bọ... trật, nhưng lại hất cái mũ qua một bên bay là là xuống lối đi ngay sát rào chắn khu vực điện thờ. Jim phát hoảng. Ông mục sư thấy mũ vợ bay là đà liền quên mất mình giảng đến đâu, không nhớ lại được nên tuyệt vọng chịu thua. Dàn đồng ca hát điệp khúc cuối, vừa hát vừa đập bọ cánh cứng. Jim xuống nhặt mũ lại cho bà Loring. Anh ta tưởng mình sẽ bị mắng nhiếc thậm tệ, vì người ta nói tính bà ấy sôi nổi lắm. Nhưng bà ấy chỉ chụp mũ lên mái đầu tóc vàng xinh đẹp và cười với anh ta. Anh mà không làm thế, bà ấy nói, Peter đã tiếp tục nói thêm hai mươi phút nữa và ta đều phát điên cả rồi. Dĩ nhiên bà ấy thật tử tế vì đã không giận nhưng thiên hạ nghĩ bà ấy không nên nói về chồng như thế.”

“Nhưng mấy chị phải nhớ bà ấy đã ra đời thế nào chứ.” Martha Crothers nói.

“Sao, thế nào?”

“Tên hồi con gái của bà ấy là Bessy Talbot, quê ở miền thượng Tây. Một đêm nhà bố bà ấy bị cháy, giữa cảnh náo loạn nguy biến thì Bessy chào đời... ngoài vườn... dưới sao.”

“Lãng mạn quá!” Myra Murray nói.

“Lãng mạn ư! Tôi lại thấy việc đó không được đứng đắn cho lắm.”

“Nhưng cứ thử nghĩ đến việc sinh ra dưới bầu trời sao xem!” Myra mơ màng nói. “Chao ôi, hẳn bà ấy là đứa con của các vì sao... lấp lánh... xinh đẹp... can đảm... chân thực ánh mắt lung linh.”

“Bà ấy đúng là như thế,” Martha nói, “dù có phải là nhờ các vì sao hay không. Bà ấy cũng một thời gặp khó khăn ở Lowbridge vì thiên hạ nghĩ vợ mục sư phải hết sức đoan trang từ tốn. Chao ôi, một hôm có ông già bắt gặp bà ấy múa hát bên nôi đứa con, ông ta bèn răn rằng không nên vui mừng như thế mà phải đợi đến bao giờ biết nó có ứng cử không đã.”

“Nhân nói về em bé, mấy chị có biết hôm nọ Mary Anna nói sao không, Mẹ ơi, con bé nó, nữ hoàng có em bé không?”

“Chắc đó là Alexander Wilson,” bà Allan nói. “Một kẻ ưa càu nhàu bẩm sinh, nếu trên đời thật sự có người nào sinh ra đã ưa càu nhàu. Tôi nghe nói ông ta không cho người nhà ho he tiếng nào trong giờ ăn. Còn cười thì... nhà ông ta chẳng bao giờ có tiếng cười.”

“Cứ nghĩ một nhà không có tiếng cười xem” Myra nói. “Chao ôi, chuyện đó thật... bất kính.”

“Mỗi khi không muốn nói với vợ, Alexander ngậm câm cả ba ngày liền,” bà Allan nói tiếp. “Đúng là nhẹ nhõm cho bà ta,” bà nói thêm. ít ra Alexander đó cũng còn làm ăn trung thực bà Grant Clow nói cứng nhắc. Alexander đó là anh họ xa của bà mà nhà Wilson lại có tinh thần gia đình. “Khi chết đi ông ấy để lại bốn ngàn đô la.”

“Phải để lại như thế ông ta tiếc lắm nhỉ,” Celia Reese nói.

“Em trai Jeffry của ông ấy chẳng để lại được một xu,” bà Clow nói. “Tôi phải thừa nhận trong nhà đó Jeff là kẻ vô tích sự. Có Chúa biết, ông ta suốt ngày cười với cợt. Kiếm được xu nào là tiêu hết... với ai cũng thân thiết được rồi chết đi không một xu dính túi. Cứ lông bông cười đùa vậy rồi ông ta nhận được gì ở cuộc đời?”

“Có lẽ không nhiều,” Myra nói, “nhưng cứ nghĩ đến tất cả những gì ông ta đem đến cho cuộc đời xem. Ông ta luôn cho đi... sự cổ vũ, niềm đồng cảm, lòng thân ái, thậm chí cả tiền. ít ra ông ta có nhiều bạn bè còn thì ông Alexander cả đời không có lấy một người bạn.”

“Bạn bè Jeff đâu có chôn cất cho ông ta,” bà Allan bẻ lại Alexander phải lo tất... dựng một cái bia thật tử tế cho ông ta nữa. Mất cả trăm đô la.”

“Nhưng khi Jeff hỏi mượn anh trai một trăm để trả tiền phẫu thuật có thể cứu mạng ông ta, chẳng phải Alexander đã từ chối sao?” Celia Drew hỏi.

“Thôi nào, thôi nào, ta đang trở nên hà khắc quá rồi,” bà Can phản đối. “Suy cho cùng chúng ta không sống trong một thế giới toàn cúc và lưu ly nên ai cũng có lỗi lầm cả.”

“Hôm nay Lem Anderson cưới Dorothy Clark đấy,” bà Millison nói, nghĩ bụng đã đến lúc cuộc trò chuyện chuyển sang một hướng vui vẻ hơn. “Mà chưa được một năm từ khi cậu ta thề sẽ bắn nát óc mình nếu Jane Elliott không chịu cưới.”

“Lũ thanh niên vẫn nói những thứ lạ lùng vậy mà,” bà Chubb nói. “Chúng giữ kín chuyện đó lắm... mãi đến ba lần trước mới tiết lộ là đã đính hôn. Tuần trước tôi có nói chuyện với mẹ cậu ta mà bà ấy nói bóng gió gì về một đám cưới sớm vậy đâu. Tôi không chắc là mình thích kiểu đàn bà gì mà cứ tấm ngẩm tầm ngầm như Nhân Sư vậy.”Tôi ngạc nhiên thấy Dorothy Clark cưới cậu ta đấy,”Agatha Drew nói. “Tôi cứ tuởng mùa xuân rồi con bé và Frank Clow sẽ thành đôi.”

“Tôi nghe Dorothy nói Frank là người xứng hợp nhất nhưng quả là nó không chịu nổi khi nghĩ sáng sáng thức dậy phải thấy cái mũi đó chìa ra trên ra giường.”

Bà Elder Baxter rùng mình kiểu mấy bà cô không chồng và không chịu cười cùng mọi người.

“Các chị không nên nói những thứ như thế trước mặt cô gái trẻ như Edith,” Celia nói, nháy mắt qua cái chăn.

“Ada Clark đính hôn chưa?” Emma Pollock hỏi.

“Chưa không hẳn,” bà Milison nói. “Mới hy vọng. Nhưng con bé sẽ giành được cậu ta thôi. Mấy cô gái đó đều khéo chọn chồng cả. Chị nó là Pauline cưới được trang trại ngon lành nhất đằng cảng.”

“Pauline xinh nhưng con bé toàn những ý nghĩ ngớ ngẩn,” bà Milgrave nói.

“Đôi khi tôi nghĩ con bé chẳng bao giờ khôn ngoan ra được.”

“Ồ, có chứ,” Myra Murray nói. “Một ngày nào đó con bé sẽ có con cái rồi sẽ học được ở chúng sự sáng suốt..như chị và tôi vậy.”

“Lem và Dorothy định sống ở đâu?” bà Meade hỏi.

“Ồ, Lem có mua một trang trại ở Bắc Glen. Nhà cũ của Carey, chị biết đấy, chỗ bà Roger Carey tội nghiệp giết chồng ấy.”

“Giết chồng ư!”

“Ồ, tôi sẽ không nói ông ta không xứng đáng nhận điều đó đâu nhưng ai cũng nghĩ bà ấy đi hơi quá xa. Đúng - bỏ thuốc diệt cỏ trong ly trà của ông ta... hay xúp nhỉ? Ai cũng biết chuyện đó nhưng chưa ai làm gì cả. Làm ơn đưa tôi cái ống chỉ, Celia.”

“Nhưng bà Millison này, bà muốn nói bà ta chưa từng bị xét xử... hay bị trừng phạt ư” bà Campbell há hốc.

“Ấy, không ai muốn đưa hàng xóm vào tình cảnh như vậy. Nhà Carey có quan hệ lớn ở Bắc Glen. Vả lại, bà ấy bị đôn đến đường cùng. Dĩ nhiên không ai ủng hộ chuyện giết người như thói quen nhưng nếu có ai đang bị giết thì đó là Roger Carey. Bà ấy sang Mỹ rồi tái hôn. Bà ấy chết đã nhiều năm rồi. Chồng thứ hai sống lâu hơn. Chuyện ấy xảy ra ngày tôi còn con gái. Họ thường nói bóng ma Roger Carey hay lảng vảng.”

“Thời khai sáng này chắc chẳng ai lại tin có ma,” bà Baxter nói.

“Sao ta không được tin có ma?” Tillie MacAllister hỏi. “Ma thú vị chứ. Tôi biết một ông bị ma ám, con ma lúc nào cũng cười ông ta... kiểu như nhếch mép ấy. Làm ông ta bực điên. Làm ơn cho mượn cây kéo đi bà MacDougall.”

Cô dâu nhỏ đã được hỏi kéo hai lần bèn đưa qua, mặt đỏ lựng. Cô vẫn chưa quen được gọi là bà MacDougall.

“Nhà Truax cũ đằng cảng bị ma ám nhiều năm trời...khua gõ khắp nhà”… một chuyện hết sức kỳ bí,” Christine Crawford nói.

“Nhà Truax ai cũng xấu bụng mà,” bà Baxter nói.

“Dĩ nhiên nếu ta không tin vào ma thì chuyện như thế không thể xảy ra được,” bà MacAllster nói vẻ hờn dỗi.

“Nhưng em tôi làm trong một nhà ở Nova Scotia bị những tiếng cười khúc khích ám.”

“Ma gì vui quá!” Myra nói. “Tôi sẽ không phiền chuyện đó đâu.”

“Giống như là cú ấy nhỉ,” bà Baxter vẫn cương quyết hồ nghi nói.

“Trước lúc chết mẹ tôi thấy thiên thần quanh giường,” Agatha Drew nói với vẻ đắc thắng ai oán.

“Thiên thần đâu phải ma,” bà Baxter nói.

“Nhân nói đến mẹ, chú Parker nhà chị sao rồi, Tillie?” bà Chubb hỏi.

“Thỉnh thoảng yếu lắm. Chúng tôi không biết sẽ thế nào. Làm chúng tôi bế tắc cả... ý tôi là trong việc chuẩn bị quần áo mùa đông. Nhưng hôm nọ khi bàn chuyện đó tôi đã bảo cô em, Thôi ta cứ lo đồ tang đi, tôi nói, rồi thì chuyện gì xảy ra cũng được.”

“Mấy chị biết hôm nọ Mary Anna nói gì không? Con bé nói, Mẹ ơi, con không xin Chúa làm cho tóc con quăn nữa đâu. Cả tuần nay đêm nào con cũng xin mà Ngài chẳng làm gì cả.”

“Tôi đã xin Ngài một điều suốt hai mươi năm,” bà Bruce Duncan nói chua chát, nãy giờ bà không hề nói hay ngước đôi mắt đen lên khỏi tấm chăn. Bà có tiếng là may chăn đẹp... có lẽ vì bà không bao giờ xao nhãng vì chuyện phiếm mà chỉ lo khâu thật chính xác từng mũi.

Một sự im lặng chốc lát trùm xuống vòng người. Ai cũng đoán biết được điều bà cầu xin... nhưng đó không phải chuyện để bàn trong buổi may chăn. Bà Duncan không nói nữa.

“Có đúng là May Flagg với Billy Carter đã chia tay và cậu ta đang hẹn hò với một người nhà MacDougan đằng cảng không?” Martha Crothers hỏi sau một khoảng dừng phải phép.

“Phải. Dù không ai biết chuyện gì xảy ra.”

“Thật buồn...đôi khi những chuyện nhỏ làm tan vỡ các đám,” Candace Crawford nói. “Dick Pratt với Lilian MacAllister chẳng hạn... cậu chàng đang chuẩn bị cầu hôn cô nàng tại buổi dã ngoại thì bị chảy máu cam. Cậu ta phải đi ra suối... gặp một cô gái lạ cho mượn khăn tay. Cậu ta đem lòng yêu mến và rồi trong vòng hai tuần thì họ cưới nhau.”

“Các chị nghe chuyện xảy ra với Jim MacAllister Béo đêm thứ Bảy tuần rồi ở cửa hiệu của Milt Cooper đằng Cửa Vịnh chưa? bà Simon hỏi, nghĩ bụng đã đến lúc ai đó giới thiệu một chủ đề vui vẻ hơn là ma quỷ và phụ tình. “Anh ta mắc thói quen ngồi lên lò suốt mùa hè. Nhưng đêm thứ Bảy lạnh nên Milt đốt lò sưởi. Vì vậy khi Jim Béo tội nghiệp ngồi xuống... thì bỏng cả cái...”,

Bà Simon không nói anh ta bị bỏng cái gì mà lăng lặng vỗ một phần thân.

“Mông,” Walter nói nghiêm trang, chui đầu qua màn cây leo. Thật tình cậu tưởng bà Simon không nhớ ra từ cần.

Một sự im lặng thất kinh trùm xuống những người may chăn. Walter Blythe ở đó từ nãy giờ sao? Ai cũng cố nhớ lại xem có chuyện nào cực kỳ không phù hợp với đôi tai trẻ con. Nghe nói phu nhân bác sĩ Blythe rất chú trọng chuyện con cái mình nghe thấy những gì. Lưỡi họ chưa hết tê liệt thì Anne ra mời họ vào ăn tối.

“Mười phút nữa thôi, cô Blythe ạ. Lúc ấy bọn tôi sẽ xong cả hai tấm chăn,” Elizabeth Kirk nói.

Mấy tấm chăn đã xong, họ lấy ra, giũ, giăng lên và trầm trồ.

“Tôi thắc mắc không biết ai sẽ ngủ dưới tấm chăn này,” Myra Murray nói.

“Có lẽ một người mới làm mẹ ôm đứa con đầu lòng,” Anne nói.

“Hay những đứa trẻ bé bỏng cuộn mình một đêm thảo nguyên lạnh giá,” bất ngờ cô Cormnelia nói.

“Hay một tấm thân thấp khớp già cả tội nghiệp sẽ được ấm hơn,” bà Meade nói.

“Tôi mong không có ai qua đời dưới tấm chăn này,” bà Baxter buồn bã nói.

“Mấy chị biết trước khi tôi tới Mary Anna nói gì không? bà Donald hỏi khi từng người một vào phòng ăn. ‘Nó nói,’ Mẹ ơi, đừng quên mẹ phải ăn cho hết phần trên đĩa mình đấy.”

Vậy là tất cả cùng ngồi xuống ăn uống vinh danh Chúa, vì cả buổi chiều họ đã hoàn thành tốt đẹp một việc và xét cho cùng, hầu như chẳng có ai hiểm độc gì lắm.

Ăn tối xong họ về nhà. Jane Burr đi xa làng nhất cùng bà Simon Millison.

“Tôi phải nhớ mọi món ăn để về kể cho mẹ,” Jane bâng khuâng nói, không biết Susan đang đếm thìa. “Từ khi nằm liệt giường mẹ tôi không bao giờ bước chân ra khỏi nhà nhưng thích nghe chuyện lắm. Cái bàn đó sẽ là bữa tiệc cho bà.”

“Y như mấy bức hình ta thấy trong tạp chí ấy,” bà Simon thở dài đồng tình. “Tôi cũng nấu được bữa tối ngon lành như ai, nếu tôi muốn, nhưng tôi không biết trình bày bàn ăn đầy phong cách như vậy. Còn về thằng bé con Walter ấy hả, tôi mới muốn đét đít nó làm sao chứ. Nó dọa tôi một cú điếng người!”

“Anh thấy hình như Bên Ánh Lửa toàn những nhân vật chán ngắt đúng không?” bác sĩ nói.

“Em không may chăn,” Anne nói, “nên em không nghe được họ nói những chuyện gì.”

“Cháu chẳng bao giờ nghe cả, cưng à,” cô Comelia nói, cô nán lại giúp Susan buộc chăn. “Có cháu ở buổi may chăn thì họ sẽ không mặc sức. Họ nghĩ cháu không tán thành chuyện ngồi lê đôi mách.”

“Tùy theo loại gì chứ,” Anne nói.

“Ừ, thật ra hôm nay chẳng ai nói gì khủng khiếp quá. Hầu hết người họ nhắc đến đều đã chết... hay đáng ra phải chết,” cô Comelia nói, nhớ lại câu chuyện đám tang bị hủy của Abner Cromwell mà cười. “Chỉ có bà Millison lại phải lôi vụ án mạng cũ khủng khiếp đó của Madge Carey với chồng. Ta nhớ hết chuyện đó. Không có vết tích bằng chứng rằng Madge làm việc ấy... trừ chuyện con mèo chết sau khi ăn chút xúp. Con vật đó bệnh cả tuần rồi. Nếu cháu hỏi ta thì Roger Carey chết vì viêm ruột thừa... dù dĩ nhiên hồi ấy không ai biết mình có ruột thừa.”

“Quả thật tôi nghĩ đáng tiếc là người ta lại phát hiện ra,” Susan nói. “Thìa còn đủ cả, cô bác sĩ thân yêu khăn trải bàn thì không có vấn đề gì.”

“Thôi ta phải về đây,” cô Comelia nói. “Tuần tới khi nào Marshall mổ heo ta sẽ gửi cho cháu ít sườn.”

Walter lại ngồi trên mấy bậc thềm, mắt mơ màng. Hoàng hôn đã buông xuống. Cậu tự hỏi, nó từ đâu buông xuống? Có phải một linh hồn vĩ đại nào có đôi cánh dơi trút nó ra khắp thế gian từ một cái vại màu tím? Trăng đang lên và trên đồi ba cây vân sam già oăn mình trong gió trông như ba mụ phù thủy gù già khú gầy nhom đang khập khiễng trèo lên đồi. Có phải con yêu tinh nhỏ hai tai lông lá đang lom khom trong bóng tối đấy không? Giả sử ngay lúc này đây cậu mở cánh cửa trong bức tường gạch, liệu cậu có bước vào, không phải khu vườn lừng danh đâu mà là một xứ thiên thai lạ kỳ nào đó, nơi các công chúa tỉnh khỏi giấc ngủ bùa mê, nơi có lẽ cậu sẽ tìm thấy rồi đi theo Tiếng Vọng như cậu hằng mơ ước? Ta không dám cất tiếng. Vì chỉ cần lên tiếng thôi thì một điều gì đó sẽ tan biến mất.

“Con yêu,” mẹ cậu đi ra nói, “con không được ngồi đây thêm nữa. Trời đang lạnh. Nhớ cổ họng con đấy.”

Lời nói ra đã làm tan bùa mê. ánh sáng huyền hoặc đã mất. Bãi cỏ vẫn là nơi đẹp đẽ nhưng không còn là xứ thần tiên nữa. Walter đứng lên.

“Mẹ, mẹ kể con nghe chuyện xảy ra ở đám tang Peter Kirk nhé?” Anne nghĩ ngợi một lát... rồi rùng mình.

“Không phải bây giờ, con yêu. Có lẽ... lúc nào đó...”


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx