sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Anne tóc đỏ dưới chái nhà xanh - Chương 11 - 12

CHƯƠNG 11

Ấn tượng của Anne về trường học Chủ Nhật

“Sao, con có thích chúng không?” bà Marilla hỏi.

Anne đang đứng trong căn phòng ở chái nhà, nghiêm trang nhìn ba bộ váy mới trải trên giường. Một cái bằng vải kẻ sọc xỉn màu khói thuốc mà bà Marilla bị một người bán rong dụ mua hồi hè năm trước vì trông có vẻ bền; một cái bằng xa tanh kẻ ô trắng đen mua từ một quầy hàng giảm giá từ hồi mùa đông; cái còn lại in thô một hình thù xấu xí màu xanh mà bà mua ở Carmody trong tuần đó.

Bà đã tự tay may chúng, thảy đều trông giống nhau – cùng là loại váy đơn giản thắt chặt ở cái eo đơn giản, ống tay áo đơn giản giống hệt cả váy lẫn eo, và được thắt chặt hết mức.

“Con sẽ tưởng tượng là mình thích chúng” Anne điềm tĩnh nói.

“Ta không muốn con tưởng tượng thế,” bà Marilla nói giọng tự ái. “Ái chà, ta có thể thấy con không thích mấy cái váy này! Chúng làm sao à? Chúng không gọn gàng, sạch sẽ và mới sao?”

“Có chứ ạ.”

“Vậy sao con không thích chúng?”

“Chúng… chúng không… đẹp ạ,” Anne nói miễn cưỡng.

“Đẹp à!” bà Marilla khịt mũi. “Ta không bận tâm về việc may váy đẹp cho con. Ta nói thẳng cho con biết là ta không thích mấy chuyện nuông chiều phù phiếm đâu Anne. Mấy cái váy này đều tốt, mặc khá dễ chịu, không có diềm đăng ten hay xếp nếp gì, và hè này con sẽ chỉ có chừng ấy thôi. Cái sọc nâu và cái in xanh con sẽ mặc tới trường khi bắt đầu đi học. Cái xa tanh mặc khi đi nhà thờ và đến trường học Chủ nhật. Ta hy vọng con sẽ giữ chúng gọn gàng sạch sẽ và lành lặn. Ta cứ tưởng là sau những cái váy thiếu vải mà con đang mặc đó thì có mặc gì con cũng sẽ thấy biết ơn chứ.”

“Ồ, con biết ơn mà,” Anne phản đối. “Nhưng con sẽ biết ơn hơn rất nhiều nếu… nếu chỉ cần bác may một cái có tay phồng thôi.Tay áo phồng đang rất thời trang. Chỉ cần mặc một chiếc váy tay phồng thôi là con sẽ thấy hưng phấn ngay, bác Marilla ạ.”

“Thế đấy, con sẽ phải mặc chúng mà không cần cái hưng phấn đó. Ta không có vải để phung phí cho mấy cái tay phồng. Dù sao thì ta cũng nghĩ chúng trông thật lố bịch. Ta thích những thứ đơn giản, đứng đắn hơn.”

“Thà con có vẻ lố bịch nhưng trông giống tất cả mọi người còn hơn là đơn giản và đứng đắn mà lại lạc lõng một mình.” Anne rầu rĩ nài.

“Chắc là con nghĩ thế rồi! Nào, treo váy cẩn thận vào tủ rồi ngồi học các bài học của trường Chủ nhật đi. Ta đã lấy sách học kỳ này từ chỗ ông Bell và mai con sẽ đến trường Chủ nhật,” bà Marilla vừa nói vừa giận dữ bước xuống lầu.

Anne nắm chặt tay nhìn mấy cái váy.

“Mình đã hy vọng sẽ có một cái váy màu trắng tay phồng,” con bé chán nản thì thầm. “Mình đã cầu nguyện có một cái, nhưng mình cũng không quá hy vọng vào chuyện đó. Mình không nghĩ là Chúa có thời gian để quan tâm đến cái váy của một con bé mồ côi bé nhỏ. Mình biết là về chuyện này sẽ phải tùy vào bác Marilla thôi. Ôi, may là mình có thể tưởng tượng rằng một trong số chúng được làm bằng vải muslin trắng như tuyết với đăng ten và tay áo phồng ba lớp.”

Sáng hôm sau một cơn đau đầu nhẹ đã khiến bà Marilla không đến trường học Chủ nhật với Anne được.

“Con sẽ phải xuống nhờ bà Lynde thôi Anne,” bà nói. “Bà ấy sẽ trông chừng cho con vào đúng lớp. Nào, liệu mà cư xử cho đúng nhé. Học xong thì ở lại nghe giảng đạo và nhờ bà Lynde chỉ cho chỗ của chúng ta. Đây là một đồng để quyên góp. Đừng nhìn chằm chằm vào người khác cũng đừng ngọ nguậy không yên. Ta mong là khi về con sẽ nhắc lại cho ta nghe đoạn trích Kinh thánh trong bài giảng.”

Anne khởi hành một cách không chê vào đâu được, diện bộ váy xa tanh trắng đen thẳng nếp mà trong khi khá thoải mái về chiều dài và chắc chắn không thể bị coi là thiếu vải thì cũng được tính tóan sao cho tôn lên mọi đường cong trên thân hình gầy gò của con bé. Nó đội một cái mũ thủy thủ nhỏ chóp bằng mới tinh và trơn bóng, sự đơn giản tột cùng của cái mũ khá đáng thất vọng đối với con bé Anne vốn đã tự cho phép mình bí mật tưởng tượng ra một cái có ruy băng và hoa. Tuy nhiên hoa đã được bổ sung trước cả lúc Anne đặt chân đến đường chính, vì khi bước trên con đường mòn ngập tràn hoa mao lương vàng óng lay động trong gió và rực rỡ hoa hồng dại, con bé nhanh chóng hào phóng trang trí cho cái mũ của mình một vòng hoa thật bự. Cho dù mọi người nghĩ gì về sản phẩm đó thì Anne vẫn cảm thấy rất thỏa mãn, và con bé vui vẻ thả bước trên đường, tự hào ngẩng cao mái đầu đỏ hoe đầy những trang trí màu hồng và vàng.

Khi tới nhà bà Lynde, con bé nhận ra người phụ nữ đã đi rồi. Không nản lòng, Anne tiếp tục một mình cất bước tới nhà thờ. Tại cổng nó thấy một nhóm bé gái, ăn mặc ít nhiều đều có phần rạng rỡ với màu trắng, xanh và hồng, đứa nào cũng dồn ánh mắt tò mò vào kẻ lạ mặt với món đồ trang trí lạ thường trên đầu. Những bé gái Avonlea đã nghe nhiều câu chuyện lạ lùng về Anne. Bà Lynde nói tính khí nó tệ hại khủng khiếp; Jerry Buote, thằng bé giúp việc ở Chái Nhà Xanh, kể rằng con bé lúc nào cũng nói chuyện một mình hay với cây cối cỏ hoa như đứa khùng. Bọn trẻ nhìn con bé và thì thầm với nhau phía sau những cuốn sách. Không ai bắt chuyện một cách thân thiện kể từ lúc đó cho đến khi nghi thức đầu lễ kết thúc và Anne thấy mình đang ở trong lớp của cô Rogerson.

Cô Rogerson là phụ nữ ở trung niên đã dạy ở trường Chủ nhật hai mươi năm rồi. Phương pháp giảng dạy của cô là đưa ra những câu hỏi in sẵn trong sách và nghiêm khắc nhìn qua mép sách để gọi một cô bé mà cô chắc mẩm trả lời được. Cô rất hay để mắt tới Anne, và Anne, nhờ sự rèn giũa của Marilla, trả lời không chút đắn đo; nhưng con bé có thật sự hiểu được câu hỏi hoặc câu trả lời hay không thì vẫn còn là một nghi vấn.

Con bé không nghĩ mình thích cô Rogerson, và nó cảm thấy mình rất đáng thương; tất cả những bé gái khác trong lớp đều có tay áo phồng. Anne cảm thấy như đời chẳng còn đáng sống nếu không có những tay áo phồng.

“Sao, con thấy trường Chủ nhật thế nào?” bà Marilla muốn biết khi Anne trở về nhà. Vành hoa của con bé đã héo, Anne bỏ lại hoa trên đường nên bà Marilla sẽ không biết về nó.

“Con không thích chút nào. Thật khủng khiếp.”

“Anne Shirley!” bà Marilla nói với giọng quở trách.

Anne thở dài ngồi xuống xích đu, hôn một chiếc lá của Bonny và vẫy tay với đóa vân anh đang nở.

“Chúng có thể thấy cô đơn khi vắng con,” con bé giải thích. “Còn giờ nói về trường học Chủ nhật. Con đã cư xử tốt, y như bác dặn. Bà Lynde đã đi trước, nhưng con tự đi đến nơi được. Con vào nhà thờ với rất nhiều bạn gái khác và ngồi ở góc ghế dài bên cửa sổ trong thời gian tiến hành nghi thức đầu lễ. Ông Bell đọc một lời nguyện dài khủng khiếp. Nếu không ngồi bên cái cửa sổ đó thì chắc con mệt mỏi đến chết mất trước khi ông ấy kết thúc nghi lễ. Nhưng nó nhìn thẳng ra Hồ Nước Lấp Lánh nên con cứ dõi ra đó và tưởng tượng ra đủ thứ rực rỡ.”

“Con không nên làm thế. Lẽ ra con phải lắng nghe ông Bell”.

“Nhưng ông ấy có nói với con đâu,” Anne phản ứng. “Ông ấy nói với Chúa đấy chứ, mà ông ấy có vẻ cũng chẳng tha thiết gì lắm. Con nghĩ ông ấy cho rằng Chúa ở quá xa nên chẳng bõ công để cầu nguyện. Tuy nhiên, con đã tự cầu nguyện một điều nhỏ. Có một hàng bạch dương trải dài bên bờ hồ và ánh nắng đổ xuống xuyên qua chúng, rơi mãi rơi mãi xuống hồ nước sâu thăm thẳm. Ôi, bác Marilla, nó giống như một giấc mơ thật đẹp! Nó làm con rùng mình và con chỉ biết nói “Tạ ơn Người” hai, ba lần.”

“Không nói lớn, ta hy vọng thế,” bà Marilla nói giọng lo lắng.

“Ồ không, chỉ thì thầm thôi. Vậy là cuối cùng ông Bell cũng làm lễ xong và họ bảo con vào lớp của cô Rogerson. Trong đó có chín bạn gái khác. Các bạn ấy đều mặc váy tay phồng. Con cố tưởng tượng mình cũng có tay áo phồng nhưng không thể. Tại sao chứ? Nếu con đang ở một mình trong chái Đông thì thật dễ để tưởng tượng ra váy của con có tay phồng, nhưng khi ở giữa những người thật sự có tay áo phồng thì quá khó tưởng tượng.”

“Con không nên nghĩ về tay áo khi đang ở trường học Chủ nhật. Con phải lắng nghe bài giảng. Ta hy vọng con biết thế chứ.”

“Ồ, có chứ ạ; và con còn trả lời rất nhiều câu hỏi nữa. Cô Rogerson hỏi nhiều quá. Con nghĩ cô ấy thật không công bằng khi cứ hỏi hết như thế. Có quá nhiều thứ con muốn hỏi cô ấy nhưng lại không thích hỏi vì con không nghĩ cô ấy có tâm hồn đồng điệu. Sau đó, các bạn gái khác đọc thuộc lòng một bài diễn giải. Cô ấy hỏi con có biết bài nào không. Con nói không, nhưng nếu cô ấy thích thì con có thể đọc thuộc lòng bài “Chú chó bên mộ chủ”. Nó nằm trong quyển văn tuyển Hoàng gia tập ba. Nó không phải một bài thơ tôn giáo đích thực nhưng cũng buồn bã u sầu chẳng khác gì thơ loại đó. Cô ấy bảo bài đó không được và nói con phải học bài diễn giải thứ mười chín cho Chủ nhật tới. Sau đó con đã đọc nó trong nhà thờ và nó thật tuyệt. Đặc biệt có hai câu làm con rùng mình.

“Nhanh như khi những kỵ binh bị thương ngã xuống

Trong những ngày đen tối của Midian”

Con không biết “kỵ binh” hay “Midian” nghĩa là gì, nhưng nghe quá bi kịch. Con không thể đợi nổi đến Chủ nhật tuần sau để được ngâm nó. Con sẽ tập cả tuần. Sau lớp học Chủ nhật, con đã nhờ cô Rogerson – vì bà Lynde ở xa quá – chỉ cho con hàng ghế của bác. Con ngồi yên hết mức và đọc bài giảng đạo được trích từ Sách Khải Huyền, chương ba, đoạn hai và ba. Bài giảng đó rất dài. Nếu là linh mục thì con sẽ chọn những bài ngắn và nhanh. Con nghĩ ông ấy không thấy hứng thú chút nào. Có vẻ như vấn đề của ông ấy là ông ấy không có đủ trí tưởng tượng. Con không chú tâm lắng nghe ông ấy. Con chỉ thả cho tâm trí mình bay bổng và nghĩ tới những điều bất ngờ nhất.”

Bà Marilla bất lực cảm thấy lẽ ra phải nghiêm khắc quở trách con bé về toàn bộ chuyện này thì bà lại bị cản trở bởi một sự thật không thể chối cãi rằng một số điều Anne nói, đặc biệt là về bài thuyết giáo của mục sư và buổi cầu nguyện của ông Bell, cũng là những điều mà thật ra suốt bao năm nay chính bà đã ấp ủ trong lòng nhưng chưa bao giờ biểu hiện. Bà cảm thấy dường như những suy nghĩ chỉ trích bí mật và thầm kín đó đã bất thình lình lấy được hình dạng rõ nét và biểu hiện trong con người nhỏ bé ba hoa lôi thôi lếch thếch này.

CHƯƠNG 12

Một lời thề và lời hứa trang trọng

Phải tới thứ sáu tuần sau bà Marilla mới nghe kể về cái mũ vành hoa. Bà từ nhà bà Lynde trở về và gọi Anne ra hỏi.

“Anne, bà Rachel nói chủ nhật vừa rồi con đã tới nhà thờ với cái mũ lố bịch cài hoa hồng và mao lương. Cái quái quỷ gì đã khiến con hành động ký quái vậy hả? Hẳn là con trông phải xinh đẹp lắm!”

“Chao ôi. Con biết màu hồng và vàng không hợp với mình mà,” Anne bắt đầu.

“Vớ vẩn! Nội cái việc cài hoa lên mũ thôi, chẳng cần biết hoa màu gì, cũng đã thật lố bịch rồi. Con đúng là đứa trẻ khó chịu nhất trần đời!”

“Con không hiểu cài hoa lên mũ so với cài hoa lên váy có gì lố bịch hơn,” Anne phản đối. “Ở đó rất nhiều bạn gái cài hoa lên váy. Khác biệt chỗ nào chứ?”

Bà Marilla không để mình bị lôi từ cái bệ an toàn vào con đường trừu tượng mơ hồ.

“Đừng có trả lời ta như vậy, Anne. Con làm vậy là rất ngốc nghếch. Đừng để ta bắt gặp con làm mấy trò đó lần nữa. Bà Rachel nói bà ấy tưởng phải chui xuống đất khi thấy con tới với cái mớ trang trí đó. Bà ấy không thể đến gần đủ để bảo con bỏ chúng xuống cho đến khi quá trễ. Bà ấy bảo mọi người cứ nói về nó như cái gì khủng khiếp lắm. Dĩ nhiên họ sẽ nghĩ là ta cũng chẳng tỉnh táo gì hơn khi để con ra đường trong bộ dạng như thế.”

“Ôi, con rất xin lỗi,” Anne nói, nước mắt ứa ra. “Con chưa bao giờ nghĩ bác sẽ cảm thấy phiền lòng. Hoa hồng và mao lương trông ngọt ngào và dễ thương quá, con nghĩ chúng nằm trên mũ con trông sẽ rất đáng yêu. Nhiều bé gái cũng có hoa giả trên mũ mà. Con e rằng con sẽ thành một gánh nặng khủng khiếp với bác. Có lẽ bác nên gửi trả con quay lại trại mồ côi thì hơn. Chuyện đó thật kinh khủng, con không nghĩ con có thể chịu được; không chừng con sẽ mắc bệnh lao phổi, con gầy thế cơ mà. Nhưng thà thế còn hơn là trở thành gánh nặng của bác.”

“Nhảm nhí,” bà Marilla nói, nổi giận với chính mình vì đã làm đứa trẻ khóc. “Chắc chắn ta không muốn gửi trả con lại trại mồ côi. Ta chỉ muốn con cư xử như những bé gái khác và đừng tự biến mình thành lố bịch nữa. Nín đi nào. Ta có vài tin cho con đây. Chiều nay Diana Barry sẽ về nhà. Ta sẽ đi xem có thể mượn mẫu áo của bà Barry không, nếu thích con có thể đi cùng và làm quen với Diana.”

Anne đứng dậy, tay đan chặt, nước mắt vẫn long lanh trên má, cái khăn lau đĩa con bé đang gấp vô ý rơi xuống sàn.

“Ôi, bác Marilla, con sợ quá – giờ thì con sợ thật sự rồi. Nếu bạn ấy không thích con thì sao! Đó sẽ là nỗi thất vọng bi đát nhất đời con.”

“Này, đừng kích động thế. Mà ta hy vọng con sẽ không dùng mấy từ đao to búa lớn như thế. Từ miệng một bé gái nói ra nghe thật buồn cười. Ta chắc Diana sẽ rất thích con đấy. Mẹ con bé mới là người con phải lo. Nếu bà ấy không thích con thì Diana có thích con bao nhiêu cũng thế thôi. Bà ấy mà nghe được vụ con nổi giận với bà Lynde và đi đến nhà thờ với hoa mao lương quấn quanh mũ thì ta không biết bà ấy sẽ nghĩ gì về con. Con phải lịch sự và ngoan ngoãn, đừng có trình bày bất kỳ bài diễn văn đáng hoảng hốt nào của con. Tạ ơn Chúa, nếu con bé không run quá!”

Anne đang run. Khuôn mặt nó tái nhợt và căng thẳng.

“Ôi, bác Marilla, bác cũng sẽ kích động nếu sắp gặp một cô bé mà bác hy vọng sẽ trở thành bạn tâm giao của mình trong khi mẹ bạn ấy có thể không ưa bác,” con bé nói trong khi chạy vội đi lấy mũ. Họ vừa đến dốc Vườn Quả bằng đường tắt cắt qua suối rồi leo lên khu rừng linh sam nhỏ trên đồi. Bà Barry bước ra cửa bếp khi bà Marilla gõ cửa. Bà có dáng người cao, tóc đen mắt đen, cái miệng cả quyết. Bà nổi tiếng nghiêm khắc với con cái.

“Cô thế nào rồi, Marilla?” bà nói thân tình. “Vào đi. Đây chắc là bé gái mà cô nhận nuôi?”

“Vâng, đây là Anne Shirley,” bà Marilla đáp.

“Đánh vần có e ạ,” Anne hổn hển nói, run run kích động, kiên quyết không để có nhầm lẫn nào ở điểm quan trọng đó.

Bà Barry, hoặc không nghe thấy hoặc không hiểu, chỉ bắt tay bình thường và nói một cách thân mật: “Con sao rồi?”

“Con khỏe mạnh về mặt thể xác mặc dù hơi bối rối về mặt tinh thần, cám ơn bà ạ,” Anne nghiêm trang đáp. Và quay sang thầm thì thành tiếng với bà Marilla. “Câu đó đâu có gì gây sốc phải không bác Marilla?”

Diana đang ngồi trên ghế bành và buông cuốn sách đọc dở xuống khi khách vào. Đó là một cô bé rất xinh, má hồng hây hây, thừa hưởng cả đôi mắt lẫn mái tóc đen của mẹ và nét vui vẻ của cha.

“Đây là con gái bác, Diana,” bà Barry nói, “Diana, con có thể dẫn Anne ra vườn và chỉ cho bạn xem hoa của con. Sẽ tốt hơn nếu con chịu dời mắt ra khỏi sách một chút. Con bé đọc nhiều quá…” Những lời này được nói với bà Marilla khi hai bé đã ra vườn, “Mà tôi thì không ngăn được vì cha nó cứ bênh vực và tiếp tay cho nó. Lúc nào nó cũng chúi mũi vào sách. Tôi mừng vì viễn cảnh nó có một người bạn chơi chung – có lẽ như vậy nó sẽ ra ngoài chơi nhiều hơn.”

Bên ngoài, trong khu vườn ngập tràn những luồng ánh sáng xế chiều êm dịu chảy về phía Tây xuyên qua những cây linh sam già sẫm màu, Anne và Diana đứng nhìn nhau rụt rè qua một cây loa kèn hổ tuyệt đẹp.

Vườn nhà Barry là một vùng đất hoang ngập tràn hoa thắp sáng niềm vui trong trái tim Anne. Khu vườn được bao quanh bởi những cây liễu cổ thụ và linh sam cao vút, dưới gốc cây nở rộ những đóa hoa ưa bóng râm. Những con đường vuông góc viền vỏ sò gọn gàng chạy ngang dọc khắp khu vườn như những sợi ruy băng đỏ ẩm ướt và trong tấm thảm vườn, những bông hoa lạc mốt mọc um tùm. Vườn có hoa trái tim nhỏ máu màu hồng phớt và mẫu đơn đỏ rực; thủy tiên trắng thơm ngát và hoa hồng gai Scotland ngọt ngào; hoa columbines màu hồng, xanh trắng và cỏ kiềm tím hoa cà, những cụm ngải bụi, cỏ dây và bạc hà; lan Adam-và-Eva tím, thủy tiên vàng, và vô số cỏ ba lá thơm với những cánh hoa trắng mảnh mai mượt mà thơm hương; cây nữ lang đỏ chĩa những mũi giáo rực lửa trên những bông hoa khỉ trắng muốt; một khu vườn nơi ánh nắng lưu luyến và ong vo ve, gió chậm bước tha thẩn rì rào, xào xạc.

“Ôi, Diana,” cuối cùng Anne nói, nắm chặt tay và giọng gần như thầm thì, “cậu có nghĩ – ôi, nghĩ cậu có thể thích mình một chút – đủ để làm bạn tâm giao của mình không?”

Diana bật cười. Cô bé luôn mỉm cười trước khi nói.

“Ừ, mình nghĩ vậy,” cô bé nói thẳng thắn. “Mình rất mừng khi cậu đến sống ở Chái Nhà Xanh. Thật vui khi có người chơi chung. Không có bạn gái nào sống gần đây để chơi chung, mà mình lại chẳng có đứa em gái nào đủ lớn cả.”

“Cậu có thề sẽ là bạn mình mãi mãi, mãi mãi không?” Anne hỏi, giọng háo hức.

Diana có vẻ sững sờ.

“Sao, thề thốt thì có vẻ giống với phạm lỗi quá,” cô bé trách móc.

“Ôi không, không phải kiểu thề của mình. Có hai kiểu cơ, cậu biết đó.”

“Hồi đó đến giờ mình chỉ biết một kiểu thôi,” Diana nghi ngờ.

“Có kiểu khác nữa thật mà. Ôi, không giống với phạm lỗi chút xíu nào đâu. Chỉ là thề và hứa trang trọng thôi.”

“Vậy thì được, mình không phiền chuyện đó,” Diana thở phào đồng ý. “Cậu làm chuyện đó thế nào?”

“Chúng ta phải nắm tay lại – thế này,” Anne nói trang nghiêm. “Phải có nước chảy nữa. Được rồi, chúng ta sẽ tưởng tượng con đường này là dòng nước. Mình sẽ đọc lời thề trước. Con trang trọng thề sẽ trung thành với người bạn tâm giao của mình, Diana Barry, chừng nào mặt trời và mặt trăng còn tồn tại. Bây giờ cậu lặp lại và thay bằng tên mình thôi.”

Diana lặp lại “lời thề” với một tràng cười lớn. Sau đó con bé nói: “Cậu thật kỳ lạ Anne ạ. Mình từng nghe nói là cậu khá kỳ lạ. Nhưng mình tin rằng mình sẽ thích cậu lắm.”

Khi bà Marilla và Anne ra về, Diana tiễn tới tận cây cầu gỗ. Hai cô bé khoác tay nhau cùng bước. Chúng chia tay bên bờ suối và những lời hứa hẹn sẽ gặp lại nhau chiều hôm sau.

“Thế nào, con thấy Diana là một tâm hồn đồng điệu không?” bà Marilla hỏi khi hai bác cháu băng qua khu vườn Chái Nhà Xanh.

“Ồ có ạ,” Anne thở dài sung sướng, không nhận ra chút mỉa mai nào trong câu nói của Marilla. “Ôi, bác Marilla, con là cô gái hạnh phúc nhất đảo Hoàng tử Edward lúc này. Con bảo đảm với bác tối nay con sẽ cầu kinh một cách hoàn toàn tự nguyện. Ngày mai, Diana và con sẽ xây một ngôi nhà đồ chơi trong rừng cây bạch dương của ông William Bell. Con có thể lấy mấy mảnh sứ vỡ trong kệ gỗ được không ạ? Sinh nhật của Diana là tháng Hai và của con là tháng Ba. Bác có nghĩ đó là một sự trùng hợp rất kỳ lạ không? Diana sẽ cho con mượn một cuốn sách để đọc. Bạn ấy nói nó hay vô cùng và cực kỳ cuốn hút. Bạn ấy cũng sẽ chỉ cho con một chỗ ở sau rừng có loa kèn gạo mọc. Bác có nghĩ Diana có một đôi mắt hút hồn không? Con ước gì con cũng có đôi mắt hút hồn. Diana sẽ dạy con hát một bài tên là “Nelly ở Thung Lũng Cây Phỉ”. Bạn ấy nói sẽ tặng con một bức tranh để treo trong phòng; bạn ấy nói đó là một bức tranh đẹp không chê vào đâu được – một phụ nữ đáng yêu mặc váy lụa xanh lơ. Một người ở cửa hàng đại lý máy khâu đã cho bạn ấy bức tranh đó. Con ước gì mình có thứ gì đó để tặng Diana. Con cao hơn Diana một phân nhưng bạn ấy mập hơn con nhiều; bạn ấy nói bạn ấy thích dáng người mảnh mai vì như vậy nhìn sẽ duyên dáng hơn nhiều, nhưng con e là bạn ấy nói thế chỉ để an ủi con thôi. Bữa nào đó chúng con sẽ đi biển nhặt vỏ sò. Chúng con đã đồng ý gọi con suối bên dưới cây cầu gỗ là Bong Bóng Của Nữ Thần Rừng. Đó chẳng phải một cái tên thật thanh nhã sao? Con từng đọc một câu chuyện về con suối có cái tên đó. Nữ thần rừng là một kiểu tiên trưởng thành, con nghĩ vậy.”

“Ồ, ta chỉ mong con đừng huyên thuyên quá đáng với Diana, bà Marilla nói. “Nhưng muốn kế hoạch kế hiếc gì thì cũng phải nhớ điều này nhé, Anne. Con không được dành toàn bộ hoặc gần như toàn bộ thời gian để chơi bời đâu. Con sẽ có nhiều việc để làm và phải làm xong rồi mới được chơi đấy.”

Chiếc ly hạnh phúc của Anne đã đầy và ông Matthew lại làm cho nó tràn ra. Ông vừa từ cửa hàng bách hóa ở Carmody về, rụt rè rút một gói nhỏ trong túi ra đưa cho Anne và nhìn bà Marilla với vẻ khẩn khoản.

“Ta nghe nói con thích kẹo sô cô la nên đã mua cho con một ít,” ông nói.

“Hừm,” bà Marilla khịt mũi. “Nó sẽ làm hỏng cả răng và bao tử của con bé thôi. Này này, bé con, đừng có tỏ ra buồn thảm như thế. Con có thể ăn chúng vì bác Matthew đã cất công mua về rồi. Lẽ ra bác ấy phải mua kẹo bạc hà mới đúng. Chúng lành hơn nhiều. Đừng có ăn hết một lúc rồi ốm đấy.”

“Ồ không, thật sự con không định thế đâu,” Anne nói háo hức. “Con sẽ chỉ ăn một cái tối nay thôi, bác Marilla ạ. Con chia cho Diana một nửa được không bác? Con sẽ cảm thấy nửa còn lại ngọt ngào gấp đôi nấu con có thể chia cho bạn ấy một ít. Thật vui khi nghĩ rằng con có gì đó để tặng bạn ấy.”

“Em sẽ nói thế này về đứa nhỏ,” bà Marilla nói khi Anne đã về phòng, “con bé không keo kiệt. Em mừng đấy, vì trong mọi tính xấu của bọn nhóc thì em ghét nhất tính keo kiệt. Thật tình, con bé chỉ mới đến nơi này ba tuần mà cứ như có đã ở đây từ xưa rồi. Em không thể hình dung nổi nơi này mà không có nó thì sẽ ra sao. Nào, đừng có làm cái vẻ mặt anh-đã-bảo-mà thế nữa, Matthew. Thấy vẻ mặt đó ở đàn bà đã khó chịu rồi, đừng nói là đàn ông. Em hoàn toàn sẵn lòng thừa nhận em rất vui vì đã đồng ý giữ con bé lại và càng ngày càng thích nó, nhưng anh đừng có mà nói đi nói lại mãi chuyện đó, Matthew Cuthbert.”


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx