CHƯƠNG 25
Ông Matthew không chịu nhượng bộ về chuyện tay áo phồng
Ông Matthew đã trải qua mười phút tồi tệ. Ông bước vào bếp trong ánh chạng vạng của một tối tháng Mười hai giá rét xám xịt, ngồi xuống góc một chiếc hộp gỗ để tháo đôi ủng nặng nề ra khỏi chân, không hề biết Anne và đám bạn đang tập vở “Nữ hoàng tiên” trong phòng khách. Ngay sau đó chúng băng qua sảnh xuống bếp, cười đùa, tán chuyện vui vẻ. Chúng không nhìn thấy ông Matthew đang rụt rè co mình vào bóng tối phía bên kia cái hộp gỗ với tay này cầm ủng một tay kia cầm cái xỏ ủng, và ông bẽn lẽn quan sát chúng trong mười phút đã nhắc đến ở trên trong khi chúng đội mũ, khoác áo và trò chuyện về tiểu phẩm và buổi hòa nhạc. Anne đứng trong đám đó, đôi mắt cũng sáng và sinh động như những đứa còn lại, nhưng ông Matthew đột nhiên nhận ra có gì đó làm con bé khác hẳn đám bạn. Điều khiến ông lo lắng là khác biệt đó gợi cho ông ấn tượng về một thứ gì đó không nên tồn tại. Anne có gương mặt rạng rỡ hơn, mắt to và long lanh hơn, các đường nét cũng thanh tú hơn mấy đứa khác; ngay đến ông Matthew nhút nhát ít quan sát cũng nhận ra điều này; nhưng điểm khác biệt làm ông băn khoăn không liên quan gì đến mấy đặc điểm đó. Vậy nó thật ra là gì?
Ông Matthew bị câu hỏi này ám ảnh rất lâu sau khi đám con gái đã tay trong tay đi xuống con đường dài đóng băng cứng ngắc còn Anne lại chúi đầu vào mấy cuốn sách. Ông không thể tham khảo ý kiến bà Marilla, người mà ông cảm thấy khá chắc chắn là sẽ khịt mũi vẻ quở trách và bình phẩm rằng khác biệt duy nhất bà thấy giữa Anne và mấy bé gái khác là thỉnh thoảng chúng cho phép lưỡi mình được nghỉ ngơi đôi chút còn Anne thì không bao giờ. Điều này, theo cảm nhận của ông Matthew, không giúp ích được nhiều lắm.
Tối đó, ông phải viện đến tẩu thuốc hòng tìm ra ngọn nguồn vấn đề, mặc dù bà Marilla rất khó chịu. Sau hai tiếng hút thuốc và vắt óc suy nghĩ, ông Matthew đã tìm ra đáp án. Anne ăn mặc không giống những đứa con gái khác!
Càng ngẫm nghĩ ông Matthew càng tin rằng Anne chưa bao giờ ăn mặc như mấy bé gái khác – chưa bao giờ kể từ khi nó đến Chái Nhà Xanh. Bà Marilla luôn cho con bé mặc những bộ váy đơn giản sậm màu may độc theo một kiểu. Nếu Matthew có biết về một thứ giống như thời trang ăn mặc thì kiến thức của ông cũng chỉ đến thế mà thôi, nhưng ông khá chắc chắn tay áo của Anne không hề giống tay áo những bé gái khác. Ông nhớ lại đám con gái ở bên con bé tối hôm đó – tất cả đều rực rỡ trong những chiếc váy có eo màu đỏ, xanh, hồng và trắng – rồi tự hỏi tại sao bà Marilla luôn cho con bé ăn mặc đơn giản và nghiêm trang đến thế kia.
Dĩ nhiên, nó phải ổn rồi. Marilla hiểu biết hơn ai hết và bà là người dạy dỗ con bé. Vì vậy hẳn phải có một động cơ khôn ngoan bí ẩn nào đó đằng sau việc này. Nhưng chắc rằng cũng chẳng hại gì nếu để đứa trẻ đó có một cái váy đẹp – như cái Diana Barry luôn mặc chẳng hạn. Ông Matthew quyết định sẽ tặng cho con bé một cái; chuyện này chắc chắn không thể tính là ông xía mũi vào. Chỉ còn hai tuần nữa là đến Giáng sinh. Một chiếc váy đẹp đẽ sẽ là món quà rất hợp lý. Thở dài hài lòng, ông Matthew cất tẩu thuốc rồi đi ngủ, trong khi bà Marilla mở hết các cửa để nhà được thoáng khí.
Ngay tối hôm sau ông Matthew lên đường đến Carmody mua váy, quyết định giải quyết cho xong khâu gian nan nhất. Việc này, ông tin chắc, không phải thử thách tầm thường. Ông Matthew cũng có khả năng mua bán trong khá nhiều mặt hàng và chứng tỏ không phải tay mặc cả kém cỏi; nhưng ông biết mình sẽ phải trông cậy nhiều vào người bán hàng khi đi mua váy cho một bé gái.
Sau khi suy nghĩ kỹ càng, ông Matthew quyết định đến cửa hàng Samuel Lawson thay vì William Blair. Lẽ dĩ nhiên, nhà Cuthbert luôn mua hàng ở William Blair; đối với họ chuyện đó cũng mang tính bổn phận như chuyện dự lễ ở nhà thờ Giáo hội trưởng lão và bầu cho đảng Bảo thủ vậy. Nhưng hai cô con gái của William Blair thường xuyên đứng tiếp khách và ông Matthew sợ họ chết khiếp. Ông có thể xoay xở thương lượng với họ khi ông biết chính xác mình muốn gì và chỉ ra được; nhưng trong những hoàn cảnh cần được giải thích và tư vấn như thế này, ông cảm thấy mình chắc chắn cần đến một quý ông đứng sau quầy. Vì vậy ông đến cửa hàng Lawson, nơi Samuel hoặc con trai ông ta sẽ tiếp đón ông.
Hỡi ôi! Ông Matthew không biết rằng do gần đây mở rộng việc kinh doanh nên Samuel đã thuê một nhân viên nữ; cô này là cháu của vợ ông và thật tình là một thiếu nữ vô cùng chưng diện, với mái tóc xõa hất ngược ra sau, đôi mắt nâu to tròn và nụ cười rộng mở dễ khiến người khác hoang mang. Cô ta ăn mặc hơi quá kiểu cách, đeo mấy chiếc vòng lấp lánh cứ lanh canh leng keng theo từng cử động của bàn tay. Ông Matthew đờ người vì bối rối khi cuối cùng lại thấy cô ta ở đó; còn những chiếc vòng thì quét sạch sành sanh mọi sự sáng suốt của ông.
“Tối nay cháu giúp gì được cho bác đây, bác Cuthbert?” cô Lucilla Harris nhanh nhảu và duyên dáng cất tiếng hỏi, hai bàn tay gõ nhẹ mặt quầy.
“Cô có… có… có… à ừ, có cái cào nào không?” ông Matthew ấp úng.
Cô Harris, lẽ tự nhiên, có vẻ kinh ngạc khi thấy có người hỏi mua cào giữa tháng Mười hai.
“Cháu chắc là cửa hàng vẫn còn một hay hai cái,” cô nói, “nhưng chúng ở trong kho trên lầu cơ. Cháu sẽ đi xem sao.”
Trong lúc cô ta không có mặt, ông Matthew gom góp những phần minh mẫn rải rác tứ tung của mình để cố thêm một lần nữa.
Khi cô Harris trở lại với cái cào cỏ và vui vẻ hỏi: “Bác cần gì nữa không, bác Cuthbert?” ông Matthew thu hết can đảm trả lời: “À ừ, vì cô đã đề nghị, tôi có lẽ cũng sẽ… lấy… nghĩa là… nhìn qua… mua một ít… một ít hạt cỏ.”
Cô Harris từng nghe nói Matthew Cuthbert là người lập dị. Giờ thì cô kết luận ông hoàn toàn mất trí rồi.
“Chúng cháu chỉ giữ hạt cỏ vào mùa xuân,” cô cao giọng giải thích. “Ngay bây giờ thì chúng cháu không có.”
“Ô, dĩ nhiên… dĩ nhiên… đúng như cô nói,” ông Matthew bất hạnh ấp úng, cầm chiếc cào đi ra cửa. Đến ngưỡng cửa thì ông nhớ ra mình chưa trả tiền bèn khổ sở quay lại. Trong khi cô Harris tính tiền ông cố huy động năng lượng cho một nỗ lực tuyệt vọng cuối cùng.
“À ừ… nếu không phiền lắm… tôi còn muốn… nghĩa là… tôi muốn xem… xem… một ít đường.”
“Trắng hay nâu ạ?” cô Harris kiên nhẫn hỏi.
“Ồ… à ừ… nâu,” ông Matthew đáp yếu ớt.
“Có một thùng ở kia,” cô Harris nói, lắc mấy chiếc vòng về hướng đó. “Cửa hàng cháu chỉ có mỗi loại đó.”
“Tôi… tôi sẽ mua 20 pound,” ông Matthew đáp, mồ hôi tuôn đầm đìa trên trán.
Đi được nửa chặng đường về nhà rồi ông Matthew mới hoàn hồn. Đây là một kinh nghiệm khủng khiếp, nhưng cũng đáng đời cho mình, ông nghĩ, vì dám phạm tội dị giáo, đi sang cửa hàng lạ. Khi về đến nhà ông giấu cái cào vào nhà kho còn đường thì đem cho bà Marilla.
“Đường nâu!” bà Marilla kêu lên. “Anh bị ám quẻ hay sao mà mua nhiều vậy? Anh biết em không bao giờ dùng thứ này trừ khi nấu cháo yến mạch cho người làm hay bánh trái cây đen thôi mà. Jerry đi rồi và lâu nay em có làm bánh đó đâu. Mà nó cũng chẳng phải đường tốt nữa – vừa thô vừa đen – William Blair thường không bán đường loại này.”
“Anh… anh nghĩ biết đâu có lúc sẽ cần đến nó,” ông Matthew nói rồi chuồn êm.
Khi ngẫm lại toàn bộ vấn đề, ông Matthew quyết định vấn đề phải cần đến bàn tay một người phụ nữ. Bà Marilla thì không tính rồi. Ông Matthew cảm thấy chắc chắn bà sẽ dội ngay một gáo nước lạnh vào kế hoạch của ông. Chỉ còn lại bà Lynde; vì không còn người phụ nữ nào khác ở Avonlea mà ông Matthew dám hỏi ý kiến. Vậy là ông đến tìm bà Lynde, và người phụ nữ tốt bụng đó ngay lập tức đón nhận vấn đề từ người đàn ông phiền não này.
“Chọn một cái váy để anh tặng Anne? Dĩ nhiên tôi sẽ làm rồi. Mai tôi sẽ đến Carmody chọn ngay. Anh có ý tưởng cụ thể nào chưa? Chưa à? Thôi được rồi, tôi đành dựa theo đánh giá của mình vậy. Tôi tin một cái váy nâu lộng lẫy sẽ hợp với Anne, mà William Blair có một số lụa mới màu đó rất đẹp. Có lẽ anh sẽ muốn tôi may cho con bé luôn, kẻo nếu Marilla làm gì, Anne có thể sẽ phong thanh biết trước về nó và thế còn gì là bất ngờ nữa? Được rồi, tôi sẽ may cho. Không, chẳng phiền phức gì. Tôi thích may vá mà. Tôi sẽ may theo số đo của cháu gái tôi, Janny Gillis, vì nó và Anne có dáng người giống nhau y hệt.”
“À ừ, tôi rất biết ơn chị,” ông Matthew nói, “và, và, tôi không biết nữa… nhưng tôi muốn… tôi nghĩ ngày nay họ may tay áo hơi khác thời xưa một chút. Nếu không phải đòi hỏi quá đáng thì tôi… tôi muốn chúng được may theo kiểu mới.”
“Phồng?” Dĩ nhiên. Anh chẳng cần mảy may lo lắng chuyện đó, Matthew. Tôi sẽ làm theo mốt mới nhất,” bà Lynde nói. Rồi bà nói thêm với mình sau khi ông Matthew đi khỏi: “Thật hài lòng khi được thấy đứa bé tội nghiệp đó mặc tươm tất một lần. Cách Marilla diện cho nó thật buồn cười, vậy đó, mình ngứa miệng muốn nói thẳng với cô ấy cả tá lần rồi. Nhưng mình phải kìm lại, vì mình có thể thấy Marilla không muốn được khuyên, cô ấy nghĩ rằng bản thân hiểu chuyện dạy dỗ trẻ con nhiều hơn mình, chỉ vì cô ấy là một gái già. Nhưng lúc nào mà chẳng vậy. Những người từng nuôi dạy trẻ sẽ biết trên đời này chẳng có phương pháp nhanh chóng và khắc nghiệt nào lại phù hợp với mọi đứa trẻ. Nhưng họ bao giờ cũng cho rằng mọi chuyện đều dễ dàng và đơn giản như Luật Ba – cứ đặt ba hạng tử xuống và kết quả ra đúng được cả. Nhưng máu thịt thì không thể tính theo kiểu toán học và đó là chỗ sai lầm của Marilla Cuthbert. Mình nghĩ cô ấy cố gắng nuôi dưỡng tinh thần khiêm nhường của Anne bằng cách cho con bé ăn mặc như vậy; nhưng nó lại có chiều hướng dấy lên lòng ghen tỵ và bất mãn ấy chứ. Mình chắc con bé hẳn cảm nhận được khác biệt giữa quần áo của nó và của những đứa trẻ khác. Nhưng thử nghĩ đến chuyện Matthew đã để ý đến điều đó xem! Con người đó đã thức giấc sau hơn sáu mươi năm thiếp ngủ rồi.”
Trong vòng hai tuần sau đó, bà Marilla biết chắc ông Matthew đang âm mưu một chuyện gì nhưng không thể đoán ra được cho đến tận tối Giáng sinh, khi bà Lynde đem cái váy đến. Bà Marilla cư xử nhìn chung rất lịch thiệp, mặc dù rõ ràng bà không mấy tin vào lời giải thích xã giao của bà Lynde rằng bà ấy may cái váy vì ông Matthew sợ nếu bà Marilla may thì Anne sẽ phát hiện ra quá sớm.
“Vậy ra đây là chuyện làm cho Matthew có vẻ bí ẩn và cứ cười một mình suốt hai tuần qua, phải không?” bà nói hơi cứng nhắc nhưng đượm vẻ khoan dung. “Tôi biết anh ấy sẽ làm chuyện gì đó ngốc nghếch mà. Ái chà, phải nói tôi không nghĩ Anne cần thêm váy nữa. Thu này tôi đã may cho con bé ba cái rất tốt, ấm áp và tiện dụng, có thêm nữa thì chỉ thành xa xỉ thôi. Vải may hai tay áo này cũng đủ cho một cái eo rồi, tôi chắc vậy đó. Anh sẽ chỉ nuông chiều tính kiêu ngạo của Anne thôi, Matthew, mà bây giờ con bé đã kiêu căng như một con công rồi. Thôi được, em hy vọng cuối cùng con bé cũng được thỏa mãn, vì em biết nó thèm mấy cái tay áo ngốc nghếch này từ hồi chúng mới xuất hiện cơ, mặc dù sau lần đầu tiên nhắc tới, nó chẳng nói thêm câu nào nữa. Cái độ phồng càng ngày càng lớn và nực cười hơn; giờ đã to như quả bóng rồi. Năm sau ai mà mặc chúng chắc phải đi nghiêng mới qua được cửa.”
Sáng Giáng sinh mở ra một thế giới trắng xóa tươi đẹp. Tháng Mười hai này tiết trời rất ấm áp và mọi người cứ tưởng sẽ có một Giáng sinh xanh lá, nhưng tuyết chỉ vừa rơi nhẹ trong đêm cũng đủ làm Avonlea chuyển mình. Anne hướng ánh mắt vui vẻ ra ngoài khung cửa sổ đầu hồi phủ sương lạnh giá. Vân sam trong Rừng Ma Ám thảy đều mượt mà đẹp đẽ; bạch dương và anh đào dại được viền màu ngọc trai, những cánh đồng đã cày lốm đốm tuyết phủ; và trong không gian huy hoàng ngân vang một hồi chuông. Anne vừa chạy xuống nhà vừa ca hát cho đến khi giọng con bé vang khắp Chái Nhà Xanh.
“Chúc mừng Giáng sinh, bác Marilla! Chúc mừng Giáng sinh, bác Matthew! Đây chẳng phải một Giáng sinh đáng yêu sao? Con rất mừng vì trời trắng xóa. Giáng sinh mà không trắng xóa thì dường như thiếu mất vẻ chân thật, đúng không ạ? Con không thích Giáng sinh xanh. Chúng không xanh – chỉ có màu nâu xám lờ nhờ khó chịu thôi. Sao người ta lại gọi chúng là xanh được chứ? Ôi… ôi… bác Matthew, cái đó cho con à? Ôi, bác Matthew!”
Ông Matthew bẽn lẽn mở lớp giấy bọc rồi vừa lôi cái váy ra vừa gửi một ánh mắt cáo lỗi về phía bà Marilla, người giả vờ mải mê châm nước bình trà không thèm để ý, nhưng thật ra đang lén lút quan sát cảnh tượng đó với vẻ thú vị.
Anne đón cái váy và nhìn nó trong sự im lặng cung kính. Ôi, nó mới đẹp làm sao – lớp lụa nâu mềm mại đáng yêu và bóng đến thế; phần áo được tô điểm bởi những diềm xếp nếp vô cùng xinh xắn; phần eo xếp ly một cách công phu theo kiểu thời thượng nhất, có cả một dải đăng ten mỏng manh quanh cổ. Nhưng tay áo – chúng lộng lẫy biết bao! Tay áo dài đến khuỷu, và phía trên khuỷu, hay ống tay phồng xinh đẹp được chia thành các múi bởi những dải chun và nơ lụa nâu.
“Đó là quà Giáng sinh của con, Anne,” ông Matthew nói thẹn thùng. “Thế nào… thế nào… Anne, con không thích sao? À ừ… à ừ.”
Mắt Anne bỗng nhiên đẫm nước.
“Thích ư! Ôi, bác Matthew!,” Anne đặt váy xuống ghế rồi siết chặt hai tay. “Bác Matthew, thật không thể tuyệt vời hơn. Ôi, con sẽ không bao giờ bày tỏ hết sự cảm kích của mình. Nhìn tay áo này xem! Ôi, đối với con đây cứ như một giấc mơ đẹp vậy.”
“Nào nào, ăn sáng thôi,” bà Marilla cắt ngang. “Phải nói là, Anne, ta không nghĩ con cần bộ váy này; nhưng vì bác Matthew đã tặng nó cho con, con nên giữ gìn cho cẩn thận. Bà Lynde có để lại cho con một dải ruy băng buộc tóc. Màu nâu, cho hợp với váy. Giờ thì tới đây ngồi đi.”
“Con không biết làm sao ăn sáng được nữa,” Anne sung sướng nói. “Ăn sáng có lẽ quá tầm thường với một khoảnh khắc phấn khích thế này. Con muốn được ăn chiếc váy này bằng mắt hơn. Con rất mừng rằng tay áo phồng vẫn đang mốt. Con cảm thấy dường như sẽ không sao chịu đựng nổi nếu mình chưa kịp mặc váy tay bồng thì nó đã lỗi mốt rồi. Con chưa bao giờ cảm thấy thật sự thỏa mãn, bác thấy đó. Bà Lynde thật đáng yêu vì đã tặng con dải ruy băng. Quả thật con cảm thấy mình phải trở nên ngoan ngoãn. Những lúc như thế này, con rất tiếc vì mình không phải một bé gái gương mẫu; và con luôn luôn quyết tâm sau này sẽ phải ngoan. Nhưng có vẻ như khó mà giữ được quyết tâm khi gặp một sự cám dỗ không cưỡng lại được. Dù sao thì sau chuyện này, con thật sự sẽ cố gắng nhiều hơn.”
Khi bữa sáng tầm thường kết thúc thì Diana xuất hiện, băng qua cây cầu gỗ trắng trong thung lũng, nhỏ nhắn và tươi tắn trong chiếc áo choàng khăn đỏ thắm. Anne chạy bay xuống dốc gặp bạn.
“Chúc mừng Giáng sinh, Diana! Ôi, Giáng sinh này tuyệt vời biết bao. Mình có một thứ thật lộng lẫy để cho bạn xem. Bác Matthew tặng mình bộ váy đáng yêu nhất, với tay áo cực kỳ. Mình chẳng thể tưởng tượng ra thứ gì đẹp hơn được.”
“Mình cũng có quà cho bạn đây,” Diana nói không ra hơi. “Đây… cái hộp này này. Bà dì Josephine gửi cho nhà mình một hộp lớn đựng cơ man là thứ - và cái này dành cho bạn. Lẽ ra mình phải đem sang từ tối qua, nhưng khi người ta chuyển quà tới thì trời tối rồi, mà dạo này mình chẳng bao giờ cảm thấy thoải mái khi đi qua Rừng Ma Ám vào buổi tối cả.”
Anne mở hộp rồi nhòm vào bên trong. Đầu tiên là tấm thiệp ghi “Tặng cô bé Anne và Chúc mừng Giáng sinh”; kế đó hiện ra một đôi giày bệt trẻ em cỡ nhỏ dễ thương nhất trần đời, với phần mũi đính cườm, nơ sa tanh và khóa sáng lấp lánh.
“Ôi,” Anne nói, “Diana, thế này thì nhiều quá. Hẳn là mình đang mơ.”
“Mình gọi nó là định mệnh,” Diana nói. “Cậu sẽ không phải mượn giày của Ruby nữa, thật may mắn vì giày của nó rộng hơn tận hai số so với chân của cậu và nghe một cô tiên lê giày loẹt xoẹt thì quả là kinh khủng. Josie Pye hẳn sẽ vui lắm đây. Nói cho cậu biết nhé, Rob Wright đã về cùng Gertie Pye sau buổi tập áp chót. Cậu từng nghe chuyện gì choáng đến thế chưa?”
Ngày hôm đó tất cả học trò Avonlea đều phấn khích đến phát sốt, vì hội trường đã được trang trí và buổi tổng diễn tập cuối cùng cũng đã được tổ chức.
Chương trình hòa nhạc diễn ra vào buổi tối và thành công rực rỡ. Hội trường nhỏ chật kín, tất cả diễn viên đều thể hiện rất tốt, nhưng Anne là ngôi sao chói lòa trong đêm diễn, đến nỗi ngay cả sự đố kỵ, dưới hình dạng Josie Pye, cũng không thể phủ nhận.
“Ôi, đây chẳng phải một buổi tối sáng chói sao?” Anne thở dài phát biểu khi mọi chuyện đã kết thúc và nó cùng Diana đang bước về nhà dưới bầu trời đêm đầy sao.
“Mọi thứ đều suôn sẻ,” Diana nói một cách thực tế. “Mình đoán chúng ta hẳn phải kiếm được khoảng mười đô la. Cậu nhớ nhé, ông Allan sẽ gửi bài tường thuật đến báo Charlottetown đấy.”
“Ôi, Diana, liệu chúng ta có thấy tên mình trong đó không? Chỉ nghĩ đến thôi mình cũng rùng mình rồi. Phần đơn ca của cậu tao nhã không chê vào đâu được, Diana. Mình còn thấy tự hào hơn cả cậu khi nốt đầu tiên cất lên. Mình cứ tự nhủ, ‘Chính người bạn tâm giao yêu dấu của mình đang được vinh danh đấy’.”
“Còn màn đọc thơ của cậu làm cả hội trường vỗ tay nhiệt liệt, Anne. Đoạn thơ buồn đó rất tuyệt.”
“Ôi, mình hồi hộp lắm đó, Diana. Khi ông Allan gọi tên mình, mình thật không biết làm sao để leo lên sân khấu đó nữa. Mình cảm thấy như cả triệu cặp mắt đổ dồn vào nhìn thấu qua mình, trong khoảnh khắc kinh khủng đó mình tưởng như chẳng thể bắt đầu được. Rồi mình nghĩ đến những tay áo phồng đáng yêu của mình và thu được can đảm. Mình biết mình phải làm sao cho xứng với những tay áo đó, Diana. Nên mình bắt đầu, và giọng nói của mình như vọng lại từ một nơi xa xăm nào đó. Mình cảm thấy không khác gì một con vẹt. Thật là định mệnh khi mình thường xuyên tập đọc trong gác xép, bằng không mình sẽ chẳng thể nào vượt qua nổi. Mình rên rỉ đạt chứ?”
“Ừ, thật ra cậu rên rất đáng yêu,” Diana trấn an.
“Lúc ngồi xuống mình thấy bà cụ Sloane đang lau nước mắt. Thật tuyệt vời khi nghĩ rằng mình đã chạm vào trái tim ai đó. Thật lãng mạn khi được tham gia vào một buổi hòa nhạc, đúng không? Ôi, đây quả là một kỷ niệm rất khó quên.”
“Chẳng phải hoạt cảnh của nhóm con trai cũng rất ổn sao?” Diana nói. “Gilbert Blythe thật tuyệt vời. Anne, mình nghĩ cậu đối xử với Gil tàn nhẫn quá đấy. Để mình kể cậu nghe. Khi cậu chạy khỏi sân khấu sau màn nữ hoàng thần tiên, một bông hồng rớt khỏi tóc cậu. Mình thấy Gil nhặt nó lên và để trong túi áo ngực. Vậy đó. Cậu rất lãng mạn nên mình chắc cậu sẽ phải hài lòng vì chuyện đó.”
“Kẻ đó có làm gì cũng chẳng liên quan đến mình,” Anne nói giọng kiêu căng. “Mình tuyệt đối không bao giờ phí một suy nghĩ nào cho hắn, Diana.”
Tối đó bà Marilla và ông Matthew, những người suốt hai mươi năm hôm nay mới lần đầu tiên ra ngoài nghe hòa nhạc, ngồi nán lại bên bếp lửa khi Anne đã đi ngủ.
“À ừ, anh đoán Anne của chúng ta diễn xuất không thua kém bất kỳ đứa trẻ nào trong nhóm,” ông Matthew tự hào nói.
“Phải, đúng vậy,” bà Marilla thừa nhận. “Con bé thật sáng dạ, Matthew. Nó trông cũng rất dễ thương nữa. Em từng có ý chống đối rốt cuộc cũng chẳng hại gì. Dù sao, tối nay em rất tự hào về Anne, mặc dù em sẽ không nói cho con bé biết vậy đâu.”
“À ừ, anh tự hào về nó và anh đã nói với con bé như vậy trước lúc nó lên tầng trên,” ông Matthew nói. “Chúng ta phải xem sau này liệu có thể làm gì cho con bé nữa, Marilla. Anh đoán chẳng mấy chốc nó sẽ cần thứ gì đó còn hơn cả trường Avonlea nữa.”
“Còn dư giả thời gian để nghĩ về chuyện đó mà,” bà Marilla nói. “Đến tháng Ba này nó cũng chỉ mới mười ba thôi. Mặc dù tối nay em sững sờ vì con bé lớn như một thiếu nữ rồi đấy. Bà Lynde may cái váy đó hơi dài, làm Anne trông cao hẳn lên. Con bé học hỏi nhanh và em nghĩ điều tốt nhất chúng ta có thể làm cho nó là sau này gửi nó đến trường Queen. Nhưng chưa cần bàn về chuyện đó trong một hai năm nữa.”
“À ừ, cũng chẳng hại gì khi suy nghĩ thật kỹ về chuyện này,” ông Matthew nói. “Những chuyện như vậy tốt nhất là suy đi tính lại nhiều lần.”
@by txiuqw4