CHƯƠNG 30
Thành lập lớp Queen
Bà Marilla đặt món đồ đang đan lên đùi rồi ngả lưng vào ghế. Bà thấy mỏi mắt và lơ đãng nghĩ chắc phải cân nhắc chuyện đổi kính khi xuống thị trấn lần tới, vì mắt bà dạo gần đây rất hay mỏi.
Trời gần như tối om vì ánh chạng vạng giữa tháng Mười Một đã bao trùm Chái Nhà Xanh và trong bếp chỉ có độc ánh sáng hắt ra từ ngọn lửa đỏ nhảy múa trong lò.
Anne cuộn tròn trên tấm thảm trước lò sưởi, nhìn đăm đăm vào ánh sáng rực rỡ vui vẻ nơi ánh mặt trời của hàng trăm mùa hè đang được lọc qua đống gỗ phong dùng làm củi. Con bé vốn đang đọc, nhưng cuốn sách đã trượt xuống sàn và giờ nó đang mơ mộng với một nụ cười trên đôi môi hé mở. Những tòa lầu đài láp lánh ở Tây Ban Nha đang dần hiện lên qua những lớp sương mù và dải cầu vồng, trong trí tưởng tượng sống động của con bé; những cuộc phiêu lưu diệu kỳ và hấp dẫn đang đến với nó trong cõi mộng - những cuộc phiêu lưu mà lần nào cũng kết thúc trong thắng lợi và không bao giờ kéo nó vào mấy vụ rắc rối giống như trong đời thực.
Bà Marilla nhìn con bé với một vẻ dịu dàng vốn dĩ chưa từng chịu hé lộ trong bất cứ thứ ánh sáng nào soi tỏ hơn thứ ánh sáng lờ mờ pha trộn giữa ánh lửa và bóng tối này. Bài học về một tình yêu nên được thoải mái thể hiện qua lời nói và cái nhìn cởi mở là thứ bà Marilla không bao giờ học được. Nhưng bà đã học được cách yêu thương con bé mắt xám gầy guộc này bằng một tình cảm còn sâu đậm và mạnh mẽ hơn bắt nguồn từ chính sự thầm lặng của nó. Quả thật tình yêu ấy đã khiến bà sợ rằng mình sẽ nuông chiều con bé quá mức. Bà có một cảm giác khó chịu rằng thật tội lỗi khi ai đó trao quá nhiều tình cảm cho người khác giống như cách bà trao tình cảm của mình cho Anne, và có lẽ bà đã vô tình thể hiện sự ăn năn hối lỗi vì điều này bằng cách tỏ ra nghiêm khắc và khắt khe với Anne nhiều hơn mức con bé đáng lẽ phải chịu nếu nó ít thân thiết với bà hơn. Dĩ nhiên bản thân Anne không biết bà Marilla yêu nó đến thế nào. Đôi khi con bé buồn bã nghĩ rằng bà Marilla rất khó chiều và đặc biệt thiếu cảm thông cũng như thấu hiểu. Nhưng nhớ lại những gì mình nợ bà Marilla, con bé lại tự mắng mình vì đã suy nghĩ như thế.
“Anne,” bà Marilla đột nhiên nói, “Chiều nay khi con ra ngoài với Diana cô Stacy đã đến đây.”
Anne giật mình, quay trở về từ thế giới khác của nó kèm theo một tiếng thở dài.
“Vậy ạ? Ôi, tiếc là con lại không có nhà. Sao bác không gọi con, bác Marilla? Diana và con chỉ ở trong rừng Ma Ám thôi. Lúc này trong rừng rất đáng yêu. Tất cả những tạo vật bé nhỏ trong rừng - dương xỉ, vú sữa và phù du lùn – đều phải đi ngủ, cứ như thể ai đó đã giấu chúng dưới tấm chăn bằng lá cây cho đến khi xuân về. Con nghĩ người đó chính là cô tiên xám bé nhỏ choàng chiếc khăn cầu vồng đã nhón chân dạo bước trong đêm trăng sáng hôm qua. Tuy vậy Diana không chuyện trò nhiều về điều đó. Diana không sao quên được mẹ bạn ấy đã mắng thế nào về chuyện tưởng tượng ra lũ ma trong rừng Ma Ám. Trận mắng ấy ảnh hưởng rất xấu đến trí tưởng tượng của Diana. Nó hỏng mất rồi. Bà Lynde nói Myrtle Bell đã hỏng mất rồi. Con hỏi Ruby Gillis sao Myrtle lại hỏng mất rồi và Ruby bảo có lẽ là vì anh chàng của Myrtle đã quay lưng với chị ấy. Ruby Gillis chẳng nghĩ được gì ngoài mấy tên con trai và càng lớn lại càng tệ. Cứ ở đúng chỗ của mình thì anh chàng nào cũng hay ho cả, nhưng chẳng có gì tốt đẹp nếu kéo họ vào tất cả mọi chuyện, phải không ạ? Diana và con đang suy nghĩ nghiêm túc đến chuyện hứa với nhau là chúng con sẽ không bao giờ lấy chồng mà sẽ làm những bà cô già dễ thương sống bên nhau mãi mãi. Tuy nhiên Diana vẫn chưa quyết định vì bạn ấy nghĩ có lẽ sẽ cao quý hơn nếu cưới một chàng trai hư hỏng, sôi nổi, hoang dã rồi cải tạo hắn. Giờ Diana và con nói rất nhiều về những vấn đề nghiêm túc, bác biết đó. Tụi con cảm thấy mình đã lớn lên nhiều rồi nên không thích hợp để nói mấy chuyện trẻ con nữa. Sắp mười bốn tuổi là một vấn đề trọng đại, bác Marilla ạ. Thứ Tư tuần trước cô Stacy đã dẫn toàn bộ đám con gái trong độ tuổi thanh thiếu niên tụi con xuống suối và nói về chuyện đó. Cô nói chúng con có cẩn thận đến đâu chăng nữa cũng vẫn không thừa đối với những thói quen mà chúng con dần hình thành và những lý tưởng chúng con đạt được trong lứa tuổi thiếu niên này, vì đến khi hai mươi tuổi, tính cách của chúng con sẽ phát triển và đặt nền tảng cho toàn bộ cuộc sống tương lai. Và cô ấy nói nếu nền tảng chông chênh thì chúng ta không bao giờ có thể xây dựng bất cứ thứ gì đáng giá trên đó. Diana và con nói về vấn đề đó suốt dọc đường từ trường về nhà. Tụi con cảm thấy cực kỳ trọng đại, bác Marilla. Và tụi con quyết định sẽ thật sự cố gắng hình thành nên những thói quen đúng đắn, học tất cả những gì có thể và khôn ngoan hết mực, để đến khi hai mươi tuổi tính cách của tụi con sẽ phát triển một cách đúng đắn. Thật không có gì kinh khủng hơn khi nghĩ đến chuyện mình hai mươi tuối, bác Marilla. Nghe có vẻ già và trưởng thành đến dễ sợ.Nhưng sao trưa nay cô Stacy lại đến đây ạ?”
“Đó chính là điều ta muốn nói với con, Anne, nếu con cho ta cơ hội chen lời vào. Cô ấy nói chuyện về con.”
“Về con?”Anne có vẻ sợ hãi. Rồi con bé đỏ mặt thốt lên: “Ôi, con biết cô ấy nói gì rồi. Con đã định kể với bác, Marilla, thực tình con định làm thế nhưng lại quên mất. Chiều hôm qua ở trường, cô Stacy bắt gặp con đang đọc Ben Hur trong khi đáng lẽ phải học về lịch sử Canada. Jane Andrews đã cho con mượn. Con đọc nó trong giờ ăn và vừa tới đoạn đua xe ngựa thì phải vào học. Con khao khát muốn biết nó tiếp diễn thế nào - mặc dù con cảm thấy chắc chắn Ben Hur sẽ thắng, vì nếu không thì sẽ chẳng công bằng thơ mộng tí nào - nên con để mở cuốn lịch sử trên mặt bàn rồi nhét quyển Ben Hur xuống giữa bàn và đầu gối. Trông con giống hệt như đang nghiên cứu lịch sử Canada, bác biết đấy, trong khi suốt thời gian đó con miệt mài đọc Ben Hur. Con say sưa đến nỗi không để ý là cô Stacy đã đi xuống giữa lớp cho đến khi đột nhiên con ngước mắt lên và thấy cô đang nhìn con vẻ trách móc. Con không thể diễn tả được con xấu hổ đến chừng nào, bác Marilla, nhất là khi con nghe tiếng Jolie Pye cười khúc khích. Cô Stacy tịch thu cuốn Ben Hur, nhưng cô không nói lời nào. Cô giữ con lại vào giờ ra chơi và nói chuyện với con. Cô nói con đã rất sai trong hai chuyện. Thứ nhất, con đang phí thời gian lẽ ra phải dành cho việc học; thứ hai, con lừa dối cô giáo khi cố làm ra vẻ đang đọc bài lịch sử trong khi thật ra là đọc truyện. Cho đến tận lúc đó, bác Marilla, con mới nhận ra những gì con làm chính là hành vi dối trá. Con bị sốc. Con khóc cay đắng cầu xin cô Stacy tha thứ và hứa sẽ không bao giờ tái phạm; và con xin chịu phạt bằng cách không đọc Ben Hur trong suốt một tuần, thậm chí không xem cuộc đua xe ngựa đó diễn tiến thế nào. Nhưng cô Stacy nói cô không yêu cầu chuyện đó và tha thứ cho con vô điều kiện. Vì vậy con nghĩ cô ấy không tốt lắm khi cuối cùng lại đến đây kể cho bác nghe.”
“Cô Stacy chẳng đả động gì đến chuyện đó, Anne, chỉ là con có tật giật mình thôi. Con không được phép mang truyện đến trường. Dù sao đi nữa con cũng đọc nhiều tiểu thuyết quá rồi đấy. Khi còn nhỏ ta còn không được phép nhìn tới một cuốn tiểu thuyết nữa là.”
“Ôi, sao bác có thể gọi Ben Hur là tiểu thuyết trong khi nó là cuốn sách mộ đạo đến vậy?”Anne phải đối.“Dĩ nhiên nó hơi quá hồi hộp để đọc hẳn vào ngày Chủ nhật, và con chỉ đọc nó những ngày trong tuần thôi. Giờ đây con không đọc bất kỳ cuốn sách nào trừ khi cô Stacy hay cô Allan nghĩ nó là một cuốn đáng cho bé gái mười ba tuổi chín tháng đọc. Cô Stacy đã bắt con hứa như vậy. Có hôm cô ấy phát hiện con đang đọc cuốn ‘Bí ẩn khủng khiếp của hội trường ma ám’. Nó là cuốn Ruby Gillis cho con mượn, và ôi, bác Marilla, nó hấp dẫn đến sởn gai ốc. Nó làm con rợn hết cả tóc gáy. Nhưng cô Stacy nói cuốn sách đó rất ngu ngốc, không lành mạnh, và cô yêu cầu con không đọc nó hay bất cứ cuốn nào như thế nữa. Con không phản đối chuyện hứa không đọc bất cứ cuốn nào như thế nữa, nhưng thật khổ sở khi phải trả cuốn đó lại mà không biết kết thúc thế nào. Nhưng tình yêu dành cho cô Stacy đã vượt qua thử thách và con đã làm được. Thật tuyệt biết bao, bác Marilla, những gì ta có thể làm khi thật sự muốn làm vui lòng người nào đó.”
“Thôi được rồi, chắc ta đi thắp đèn làm việc thôi,” bà Marilla nói. “Ta thấy rõ ràng con không muốn nghe xem cô Stacy nói gì. Con quan tâm đến âm thanh phát ra từ lưỡi mình nhiều hơn bất cứ thứ gì khác.”
“Ôi, quả thật, bác Marilla, con muốn nghe chứ ạ,” Anne kêu lên giọng ăn năn. “Con sẽ không nói thêm lời nào nữa - không một lời. Con biết mình nói quá nhiều, nhưng thật sự con vẫn đang cố khắc phục mà, và dù con nói hơi quá nhiều, nhưng chỉ cần bác biết có bao nhiêu điều con đã không nói cho dù rất muốn, bác sẽ nhận thấy những nỗ lực của con. Xin hãy nói đi, bác Marilla.”
“Thôi được, cô Stacy muốn thành lập một lớp học gồm những học sinh ưu tú dự định thi vào trường Queen.Cô ấy tính dạy thêm cho lớp đó một tiếng sau giờ học. Và cô ấy tới hỏi Matthew và ta xem liệu chúng ta có muốn cho con tham gia không. Con nghĩ sao, Anne? Con có muốn học ở trường Queen và trở thành cô giáo không?”
“Ôi, bác Marilla!,” Anne quỳ thẳng dậy và siết chặt hai tay. “Đó là giấc mơ của đời con... nghĩa là, từ sáu tháng nay, từ khi Ruby và Jane bắt đầu nói về chuyện học cho kỳ thi tuyển. Nhưng con không nói gì về chuyện đó vì con nghĩ nó hoàn toàn vô ích. Con rất muốn trở thành cô giáo. Nhưng chẳng phải nó tốn kém khủng khiếp sao? Ông Andrews nói ông ấy tốn cả một trăm năm mươi đô la để Prissy học xong mà Prissy còn không dốt môn hình học đấy nhé.”
“Ta nghĩ con không cần bận tâm chuyện đó. Khi Matthew và ta nhận con về, chúng ta đã quyết tâm sẽ cố gắng hết sức và sẽ cho con một nền giáo dục tốt. Ta tin rằng một cô gái nên có khả năng tự kiếm sống cho dù hoàn cảnh có bắt buộc hay không. Con sẽ luôn luôn có một mái nhà ở Chái Nhà Xanh chừng nào Matthew và ta còn ở đây, nhưng không ai biết điều gì sẽ xảy ra trong thế giới bất ổn này, vậy nên cũng là chuyện tốt khi chuẩn bị sẵn sàng. Nên con có thể tham dự lớp Queen nếu muốn, Anne.”
“Ôi, Marilla, cám ơn bác,” Anne vòng tay qua eo Marilla và tha thiết nhìn vào mặt bà. “Con cực kỳ biết ơn bác và bác Matthew. Con sẽ học hành chăm chỉ hết mức và sẽ làm hết khả năng để bác có thể tự hào về con. Con xin báo trước là bác đừng quá kỳ vọng vào môn hình học, nhưng con nghĩ nếu chăm chỉ thì con có thể khẳng định được vị trí của mình ở bất kỳ môn nào khác.”
“Ta dám nói con sẽ xoay sở tốt thôi. Cô Stacy nói con thông minh và cần cù.” Không đời nào bà Marilla nói hết với Anne những gì cô Stacy đã nói về con bé, như vậy sẽ chỉ nuông chiều tính kiêu căng tự phụ. “Con không cần vội vã vùi đầu vào sách vở. Không việc gì phải gấp gáp.Tận một năm rưỡi nữa mới đến lúc thi cử. Nhưng cô Stacy nói cũng tốt nếu bắt đầu sớm và tạo dựng được nền tảng vững vàng.”
“Lúc này con hứng thú với chuyện học hành hơn bao giờ hết,” Anne hạnh phúc nói, “vì con đã có mục tiêu của cuộc đời. Ông Allan cho rằng mỗi người đều nên có một mục tiêu cuộc đời và kiên trì theo đuổi. Ông ấy nói đầu tiên chúng ta phải chắc chắn rằng đó là một mục tiêu chính đáng. Con có thể gọi mong muốn trở thành một cô giáo như cô Stacy là mục tiêu chính đáng, phải không, bác Marilla? Con nghĩ đó là một nghề rất cao quý.”
Lớp Queen được thành lập đúng hẹn. Gilbert Blythe, Anne Shirley, Ruby Gillis, Jane Andrews, Josie Pye, Charlie Sloane, và Moody Spurgeon MacPherson tham dự. Diana Barry thì không, vì ba mẹ con bé không định cho nó đến trường Queen. Chuyện này chẳng khác gì thảm họa với Anne. Chưa bao giờ, kể từ cái đêm Minnie May bị viêm tắc thanh quản, con bé và Diana lại bị chia cắt trong bất cứ chuyện gì. Vào buổi tối đầu tiên lớp Queen ở lại trường học thêm và Anne thấy Diana chầm chậm đi ra với những đứa khác để một mình về nhà qua đường Bạch Dương và Thung Lũng Tím, tất cả những gì con bé có thể làm là giữ mình ngồi yên tại chỗ, cố không lao vội theo sau bạn mình. Một cục nghẹn dâng lên trong cổ họng và con bé vội giấu mặt sau những trang sách ngữ pháp Latin dựng đứng để che đi những giọt nước mắt. Không đời nào Anne để Gilbert Blythe hay Josie Pye nhìn thấy những giọt nước mắt đó.
“Nhưng ôi, bác Marilla, con thật sự cảm thấy mình đã nếm mùi cay đắng của cái chết, như ông Allan nói trong bài giảng Chủ nhật tuần trước, khi con thấy Diana đi ra ngoài một mình,” tối đó con bé buồn bã nói. “Con nghĩ sẽ tuyệt biết bao nếu Diana cũng đến ôn thi. Nhưng chúng ta không thể có những thứ hoàn hảo trong cái thế giới không hoàn hảo này, như bà Lynde nói.Có những lúc bà ấy không hẳn là người dễ chịu, nhưng không nghi ngờ gì chuyện bà ấy nói rất nhiều điều chí lý. Và con nghĩ lớp Queen sẽ cực kỳ thú vị. Jane và Ruby sẽ học để thành giáo viên. Đó là đỉnh cao tham vọng của họ. Ruby nói bạn ấy sẽ chỉ dạy hai năm sau khi tốt nghiệp, rồi dự định sẽ lấy chồng. Jane thì nói sẽ cống hiến cả đời mình cho việc giảng dạy và không bao giờ, không bao giờ lấy chồng, vì dạy học thì còn được trả lương chứ chồng thì sẽ chẳng trả gì cho mình hết, thêm vào đó lại cằn nhằn khi mình yêu cầu phải góp tiền trứng tiền bơ. Con nghĩ Jane nói dựa trên những kinh nghiệm đau buồn, vì bà Lynde nói ba bạn ấy là một lão kỳ quặc không để đâu cho hết, hà tiện hơn cả những tay vắt cổ chày ra nước. Josie Pye nói nó chỉ đi học cao đẳng vì lợi ích giáo dục thôi, chứ nó sẽ không phải tự kiếm sống; nó bảo dĩ nhiên nó khác những đứa mồ côi sống nhờ vào lòng từ thiện - chúng phải bon chen. Moody Spurgeon sẽ thành mục sư. Bà Lynde nói cậu ấy sẽ chẳng làm được nghề nào khác nếu cứ đeo theo cái tên đó. Con hy vọng con không hư nếu nói điều này, bác Marilla, nhưng thật sự cứ nghĩ đến chuyện Moody Spurgeon thành mục sư là con không nhịn cười nổi. Cậu ấy trông tức cười biết bao nhiêu với bộ mặt to béo mũm mĩm, đôi mắt xanh nhỏ tí và tai chĩa ra ngoài như đôi cánh đang vẫy. Nhưng có lẽ cậu ấy trông sẽ trí thức hơn khi lớn lên. Charlie Sloane nói cậu ấy sẽ tham gia chính trường và trở thành nghị sĩ, nhưng bà Lynde nói cậu ấy sẽ chẳng bao giờ đạt được điều đó vì nhà Sloane toàn những người thành thật, mà thời buổi này chỉ có những kẻ bất lương mới tham gia chính trường.”
“Vậy Gilbert Blythe muốn làm gì?” bà Marilla hỏi, nhận thấy Anne đang mở cuốn sách giáo khoa tiếng Latin ra.
“Con không biết tham vọng cuộc đời của Gilbert Blythe là gì... đấy là nếu cậu ta có bất kỳ tham vọng nào,” Anne nói giọng cau có.
Giờ đây có một cuộc ganh đua công khai giữa Gilbert và Anne. Trước đây ganh đua có phần chỉ thiên về một phía, nhưng giờ thì không nghi ngờ gì chuyện Gilbert cũng quyết tâm đứng nhất lớp như Anne. Cậu là một đối thủ xứng tầm với con bé. Những thành viên khác trong lớp ngầm hiểu sự vượt trội của hai đứa, nên không bao giờ mơ đến chuyện cố cạnh tranh với chúng.
Kể từ hôm ở bên hồ khi bị con bé từ chối lời khẩn cầu tha thứ, Gilbert, ngoại trừ sự ganh đua đầy quyết tâm như đã nói ở trên, tỏ ra không hề nhận thấy bất cứ dấu hiệu tồn tại nào của Anne Shirley. Cậu chàng nói chuyện, đùa giỡn với mấy đứa con gái khác, trao đối sách và câu đố với chúng, bàn luận về bài vở và các kế hoạch, đôi khi còn đưa đứa này đứa khác về nhà sau lễ cầu nguyện hay cuộc họp của câu lạc bộ hùng biện. Nhưng với Anne Shirley thì thằng bé hoàn toàn làm lơ, và Anne nhận ra bị làm lơ thật không dễ chịu chút nào. Dù con bé có hất đầu tự nhủ mình không thèm để tâm thì cũng chẳng ích gì. Sâu thẳm trong trái tim con gái bé bỏng bướng bỉnh của mình, con bé biết nó có để tâm, và nếu được quay trở lại với cơ hội ở Hồ Nước Lấp Lánh đó, nó sẽ trả lời rất khác. Cùng lúc đó, trong một thoáng hoảng hốt kín đáo, con bé nhận ra nỗi oán ghét cũ mà nó hằng áp ủ đối với thằng bé đã biến mất - biến mất đúng lúc con bé cần đến sự hỗ trợ đó nhất. Con bé nhớ lại từng chi tiết và cảm xúc của cơ hội đáng nhớ đó, cố gắng cảm nhận cơn giận làm thỏa mãn của ngày xưa, nhưng chỉ vô ích. Ngày hôm đó bên bờ hồ đã chứng kiến ánh sáng chập chờn cuối cùng của cơn giận dữ kia. Anne nhận ra, một cách vô thức, nó đã tha thứ và đã quên chuyện đó. Nhưng quá muộn rồi.
Ít nhất thì cả Gilbert lẫn những người khác, ngay cả Diana, đều không ngờ tới chuyện con bé hối hận và ao ước mình đã không kiêu hãnh, không khinh khỉnh như vậy đến thế nào! Con bé kiên quyết “chôn giấu cảm xúc trong lãng quên sâu thẳm” và có thể nói nó đã thành công đến mức Gilbert, có lẽ không đến nỗi dửng dưng như vẻ bề ngoài, không thể tự an ủi bản thân bằng chút xíu tin tưởng nào vào việc Anne cảm nhận được sự coi thường trả đũa của cậu. Sự an ủi tội nghiệp duy nhất mà thằng bé có là con bé liên tục hắt hủi Charlie Sloan một cách bất công và không khoan nhượng.
Về những mặt khác, mùa đông trôi qua trong một vòng tuần hoàn những bài học và nhiệm vụ dễ chịu. Với Anne, mỗi ngày trôi qua như một hạt cườm vàng trên chiếc vòng cổ của năm. Con bé vui vẻ, háo hức và thích thú; có bài để học và niềm vinh dự để chiến thắng; sách hay để đọc; bản nhạc mới để tập cho dàn hợp xướng trường Chủ nhật, những chiều thứ Bảy dễ chịu tại nhà mục sư với cô Allan, để rồi, Anne gần như chưa kịp nhận ra thì mùa xuân đã lại đến với Chái Nhà Xanh và cả thế giới lại đâm chồi nảy lộc.
Khi đó, việc học hành có phần trở nên nhạt nhẽo vô vị; phải ngồi lại trường trong khi bao đứa khác rong ruổi trên những con đường mòn xanh rờn, những đường tắt xuyên qua khu rừng xanh lá và những con đường nhánh cắt ngang đồng cỏ, lớp Queen nhìn ra ngoài cửa sổ với ánh mắt khao khát, nhận ra những động từ Latin cùng bài tập tiếng Pháp không hiểu sao lại mất hết thứ hương vị hấp dẫn vốn có trong những ngày đông giá lạnh. Ngay cả Anne và Gilbert cũng trễ nải và trở nên dửng dưng. Cả cô lẫn trò đều mừng vui khi học kỳ kết thúc và những ngày hè vui vẻ đang hân hoan trải dài phía trước.
“Năm vừa qua các con đã học rất tốt,” cô Stacy nói với chúng vào buổi tối cuối cùng, “và tất cả đều xứng đáng có một mùa hè vui vẻ. Hãy tận hưởng tối đa thế giới bên ngoài và giữ gìn sức khỏe, sức sống và tham vọng để hoàn thành nhiệm vụ của năm sau. Đó sẽ là một cuộc chiến cam go, các con biết đấy - năm cuối cùng trước kỳ thi tuyển.”
“Năm sau cô có trở lại không, cô Stacy?” Josie Pye hỏi. Josie Pye chưa bao giờ lưỡng lự trong việc đặt câu hỏi; riêng trong trường hợp này thì cả lớp đều cảm thấy biết ơn nó; bọn chúng không đứa nào dám hỏi cô Stacy câu đó mặc dù rất muốn, vì từ lâu trong trường đã rộ lên tin đồn năm sau cô Stacy sẽ không trở lại nữa - rằng cô được mời dạy tại trường tiểu học ở quê hương và cô đã đồng ý. Lớp Queen nín thở chờ nghe câu trả lời của cô.
“Có chứ, cô nghĩ là có,” cô Stacy nói “Cô đã nghĩ đến chuyện dạy ở trường khác, nhưng rồi quyết định trở lại Avonlea.Thành thật mà nói, cô càng ngày càng yêu quý các học trò của mình ở đây nên không thể bỏ các con được. Vì vậy cô sẽ ở lại giúp các con tốt nghiệp.”
“Hu ra!”Moody Spurgeon reo lên. Từ trước đến nay Moody Spurgeon chưa bao giờ biểu lộ cảm xúc ra mặt như vậy, và cả tuần sau cứ mỗi lần nhớ về chuyện này thằng bé lại đỏ mặt lúng túng.
“Ôi, con mừng quá,” Anne nói, mắt lấp lánh.“Cô Stacy yêu quý, thật vô cùng khủng khiếp nếu cô không trở lại. Con không tin mình còn lòng dạ nào để học nếu một giáo viên khác tới đây.”
Khi về nhà tối hôm đó Anne xếp tất cả sách giáo khoa vào trong một cái rương cũ trên gác mái, khóa rương lại rồi thảy chìa khóa vào chiếc hộp vải.
“Con sẽ không nhìn tới sách giáo khoa trong kỳ nghỉ,” con bé nói với bà Marilla. “Cả học kỳ con đã học hành chăm chỉ hết mức và miệt mài với môn hình học đó đến nỗi con thuộc lòng mọi định đề trong sách rồi, ngay cả khi các ký hiệu đã bị thay đổi. Giờ thì con cảm thấy phát mệt với tất cả những thứ mang tính lý trí rồi và hè này con sẽ để trí tưởng tượng của mình thả sức bay bổng. Ôi, bác không cần lo lắng, bác Marilla. Con sẽ chỉ để nó bay bổng trong giới hạn hợp lý thôi. Nhưng hè này con muốn có một thời gian thật sự vui vẻ dễ chịu, vì có thể đây là hè cuối cùng con được làm một cô bé. Bà Lynde nói nếu cứ tiếp tục lớn phổng như thế này thì năm sau con sẽ phải mặc váy dài hơn. Bà ấy nói con lớn nhanh như thổi ấy. Và khi mặc váy dài hơn con sẽ cảm thấy mình phải cư xử cho xứng đáng và phải rất đường hoàng. Con e rằng đến lúc đó còn không được tin vào thần tiên nữa; vì vậy hè này con sẽ tin vào chuyện đó bằng cả trái tim. Con nghĩ chúng con sẽ có một kỳ nghỉ rất vui. Sắp tới Ruby Gillis sẽ tổ chức sinh nhật còn tháng sau sẽ có buổi picnic trường học Chủ nhật và buổi hòa nhạc của hội truyền giáo. Ông Barry nói tối nào đó ông ấy sẽ đưa con và Diana đến khách sạn White Sands dùng bữa. Buổi tối người ta tổ chức tiệc ở đó, bác biết đấy. Hè năm ngoái Jane Andrews đến đó một lần và bạn ấy nói thật là một cảnh tượng rực rỡ với đèn điện, hoa và mọi khách nữ đều mặc những bộ váy xinh đẹp. Jane nói đó là cái nhìn đầu tiên của bạn ấy vào cuộc sống thượng lưu và bạn ấy sẽ không bao giờ quên cho đến tận cuối đời.”
Chiều hôm sau bà Lynde tới thăm để xem tại sao bà Marilla không đến dự buổi họp của hội Cứu tế hôm thứ Năm. Khi bà Marilla không tới buổi họp của hội Cứu tế, mọi người đều biết hẳn phải có gì không ổn ở Chái Nhà Xanh.
“Hôm thứ Năm Matthew bị đau tim,” bà Marilla giải thích, “và tôi không muốn rời anh ấy. Ôi, vâng, giờ anh ấy ổn rồi, nhưng dạo này anh ấy bị đau thường xuyên hơn nên tôi lo lắm. Bác sĩ nói không được để anh ấy bị kích động. Chuyện đó cũng dễ thôi, vì Matthew không đi loanh quanh tìm kiếm sự kích động dưới bất kỳ hình thức nào và cũng chẳng bao giờ bị kích động, nhưng anh ấy không được làm bất kỳ việc nặng nhọc nào mà bảo Matthew không làm việc thì cũng ngang bằng bảo anh ấy đừng thở vậy. Tới đây để đồ xuống đi, Rachel. Chị ngồi lại dùng trà nhé?”
“Thôi được, vì cô tha thiết quá nên chắc tôi sẽ ở lại,” bà Rachel nói, vốn chẳng có chút xíu dự định nào khác.
Bà Rachel và bà Marilla ngồi thoải mái ở phòng khách trong lúc Anne pha trà và phục vụ món bánh bích quy nóng hổi vừa mềm vừa trắng đến nỗi đủ sức thách thức ngay cả lời chỉ trích của bà Rachel.
“Phải nói rằng Anne đã thật sự trở nên khéo léo rồi,” bà Rachel thừa nhận khi bà Marilla tiễn bà đến cuối con đường mòn dưới ánh hoàng hôn. “Con bé hẳn đỡ đần cô nhiều lắm.” “Vâng,” bà Marilla nói, “con bé giờ đã thật sự chín chắn và đáng tin cậy. Tôi từng sợ nó sẽ không bao giờ khắc phục được cái kiểu đầu óc trên mây của mình nhưng con bé đã làm được, và giờ thì tôi sẵn lòng tin tưởng nó bất cứ chuyện gì.”
“Ngày đầu tiên tôi đến đây ba năm trước, tôi chưa từng nghĩ nó sẽ trở nên được như vậy,” bà Rachel nói. “Thật lòng, tôi sẽ không bao giờ quên được cơn giận đó của nó! Tối đó khi về nhà tôi đã nói với Thomas, ‘Nhớ lời em nhé, Thomas, Marilla Cuthbert sẽ phải hối hận cả đời vì hành động của mình.’ Nhưng tôi đã nhầm và tôi thật lòng vui vì điều đó. Tôi không phải loại người không bao giờ chịu thừa nhận sai lầm của mình, Marilla. Không, tính tôi không bao giờ như thế, ơn trời. Tôi từng phạm sai lầm khi đánh giá Anne, nhưng chuyện đó không có gì lạ, vì đó là con bé kỳ quặc chưa từng thấy, vậy đó. Không thể giải mã nó bằng những quy tắc vốn hữu dụng với những đứa trẻ khác. Thật kỳ diệu khi con bé tiến bộ biết bao nhiêu trong vòng ba năm qua, đặc biệt là về bề ngoài. Nó đã trở nên thật sự xinh đẹp, mặc dù tôi không thể nói tôi quá thích cái kiểu da trắng mắt to như vậy. Tôi thích vẻ sắc sảo và rực rỡ hơn, như Diana Barry hay Ruby Gillis. Vẻ ngoài của Ruby Gillis thật rực rỡ. Nhưng không hiểu làm sao - tôi chẳng biết tại sao lại thế, nhưng khi Anne và chúng đứng cạnh nhau, dù con bé không xinh đẹp bằng một nửa hai đứa kia nhưng nó lại làm cho chúng trông có vẻ tầm thường và quá lố - tựa như con bé là bông lưu ly tháng Sáu trắng muốt, như cách nó gọi hoa thủy tiên, đặt bên cạnh đóa mẫu đơn lớn đỏ rực, vậy đó.”
@by txiuqw4