sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 3: May (1)

1

“Chào buổi sáng, Rei.”

Quả thật nghe rất dễ thương, nhưng càng nghe tôi lại càng thấy cái tiếng the thé ấy khó chịu lạ thường. Chẳng hiểu nó muốn gì, nhưng nghe một giọng nói khuấy động như vậy ngay từ sáng sớm đúng là oải.

“Rei. Chào buổi sáng, Rei.”

Rei là tên mày cơ mà. Dĩ nhiên câu rủa xả của tôi chẳng có tác dụng gì. Bởi vì đối tượng khiến tôi bực mình không phải người, mà là một con chim.

Rei là con chim nhồng ông bà ngoại tôi nuôi làm cảnh.

Ngoại thường bảo nó quá bé nên có lẽ là chim mái. Và ông bà gọi nó là “Rei”. Nó - lại thêm một từ “có lẽ” - nữa khoảng hai tuổi. Vì nổi hứng nhất thời, ông bà ngoại đã mua con chim ở cửa hàng vật cưng gần thác nước hai năm về trước.

Chiếc lồng vuông dùng để nhốt con chim (có lẽ) mái này đặt ở cuối hành lang hướng ra vườn, hình như là loại lồng tre già chuyên nuôi giống chim nhồng.

“Chào buổi sáng, Rei. Chào buổi sáng.”

Ngày 6 tháng Năm, sáng thứ Tư.

Hôm nay tôi thức dậy từ sớm - chỉ vừa quá 5 giờ.

Trong suốt mười ngày nhập viện, thói quen ngủ sớm dậy sớm điều độ đã ăn sâu vào tôi, nhưng 5 giờ sáng hơi quá sớm thật. Đêm hôm trước tôi lên giường lúc nửa khuya, vậy nên đối với một cậu bé mười lăm tuổi luôn muốn được khỏe mạnh, sự thiếu ngủ là điều khó có thể tha thứ.

Tôi nghĩ, Chi một tiếng nữa thôi, rồi cố nhấm mắt. Nhưng đầu óc thì đã hoàn toàn tỉnh táo để thức dậy. Được năm phút, tôi rốt cuộc phải đầu hàng và chui ra khỏi chăn, lững thững đi vào phòng tắm, người vẫn mặc nguyên bộ áo ngủ.

“A, Koichi! Cháu dậy sớm vậy!”

Khi tôi đang rửa mặt đánh răng, bà ngoại bước ra khỏi phòng riêng, chăm chú nhìn tôi, có phần lo lắng.

“Cháu thấy khó chịu ở đâu à?”

“Cháu ổn ạ. Cháu chỉ không thể ngủ thêm được nữa thôi.”

“Thế thì tốt. Đừng cố sức quá!”

“Cháu đã nói không sao mà.” Tôi cười nhẹ, lấy tay vỗ vỗ ngực. Thế rồi...

Tôi quay lại phòng ngủ kiêm chỗ học bài của mình ở tầng hai, còn đang nghĩ sẽ làm gì đế giết thời gian chờ bữa sáng thì chiếc điện thoại đang cắm sạc trên bàn bất ngờ réo vang.

Ai gọi vào giờ này nhỉ...

Tôi chỉ mất một giây để nhận ra người gọi. Trên đời này còn ai gọi điện vào cái giờ oái ăm như thế nữa.

“A, sáng rồi nhỉ. Dạo này khỏe không?” Giọng nói vui vẻ tôi nghe được ở đầu dây bên kia, như đã dự đoán, chính là của bố. “Bên này đang 2 giờ sáng. Ấn Độ nóng kinh khủng.”

“Có chuyện gì sao?”

“Không có gì. Hôm nay con đi học đúng không? Bố chỉ gọi điện khích lệ thôi. Cảm động không?”

“À, vâng.”

“Sức khỏe con thế nào? Có nghỉ ngơi điều độ không? Dù sao thì...” Giọng bố đột nhiên bị rè và gãy khúc khi đang hỏi đến đấy. Kiểm tra màn hình, tôi thấy cột tín hiệu chỉ dừng ở một vạch. Thậm chí một vạch này cũng đang chớp tắt. “Con có nghe không đó, Koichi?”

“Bố đợi đã. Bên này tín hiệu không tốt lắm.” Tôi vừa trả lời vừa bước ra ngoài, đi loanh quanh tìm chỗ có sóng, và nơi tôi chọn là hiên nhà, lối thông ra vườn ở tầng trệt, chỗ để lồng chim. “Sức khỏe con thì không việc gì. Bố không phải lo đâu.”

Mở cửa kính dẫn ra hành lang, tôi trả lời câu hỏi bị ngừng giữa chừng ban nãy. Hôm được xuất viện tôi đã gọi và kể cho bố nghe những chuyện đã xảy ra.

“Mà sao bố gọi sớm vậy? Bên này chỉ mới 5 giờ rưỡi thôi.”

“Chắc trước khi đến trường con hồi hộp lắm đúng không. Lại vừa ốm dậy nên càng thêm lo, thành ra con mới dậy sớm thế này, nhỉ?”

Ôi trời, bố đã nhìn thấu tôi.

“Tính cách con thế nào bố hiểu rõ. Ngoài mặt ra vẻ chững chạc, nhưng bên trong thì rất nhạy cảm. Cha nào con nấy mà lại.”

“Không phải con giống mẹ hơn sao?”

“À, thì, cũng có thế, nhưng...” Ngữ điệu không hiểu sao khác đi, bố lại nói, “Về căn bệnh phổi tràn khí này thi con chớ có lo. Hồi trẻ bố cũng bị mà.”

“Oa... Bố cũng bị? Sao con chưa bao giờ nghe bố nói.”

“Sáu tháng trước bố đã lỡ dịp để nói với con. Bố không muốn người ta bảo đây là bệnh di truyền.”

“Đây là bệnh di truyền sao...?”

“Một năm sau đó bố tái phát lần đầu, nhưng từ bấy đến nay cũng chưa gặp thêm lần nào nữa. Nếu bệnh này là di truyền thì con cũng sẽ khỏi thôi.”

“Được vậy thì tốt.”

“Đây là bệnh phổi. Thế nên đừng có hút thuốc nữa.”

“Con hút bao giờ!?”

“Dù sao, hãy nghĩ là con sẽ không bị đến lần thứ ba đâu, cố lên. À, nhưng đừng cố sức quá đấy.”

“Được rồi, được rồi. Con sẽ nghỉ ngơi.”

“Thôi. Chào ông bà ngoại giúp bố nhé. Ấn Độ nóng quá đi mất!”

Thế là cuộc gọi kết thúc. Thở phào một hơi dài nhẹ nhõm, tôi ngồi tụt xuống hiên nhà. Tôi vừa yên vị thì con chim nhồng lại cất lên tiếng kêu kỳ dị như thế đã đợi sẵn.

“Chào buổi sáng, Rei. Chào buổi sáng.”

Chẳng thèm đề ý, tôi ngẩn ngơ ngắm cảnh vật bên ngoài.

Sương sớm mỏng mảnh buông xuống hàng giậu đỗ quyên đang nở đở rực trông mới đẹp làm sao. Trong vườn có một cái ao nhỏ. Nghe nói trước đây ông ngoại dùng để thả cá chép nhưng giờ thì chẳng còn con cá nào cả. Chắc bị bỏ bê chăm chút đã lâu nên mặt nước quánh lại cùng màu xanh rêu đục ngầu.

“Rei. Rei. Chào buổi sáng.”

Con chim nhồng vẫn réo vang như thách thức tôi. Đành chào thua, tôi đáp lại lời nó, “Rồi rồi, hiểu rồi. Chào buổi sáng nhé Rei. Mới sáng bảnh mắt mà đã hoạt bát nhỉ.”

“Hoạt bát. Hoạt bát.” Nó cứ tiếp tục nhại lời. “Hoạt bát... Vui lên.”

Dĩ nhiên không thể coi đây là cuộc đối thoại giữa người và chim. Nhưng nó cũng đủ khiến tôi cười.

“Ừ, cảm ơn mày.” Tôi đáp lại.

2

Sau bữa tối hôm trước, tôi có nói chuyện với dì Reiko một lúc.

Dì dùng một căn phòng nhỏ phía sau gian nhà chính làm phòng ngù lẫn thư phòng, và thường tự nhốt mình trong đó mỗi khi đi làm về. Nhưng dĩ nhiên cũng có lúc dì ở nhà ngoài. Vào đêm tôi phát bệnh, dì đang xem ti vi ở phòng khách. Chỉ hiềm chúng tôi hầu như chẳng có lúc nào tề tựu quanh mâm cơm như một gia đình.

“Cháu muốn nghe về ‘Bảy điều kỳ bí ở trường Bắc Yomi, không?” Dì Reiko biết ngày mai tôi sẽ đi học sau thời gian dài nghỉ dưỡng. Có lẽ vì thế nên dì nhớ lại lời hứa hôm đến thăm tôi.

“Dì đã bảo ở Bắc Yomi có chút khác biệt nhỉ?”

“Ừm, dì từng nói thế.”

Dọn dẹp xong chén bát bữa tối, bà ngoại đem cà phê đến cho chúng tôi. Dì Reiko uống một hơi hết cốc cà phê đen không đường rồi hỏi, “Thế nào? Cháu có muốn nghe không?”

Nhìn tôi từ phía bên kia bàn, dì khẽ mỉm cười. Tôi vẫn bối rối như thường lệ, nhưng chấp nhận thử thách của dì, “Vâng... cũng được ạ, nhưng nghe hết một lượt sẽ không hay.”

Dù dì đã bảo ở BắcYomi khác biệt, nhưng tôi nghĩ nó cũng chỉ là di bản của cùng một dạng truyện ma. Như cầu thang đâu đó trong trường có thêm hay bớt đi một bậc, hoặc tượng thạch cao trong phòng Mỹ thuật đột nhiên khóc ra máu.

“Tạm thời, cháu chỉ cần khoảng một hay hai truyện thôi.”

Dù sao, nếu nắm được những nội dung này, tôi sẽ dễ bắt chuyện với các bạn mới hơn.

“Rồi, vậy dì sẽ kể câu chuyện đầu tiên ngày xưa dì nghe được.”

Câu chuyện đầu tiên dì Reiko kể là về những “bí ẩn” xung quanh chuồng nuôi thú từng ở phía sau nhà thể chất.

Một sáng nọ, toàn bộ đàn thỏ và chuột lang đang được nuôi nhốt trong chuồng đều biến mất. Cửa chuồng bị Phá, bên trong còn loang lổ rất nhiều máu. Nhà trường bèn báo với cảnh sát và gây nên một phen xôn xao, nhưng kết cục chẳng thể tìm được dù chỉ một con thỏ hay chuột lang, cũng chẳng biết được ai là thủ phạm. Không lâu sau chuồng nuôi bị tháo dỡ, nhưng người ta vẫn thường thấy những con vật vấy máu (hoặc là hồn ma của chúng?) xuất hiện ở đó.

“Câu chuyện này còn được thêm vào một tình tiết kỳ dị,” dì Reiko nghiêm nghị kể tiếp. “Khi cảnh sát cho xét nghiệm vết máu trong chuồng, họ nhận ra đó không phải máu thỏ hay chuột, mà là máu người. Nhóm AB, Rh âm tính...”

Nghe đến đây, tôi bỗng buột miệng hỏi lại, “Có ai trong vùng bị thương hay mất tích không ạ?”

“Không ai cả.”

“Hừm.”

“Coi nào, không lạ sao?”

“Nhưng phần thêm thắt kia nghe như truyện trinh thám hơn là truyện ma. Hẳn phải có lời giải thích xác đáng chứ ạ.”

“Dì không rõ nữa.”

Sau đó, như đã hứa, dì Reiko tiếp tục kể cho tôi nghe “Những quy tắc cơ bản ở Bắc Yomi”.

Thứ nhất: Nếu bạn ở trên sân thượng và nghe tiếng quạ kêu, khi đi xuống hãy bước chân trái vào trước.

Thứ hai: Khi học đến lớp Chín, không được ngã xuống con dốc chỗ cổng sau.

Hai quy tác đầu tiên có lẽ là những điềm xui đã được truyền miệng lại từ lâu. Nếu làm trái điều thứ nhất, bước vào bằng chân phải, trong vòng một tháng sau đó thế nào bạn cũng bị thương. Nếu làm trái điều thứ hai, ngã xuống dốc, bạn sẽ thi trượt kỳ thi phổ thông. Mọi người thường được cảnh báo như thế.

Tiếp theo, điều thứ ba không giống hai điều trước, và là một quy tắc cơ bản thực tiễn đến lạ.

“Phải tuân theo mọi điều cả lớp quyết định.” Vẫn giữ vẻ nghiêm nghị, dì Reiko nói. “Koichi này, trường K*** cháu học ở Tokyo ấy, dù là trường tư nhưng cũng có không khí rất thoải mái, phải không? Ở những trường như vậy, họ coi trọng mong muốn cá nhân của từng học sinh. Nhưng ở trường công vùng quê như Bắc Yomi thì hãy nghĩ đến điều ngược lại. Ích lợi của tập thể quan trọng hơn cá nhân. Vì vậy...”

Nói tóm lại, vấn đề chỉ đơn giản là nếu gặp điều gì đó không bằng lòng, tôi vẫn phải nhắm mắt làm theo ý mọi người? Nghe chừng cũng không khó lắm. Tôi từng đôi lần phải làm thế ở trường cũ...

Tôi hơi cúi xuống để uống cốc cà phê. Dì Reiko nói tiếp, vẫn giữ gương mặt nghiêm nghị, “Điều cơ bản thứ tư ở Bắc Yomi là...”

“Koichi!” Tiếng gọi đầy sức sống của bà ngoại kéo tôi khỏi dòng hồi tưởng.

Tôi vẫn mặc nguyên bộ quần áo ngủ, ngồi bó gối trên hiên nhà. Khí trời ban sáng trong lành cùng những tia nắng ấm áp đúng là dễ chịu, làm tôi ngồi ngẩn ra từ lúc nào không hay.

“Bữa sáng xong rồi đấy, Koichi!” Hình như bà ngoại đang ở chân thang, gọi với lên tầng hai.

Đến giờ ăn sáng rồi sao? Tôi giật mình nhìn lên đồng hồ treo tường. Vừa đúng 7 giờ... Đợi, đợi đã? Nghĩa là tôi đã ngồi đây thơ thẩn cả tiếng đồng hồ? Mình bị con gì nhập thế này?

“Ăn sáng đi cháu.” Lần này không phải tiếng của bà, mà là giọng nói khàn khàn của ông ở đâu đó gần đây.

Giật mình, tôi quay người lại.

Giọng nói cất lên từ căn phòng rộng 8 chiếu(1) ở bên kia tấm rèm ngăn cách với hành lang. Ông ngoại đã đi vào từ lúc nào không hay. Tôi khẽ nâng rèm, và thấy ông đang ngồi trước bàn thờ Phật bên trong, vận một chiếc áo len mỏng màu nâu bên ngoài đồ ngủ.

(1) Mỗi chiếu có diện tích 182x91cm. Căn phòng rộng 8 tấm chiếu là rộng khoảng 13m2.

“Ồ, cháu chào ông.”

“Ừ, ừ, chào cháu,” ông đáp lại chậm rãi. “Hôm nay đến bệnh viện nữa hả, Koichi?”

“Đâu nào, cháu xuất viện rồi ông ạ. Hôm nay cháu đến trường. Trường học.”

“Ô hô, đi học! À, phải rồi.”

Ông ngoại có dáng người thấp bé, ngồi trên chiếu trông còng còng, như đồ bày hình con khi già nhăn nhúm. Ông đã ngoài bảy mươi tuổi. Khoảng hai năm trở lại đây, ông ngoại già hẳn đi và bắt đầu có triệu chứng lẩn thẩn.

“Cháu học trung học rồi à, Koichi?”

“Dạ, lớp Chín ạ. Năm sau cháu lên phổ thông.”

“Chà chà. Không biết Yosuke có khỏe không.”

“Bố cháu đang ở Ấn Độ. Bố vừa gọi ban nãy, có vẻ vẫn khỏe lắm.”

“Sức khỏe là thứ quý giá hơn hết. Giá mà Ritsuko tội nghiệp không phải...”

Đột nhiên ông nhắc tên mẹ tôi, rồi đưa ngón tay lên dụi những giọt nước mắt chực trào ra. Phải chăng ký ức về cái chết của cô con gái mười lăm năm trước lại hiện về? Việc này rất thường xảy ra ở những người già cả, chỉ là tôi bối rối chẳng biết xử trí thế nào, vì trừ trong ảnh ra tôi chưa một lần nhìn thấy mẹ.

“A, cháu đây rồi.” Rốt cuộc bà ngoại cũng tìm đến và cứu tôi khỏi thế khó xử. “Ăn sáng thôi, Koichi. Đi thay đồ và chuẩn bị trước đi cháu.”

“Dạ. Dì Reiko đâu ạ?”

“Dì đi rồi.”

“Ồ. Dì đi làm sớm vậy ạ?”

“Con bé đó vốn tính chỉn chu mà.”

Tôi ngồi dậy và đóng cửa kính ở hành lang.

“Hôm nay để bà chờ cháu đi,” bà ngoại bảo.

“Ơ? Bà không cần chờ cháu đâu...” Tôi đã tra thử đường đến trường. Đi bộ sẽ mất độ một tiếng, nhưng nếu tôi đón xe buýt thì chỉ mất khoảng hai mươi đến ba mươi phút.

“Bữa nay là ngày đầu tiên đi học, hơn nữa cháu còn đang dưỡng bệnh. Ông nó thấy có nên không?”

“Hể? À, ờ, đúng đấy.”

“Nhưng...”

“Cháu không phải khách sáo. Thôi mau chuẩn bị đi. Còn phải ăn sáng nữa mà.”

“Dạ.”

Tôi rời khỏi hành lang, không quên cầm theo chiếc điện thoại để lăn lóc một bên. Con chim nhồng im ắng nãy giờ bỗng dưng hét lên the thé, “Tại sao, Rei? Tại sao?”

3

Giáo viên chủ nhiệm lớp 9-3 là thầy Kubodera. Một ông giáo tuổi trung niên dạy Ngữ văn. Có thể nói là thầy tốt bụng - vì trông giống thế - và cũng có thể nói là thầy không đáng tin, vì rõ là trông thầy giống thế.

Tôi lên phòng giáo vụ, sau khi chào hỏi xong xuôi, thầy Kubodera nhìn vào tập tài liệu trên tay, vừa xem vừa nói, “Phải thừa nhận trò Sakakibara học rất tốt ở trường cũ. Đạt điểm số thế này ở trung học K*** hẳn là không dễ.”

Tôi không hiểu sao thầy phải dùng từ ngữ khách sáo như vậy với học sinh của mình, thậm chí có là lần đầu tiên gặp mặt đi nữa. Thêm nữa thầy còn chẳng thèm nhìn tôi đến một lần. Dù thấy không thoải mái, nhưng tôi cũng không thể dùng lời lẽ kém trịnh trọng hơn.

“Thầy quá khen ạ.” Tôi đáp.

“Sức khỏe em ổn định chưa?”

“Dạ, cảm ơn thầy đã hỏi.”

“Chắc là nhiều thứ ở trường em khác xa ở đây nhưng thầy mong em hòa nhập tốt. Dù là trường công, chúng ta không hề có những vấn đề như bạo lực học đường và lớp học mất trật tự như mọi người vẫn nghĩ. Thế nên em không phải lo đâu. Đừng ngại, bất cứ lúc nào có băn khoăn gì em cũng có thể trao đổi cùng thầy và cô phó chủ nhiệm...”

Thầy Kubodera đưa mắt sang người phụ nữ trẻ ngồi bên cạnh vẫn dõi theo cuộc trò chuyện của chúng tôi từ nãy.

“... Là cô Mikami đây.”

“Vâng,” tôi gật đầu đáp, cảm thấy vô cùng hồi hộp. Để mừng tôi chuyển trường, bố đã mua cho tôi một bộ đồng phục dùng tạm trong năm, nó mới cứng, nhưng vì chưa quen với nó nên tôi không thể cử động tự nhiên được.

“Mong cô giúp đỡ em ạ.”

Cẩn trọng mở lời, tôi cúi chào cô Mikami - cô phó chủ nhiệm và cũng là giáo viên môn Mỹ thuật. Cô Mikami mỉm cười đáp lại. “Cũng mong em giúp đỡ.”

“A, vâng ạ.”

Cuộc nói chuyện chấm dứt, không ai nói thêm một lời bầu không khí lại trở nên khó xử.

Hai giáo viên lặng lẽ trao đổi ánh mắt tìm sự đồng thuận, rồi cùng mấp máy môi như muốn nói điều gì. Nhưng đúng lúc ấy chuông reo báo hiệu vào lớp, tôi trông thấy cả hai người ngậm chặt môi lại như vừa mới bỏ lỡ thời cơ mở lời.

“Chúng ta đi thôi.” Thầy Kubodera đứng dậy, cầm theo bảng điểm danh. “Tiết chủ nhiệm buổi sáng bắt đầu lúc 8 giờ 30 phút. Thầy sẽ giới thiệu em với các bạn.”

4

Khi chúng tôi đến cửa phòng học lớp 9-3, hai người họ lại đưa mắt nhìn nhau tựa như muốn nói gì đó, nhưng chuông báo vào tiết không hẹn lại reo đúng thời điểm. Khẽ ho một tiếng, thầy Kubodera mở cửa bước vào.

Tiếng học sinh râm ran nghe như tạp âm từ radio. Nào là tiếng bước chân, tiếng kéo ghế ngồi xuống, rồi tiếng mở và đóng cặp...

Thầy Kubodera tiến vào trước rồi ra hiệu bằng ánh mắt, và tôi bước vào phòng học. Cô Mikami đi sau, dừng lại cạnh tôi.

“Chào các em.” Đặt bảng điểm danh lên bục giảng, thầy Kubodera cẩn thận nhìn quanh lớp dò sĩ số. “Hôm nay Akazawa và Takabayashi vắng mặt thì phải.”

Dường như ở đây mọi người không theo quy trình “đứng dậy, cúi chào, ngồi xuống”. Là sự khác biệt giữa trường công và tư sao? Hay là do tập quán địa phương?

“Mọi người nghỉ Tuần lễ vàng vui chứ? Vậy trước tiên, để thầy giới thiệu học sinh mới chuyển vào lớp ta.”

Tiếng huyên náo dần lắng xuống, lớp học đổi sang trạng thái im phăng phắc. Thầy Kubodera ra dấu cho tôi từ bục giảng.

“Lên đi em,” cô Mikami nói thầm.

Tôi cảm thấy ánh mắt của cả lớp như lưỡi dao nhọn chĩa vào mình đau nhói. Chỉ kịp nhìn quanh để nhận ra lớp học có khoảng ba mươi người, tôi tiến về phía bục giảng. Ôi chao, sự căng thẳng khiến ngực tôi thắt lại. Và khó thở nữa. Dù đã chuẩn bị tâm lý từ trước, nhưng tình huống này gây quá nhiều áp lực với một cậu nhóc nhạy cảm mới trải qua cơn đau bệnh tuần trước.

“Ừm, chào các bạn.”

Quay xuống những bạn học mới mặc đồng phục màu xanh thẫm đang chăm chú nhìn mình, tôi thận trọng giới thiệu tên. Trong lúc đó, thầy Kubodera cũng viết tên tôi lên bảng.

Sakakibara Koichi.

Tôi cố giữ thẳng người, tự thấy xấu hổ khi thân thể mình vẫn không ngừng run lên, tôi dò xét không khí lớp học. Nhưng chẳng tìm ra phản ứng nào đáng ngại. “Tớ chuyển từ Tokyo đến Yomiyama tháng trước. Vì bố tớ bận công tác, tớ sẽ ở đây cùng ông bà ngoại một thời gian...” Thầm tự cổ vũ mình chốc lát, tôi tiếp tục bài giới thiệu. “Lẽ ra tớ đã đi học ngày 20 tháng vừa rồi, nhưng bị bệnh và phải nhập viện. Hôm nay mới đến lớp được. Rất vui được làm quen cùng mọi người.”

Có lẽ tôi nên nói về sở thích hay sở trường của mình, hoặc về diễn viên mà mình ưa chuộng. Không, giờ là lúc phù hợp để cảm ơn vì bó hoa họ gửi khi tôi nằm viện. Tôi còn đang do dự chưa biết nên nói gì trước thì thầy Kubodera tiếp lời, “Được rồi, cả lớp. Từ hôm nay, thầy muốn các em đối xử tốt với Sakakibara và xem bạn ấy là một thành viên lớp mình. Do bạn ấy còn bỡ ngỡ với nhiều thứ, thầy mong các em hướng dẫn thêm cho Sakakibara. Chỉ còn năm cuối này, hy vọng cả lớp sẽ giúp đỡ nhau, cùng nhau cố gắng hết sức. Để đến tháng Ba năm tới, mọi người trong lớp đều khỏe mạnh mà tốt nghiệp...”

Thầy Kubodera nói với giọng điệu nguyện cầu, như thể chúng tôi phải đáp lại bằng câu “Amen” mới đúng. Tôi nghe mà thấy ngứa ngáy sống lưng, nhưng mọi người trong lớp lại chăm chú nuốt từng lời của thầy.

Tôi bắt gặp một gương mặt quen thuộc ngồi ở dãy trên cùng. Là Kazami Tomohiko, một trong hai cán sự lớp đã đến bệnh viện thăm tôi.

Khi mắt chúng tôi giao nhau, có gì đó gượng gạo trong nụ cười của cậu ta. Ký ức về cái bắt tay ướt đẫm mồ hôi lạnh nơi phòng bệnh chợt hiện lên khiến tôi vô thức dúi tay phải vào túi quần.

Còn một người nữa, cô bạn Sakuragi Yukari ở đâu nhỉ? Khi câu hỏi ấy hiện lên trong đầu tôi, thầy Kubodera chỉ vào một chỗ trống và nói, “Sakakibara, em sẽ ngồi ở đằng kia”.

Chiếc bàn nằm ở phía tay trái bục giảng, bàn số ba từ dưới lên, dãy giáp hành lang.

“Vâng ạ,” tôi cúi đầu trả lời rồi tới chỗ ngồi của mình. Đặt cặp xách cạnh bàn, tôi ngồi xuống và nhìn quanh căn phòng lần nữa.

Đó cũng là lúc tôi nhận ra bóng dáng một người ngồi cuối dãy bên phải bục giảng, cạnh cửa sổ hướng ra sân trường.

Từ phía bục giảng nhìn xuống, chỗ ngồi gần cửa sổ ở cuối lớp bị ngược sáng. Vậy ra đó chính là lý do khiến tôi không nhận ra từ đầu. Tuy đã dịch chuyển vị trí, nhưng tình trạng ngược sáng cũng không cải thiện là mấy. Dù vậy tôi cũng đã thấy được chiếc bàn học với người đang ngồi ở đó.

Trái với hình ảnh rạng rỡ mà cụm từ “vầng sáng chói chang” thường mang lại, ánh sáng lúc này không hiểu sao lại chứa đựng một điều gì hắc ám. Học sinh đang ngồi kia ngập đến nửa người trong luồng sáng, nhìn thế nào cũng chỉ thấy lờ mờ không rõ đường nét. Khiến tôi không khỏi liên tưởng tới hình ảnh bóng tối ẩn náu giữa lòng ánh sáng.

Đờ đẫn vì linh tính và mong chờ, lại thêm cảm giác nhức nhối do chói lóa, tôi phải chớp chớp mắt vài lần. Sau mỗi cái chớp mắt, bóng người càng lớn dần và rõ nét hơn. Ánh sáng rốt cuộc cũng dịu đi, giúp tôi thấy được dung mạo của người đó.

Là cô ấy.

Cô gái đeo băng mắt tôi gặp ở thang máy của bệnh viện. Cô gái đã lặng lẽ bước đi trên hành lang u ám dưới tầng hầm thứ hai...

“... Mei.”

Tôi nhỏ giọng để không ai nghe được.

“Misaki Mei.”

5

Tiết chủ nhiệm kéo dài khoảng mười phút rồi kết thúc cô Mikami rời đi nhưng thầy Kubodera vẫn ngồi lại bục giảng. Tiết học đầu của chúng tôi là môn của thầy.

Môn Ngữ văn của thầy Kubodera đúng là rất đơn điệu, giống như tôi từng hình dung. Vẫn với kiểu nói lễ giáo, thầy truyền đạt kiến thức một cách dễ hiểu, nhưng đó đã là toàn bộ điểm mạnh rồi, vì giọng thầy cứ một mực đều đều thiếu sinh động. Biện minh thế nào, cũng phải thừa nhận là rất chán.

Tất nhiên tôi chẳng đời nào thể hiện sự ngán ngẩm ra ngoài. Bởi làm thế sẽ tạo ấn tượng vô cùng xấu, với thầy và cả các bạn học nữa.

Cố vật lộn với cơn buồn ngủ đang chực vồ lấy mình, tôi dán mắt vào quyền sách giáo khoa mới cứng.

Bài giảng là trích dẫn truyện ngắn của một văn hào thế kỷ XIX. Mắt đảo quanh những dòng chữ, phân nửa tâm trí tôi đang nghĩ sang quyển tiểu thuyết của Stephen King mình vừa đọc, lan man về kết cục khó lường của nó. Chà, chuyện gì sẽ xảy ra với Paul Sheldon, tác giả nổi danh bị chính fan cuồng số một của ông giam cầm?

Tiết của thầy Kubodera dù không hấp dẫn, nhưng cả lớp im lặng đến lạ kỳ, khác hẳn hình ảnh tôi hằng tưởng tượng về một “lớp học trường công”. Có thể đó chỉ là ấn tượng vô căn cứ nhưng... nói sao nhỉ? Tôi đã ngỡ nó phải nhộn nhạo hơn.

Tuy nhiên, không hẳn là mọi người chú tâm nghe giảng. Không ai nói chuyện riêng trong lớp, nhưng nhìn qua có thể thấy đầy người ngồi thừ ra hoặc gà gật cái đầu, có người lén đọc tạp chí hay vẽ bậy lên sách. Tôi nghĩ thầy Kubodera cũng chẳng nghiêm khắc đến độ quở trách vấn đề trật tự đâu, thế nhưng...

Không hiểu tại sao.

Bầu không khí trong lớp im lặng hơn mức thông thường. Không, đây không hẳn là im lặng. Có thể là sự tĩnh mịch? Tĩnh mịch kèm theo cảm giác căng thẳng lạ thường. Ừ, chính là thế.

Rốt cuộc tại sao?

Có lẽ nào? Tôi ngẫm nghĩ.

Có lẽ nào là do sự hiện diện của phần tử ngoại lai, hay nói khác đi, của một học sinh vừa từ Tokyo chuyển đến? Đó là nguyên nhân gây ra bầu không khí căng thẳng bao trùm lớp học này ư? Mà không được, nghĩ thế lại thành đề cao bản thân quá.

Còn cô gái kia thì sao?

Misaki Mei.

Bị thắc mắc này hối thúc, tôi ngó sang bàn cô.

Tôi thấy dáng người chống cằm đang lơ đễnh nhìn ra ngoài cửa sổ. Chỉ dám liếc qua nên tôi không xác định được gì hơn. Dưới ánh náng phản chiếu, hình dáng của cô, rốt cuộc, vẫn chỉ là một bóng đen hư ảo.

6

Ấn tượng về các tiết học buổi chiều đại khái cũng giống tiết học đầu tiên. Dù tùy vào môn học và giáo viên phụ trách mà có một vài điểm khác, nhưng chẳng biết phải diễn tả ra sao, cảm giác chung vẫn thế.

Sự im lặng lạ thường, trạng thái cứng nhắc và căng thẳng bao trùm khắp lớp... Chính là cảm giác như vậy đấy.

Tôi không chỉ ra được điều gì rõ ràng, cũng không thể nêu ra ai đó với hành vi cụ thể. Nhưng nhất định cảm giác ấy có tồn tại.

Như thể ai đó (hoặc là tất cả mọi người?) đang chú ý vào một chuyện gì. Có thể họ cũng không nhận ra? Tỉ như có người (hoặc mọi người) cùng nghĩ về một chuyện mà không hay biết... Mà không, chưa chừng đều do tôi tự tưởng tượng ra. Thôi quên đi, rồi thì tôi cũng mau quen với chúng thôi.

Giờ nghỉ trưa có vài học sinh đến bắt chuyện. Mỗi lần họ gọi tên “Sakakibara!” là tôi bất giác đề phòng, nhưng ngoài mặt vẫn tỏ ra bình tĩnh.

“Cậu khỏi hẳn bệnh chưa?”

Ừ. Khỏi hẳn rồi.

“Ở đâu tốt hơn, Tokyo hay nơi này?”

Tớ không biết nữa. Thật ra cả hai cũng không khác nhau mấy.

“Tokyo dù sao vẫn hơn. Thị trấn miền núi như Yomiyama dạo gần đây lại ngày càng vắng vẻ.”

Ở đó cũng có nhiều thứ chẳng dễ chịu gì. Đi đến đâu cũng đông nghịt người, và phố xá thì chật cứng. Chẳng lúc nào cậu thấy thảnh thơi cả...

“Do cậu sống ở đó nên mới nghĩ thế.”

Thật ra tớ nghĩ sống ở đây tốt hơn vì rất tĩnh lặng. Hơn nữa xung quanh lại có thiên nhiên.

Khi tôi bảo Yomiyama tốt hơn Tokyo, một nửa con người tôi thực sự nghĩ thế, nửa còn lại thì đang cố tự thuyết phục mình.

“Nghe nói bố cậu là giáo sư đại học, lại đang đi nước ngoài nghiên cứu đúng không?”

Sao cậu biết?

“Thầy Kubodera nói. Nên mọi người đều biết.”

Ồ, thế thầy ấy có nói về trường cũ của tớ không?

“Bọn tớ biết chứ. Cô Mikami còn gợi ý gửi hoa thăm cậu cơ.”

Thật sao?

“Giá mà cô Mikami phụ trách lớp mình năm nay. Cô ấy vừa xinh xắn lại biết ăn diện, hơn nữa, coi nào, cậu không nghĩ thế à?”

À ừm, tớ không biết nữa.

“Thôi nào, chẳng phải...”

Các cậu biết không, bố tớ sẽ ở Ấn Độ trong một năm. Bắt đầu từ mùa xuân năm nay.

“Ấn Độ á? Sao lại tới chỗ nóng như thế?”

Ừ, nóng lắm, bố có kể lại.

Giữa những cuộc trò chuyện, có gì đó thôi thúc tôi đưa mắt tìm Misaki Mei. Có vẻ như cô đã rời ghế từ lúc hết tiết. Nhưng tôi cũng không thấy Mei trong lớp. Cô ra ngoài vào cả giờ nghỉ giữa giờ à?

“Cậu lo lắng chuyện gì sao? Thấy cậu cứ đảo mắt nhìn quanh mãi.”

À. không có gì.

“Mấy ghi chú tớ gửi lúc ở bệnh viện có tác dụng chứ?”

Ừ, phải rồi. Cảm ơn cậu nhiều lắm.

“Có muốn dạo một vòng quanh trường trong giờ ăn trưa không? Không biết đâu là đâu cũng phiền đấy.”

Cậu học sinh đưa ra đề nghị này tên là Teshigawara. Nội quy trường bắt học sinh phải đeo bảng tên, nên chẳng cần tự giới thiệu người khác vẫn biết tên của bạn là gì. Xem ra Teshigawara là bạn thân của Kazami Tomohiko, vì cậu đi cùng Kazami đến bắt chuyện với tôi.

“Vậy thì tốt quá. Cảm ơn cậu,” tôi trả lời, không quên liếc sang bàn Mei. Tiết học kế sắp đến, vậy mà cô vẫn chưa quay lại. Mặc dù...

Tới lúc này tôi mới nhận ra một điều khác thường.

Bàn học của Mei, nơi xa nhất ở cuối dãy bên cạnh cửa sổ hướng ra sân, hoàn toàn lạc loài so với những chiếc bàn khác trong lớp.

Nó cực kỳ cũ kỹ.

7

Giờ nghỉ, tôi tiêu diệt nhanh gọn bữa trưa.

Từng nhóm nam sinh nữ sinh ghép bàn vào ngồi ăn chung với nhau, còn tôi cố mãi cũng chẳng khiến mình hòa nhập được không khí đó nên đã chén sạch hộp cơm bà ngoại chuẩn bị với tốc độ ngang ngửa thí sinh cuộc thi ăn nhanh.

Nghĩ lại thì, đây là lần đầu tiên tôi ăn cơm do nhà chuẩn bị cho. Ở trường cũ, tôi luôn phải ăn cơm phần ở căng tin, và ngay cả khi tham gia những dịp dã ngoại hay hội thao, bữa trưa thường lệ của tôi cũng là cơm hộp mua từ cửa hàng tiện lợi. Hồi học tiểu học cũng vậy, bố tôi chưa từng nghĩ đến việc dành thời gian nấu ăn cho cậu con trai thiếu vắng sự chăm sóc của mẹ.

Chính vì vậy, bữa trưa của bà ngoại thực sự khiến tôi xúc động. Cảm ơn bà, cơm ngon lắm. Như mọi khi, tôi thầm cúi đầu cảm ơn bà trong tâm tưởng.

Đợi đã. Tôi nhìn quanh lớp học.

Misaki Mei đâu rồi? Cô ấy ăn trưa thế nào nhỉ?

“Sakakibara!” Một giọng nói đột ngột vang lên sau lưng.

Cùng lúc, một bàn tay đặt nhẹ lên vai khiến tôi giật mình đề phòng. Dù không có dấu hiệu gì xác đáng, nhưng tôi vẫn tự nhủ rằng, Rốt cuộc nó cũng xảy ra? và cảnh giác quay người lại...

Teshigawara đang đứng đó, Kazami ở bên cạnh. Hơn nữa trông họ chẳng hề có ý xấu. Nhận ra họ tôi lại cảm thấy bực bội vì tính hay ngờ vực của mình.

“Như chúng ta đã hẹn,” Teshigawara bảo. “Đi tham quan trường ấy.”

“À, phải rồi.”

Thật lòng thì tôi không mong hai cậu kia phí công làm việc này. Nếu muốn đi đâu, tôi có thể hỏi trước. Nhưng cũng không thể từ chối lòng tốt của họ, giờ là lúc tôi phải đón nhận tích cực mọi thứ.

Ba người chúng tôi đứng dậy và rời phòng học.

8

Chỉ nhìn sơ qua cũng có thể thấy Kazami và Teshigawara là một cặp tréo ngoe.

Ngược lại với lớp trưởng Kazami nghiêm túc, tính tình Teshigawara khá thoải mái dù mang một cái họ hết sức chín chắn và đạo mạo. Tóc cậu ta nhuộm nâu, hai ba chiếc cúc áo trên cùng thì để hở. Bất chấp bề ngoài đó, Teshigawara vẫn không gây cho người ta cảm giác cậu hư hỏng hay là một học sinh cá biệt.

Tôi hỏi thăm, và biết hai người học chung từ năm lớp Ba. Nhà cũng gần nhau.

“Khi còn bé, bọn tớ thường bày trò và gặp không ít rắc rối. Ai mà ngờ anh chàng này lại trở thành học sinh ưu tú nghiêm túc cơ chứ.” Teshigawara cười toét miệng châm chọc cậu bạn thân, nhưng Kazami không hề phản bác. Teshigawara lại bảo Kazami đúng là mối ác duyên dai dẳng của cậu, Kazami lãnh đạm nhắc nhở rằng chính cậu ta mới phải nói câu đó. Câu chuyện cứ thế tiếp diễn, và tôi cũng bị cuốn theo tự lúc nào.

Trước nay tôi vẫn không giỏi tiếp xúc với dạng người thân thiện quá mức như Teshigawara. Hiển nhiên là tôi cũng chẳng ưa nổi mấy anh chàng nhất mực gương mẫu như Kazami. Nhưng tôi đã quyết là trừ phi bất đắc dĩ mới để lộ ra cảm nhận thực sự của mình về họ.

Mùa xuân năm sau bố về Nhật, tôi sẽ quay lại Tokyo. Từ giờ đến lúc đó tôi muốn giữ quan hệ tốt với mọi người trong trường. Đây là ưu tiên hàng đầu của tôi khi đến Yomiyama.

“Này, Sakakibara, cậu có tin vào ma quỷ hay lời nguyền không?”

Câu hỏi đột ngột làm tôi ngẩn người, “Hử?”

“Coi nào, giống như là...”

“Ma quỷ? Lời nguyền gì cơ?”

“Nói chung là về các hiện tượng siêu nhiên ấy.”

Kazami nói rõ thêm. “Không chỉ riêng về chuyện ma quái. Cũng có thể là UFO hay siêu năng lực hoặc lời tiên tri của Nostradamus. Cậu có nghĩ những hiện tượng thần bí mà khoa học không thể giải thích là có thật không?”

“Ý tớ là đột nhiên các cậu hỏi thì...” Tôi nhìn sang Kazami, gương mặt cậu ta nghiêm túc đến đáng sợ. “Để xem, đại khái thì tớ không tin những hiện tượng trên.”

“Hoàn toàn không sao?”

“Ừm. Tớ không tin những chuyện dạng như ‘Bảy điều kỳ bí ở trường trung học’.”

Không hiểu vì sao câu chuyện chuyển hướng, nhưng tôi có cảm giác họ đang cố dẫn dắt tôi vào chủ đề này. Tôi nghĩ mình nên nắm lấy cơ hội và gợi mở, “Những chuyện như chuồng thỏ và chuột biến mất thì tớ đã nghe qua.”

“Vậy cậu đã nghe chuyện ‘cánh tay trong ao sen’ chưa?” Teshigawara là người hỏi trước.

“Chà, các cậu cũng có chuyện giống thế sao?”

“Chính là cái ao ở kia.” Teshigawara đưa tay chỉ.

Tôi trông thấy một cái ao nhỏ có thành xây bằng xi măng ở gần đó. Ba người chúng tôi rời khỏi khu học xá ba tầng kiên cố và đi xuống sân.

Ở phía bên kia sân trường cũng có một tòa nhà quy mô tương tự gọi là Khu B. Còn tòa nhà chúng tôi bước ra là Khu C. Cả hai đều nối với Khu A, tòa nhà chính với phòng giáo viên và văn phòng hiệu trưởng, bởi một lối đi chung. Ở ngay bên cạnh nó là “Khu phòng học chuyên biệt”, gọi là Khu T. Đúng như tên gọi, đây là các lớp học đặc biệt dành cho khoa học tự nhiên và thanh nhạc.

Cái ao Teshigawara đang nói đến nằm hơi tách biệt. Chúng tôi phải đi qua lối vào Khu A rồi men theo lối đi chung.

“Ở trong cái ao đó đó, nghe nói thỉnh thoảng nhô lên một cánh tay người đầy máu bọc trong lá sen.” Teshigawara kể bằng giọng dọa dẫm, nhưng tôi chỉ nghĩ được: Vớ vẩn. Hơn nữa cậu ta bảo nó là ao sen, trong khi lại gần tôi thấy mỗi súng dại.

“Thôi, tạm gác ‘Bảy điều kỳ bí’ sang một bên,” Kazami cất lời. “Sakakibara này. Có nhiều dạng hiện tượng siêu nhiên. Cậu phủ định hoàn toàn những hiện tượng như thế nào, ý tớ là đối với cậu có phạm vi nào không?”

“Ừm, để xem,” tôi lẩm bẩm, mắt khẽ liếc qua mặt ao đầy bông súng. “Từ UFO là viết tắt của;vật thể bay không xác định’, vậy nói chung là có tồn tại. Nhưng bảo chúng là đĩa bay của người ngoài hành tinh là một chuyện khác. Còn về siêu năng lực, lấy ví dụ nhé, tất thảy những cảnh họ chiếu trên ti vi hay xuất hiện trên tạp chí đều là lừa gạt trăm phần trăm. Đã biết thế rồi mà vẫn còn tin thì chẳng phải hơi có vấn đề sao?”

Kazami và Teshigawara nhìn nhau, ra chiều khó xử.

“Tiên đoán của Nostradamus về ‘chúa tể bóng đêm’ sẽ được xác nhận vào năm tới. Đợi khoảng hơn một năm nữa, chúng ta sẽ kiểm chứng được nó là thật hay giả. Vậy các cậu có nghĩ ông ấy nói đúng không?”

Nghe tôi hỏi, Kazami nghiêng đầu suy tư, “Tớ không rõ...”

Còn Teshigawara lại đáp, “Thật ra thì tớ tin lắm ấy chứ,” rồi toét miệng cười gian. “Mùa hè năm 1999 là tận thế, vậy thì chỉ có thằng khùng mới cố gắng học hành kiểm tra thi thố. Bây giờ còn thời gian, cứ thỏa sức làm những điều mình muốn không tốt sao.”

Tôi không rõ cậu ta nghiêm túc đến đâu, nhưng qua vụ hỗn loạn của Giáo phái Tận thế Aum(2), tôi rất bất ngờ khi biết rằng đa số người trong thời đại chúng ta lại tin vào cái thuyết tận thế ấy. Có số liệu thống kê ở đâu đó, tôi từng đọc rồi, dù chẳng nhớ rõ là lúc nào, chỉ nhớ khi nhìn thấy những số liệu ấy, bố tôi liền giải thích là ngày nay, để trốn tránh những vấn đề cá nhân, người ta dễ dàng tin vào lời tiên tri về sự tận diệt của Trái Đất. Tôi tán đồng cách giải thích này.

(2) Tên của giáo phái chủ mưu vụ tấn công ga điện ngầm Tokyo bằng khí độc năm 1995.

“Trở lại vấn đề chính...” Khi đi qua ao hoa súng và tiến ra đằng sau Khu B, Teshigawara hỏi tiếp. “Rốt cuộc là cậu không tin vào ma quỷ và những lời nguyền?”

“Ừ, chắc thế.”

“Cậu có nghĩ đến việc gì có thể khiến cậu tin không?”

“Nếu có chuyện như vậy diễn ra trước mắt và có bằng chứng rõ ràng là do ma quỷ, có lẽ tớ sẽ tin.”

“Hờ. Bằng chứng hả?”

“Cậu muốn có bằng chứng?” Câu sau cuối là của Kazami. Cậu ta chau mày, lấy tay đẩy gọng kính trên sống mũi.

Trời đất, gì nữa đây?

Hai người này muốn cái gì thế? Tôi bắt đầu thấy khó chịu và bước dồn.

“Kia là gì?” Tôi quay lại nhìn hai người bọn họ, tay chỉ về phía tòa nhà nằm phía đối diện Khu B. “Vậy là vẫn còn có khu lớp học nữa?”

“Mọi người gọi nó là Khu O,” Kazami trả lời.

“Khu O?”

“Bởi vì nó rất cũ. Khoảng mười năm về trước, các lớp Chín đều học tại đó. Có nhiều lý do khiến người ta không dùng Khu O nữa: sỉ số học sinh giảm, số lớp cũng giảm theo. Hình như mãi sau này mới đặt ra các tên Khu A, B, C... còn tòa nhà cũ gọi là Khu O.”

“Tòa nhà cổ” kia đúng là trông cũ hơn những kiến trúc khác tôi thấy trong trường.

Một công trình hai tầng làm bằng gạch đỏ cỡ lớn. Những viên gạch trên tường nhà đã phai màu, nhìn kỹ còn thấy vô số vết rạn. Tất cả cửa sổ phòng tầng hai đều đóng kín. Một số chỗ được che lại bằng ván gỗ, hẳn là thay cho cửa kính vỡ.

Theo hướng câu chuyện phát triển từ nãy đến giờ, tôi thấy đây chắc là địa điểm hoàn hảo để lan truyền lời đồn về những hiện tượng siêu nhiên như ma quỷ, u linh hay “Bảy điều kỳ bí”.

“Bây giờ nó bị bỏ không à?” Tôi vừa đi vừa hỏi.

“Không dùng làm phòng học thông thường thôi,” Kazami đáp, vẫn song hành cùng tôi. “Tầng hai gần như bỏ hoang và bị cấm đi lên. Tầng trệt có thư viện phụ, phòng Mỹ thuật và Câu lạc bộ Văn hóa.”

“Có cả thư viện phụ sao?”

“Hầu như chẳng ai dùng. Thường mọi người sẽ đến thư viện chính ở Khu A. Tớ cũng mới vào một lần thôi.”

“Ở đó có những loại sách gì?”

“Tài liệu về lịch sử trong vùng, sách hiếm mà các cựu học sinh gửi tặng. Na ná thế, nhiều lắm. Giống kho lưu trữ sách hơn là thư viện.”

“Hừm.” Tính tò mò trỗi dậy, tôi muốn đến xem thử một lần. Nghĩ thế nào, tôi buột miệng hỏi. “Trường mình có Câu lạc bộ Mỹ thuật?”


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx