sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 11: June (5)

1

Ngày tiếp theo mở đầu một cuộc sống học đường khác thường ở Bắc Yomi.

Trước hết, rõ ràng là rất khó chịu. Vì sao họ nỡ cư xử thế này, tôi biết. Nhưng vẫn cảm thấy quá đỗi quái đản và muốn nổi loạn. Lý trí tôi hiểu được tình hình, nhưng cảm xúc tôi không tài nào chấp nhận nổi.

Mọi người trong lớp, kể cả các giáo viên, đối xử với Mei và tôi như thể chúng tôi chẳng hề tồn tại. Đổi lại, Mei và tôi cũng xử sự hệt như chẳng ai khác ngoài hai đứa có mặt ở đó. Thật là một tình huống gượng ép, thiếu tự nhiên.

Nhưng dẫu có méo mó gượng gạo đến đâu chăng nữa, dần dà người ta cũng thích ứng với tình trạng mà họ phải sống. Vì các quy tắc đều rõ ràng như pha lê, tôi thậm chí cho rằng nơi đây còn khá khẩm hơn những trải nghiệm tồi tệ ở trường cũ. Ngày lại ngày trôi qua, tôi bắt đầu tự huyễn là cứ sống thế này cũng không đến nỗi nào, và ý nghĩ đó dần thắng thế.

Không đến nỗi nào... Ý tôi là nếu so với trạng thái bất ổn đầy rẫy những “Cái gì?” và “Tại sao?” đợt trước, thì hiện nay tốt hơn. Nhìn từ khía cạnh khác... phải, có lẽ thế.

Ở lớp, sự cô độc của tôi và Misaki, lại cũng tạo nên tự do cho tôi và Misaki.

Ví dụ như... Đôi lúc tôi vẫn hình dung ra vài cảnh tượng rất đỗi trẻ con.

Cho dù Mei và tôi xử sự thế nào hay nói chuyện gì trong phòng học lớp 9-3, cũng chẳng ai phản ứng. Tất cả bọn họ đều vờ như chẳng nhìn thấy gì, chẳng nghe thấy gì. Kể cả khi Mei nhuộm màu tóc chói lọi quái đản nào đó.

Kể cả khi tôi đột ngột hát vống lên giữa lớp hay trồng cây chuối trên mặt bàn. Kể cả khi chúng tôi rổn rảng bàn bạc chuyện cướp ngân hàng... Mọi người càng cố tiếp tục giả vờ như chẳng nhìn thấy, chẳng nghe thấy...

Nếu bây giờ chúng tôi ôm chặt lấy nhau như cặp tình nhân ngay giữa phòng học...

Khoan đã, Koichi.

Trong hoàn cảnh hiện tại, tốt hơn cả là hãm cái ý nghĩ mơ mộng tàm phào kia lại đi. Hiểu chưa nhóc?

Dẫu sao thì...

Xét từ một góc độ nhất định, tình trạng này mang lại bầu không khí vô cùng yên ả, hiền hòa mà tôi sẽ chẳng thể nào có được ở một ngôi trường bình thường. Tôi đã diễn dịch tình trạng của mình theo hướng đó.

Tuy nhiên, đằng sau vẻ yên ả hiền hòa vẫn còn rơi rớt sự căng thẳng và đề phòng, lo lắng và sợ hãi, sinh ra từ nỗi băn khoăn: liệu “tai ương” năm nay có tiếp diễn?

Chúng tôi sống như thế được hơn một tuần. Tháng Sáu đã trôi qua quá nửa mà không xảy ra sự cố nào.

Trong thời gian ấy, tần suất nghỉ học và trốn tiết của Mei giảm hẳn.

Trái lại, tôi vắng mặt nhiều hơn. Một sự thật không thể chối cãi.

Hành động đó đáng ra phải gây lo ngại cho người làm giáo dục, nhưng thầy Kubodera chủ nhiệm của tôi chẳng bao giờ quở trách tôi cả. Thầy hoàn toàn có thể thông báo cho ông bà ngoại - những người giám hộ tôi ở thị trấn Yomiyama này, nhưng dĩ nhiên thầy không đời nào làm vậy. Mei kể rằng ngay cả khi cần họp ba bên (nhà trường - phụ huynh - học sinh) về việc chọn trường phổ thông, thì họ cũng sẽ sắp xếp để một giáo viên khác đến bàn bạc thay cho phụ huynh của học sinh “không tồn tại”.

Hết lần này tới lần khác, cô Mikami phó chủ nhiệm tỏ ra khổ não thực sự. Nếu bảo rằng mình không hề bận tâm thì là nói dối, nhưng tôi cũng chẳng có lý do nào để trút phiền muộn hay than vãn lên cô. Thực sự tôi không nghĩ mình làm được điều đó.

Tôi vẫn đang theo kịp cả lớp. Các giáo viên chắc sẽ du di trong phiếu điểm danh của tôi, bởi thế chỉ cần tôi vượt qua các kỳ thi thì mọi chuyện đều ổn thỏa. Nếu không có sự cố nào bất ngờ, tôi sẽ lên phổ thông một cách dễ dàng nhờ các mối quan hệ của bố, vậy nên...

Những trận nổi loạn nho nhỏ của tôi cứ tiếp diễn mãi. Có gì sai đâu? Tôi thản nhiên nghĩ vậy.

2

Mei và tôi, hai kẻ “không tồn tại” thường trèo lên sân thượng Khu C vào những ngày tạnh ráo, cùng ăn trưa ở đó. Như thường lệ, tôi mang theo hộp cơm do bà ngoại chuẩn bị. Mei thì gặm bánh mì và uống hồng trà đóng lon.

“Kirika không làm cơm trưa cho cậu à?”

“Thỉnh thoảng, khi có hứng.” Mei trả lời rất thờ ơ. Chẳng hề ngậm ngùi hay bất mãn. “Áng chừng mỗi tháng một đôi lần. Nhưng nói thật là, khó nuốt lắm.”

“Cậu có tự nấu lấy không?”

“Chẳng bao giờ.” Một lần nữa, cô lại thờ ơ. “Nhiều nhất là tự hâm nóng mấy món ăn sẵn thôi. Ai mà chẳng thế, phải không?”

“Tớ thì nấu ăn rất giỏi.”

“Cậu ấy hả?”

“Hồi ở trường cũ, tớ tham gia Câu lạc bộ ẩm thực đấy.”

“Cậu thật bất thường.”

Tôi không mong được nghe Mei nói câu này. “Một ngày nào đó cậu nấu món gì cho tôi nhé?”

“Hở? Được. Một ngày nào đó...” Tôi đáp, lòng hơi xốn xang. Ngày nào đó là ngày nào? Tôi vừa bâng khuâng nghĩ vừa hỏi, “Nhắc tới chuyện này mới nhớ, cậu có tham gia Câu lạc bộ Mỹ thuật, đúng không?”

“Ừ, hồi lớp Bảy. Tôi quen Mochizuki là ở đấy.”

“Giờ thì sao?”

“Ý cậu là sao?”

“Giờ cậu còn sinh hoạt ở câu lạc bộ không?”

“Đến năm lớp Tám thì câu lạc bộ giải tán. Nói cho đúng là... ngừng hoạt động.”

“Nhưng tháng Tư năm nay đã tái khởi động rồi mà?”

“Phải, tôi có tham dự vài buổi hồi tháng Tư. Nhưng sang tháng Năm thì thôi.”

Tức là đã ngừng từ khi trở thành người “không tồn tại”.

“Năm cậu học lớp Bảy, Câu lạc bộ Mỹ thuật cũng là do cô Mikami phụ trách à?”

Một khoảng lặng kéo dài, rồi Mei đưa mắt quan sát tôi trong khi đáp, “Cũng là cô Mikami. Nhưng một giáo viên Mỹ thuật khác mới là phụ trách chính. Khi tôi lên lớp Tám thì giáo viên đó chuyển công tác, cho nên...”

Cho nên hoạt động gián đoạn một năm, đến khi cô Mikami quyết định trở thành người phụ trách chính, phải không? Tôi gật gù.

“Nhắc tới chuyện này mới nhớ. Cậu từng vẽ tranh trên sân thượng này, nhớ không? Hồi đầu gặp nhau ở đây, cậu có mang theo một quyển ký họa.” “Cũng có thể có chuyện đó.”

“Về sau, tớ còn thấy cậu cầm theo nó đến vẽ ở thư viện phụ. Bức tranh đã hoàn thiện chưa?”

“Cũng tàm tạm.”

Đó là tranh vẽ một thiếu nữ xinh đẹp có các khớp nối hình cầu. Bấy giờ Mei nói: Sau cùng tôi sẽ cho cô ấy cặp cánh thật to.

“Còn cánh? Cậu đã vẽ vào chưa?”

“Có thể nói là rồi.” Mei cụp mắt xuống, vẻ buồn bã.

“Một ngày nào đó tôi sẽ cho cậu xem.”

“Ừm.”

Một ngày nào đó, phải không? Bao lâu nữa thì tới ngày ấy? Trong cuộc chuyện trò vơ vẩn này, mặc dù không được hỏi, tôi đã kể lể khá nhiều về bản thân mình. Bố đang ở Ấn Độ. Mẹ đã qua đời. Cuộc sống trước và sau khi chuyển tới Yomiyama. Ông bà ngoại. Dì Reiko. Bệnh phổi và nằm viện. Chị Mizuno...

Còn Mei, nếu tôi không hỏi cặn kẽ là cô chẳng buồn kể về mình. Thật ra, dù tôi đặt câu hỏi, nhiều lúc cô cũng không chịu trả lời hoặc đánh trống lảng.

“Sở thích của cậu là gì? Vẽ tranh à?”

Thậm chí tôi phải hỏi cả những câu khuôn sáo đến thế.

“Nói về tranh, tôi thích xem hơn là vẽ.”

“Ồ, thật sao?”

“Dù vậy, tôi cũng chỉ xem tranh trên sách thôi. Sách loại ấy nhà tôi có hàng tá.”

“Cậu không đến triển lãm tranh bao giờ à?”

“Cơ hội ấy không nhiều đâu, khi sống ở thị trấn heo hút thế này.”

Mei kể với tôi rằng cô thích hội họa phương Tây trước khi trường phái Ấn tượng ra đời. Và cô thực sự không hứng thú với những bức tranh của Kirika.

“Còn đám búp bê?” Tôi được đà hỏi luôn. “Cậu nghĩ sao về đám búp bê do Kirika chế tác? Cũng không thích à?”

“Cũng khó nói.” Tương ứng với câu trả lời, khuôn mặt cô hiện rõ vẻ khó xử. “Tôi không ghét chúng. Có con còn thích nữa kia, nhưng mà...”

Tôi quyết định không hỏi sâu hơn nữa. Với giọng điệu nhẹ nhõm nhất có thể, tôi nói, “Một ngày nào đó cậu hãy tới Tokyo chơi nhé. Chúng mình sẽ đi tham quan các triển lãm tranh. Tớ làm hướng dẫn viên cho.”

“Được rồi. Một ngày nào đó.”

Một ngày nào đó...

Kể từ thời khắc này, bao lâu nữa thì sẽ tới ngày đó. Ý nghĩ ấy lại luẩn quẩn trong đầu tôi.

3

“Cậu có muốn ngó qua Câu lạc bộ Mỹ thuật không?”

Thứ Năm, 18 tháng Sáu, Mei chợt hỏi vào giờ nghỉ trưa.

Trời đã mưa tầm tã suốt cả ngày, không thể nào lên ăn trên sân thượng được. Nhưng những kẻ “không tồn tại” như chúng tôi mà lại thưởng thức bữa trưa trong lớp như những người khác thì chẳng còn vui thú gì. Bởi vậy sau tiết thứ tư chúng tôi lập tức rời chỗ ngồi, cùng ra khỏi lớp cứ như đã có hẹn trước. Chính lúc ấy, Mei đã hỏi tôi như thế.

Tôi chẳng nghĩ ra được nơi nào thú vị hơn, bèn nhanh chóng đồng ý. “Được, được.”

Câu lạc bộ Mỹ thuật nằm ở tầng trệt Khu o, cuối dãy hành lang phía Tây. Đây vốn là một phòng học bình thường, nay được ngăn đôi, một nửa dành cho Câu lạc bộ Mỹ thuật, nửa kia là phòng sinh hoạt cho bộ môn văn hóa nào đó, ở cửa vào treo biển: Câu lạc bộ Nghiên cứu Sử Địa phương”.

“Ồ!” Có ai đó thốt lên khi chúng tôi bước vào.

Đã có người bên trong phòng.

Hai cô gái tôi chưa từng gặp mặt. Màu bảng tên cho thấy một cô học lớp Tám, cô còn lại học lớp Bảy. Cô bé lớp Tám có khuôn mặt dài, trầm tĩnh, tóc cột kiểu đuôi ngựa, trong khi cô lớp Bảy mặt bầu bĩnh dễ thương, đeo kính gọng đỏ.

“Chị Misaki,” cô lớp Tám tóc buộc đuôi ngựa thốt lên, mắt chớp chớp vẻ ngạc nhiên. “Vì sao...?”

“Bỗng dưng muốn ghé qua xem,” Mei đáp với giọng khô khốc.

“Không phải chị rời câu lạc bộ rồi à?”

“Chỉ nghỉ một thời gian thôi.”

“Ồ, thật ạ?” Lần này là cô lớp Bảy đeo kính.

Xem ra các cô gái này không biết hoàn cành đặc biệt của lớp 9-3 (dĩ nhiên thôi, bởi có quy định là “không được kể cho người nào ngoài lớp”). Bọn họ trò chuyện với Mei một cách hoàn toàn bình thường, đây là chứng cứ hùng hồn nhất.

“Ừm, ai kia ạ?” Cô bé lớp Tám hỏi trong khi liếc nhìn tôi.

Mei đáp ngay, “Học cùng lớp chị, Sakakibara. Cũng là bạn của Mochizuki.”

“Ồ, thật ạ?”

Lại cô bé lớp Bảy. Vẫn âm điệu lúc nãy, y như đoạn băng mặc định cứ phát đi phát lại. Vẻ mặt không thay đổi, nụ cười hình như hơi thẹn thùng... Hờ, tôi không ứng phó được với kiểu người thế này.

“Cậu ấy nói muốn tham quan Câu lạc bộ Mỹ thuật nên chị dẫn tới đây,” Mei giải thích vừa đủ.

“Ồ, thật ạ?”

“Anh định tham gia câu lạc bộ à?”

Cô bé lớp Tám hỏi, khiến tôi phát hoảng, “Không đâu không định... Ý anh là, ý anh...”

Trong khi tôi vật lộn tìm câu chữ, Mei đã lách người đi qua hai cô gái. Tôi liền bỏ mặc họ, vội vàng theo chân cô.

Căn phòng sắp đặt ngăn nắp hơn tôi tưởng.

Chính giữa phòng là hai chiếc bàn lớn như bàn trong phòng học vẽ. Một mảng tường được biến tấu thành tủ giữ đồ cho các thành viên câu lạc bộ, mặt tường đối diện có những chiếc giá sắt to đựng các dụng cụ vẽ cùng mấy món đồ khác được sắp xếp ngay ngắn.

“Mochizuki vẫn chẳng thay đổi gì cả,” Mei nhận xét trong khi tiến lại một chiếc giá vẽ đặt trong phòng. Nhìn theo, tôi thấy bản sao bức Tiếng hét của Munch - không, không hẳn là một bản sao. Các chi tiết nền có hơi khác bản gốc, và anh chàng đưa tay lên bịt tai kia có vẻ giống Mochizuki...

Đúng lúc đó, chính cậu ta bước vào.

“Ồ, anh à!”

“Anh Mochizuki!”

Nghe giọng hai cô bé, tôi xoay người lại, thấy Mochizuki ở ngay cửa. Khoảnh khắc nhìn thấy chúng tôi, gương mặt cậu biến đổi, như thể gặp phải ma hay thứ quái quỷ gì.

“Ừm, hai em đi cùng anh một lúc được không? Ngay bây giờ luôn?” Cậu ta nói với hai cô bé, rời mắt khỏi chúng tôi. “Anh cần các em giúp ngay.”

“Ồ, thật ạ?”

“Chẳng mấy khi chị Misaki đến đây nên...”

“Đi với anh đã.”

Mochizuki rời khỏi phòng, gần như lôi tuột hai cô bé theo cùng.

Trở lại nhìn bức tranh nhái Tiếng hét trên giá, Mei phì cười. Cảm giác lây lan, tôi cũng bật cười, nhưng cố kìm tiếng.

Thật khó tiếp tục kiểu xử sự phớt lờ như thể chúng tôi “không tồn tại” trước mặt người ngoài, bởi người ta không biết được chuyện gì đang xảy ra và tất nhiên không thể giải thích với họ được. Chính vì thế Mochizuki phải tìm cách rời đi đã, bằng mọi giá. Nhưng cậu ta bịa tạc được việc gì để hai cô bé ấy “giúp ngay” nhỉ? Càng nghĩ tôi càng sinh lòng thông cảm.

Mei xoay người khỏi bức tranh nhái Tiếng hét, tiến về phía cuối căn phòng, và rút một thứ gì đó ra từ đằng sau tủ đựng đồ.

Nó được bọc kín trong vải trắng, nhưng hình dạng cho thấy đó cũng là một khung tranh. Mei nhẹ nhàng kéo tấm vải. Mặt sau của một khung tranh sơn dầu khổ 10(1). Mei khẽ thở dài rồi lật mặt trước tranh ra.

(1) Khoảng 55x46cm.

Một bức sơn dầu. Không cần hỏi cũng biết bức tranh này là của Mei... Thể hiện chân dung một phụ nữ mặc đồ đen. Những đường nét vừa thoáng nhìn đã cho thấy nhân vật này là mẹ cô. Tuy nhiên...

Thật lạ, khuôn mặt đó bị xẻ làm hai. Từ đỉnh đầu xuống trán, lông mày, mũi và miệng... toàn bộ gương mặt bà bị tách theo hình chữ V. Cấu trúc của bức vẽ là như vậy.

Ở nửa bên phải của gương mặt bị xé rách là nụ cười mơ hồ. Còn bên trái là vẻ buồn đau. Trong tranh không hề có huyết dịch hay cấu trúc dưới da, thế nên đây chẳng phải dạng tranh giải phẫu, cũng không máu me đầm đìa, nhưng bảo dị hợm thì đúng là dị hợm, mà bảo rùng mình thì cũng đúng là rùng mình.

“Chưa ném đi, kể cũng tử tế chán!” Mei lẩm bẩm.

“Nếu có ai đó như Akazawa ở Câu lạc bộ Mỹ thuật chứ không phải Mochizuki thì...”

Chắc chắn cô ta đã hủy nó đi với lý do thỏa đáng là không thể giữ tranh của một kẻ “không tồn tại”. Có phải Mei định nói thế?

“Cậu có định mang về nhà không?” Tôi hỏi.

“Không.” Mei khẽ lắc đầu, xoay lưng tranh ra, phủ lại tấm vải lên trên và trả nó về phía sau tủ đựng đồ.

4

Rời khỏi Câu lạc bộ Mỹ thuật, trở ra hành lang, chúng tôi chạm mặt cô Mikami.

Dĩ nhiên, chúng tôi phải phớt lờ cô. Và cô cũng phải lờ chúng tôi đi. Tôi hiểu điều đó, nhưng bước chân dùng dằng bất đồ ngưng lại trong giây lát.

Có lẽ chính vì thế cô Misaki cũng dừng chân, rồi khó xử đảo mắt khỏi chúng tôi. Môi cô run rẩy như muốn nói điều gì... Mà có thể chỉ do tôi tưởng tượng cũng nên. Dù sao thì mọi chuyện cũng chỉ diễn ra trong tích tắc, giữa vùng ánh sáng nhập nhòa của hành lang.

Vào các ngày thứ Năm, tiết thứ năm (tiết học tiếp theo của chúng tôi) chính là giờ Mỹ thuật của cô Mikami, nhưng chúng tôi không định về lại lớp. Bởi tình trạng hiện tại cho thấy, cô và phần còn lại của lớp rõ ràng thấy thoải mái hơn khi hai kẻ “không tồn tại” vắng mặt. Tương tự thế với tiết thứ sáu, sinh hoạt cuối giờ.

Sau đây bọn mình làm gì?” Tôi thấp giọng hỏi Mei trong khi chúng tôi sánh bước dọc hành lang.

“Tới thư viện đi,” cô nói. “Tất nhiên là thư viện phụ. Có lẽ bọn mình ăn trưa ở đó luôn.”

5

Vậy là khi chuông báo tiết năm reo lên, chúng tôi đã ở thư viện phụ. Khi chúng tôi tới, không có ai khác ở đó cũng không thấy thầy thủ thư Chibiki đâu.

Mei ngồi xuống một chiếc trong số ghế xếp quanh bàn lớn, bắt đầu đọc cuốn sách cô mang theo. Tôi liếc qua tựa sách khi cô lấy nó ra khỏi cặp: Đám đông cô đơn(2). Sách gì thế không biết? Tôi tự hỏi. Chắc ít nhất cũng xa lạ với thể loại mà tôi và chị Mizuno từng nghiên cứu.

(2) Một cuốn sách về tâm lý xã hội của David Riesman.

“Tôi mượn ở thư viện chính,” Mei nói, mắt vẫn dán vào trang giấy. “Nhan đề phần nào có ý nghĩa với tôi.”

“Đám đông cô đơn?”

“Sách của một người tên là Riesman. David Riesman. Cậu đã bao giờ nghe tên ông ấy chưa?”

“Chưa.”

“Có khi có trong thư viện của bố cậu đấy.”

“À. Ra là loại sách đấy hử?”

“Hay không?”

“Hừm... Biết nói thế nào nhỉ?”

Tôi một mình tiến lại chỗ giá sách mà thầy Chibiki chỉ cho vào lần trước tới đây, tìm đến vị trí còn trong trí nhớ. Cuốn kỷ yếu năm 1972 vẫn ở đó. Tôi nhấc nó ra khỏi giá và mang trở lại bàn.

Tôi chọn chỗ cách Mei hai ghế rồi ngồi xuống, mở kỷ yếu ra. Không phải vì muốn ngắm lại mẹ mình thời trung học cơ sở, mà vì nhớ có điều cần phải kiểm tra.

Tôi tìm tới trang của lớp 9-3, chăm chú nhìn tấm ảnh chụp chung bên trái.

Ở hàng thứ hai, người thứ năm tính từ phải sang chính là mẹ tôi hồi lớp Chín, với nụ cười hơi căng thẳng. Chếch phía trước mẹ - cũng ở bên phải, đứng hơi tách khỏi hàng - là một người đàn ông. Thân hình tầm thước mặc bludông màu lam. Một tay chống hông, nụ cười rạng rỡ hơn bất cứ học sinh nào, chính là... Phải, đúng như tôi nghĩ.

“Người nào là mẹ cậu?”

Giọng Mei vang lên sau lưng, làm tôi giật bắn mình, suýt nữa thì hét lên. Thật là... Chúng tôi đang ngồi cách nhau đến mấy mét cơ mà. Sao tôi không để ý cô đã đứng dậy chứ.

Trấn tĩnh lại, tôi chỉ vào bức ảnh, “... Đây.”

“Hừm...”

Mei ghé qua vai tôi nhìn cuốn kỷ yếu, chăm chú ngắm gương mặt mẹ tôi. “Ritsuko, phải không?” Cô lẩm bẩm. “Hừm... Thế đấy!”

Cuối cùng cô gật gù như hiểu ra điều gì. Rồi kéo chiếc ghế bên phải tôi ngồi xuống, hỏi, “Sao mẹ cậu mất?”

“Ừm...” Tôi vô thức thở dài. “Năm ấy mẹ sinh tớ ở đây, vào mùa hè, tháng Bảy. Hậu sản, rồi bị cảm, không hồi phục được...”

“Ồ.”

Đã mười lăm năm rồi... Chính xác hơn là mười bốn năm mười một tháng, nếu tính chi li.

“Mà cậu nhìn xem, có quen không?”

Lần này đến lượt tôi hỏi. Tôi quan sát gương mặt trông nghiêng của Mei, cảm giác miếng băng che mắt trái của cô hôm nay trông bẩn hơn mọi ngày.

“Giáo viên chủ nhiệm lớp 9-3 năm đó!”

Người đàn ông mặc bludông màu lam đứng ở mạn phải của tấm ảnh tập thể. “Cảm giác khác hẳn bây giờ nhỉ?” Mei nói. “Đây là lần đầu tiên tôi trông thấy ảnh từ thời đó.”

Ồ, phải rồi. Thầy chủ nhiệm lớp con bé rất là điển trai. Cậu ấy dạy môn Xã hội và còn làm cố vấn câu lạc bộ nhạc kịch gì đấy. Đúng là một ông giáo nhiệt huyết. Các học sinh đều quý mến cậu ta.

Đúng, đó là điều bà nói khi lục tìm những ký ức xa xăm. Bà kể về người đàn ông trong tấm ảnh này.

Cách đây hai mươi sáu năm, thầy ấy mới quãng hai mươi mấy tuổi, giờ thì hẳn đã ngoại ngũ tuần rồi.

Độ tuổi rất khớp. Lần trước xem cuốn kỷ yếu này và chú ý đến thầy, tôi cũng có cảm giác giống Mei, rằng thầy đã thay đổi rất nhiều trong hai mươi sáu qua.

Để chắc chắn, tôi xem tên người giáo viên in bên dưới tấm ảnh. Và tôi đã đúng. Trên đó in dòng chữ: Thầy Chibiki Tatsuji.

“Tớ hỏi điều này một chút nhé?” Tôi cất tiếng, ngước mắt khỏi trang kỷ yếu, chuyển ánh nhìn lên Mei. “Tuần trước ở nhà cậu, trong khi giải thích về mọi chuyện đang diễn ra, cậu nhắc lại vài lần rằng có người nói thế này thế kia. Người đó có phải là...?”

“Đúng rồi đấy.” Mei gật đầu, nụ cười thích thú nở trên gương mặt cô. “Tôi muốn nói tới thầy Chibiki.”

6

Chẳng mấy chốc, thầy Chibiki “chủ nhân” thư viện phụ xuất hiện. Ngay sau khi tôi xếp quyển kỷ yếu năm 1972 trở lại giá.

“Chà, hôm nay là hai người?” Thầy lên tiếng khi trông thấy chúng tôi, rồi tiến thẳng về quầy thủ thư bên trong. Vẫn bộ đồ đen từ đầu đến chân và đeo kính gọng đen như thường lệ, mái tóc muối tiêu bù xù tô điểm cho khuôn mặt xương xương nhợt nhạt. Thật khác xa hình ảnh “ông giáo nhiệt huyết” trong ký ức của bà tôi.

“Tăng lên thành hai rồi, người ‘không tồn tại’ ấy ạ.” Mei vừa đáp vừa nhỏm dậy khỏi ghế.

Chống cả hai khuỷu tay lên mặt quầy, thầy Chibiki nói. “Có vẻ như thế. Tôi cũng nghe phong thanh.”

“Theo thầy cách này có hiệu quả không?”

“À, ừm.” Mặt thầy bất giác đanh lại. “Nói thật lòng là tôi không rõ. Chưa ai thử làm cách này bao giờ cả.”

Rồi thầy đánh mắt sang phía tôi, “Chắc em đã hiểu đầu đuôi câu chuyện rồi, phải không Sakakibara?”

“Dạ vâng, nhưng...”

“Nhưng? Em không tin sao?”

“Không phải... À, nhưng đúng là thế, phần nào trong em vẫn cảm thấy không thể tin hết được.”

“Tôi hiểu.” Khuỷu tay vẫn chống trên bàn, người thủ thư vận toàn đồ đen vò vò đầu. “Cũng chẳng trách em được. Nếu đặt mình vào vị trí của em, rồi đột ngột nghe một câu chuyện như thế... Hẳn là vậy rồi.”

Thầy ngừng vò tóc, chân mày cau lại. “Ấy vậy mà,” thầy tiếp tục nói, “chuyện này là thật. Đây là hiện tượng đã thực sự diễn ra ở trường chúng ta, ở thị trấn Yomiyama này.”

Hiện tượng sao? Tôi bỗng dưng nhớ lại những lời Mei nói tuần trước nhờ nghe “có người” kể cho.

Đây không phải điều một người làm được. Nó là một “hiện tượng”. Ít nhất thì có người đã giải thích với tôi như thế.

Khi nhận ra người đó chính là người đang đứng trước mặt tôi đây, mọi chi tiết đều trở nên gắn kết. Hai mươi sáu năm trước người đàn ông này từng là giáo viên chủ nhiệm của lớp 9-3 và nay, sau hai mươi sáu năm, ông chuyển sang làm thủ thư, để vẫn ở lại trường. Tôi cố hình dung mọi chuyện diễn biến như thế nào...

“Ừm...”

Tôi đứng dậy, tiến đến gần quầy thủ thư, dừng lại bên cạnh Mei.

“Vậy là thầy từng là giáo viên môn Xã hội và cố vấn cho Câu lạc bộ Kịch nghệ. Hai mươi sáu năm trước thầy chủ nhiệm lớp 9-3, hẳn thầy biết chuyện mẹ em...”

“Phải. Tôi đoán là em nhận ra điều đó ngay hôm đầu xem cuốn kỷ yếu.”

“Dạ, phải... Nhưng làm sao mà thầy chủ nhiệm lại chuyển công tác sang đây?”

“Câu hỏi này, hơi khó trả lời.”

“Em xin lỗi ạ.”

“Không cần phải xin lỗi đâu. Misaki chưa kể cho em nghe sao?”

Tôi liếc sang Mei, “Chưa ạ.”

“Hừm...” Thầy Chibiki ngước nhìn chiếc đồng hồ treo tường. Hơn ba mươi phút đã trôi qua kể từ lúc bắt đầu tiết năm. “Giờ này các em có tiết Mỹ thuật mà nhỉ? Tôi đoán cả hai định chuồn nốt tiết sinh hoạt lớp tiếp theo phải không?”

Mei và tôi đưa mắt nhìn nhau rồi cùng gật đầu.

“Chúng em nghĩ mọi người sẽ thoải mái hơn trước sự vắng mặt này.”

“Hẳn rồi. Phán đoán đúng đấy.”

“Dạ thưa thầy chủ nhiệm?” Tôi quyết định hỏi về thắc mắc vừa nảy ra trong đầu. “Nếu thầy không phớt lờ bọn em thì có sao không ạ?”

“Em có thể thôi gọi tôi là ‘thầy chủ nhiệm’ được không? Gọi ‘thầy Chibiki’ là được rồi.”

“Dạ... được ạ.”

“Bởi vì tôi không có mối ràng buộc với lớp của các em, hiểu chứ? Những người không có mối liên hệ trực tiếp với lớp 9-3 thì đều an toàn. Thế nên cho dù tôi có thường xuyên tiếp xúc với các em thì cũng chẳng sao cả.”

Ra là vậy. Dĩ nhiên cũng nhờ thế thì Mei mới có thể tới đây tìm hiểu thông tin từ thầy.

“Ừm, để trả lời câu hỏi ban nãy của em,” thầy Chibiki nói tiếp, thả mình xuống chiếc ghế sau quầy thủ thư “Thôi thì nhân cơ hội này kể cho các em nghe một câu chuyện nhỉ? Cho tới giờ Misaki đây cũng chỉ mới biết vài ba chi tiết mà thôi.”

7

“Thú thực là tôi không thích đề cập nhiều về câu chuyện hai mươi sáu năm trước ấy, dù rằng trong những người trực tiếp trải nghiệm nó, tôi là người duy nhất còn ở lại đây.”

Lớp 9-3, hai mươi sáu năm trước. Misaki mà ai cũng yêu mến chết đi.

Và rồi...

“Không ai có ý định xấu cả,” thầy Chibiki kể, giọng nghèn nghẹt qua kẽ răng. “Bấy giờ tôi còn rất trẻ, ôm ấp nhiều hoài bão của một nhà giáo dục... Việc gì nghĩ là đúng thì tôi sẽ làm. Các học sinh cũng vậy. Bây giờ ngẫm lại mới thấy quyết định ấy thật là phù phiếm. Kết quả là hành động của chúng tôi biến thành ngòi nổ, nói cách khác thì chính chúng tôi đã mở toang ‘cánh cửa tử thần’ ở ngôi trường này, trách nhiệm đó thuộc về tôi. Cả ‘tai ương’ bắt đầu từ năm tiếp theo, không nghĩ ra cách nào để ngăn chặn chúng, trách nhiệm cũng là của tôi. Chính vì thế mà tôi nán lại trường này, nhưng làm thủ thư chứ không làm giáo viên nữa. Thật ra suy cho cùng, lựa chọn này có một nửa là trốn chạy.”

“Trốn chạy?” Tôi bất giác ngắt lời thầy. “Sao như thể lại là trốn chạy ạ?”

“Sở dĩ tôi thôi làm giáo viên, một phần là do lương tâm cắn rứt. Tôi không đủ tư cách làm giáo viên. Một phần khác chính là nỗi khiếp đảm, rằng chẳng may lại làm chủ nhiệm lớp 9-3, có thể tôi sẽ thành người tiếp theo bị kéo đến gần ‘cái chết’. Thế nên tôi trốn chạy.”

“Giáo viên cũng chết ạ”

"Ừ, nếu là chủ nhiệm hoặc phó chủ nhiệm. Bởi vì họ là thành viên của lớp 9-3. Còn các giáo viên chỉ đơn thuần dạy bộ môn thì không thuộc phạm vi ấy.

Ồ, vậy nên... Tôi đã ngờ ngợ hiểu ra.

Vì sao Mochizuki Yuya cứ băn khoăn khi gần đây cô Mikami thường xuyên vắng mặt. Hóa ra không đơn thuần là ái ngại cho sức khỏe của người cậu ta ngưỡng mộ, mà thực sự lo ngại rằng tai họa tiếp theo sẽ xuống đầu cô bởi vì cô là phó chủ nhiệm ở lớp chúng tôi.

“Bởi thế nên tôi trốn chạy,” Chibiki lặp lại. “Nhưng tôi không muốn xa hẳn trường này. Vừa may thư viện cần tuyển người, thế nên tôi quyết định chuyển tới đây. Để luôn có mặt, quan sát diễn biến của sự việc... À, bỗng dưng tôi đi lan man quá.”

Thầy Chibiki nhếch môi, vẻ tự trào, cái đầu chầm chậm lắc lư. Tôi hỏi, “Học sinh Misaki hai mươi sáu năm trước là nam hay nữ ạ?”

“Là nam.” Câu trả lời ngắn gọn. “Misaki là tên, không phải họ, Chữ Hán là “Giáp” với nghĩa là ‘mũi đất’ ấy.”

“Họ của người đó là gì ạ?”

“Yomiyama.”

“Dạ?”

“Họ là Yomiyama. Cùng tên với thị trấn này. Tên đầy đủ của em ấy là Yomiyama Misaki.”

Họ của người đó là Yomiyama? Ừm, chắc cũng giống như ông Adachi sống ở phường Adachi, hoặc cô Musashino đến từ thành phố Musashino.

Tôi nhìn sang Mei. Mei cũng đang nhìn tôi, đầu lắc khe khẽ. Có lẽ cô muốn nói: Tôi cũng vừa mới biết thôi.

“Yomiyama Misaki bị tai nạn máy bay hay sao ạ?” Tôi xác nhận lại tình tiết câu chuyện.

“Hỏa hoạn.” Vẫn là câu trả lời ngắn gọn. “Những chuyện như thế này thường xuyên bị cải biên, thêm mắm dặm muối khi người ta rỉ tai nhau. Tuy cũng có thời phiên bản tai nạn máy bay được xác nhận, nhưng lý do thực sự là cháy nhà. Một đêm tháng Năm, ngôi nhà của Yomiyama Misaki bị lửa thiêu rụi. Cả gia đình thiệt mạng. Bố, mẹ, bản thân em ấy, và người em trai nhỏ hơn một tuổi.”

“Vì sao lại cháy ạ?”

“Không ai biết cả. Ít nhất thì cuối cùng điều tra cũng kết luận là không có dấu hiệu phạm tội. Dù có người kể rằng do thiên thạch.”

“Thật ạ?”

“Nhà Misaki ở ngoại ô phía Tây thị trấn, gần Asamidai. Nghe đồn đêm ấy có người trông thấy sao băng rơi xuống quanh đó. Bởi thế mới bảo có thể là do thiên thạch. Dù vậy chưa tìm thấy bằng chứng về việc sao rơi. Lại một dạng tam sao thất bản khác thôi, tôi đoán thế.”

“Ra vậy.”

“Đấy là những chi tiết xung quanh cái chết của Yomiyama Misaki hai mươi sáu năm trước. Tuy nhiên...” Thầy Chibiki cụp mắt nhìn xuống bàn tay, rồi nói thêm, “Tuy nhiên, tôi không chắc những điều tôi nhớ đều đúng hoàn toàn.”

“Sao ạ”

“Có thể có một khoảng gián đoạn, hoặc đôi chỗ bị sửa đổi mà tôi không nhận ra. Nhưng không đơn giản là vì chuyện xảy ra đã quá lâu rồi đâu. Nên nói thế nào nhỉ? Nếu tôi không tiếp tục nỗ lực lưu tâm, ký ức về sự kiện này sẽ trở nên mờ nhạt, nhanh chóng hơn bất kỳ vụ việc nào cùng thời. Tôi không hiểu tại sao, nhưng dường như là vậy, dù hai em sẽ khó chấp nhận với lời giải thích này.”

Mặt trái của truyền thuyết đây. Ý nghĩ này đột ngột hiện lên trong tâm trí tôi.

“Vậy còn tấm ảnh tập thể sau khi tốt nghiệp có hình Misaki cho dù bạn ấy chẳng thể có mặt ở đó thì sao ạ?” Tôi hỏi. “Thầy chủ... Ý em là, thầy Chibiki, thầy đã xem chưa?”

“Rồi.” Thầy Chibiki gật đầu, mắt ngước lên trần nhà trong giây lát. “Tôi cũng có mặt trong tấm ảnh chụp tại lớp, hồi ấy vẫn ở khu học xá cũ này. Mấy hôm sau học sinh bắt đầu nhốn nháo, vài em mang tấm ảnh tới hỏi tôi. Quả thật cậu bé qua đời có mặt trong ảnh. Yomiyama Misaki. À nói mới nhớ, trong số những em đến hỏi tôi hồi ấy, có Ritsuko.”

“Mẹ em ạ?”

“Theo ký ức của tôi thì là như thế.”

“Thầy còn giữ tấm ảnh đó không?”

“Không.” Thầy Chibiki mím môi. “Tuy rằng chúng có rửa thêm một tấm cho tôi, nhưng tôi ném đi. Chứng kiến những việc diễn ra sau đó, nói thật là tôi rất sợ. Thậm chí tôi còn nghĩ tai họa kia theo nhau kéo tới là do tấm ảnh.”

“À...” Tôi nín thở, hai cánh tay nổi gai ốc.

“Tiếp tục nhé!” Thầy Chibiki nói, đưa ánh mắt trở lại đôi tay. “Năm sau, tôi chủ nhiệm một lớp khối Bảy, thế nên tôi chỉ là người quan sát trước những sự cố diễn ra với lớp 9-3 trong niên khóa ấy thôi. Đầu học kỳ một họ hụt mất một cái bàn, mỗi tháng lại có hơn một người thiệt mạng - học sinh hoặc người thân của họ. Dù vậy, tôi cũng không nhận ra mối liên hệ với sự việc phát sinh trong năm trước đó. Tôi chỉ cảm thấy đau xót vì những bất hạnh mà các em liên tiếp phải hứng chịu. Rốt cuộc, mười sáu người có liên quan đến lớp học đã mất mạng trong cùng một năm. Sau lễ tổng kết, chủ nhiệm lớp 9-3 kể cho tôi nghe một chuyện. Dường như lớp đã bí mật tăng thêm một người. Một người không có khả năng xuất hiện lại trà trộn vào lớp. Lễ tốt nghiệp vừa chấm dứt thì học sinh ấy biến mất, và tôi mới nhận ra.”

“Như vậy em trai của Misaki chính là người ‘không có khả năng xuất hiện lại trà trộn vào lớp’, bởi vì cậu ta đã qua đời từ năm trước đó?”

“Hình như thế...” Khóe môi run run, thầy Chibiki ngập ngừng một lúc mới trả lời. “Thật lòng phải nói là tôi không dám chắc. Em Misaki đây đã kể với em chưa? Những người trực tiếp liên quan tới ‘hiện trường’ xảy ra ở lớp 9-3 sẽ chẳng nhớ ‘người dư ra’ được lâu. Cùng với thời gian, ký ức đó nhạt nhòa dần, và cuối cùng biến mất. Trên thực tế, chỉ một tháng sau, người giáo viên tiết lộ cho tôi đã quên béng những điều thầy ấy từng kể, và trong trí nhớ của tôi, sự việc cũng trở nên mơ hồ. May là tôi có ghi vào sổ...”

Giả sử đê bị vỡ, khiến nước sông tràn vào thị trấn, và rồi nước rút đi.

Tuần trước, tôi đã nghe Mei thuật lại rằng “có một người ví dụ thế này”.

Điều hiển nhiên là đã có một trận lụt, nhưng sau cơn lũ thì ký ức về đồ đạc bị ngập và hư hỏng của mọi người cũng trở nên mơ hồ. Trường hợp này cũng vậy, giống như là họ tự nhiên quên đi, chứ chẳng hề bị ép buộc.

“Hiện tượng tương tự lại xảy ra vào năm tiếp theo ở lớp 9-3, nhiều người đã chết. Những người liên quan bắt đầu nhận thấy có điều khác thường, và việc gì đó vẫn tiếp diễn. Rồi...” Thầy Chibiki luồn những ngón tay phải vào mái đầu bù xù, bới tung nó lên. “Trong một năm về sau, năm 1976, tôi lại được chỉ định làm chủ nhiệm lớp 9-3, tự mình trải nghiệm mọi chuyện. Bấy giờ lớp đã mang tiếng là ‘lớp học bị trù yếm’, và tôi trở thành một thành viên...”

8

Một năm trước đó - năm 1975 - là “năm không phát sinh”. Ôm ấp niềm hy vọng rằng có lẽ những chuyện đó sẽ chẳng bao giờ tái diễn nữa, năm 1976 thầy Chibiki quay lại chủ nhiệm lớp 9-3. Ấy vậy mà...

1976 là “năm phát sinh”.

Kết quả là trong vòng một năm đó, năm học sinh thuộc lớp 9-3 cùng chín người thân gần gũi nhất của họ qua đời: tổng cộng là mười bốn mạng. Đau ốm, tai nạn, tự sát, rồi thì bị giết... Mỗi người chết một kiểu.

Có lẽ phòng học này bị dính “lời nguyền”, thầy Chibiki nghĩ. Vậy nên thầy viết đơn xin trường đổi sang phòng học khác. Bấy giờ vừa xong kỳ nghỉ hè. Nhưng nhiều tháng tiếp theo, tai ương không hề chấm dứt. Sau lễ tốt nghiệp vào tháng Ba, “người dư ra” (hay còn gọi là “kẻ đã chết”) biến mất.

Mặc dù là chủ nhiệm lớp, nhưng thầy Chibiki không nhớ được ai là “người dư ra”. Về sau tập hợp lại thông tin, thầy tìm ra cái tên của một người có vẻ như là đối tượng thích hợp, nhưng lại không có cảm giác gì là mình đã từng trải nghiệm. Thầy đã quên. Từ lúc đó, thầy không hoàn toàn nắm bắt được câu chuyện cùng những ký ức liên quan nữa.

Trong khi chúng tôi nghe thầy kể chuyện, tiết năm trôi qua, tiết sáu cũng bắt đầu từ lâu rồi.

Bên ngoài, mưa vẫn rơi. Suốt một giờ qua, mưa càng lúc càng nặng hạt. Những ô cửa sổ cũ kỹ bụi bặm của thư viện rung lên trong gió, những hạt mưa chốc chốc lại quất ràn rạt vào mặt kính.

“Ba năm sau, lại một lần nữa tôi được chỉ định chủ nhiệm lớp 9-3. Tôi định bỏ nghề, nhưng tình thế không cho phép. Tôi cũng cầu mong sao cho năm đó là ‘năm không phát sinh’, nhưng thực tế thì không như vậy.”

Thầy Chibiki khe khẽ kể tiếp, Mei và tôi chăm chú lắng nghe.

“Đó là năm tôi thử nghiệm một biện pháp đối phó đơn giản, là đề nghị nhà trường đổi tên các lớp 1, 2... thành A, B... tức là lớp 9-3 trở thành lớp 9-C. Tôi cho rằng đổi tên ‘địa điểm’ thì lời nguyền sẽ bị xóa bỏ, thế nhưng...”

Vậy là cách đó vô tác dụng. Tôi từng nghe Mei kể rằng rất nhiều biện pháp đối phó đã được nghiên cứu và thực thi, nhưng chẳng có biện pháp nào hiệu quả.

Cuối cùng, sau đủ các thử nghiệm, họ tìm được “một cách hiệu quả để ứng phó với nghịch cảnh”, chính là đối xử với người ta như thể họ “không tồn tại” để thế chỗ cho “người dư ra” trong lớp.

“Kết quả vẫn y như cũ. Rất nhiều người thiệt mạng năm đó.”

Thầy Chibiki thở dài ân hận, rồi ngước lên quan sát phản ứng của chúng tôi. Tất cả những gì tôi có thể làm là yên lặng gật đầu.

“Người dư ra của năm là một cô bé lớp 9-3 chết vào năm 1976. Sau lễ tốt nghiệp, nhận ra điều đó, tôi lập tức ghi lại tên cô bé. Như thế thì kể cả khi ký ức về ‘người dư ra’ phai nhạt, tôi vẫn có thể nhắc nhủ bản thân rằng đó là chuyện từng xảy ra. Chính vào quãng thời gian này tôi bắt đầu phát hiện được rằng người dư ra, thâm nhập vào lớp hình như là một người bất kỳ trong số những người đã chết do tai ương mà ‘hiện tượng’ gây ra tính đến thời điểm đó.”

Thầy Chibiki lại thở dài.

“Cuối năm, tôi thôi làm giáo viên. Đến nay cũng được mười tám năm rồi. Hiệu trưởng bấy giờ tuy tỏ ra thông cảm nhưng cấm ngặt công bố chuyện lời nguyền hay bất cứ cái gì tương tự. Rồi tôi làm thủ thư của trường, vẫn ở đây từ bấy tới giờ, theo dõi diễn biến của sự kiện. Tôi quyết định hằng năm sẽ đứng ở vị trí người ngoài để quan sát ‘hiện tượng’. Và, ừm, thỉnh thoảng lại có học sinh bắt chuyện với tôi, như hai em.”

Thầy Chibiki ngừng lời, ngước lên nhìn hai chúng tôi như dò hỏi. Vẻ mặt thầy cho thấy trạng thái căng thẳng đã giảm đáng kể sau cuộc chuyện trò.

“À...” Tôi nói. “Em hỏi thầy điều này được không ạ?”

“Em muốn hỏi gì?”

“Misaki kể với em là khi ‘người dư ra’, tức ‘kẻ đã chết’, còn trà trộn trong lớp thì các sổ sách và trí nhớ đều bị sửa đổi. Những chi tiết vốn dĩ hoang đường lại trở nên hợp lý, không ai nhận ra danh tính thực sự của ‘kẻ đã chết’. Có chuyện đó thật không?”

“Thật đấy.” Thầy Chibiki trả lời không do dự. “Nhưng có tìm hiểu nguyên nhân và cách thức xảy ra cũng chẳng ích gì. Bởi cho dù các em đặt ra bao nhiêu câu hỏi thì cũng chẳng thể lý giải nổi theo logic bình thường đâu. Chỉ có thể tự nhủ, ‘hiện tượng diễn ra như thế đấy’ thôi.”

“...”

“Khó tin, đúng không?”

“Chí ít cũng không còn đầy hoài nghi như hồi đầu nữa ạ.”

“Tôi hiểu.”

Thầy Chibiki uể oải gỡ kính rồi thò tay vào túi quần rút ra một chiếc khăn mùi soa nhăn nhúm. Thầy chùi mắt kính hồi lâu, và rồi...

“Ừm, vậy thì..” Ngẩng đầu lên, thầy đeo lại kính, đăm đăm nhìn chúng tôi. “Phải, có lẽ tôi nên cho các em xem cái này. Đây hẳn là cách nhanh nhất.”

Rồi thầy mở ngăn kéo bàn. Sau khi lộc cộc xáo tung đồ trong đó một lúc, thầy rút ra một thứ. Một tập tài liệu.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx