Phạm Trọng Viễn đáp chuyến xe sớm nhất, đặt chân xuống đồn điền Phú Hộ hồi tám giờ sáng. Chàng dắt theo một con chó lài lớn, loại chó Đức, rất khôn, con nghĩa khuyển có cái tên gọi rất đặc biệt: Bão Tố!... Bão Tố, nếu cất tiếng gọi hơi nhanh một chút, nghe lại hóa ra là Ba Tô, Ba Tô!
Trọng Viễn năm nay đúng ba mươi hai tuổi. Thân hình cao lớn, mảnh mai, nhưng là một thứ mảnh mai dẻo dai khỏe mạnh. Cử chỉ nhanh nhẹn nên trông chàng, người tinh mắt lắm cũng phải đoán lầm tuổi của chàng chỉ chừng hai mươi chín, ba chục tuổi là cùng. Trên khuôn mặt thông minh, sáng sủa, linh động nhất là đôi mắt màu nâu trong vắt như mắt thỏ. Khi thẩm vấn kẻ gian, đôi mắt ấy quắt lên nom thật dữ dội. Nhưng cũng đôi mắt ấy, khi chứng kiến một cảnh thương tâm xúc động lòng người, màu nâu tròng mắt lại hình như sẫm xuống nhiều hơn. Hai ánh mắt rất khác biệt nhau ấy biểu lộ rõ rệt những đức tính nổi bật nơi cùng một con người: tâm lý sâu sắc, trí cương quyết, nghị lực sắt thép cùng với lòng nhân ái vô biên. Đặc tính thương người nơi Trọng Viễn lạ lùng đến nỗi các bạn nửa đùa nửa thật tặng cho chàng biệt danh là “thanh tra tài tử”.
Bão Tố, đối với trọng Viễn không còn là con vật bốn chân nữa mà là người bạn, một người bạn tuyệt đối trung thành, Hơn sáu năm rồi, hai kẻ tớ thầy bên nhau, cùng vui hưởng nhiều chiến thắng vinh quang cũng như cùng nhau trải qua những giây phút vô cùng nghẹt thở. Một số đồng nghiệp, ganh tị với Trọng Viễn, thường gán cho Bão Tố cái danh xưng đầy mỉa mai châm biếm: “em trai của thằng Viễn”.
Bão Tố và Trọng Viễn dừng chân trước hai cánh cổng lớn nơi tường thành bao quanh biệt dinh cụ Án Bùi.
Chàng thanh tra nhấn nút chuông điện, đồng thời đưa mắt quan sát toàn khu biệt thự rộng lớn, dáng dấp cổ kính trông như tòa thành quách hay một đồn binh trấn giữ ải địa đầu. Mùi hương ngan ngát của hồng nhung, hoa mộc, sói, thiên lý, tản mạn trong không trung khiến tâm hồn chàng trai thành thị sảng khoái lâng lâng. Trọng Viễn có cảm giác đang sống trong cõi mộng xa xưa thời trung cổ.
Chị gia nhân tên Duyên chạy ra mở cổng kéo chàng quay trở về thực tại.
Sau khi băng qua một cái sân rộng, bước lên mấy bực thềm cao xây bằng đá xám. Trọng Viễn có Bão Tố theo sát gót bước vào một gian phòng khách rộng mênh mông. Tia mắt chàng chạm ngay một bộ bát bửu to như thật, bằng đồng sáng bóng, cán gỗ mun lên nước đen bóng như sơn, gồm đủ tám món binh khí cổ xưa: Thanh long đao, Thiết tinh trùy, Phật thủ ấn, Trường thương, Thiên phương kích, Bát xà mâu, Phán quan bút và Lang nha bổng. Bên cái tủ đựng bát dĩa khảm xà cừ to như mặt của tam quan, treo trên tường nước vôi màu hồng lạt, hai cái đầu hươu chầu hai bên một cái thủ cấp lợn lòi, miệng há hốc đỏ lòm nổi bật nanh dài nhọn hoắt…
Nơi cuối phòng khách, cầu thang xây cuốn rộng thênh thang, đẹp mắt với những chấn song con tiện, êm chân khi đặt bước chân trên tấm thảm nhung màu huyết dụ điểm hoa sen.
Bộ ghế salon, chỗ ngồi, chỗ dựa lưng bằng cẩm thạch. Màu đá trắng nổi bật giữa vành ghế gỗ mun đen trạm trỗ công phu. Ngồi vào ghế, khách được hưởng cái cảm giác vô cùng thoải mái đồng thời được thong thả nghỉ ngơi khi chiêm ngưỡng mấy tấm thổ cẩm treo trên tường thêu hình “anh hùng tương ngộ”. “Tô Vũ mục dương”…
Có tiếng dép nhẹ đặt trên bậc cầu thang.
Trọng Viễn đứng lên.
Bà Án đi trước, theo sau là bà Cầm. Hai người bước xuống, tiến đến trước chàng thanh tra.
Sau khi lịch sự cúi chào, Trọng Viễn tự giới thiệu mình.
Bà Án sắc diện vui mừng rạng rỡ, đích thân rót nước trà mời khách.
Trọng Viễn yêu cầu nữ chủ nhân cho biết tường tận trường hợp biệt tích của cậu Sinh.
Bà Án điềm đạm thuật lại sự việc từ lúc bắt đầu cho tới giây phút hiện tại.
Trọng Viễn thoáng cảm thấy thương hại.
Trước khi đứng dậy, chàng hỏi thêm một câu:
_ Trước hết, bà có thể cho biết sơ qua về tính tình của cậu Sinh … và … để nói chuyện được tự nhiên hơn, có cần phải để bà Cầm cảm phiền ra ngoài một lúc được không?
Nữ chủ nhân mỉm cười thật buồn:
_ Chị Cầm đây đã chứng kiến lúc cháu Sinh ra đời. Chị hiểu biết cháu chẳng thua gì tôi đâu ông ạ. Không ngại gì hết. Xin ông cứ hỏi!
Rồi bà đứng lên, giơ tay về phía lò sưởi chỉ bức hình một thanh niên đẹp trai, một vẻ đẹp hơi ủy mị như con gái, nhưng nét mặt chân thật dễ thương.
Sắc mặt người mẹ thoáng vui. Một niềm vui kiêu hãnh:
_ Đây thưa ông! Cháu Sinh, con trai duy nhất của tôi!
Trọng Viễn lịch sự khẽ ngả đầu. Chàng tiến lại cầm bức hình trên tay. Bức hình ngay từ khi mới bước vào, chàng đã thoáng nhìn thấy, để đúng tầm mắt, im lặng quan sát:
_ Cậu Sinh sống ở đây vẫn vui vẻ bình thường chứ, thưa bà?
Sau mấy giây ngập ngừng, nữ chủ nhân nhìn chàng thanh tra:
_ … Thưa vâng!... Cho đến năm nay, cháu Sinh vẫn ngoan ngoãn dễ bảo lắm. Nhưng mới chỉ từ năm, sáu tháng nay… nó hay phí thì giờ đi chơi lang bang chỗ nọ chỗ kia. Gặp ai cũng bắt chuyện. Trong xóm ngoài làng, thấy cô gái nào là cũng cười cười nói nói gợi chuyện làm quen.
_ Và rồi vì những cuộc tình ái lăng nhăng ấy, cậu Sinh đã mua thù chuốc oán?
Cậu trả lời của người mẹ thật rành rọt:
_ Không đâu thưa ông! Chỉ có tôi là rầy la dữ dội mà thôi. Ông tính nuôi nấng mất bao công lao khó nhọc, dạy bảo từng tí từng li, tôi không thể chịu nổi khi thấy nó lông bông hư hỏng như thế. Tôi muốn tốt cho con trai tôi, nhất lại là con một, phải nêu được gương tốt cho người khác trong làng ngoài xã. Nhưng cứ như là nước đổ lá môn! Nghe mắng chán, nó chỉ cười xòa bỏ đi. Ông cho là cháu có kẻ thù oán? Không đâu! Tính tình nó lãng mạn, hay no người chán nết. Nay cô này, mai cô khác. Nếu có gây thù chuốc oán thì cũng chỉ là do từ nơi mấy cô nàng bị nó bỏ rơi mà thôi…
_ Biết đâu cậu ấy lại chẳng đã chọc giận mấy ông chồng đa nghi, hay ghen, mà lại có vợ đẹp?
Bà Án lắc đầu cương quyết:
_ Dạ không! Cháu nó tiếng thế cũng không quá tệ như vậy đâu. Con nhà gia giáo, vui chơi vô hại thì có, nhưng vượt quá phạm vi bổn phận đạo đức, bờm xờm lơi lả với cả những gái có chồng thì tuyệt nhiên không có đâu, thưa ông thanh tra! Lang bang rắc rối với các cô gái thanh xuân cũng đã là quá quắt rồi.
_ Có thể vô tình, một vị hôn phu nào đó đã uất ức vì sự thành công của cậu Sinh đối với nàng vị hôn thê của anh ta?
_ Theo tôi biết, chuyện đó không bao giờ có đâu, thưa ông thanh tra!
_ Vậy thì, bà tha lỗi cho việc nhấn mạnh điểm này… Theo ý bà, cậu Sinh tuyệt nhiên không hề có ai để tâm thù oán?
Bà Án ngập ngừng do dự. Bà lắc cái đầu như cố ý xua đuổi một ý nghĩ khó chịu nào đó. Trọng Viễn lại tiếp luôn:
_ Điểm này quan trọng vô cùng! Bà cố nhớ kỹ lại thử xem!
Sau mấy phút yên lặng, nữ chủ nhân lẩm bẩm chỉ đủ cho một mình nghe:
_ Cứ để bị các câu hỏi dồn dập làm mất bình tĩnh, lỡ buột miệng là phiền lắm! – rồi bà cất cao giọng: - Duy nhất có một người đã nổi cơn phẫn nộ với cháu Sinh. Nhưng xét cho cùng, lỗi cũng tại nó. Ông già Xê trông coi đàn cừu của tôi có đứa cháu nội học ở Phú Bình về nghỉ hè sau mấy ngày bãi trường. Con cháu Liên, mười sáu tuổi xinh lắm. Một buổi tối kia, bắt gặp thằng con tôi đang chuyện trò tán tỉnh gì đó với cô bé, già Xê đã nổi giận lôi đình.
_ Chắc cụ già đã hăm dọa cậu Sinh?
_ Không! Hăm dọa thì không! Ông lão chỉ nói rằng: “Không được, cậu Sinh ơi! Cậu nỡ nào lại đi làm nhục chúng tôi như vậy hả cậu Sinh? Tội nghiệp. Chúng tôi là con nhà nghèo hai sương một nắng mà!”
Mấy ngày sau lại bắt quả tang hai đứa thủ thỉ chuyện trò, già Xê đã giơ hai nắm tay, hét rầm lên: “Hừ! thật quá lắm rồi! Nhục nhã quá! Chỉ rước khổ vào thân mà thôi! Liên ơi!”
Trọng Viễn khẽ cau cặp mày buột miệng:
_ A, nếu vậy thì…
Bà Án không kịp để chàng nói hết câu:
_ Ngay hôm sau, ông già Xê bắt con bé về với cha mẹ tại Phú Bình ngay.
_ Thế là xong rồi phải không ạ?
_ Vâng, xong hết. Có điều tôi muốn nói thêm rằng: theo tôi nghĩ thì già Xê không thể cũng không muốn làm hại ai bao giờ cả. Nhất là việc rắc rối ấy lại chỉ tới đó là chấm dứt.
_ À ra thế! Nhưng có hai điểm xin bà giải thích cho!
_ Vâng, xin ông cho biết!
_ Hồi nãy bà có nói "Cứ để bị các câu hỏi dồn dập làm mất bình tĩnh, lỡ buột miệng là phiền lắm…” Bà làm ơn cho biết: khi nói thế, bà có ý đề cập đến việc gì vậy?
Mặt chủ nhân chợt ửng đỏ.
_ Ông để ý làm gì những câu nói vô tình buột miệng ấy cho mất thì giờ.
Sắc mặt thanh tra nghiêm hẳn lại:
_ Mục đích tôi đến đây là truy tầm cậu Sinh con bà và chú nhỏ tên Ngây, cháu nội bà Cầm. Bà đừng ngại gì về việc tôi mất hay không mất thì giờ.
_ Vậy thì được! Nếu ông muốn hiểu rõ, tôi xin thưa: không khi nào tôi lại có ý nghi ngờ già Xê hết. Chỉ vì bà Cầm…
Bà Cầm từ hồi nào vẫn ngồi im lặng, chợt giật thót mình, ngẩng lên:
_ Tôi? Vì tôi… mà tại sao?...
Bà Án giơ tay nhẹ nhàng trấn an:
_ Không, không có gì đâu, chị Cầm. Cứ yên chí! Không có gì đâu mà ngại! – Quay nhìn Trọng Viễn – Chị Cầm đây có đem về một tờ giấy trong đó mụ Phé có ghi một bài vè hay thơ gì đó. Toàn là những câu thơ phù thủy bói toán lảm nhảm quàng xiên. Dĩ nhiên, tôi không một chút nào tin là thật hết. Nhưng trong ấy có một câu: “chăn chiên hóa sói đổi nghề”, “chăn chiên”, hai chữ ấy khiến tôi sực nhớ đến vụ gay go giữa cháu Sinh nhà tôi và già Xê về chuyện con nhỏ Liên. Đó, tất cả chỉ có thế! Có quan hệ gì đâu!
_ Những câu bói toán của phù thủy! À, thưa bà, những người phù thủy mà chúng ta thường chế riễu, thực ra không phải bao giờ họ cũng nói sai cả đâu. Lắm khi họ biết nhiều chuyện mà chính chúng ta cũng không biết được nó, thưa bà. Bà làm ơn kể cho rõ câu chuyện này, tôi nghe thử!
Bà Án liền bảo bà Cầm kể lại việc tìm đến căn lều của mụ Phé. Nghe dừt lời, thanh tra Trọng Viễn yêu cầu được xem tờ giấy có ghi bài thơ kinh dị. Chàng muốn đích mắt thấy những danh từ, những câu quái dị mụ phù thủy viết trong đó. Mọi người tìm mãi không thấy tờ giấy ấy đâu. Tường Vân được gọi xuống, cho biết là đã được đọc bài thơ ấy cùng với cô giáo Bạch Xuyến. Bà Án cho mời cô giáo của Tường Vân. Bạch Xuyến vội vàng cho biết sau khi cùng Tường Vân đọc xong đã tiện tay đem lên để trên phòng, nếu cần nàng sẽ chạy đi lấy.
Trọng Viễn nhìn thẳng mắt cô giáo cất tiếng. Lòi nói của chàng rất lịch sự nhưng âm thanh giọng nói đanh lại:
_ Hay lắm! Cô làm ơn lấy xuống dùm cho!
Sau khi một cử chỉ tỏ ý: “có gì mà phải quan trọng hóa dữ vậy!” Bạch Xuyến quay lên gác. Hai phút sau nàng đã xuống tới nơi mang theo tờ giấy ghi bài thơ kinh dị.
Trọng Viễn chăm chú đọc, chưa đầy phút sau chàng khẽ nhún vai, lẩm bẩm:
_ Dông dài, chẳng nghĩa lý gì cả!
Nhưng theo thói quen, chàng vẫn cất tờ giấy nhàu nát vào ví da, đồng thời ngấm ngầm quyết định:
_ Phải hỏi han mụ Phé ít câu mới được!
Đoạn, Trọng Viễn ngẫng lên nhìn bà Án:
_ Bà cho phép hỏi một câu nữa. Chính cậu Sinh đã nói lại cho bà biết việc ông già Xê nổi trận lôi đình?
_ Dạ không! Cháu Sinh không bao giờ nói với tôi những chuyện riêng tư của nó cả. Sở dĩ tôi biết được là do lá thư nặc danh.
_ Một lá thư nặc danh? Vậy mà bà không cho biết từ hồi nãy!
_ Cũng chẳng có gì đáng gọi là quan trọng. Vả lại tuy có đọc nhưng tôi chẳng có một chút nào tin là thật những điều viết ở trong. Tôi đã lấy lá thư nặc danh làm bằng cớ chủ ý khiến cho cháu Sinh phải hổ thẹn mà chừa đi. “Này tính nết lông bông của con khiến thiên hạ đàm tiếu đến mức này đây. Đọc đi! Đọc thử coi!” Tôi đã la rầy cháu như vậy, thưa ông thanh tra, và chính nó cũng đã công nhận những điều viết trong lá thư ấy là sự thật.
_ Bà nhớ xem là cậu Sinh có vẻ lo lắng gì về lá thơ đó không?
_ Nó chẳng lo lắng gì hết. Lại còn cười xòa mà nói với tôi rằng: “Trời ơi! Ông già Xê nổi giận, rồi lại lá thư nặc danh! Có gì mà mẹ cuống quít lên kia chứ. Con và Liên yêu nhau thì có gì là không phải? Tuổi trẻ ai mà chẳng thế. Tội lỗi gì đâu hả mẹ?”. Thế là thôi. Tôi chẳng biết nói thế nào nữa. Nó cứ nói thế thôi. Lông bông như cánh bướm nhởn nhơ chẳng lo lắng gì hết. Tôi gầm thét, rầy la đến rát cổ bỏng họng, nhưng chỉ vài tuần sau đó nó lại gặp đâu đóng đấy, quên ngay con Liên để cặp kè với đứa con gái khác.
_ Bà còn giữ bức thư nặc danh đó chứ ạ?
_ Vâng! Tôi còn giữ. Để tôi đi lấy đưa ông coi.
Và nữ chủ nhân, sau khi khẽ gật đầu mỉm cười xin lỗi Trọng Viễn, quay mình bước lên cầu thang.
@by txiuqw4