sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Bản sonata Kreutzer - Chương 12 - 14

XII

- TRONG XÃ HỘI CHÚNG TA, tất cả mọi thứ đều lộn ngược: nếu như một người còn nghĩ về sự thèm khát nhục dục thì còn là kẻ độc thân, còn khi lấy vợ rồi thì người nào cũng cho rằng sự thèm khát bây giờ không còn cần thiết nữa. Những chuyến du ngoạn sau đám cưới, về ở riêng nơi thanh vắng mà những đôi bạn trẻ được cha mẹ cho phép hưởng nào phải là cái gì khác ngoài sự dung túng chuyện trụy lạc. Nhưng quy luật đạo đức sẽ bắt anh phải trả giá cho việc vi phạm nó. Dù tôi hết sức cố gắng để tạo được một tuần trăng mật hạnh phúc, song mọi chuyện vẫn chẳng ra làm sao. Lúc nào cũng cảm thấy bẩn thỉu, đáng hổ thẹn và buồn chán. Nhưng sau đó lại còn nặng nề khó chịu hơn. Điều đó xảy ra rất nhanh chóng. Hình như ngay ngày thứ ba hay thứ tư của tuần trăng mật, tôi bắt gặp vợ tôi buồn bã, bèn hỏi nàng vì sao và ôm lấy nàng, vì nghĩ là đó là tất cả những gì mà nàng muốn, nhưng nàng hất tay tôi ra và bật khóc. Vì sao? Nàng không thể nói được. Song nàng cảm thấy buồn và nặng nề. Có lẽ những dây thần kinh bị dằn vặt của nàng đã mách bảo cho nàng sự thật xấu xa trong quan hệ của chúng tôi; nhưng nàng không thể nói ra được. Tôi cật vấn nàng, thì nàng nói nàng buồn vì phải xa mẹ. Tôi cảm thấy đó không phải là sự thật. Tôi bèn dỗ dành nàng nhưng không nói gì về mẹ nàng cả. Tôi không hiểu đơn giản là nàng đau khổ, và mẹ chỉ là cái cớ thôi. Nhưng nàng bỗng nổi giận vì tôi không nhắc đến mẹ nàng, như là tôi không tin nàng. Nàng nói rằng nàng biết tôi không yêu nàng. Tôi trách nàng đỏng đảnh, khuôn mặt nàng bỗng dưng thay đổi hoàn toàn, thay cho vẻ buồn bã là sự giận dữ, rồi bằng những lời lẽ cay độc nhất, nàng trách cứ tôi về tội ích kỷ và thô bạo. Tôi nhìn nàng, cả khuôn mặt nàng biểu hiện sự lạnh lùng, thù địch và căm giận đối với tôi. Tôi nhớ mình đã kinh hoảng khi nhìn thấy điều đó. “Sao? - Tôi nghĩ. - Tình yêu là liên minh của những tâm hồn cơ mà, thế mà thay vào là cái gì đây? Không, không thể thế được, đây không phải là nàng!”. Tôi thử cố xoa dịu nàng, nhưng liền vấp phải bức tường thù địch lạnh lùng độc ác, chưa kịp quay trở lại thì sự tức giận đã xâm chiếm chính bản thân tôi, thế là chúng tôi nói với nhau cả đống những câu chẳng hay ho gì. Ấn tượng của cuộc cãi cọ đầu tiên ấy thật kinh khủng. Tôi gọi đó là cuộc cãi cọ, nhưng đúng ra đó không phải là cãi cọ, đó là sự phát hiện ra cái vực thẳm ngăn cách giữa chúng tôi. Tình yêu đã bị việc thỏa mãn nhục dục làm kiệt quệ, và chỉ còn chúng tôi đối diện với nhau trong mối quan hệ thực tế, như hai kẻ ích kỷ hoàn toàn xa lạ với nhau, kẻ nào cũng chỉ muốn giành về mình nhiều sự thỏa mãn hơn. Tôi gọi cái điều xảy ra giữa chúng tôi là cuộc cãi cọ, nhưng đó không phải là cuộc cãi cọ, mà chỉ là mối quan hệ thực tế của chúng tôi được bộc lộ ra sau khi tình dục chấm dứt. Lúc đó tôi chưa hiểu rằng mối quan hệ lạnh lùng và thù địch giữa chúng tôi là bình thường, tôi chưa hiểu điều đó bởi vì cái quan hệ thù địch đó trong thời kỳ đầu tiên rất nhanh chóng được phủ lên bởi những ham muốn, tức sự yêu đương lại được dấy lên.

Tôi nghĩ là chúng tôi cãi cọ và làm lành, và về sau những chuyện đó sẽ không xảy ra nữa. Nhưng rồi ngay trong tuần trăng mật đó, chúng tôi lại nhanh chóng thỏa mãn, lại trở nên không cần thiết cho nhau nữa và lại cãi nhau. Trận cãi cọ thứ hai làm tôi bị thương tổn nhiều hơn lần đầu tiên. Bởi thế nghĩa là trận cãi cọ lần đầu không phải là tình cờ, mà đương nhiên phải như vậy và sẽ còn như vậy. Trận cãi cọ thứ hai còn làm thương tổn tôi thêm nữa vì nó xảy ra bởi một lý do rất vô lý. Một chuyện gì đó về tiền bạc, cái mà tôi vốn không bao giờ tiếc, càng không thể nào tiếc nếu là vì nàng. Tôi chỉ nhớ nàng lúc đó hình như xoay ngược chuyện lại, làm như nhận xét của tôi thể hiện mong muốn dùng tiền bạc thống trị nàng, nhờ tiền bạc khẳng định cái quyền dường như là của riêng tôi với nàng, và điều đó là không thể được, là ngu ngốc, là tồi tệ, là không thích hợp với cả tôi lẫn nàng. Tôi nổi cáu, trách nàng nói năng bất nhã, và nàng cũng trách tôi như vậy, - thế là lại xảy ra cãi cọ. Trong lời nói và vẻ mặt của nàng tôi lại nhận ra sự thù địch lạnh lùng và tàn nhẫn đã từng làm tôi kinh hoảng trước kia. Tôi nhớ tôi đã từng cãi nhau với anh trai, với bạn bè, với cha tôi, nhưng không bao giờ giữa chúng tôi có sự căm giận đặc biệt độc địa như khi cãi nhau với vợ. Nhưng một thời gian sau, sự thù địch lại được bao phủ bởi sự yêu đương, tức ham muốn nhục dục, tôi lại tự an ủi mình là hai trận cãi nhau vừa qua chỉ là những sai lầm có thể sửa chữa được. Nhưng rồi đến trận thứ ba, trận thứ tư, và tôi hiểu ra rằng đó không phải là chuyện tình cờ, mà đương nhiên phải như vậy, sẽ là như vậy, tôi kinh hoảng nghĩ đến những gì chờ đợi tôi trong tương lai. Tôi còn bị dằn vặt bởi ý nghĩ rằng chỉ có mình sống một cách tồi tệ với vợ, trong khi những người khác không có chuyện đó. Lúc đó tôi còn chưa biết rằng mọi người đều giống tôi cả, ai cũng nghĩ bất hạnh của mình là cá biệt, nên đều che dấu cái bất hạnh cá biệt đáng hổ thẹn ấy, không chỉ với người khác mà ngay cả với chính mình, tự mình cũng không dám thừa nhận nỗi bất hạnh ấy.

Tất cả bắt đầu từ những ngày đầu tiên và tiếp diễn suốt về sau, càng ngày càng ghê gớm và sâu sắc hơn. Trong thâm tâm, ngay vào những tuần đầu tiên tôi đã cảm thấy mình bị mắc vào bẫy, rằng mọi chuyện đã diễn ra không như tôi mong đợi, rằng hôn nhân không những không phải là hạnh phúc, mà còn là cái gì đó rất nặng nề. Nhưng tôi, cũng như những tất cả mọi người khác đều không muốn thú nhận với mình (tôi cũng sẽ không dám thú nhận ngay cả bây giờ, nếu như không xảy ra cái kết cục ghê gớm kia), và che dấu nó không chỉ với người khác mà với cả chính mình. Bây giờ, tôi ngạc nhiên thấy tại sao mình lại không nhìn ra tình trạng thực sự của mình lúc đó. Có thể dễ dàng nhìn ra tình trạng đó, bởi vì các cuộc cãi cọ bắt đầu từ những nguyên cớ mà sau đó, khi cãi cọ qua đi, thì không tài nào có thể nhớ chúng là những gì. Lý trí không kịp tạo ra những nguyên cớ cho sự thù địch kéo dài thường xuyên giữa chúng tôi. Nhưng đáng sợ hơn nữa là không có đủ cả những lý do để làm lành với nhau. Đôi khi thì có những lời lẽ, những giải thích, thậm chí cả nước mắt, song đôi khi thì... trời ơi! nhớ lại bây giờ thật ghê tởm - sau những lời ác độc nhất đối với nhau, bỗng nín lặng nhìn nhau, rồi mỉm cười, rồi hôn nhau, ôm nhau... Hừ! thật đê tiện! Sao mà tôi lại không nhìn ra tất cả sự xấu xa của những trò đó khi ấy cơ chứ.

XIII

CÓ HAI HÀNH KHÁCH mới vừa lên và ngồi vào một băng ghế cách xa chỗ chúng tôi. Pozdnyshev im lặng trong khi họ thu xếp chỗ ngồi, đến khi họ vừa ngồi yên, anh ta liền tiếp tục, rõ ràng không muốn bị cắt đứt dòng suy nghĩ của mình một giây phút nào.

- Điều độc hại chủ yếu là: trên lý thuyết thì tình yêu là cái gì đó lý tưởng, còn trên thực tế, tình yêu là cái gì đó xấu xa, đồi bại, nghĩ về nó là cảm thấy ghê tởm và hổ thẹn. Không phải vô cớ mà thiên nhiên tạo cho chuyện đó phải đáng ghê tởm và hổ thẹn. Nếu như nó đáng ghê tởm và hổ thẹn thì phải coi là như thế. Thế nhưng ở đây ngược lại, con người biến cái đáng ghê tởm và hổ thẹn thành tuyệt vời và cao cả. Những biểu hiện đầu tiên của tình yêu của tôi là như thế nào ư? Tôi phó mặc mình cho những ham muốn thú vật, không những không hổ thẹn, mà lại còn tự hào về chúng, lại không hề đoái hoài gì đến tinh thần cũng như thể xác của nàng. Tôi cứ ngạc nhiên, do đâu mà có sự căm hận giữa chúng tôi như vậy, mà điều đó thực ra rất dễ hiểu: sự căm hận đó không là gì khác ngoài sự phản ứng của bản chất tự nhiên con người chống lại cái thú tính đang chèn ép lên nó.

Tôi ngạc nhiên về sự thù hận giữa nàng và tôi. Nhưng hóa ra đó là điều không thể nào khác được. Đó là sự thù hận giữa hai kẻ đồng lõa trong một tội ác - vừa xúi giục vừa tham gia gây tội ác. Sao không phải là tội ác được, khi mà nàng, cô vợ tội nghiệp, có mang tháng đầu tiên, mà mối quan hệ bẩn thỉu giữa chúng tôi vẫn tiếp tục? Ngài nghĩ rằng tôi nói lạc đề rồi ư? Không đâu! Đó là tôi vẫn đang kể chuyện tôi giết vợ tôi như thế nào đấy. Lúc ra tòa, người ta hỏi tôi giết vợ như thế nào, bằng cái gì. Đúng là lũ ngu ngốc! họ tưởng tôi giết nàng bằng dao vào ngày hôm đó, ngày 5 tháng 10. Tôi không giết nàng vào hôm đó đâu, mà giết nàng từ lâu trước đó rồi. Cũng hệt như bây giờ người ta đang giết hại, tất cả bọn họ, tất cả...

- Nhưng giết bằng gì? Tôi hỏi.

- Đó mới đáng ngạc nhiên đấy, rằng không ai muốn hiểu ra một điều rất rõ ràng và hiển nhiên, điều mà các bác sĩ lẽ ra phải biết và phải quảng bá, nhưng mà họ lại câm lặng. Mà điều đó thật giản đơn vô cùng. Đàn ông và đàn bà được tạo ra, cũng như các loài cầm thú, sau tình yêu xác thịt là bắt đầu sự thai nghén, sau đó là nuôi con. Trong tình trạng đó quan hệ tình dục có hại cho cả người phụ nữ lẫn đứa bé. Số lượng đàn ông và số lượng đàn bà bằng nhau. Thế thì phải làm gì? Có lẽ đã quá rõ ràng. Chẳng cần là nhà thông thái mới có được cái kết luận mà lũ cầm thú cũng có được, tức là phải kiêng cữ chuyện đó. Khoa học nay tiến bộ đến độ đã phát hiện ra được các bạch cầu chạy trong máu và đủ thứ xuẩn ngốc khác nữa, thế mà chuyện này thì lại chẳng hiểu gì cả. Ít nhất là cũng chưa bao giờ nghe thấy các nhà khoa học nói về nó.

Và thế là phụ nữ chỉ còn hai lối thoát:là biến mình thành kẻ tàn tật, hủy diệt trong mình cái khả năng làm phụ nữ, nghĩa là làm mẹ, để cho đàn ông có thể được yên ổn và thường xuyên hưởng khoái lạc; hoặc là lối thoát thứ hai, thực ra cũng chẳng phải là lối thoát, mà là một sự vi phạm thô bạo quy luật của tự nhiên, xảy ra trong tất cả mọi gia đình được gọi là lương thiện hiện nay: người phụ nữ đi ngược lại với tự nhiên, phải một lúc vừa mang thai, vừa nuôi con, vừa làm tình nhân cho chồng, điều mà không một loài vật nào có thể làm được. Và sức lực không có đủ. Bởi vậy mà mới có những chứng loạn thần kinh ittêri trong giới phụ nữ thượng lưu, còn phụ nữ nông dân thì có bệnh “ma ám”. Ngài để ý mà xem, các cô gái còn trinh trắng có bị “ma ám” đâu, cái đó chỉ có ở các mụ nạ dòng, những mụ đang sống cùng với chồng. Ở ta là như vậy. Ở châu Âu cũng hệt như vậy thôi. Trong tất cả các bệnh viện thần kinh đều tràn ngập phụ nữ đã vi phạm quy luật tự nhiên. Những bà bị chứng “ma ám” với các bệnh nhân tâm thần của giáo sư Charcot(11) bị coi là những kẻ tàn phế hoàn toàn, nhưng còn những kẻ tàn phế một nửa thì đầy rẫy trong thế giới này. Cứ nghĩ mà xem, người phụ nữ mang sứ mệnh cao cả như thế nào khi họ mang bào thai trong mình, rồi nuôi nấng đứa trẻ được sinh ra. Thế hệ kế tục, thay thế chúng ta sẽ lớn lên. Thế mà cái sứ mệnh thiêng liêng đó bị phá vỡ, bởi vì cái gì? Nghĩ mà kinh khiếp! Thế mà họ còn lý giải về tự do, về các quyền lợi của phụ nữ. Chẳng khác nào lũ ăn thịt người nuôi nấng những con người trong tù để ăn thịt, đồng thời lại quả quyết là chúng quan tâm đến tự do và quyền lợi của họ.

11. Jean Martin Charcot, (1825-1893) bác sĩ người Pháp, một trong những người sáng lập ra khoa thần kinh học và liệu pháp tâm lý (ND).

Tất cả những cái đó với tôi rất mới lạ và làm tôi sửng sốt.

- Sao lại thế được? Nếu như vậy, thì hóa ra, chỉ có thể yêu vợ một lần trong hai năm, thế còn đàn ông...

- Đàn ông cần phải có chuyện đó chứ gì - Anh ta cướp lời. - Lại một thứ giáo điều của các ngài đang phụng sự cho khoa học. Tôi chỉ muốn bắt các ngài phù thủy ấy thực hiện thử các nghĩa vụ của những người phụ nữ mà theo họ là cần thiết cho đàn ông, xem họ lúc đó nói sao. Cứ xúi giục con người ta, rằng anh ta cần rượu vốtka, cần thuốc lá, cần thuốc phiện, và thế là tất cả các thứ đó thành cần thiết, không thể thiếu được. Thành ra, đến Chúa cũng không biết được con người phải cần cái gì, và bởi Chúa không chịu đi hỏi các ngài phù thủy ấy, nên mới làm thế giới thành ra tồi tệ thế này. Đàn ông có nhu cầu và cần phải thỏa mãn nhục dục, nhưng việc sinh nở và nuôi con làm cản trở việc thỏa mãn nhu cầu đó. phải làm sao bây giờ? Chạy đến các ngài bác sĩ phù thủy, họ sẽ thu xếp được hết. Và họ nghĩ ra đủ thứ. Ôi, bao giờ cái lũ phù thủy ấy mới bị hạ bệ cùng với những trò lừa đảo của mình? Đã đến lúc rồi đấy! Người ta đến phát điên lên và nã súng vào óc mình, và tất cả đều do đó mà ra. Còn có cách nào khác được chăng? Những loài cầm thú dường như biết rằng con cái sẽ tiếp tục nòi giống của chúng, và vì vậy tuân theo những luật lệ riêng trong chuyện này. Chỉ có con người mới không biết và không muốn biết điều đó, chỉ quan tâm đến mỗi chuyện làm sao có được nhiều khoái lạc hơn. Mà đàn ông là vua của tự nhiên đấy. Ngài để ý thấy đấy, loài vật chỉ giao cấu với nhau khi đến mùa sinh đẻ, còn ông vua của tự nhiên thì làm chuyện ấy bất cứ lúc nào thấy thích. Lại còn trang hoàng châu ngọc cho cái chuyện thú vật ấy, gọi nó là tình yêu. Nhân danh tình yêu đó mà hủy hoại cả một nửa nhân loại, biến họ từ những trợ thủ trên con đường đi tới chân lý và hạnh phúc của loài người thành những kẻ thù của tiến bộ và phát triển. Hãy nhìn xem, cái gì ở mọi nơi mọi chỗ đều cản trở tiến bộ của con người? Phụ nữ. Tại sao họ lại như thế? Chỉ vì chuyện đó thôi. Vâng, vâng. - anh ta nhắc đi nhắc lại, cựa quậy mình, châm thuốc hút, hẳn là muốn lấy lại chút bình tĩnh.

XIV

- TÔI ĐÃ SỐNG TỒI TỆ NHƯ THẾ. - Anh ta tiếp tục. - Tồi tệ nhất là trong khi sống cuộc sống tồi tệ đó, tôi vẫn luôn tưởng rằng vì mình không theo đuổi những người phụ nữ khác nên đang sống cuộc sống gia đình chân chính, rằng mình là người đạo đức, rằng mình không hề có lỗi gì, mọi cuộc cãi cọ giữa chúng tôi là do lỗi của nàng, do tính khí của nàng.

Người có lỗi cố nhiên không phải là nàng. Nàng cũng như phần lớn phụ nữ khác thôi. Nàng được giáo dục như bất kỳ người phụ nữ nào trong giới thượng lưu. Bây giờ người ta hay nói về vấn đề giáo dục phụ nữ theo hệ thống mới nào đó. Tất cả chỉ là những lời nói rỗng tuếch mà thôi. Giáo dục phụ nữ phải xuất phát từ quan điểm chân chính, không hề giả tạo đối với phụ nữ.

Thế nhưng việc giáo dục phụ nữ vẫn luôn xuất phát từ quan điểm của đàn ông. Chúng ta đều biết đàn ông nhìn vào phụ nữ như thế nào: “Rượu, phụ nữ và âm nhạc”, các thi sĩ viết như thế trong thơ ca. Hãy đọc tất cả thơ ca của mọi thời đại, hãy xem mọi tác phẩm hội họa, điêu khắc, từ những bài thơ tình yêu, đến những bức tranh, bức tượng nàng Vệ Nữ, nàng Phyrnes khỏa thân, ngài sẽ thấy rõ là phụ nữ, từ thượng lưu đến hạ lưu đều chỉ là công cụ của khoái lạc mà thôi. Hãy để ý trò láu cá của quỷ sứ mà xem: chẳng bao giờ người ta lại bảo thẳng rằng phụ nữ là miếng mồi ngon ngọt cho sự thỏa mãn khoái lạc. Không đâu, ngày xưa các chàng hiệp sĩ quả quyết là họ tôn thờ phụ nữ (tôn thờ, song vẫn xem phụ nữ là công cụ của khoái lạc). Còn bây giờ thì người ta quả quyết là họ kính trọng phụ nữ. Một số người nhường chỗ, nâng váy cho các quý bà. Những người khác công nhận phụ nữ có quyền nhận mọi trọng trách trong xã hội, tham gia điều khiển xã hội, vân vân... Nhưng cho dù có nghĩ gì làm gì đi chăng nữa thì quan điểm của đàn ông với phụ nữ vẫn chỉ là một: phụ nữ vẫn chỉ là công cụ của khoái lạc mà thôi. Và phụ nữ cũng nhận thức rõ điều đó. Thân phận phụ nữ chẳng khác gì với thân phận nô lệ. Tình cảnh nô lệ là tình cảnh một số kẻ hưởng thụ bằng việc cưỡng bức lao động người khác. Để xóa bỏ tình cảnh nô lệ thì phải làm cho người ta không còn muốn hưởng thụ trên sức lao động bị cưỡng bức của người khác nữa, xem đó là điều tội lỗi, điều đáng hổ thẹn. Người ta đã đưa ra những cải cách về hình thức, không cho phép mua bán nô lệ, và tưởng rằng chế độ nô lệ không còn nữa. Họ không nhìn thấy, hay không muốn nhìn thấy rằng thực chất chế độ nô lệ đó vẫn đang tiếp tục tồn tại, bởi vì người ta vẫn còn thích sử dụng lao động của người khác và cho rằng như thế là công bằng hợp lý. Một khi người ta còn cho rằng điều đó là hợp lý thì sẽ luôn có những kẻ mạnh hơn hay khôn khéo hơn người khác biết cách biến ý thích thành hành động. Chuyện giải phóng phụ nữ cũng y như vậy. Phụ nữ bị nô lệ khi người ta thích sử dụng họ như công cụ của khoái lạc và coi đó là hợp lý. Người ta nói chuyện giải phóng phụ nữ, chuyện trao cho họ quyền nọ quyền kia ngang bằng với đàn ông, thế nhưng vẫn coi họ là công cụ khoái lạc và giáo dục họ như thế từ thuở bé, và khi họ lớn lên thì dư luận xã hội lại tiếp tục bảo ban họ như thế. Và như vậy, người phụ nữ vẫn là kẻ nô lệ trụy lạc nhục hèn, còn đàn ông luôn là kẻ chủ nô trụy lạc của họ.

Người ta giải phóng phụ nữ trong các trường học và các bệnh viện, nhưng vẫn nhìn họ như trước kia. Ở ta, người ta dạy cho họ nhìn vào bản thân mình cũng với quan điểm đó, và họ mãi mãi là vật thể hèn mọn

Trường học không thể làm thay đổi được điều đó. Muốn thay đổi điều đó thì phải thay đổi cái nhìn của đàn ông đối với phụ nữ và thay đổi cái nhìn của phụ nữ về chính bản thân mình. Điều đó chỉ được thay đổi khi phụ nữ thấy rằng tình trạng tốt đẹp nhất của họ là ở thời con gái, chứ không phải như hiện nay cho rằng tình trạng tốt đẹp đó là ở thời kỳ đáng hổ thẹn và nhục nhã. Trong khi điều đó chưa thực hiện được, thì lý tưởng của các cô gái, cho dù có học thức đến đâu đi chăng nữa, cũng chỉ là lôi kéo sao cho được nhiều hơn đàn ông, sao cho có nhiều hơn những con trống để có thêm nhiều khả năng lựa chọn hơn mà thôi.

Chứ còn nếu cô này giỏi toán, bà kia giỏi đàn thì cũng chẳng làm thay đổi được điều gì. Người phụ nữ bây giờ chỉ hạnh phúc và đạt được mọi điều mong ước khi cô ta làm cho đàn ông mê đắm. Và vì thế mà nhiệm vụ chủ yếu của phụ nữ là biết cách làm mê đắm đàn ông. Thời con gái là như thế, đến khi lấy chồng rồi cũng là như thế. Cô gái chưa chồng cần điều đó cho việc lựa chọn chồng, còn phụ nữ có chồng thì cần nó để thống trị chồng.

Chỉ có một thứ có thể ngăn chặn hay ít nhất là hạn chế được cái xu hướng trên là con cái, và phụ nữ sẽ không còn là phế nhân nữa nếu như họ tự mình nuôi nấng con cái. Thế nhưng lại có bọn bác sĩ xen vào.

Vợ tôi là người cũng muốn tự nuôi con và đã nuôi năm đứa con sau bằng sữa mẹ, nhưng khi mới sinh đứa đầu lòng thì nàng không được khỏe. Các bác sĩ, những kẻ đã cởi váy áo xem xét khắp mình nàng, và vì việc đó mà tôi phải mang ơn và trả tiền cho họ, những ngài bác sĩ đáng mến đó đã ra lệnh là nàng không được cho con bú nữa. Thế là theo mệnh lệnh đó, vợ tôi bị tước luôn phương tiện duy nhất có thể giúp nàng thoát khỏi thói đỏng đảnh. Chúng tôi thuê vú nuôi, nghĩa là đã lợi dụng sự đói khổ, bần hàn và thất học của một người phụ nữ mà bắt chị ta phải rời xa đứa con mình để đến nuôi con chúng tôi, rồi bù lại chúng tôi cho chị ta cái mũ trùm đầu và mấy cái vòng tay lòe loẹt. Nhưng vấn đề không phải ở đó, vấn đề là ở chỗ trong thời gian vợ tôi được rảnh rỗi không phải mang thai và nuôi con, trong nàng xuất hiện mạnh mẽ thói đỏng đảnh mà trước đó tưởng đã ngủ quên đi. Còn trong tôi, cùng với chuyện đó, xuất hiện sự ghen tuông khốn khổ, cũng mạnh mẽ y như thói đỏng đảnh của nàng, và nó không ngừng giày vò tôi t thời gian chung sống với vợ. Sự ghen tuông đó giày vò tất cả mọi đức ông chồng khác, những kẻ cũng giống như tôi đã đang sống cuộc sống vô đạo đức cùng với vợ mình.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx