sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Ăn Món Việt Với Tây

Còn gì thích bằng ăn hải sản ngoài trời ở biển Bình Thuận!

Có điều mới ăn được năm phút trời mưa, làm cả khách lẫn tiếp viên phải bưng thức ăn chạy>Miếng bánh ram được chiên vàng ruộm, những bong bóng phồng trên mặt hứa hẹn cảm giác giòn tan khi cắn. Bên trên là bánh ít trần tròn trĩnh trắng mượt mà, mặt phủ lớp tôm tươi chấy đỏ. Tôi hí hửng chan một muỗng nước mắm trong vắt, có thả mấy lát ớt xanh vào cặp bánh ram - ít nhỏ nhắn, xắn một miếng cho vào miệng. Trên bàn bốn người bày thêm một dĩa bánh lá (hay còn gọi là bánh nậm) mỏng manh nổi bật trên sắc xanh của lá dong luộc; một dĩa chả tôm xắt miếng bằng hai ngón tay cái, phớt một lớp tròng đỏ trứng vịt nhìn đã thấy ngon mắt; một dĩa bánh bột lọc còn nguyên trong lớp lá chuối gói nhưng hứa hẹn những miếng bánh trong vắt nóng hổi khi bóc ra thấy nguyên con tôm đỏ au bên trong và miếng thịt ba chỉ nhỏ giòn sần sật. Một dĩa, không một rá thì đúng hơn, bánh bèo chén nhỏ bằng miệng ly, cũng rải tôm chấy và tóp mỡ uốn cong như trăng lưỡi liềm. Tất cả chỉ cho... một mình tôi ăn.

Đúng vậy, bàn bốn người nhưng bữa dạ tiệc bánh Huế chỉ cho một mình tôi ăn. Ba ông bạn ngồi nhìn món bánh với cặp mắt thềm thuồng, chốc chốc lại nhấp một ngụm Diet Coke cho lại sức rồi ngó lơ ra đường phố để tránh phải nhìn tôi ăn uống một cách chí thú. Đó là Alastair, Nigel, và Dave, những người bạn Anh, cùng đến Việt Nam trong chuyến tôi về thăm nhà cuối năm 2008. Một chút áy náy thoáng qua, chỉ một chút thôi, rồi tôi lại tiếp tục “tấn công” những miếng bánh nậm cuối cùng trước khi uống hớp sô đa chanh đường và nói: “Đi, bây giờ mấy chiến hữu muốn đi ăn ở đâu thì đi”.

Đọc đến đây, có lẽ các bạn sẽ chê ba anh làm phách, qua Việt Nam mà không chịu ăn thức ăn địa phương. Tôi phải minh oan ngay, thật ra ba anh này vốn có suy nghĩ rất quốc tế: đi đến đâu ăn thức ăn địa phương ở đó, không chê bai thức ăn bản địa, không khăng khăng đòi ăn pizza, hamburger, khoai tây chiên như nhiều du khách Mỹ và rất chịu lăn lóc theo kiểu du lịch ba lô. Tuy nhiên, chuyến về Việt Nam kỳ này do tôi không lường trước “chuyện an toàn thực phẩm” ở quê nhà yêu dấu nên để cho cách anh ăn uống thí mạng ngoài đường. Mới một tuần lễ đã làm mỗi anh sụt vài ký vì ngộ độc thức ăn, đau bụng đủ thứ, đến nỗi như con chim bị bắn sợ cành cong không dám đụng tới thức ăn bản xứ nữa, cho tới chừng nào hồi phục hoàn toàn.

Vậy thì bạn sẽ chê tôi không hiếu khách, dẫn bạn về Việt Nam lại chọn món người ta ăn không được. Tôi lại phải minh oan ngay, nếu tôi sống ở Việt Nam và mấy anh bạn qua thăm, tôi sẽ theo ba anh đi ăn mì Ý, ăn pi bít tết, muốn đi đâu tôi cũng sẵn sàng. Nhưng tôi chỉ về Việt Nam có vài tuần, phải ăn vội ăn vàng những món địa phương khoái khẩu để những ngày mưa phùn ở Anh ngồi nhớ lại cho đỡ thèm. Và vì đây là chuyến đi Huế đầu tiên của cả bốn đứa nên không ai biết đường, đành phải đi chung để khỏi lạc. Bởi vậy mới có cảnh một mình tôi tả xung hữu đột trước một bàn bày đầy những món bánh ngon lành.

Thông thường, khi người nước ngoài viết về món ăn Việt Nam thường nhắc tới với những tình cảm trìu mến, khen ngợi hết lời, làm ngay cả người Việt đọc cũng thấy thèm chảy nước miếng. Nhưng những món ăn được đề cập tới gần như 90% là phở và chả ram (theo tiếng miền Trung, còn gọi là chả giò ở miền Nam và nem ở miền Bắc), thỉnh thoảng thêm món cà phê sữa đá hoặc bánh mì kẹp chả và patê, vì đây là những món Việt Nam kinh điển, dễ ăn phù hợp với khẩu vị phương Tây và tương đối lành. Bởi vậy lần nào có dịp trổ tài nấu thức ăn Việt tôi cũng nhắm tới hai món phở và chả ram cho “chắc cú”, vì gần như mười lần như chục lúc nào cũng được khen (khen thật chứ không phải khen giả bộ khách sáo, vì tôi biết bạn bè mình không ngon là nói liền).

Lần về Việt Nam vừa rồi, biết tôi thích sầu riêng mẹ tôi mua mấy ký về lột vỏ để tủ lạnh. Tôi nói với mấy anh chàng đang nhìn tò mò “Khó ăn lắm, Tây không ăn được đâu”. Họ tưởng tôi nói vậy để ăn hết một mình. Vả lại trước đó, các anh ăn trái mít, trái vải, trái măng cụt lạ đều khen ngon quá chừng, nên hi vọng món sầu riêng lần nay cũng thế. Vừa đưa miếng sầu riêng vào miệng, mặt ai cũng biến sắc, có mẹ tôi ở đó nên không dám nhả ra, nhưng nuốt vào thì không chịu nổi, cũng ngây cổ ra nuốt. Dave nói trước, giọng có phần thều thào “Sao trái cây gì ăn giống cá ươn vậy?”.

Khả năng nấu thức ăn Việt của tôi ở nước ngoài đúng nghĩa “chột làm vua xứ mù”. Về nhà chắc khó cạnh tranh được với ai nhưng ở đây gần như lần nào cũng được khen nức nở. Có lần tôi chiên chả ram nhân tôm, trứng gà, cà rốt và nấm băm nhỏ (không có nấm mèo mộc nhĩ như ở Việt Nam nên dùng tạm chestnut mushroom [1] màu nâu), trong lần về thăm ba mẹ Alastair - lúc đó là bạn học chung Đại học Southampton. Nhà anh không có nước mắm nên chỉ chấm tương ớt cà chua cũng rất ngon. Mọi người, đặc biệt ba của anh ăn rất mê mải và sau khi ăn hết còn xuống chảo vét những miếng vụn chiên còn sót lại.

[1] chestnut mushroom: nấm hạt dẻ, một loại nấm màu nâu đỏ có vị nhưạc

Như thế này mà về nhà mẹ tôi, ăn chả ram mẹ tôi chiên với tôm tươi băm lẫn tôm khô, thịt heo xay, hành tím, có để thêm một cọng hành xanh mướt, chiên giòn chấm với nước mắm mẹ làm thì hẳn mọi người chết mê chết mệt. Xa nhà, tôi vẫn hay nhớ món nước mắm của mẹ tôi, với tỏi và chanh ớt nổi đặc quánh trên mặt, hứa hẹn cảm giác chua cay mặn ngọt đê mê đầu lưỡi, chấm chả ram cũng ngon, chan lên gỏi ngó sen kèm bánh phồng tôm cũng tuyệt vời. Nếu ăn với nghêu hoặc ốc bươu luộc phải thêm gừng cay nồng nàn kèm lá rau răm ướt rượt thì rất “bắt”.

Nhưng thôi, biết đâu ăn thức ăn Việt Nam chính hiệu rồi họ quay lại chê món tôi nấu thì sao. Như anh chàng Alastair sau khi qua Việt Nam hai lần bắt đầu dè dặt so sánh tôi nấu “chưa bằng” mẹ, làm tôi quê độ bảo “không ăn thì nhịn nhé”. Cũng trong chuyến về Việt Nam kỳ vừa rồi, ba anh ăn ở nhà tôi mấy ngày bụng dạ không việc gì hết, chỉ cần “thả” ra đường một buổi là về rên hừ hừ. Sau khi đi địa đạo Củ Chi về, các anh than thở mệt xỉu, vì cả ngày thanh niên trai trẻ, lại là Tây sức ăn nhiều mà chỉ được tour du lịch phát cho một trái thanh long và mấy miếng khoai mì luộc trộn dừa nạo muối mè. Mẹ tôi tội nghiệp đã đãi con gái út đi xa về và “mấy thằng bạn nó thấy cũng dễ thương” - như lời mẹ tôi khoe với người quen - một bữa no nê. Đó là bữa ăn “hoành tráng” với tôm hấp bia, mỗi con to bằng nửa bàn tay, nghêu mập núc ních xào hẹ, chả cá thác lác và lẩu hải sản. Các anh ăn lấy ăn để và khen không ngớt lời. Sau này nhỏ em họ của tôi mới méc “Anh kia ảnh thích nghêu quá kéo đĩa nghêu lại gần mình để ăn, tưởng không ai thấy ai dè em thấy”.

Nhà tôi đâu biết ở Anh ăn thịt cừu thị gà thì rẻ nhưng hải sản mắc như vàng. Để có hải sản tươi thường phải đi du lịch về vùng biển. Tôi hay thèm ăn cá ngừ kho với nhiều tiêu ớt, sớ cá chắc nịch vì kho đi kho lại nhiều lần, nước cá mặn đậm đà, mà hồi ở Việt Nam tôi hay chan bún ăn sáng sau khi dầm thêm ớt tươi, mặc dù nồi cá đã lấp xấp ớt đỏ. Nhưng nơi tôi ở hiện giờ không có cá ngừ như ở Việt Nam, chỉ có loại cá ở nhà mình gọi là cá ngừ đại dương. Thỉnh thoảng chúng tôi mới mua về một ít xắt mỏng làm món sushi hoặc sashimi kiểu Nhật. Nếu làm kiểu “chém to kho mặn” như ở Việt Nam chắc phải cả triệu đồng một nồi kho. Dân Anh lâu lâu mới có điều kiện đi ăn hải sản ở nhà hàng một lần, vì Anh chỉ có một là takeaway bán fish & chips hoặc kebabs, hai là quán bia bán thức ăn kèm không khởi sắc cho lắm, ba là nhà hàng haute cuisines ngon nhưng rất đắt đỏ. Riêng tôi chỉ dám ăn khi đi công tác và được công ty tiền thôi.

Pháp giống Việt Nam ở chỗ có rất nhiều quán ăn đơn giản nhưng không kém phần ngon so với những quán sang trọng đắt tiền, thậm chí ngon hơn. Ở Paris có bistros, ở Lyons có bouchons, và gần như trên khắp nước Pháp đâu cũng có những nhà hàng relais routiers giản dị trải khăn kẻ carô. Nhắc tới Pháp, tôi đoán có lẽ người Pháp dễ thích nghi với món Việt nhất. Pháp thường dùng nhiều tỏi để phi dầu mỡ, cũng có những món như ốc hoặc thịt ếch mà Châu Âu chỉ có Pháp hay ăn, không nước nào dám đụng tới (bởi vậy dân Anh mới gọi dân Pháp là frogs, hai nước láng giềng này vốn nổi tiếng hay nói xấu nhau đủ điều). Tôi chỉ mới được ăn thịt ếch nướng muối ớt một lần tại sinh nhật một người bạn ở Sài Gòn, mơ ước một lần ăn canh ếch nấu lá lốt như trong truyện Hành trình ngày thơ ấu. Về Việt Nam tôi có ý tìm nhưng hình như món này chỉ có trong những bữa cơm gia đình ở quê như trong truyện trên có viết “Ở làng này, người ta thích ăn canh cua, canh lươn và canh ếch. Canh cua cho rau răm, hành, còn canh ếch cho măng cụt tước nhỏ và ớt chỉ thiên. Món nấu ở làng quê đơn giản vì người ta còn vội làm nhiều việc khác. Nhưng nhất thiết phải tươi và nóng. Bưng nồi canh ra, mở vung là hơi phà lên mù mịt, mùi lá thơm bốc lừng nhà, thế mới đạt tiêu chuẩn”, rồi “Mùi canh ếch bốc lên ngào ngạt. Những miếng thịt ếch còn tươi rói nên vừa trắng vừa ngọt. Tuy không có mì chính, chỉ nêm tương ăn cũng tuyệt vời. Chỉ có một điều đáng tiếc là canh rất cay, tôi ăn ớt chưa quen nên ho sặc sụa”. Nhưng thôi, nói tới đây lại thèm.

Thông thường khi đi du lịch ở đâu, tôi chỉ ăn thức ăn bản xứ, nhưng vì chuyến đi Paris năm đó tôi có đi gặp bạn ở Place d’Italie gần quận 13 nơi nhiều người Việt ở, lại có anh bạn Daniel đi theo chưa từng dùng món ăn Việt ở quán, nên tôi quyết định phá lệ một lần. Chúng tôi ghé vào một quán ăn nhỏ, tôi nhớ mang máng hình như trên đường Tolbiac. Khi vào mới biết quán mở những bản nhạc Việt rên rỉ khóc than, phổ biến vào khoảng thập niên 1980, mặc dù thời điểm đó đã qua thế kỷ 21 được mấy năm.

Anh bạn kêu một dĩa bánh cuốn chả lụa, còn tôi nhìn quanh quất trên tường thấy ghi “Đặc sản: bò bún”. Chắc mẩm đây là bún bò, tôi hỏi chủ quán, một người đàn ông - mặt mày nhăn nhó như thể bị vợ ép buộc chạy bàn: “Phở ngon hơn hay món kia - chỉ lên tường - ngon hơn vậy chú?”. Ông nhún vai, mặt vẫn nhăn nhó: “Phở là phở mà bò bún là bò bún, sao tui biết”. Tôi gọi đại món “bò bún”, lúc bưng ra bàn mới biết đây là bún thịt nướng. Có lẽ đó là tô bún thịt nướng dở nhất tôi từng được ăn. Đượcũa tôi bỏ ngang, đòi ăn thử món bánh cuốn của Daniel, cũng dở không kém. Tôi ngán ngẩm đưa cả tô bún cho anh bạn, sau đó ra quán cà phê mua bánh croissant rìa giòn ăn với café au lait bốc khói nóng sực tay.

Daniel ăn cả hai món một cách ngon lành, tôi đoán chỉ vì anh chưa bao giờ ăn món này một cách “chính thống”, nên không biết món ăn Việt mình đang ăn được nấu tệ đến chừng nào. Miếng chả lụa trắng bệch bở như miếng bột, không có mùi vị gì, chỉ làm tôi nhớ quá chừng khúc chả lụa Thành Diên Khánh gói lá chuối buộc thanh lạt. Khi luộc xong lá còn xanh rờn, dùng dao xắt thấy miếng chả hiện ra trắng hồng mỡ màng ngon mắt, cắn ngập một miếng nghe mùi thịt heo nạc pha lẫn nước mắm thơm tho. Thỉnh thoảng răng cắn vào tiêu đen còn nguyên hột lan trên lưỡi cảm giác cay nồng dễ chịu.

Từ đó về sau, dù ở Anh hay đi du lịch tôi cũng không bao giờ vào nhà hàng Việt Nam. Mặc dù biết như vậy là hơi cực đoan, vì vẫn có nhiều nhà hàng Việt ở nước ngoài làm ăn đàng hoàng. Lần duy nhất sau đó tôi có dẫn bạn vào nhà hàng Việt ở Southampton (Anh) đúng dịp sinh nhật để ăn gỏi, chạo tôm nướng mía và bò né. Nơi đây làm việc lịch sự hơn quán tôi lỡ vào ở quận 13 Paris gấp nhiều lần, nhưng khi trò chuyện mới biết chủ nhà hàng là người Anh gốc Hoa gốc Việt ( nghĩa là Hoa kiều Anh lúc trước có sống ở Chợ Lớn). Vì thế món ăn cũng mang hơi hướng món ăn Hoa hơn món ăn Việt, không đủ làm tôi thoả mãn cơn thèm vị nước mắm trong thức ăn quê nhà.

Những nơi tôi từng sống ở Anh: trước là Southampton, sau tới Highgate ở London, rồi Windsor và bây giờ quay lại Highgate ở London, không nơi nào có nhiều người Việt. Gần nhà tôi ở có một siêu thị Châu Á cạnh sân động Wembley bán hàng hoá Việt nhưng không phong phú bằng ở Hackney, phiền một nỗi Hackney xa hơn nhiều. Đó là một khu đông người Việt sinh sống ở phía Bắc London và cũng được “vinh hạnh” nằm trong danh sách một trong mười khu tệ nhất cả nước Anh. Nghe đồn Việt kiều Anh khét tiếng trồng cần sa trên bệ cửa sổ nhà, chẳng biết thực hư ra sao nhưng nghe cũng ngán ngẩm.

Mỗi lần tới Hackney, thấy xe cộ bóp còi không khác gì ở Việt Nam nên vài tháng tôi mới đi một lần. Vào siêu thị Việt trên đường Mare mua vội mì gói, gạo nếp, nước mắm, bánh phở, mắm tôm, cua ghẹ đông lạnh, cá cơm đông lạnh, nghêu đông lạnh, mực đông lạnh rồi về. Những món đông lạnh này toàn là những loại ngon nhất ở Việt Nam để dành xuất khẩu, nhưng ngon mấy thì ngon cũng không ằng thức ăn tươi sống còn giãy đành đạch ở chợ quê nhà.

Tôi thường làm biếng nấu thức ăn Việt, toàn ăn món Tây cho nhanh. Kỷ lục hơn nửa năm không ăn cơm là chuyện bình thường, nhưng trong tủ bếp lúc nào cũng có một ngăn riêng chất đầy đồ khô Việt Nam. Hồi còn đi học, tôi nướng mực khô trong bếp, cô bạn chung nhà Janette thấy con mực còn cả đầu râu ria sợ chết khiếp, còn anh chàng Paddy mỗi lần thấy lại chọc “Uyên ăn con bạch tuộc”.

Lần nọ thèm quá không chờ đến lúc mọi người ra khỏi nhà, tôi lôi cà pháo mắm nêm mới mua trong hũ ra ăn, Alastair ngồi ăn mì spaghetti bên cạnh không nói năng gì, còn hỏi ăn gì cho ăn với. Tôi gắp cho miếng cà giòn ngâm mắm nêm. Anh cũng ăn tỉnh bơ, tôi ngạc nhiên hỏi thì được biết bữa đó anh chàng bị cảm, nghẹt mũi không ngửi được mùi. Bởi vậy, lần sau tôi ăn món đó anh chạy dài, trước khi chạy còn hỏi mùi gì nghe sợ quá vậy. Nhưng dần dần Alastair không còn nhận ra mùi mắm trong món ăn, cũng không còn kêu sao tôm khô dai quá và trở thành “fan” rất nhiệt tình của món lạp xưởng tôm Sóc Trăng mà anh Hai tôi lâu lâu gửi qua. Mỗi lần ăn là khen sao cái prawn sausage [2] này nấu kiểu gì cũng ngon ghê ta.

[2] prawn sausage: xúc xích tôm

Khi anh qua Việt Nam lần đầu đúng dịp Tết, chúng tôi ăn cơm nhà dì Tư hàng xóm cũ hồi nhà tôi ở quê. Alastair rất dễ nuôi, ăn gì cũng được. Nước mắm, củ kiệu tôm khô, bánh tét bánh chưng, mứt gừng... gì cũng “làm láng” hết. Nhưng dì Tư có vẻ rất áy náy: “Tụi bây tới chơi mà không chịu nói dì Tư biết. Mất đứa con thì dễ ăn rồi, nhưng còn ông này là Việt kiều chắc khó ăn hả, không biết món này ổng ăn được không?” (Với dì Tư, ai ở nước ngoài dù tóc vàng mắt xanh cũng gọi là “Việt kiều” hết). Tôi cười bảo: “Con ăn được gì ổng ăn được nấy, lo gì đâu dì Tư”.

Người Việt sống lâu ở nước ngoài, không có đủ nguyên liệu nấu thức ăn Việt nên “cái khó ló cái khôn” thường sáng chế ra nhiều món rất có lý. Trần Kiêm Đoàn trong bài tuỳ bút về cơm hến có viết “Thiếu hến Cồn, người ta dùng loại sò xanh (Green Mussel) nhập cảng từ Thuỵ Sĩ là nơi có non xanh nước biếc không thua gì xứ Huế. Sò xanh Thuỵ Sĩ luộc lấy nước và xắt nhỏ thay hến rất dễ khách ghiền cơm hến xa Huế ngàn dặm “lạc bước bên Cồn”. Thiếu khế thì dùng cây cần tây (Celery) xắt mỏng dầm vào giấm. Thiếu bắp chuối sứ thì dùng bắp su tím cắt thành sợi thế vào. Thuý Vân còn thay được Thuý Kiều huống chi là cơm hến!”.

Riêng tôi, khám phá tôi cho là vĩ đại nhất của mình là dùng con whelk thay thế cho con ốc nháy quê nhà. Con whelk cũng có vỏ cứng màu trắng xoắn vòng ở đít như ốc nháy, thịt cũng giòn sần sật, nướng hoặc hấp chấm mắm gừng cay nồng ăn ngon quên trời đất. Có điều ít khi mua được con whelk tươi còn sống mà là whelk đã luộc chín, bóc vỏ. Canh ốc-nháy-whelk với cà chua bi, củ parsnip và lá quế Tây là một trong những món tôi sáng chế ra và tự hào nhất. Chỉ tiếc ốc này hiếm thấy nên thỉnh thoảng mới có dịp trổ tài một lần, lần nào bạn Tây ở chung nhà cũng mê mẩn đòi ăn nữa. Sau này đi du lịch Bỉ mùa cuối năm trời lạnh, thấy quảng trường phố cổ Bruges có những quầy hải sản khói bốc lên như sương mù bán súp Escargots de mer (ốc biển), chúng tôi mua ăn với giá 3 euro một chén sáu con. Hoá ra đấy là con whelk thân thuộc. Những miếng thịt ốc dai giòn trong nước súp nóng bỏng cả tay, Alastair cũng nhận ra, hí hửng “ốc của Uyên ở Bỉ cũng có nè”.

Nhưng món “độc chiêu” nhất mà tôi từng chế biến lại là món đông sương (thạch rau câu) làm từ agar agar nấu với nước rồi để nguội cho đông đặc lại. Màu đen được pha từ cà phê phin, còn màu trắng từ nước cốt dừa. “Độc chiêu” bởi lần đầu tiên tôi làm món này tại nhà Daniel ở Áo vào mùa đông trong căn nhà gỗ trên núi xứ Alps. Để cho thạch mau đông Daniel nảy ra sáng kiến đặt những chén thạch vừa làm trên tuyết ngoài sân. Quả là một ý tưởng rất có lý, nhìn những chén thạch nằm trên tuyết trắng lạnh buốt chẳng khác nào một tác phẩm nghệ thuật ẩm thực sáng tạo. Dường như sau đó thạch cũng giòn ngon hơn để tủ lạnh thông thường. Mùi nước cốt dừa béo hơn và cà phê thơm đắng hơn trong miếng đông sương vỡ ra trong miệng.

Khi còn sống ở Việt Nam, đọc những bài tuỳ bút về món ăn của những người sống ở nước ngoài, tôi thường nghĩ chắc họ làm bộ “xa quê hương nhớ mẹ hiền”, không có món này thì ăn món khác. Đến khi tới lượt mình, mới biết chắc cái chất nước mắm đã ngấm vào máu mất rồi. Không có nước mắm trong người bứt rứt khó chịu làm sao. Dù ăn món Tây ở nhà cũng đi lấy một chén nước mắm bẻ ớt khô vắt chanh vào, để muốn chấm gì thì chấm. Nhà tôi ở ai đến chơi cũng nói sao nhìn cách trang trí không biết có người Việt sống trong nhà. Tuy nhiên, chỉ cần tôi dắt vào bếp mở tủ ra chỉ vào bộ sưu tập: nước mắm cá cơm, nước mắm cá sặc, măng dầm ớt, tôm khô, mắm ruốc, phở, miến, bánh đậu xanh, xí muội, bột bánh xèo, bột bánh bèo, bột bánh cuốn, gạo nếp, chà bông... bảo đảm sẽ gật gù “nhà có người Việt thiệt”.

Thường những cái Tết ở nước ngoài trước đây tôi không nhớ mình làm gì. Nhất là Tết năm ngoái, dường như những ngày đó trong ký ức của tôi được xoá sạch bằng cách nhấn phím OK sau câu hỏi “Delete forever? [3]” trên máy tính. Có thể ngày đó tôi đi làm, công ty mấy trăm người không một người Châu Á, cũng chẳng ai biết tới ngày Tết âm lịch mà nói Happy New Year. Cũng có thể đó là một ngày cuối tuần, tôi đi dạo phố, mua ít thứ lặt vặt, ghé quán pub uống bia với bạn rồi về nhà như mọi ngày cuối tuần khác. Tôi chịu không nhớ được.

[3] Delete forever: xoá vĩnh viễn

Nhưng năm nay không biết vì tôi mới về Việt Nam qua lại đây vào cuối năm hay vì trời London tự nhiên lạnh và đổ tuyết sớm, mà tôi thèm đủ thức ăn Tết đàng hoàng, đúng nghĩa “ăn” Tết. Thế nên, dù tủ còn đầy thức ăn, nhưng khi sắp Tết tôi biết mình sẽ vẫn len lỏi giữa những làn xe bóp còi loạn xạ ở Hackney để mua bánh tét thịt mỡ, củ kiệu muối, thịt đông, mua chả lụa của Việt kiều Hà Lan, chả cá của Việt kiều Anh, mứt hột sen của Việt kiều Pháp, mua rượu nếp về “lai rai”, mua trứng vịt về kho tàu, mua bánh tráng rế về làm chả ram. Hai bạn Dave và Alastair hiện sống chung nhà với tôi ở London, cũng sẽ vui mừng vì được ăn món Việt trở lại mà không sợ đau bụng như ăn ngoài đường ở Việt Nam. Tôi cũng sẽ vui mừng để dành bánh tét tới mùng năm mùng sáu cắt khoanh ra chiên chấm nước mắm (lại nước mắm!).

Chỉ nghĩ tới đó thôi đã thấy lòng xốn xang như những ngày còn nhỏ chờ pháo giao thừa.

London, 12-2008


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx