sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 3

Buổi sáng Ngữ đến Tiểu khu đúng giờ. Trong nhà để xe, xe đạp xe gắn máy còn thưa thớt nhưng chàng đã thấy chiếc xe Jeep của đại tá tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng đậu ở trước lối ra vào rồi. Ngữ thầm nghĩ: “Chắc hôm nay có chuyện”. Chàng đoán như vậy vì thường ngày, viên đại tá vẫn thích đi chiếc Ford Falcon đen hơn là đi xe Jeep. Hơn nữa, anh tài xế lái xe lại mặc đồ nhà binh, giống như những lần đại tá phải xuống phi trường Phú bài hay vào sân bay Tây lộc đón tiếp một ông tướng cấp vùng hay ở Tổng tham mưu ra kinh lý.

Ngữ giơ tay chào anh tài xế, quên hẳn nên chào theo lối nhà binh. Anh ta chào lại, và bảo Ngữ:

- Đại tá cho tìm anh đấy.

Ngữ càng tin có chuyện thật. Anh tùy phái tòa hành chánh thấy Ngữ đến, làm mặt nghiêm cho quan trọng, thấy giọng nói như sắp thổ lộ một tin mật:

- Chẳng hiểu có gì cần mà đại tá báo khi nào ông đến bảo ông vào trình diện ngay. Liệu có việc gì không?

Ngữ đáp:

- Tôi cũng không hiểu. Trong văn phòng có khách không?

- Không. Ông vào đi. À mà thôi, để tôi vào trình trước.

Rồi cố lấy giọng thân mật kẻ cả, anh tùy phái bảo nhỏ:

- Hôm nay trông mặt đại tá đăm đăm, không làm đúng phép tắc, lãnh “củ” như chơi. Ông đợi ở đây nhé!

Anh tùy phái đi rón rén về phía văn phòng tỉnh trưởng. Vai anh ta khép lại, lưng hơi khom thói quen sẵn sàng chịu đựng bao lời quở mắng của biết bao nhiêu đời tỉnh trưởng trong cuộc đời công chức của anh.

Ngữ cảm thấy thương hại hơn là khinh bỉ, và không hiểu mỗi lần có việc vào gặp viên đại tá, dáng đi thái độ của mình có lóm thóm đến độ ấy không.

Anh tùy phái vào phòng tỉnh trưởng một lúc, đi ra, đứng ngay chỗ cánh cửa vừa khép nhẹ sau lưng, anh thẳng người hách dịch đưa tay ngoắc Ngữ đến. Ngữ bật cười nhỏ vì thấy anh tùy phái thay đổi thái độ nhanh quá. Trước khi mở cửa văn phòng tỉnh trưởng để nhường lối cho Ngữ vào, anh tùy phái còn dặn nhỏ:

- “Ngài” không vui. Ông liệu giữ thân nhá!

Ngữ lo lắng không biết chuyện gì sẽ xảy ra, nhưng không còn thì giờ để đoán già đoán non nữa.

Viện đại tá mặc đồ trận như lúc ông còn làm chỉ huy trưởng đơn vị tác chiến, nhưng khác với lời báo động của anh tùy phái, nét mặt ông có vẻ thoải mái ân cần. Ông cười tươi nhại theo cách nói tiếng Việt của ông cố vấn Mỹ, nói:

- “Chào cậu buổi sáng”. Ngồi xuống đây đã!

Mặc dù tối hôm qua có được nói chuyện khá thân mật với viên đại tá, nhưng Ngữ vẫn ngỡ ngàng trước vẻ thân mật khác thường sáng nay. Tối hôm qua dù sao cũng ngoài giờ làm việc, và câu chuyện hai người trao đổi nhau là chuyện văn chương, Ngữ được nâng cao hơn vị trí một hạ sĩ quan làm việc bàn giấy. Hơn nữa, Ngữ cũng có cái tự tín của một tác giả trước một độc giả. Hoàn cảnh hôm nay đổi khác. Đây là giờ làm việc, và một trung sĩ cấp dưới đang chờ nghe lệnh một đại tá chỉ huy trực tiếp. Ngữ ngần ngừ chưa muốn ngồi lên cái ghế lót nệm xanh trước bàn làm việc của viên đại tá, thì ông ta lại bảo:

- Cậu ngồi xuống đó vì chúng ta làm việc hơi lâu. Tùy phái đã chuyển các nội lệnh cho cậu chưa?

- Thưa đại tá, tôi vừa đến thì vào ngay đây.

Viên đại tá cười nhỏ:

-Thế à. Thôi, để tôi bảo tùy phái chuyển giúp xuống các phòng ban cho cậu.

Ông bấm nút chuông gắn ở gậm bàn bên tay phải.

Anh tùy phải mở cửa vào, từ dáng đi cho tới nét mặt thật lạ. Dường như sự hiện diện của Ngữ khiến cung cách khép nép trước mặt tỉnh trưởng của anh tùy phái trở nên thiếu tự nhiên. Anh ta lúng túng đến nỗi viên đại tá cũng cười xòa, hỏi lớn:

- Anh làm cái trò gì vậy? Thôi được rồi. Sáng nay trung sĩ Ngữ bận làm việc với tôi, anh đưa mấy phong bì nội lệnh xuống tất cả các phòng ban ngay. Chỉ có thế. Vâng, chỉ có thế. Anh ra được rồi.

Viên đại tá chờ cho anh tùy phái khép cửa xong, mới hỏi Ngữ:

- Cậu ở ngoài, thấy tình hình thế nào?

Ngữ không biết trả lời sao trước một câu hỏi quá tổng quát như vậy, lúng túng hỏi lại:

- Thưa đại tá tình hình về cái gì ạ?

Viên đại tá đáp:

- Về dư luận của dân chúng. Nhất là của Phật tử.

Ngữ đáp mơ hồ vì quả thực, chàng cũng không biết trả lời thế nào cho chính xác:

- Nói chung thì ngoài phố họ hoang mang, không biết Trung ương và ở đây có quá găng với nhau không.

- Nếu ông Kỳ mạnh tay, dân chúng sẽ phản ứng như thế nào?

Ngữ do dự, trước khi nói:

- Thật khó mà đoán được. Dân ở đây hầu hết là Phật tử, các thầy lại đang được khâm phục sùng mộ.

Viên tỉnh trưởng nôn nóng chuyển sang câu khác:

- Thế bên phía sinh viên học sinh. Cậu quen biết họ nhiều, phải thế không?

Ngữ chưa kịp nói gì, viên đại tá đã tiếp:

- Nhất là cậu thân với ông Tường!

Ngữ thấy mình bị dồn vào một góc kẹt. Tâm trạng chàng thật phức tạp. Chàng khó chịu như người cảm thấy mình vô cớ bị đưa vào một trò xiếc, mà kết quả chắc chắn là sẽ tan xương nát thịt nếu không khéo cầm cây sào liêm sỉ để đi trên sợi dây giăng cao. Chàng nhìn thẳng vào mắt đại tá, nói thật chậm:

-Đại tá chắc đã rõ là tôi thân với Tường từ thời đi học. Nhưng không phải hễ thân nhau là biết hết tâm tình của nhau. Huống hồ trong vụ này…

Viên đại tá cười xòa, gật gù thông cảm:

- Tôi hiểu, tôi hiểu chú. Chắc bên đó thấy cậu mặc đồ lính, lại không phải là quân nhân Phật tử, họ không dám tâm sự gì đâu! Thôi, tôi hỏi cho vui vậy thôi. Thế nào, dù tình hình lộn xộn nhưng cậu vẫn viết đều đấy chứ?

Mỗi lần ai nói tới chuyện viết lách, Ngữ đều đỏ mặt như bị bắt quả tang đang làm một việc không giống ai, chẳng khác nào một kẻ dại khờ đến nỗi cởi quần áo giữa đám đông cho thiên hạ xem thân thể ốm o xấu xí của mình. Ngữ chỉ ấp úng được mấy tiếng vô nghĩa:

- Thưa đại tá… chuyện đó…

Viên tỉnh trưởng cười thỏa mãn:

- Cậu giấu không cho tôi biết “tác phẩm vĩ đại” để đời thì thôi. Nhưng này, cậu thương tôi thì nhớ một ngày đẹp trời nào đó, đừng đem tôi vào truyện của cậu đấy nhé. Nhất là đừng viết lên giấy trắng mực đen là lâu lâu cậu viết giùm diễn văn cho tôi nhé! Nếu có viết, rán quàng vòng hoa cho tôi nhiều nhiều vào. À, vòng hoa thật, chứ không phải hoa cườm, hay là kiểu vòng hoa cậu dành cho ông tướng.

Nói đến đây, viên đại tá đập nhẹ tay phải vào trán như chợt nhớ một điều quan trọng. Ông hỏi Ngữ:

- À, tí nữa quên chuyện vui này. Cậu có muốn xem hồ sơ bên An ninh Quân đội gửi qua về cái truyện ấy không?

Ngữ dằn nỗi háo hức tò mò và sự khó chịu, đáp kiểu cách:

- Nếu đại tá cho phép!

- Sao lại không cho phép. Sáng nay Trung ương loan báo trung tướng đã xin từ chức đi Mỹ chữa bệnh, cho nên vụ của cậu coi như yên. Hồ sơ xếp luôn, hoặc hủy bỏ không cần lưu nữa. Đây, tôi cho cậu mượn xem qua rồi chốc nữa trả lại cho tôi.

Viên đại tá rút trong hộc bàn một tấm bìa màu vàng chìa cho Ngữ. Dấu “MẬT” đỏ chói ở ngay giữa xấp bìa, ở bên trên có hàng chữ in “Ty An ninh Quân đội Thừa thiên”.

Ngữ cố trấn tĩnh lắm, nhưng lúc đưa tay nhận xấp hồ sơ, chàng vẫn không thể giữ cho được khỏi run. Viên đại tá cười:

- Không còn gì đáng sợ nữa. Cậu yên tâm!

Từ văn phòng tỉnh trưởng đi ra, Ngữ về thẳng bàn làm việc của mình, dán mắt vào những hàng chữ in và chữ viết tay trên tấm bìa tập hồ sơ mỏng. Ngoài tên thật và cấp bực của Ngữ, còn có cả bút hiệu và tên cái truyện ngắn “sinh chuyện” ấy.

Chàng nô nức muốn biết ngay nội dung phúc trình của Ty An ninh Quân đội về tác phẩm của mình. Ðây là kinh nghiệm đầu tiên trong đời cầm bút của chàng. Dĩ nhiên tác giả nào khi cầm bút viết, là viết cho mình trước hết, viết vì một nhu cầu nội tâm thúc giục mình giải tỏa những nỗi ẩn ức, ước vọng, khao khát, viết vì nhu cầu được cảm thông với kẻ khác. Cho nên sau khi tác phẩm được phổ biến, sự nao nức đầu tiên là muốn biết phản ứng của người đọc nó. Đối với sách vở, phản ứng ấy hiếm hoi đến nỗi tác giả có cảm tưởng lời viết của mình mất hút vào cõi hư không, và âm thanh vọng lại không có gì khác hơn là những tiếng rạn vỡ sụp đổ của những điều tưởng như bền vững của chính tác giả: như niềm tin vào súc mạnh của ngòi bút, như lòng đam mê nghệ thuật, như tài năng sáng tạo. Có người vì thế đã bỏ cuộc ngay từ những bước chập chững ban đầu. Có người cứ mong mỏi một ngày nào đó tìm được “khách tri âm”, gặp được “nòi tình thương người đồng điệu”. Không gặp ai, họ cứ viết vì tưởng tượng đến sự đón nhận niềm nỡ của “hải nội chư quân tử” vào ba trăm năm sau.

Trong hàng triệu triệu người đọc từ khi tác phẩm ra đời cho đến ba thế kỷ nữa, dù trí tưởng tượng của người viết phong phú đến đâu, ít có ai nghĩ tới một loại độc giả đặc biệt, đọc sách một cách kỹ càng cần mẫn, như các kiểm duyệt viên. Như cảnh sát mật vụ. Ngữ có bao giờ tưởng tượng ra được có ngày chàng cầm trong tay một xấp tài liệu mổ xẻ phê phán tác phẩm của chàng kỹ lưỡng, theo đôi mắt nhà nghề của Ty An ninh Quân đội.

Ngữ về tới bàn làm việc là cắm cúi đọc xấp phúc trình, không còn chú ý đến gì khác. Chàng thấy trước hết là cái truyện ngắn cắt từ tuần chí văn chương. Vì tuần báo này in trên giấy khổ nửa tờ nhật báo, nên cái truyện được in ở trang nhất là một mẩu hình chữ nhật bằng bàn tay, phần còn lại là một mẩu dài dính liền với một mẩu ngắn khác như hình chữ L. Nhan đề “Vòng hoa dành cho ngài lãnh tụ” ở mẩu báo đầu tiên được vòng khoanh bằng bút đỏ, ai đó đánh một dấu hỏi thật lớn trên ba chữ “Ngài lãnh tụ”.

Ngữ đọc dò cái truyện của mình từng chữ, đọc thật chậm, cố gắng đọc như nhân viên phụ trách đọc truyện chàng bên Ty An ninh Quan đội, và lạ lùng thay, Ngữ thấy quả tình mình phạm quá nhiều tội với thượng cấp. Chàng cố “khách quan” kết tội mình theo đôi mắt an ninh nhà nghề, và thích thú nhận ra rằng những chỗ chàng cho là khả nghi thì Ty An ninh Quân đội cũng cho là khả nghi. Chẳng hạn theo phúc trình của An ninh Quân đội: “Mặc dù tác giả mở đầu bằng một câu mông lung “Một ông tướng chỉ huy vùng chiến thuật” nhưng ở trang sau vì có thêm chi tiết “Về Huế, ông thường lui tới Royal Youth Club để sưu tập thêm vài bà dì bà cô nhỏ tuổi của Bảo Long”, nên chắc chắn tên trung sĩ tác giả đã xuyên tạc bôi xấu trung tướng tư lệnh quân đoàn Một. Những chi tiết xuyên tạc bôi nhọ ấy, theo điều tra của thiểm ty, đều vô căn cứ, đều là sản phẩm bịa đặt có manh tâm xấu xa. Chẳng hạn ở Huế chưa hề có một hội hợp pháp nào hoạt động có tên là Royal Youth Club, Phòng Tâm lý chiến chưa bao giờ có một sĩ quan có bằng cao học sử, và sau khi xác minh với Lữ đoàn Thủy quân lục chiến đặc phái tại quân khu, thiểm ty biết chắc không bao giờ có một quân nhân nào tương tự như “đại hiệp” trong truyện ngắn nói trên.

Đó là chưa kể theo xác nhận của Phòng Tùy viên Bộ chỉ huy Quân đoàn, thì Trung tướng Tư lệnh không có vị phu nhân nào chỉ bận lo tiếp các nhà thầu xây cất phi trường mới, cũng như bản thân Trung tướng không bao giờ có ý làm một bộ sưu tập kỳ quái như thế. Tất cả bấy nhiêu ý trong cái truyện ngắn trên đều là những lời bịa đặt xuyên tạc có ác ý. Động cơ của manh tâm xuyên tạc ấy không hiểu là gì, vì quân bạ của nghi can cho thấy chưa có điều gì khả nghi. Nhưng liên hệ chặt chẽ và thường xuyên của nghi can đối với những tên chuyên xách động gậy rối thân cộng (hoặc có thể là cộng sản nằm vùng) như tên Tường cho thấy truyện ngắn này chắc chắn được viết ra nhằm dụng ý xấu”.

Bản phúc trình sau đó ghi chi tiết ngày giờ và địa điểm những lần Ngữ gặp Tường, khi thì tại xưởng vẽ của Ngô, khi thì tại nhà Ngữ, khi thì tại nhà một người bạn chung, nhiều lần khác ở quán cà phê. Theo nhận định của Ty An ninh Quân đội, thì truyện “Vòng hoa dành cho ngài lãnh tụ” đã gây những hậu quả tai hại lên tinh thần chiến đấu của quân đội vì:

1. bôi nhọ danh dự của Trung tướng Tư lệnh quân đoàn

2. bôi nhọ danh dự và uy tín của cơ quan lập pháp trung ương

3. bôi nhọ uy tín của các tu sĩ Phật giáo và Công giáo, vô tình hay cố ý tán dương chủ thuyết vô thần của cộng sản.

Vì những lý do đó, Ty An ninh Quân đội đề nghị Tiểu khu theo dõi sát hành động của nghi can, và cảnh giác không giao cho bất cứ nhiệm vụ nào liên quan đến bí mật quốc phòng cũng như chiến tranh chính trị.

Bản phúc trình ấy được gứi cho Chánh sở An ninh Quân đội, bản sao gửi cho phòng Hai quân đoàn, Khu chiến thuật (phòng Hai sư đoàn) và Tiểu khu trưởng Thừa thiên (phòng Hai Tiểu khu).

Càng đọc, Ngữ càng choáng váng, vừa tức giận vừa lo sợ. Chưa bao giờ Ngữ tưởng tượng ra một loại “bạn đọc” đã nhìn tác phẩm của mình theo nhãn quan ấy. Điều bi đát hơn, là Ngữ nghĩ: nếu mình phục vụ tại Ty An ninh Quân đội và được cấp trên giao cho phân tích và lập báo cáo một truyện ngắn như “Vòng hoa dành cho ngài lãnh tụ”, chàng sẽ làm gì? Viết gì? Có làm khác viết khác với người lính an ninh đã lập bản phúc trình này không?

Ngữ chìm đắm trong suy tưởng, ngồi thừ trên ghế, mắt không nhìn thấy gì ngoài những hình dạng lờ mờ chao động chung quanh. Ngữ không thấy mọi người trong phòng công văn, cả những quân nhân Tiểu khu có việc đi ra đi vào văn phòng Tiểu khu trưởng, đều nhìn chàng với đôi mắt e ngại. Chàng là cái đích của bao nhiêu cảnh giác ngờ vực. Ngữ không đủ bình tâm nhận biết điều đó.

Có ai đó đến bên Ngữ, giọng Huế thật nặng và hách dịch:

- Anh chuyển gấp cái này cho đại tá tỉnh trưởng.

Rồi đột nhiên, giọng người lạ đổi ra thân mật, kinh ngạc:

- Ủa, anh Ngữ đấy hả? Đau yếu ra sao mà ngồi thừ ra vậy? Không nhận ra tôi à? Mân đây! Tôn Thất Mân, anh nhớ không?

Ngữ giật mình, mắt nhìn rõ mọi sự hơn. Chàng nhận ra Mân, con trai ông thầu khoán Tôn Thất Toàn. Mân kéo ghế ngồi tự nhiên trước bàn Ngữ, bắt tay chàng thật chặt, vồn vã hỏi:

- Lâu nay vẫn mạnh khỏe chứ? Mấy lần tôi đi với Lãng lại thăm anh nhưng rủi quá, không lần nào gặp cả. Cả sáng nay nữa. Tôi vừa chở Quế với bác gái từ Đà nẵng về xong. Này, xừ đại tá có trong đó không?

Ngữ nghiêm mặt đáp nhát gừng:

- Có đấy.

Mân chồm qua bàn hỏi nhỏ Ngữ:

- Chuyến này chuyện làm ăn của tụi mình lại trúng lớn. Anh biết vì sao rồi chứ gì?

Ngữ vẫn nói bằng cái giọng nhát gừng thiếu ân cần:

- Chuyện gì thế?

Mân hỏi:

- Anh không biết thật à?

- Tôi chẳng biết gì cả!

Mân chưa tin lời Ngữ, nhưng vẫn chậm rãi giảng giải:

- Lần này thì ông tướng vùng đi đoong thật rồi. Đã có tin tìm được người để bổ nhiệm tân tư lệnh vùng. Anh biết ai chưa?

- Chưa!

- Tôn Thất Đính đấy! Ông tướng gọi ba tôi bằng chú, anh nhớ chứ! Đúng là right man in the right place. Anh biết rồi, hoàng tộc chúng tôi lúc nào cũng sùng đạo Phật. Đưa một ông tướng cách mạng dòng dõi hoàng tộc ra nắm vùng Một vào lúc này, vừa giữ được uy quyền trung ương, vừa hòa giải được các mối mâu thuẫn nghi kỵ tại đây. Một người con của Huế, lại dòng dõi hoàng tộc, thì không bao giờ phản lại nguyện vọng của bà con đồng hương. Không biết ai đã nghĩ ra giải pháp kỳ diệu này. Chắc lại đại sứ Lodge. Dân Mỹ hay thật! Đại sứ của người ta thế, chứ đâu như mấy ông đại sứ mình, dắt vợ con ra nước ngoài chẳng làm ăn gì cả, chỉ lo nhảy đầm.

Lúc ấy, viên đại tá từ văn phòng đi ra, bộ đi hơi vội vàng. Mân vội đứng dậy chạy lại chỗ cửa đón đại tá. Viên đại tá ngạc nhiên cau mày hỏi:

- Cái gì đấy? Tôi có việc bận.

Không hiểu Mân nói gì, mà ngay ít phút sau, nét mặt viên đại tá dịu lại. Ông đi trở ngược về văn phòng, Mân bước mau theo sau. Cửa văn phòng tỉnh trưởng đóng ập một tiếng hơi lớn.

Có nhiều tiếng lào xào bàn tán trong phòng công văn và các phòng kế cận. Dường như mọi người không còn giữ gìn ý tứ nữa. Tiếng cuời nói rổn rảng dội qua dội lại giữa các bức vách phòng, hoặc âm vang trong hành lang dài, báo hiệu những xao động bất thường trong lòng từng người. Các quân nhân Phật tử được mời lên chùa chiều nay cảm thấy nao núc như sắp bước vào một cuộc thử thách mà phần thắng sẽ về phía mình. Những kẻ lo xa hết thấy lo xa vì rõ ràng qua thái độ nét mặt của viên đại tá, tình hình đã gần đến chỗ phức tạp mơ hồ để người khôn ngoan ở đầu gió không dám đưa ra một biện pháp hay lập trường dứt khoát, chưa nói một biện pháp kỷ luật gây bất mãn cho cấp dưới. Tỉnh đường là căn nhà vắng chủ, và các quân nhân theo đạo Công giáo lấy cớ này cớ nọ tìm cách tránh khỏi chỗ thị phi. Nguời ta lớn tiếng hỏi nhau, ngay bên ngoài văn phòng kín cửa của viên tỉnh trưởng:

- Chiều nay đi chứ?

- Hỏi cái gì lạ vậy! Nên đi sớm nhá, làm sao đúng ba giờ là anh em có mặt đông đủ bên đó rồi.

- Sao lại bên đó? Bên nào?

- Thế cậu chưa biết sao? Đã có thông báo dời địa điểm. Không phải Từ đàm. Thầy đã về chùa Diệu đế rồi!

Một người hỏi Ngữ, giọng như giọng hỏi cung:

- Hồi sáng cậu tới hồi mấy giờ?

Ngữ hỏi lại:.

- Hỏi chi vậy?

Có lẽ giọng cáu kỉnh của Ngữ làm anh hạ sĩ hơi chùn, nên giọng nói của anh ta nhẹ nhàng hơn:

- Tìm cậu đi uống cà phê mãi, tuy thấy cái xe đạp của cậu ngoài nhà xe. Hân nó tìm cậu đó.

Ngữ cũng dịu giọng:

- Tôi nhớ giờ họp mà!

Anh hạ sĩ vui mừng:

- Cậu nói thật chứ? Vậy mà… Này, hồi sáng xừ đại tá gọi cậu vào dọa phải không?

- Không.

Anh hạ sĩ không tin lời Ngữ. Ngữ phải thêm:

- Ông ấy hỏi thăm tình hình ngoài phố ra sao.

- Chứ không phải hỏi thăm sức khỏe anh em Phật tử à? Kể ra ông ấy cũng biết điều. Nhưng tại sao lại có cái nội lệnh cấm trại 100%?

Ngữ đáp cho qua:

- Phải làm thế, lỡ ra…

Anh hạ sĩ bắt bẻ:

- Lỡ cái gì? Lỡ nếu ông Kỳ đưa được ông tướng Công giáo ra đây thì có bằng cớ lập công phải không! Đừng có hòng. Phải đi tới cùng mới được.

Ngữ hỏi:

- Các thầy nói thế à?

- Không. Ðấy là ý riêng của tôi thôi. Chiều nay thế nào cũng biết chủ trương của Thầy..

Lúc đó, ở bên kia phòng công văn, có nhiều tiếng ồn ào khác thường. Rất nhiều tiếng cười lớn. Ngữ chạy qua xem, thấy nhiều mảnh giấy vụn rơi vương vãi khắp mặt bàn đặt ngay cửa ra vào.

Ba người lính Tiểu khu trong phòng này đang hớn hở, mắt sáng và da mặt đỏ hồng. Họ vừa xé tờ nội lệnh cấm trại, làm confetti, tờ nội lệnh mà tùy phái tòa tỉnh đã đem đến tận từng phòng giao cho tất cả quân nhân phục vụ trong Tiểu khu.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx