sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 7

Trong thời gian ngày nào cũng có biểu tình bãi thị, gia đình ông Văn cũng sống trong không khí ngột ngạt quạnh quẽ khác thường!

Mọi người sum họp đông đủ. Bà Văn, Quế, Lãng ở Đà nẵng về. Ông Văn nằm nhà khỏi xách cặp đạp xe đi dạy tư. Ngữ muốn vào Tiểu khu cho đỡ cuồng chân cũng được, mà nằm nhà đọc sách đọc báo cũng không sao. Nam lên năm thứ hai Đại học Sư phạm bài vở đi sâu vào chuyên môn, sách phải đọc để làm bài cả đống nên vất vả hơn năm đầu chỉ mới nhập môn những kiến thức khoa học xã hội tổng quát. Nhưng vì khu vục khang trang của Đại học Sư phạm ở ngay trung tâm phát động tranh đấu, hằng ngày loa truyền thanh treo ở khu Morin ra rả oang oang hết bài nhận định thời cuộc này đến bản tuyên cáo, bản kháng thư khác, nên các thầy muốn dạy cũng không được. Nhiều lớp tạm nghỉ học cho sinh viên Sư phạm khỏi mang tiếng đứng ngoài.

Nam mượn một lô sách trên thư viện về, nghĩ rằng nhân dịp hiếm hoi này ghi chép tài liệu cần thiết để sang năm làm tiểu luận tốt nghiệp. Ai cũng nghĩ đây là cơ hội tốt để tự do làm những việc thích thú cần làm. Nhưng rồi cuối cùng, ai cũng thấy thời cuộc ngoài đời không cho phép họ sống đời sông riêng tư.

Khác với một hai năm trước, lần biến động này ông Văn đỡ lo âu chuyện không thể lãnh được lương trường tư. Việc đấu thầu của Quế và Lãng trong Đà nẵng giúp cho gia đình sống sung túc hẳn lên. Lãng đem về cho mẹ một cái tủ lạnh Nhật hiệu Hitachi mới nguyên, sau đó mang về cho ông Văn một cái radio Sony 4 băng để ông nghe đài BBC, đài VOA, đài Úc Ðại Lợi… Trong tủ lạnh, xếp đầy thịt “ham”, thịt bít-tết cắt sẵn từng lát bằng bàn tay gói trong những bao ni lông in nhãn hiệu Mỹ, đùi gà tính từng pound, những quả cam vàng rộm in chữ Sunkist, hàng chồng vỉ trứng gà loại lớn… Dù các chị tiểu thuơng chợ Đông ba có bãi thị hàng tháng theo lời kêu gọi của các thầy trên Từ đàm, bên Diệu đế, gia đình ông Văn vẫn không sợ cảnh đói khát. Một năm nay, bà Văn làm ngơ không hỏi chồng mỗi tháng lãnh được bao nhiêu tiền ở Nguyễn Du, ở Bồ đề. Ông Văn không tiêu pha gì nhiều, lần nào cũng để nguyên bì thư tiền lương đưa cho vợ. Bà Văn cất vào túi, không đếm. Một lần Ngữ cần tí tiền mua thuốc lá, hỏi xin mẹ. Bà Văn đưa nguyên phong bì lương tháng của trường Bồ đề cho Ngữ, bảo cú cất đấy mà tiêu vặt.

Mặc dù thế, tháng nào ông Văn cũng đưa đủ tiền lương ít ỏi cho bà Văn, có làm như vậy ông mới thấy an tâm. Ðồng tiền bán cháo phổi của ông kiếm được so với số lợi tức hai đứa con nhỏ mang về thật chênh lệch, nhưng nó là bằng chứng ông còn hữu ích. Ông không ăn bám vào ai cả. Lời giảng của ông không còn hấp dẫn huyễn hoặc được học trò như thời ông còn dạy Tường và Ngữ. Ðó không phải là lỗi của ông. Ông tin vậy. Ông biết học trò bây giờ chê ông lỗi thời, ngồi trong lớp mà nhấp nhổm chuyện chuẩn bị dự thuyết pháp, xuống đường. Nhưng trong các giờ giảng bài, ông chỉ bị khựng lại, do dự ngập ngừng có năm phút đầu. Sau đó, tư tưởng tình cảm cổ nhân, và chính lời ông nói thuyết phục cuốn hút ông. Ông có thói quen mỗi khi giảng bài hay ngước mặt nhìn chếch lên trời, mặt đăm chiêu lắng hết vào bài giảng, tay vân vê cục phấn. Những lúc ấy, tiếng gọi huyền bí của quá khứ, mơ ước về tương lai, còn mạnh gấp trăm lần thực tại trước mắt. Ông mường tượng ra được những phút lâm chung của Nguyễn Du, nụ cười ngạo đời kín đáo của Nguyễn Khuyến, những cơn say phẩn nộ của Trần Tế Xương, cảnh học trờ tiễn thầy khăn gói vượt nghìn dặm đi thi trong thơ Cao Bá Quát… Phong bì tiền lương ít ỏi là kết quả mồ hôi nước mắt của ông, là tâm huyết là khát vọng của đời ông. Ông hãnh diện ngửng đầu mà nhận nó. Hãnh diện dùng món tiền đó để nuôi cả gia đình, tuy nuôi một cách thiếu thốn hụt trước hụt sau. Cho đến khi nguồn lợi chính của gia đình không do ông kiếm ra nữa, niềm hãnh diện đó giảm dần. Ông tự an ủi là dù sao, mình vẫn nuôi được mình. Lột một trái cam vàng Sunkist, ăn một quả trứng Mỹ, ông không áy náy. Ông Văn chỉ áy náy thật sự khi hai tháng qua nhà trường không kín đáo gửi phong bì tiền lương cho ông như trước. Nhà trường cũng không hề giải thích, vì biết các thầy đã hiểu vì sao. Ông được nằm nhà, nhưng cảm giác áy náy bất lực, cảm giác vô vọng vì thấy mình thừa thãi ngày một lớn. Vợ con sum họp đầy đủ, nhưng suốt thời gian đó ông thường nằm lì trong buồng, đến giờ ăn ra ngoài cắm cúi và bát cơm cho xong rồi lại trở vào.

Ngữ thấy cha buồn, không hiểu được hết tâm sự của ông Văn. Vì Ngữ cũng trải qua những băn khoăn riêng. Chỉ có Nam là đứa con độc nhất thông cảm phần nào tâm trạng ông. Và chỉ có Nam là người ông nói chuyện một cách tư nhiên, không gượng gạo hoặc ơ hờ.

Một lần thấy căn phòng của cha bừa bộn quá, Nam vào dọn dẹp bắt gặp ông Văn đang đọc kinh Phật. Một lần khác, nàng thấy cha đọc cuốn “Thơ Văn Đời Lý Trần”. Chẳng hiểu vì sao, ông Văn đâm ra ngượng nghịu với con gái khi bị bắt gặp đọc toàn sách vở Phật giáo. Có lẽ ông sợ con gái nghĩ mình theo thời trang, lo đọc lại Phật giáo đúng lúc phong trào Phật giáo đang lên, tạo thành một sức mạnh đủ thay đổi cả guồng máy quyền bính trong Sài gòn. Ông nói với Nam, như để tự biện hộ:

- Ba đang tìm hiểu xem các thiền sư ngày xưa nghĩ và làm gì trước thời cuộc rối ren phức tạp như thế này.

Nam ngồi xuống chiếc ghế trước bàn làm việc của cha, hỏi lại:

- Ba có tìm thấy gì không?

Ông Văn không đáp lời con, chỉ hỏi:

- Con đã học đến giai đoạn này chưa?

- Dạ rồi! Nhưng con không hiểu hết được các công án thiền!

- Còn thơ văn?

- Con thích lắm. Như những bài tuyệt bút của Sư Không Lộ, Sư Mãn Giác, hoặc của Tuệ Trung thượng sĩ.

Ông Văn vui mừng tìm được người để nói chuyện, vội vã lật tìm bài kệ “Nhất Chi Mai” của Mãn Giác thiền sư, đọc cho con nghe:

- Ba cũng thích bài này:

Xuân khứ bách khoa lạc

Xuán đáo bách hoa khai

Sự trục nhãn tiền quá

Lão tòng đầu thượng lai

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận.

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai!

Con thấy không, một đóa hoa mai nở đơn độc giữa cảnh trăm hoa rơi rụng tan tác, đóa hoa còn đó sau một đêm bão táp mưa gió, đẹp quá! Giữ được tâm an nhiên lặng lẽ giữa cuộc sống bụi bặm xô bồ này, ba ao ước được như thế!

Nam thì thào vì cảm động:

- Con cũng vậy!

Từ hôm 22 tháng 3, những cái loa truyền thanh bên khu Morin hết quấy rầy các buổi học bên Ðại học Sư phạm, nhưng các giáo sư phân khoa này vẫn không thể dạy dỗ gì được. Lực lượng tranh đấu không cần dùng đến micro và loa phóng thanh những lời tuyên cáo nẩy lửa nữa, vì họ đã chiếm đài phát thanh Huế. Đồng thời các trường học đều bãi khóa để sinh viên dồn mọi nổ lực bảo vệ đạo pháp và quyền tự quyết, đòi tổ chức bầu cử tái lập chính quyền dân sự, đòi bọn quân phiệt tham nhũng từ chức…

Tường xuống thăm Nam đều hơn, chịu khó ngồi bàn luận thời sự lâu hơn. Đặc biệt hơn nữa, trong khi Tường tránh nói chuyện với ông Văn, chàng lại để tâm thăm hỏi Nam những điều thật vặt vãnh không đâu. Nam mừng rỡ, nghĩ đã chiếm trọn lại được Tường như những ngày chàng bị trọng thương nằm một chỗ cho Nam đút cháo, thay băng, thay áo. Nhiều hôm Nam hỏi thăm tin tức tranh đấu, tin công nhân bến tàu Ðà nẵng đình công, tin Sài gòn náo loạn vì những vụ đốt xe Mỹ, tin học sinh Qui nhơn vây ông tỉnh trưởng mấy tiếng đồng hồ để chất vấn, tin cảnh sát cầm súng đứng ra bảo vệ chùa Tỉnh hội… Tường gạt phắt đi, hỏi Nam những câu thật bất ngờ, như:

- Ðộ này hình như em hơi xanh xao. Thức khuya phải không?

Những lần được hỏi như thế, Nam đỏ mặt vì sung sướng. Nàng đáp, giọng nũng nịu:

- Đâu có. Em vẫn thường. Chỉ có anh xanh xao thôi! Anh thật cẩu thả! Chẳng chịu cạo râu gì cả!

- Anh tìm hộp lưỡi lam không biết biến đi đằng nào.

Nam e dè đề nghị:

- Hay để em đi lấy cái cạo râu của ba cho anh mượn. Em đi lấy bây giờ nhé!

- Sợ phiền ba không? Ba đang làm gì trong đó?

- Ba đang đọc báo. Anh cần gặp ba không?

Tường ngần ngừ một lúc, rồi đáp:

- Thôi! Vào lấy cái cạo râu cho anh đi!

Nam vào buồng ông Văn đem cái cạo râu hiệu Gillette ra, bẽn lẽn cưỡi đề nghị với Tường:

- Ðể em cạo râu cho anh nhé?

Tường lắc đầu quầy quậy:

- Không được đâu. Em không quen, làm cắt da mặt anh bây giờ!

- Không đâu! Em cạo được mà! Anh không nhớ hồi anh bị thương trong Đà nẵng, em cạo râu giùm cho anh hoài sao?

Tường sung sướng vâng lời. Nhà vắng, nên Nam mạnh dạn dẫn Tường xuống chỗ vòi nước rửa mặt, quệt kem cạo râu trắng cả nửa khuôn mặt Tường rồi để đấy, không làm gì thêm. Tường biết Nam đùa, nhìn vào gương nói:

- Anh thành ông già Noel.

Nam đưa tay quệt một tí kem dưới cằm Tường, rồi vừa cười vừa quệt thêm lên chóp mũi một vệt bọt kem. Tường cứ để yến, đến soi gương, nói đùa:

- Bây giờ thì ông già Noel có thêm một tí tuyết trên chóp mũi.

Nam cười sung sướng, bắt Tường ngồi lên cái ghế gỗ ngay gần bếp, bắt Tường ngửng mặt lên cho Nam cạo râu. Nàng nín thở đưa nhẹ lưỡi lam, sợ làm xây xát da mặt Tường. Tường ngửng lên thấy Nam mím môi chú ý, da mặt đỏ hồng khác thường, cảm động lắm, nhưng cố khôi hài để che giấu cảm xúc:

- Em làm thợ cạo chắc giúp đời nhiều hơn làm cô giáo.

Nam bật cười lớn:

- Sao thế? Anh ngồi yên nao!

- Vì anh nghĩ khi ra trường, đi dạy, chắc học trò không sợ em!

Nam nghiêm mặt nhướng cao mày làm bộ hung dữ:

- Em coi thế nhưng không hiền đâu. Cả anh nữa, nếu…

- Nếu thế nào?

Nam buồn rầu nói:

- Nếu như bao lâu nay…

Nam nghẹn lời, không nói tiếp được. Tường nói lảng sang chuyện khác:

- Em cạo kỹ dưới cằm anh một chút. Nghe tiếng lưỡi lam như thế, anh biết là cạo chưa được sát lắm!

Nam yên lặng làm theo lời Tường. Tường cũng im lặng. Mãi tới lúc đã cạo râu cho Tường xong xuôi, Nam mới tìm cách pha trò cho bớt ám ảnh của những ngày hờ hững vừa qua. Nàng bảo Tường đứng dậy soi gương, rồi khen:

- Ðẹp trai và trẻ đi mười tuổi, anh thấy không?

- Nhờ bàn tay bà thợ cạo đấy!

- Nếu hôm nào anh cũng xuống đây cho em cạo râu cho, anh sẽ trẻ đi thêm hai mươi tuổi.

- Lúc đó anh thành đứa trẻ thơ.

Nam nghiêm mặt nói:

- Em thích anh luôn luôn là đứa trẻ thơ. Em không thích anh lớn!

Lần đó, Tường hiểu Nam muốn nói gì. Chàng cũng không biết phải đáp lời Nam thế nào, vì tận thâm tâm, Tường biết mình luôn luôn muốn lớn lên, lớn lên mãi. Hai người đi ngược đường nhau, nên những phút dừng lại gặp gỡ đúng nghĩa như hôm ấy trở nên mong manh phù du.

Có thể cái quyết định phải đi cùng chiều với Tường mới mong đuổi bắt được Tường, quyết định âm thầm trong cảnh vô vọng chới với, đã khiến Nam vui vẻ nhận lời, khi Tường đề nghị Nam lên giúp cho đài phát thanh. Tường bảo:

- Tụi anh cần một giọng nữ vừa ngọt ngào vừa nghiêm trang. Cô sinh viên Luật khoa lâu nay đọc trên đài giọng chanh chua quá, ai cũng nói! Em lên giúp tụi anh đi!

Nam xem đó là một lời khen kín đáo, lại là dấu hiệu sự tôn trọng tin cẩn của Tường đối với mình, nên đồng ý ngay. Nàng từ chối cho có lệ:

- Em đọc trên đài phát thanh, chắc phong trào tranh đấu tan hàng hết!

Tường vội nói:

- Không phải đâu. Giọng em thích hợp lắm. Với lại không phải tụi anh chỉ cần người xướng ngôn mà thôi. Cần cả người viết bài nữa. Em viết bài, rồi đọc luôn thể.

Nam rùn vai, lắc đầu:

- Ôi chao! Em mà viết cái gì!

- Sao em nói thế! Anh đưa tài liệu cho, em chỉ việc tóm tắt rồi xếp đặt cho có hệ thống.

Rồi sợ Nam từ chối, Tường hạ giọng năn nỉ:

-Em không nhận, anh kẹt lắm. Anh đã hứa với anh em là ngay chiều nay có người lo cho phần bình luận thời sự.

Nghe đến bốn chữ “bình luận thời sự”, Nam lo âu ra mặt:

- Em biết gì mà bình với luận!

- Có phải một mình em làm đâu. Có nhiều anh em khác nữa. Em nhận rồi nhé! Gật đầu đi cho anh an tâm. Gật đầu đi. Rồi! Chốc nữa bốn giờ anh trở lại đèo em lên đài phát thanh nhận việc liền.

Nam thực sự nhập cuộc từ hôm ấy!

Ngày đầu tiên, công việc của Nam đơn giản y như lời Tường báo trước. Những sinh viên phụ trách phòng truyền thanh ở khu đại học đương nhiên được chuyển qua nắm đài phát thanh vừa được ông quản đốc công chức nhà nước “bàn giao” êm thấm. Toàn bộ nhân viên cũ đài phát thanh Huế vẫn làm việc như thường; bộ phận kỹ thuật vẫn lo canh chừng máy móc vì sợ anh em sinh viên không rành máy móc bấm bậy một cái nút cũng đủ làm cho “tiếng nói của những người thao thức trước hiện tình đất nước” phải im tiếng. Mà tiếng nói ấy im, thì lôi thôi to! Chắc chắn là có bàn tay lông lá nào đây lén phá hoại máy móc để bịt miệng những người trẻ tranh đấu cho dân chủ và độc lập! Và tay sai của những bàn tay lông lá ấy, có ai khác ngoài chính những kỹ thuật viên của đài. Họ sợ như vậy, nên giữ thân bằng cách túc trực siêng năng tại đài, săn sóc cưng chiều máy móc còn hơn cả cưng chiều vợ con.

Bộ phận biên tập thì được ngồi chơi xơi nước, vì ban đầu, hai sinh viên vẫn viết bài cho phòng truyền thanh hoàn toàn tin tưởng ở lập trường và khả năng của mình. Khổ nỗi giờ truyền thanh bằng loa trước đây ngắn, mỗi ngày chỉ hai giờ, sáng và chiều, có tin tức hay thông cáo khẩn cấp thì mới mở cửa phòng bật công tắc lên thổi phù phù vào micro vài cái rồi đọc nhanh mấy phút, là xong. Qua đài phát thanh, giờ giấc kéo dài ra, bài vở đâm thiếu. Chẳng lẽ chỉ đọc đi đọc lại mấy cái tuyên cáo hoặc kháng thư? Hai anh sinh viên cong lưng viết mà bài vở chẳng được bao nhiêu. Lúc ấy, nhân viên biên tập của đài mới e đè đề nghị cần giúp đỡ điều gì, họ sẽ sẵn sàng. Ban phát thanh hỏi ý Tường. Tường ngần ngại, nhưng thấy rõ không có con đường nào khác. Ðiều quan trọng là có một người tin cẩn được để kiểm sóat, theo dõi nội dung phát thanh.

Tìm những người như vậy thật khó. Ai cũng muốn hoạt động ở chỗ đông đảo, có nhiều tiếng vỗ tay tán thưởng và nhiều đôi mặt khâm phục. Đọc tuyên cáo trên loa truyền thanh còn có thú vị được nghe lại âm vang của lời mình nói, sức mạnh của chữ nghĩa, sự khuếch đại ảnh hưởng của một câu văn nguệch ngoạc im lìm trên giấy. Đàng này làm việc ở đài phát thanh chỉ đối diện với máy móc vô giác, và tuy lời nói cũng âm vang khắp hang cùng ngõ hẹp, nhưng âm vang đó tản mạn ra từng nhà, mất dấu vô danh, không kiểm chứng được. Tường phân công cho ai, người đó cũng tìm cớ thoái thoác. Cuối cùng, chàng nghĩ đến Ngữ. Tường do dự, nhớ lại những lần hai đứa cãi nhau để chỉ dẫn nhau đến bế tắc, hay đẩy nhau xa hơn. Vả lại, đã chắc gì Ngữ nhận. Từ Ngữ, chàng nghĩ tới Nam. Chàng sung sướng hân hoan vì biết Nam sẽ nhận lời. Tường nghĩ đến câu văn quen thuộc của Saint-Exupery mà trước đây chàng vẫn cho là lẩm cẩm xoàng xỉnh: “Yêu nhau không phải chỉ là nhìn nhau, mà là cùng nhìn về một hướng”.

Nam chỉ phải đọc qua bài vớ lần chót trước khi thu thanh, và phụ trách phần xướng ngôn nữ. Có thông báo khẩn, như triệu tập các quân nhân Phật tử trong chiến đoàn Nguyễn Ðại Thức, như thông cáo giờ thuyết pháp của thầy Trí Quang… đại diện các đoàn thể tranh đấu chỉ việc đưa cho Nam là yên tâm ra về. Lúc rảnh, Nam có thể lấy sách ra đọc, hoặc đứng trước đài phát thanh nhìn cảnh xuống đường tấp nập của những học sinh sinh viên được rỗi nhờ bãi khóa. Nam nghiệm rằng đến giúp cho đài phát thanh, nàng sống hào hứng và yên tâm hơn ru rú ở nhà. Nàng được gặp Tường thường xuyên hơn, được gần gũi với cuộc sống hôi hổi nhiều hơn, được biết tin tức mau lẹ hơn. Nàng được thở nhịp thở đầu tiên của Huế, vì nếu Huế lạc quan hay lo lắng, giận dữ hay an nhiên, thách thức hay hòa giải… tất cả đều phải qua đài phát thanh rồi mới biểu lộ cho các nơi khác như Ðà nẵng, Hội an, Qui nhơn, Nha trang, Sài gòn, kể cả Hoa Thịnh Đốn, Mạc Tư Khoa, Bắc kinh, Hà nội biết. Mối quan hệ giữa nàng với Tường nâng Nam lên cao trước các đoàn thể tranh đấu, và dù khiêm nhường nhũn nhặn đến bao nhiêu, Nam vẫn cảm thấy kiêu hãnh, sung sướng.

Nam thay đổi nhanh chóng đến độ một tối về nhà gặp Ngữ, Ngữ ngỡ ngàng không hiểu tại sao em mình bỗng nhiên say sưa nói đến những chuyện như là quốc hội lập pháp, chủ nghĩa thực dân mới, chiến thuật và chiến lược đấu tranh, vận động quần chúng…

Ngữ lừ mắt hỏi:

- Sao tự nhiên trở chứng thế?

Nam cãi lại:

- Hồi này đi đâu thiên hạ cũng bàn những chuyện đó, có gì đâu anh bảo trở chứng. Với lại em nghỉ học, buồn, lên giúp cho đài phát thanh, nên quen miệng.

- Từ hồi nào?

- Từ hơn tuần nay.

- Hơn một tuần à? Sao anh chẳng biết gì cả. Thấy Tường đến đây chở đi chở về, anh tưởng…

Nam đỏ mặt, sợ anh nói đến chuyện tình cảm của mình, phải giành nói trước:

- Anh ấy nhờ em lên xướng ngôn thế cho một cô giọng không được tốt.

Ngữ trố mắt nhìn em:

- Hóa ra giọng nữ trên đài phát thanh Huế là giọng em đấy à? Sao có vẻ…

Nam cười tưởng Ngữ sắp nói nịnh mình, hỏi anh:

- Có vẻ thế nào?

- Có vẻ “sắt máu” lắm! Chỉ thua giọng các cô trên đài Hà nội một chút xíu thôi!

Nam không cười nữa, lo âu hỏi:

- Anh nói thật à?

- Lại không thật. Đến nỗi anh không nhận ra được, Nam đủ biết.

Nam buồn rầu, tìm cách giải thích:

- Có lẽ tại nội dung bài vở “sắt máu” (nếu dùng chữ anh vừa nói) chứ không phải tại giọng em đâu. Em vẫn đọc như nói thường. Hoặc có thể hệ thống máy móc không tốt.

Ngữ thấy em lo lắng quá, nói cho qua:

- Chắc tại máy xấu.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx