sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 9

Sau hơn một tuần nằm nhà để chờ thời cuộc lắng dịu, sáng nay ông Thanh Tuyến, Lãng, và Mân trở vào Đà nẵng. Mân dùng chiếc xe Jeep của mình chở hai người bạn thầu, vì theo ý Mân, dùng chiếc Toyota trắng sang trọng của ông Thanh Tuyến trong tình thế này thật không thức thời. Chưa nói những nguy hiểm bất ngờ khác. Ông Thanh Tuyến thấy ý kiến của Mân hợp lý, nên bằng lòng.

Mân còn bảo Lãng nên mặc đồ lính như mình. Họ hẹn nhau ở nhà ông Thanh Tuyến lúc sáu giờ sáng. Bà Thanh Tuyến dậy sớm để sửa soạn bữa ăn sáng cho ba người. Sau khi bưng ba dĩa trứng rán và bánh mì phết bơ lên trịnh trọng đặt trước mặt Mân trước, rồi tới Lãng, cuối cùng đặt trước mặt chồng, bà Thanh Tuyến ngồi ghé lên chiếc ghế đối diện Lãng hỏi nhỏ:

- Mấy bữa nay Nam nó có đau yếu gì không, cháu?

Lãng đáp:

- Thưa bác chị ấy vẫn thường.

- Sao không thấy ghé lại đây?

Lãng cười:

- Bữa nay chị ấy hăng lắm, bác! Sáng nào anh Tường cũng xuống chở chị ấy đi tới tối mịt mới về. Bác không dùng sáng à?

Bà Thanh Tuyến trả lời chung cho cả Mân:

- Thưa không, mời anh tự nhiên. Buổi sáng tôi chỉ uống một cốc Cacao thôi. Nhưng phải tới chín giờ cơ!

Mân bưng tách cà phê sữa lên uống một ngụm, khen lấy lòng bà chủ:

- Chị cho uống cà phê Việt nam để bù những lúc chúng tôi phải uống cà phê chua lè nhạt thếch của Mỹ. Riết rồi cũng quen đi, bây giờ uống thức uống của tụi Mỹ thấy không đến nỗi tệ lắm.

Mân ngừng lại, liếc về phía cầu thang lên lầu, hỏi bà Thanh Tuyến:

- Anh Tường đâu không mời xuống xơi sáng luôn, hở chị?

Ông Thanh Tuyến đáp. thay vợ:

- Nó có về đâu. Bấy lâu nay ăn ngủ luôn bên đó!

Bà Thanh Tuyến sợ chưa rõ, liếc nhìn Lãng, tiếp lời chồng:

- Bên khu đại học, đó anh!

Mân yên tâm hơn quay về phía ông Thanh Tuyến nói:

- Tình hình có vẻ găng lắm! Nhất là vụ tướng Chiểu bị sỉ nhục. Tôi nghe anh em bên Tiểu khu nói Sài gòn họ tức giận lắm.

Ông Thanh Tuyến nhận ra trong câu nói bình thường của Mân, hình như có giọng trách móc, nếu không phải là lời cảnh cáo. Ông cúi xuống ăn, không đáp ngay. Trước mặt vợ và Lãng, ông không muốn nói với Mân rằng ông không hề dính dáng gì đến công việc Tường làm. Nói như vậy, theo ông nghĩ, là tự hạ quá đáng trước mặt một người bạn thầu trẻ tuổi và ít vốn hơn ông, mặc dù nhờ Mân mà ông phất mạnh trong hơn một năm nay. Ông uống cạn tách cà phê, rồi nói với Mân:

- Tình hình còn gay go, chúng ta vào liệu đã tiếp tục việc làm ăn được chưa?

Mân đáp:

- Chắc chắn là chưa. Nhưng phải vào ngay. Mật ít mồi nhiều, tụi mình ở ngoài này lâu, chắc chắn phe chúng nó sẽ tìm cách giật hết mối thầu. Hồi hôm, có tin ra là…

Ông Thanh Tuyến nháy mắt ra hiệu cho Mân. Mân hiểu, liếc về phía bà Thanh Tuyến, nói lạc đi một chút:

- Có tin cho biết là Mỹ đã mở cửa trại trở lại. Chắc là rác ngập đến cổ rồi, chúng nó chịu không nỗi. Chị biết không, rác Mỹ hôi cái mùi quái dị lắm, mình sống nghèo nàn quen chịu còn không được huống chi chúng nó.

Lãng hỏi Mân:

- Sao hôm qua anh bảo tụi Mỹ trí súng ở cửa các doanh trại không cho ai ra vào gì cả!

Bà Thanh Tuyến hết nhìn chồng đến nhìn Mân, ngờ ngợ, có cái gì không ổn mà chồng giấu mình. Bà sợ hãi hỏi nhỏ:

- Còn rắc rối quá thế, sao không chờ yên hãy hay?

Mân cười lớn, nói với bà Thanh Tuyến:

- Chị đừng lo trời sập! Lính Mỹ đóng dày chung quanh Đà nẵng, họ đã đổ biết bao nhiêu tiền của vào đây, họ còn lo gấp mấy mình nữa. Các ông tướng ông tá Việt nam kình cãi nhau, họ để mặc, để xem anh nào khá thì giúp. Thế thôi. Cũng như đá gà để thử sức rồi còn lựa gà đi dự giải vô địch thế giới vậy mà!

Quả nhiên cách giải thích đó khiến bà Thanh Tuyến bớt lo âu. Bà cười tự nhiên hơn, bảo Mân:

- Theo anh thì gà nào cứng cựa hơn?

Mân đặt cả muỗng nỉa xuống, ngồi ngay người nghiêm trang đáp:

- Ông Kỳ! Tôi cho là ông Kỳ cứng cựa hơn.

Cả Lãng lẫn ông Thanh Tuyến đều hỏi:

- Anh căn cứ vào đâu bảo vậy?

- Sao lại ông Kỳ?

Mân chậm rãi đáp:

- Đơn giản thôi. Vì ông Kỳ ưa đá gà. Người đã bỏ nhiều thì giờ để đá gà thì chắc chắn phải học được của gà nhiều cú đá ác.

Ông Thanh Tuyến cười lớn. Cười xong gật gù mãi. Bà Thanh Tuyến chau mày, nghĩ đến Tường. Bà nói:

- Anh nói thế sao được. Chuyện đời đâu có đơn giản như vậy. Với lại, sao tôi ghét những người chơi trò đá gà thế. Man dã độc ác thế nào! Ai đời người ta lấy dao chuốt cựa gà nhọn hoắt để gà mình đâm lòi cổ gà địch. Đã thế còn cột cả lưỡi lam vào chân gà. Mới đá hiệp đầu, máu đã đổ rồi. Chưa nói tới cảnh mỗi lần xong một hiệp, chủ gà kê miệng vào mỏ gà hút ra cả ngụm máu, nhổ toẹt xuống đất, rồi lại hút thêm ngụm khác. Vừa bẩn thỉu vừa dã man. Khiếp chết được!

Ông Thanh Tuyến sợ lời vợ làm mất lòng Mân, cố lấy giọng bông đùa:

- Này này. Tôi bắt quả tang mình ghiền đi xem đá gà rồi nhé! Không ghiền, tại sao biết kỹ như vậy?

Bà Thanh Tuyến chống chế:

- Đâu phải thế. Tại hồi em còn nhỏ, bố em mê đá gà lắm. Ði đâu bố em cũng dắt em theo cả. Mỗi lần gà đá bố em bị chết, em khóc cả ngày.

Ông Thanh Tuyến hỏi liền:

- Hồi xưa làm gì có dao lam mà cột vào chân gà?

Bà Thanh Tuyến cãi lại:

- Dao gì chẳng được. Không phải loại dao lam cạo râu bây giờ, mà là một lưỡi dao mỏng nhỏ hơn đầu đũa, bén lắm.

Vừa lúc đó, Quỳnh Như mắt nhắm mắt mở từ trong phòng ngủ đi ra. Thấy có khách ở phòng ăn, nàng khựng lại, sợ bị bắt gặp đang bù xù xốc xếch sau giấc ngủ vùi. Bà Thanh Tuyến quên hẳn chuyện đá gà, quay về phía con gái út âu yếm gọi:

- Quỳnh Như hả con! Lại đây điểm tâm với thầy và các anh!

Quỳnh Như bối rối nhìn Mân, hai bàn tay kéo thẳng vạt áo ngủ, lí nhí nói:

- Cảm ơn me. Con chưa kịp rửa mặt. Xin thầy me và các anh cứ tự nhiên.

Nói xong, Quỳnh Như nhận ra “một anh” khách là Lãng. Mắt nàng sáng lên tinh nghịch, định nói đùa một câu, nhưng thôi. Quỳnh như đi nhanh về phía phòng tắm. Bà Thanh Tuyến nhìn theo, hãnh diện nói với Mân:

- Cháu nó sắp xong cái tú tài hai đấy. Trông con nít thế, nhưng…

Lãng cười, nói với bà Thanh Tuyến:

- Không con nít đâu, bác ơi! Quỳnh Như mà lên nói trước micro, bác sợ ngay! Ăn nói đanh thép, đầu đuôi chặt chẽ lắm. Chị Nam cháu phục lăn, cứ bảo cháu: “Không biết tại sao ở nhà nó lanh chanh thế, mà ra trước công chúng, nó khác hẳn”.

Tiếng Quỳnh Như từ trong phòng tắm vọng ra:

- Nói xấu gì “chị” đó, ông mãnh!

Mọi người đều cười. Có lẽ nhờ thế mà cuộc khởi hành vào Ðà nẵng của ông Thanh Tuyến, Mân và Lãng bớt có vẻ bất thường, mạo hiểm. Bà Thanh Tuyến cũng yên tâm tiễn chồng ra xe.

Xe vừa qua khỏi An cựu, Mân đã hỏi ông Thanh Tuyến:

- Anh biết tin rồi chứ?

Ông Thanh Tuyến nhìn gương chiếu hậu để e dè dò xét Lãng. Mân hiểu, nói ngay:

- Sẵn đây cũng nên cho chú Lãng biết luôn.

Ông Thanh Tuyến gật đầu, hỏi Mân:

- Anh đã nghĩ biện pháp gì chưa?

Mân ngạc nhiên đến nỗi vô tình đưa chân đạp thắng xe. Chiếc Jeep ngưng lại đột ngột, bánh xe cọ xát lên mặt đường kêu rít lên.

Lãng lo sợ hỏi:

- Cái gì thế?

Mân biết mình vô ý, sang số để bắt đầu cho xe chạy lại bình thường, rồi mới đáp:

- Không có gì đâu Lãng. Tại anh vô ý!

Rồi quay sang ông Thanh Tuyến, Mân hỏi:

- Anh hỏi biện pháp là thế nào? Chuyện các ông lớn sắp đánh nhau to, mình làm gì được mà biện với pháp!

Ông Thanh Tuyến trố mắt hỏi:

- Anh nói gì thế, không phải chuyện hồi hôm anh cho tôi hay…

Mân hiểu ra, vội cắt lời ông Thanh Tuyến:

- Không. Tin radio nói sáng sớm nay cơ. Tin ông Kỳ tuyên bố Đà nẵng coi như đã bị Việt cộng chiếm, và Trung ương sẽ gửi quân ra “giải phóng” Ðà nẵng.

Ông Thanh Tuyến kinh ngạc quay ngoắc về phía trái hỏi Mân:

- Thật à? Chính anh nghe radio hay nghe nói lại?

- Chính tôi nghe. Sau đó còn nghe cả đài VOA nữa.

- Đài VOA nói gì?

- Đài VOA không nói ẩu như ông Kỳ. Đại sứ Cabot Lodge tuyên bố mập mờ hơn, bảo rằng chính phủ Việt nam Cộng hòa cần tái lập kiểm soát tình hình tại Đà nẵng và Huế, và trong tình thế hỗn loạn này, chính phủ có thể sử dụng bất cứ phương cách nào, kể cả biện pháp quân sự.

Ông Thanh Tuyến hô hoán:

- Vậy là sắp đánh nhau to rồi. Đến khổ! Đã thế chúng ta còn vào đó làm gì nữa!

Mân nhấn mạnh ga cho xe chạy mau hơn, rồi đáp lời:

- Chính vì sắp đánh nhau to mà ta phải vào Đà nẵng. Mình phải nắm trước thời cơ, ngay khi thời cơ chưa tới. Anh thấy đấy, bây giờ hai năm rõ mười là người Mỹ ủng hộ ông Kỳ làm mạnh. Tụi chó đẻ toan giành mối thầu của mình dựa thế đại tá Y. Chúng cứ tưởng có ông đại tá và phe tranh đấu Phật giáo ở sau lưng là ăn chắc, nên mới bắn tiếng dọa dẫm như tôi nói với anh tối hôm qua. Chúng nó ngu như con bò. À này, anh biết chuyện này chưa?

- Chuyện gì nữa?

-Anh đừng hớt hải. Khổ quá. Làm ăn mà anh yếu bóng vía quá, đâu được. Đáng lý tôi nói với anh chuyện này từ lâu, nhưng chưa chắc chắn nên thôi. Bây giờ thì chắc đến tám mươi, à không, đến chín mươi phần trăm rồi. Ông Tôn Thất Đính nhà tôi sắp ra nắm quân đoàn Một.

Ông Thanh Tuyến nghe hết tin quan trọng này đến tin quan trọng khác, ngộp thở, ù tai, không dám tin ở mình nữa. Ông hỏi lại:

- Thật à? Chính tướng Đính tin ra hay lại tin đồn?

- Chính ông ấy điện thoại ra Huế cho ba tôi hay. Ông ấy còn hỏi thăm thật kỹ tình hình trên chùa, tình hình sinh viên, tình hình Ðà nẵng. Tôi được dịp nói rõ vụ Ðà nẵng cho “anh ấy” hay!

- Anh nói chuyện trực tiếp với tướng Đính sao?

Giọng Mân hãnh diện tự mãn:

- Chứ sao! Tôi nói rõ cả chuyện bác sĩ Mẫn đến từng ty sở hô hào chống chính phủ Sài gòn nữa.

- Rồi tướng Đính có nói gì không?

- Anh ấy chỉ ậm ừ, nói “thế à, thế à”. Xưa nay anh ấy vẫn khôn khéo kín đáo lắm, nhiều người lầm tưởng anh ấy phổi bò. Không đâu. Anh có nhớ vụ anh ấy lừa được cả ông Nhu không?

Cả Lãng lẫn ông Thanh Tuyến đều hỏi:

- Có chuyện đó thật à?

- Chuyện sờ sờ ai cũng biết, anh quên rồi! Vụ anh ấy giả vờ trung thành với anh em họ Ngô khéo đến nỗi ông Nhu đem giao cả quân trấn Sài gòn – Gia định cho anh ấy. Rồi ông tổng trấn trẻ tuổi họp báo chửi bới tụi phản loạn, hết dạ trung thành với Ngô Tổng thống. Hà hà! Không làm thế thì làm sao quật được một người mưu lược đa nghi như ông Nhu. Anh thấy đấy, năm 1963 anh ấy chỉ quật ngược một cái, là nhà Ngô đổ sụm.

Ông Thanh Tuyến yên tâm về chuyện đường xa, nên quay sang hỏi chuyện trước mặt:

- Trưa nay vào, chúng ta ghé đâu trước?

Mân hơi khựng, vì không được khoe khoang về ông tướng bà con nữa, nhưng cũng vui vẻ đáp:

- Không nên ghé chỗ cũ. À, sẵn đây tin cho Lãng biết là cách đây ba hôm, trong đó nhận được thư nặc danh dọa mình phải bỏ mấy chỗ thầu ấy, không nghe sẽ ăn lựu đạn.

Lãng cau mày, chồm người ra phía trước hỏi:

- Bọn nào lớn gan vậy?

Mân đáp chậm cho Lãng ở phía sau nghe rõ hơn:

- Có thể là bọn cũ dưới Thanh bình. Cũng có thể là bọn chợ Cồn. Vào tới nơi, ghé khách sạn tắm rửa xong, em lên ngay chợ Cồn liên lạc với anh em mình. Rán tìm hiểu cho đích xác bọn nào. Nếu vẫn là bọn cũ, mình không ngại.

Lãng nói:

- Em còn để quần áo đồ đạc ở chỗ cũ. Anh ghé lại cho em lấy được không? Cả mấy thứ lặt vặt của chị Quế nữa!

Mân suy nghĩ một lúc, mới đáp:

- Tốt hơn hết mình nên cẩn thận. Chúng nó gửi thư đến đó, thì chắc là biết rõ mình. Chúng nó đứng trong tối, mình ở ngoài sáng bất lợi hơn. Cần lấy gì tối hãy lại.

Lãng băn khoăn hỏi:

- Cả chiếc Honda 90 em cũng để ở đó nữa, làm sao lấy?

- Thì tìm chiếc khác. Nếu cần mua luôn một chiếc mới. Hôm nay chúng ta không đi chiếc Toyota của bác Thanh Tuyến, em đủ thấy anh cẩn thận đến mức nào.

Xe bắt đầu leo đèo Hải vân. Đường đèo vắng vẻ hơn thường lệ, nhất là xe từ Đà nẵng ra Huế từ trạm nghỉ trên đỉnh xuôi xuống Lăng cô dường như không có chiếc nào cả. Ông Thanh Tuyến nói với Mân:

- Hình như trong Ðà nẵng giới nghiêm thì phải.

Mân không nói gì, chú ý lái xe cẩn thận. Lãng muốn hỏi nhiều chuyện nữa, nhưng sợ Mân phân trí lúc phải lái xe trên đoạn đường nguy hiểm, nên ngồi im, ngửa người dựa hẳn vào lưng ghế. Biển xanh phía dưới. Trời xanh bên trên, nắng tháng tư bắt đầu oi ả. Sự vắng vẻ mênh mông của thiên nhiên như tăng thêm. Lãng buồn ngủ vì phải dậy sớm lên nhà ông Thanh Tuyến, bắt đầu ngủ gật.

Lãng không nghe hai người lớn trên xe nói với nhau điều gì nữa!

Tối hôm đó Lãng lo liên lạc với băng Sáu Thẹo trên chợ Cồn và băng Hùng Sùi bên Thanh bình. Ông Thanh Tuyến ngồi nói chuyện với Mân trong căn phòng rộng rãi của một khách sạn hạng sang của Ðà nẵng tới khuya. Chỉ còn có hai người, nên ông Thanh Tuyến bớt e ngại khi nói thật tâm sự của mình. Câu chuyện ban đầu loanh quanh lan man toàn việc làm ăn, rồi như mọi câu chuyện giữa đàn ông với nhau, cuối cùng họ quay sang chuyện chính trị.

Bao giờ cũng vậy, hễ có hai người đàn ông trở lên ngồi với nhau là không trước thì sau họ cũng bàn đến chính trị. Bất kể trình độ văn hóa họ thế nào, bất kể tuổi tác hoặc nghề nghiệp. Trước đó họ có thể hăng say bàn chuyện làm ăn, chuyện nhậu nhẹt, chuyện trời mưa trời nắng, chuyện ái tình lẻ hay chẵn, nhưng những chuyện đó chỉ là phụ. Mỗi người chỉ góp chuyện một cách nửa vời, dè dặt. Chuyện làm ăn, họ nghiêm nghị nhưng lạnh nhạt cảnh giác. Chuyện ăn chơi, họ ngả ngớn cười cợt. Chuyện ái tình, họ ba hoa khoe khoang. Chỉ khi nào bắt đầu vào chuyện chính trị, họ mới lao hết vào cuộc với tất cả nghiêm chỉnh lẫn đam mê. Chỉ trong môi trường chính trị, họ mới tìm thấy những đề tài, những cơ hội thỏa mãn khát vọng quyền lực lâu nay vùi giấu thầm kín trong lòng họ. Lúc đó họ mới thực là họ, từ ông nhà tu suốt đời kinh kệ gác bỏ trần tục cho đến anh nhà buôn lúc nào cũng nghĩ tới lời lỗ, từ những nghệ sĩ khinh thế ngạo vật cho đến những cậu học trò hiền lành chăm chỉ. Cuộc sống của họ có vẻ bình thường. Tuy vậy, trong lòng mỗi người đàn ông đều có một khát vọng ngàn đời: khát vọng quyền thế. Khát vọng ấy còn mạnh hơn cả tiền bạc hay sắc đẹp. Cho nên khi câu chuyện đưa đẩy đến vấn đề chính trị, tức là biểu hiện trước mắt của một thứ quyền lực cụ thể, thì đôi mắt mọi người đàn ông đều sáng rực. Nhà tu hành quên ngay kinh kệ. Người nghệ sĩ quên ngay nghệ thuật. Nhà buôn quên ngay các con số, vì dù buôn bán lớn đến đâu, nghĩ cho cùng, cũng thua xa lối buôn vua của Lã Bát Vì.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi tối hôm đó, trong một khách sạn lạ hoắc, từ cửa sổ căn phòng trên cao nhìn xuống ánh đèn nhấp nháy của một thành phố cảng quan trọng thứ nhì của Việt nam, một nhà buôn chuyên nghiệp và một anh con buôn cơ hội nghiêm chỉnh bàn luận với nhau về đủ đề tài thời sự, từ cuộc đối đầu chưa phân thắng bại giữa cộng sản và tư bản cho tới cuộc leo thang oanh tạc Bắc Việt, từ mâu thuẫn giữa thành thị và nông thôn cho tới vấn đề kỳ thị nam bắc, rồi sự khác biệt giữa Phật giáo và Công giáo trước cuộc đấu tranh giành độc lập, rồi chủ trương của phe Phật giáo tranh đấu… dần dần lan man tới những khác biệt giữa thượng tọa Trí Quang và thượng tọa Tâm Châu, giữa phương thức hành động của nhà chùa và sinh viên tranh đấu. Bao nhiêu đề tài nghiêm trọng mà một viện nghiên cứu khoa học xã hội mài miệt tìm hiểu nghìn năm vẫn chưa hết, tối hôm đó, hai người “xơi tái” trong vòng vài tiếng đồng hồ. Vào phút chót, khi cả hai đều thỏa mãn vì tự thấy mình cao lớn y như tầm cao lịch sử, Mân mới hạ giọng “khuyên nhủ” ông Thanh Tuyến:

- Anh đừng áy náy chuyện anh Tường. Anh lo nếu thời thế biến chuyển, chuyện làm ăn của mình sẽ bị liên lụy chứ gì? Chỉ sợ Tường không phải là tay cứng, không dám đi tới cùng. Chứ nếu sừng sỏ, leo lên tới chỗ chóp bu, thì không ai dám động tới lông chân đâu. Để rồi anh coi, giả sử sau này vụ tranh đấu tranh điếc ở đây thất bại, ông Kỳ dẹp được hết, lúc đó ông Trí Quang vẫn chẳng hề gì. Ðến cái vạt áo nâu cũng không bị lấm chứ đừng nói chuyện bắt bớ ông ta. Bị tù đày, chỉ có hạng tôm tép. Nếu anh Tường cho tới lúc đó vẫn chỉ là hạng tôm tép, thì phiền đấy. Còn nếu…

Ông Thanh Tuyến hãnh diện lớn tiếng:

- Còn lâu! Nó cừ lắm! Con tôi, chứ đâu phải ai!

Mân hớp một ngụm rượu Cognac, rồi nói:

- Nếu thế thì anh nên yên tâm. Riêng anh với tôi thì rán làm Lã Bất Vi cũng thú lắm. Thằng nào không ham tiền, miễn là mình biết đưa cho khéo, biết đưa thế nào để thằng nhận tiền thấy mình được nâng cao lên chứ không bị hạ thấp xuống sau khi lấy tiền của mình. Chẳng hạn bảo chúng nó rằng phải có món tiền này để giúp vào công cuộc xây dựng dân chủ hoặc bảo vệ đất nước. Hà hà… nói khéo như thế, chúng nó phải gật thôi. Vừa có tiền, vừa có danh. Còn đòi gì nữa.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx