sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 15

Cùng với thời gian ông Thanh Tuyến nằm dí một chỗ nhưng tìm ra được an lạc, ông Văn lại trải qua một cơn khủng hoảng tinh thần trầm trọng. Ông chua xót khám phá ra sự yếu đuối của mình, suốt thời gian tình hình Ðà nẵng căng thẳng. Đã từ lâu, ông không lãnh được lương trường tư, nhưng vẫn nhấp nhổm chờ tin trường mở cửa lại để hy vọng dạy giờ nào hay giờ đó. Dạy vài giờ một tuần cũng được, lãnh bao nhiêu tiền cũng xong. Ðiều quan trọng là ông muốn chứng tỏ cho mình, vâng, cho chính ông thấy rằng ông không phải là người vô dụng. Nhưng nhà trường vẫn đóng cửa, học sinh vẫn lo hội thảo biểu tình. Rồi việc làm ăn của Quế và Lãng trong Ðà nẵng bị trở ngại. Bà Văn và Quế tiếc hùi hụi số tiền đáng lẽ thu được hằng tuần, đi ra đi vào thấy cái gì cũng vướng mắt. Nhất là bà Văn. Bà càu nhàu, la Quế đi chợ không biết tiết kiệm, “đói nhăn răng đến nơi còn tiêu hoang mua một lần nửa ký thịt bò về làm thịt thưng”, bà gắt Ngữ giặt đồ không chịu xả bằng nước lạnh trước nhiều lần cho bớt chất bẩn rồi hãy chà xà phòng cho đỡ tốn, bà trách ông Văn hút chi cho nhiều thuốc lá vừa hại phổi vừa phí tiền.

Nếu lời trách cứ này ở vào thời gian bình thường trước đây, ông Văn sẽ cảm động, cho đó là dấu hiệu tình nghĩa vợ chồng thắm thiết. Như vậy là bà luôn luôn lo lắng cho sức khỏe của ông, cho lá phổi đã mệt nhoài vì những giờ “la hét” trước đám học trò trường tư đông đúc và lười biếng.

Nhưng vào lúc này, ông không chú ý đến mấy tiếng “hại phổi”, mà chỉ chú ý đến mấy tiếng “phí tiền”. Ông lầm lì ngồi yên nghĩ đi nghĩ lại câu nói của vợ, càng nghĩ càng đau. Rõ ràng hiện giờ vợ ông xem ông là người vô tích sự, hoàn toàn bất lực trong việc mưu sinh. Cái đau đớn cho ông, là nếu tìm nghề khác trong thời gian trường tư đóng cửa, thì tìm nghề gì bây giờ?

Trước mặt ông chỉ có hai nghề mà đời chế sẵn cho ông, là nghề dạy học và nghề mở hiệu sách. Nghề bán sách ông thất bại, bây giờ nghề dạy học cũng thất bại nốt! Làm sao đây?

Khổ nữa là không có người nào để ông tâm sự những điều phúc tạp như vậy. Ông tiếc cái thời được thao thao bất tuyệt những giấc mơ lý tưởng với Tường. Tiếc thời được lặng lẽ hoặc rời rạc trao đổi những thông cảm tế nhị với Nam. Con chim nhỏ yếu ớt ông ấp ủ trong bàn tay, ông bảo bọc trìu mến bằng tất cả thương yếu và hy vọng, con chim đó bây giờ lại bay xa rồi!

Ông ngỡ ngàng, rồi hiu hiu buồn khi thấy Nam thay đổi từng ngày. Mỗi lần nghe tiếng xe Vespa của Tường dừng lại trước cửa, rồi tiếng chân Nam vội vã, tiếng cánh cửa trước mở vội và đóng vội, ông lẩm bẩm: “Lại một đứa nữa vào cuộc!”. Ông cố đọc sách, nhung cố đọc mà không hiểu gì hết. Không nhớ gì hết.

Chính vào cảnh tuyệt lộ ấy, ông Văn lại “tìm ra” một đứa con tưởng đã mất. Ông “tìm lại được” Ngữ!

Hai cha con “gặp”nhau hoàn toàn bất ngờ!

Hôm đó Ngữ từ Tiểu khu về, đúng lúc ông Văn đang ngồi ở bàn nước chăm chú đọc bản dịch hai bài báo New York Times Nam mang về từ tuần trước. Ngữ thấy vẻ mặt cha trầm ngâm, gần như cau có, đâm ngại, thay vì đi thẳng xuống bếp tìm cái gì ăn, lại đi rẽ qua cánh cửa phía tay phải để vào buồng mình.

Ông Văn kêu Ngữ lại, hỏi:

- Con đã đọc những bài này chưa?

Ngữ dừng bước, do dự không biết nên bắt chuyện với cha hay nên đáp qua loa rồi vào phòng riêng, nhưng cuối cùng Ngữ đến ngồi xuống cái ghế trước mặt ông Văn đáp:

- Thưa ba, con đọc rồi.

Ông Văn vui mừng hỏi:

- Con nghĩ thế nào?

Ngữ chưa kịp chuẩn bị ý kiến, đáp hàng hai để dò ý cha:

- Con thấy người Mỹ có phần chủ quan, nhưng…

Ông Văn cắt lời con:

- Chủ quan à? Tại sao lại nói chủ quan với khách quan ở đây? Người ta chỉ chủ quan khi thực sự tìm hiểu một việc gì với lòng tự tin cao độ. Không. Phải nói là quá độ mới đúng. Mặc dù vậy, mặc dù quá tin ở sự sáng suốt hay phán đoán của mình, nhưng một kẻ chủ quan vẫn đáng ca tụng vì lòng nhiệt thành của mình. Đàng này, người Mỹ không có một chút nhiệt thành nào để tìm hiểu xem người Việt chúng ta đã làm gì, nghĩ gì.

Nói tới đó, ông Văn dừng lại, nhìn Ngữ để đo lường xem con trai mình phản ứng thế nào để còn quyết định nên hay không nên nói tiếp. Ngữ tuy hơi ngỡ ngàng khi nghe cha hùng biện khác thường, nhưng rõ ràng chàng thích thú, coi đó là dấu hiệu của lòng tin cậy. Có lẽ ánh nhìn của Ngữ khiến ông Văn yên tâm, nên ông lại tiếp tục:

- Con nghĩ mà xem, mấy tuần nay ba bỏ kinh Phật để tìm đọc những sách lịch sử vùng Mỹ châu La tinh. Con sẽ hỏi tại sao ba “trở chứng” chứ gì. Ừ, phải nói là vô tình ba “trở chứng”, vì tất cả bắt đầu bằng sự tò mò. Ba buồn quá, vơ đại một cuốn tiểu thuyết Nam Mỹ dịch ra tiếng Việt con Nam mang về. Cuốn “Vùng đất hung bạo”, con đọc chưa? Rồi à, vậy thì ba dễ nói hơn. Ban đầu đọc sách ấy, ba ngợp. Có cái gì không thuộc thói quen của ba, chẳng khác nào ba không thích quyền Anh mà người ta bắt buộc ba phải dự trận đấu từ đầu cho đến lúc một anh võ sĩ bị đo ván. Ba muốn bỏ dở cuốn truyện. Nhưng đây là lần đầu ba đọc một cuốn sách hừng hực căm thù, bạo động nhưng diễm lệ khác thường như vậy. Ba bị cuốn hút, đọc cho đến khuya. Đây là khung cảnh một quốc gia nghèo đói thuộc vùng ảnh hưởng của người Mỹ. Và ba tự hỏi: vì sao các quốc gia ở Mỹ châu La tinh đều có một khung cảnh giống nhau quá vậy? Một chế độ quân phiệt cai trị bằng bạo lực, một đám dân nghèo đói sống giữa cảnh máu chan hòa nước mắt, rồi một cuộc nổi loạn thiên tả, rồi một cuộc đàn áp khốc liệt để một chính thể quân phiệt khác lên cầm quyền… Con nghĩ mà xem, chẳng lẽ không có một mô thức nào khác sao? Tại sao cả vùng Mỹ châu La tinh cứ quay cuồng trong cái vòng lẩn quẩn khắc nghiệt ấy? Con thử trả lời xem!

Ngữ chưa chuẩn bị ý kiến nào để đáp ông Văn, nhưng chàng hào hứng được cha tâm sự như tâm sự với một kẻ trưởng thành và hiểu biết. Hơn thế nữa, tâm sự giữa hai người bạn. Chàng nói lan man theo những ý tưởng vụt đến trong óc:

- Nếu muốn dọn dẹp cho gọn, khỏi tốn công tìm hiểu cho mệt, người ta sẽ nói đến hai chữ định mệnh. Đó là cái giá phải trả cho một vùng chịu ảnh hưởng thứ “máu nóng” của văn minh Tây ban nha. Có thể nói vậy nếu dựa vào tâm tính học, hoặc tâm lý học, hoặc gì gì nữa cũng được. Theo con, nguyên nhân đơn giản thôi. Đó là người Mỹ không thể quyết định bỏ tiền ra làm việc gì khi họ chưa biết chắc chắn rằng việc đó sẽ mang đến những điều lợi cụ thể. Lâu nay cả ba và con đều nghe nói nhiều đến những ý niệm trừu tượng như tự do, dân chủ, công bằng xã hội, nhân phẩm… Chúng ta chấp nhận những ý niệm đó dưới trạng thái trừu tượng mơ hồ của nó, không cần đi sâu hơn vào chi tiết hoặc bàn cãi lôi thôi. Con tin người Mỹ không chịu như vậy. Tự do, công bằng, nhân phẩm, dân chủ… phải được qui ra số lượng và vẽ thành đồ biểu. Chính quyền đã tổ chức bao nhiêu cuộc phổ thông đầu phiếu? Lợi tức tính theo đầu người hằng năm của người giàu nhất và người nghèo nhất chênh lệch bao nhiêu? Bao nhiêu tù nhân đã được đưa ra tòa? Bao nhiêu tờ báo đã được xuất bản? Những viện thông kê tư nhân hoặc công ty thăm dò dư luận theo dõi sát nút mọi biến chuyển tâm lý của dân chúng Mỹ, từ tỷ lệ bách phân đàn bà con gái thích mang một loại áo lót mới sản xuất, cho đến mức ủng hộ của toàn dân đối với một vị tổng thống. Người Mỹ sống từ nhỏ tới lớn giữa những con số, thì làm sao họ chịu đựng được những phức tạp mơ hồ của những tình hình chính trị và tâm lý đám đông phức tạp như ở Mỹ châu La tinh. Họ e ngại trước những điều khác thường, bất trắc. Họ chỉ tin những người họ hiểu được. Họ…

Ông Văn thích thú quá, bỏ hẳn thói dè dặt cũ, chồm người về phía Ngữ, cắt lời con:

- Họ tin những ai?

Ngữ hãnh điện vì tự thấy mình quan trọng, chính mình cũng không ngờ những ý tưởng thoạt đến lại được diễn tả thành lời một cách suông sẻ như vậy. Chàng chậm rãi tiếp:

- Họ chỉ tin những ông tướng ông tá!

Ông Văn hỏi liền:

- Những ông tướng ở Mỹ châu La tinh không phức tạp hay sao?

Ngữ mỉm cười, đáp một cách tự tin:

- Con không nghĩ họ khác đồng bào của họ. Họ phức tạp như mọi người. Nhưng ít ra họ còn dễ hiểu hơn nhiều người.

- Vì sao thế?

- Vì những tướng tá cầm quyền được là nhờ súng đạn. Mà số súng đạn này, thì người Mỹ đo lường được bằng những con số hẳn hoi. Chế độ quân phiệt trường cửu ở Mỹ châu La tinh là vì vậy.

Ông Văn thích quá, gật gù một hồi, ông ngước lên mỉm cười nhìn con, uống một ngụm nước trà, rồi lại gật gù. Ông nói;

- À ra thế! Con nói có lý. Giữa cảnh hỗn loạn này, giữa những ông tướng Sài gòn và những người liên miên xuống đường hội thảo ở đây, người Mỹ dễ hiểu những ông tướng hơn. Và họ đã chọn, theo thói quen chọn lựa ở Mỹ châu La tinh.

Ngữ ngờ vực hỏi;

- Ba tin thế?

- Ừ, ba tin như vậy.

- Ba có nghĩ là phong trào tranh đấu của sinh viên học sinh và Phật tử đã bị cộng sản trà trộn và giật dây như bài báo Mỹ viết hay không?

Ông Văn suy nghĩ một lúc, rồi mới đáp:

- Thật khó trả lời dứt khoát. Nhất định là cộng sản đã lợi dụng mọi cơ hội để làm suy yếu chính quyền Miền Nam này rồi. Nhưng không phải mọi người hiện đang tham gia tranh đấu đều là tay sai của cộng sản. Nói như vậy, là nhìn vấn đề quá sức đơn giản.

- Người Mỹ đã lựa chọn rồi. Bây giờ đến lượt những người tranh đấu ở đây phải lựa chọn, không trước thì sau cũng phải tới lúc đó. Ba nghĩ họ sẽ lựa chọn phe nào.

Ông Văn chưa hiểu ý con, hỏi lại:

- Ba chưa hiểu! Phe nào, ý con muốn nói tới ai?

Ngữ giải thích:

- Nếu bị đẩy tới chỗ phải dứt khoát lựa chọn giữa các ông tướng Sài gòn và Cộng sản, những Phật tử và thanh niên tranh đấu ở đây sẽ lựa chọn ai?

Ông Văn lặng người bối rối, thì thào nói với con:

- Ba mong Sài gòn và người Mỹ đủ khôn khéo để đừng đẩy họ tới chỗ phải dứt khoát lựa chọn. Vì như vậy thì bi thảm quá.

Hai cha con im lặng thật lâu. Lòng họ lo lắng bất an, vì đều nghĩ tới Nam và Tường.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx