sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Báo thù - Phần I - Chương 04

4. THANH TRA GOUSSOT TẤN CÔNG

Bữa ăn trưa do Raoul chiêu đãi, có Félicien Charles tham dự làm ông Rousselain rất thích, không ngớt lời khen:

- Chà! Món tôm hùm!. Chà! Rượu vang trắng!... Và con gà mái tơ béo này!...

- Tôi biết rõ khẩu vị của ông, thưa ông dự thẩm - Raoul d’ Avemy nói.

- Thế à? Do ai vậy?

- Do một người bạn tôi, người đã tham gia vào vụ xét xử rất hay của ông vừa qua.

- Tôi ư? Tôi để cho sự việc tiến triển theo đà hợp lý.

- Vâng, tôi biết phương châm của ông. Trong những bi kịch về dục vọng, chính những diễn viên của bi kịch để quá trình đam mê của họ xua tan dần dần bóng tối.

- Đúng như vậy và rất không may hôm nay không như thế. Cướp tiền, cướp vòng cổ... không có nguồn gốc nào.

- Ai biết được? Có việc giăng bẫy Elisabeth Gaverel.

- Đúng, cạm bẫy là những bậc thang gãy. Thực ra ông có tin nhiều vào âm mưu ấy không? Phải chăng ông nghĩ có hai vụ khác nhau?

- Thưa ông dự thẩm, ông đừng nhìn tôi như một thám tử nghiệp dư kiêu ngạo về chút tài nhỏ mọn của mình... Không... Tôi đã đọc nhiều... Không bao giờ đọc những truyện trinh thám, nó làm tôi mệt nhoài... Nhưng tờ báo của các tòa án... những chuyện về án mạng thực sự. Và tôi rút ra một số kinh nghiệm nào đó, những tầm nhìn... đôi khi đúng, đôi khi hoàn toàn sai... và có khi cho phép tôi huyên thiên... làm ngạc nhiên những cảnh sát viên loại hai... như ông thanh tra tài ba Goussot ấy. Sự thực tất cả những cái đó đang tối mò! Có một việc sáng sủa - Anh vừa cười vừa nói thêm - là ông Philippe Gaverel không muốn người ta nghi ngờ ông cất giấu tiền. Thế mà, cứ cho là người ta tìm được chiếc túi vải xám thì ông dùng làm gì nếu trong ấy trống rỗng?

- Nhất định rồi - Ông Rousselain nói - Việc đầu tiên của tên trộm là tháo chỉ chiếc túi lấy vật đựng trong đó. Vì thế rất ít cơ hội tìm lại được tiền.

Félicien im lặng. Suốt bữa ăn anh rất chú ý lắng nghe Raoul d’ Avemy, không lúc nào xen vào câu chuyện.

Đến ba giờ ông Rousselain dẫn hai người trở lại khu vườn biệt thự Clématites, họ thấy ông Chánh thanh tra đang ở đấy.

- Thế nào ông thanh tra, có gì mới không?

Ông Goussot tỏ vẻ dửng dưng:

- Chà! Chẳng có gì nhiều. Tôi đến lấy tin tức của Férôme Helmas ở bệnh viện và có nói chuyện với các bác sĩ. Tuy tính mạng không nguy hiểm nhưng người ta không cho hỏi kĩ. Nhiều nhất là anh ta có thể nói với tôi kẻ theo dõi và tấn công anh ta hình như từ một ngõ cụt ra hồ.

- Còn con dao của hung thủ?

- Không thể tìm thấy.

- Người bị thương kia?

- Tình trạng vẫn nghiêm trọng và người ta chưa dám khẳng định.

- Không có một thông tin gì về anh ta ư?

- Không có gì.

Chánh thanh tra nghỉ một tí rồi lơ đãng buông ra:

- Tuy thế... tôi thấy trường hợp này khá lạ.

- A! Việc gì thế?

- Thế này! Anh ta đã vào khu vườn từ hôm qua, bị tấn công trong đêm.

- Ông nói gì? Trong khu vườn này?

- Ngay ở đây.

- Nhưng bằng cách nào?

- Đầu tiên anh ta vào biệt thự lợi dụng lúc ông Félicien Charles vào thăm cô Rolande sau vụ giết cô Elisabeth.

- Sau đó?

- Sau đó anh ta lẩn vào những người nghe tiếng súng chạy vào bằng mọi cách trước khi trật tự được lập lại.

- Ông chắc chắn thế chứ?

- Những người tôi hỏi đều xác nhận thế.

- Hẳn là tình cờ - Ông dự thẩm nói với Félicien - anh ta cùng vào một lần với ông?

- Tôi không chú ý - Félicien nói.

- Ông không chú ý? - Goussot hỏi lại.

- Không.

- Lạ thật. Vậy mà người ta thấy ông nói chuyện với anh ta.

- Cũng có thể - Chàng trả lời không hề bối rối - Tôi nói chuyện với những người ở đấy, hiến binh, những người tò mò.

- Và ông không lưu ý tới một chàng trai cao lớn, một loại họa sĩ bất tài, thắt cà - vạt buộc nút có chấm trắng?

- Không... hay có lẽ có... tôi không rõ... Đang quá hoảng hốt.

Nghĩ một tí rồi thanh tra Goussot tiếp tục:

- Ông ở một căn nhà thuộc về khu nhà ông d' Avemy?

- Vâng.

- Ông quen biết người làm vườn chứ?

- Tất nhiên.

- Thế mà người làm vườn ấy cho rằng hôm qua, lúc súng nổ, ông đang ngồi bên ngoài...

- Đúng vậy.

- Và ông ngồi với một người đã đến gặp ông hai, ba lần. Mà người ấy chẳng ai khác là con người này. Người làm vườn, cách đây một lúc, đã nhận đúng anh ta trong bệnh viện.

Félicien đỏ mặt, lau mồ hôi trán rồi đáp lại:

- Tôi đã không biết là chính anh ta. Tôi xin nhắc lại tôi bối rối đến nỗi không thể nói anh ấy có cùng đến Clématites một lần với tôi không và hôm qua có đứng trong đám đông với tôi không.

- Tên của người bạn ông là gì?

- Không phải bạn tôi.

- Bất kể! Tên anh ta?

- Simon Lorient. Anh ta hỏi chuyện tôi trong một hôm tôi đứng chải tóc trên bờ hồ lớn. Anh ta bảo cũng là họa sĩ nhưng lúc này không biết đặt tác phẩm ở đâu và đang tìm việc làm. Từ đó anh ta muốn được giới thiệu với ông d’ Avemy. Tôi đã hứa.

- Ông có gặp anh ta luôn không?

- Bốn hoặc năm lần.

- Địa chỉ của anh ta?

- Ở Paris. Tôi không biết gì hơn.

Chàng trai đã lấy lại sự tự tin đến mức ông dự thẩm lẩm bẩm: “Tất cả những điều ấy rất có lý.”

Nhưng Goussot không buông tha:

- Vậy là hôm qua ông có gặp anh ta?

- Vâng, gần căn nhà tôi ở. Lúc đó tôi nghĩ ông d’ Avemy trở về và nghĩ cách giới thiệu Simon Lorient.

- Và sau đó, từ lúc tôi cho giải tán ở khu vườn?

- Tôi không gặp lại anh ấy.

- Tuy vậy anh ta tiếp tục đi lại quanh những ngôi nhà trên bờ hồ. Anh ta ăn tối ở một quán cà phê hạng xoàng gần đây và người ta hầu như chắc chắn tối hôm qua thấy anh ta ngay cạnh đây, ẩn mình trong bóng tối.

- Tôi không biết gì về việc đó.

- Còn ông thì làm gì?

- Tôi ăn tối trong nhà, được người gác cổng của ông d’ Avemy phục vụ như hàng ngày.

- Sau đó?

- Sau đó tôi đọc sách và nằm ngủ.

- Vào mấy giờ?

- Mười một giờ.

- Ông không đi ra ngoài?

- Không.

- Chắc chắn chứ?

- Chắc.

Thanh tra Goussot ngoảnh lại một nhóm bốn người ông đã hỏi. Một trong những người đó, đã có tuổi, tiến lên phía trước.

Goussot hỏi ông ta:

- Ông ở trong một biệt thự gần đây, đúng không?

- Vâng, phía bên kia vườn rau của ông Philippe Gaverel.

- Biệt thự ấy một phía có con đường chạy dài, mọi người có thể theo đó ra hồ?

- Vâng.

- Ông có nói với tôi, lúc mười hai giờ bốn mươi lăm phút đêm ông đứng hóng gió ở cửa sổ nhà mình, thấy có ai đó bơi thuyền trên hồ vào đầu con đường. Người ấy đưa thuyền lại gần khu nhà ông, buộc vào cọc gỗ thường ngày của ông. Ông đã nhận ra người đó, đúng không?

- Vâng, có mấy đám mây tản ra, mặt trăng chiếu rõ mặt người ấy. Lúc đó ông ta nhảy vào vùng tối. Đấy là ông Félicien Charles. Ông đứng trên đường một lúc khá lâu.

- Sau đó?

- Sau đó tôi không biết. Tôi đi nằm và ngủ.

- Ông xác nhận đấy là ông Félicien Charles hiện có mặt ở đây?

- Tôi nghĩ có thể xác nhận không sợ bị lầm.

Thanh tra Goussot nói với Félicien:

- Như vậy là ban đêm ông ở ngoài chứ không phải nằm trên giường?

Félicien cương quyết cãi lại:

- Tôi đã không rời phòng ngủ của tôi.

- Nếu ông không rời phòng ngủ, làm sao người ta có thể thấy ông xuống thuyền lên đứng trên đường và sau đó ông Helmas nghĩ kẻ tấn công ông ấy từ con đường kia đi ra?

- Tôi không rời phòng ngủ! - Félicien lặp lại.

Ông Rousselain im lặng, thấy hơi phiền vì đã cùng ngồi ăn uống với chàng trai này. Ông nhìn Raoul d’ Avemy đang lắng nghe cũng không một lời vừa nghiên cứu Félicien.

Raoul bỗng can thiệp:

- Thưa ông thanh tra, trong lúc chờ đợi điều tra xác minh những lời đồn đại đó, ông có thể cho tôi biết trường hợp Félicien Charles sẽ đi đến đâu?

Goussot phản ứng:

- Tôi không có mục đích nào khác tập hợp những yếu tố của sự thật.

- Thưa ông thanh tra, bao giờ người ta cũng tập hợp những yếu tố ấy theo ý tưởng chung của một sự thật người ta nghĩ đã cảm nhận được.

- Tôi chẳng có ý tưởng nào cả.

- Có đấy. Trong trường hợp này, việc thẩm vấn của ông chứng tỏ: 1- Ông quan tâm nhất là bi kịch thứ hai, nghĩa là việc lấy trộm tiền và hai kẻ tấn công ban đêm; 2- Félicien đang đêm ra ngoài, dùng chiếc thuyền để vào biệt thự Orangerie, tìm túi vải màu xám đựng tiền và sau đó vào một giờ sáng, lẩn trong bóng tối anh ấy có thể đi theo, tấn công ông Férôme Helmas chồng chưa cưới của nạn nhân không biết vì lý do gì. Thâm tâm, rõ ràng ông tự hỏi anh ấy có phải cũng là kẻ tấn công người bị thương thứ hai, Simon Lorient.

- Tôi không tự hỏi mình gì cả, thưa ông - Goussot khô khan nói - và tôi cũng không có thói quen nghe người ta hỏi.

- Tôi chỉ xin phép nhận xét - Raoul d’ Averny tiếp tục - những nghi ngờ của ông hình như hướng vào hai người, Félicien Charles và Simon Lorient. Trong trường hợp ấy, nếu họ đồng mưu với nhau thì làm sao Félicien Charles có thể vừa là đồng bọn vừa là kẻ tấn công Simon Lorient?

Goussot không trả lời. Raoul nhún vai:

- Những suy đoán như thế không đứng vững được.

Sự im lặng của ông thanh tra kết thúc cảnh ấy. Đứng trên bậc thềm, Rolande chăm chú lắng nghe, trông cô rất đẹp trong bộ quần áo tang. Cô nắm lấy tay ông chú. Họ đến bệnh viện thăm Férôme.

Raoul không gặng thêm. Sau một lúc anh bảo Félicien:

- Chúng ta về đi.

Và anh chào ông dự thẩm.

Trên đường, Raoul d’ Avemy vẫn trầm tư. Về đến biệt thự anh dẫn chàng trai vào phòng làm việc nhỏ mở ra phía sau phòng khách ở một góc vườn có hàng rào.

Anh bảo Félicien ngồi và nói:

- Anh không bao giờ hỏi tôi vì sao tôi viết thư đề nghị anh đến gặp tôi.

- Tôi không dám, thưa ông.

- Do đó anh không biết vì sao tôi giao cho anh trang trí, tu sửa biệt thự này và được ở lại đây?

- Không ạ.

- Anh không tò mò?

- Tôi sợ bất cẩn. Ông không hỏi tôi.

- Có chứ. Tôi đã hỏi về quá khứ của anh. Anh nói bố mẹ anh đã mất nhiều năm nay và cuộc sống của anh thật khó khăn. Nhưng tôi cảm thấy có một sự dè chừng nào đó, ý không muốn thổ lộ về mình nên tôi không gặng thêm. Từ đó anh và tôi không hề nói chuyện với nhau nên cuối cùng tôi không biết rõ anh. Hôm nay...

Sau một lúc ngắt lời, có vẻ ngập ngừng rồi kết luận khá đột ngột:

- Hôm nay hình như anh vướng vào một vụ không hay, hay ít nhất cũng khó giải thích vai trò của anh trong đó, dù là anh không nghĩ đến. Anh có muốn thẳng thắn tâm sự với tôi không?

Félicien giải thích:

- Thưa ông, ông không thể hình dung tôi biết ơn ông đến mức nào về những gì ông đã làm cho tôi. Nhưng tôi không có gì để tâm sự cả.

- Tôi không ác cảm về câu trả lời của anh - Raoul nói - Ở tuổi anh và trong những hoàn cảnh của anh, phải biết tự xoay xở một mình. Nếu anh phạm tội gì đấy thì mặc anh. Nếu anh vô tội, cuộc sống sẽ ban thưởng cho anh.

Félicien đứng dậy lại gần Raoul d’ Avemy.

- Vậy ông nghĩ là có việc gì, thưa ông?

Raoul quan sát anh một lúc lâu. Đôi mắt chàng trai lấp lánh, nét mặt thiếu trung thực. Anh nói:

- Tôi không biết.

Việc chôn cất Elisabeth sẽ tiến hành vào ngày mai. Rolande dũng cảm ra tận nghĩa địa và không rời mắt khỏi huyệt mộ vừa đào. Cô giơ tay trên quan tài, lẩm bẩm những gì người ta không nghe rõ.

Cô đi, dựa vào cánh tay ông chú. Ông này đang nói chuyện với ông Rousselain. Tuy rất mệt mỏi, ông vẫn không để lộ công việc của mình.

- Thưa ông dự thẩm, không có một tờ bạc nào mà toàn là những thư từ và tài liệu quý. Tôi đề nghị pháp luật tìm cho được chiếc túi vải xám đựng chúng. Trước khi tôi về phương nam tôi sẽ viết đơn lên tòa án.

Raoul d’ Avemy đi dạo quanh hồ rồi ngồi trên một cột đá đọc cho xong những tờ báo buổi sáng. Một trong những tờ báo ấy có phóng viên khôn khéo nghe và thấy được, đưa những chi tiết về cuộc thấm vấn của Goussot đối với Félicien Charles.

“Mặc anh xoay sở ra sao thì ra!”, d’ Avemy cáu kỉnh càu nhàu. Anh trở về biệt thự của mình, thấy Félicien đang làm việc, đi qua tiền sảnh lên căn phòng nhỏ ở đó anh thường suy nghĩ và mơ màng.

Một người đàn bà đang chờ anh, không mũ, bận chiếc áo dài bình thường, quàng chiếc khăn đỏ quanh cổ - một người không quen, vẫn đứng, khuôn mặt đẹp có nhiều biểu hiện khác nhau, có nỗi đau, phấp phỏng, nóng giận và thù nghịch...

- Bà là ai?

- Người yêu của Simon Lorient.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx