sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Bảy thói quen của bạn trẻ thành đạt - Phần II - Chương 3

Mặc dù tôi đã lập gia đình và có một đứa con nhưng tôi vẫn tiếp tục việc học. Tôi muốn chứng minh cho bố tôi rằng đã sai lầm khi cho rằng không ai trong nhà có thể trở thành giáo sư.”

Hilda tiếp tục học và đã được bằng đại học về tài chính. Cô muốn truyền thụ những giá trị học vấn cho những đứa con: ”Bây giờ mỗi khi rảnh rỗi tôi dạy cho bọn trẻ tiếng Anh và tiếng Thụy Điển. Tôi cố để dành tiền cho việc học của chúng. Một ngày kia chúng sẽ cần đến tôi giúp làm bài tập về nhà và tôi sẽ giúp chúng”.

Gia đình Shane sống trong một khu phố nghèo, cha mẹ cậu thường đánh chửi nhau. Cha của Shane làm tài xế xe tải và ít khi về nhà. Mẹ và người em mười hai tuổi của cậu hút thuốc lá. Người anh cậu ở lại lớp hai năm và cuối cùng bị đuổi học.

Nhưng đúng vào lúc cậu nghĩ mình đã mất hết hy vọng, cậu được tham gia vào một lớp phát triển tính cách (dạy về 7 thói quen) ở trường, và bắt đầu nhận ra những điều cậu có thể làm để kiểm soát cuộc đời mình và kiến tạo một tương lai tốt đẹp. may một điều là ông nội của Shane sống ở tần trên của căn họ của gia đình cậu, thế là Shane xin ông chuyển lên đó ở. Cậu đã có một nơi ẩn trú và cách ly với những điều mà cậu không muốn dự phần ở căn hộ bên dưới. Shane nói: “mọi chuyện trở nên tốt đẹp. tôi tự đỗi xử với bản thân tốt hơn và tự trọng hơn. Dù trong gia đình tôi không có ai vào đại học, tôi được tuyển vào ba trường đại học khác nhau. Mọi việc tôi làm lúc này là vì tương lai. Tương lai của tôi phải khác. Tôi không muốn ngồi hút thuốc với mẹ và đứa em 12 tuổi.”

Bản thân bạn luôn có một sức mạnh tiềm ẩn giúp bạn vượt lên những biến cố “ụp” xuống đầu. Bạn có thể không có cơ hội chuyển đến sống với ông nội để thoát khỏi chúng như Shane, nhưng bạn có thể chuyển lên “tầng trên” trong trí tưởng tượng. Nếu biết sử dụng, sức mạnh đó sẽ giúp bạn trở thành một tác nhân của sự đổi mới, tạo ra một cuộc sống mới cho chính bản thân bạn cũng như cho những người xung quanh.

QUYẾT TÂM LÀM ĐƯỢC

Tích cực bao hàm hai nội dung. Một là bạn phải chịu trách nhiệm về đời mình. Hai là bạn phải có tâm lý có thể làm được, như bảng so sánh dưới đây:

Người có thể làm được

Người không thể làm được

Chủ động thúc đẩy cho sự việc xảy ra

Chờ đợi điều gì đó xảy ra

Suy nghĩ về các giải pháp và ý tưởng

Suy nghĩ về các khó khăn và trở ngại

Tự hành động

Bị tác động

Nếu bạn nghĩ bạn có thể làm được, bạn có sự sáng tạo và lòng quyết tâm thì bạn sẽ đạt được mục đích. Trong thời gian học đại học, vì học kém ngoại ngữ tôi buộc phải học một lớp riêng mà tôi thấy vô ích. Thay vì học lớp đó, tôi quyết định tự học. Vì vậy tôi lập một bảng liệt kê những quyển sách cần đọc và tìm một người thầy hướng dẫn. Tôi tìm đến thầy trưởng khoa và trình bày vấn đề. Ông chấp nhận ý kiến của tôi và thế là tôi đã hoàn thành được môn ngoại ngữ của mình qua giáo trình tự học.

Để đạt được mục đích của cuộc sống, bạn phải nắm được quyền chủ động.

Nhiều người tưởng như vậy là trở nên độc đoán, hung hăng hay khó chịu. Lầm, đó chính là hăng hái, quyết tâm và thông minh.

Pia, một người bạn của tôi kể lại câu chuyện sau đây:

Lúc ấy, tôi là một phóng viên trẻ ở một thành phố lớn của châu Âu, làm việc cho một tờ báo quốc tế của Mỹ. Tôi chưa có nhiều kinh nghiệm và luôn lo mình không thể đáp ứng những yêu cầu của ban biên tập toàn những tay kỳ cựu và lớn tuổi hơn tôi. Một ngày, ban nhạc The Beatles đến thành phố, và thật ngạc nhiên là tôi được cử đi viết bài về họ. Khi ấy, đó là một sự kiện nóng bỏng ở châu Âu. Các cô gái xếp hàng dài để thấy họ từ xa, tôi thì sắp sửa được gặp mặt ban nhạc huyền thoại này.

Cuộc họp báo rất thú vị và tôi tự hào đã có mặt ở đó, nhưng tôi nhận ra rằng mọi nhà báo sẽ cùng có một câu chuyện như nhau. Tôi cần một cái gì hơn thế, một cái gì đó nhiều ý nghĩa, có thể đưa lên trang nhất. tôi thấy không thể bỏ qua nhịp này. Những phóng viên giàu kinh nghiệm lần lượt quay về tòa soạn để viết bài, còn các thành viên của ban nhạc The Beatles trở lên phòng họ. Tôi ở lại. “Mình phải tìm ra cách tiếp cận với những nghệ sĩ này”, tôi nghĩ.

Tôi bước ra hành lang khách sạn, cầm lấy điện thoại và gọi lên tầng trên cùng. Tôi đoán là họ ở đó. Ông bầu của họ nghe máy. “Tôi là jensen, phóng viên của hãng United Press International. Tôi muốn được nói chuyện với ban nhạc The Beatles”, tôi cố gắng nói một cách tự tin.

Tôi vô cùng ngạc nhiên và vui mừng khi nghe ông ta đáp: ”Xin mời lên đây”. Người run lên và có cảm giác vừa trúng số, tôi bước vào thang máy và lên căn phòng thượng hạng của khách sạn. tôi được đưa tới một nơi rộng lớn bằng một tầng nhà, và tất cả đang ngồi đấy – Ringo, Paul, John và Geogre. Tôi cố kiềm lại sự hồi hộp và tỏ vẻ như mình là một phóng viên tầm cỡ quốc tế.

Tôi trải qua hai giờ cười nói, lắng nghe và ghi chép, và đó là những giờ phút tốt đẹp nhất trong nghề nghiệp của tôi. Họ đối xử với tôi như là thượng khách.

Bài báo của tôi được đang ngay trên trang nhất của tờ báo hàng đầu quốc gia vào sáng hôm sau. Và cuộc phỏng vấn mở rộng của tôi với từng thành viên của nhóm The Beatles đã xuất hiện như một bản tin đặc biệt trong hầu hết các ban tờ báo trên thế giới trong vòng vài ngày kế tiếp. Sau đó, khi ban nhạc Rolling Stones đến thành phố đó, bạn đoán thử xem họ đã cử ai đi? Chính là tôi, một nữ phóng viên non nớt, thiếu kinh nghiệm. Tôi dùng cách tiếp cận cũ với họ và nó lại hiệu quả. Chẳng bao lâu tôi đã nhận ra rằng tôi có thể thành công bằng sự kiên trì và lòng quyết tâm. Với cách này, tôi thường có những bài viết tốt nhất, và sự nghiệp của tôi chuyển sang một chiều hướng mới.

George Bernard Shaw, nhà viết kịch người Anh đã biết về tâm lý có thể làm được từ lâu:”Người ta thường đổ thừa vào hoàn cảnh sống. Riêng tôi không tin vào hoàn cảnh sống. Những người có thể tiến thân trên thế giới là loại người luôn tìm những hoàn cảnh họ muốn và nếu họ không tìm được thì họ sẽ tự tạo ra hoàn cảnh đó”.

Hãy nghe cô bạn Denise kể lại câu chuyện của mình:

Hồi trước, tôi biết là mới có 15 tuổi mà xin việc ở một thư viện là một điều kỳ quái, nhưng tôi thật sự mớ ước công việc đó. Tôi tha thiết được làm công việc này, nhưng không ai thuê tôi cả. Tôi còn nhỏ. Vậy là mỗi ngày tôi đều đến thư viện đọc sách, hẹn hò với bạn bè cũng tại đó, vì không khí ở thư viện thật tuyệt vời. Mặc dầu tôi không phải là nhân viên tại đó, nhưng dần dần tôi quên với tất cả nhân viên của thư viện. Khi có những việc đột xuất, tôi đều tình nguyện giúp họ, và chẳng mấy chốc, tôi thành “người nhà” với họ. Cũng có khi họ trả cho tôi một ít thù lao. Nhưng điều quan trọng là một ngày kia, khi cần nhân viên, thì tôi là ứng cử viên số 1. Và cuối cùng, tôi đã đạt được điều mình mơ ước: trở thành thủ thư.

HÃY NHẤN NÚT TẠM DỪNG

Nếu có ai đó xúc phạm bạn thì sức mạnh nào sẽ giữ bạn được bình tĩnh để không phản ứng lại theo những cách mà sau này bạn phải hối tiếc? Với những người mới bắt đầu thì hãy nhấn nút tạm dừng. Vâng, hãy bấm nút này với cuộc sống cũng như bạn bấm nút trên bộ điều khiển từ xa của video vậy (nếu tôi nhớ không lầm thì nút này nằm ở khoảng giữa trán bạn!). Đôi khi cuộc sống có những diễn biến quá nhanh đến nỗi chúng ta khó có thể có những phản ứng phù hợp. Nếu bạn biết cách tạm dừng, lấy lại tự chủ và suy nghĩ thì bạn sẽ có những quyết định đúng đắn hơn.

Khi đã tạm dừng, bạn hãy mở hộp dụng cụ (mà mỗi người có từ lúc mới lọt lòng) ra và sử dụng 4 dụng cụ là nhận thức, lương tâm, óc tưởng tượng và ý chí để giúp bạn ra quyết định.

Nhận thức: để có thể khách quan xem xét những suy nghĩ và hành động của mình.

Lương tâm: để có thể nghe tiếng nói của lòng mình và biết đâu là đúng hay sai.

Óc tưởng tượng: để có thể nhìn thấy trước được những khả năng sắp sửa xảy ra.

Ý chí: để có sức mạnh thực hiện sự lựa chọn.

Những công cụ trên được minh họa bằng câu chuyện của Rosa và con chó Woof của cô khi họ đi dạo mát:

“Này nhóc, hãy đi dạo nào!”, Rosa nói với Woof đang vẫy đuôi.

Đó là khoảng thời gian buồn của Rosa. Không chỉ vì cô vừa chia tay với bạn trai mà còn vì những bất đồng của Rosa với mẹ cô.

Khi đi học con đường, Rosa tự nói với mình:”Bạn biết không? Việc chia tay với Eric là điều khó khăn cho tôi. Có lẽ vì vậy mà tôi đã vô lễ và trút nỗi bực tức vào mẹ mình”.

Bạn có thấy Rosa đang làm gì không? cô ấy đang khách quan suy nghĩ, đánh giá lại bản thân mình. Tiến trình đó gọi là nhận thức. Đó là một công cụ căn bản của loài người. Khi đó Rosa sẽ nhận thấy cô ấy không nói để chuyện chia tay với Eric ảnh hưởng đến quan hệ giữa cô và mẹ mình. Đó cũng là bước đầu tiên để Rosa thay đổi cách ứng xử với mẹ.

Trong khi đó, Woof trong thấy một con mèo và chạy đuổi theo như một phản ứng bản năng.

Mặc dù Woof là một con chó quý tộc nhưng nó vẫn không có nhận thức vê bản thân mình. Thậm chí nó không biết nó là một con chó. Nó không thể khách quan suy nghĩ và nói “Bạn biết không? Vì Suzy (cô chó cái ở nhà gần bên) đã đi xa nên tôi phải trút giận vào những con mèo”.

Khi tiếp tục đi thì Rosa bắt đầu bồn chồn suy nghĩ về buổi trình diễn ca nhạc tối nay ở trường mà cô sẽ là một ca sĩ hát solo. Rosa tưởng tượng ra cô đang đứng trước khán giả, rồi nhận những bó hoa tươi thắm của khán giả tặng… và dĩ nhiên là có cả những ánh mắt ngưỡng mộ của những gã con trai.

Trong trường hợp trên thì Rosa đang sử dụng một công cụ khác – óc tưởng tượng. Đó là một món quà đáng trân trọng. Nó cho phép chúng ta thoát khỏi môi trường xung quanh và đoán trước những khả năng có thể xảy ra.

Trong khi đó, Woof đang cố đào bới bãi đất để tìm một chú sâu.

Óc tưởng tượng của Woof chỉ như là một tảng đá. Nó không thể nghĩ trước về những khả năng có thể xảy ra.

“Ồ bạn đang làm gì vây, Rosa?”, đó là tiếng của Heide, bạn của Rosa đang đến gần trên một chiếc xe đi hướng ngược lại.

“Chào Heide”, Rosa trả lời sau khi bừng tỉnh, “Bạn làm mình giật mình đấy. Mình cho con Woof đi dạo một chút ấy mà”.

“Này, mình đã nghe về chuyện của bạn và Eric rồi. Tên ấy cũng chẳng hay hò gì”.

Rosa thấy bực bội khi nghe Heide nói về Eric, đó không phải là chuyện của cô ta. Song song đó, Rosa biết Heide là một học sinh mới ở trường và cô ta đang cần làm quen với bạn mới, Rosa nghĩ mình nên tỏ ra thân thiện với cô ấy mới đúng.

“vâng, chuyện ấy cũng làm mình buồn. À, cuộc sống mới của bạn có ổn không, Heide?”

Rosa đã sử dụng đến lương tâm trong trường hợp này. Lương tâm là tiếng nói bên trong của chúng ta và nó chỉ ra cho ta thấy điều đúng điều sai. Mỗi người chúng ta đều có lương tâm. Và nó lớn lên hay co lại tùy thuộc vào chúng ta có làm theo những mách bảo của nó hay không.

Trong khi đó Woof đang vui đùa với cái hàng rào mới sơn trắng của ông Newman.

Woof hoàn toàn không có lương tâm. Nó chỉ là một con chó và nó sẽ làm những gì mà bản năng thúc giục.

Khi Rosa và Woof trở về nhà thì cô nghe tiếng mẹ vọng ra:”Rosa về đó hả con. Mẹ đang tìm con nãy giờ mà chẳng thấy đâu”.

Rosa nghĩ rằng mình không nên hỗn với mẹ nên thay vì hét lên:”Mẹ hãy để con yên”, thì cô nói:”Con chỉ đi dạo với Woof”.

“Woof! Woof! Trở lại đây!”, Rosa la lên khi Woof nhào tới đuổi theo cậu bé bán báo.

Trong khi Rosa sử dụng công cụ thứ tư là ý chí để kiềm chế cơn bực tức thì Woof, dù đã được bảo không được chạy đi, vẫn bị bản năng lôi kéo mà chạy đuổi theo cậu bé bán báo. Ý chí là sức mạnh bên trong của chúng ta, để chúng ta chọn cách cư xử vượt qua được thói quen và bản năng.

Như bạn đã thấy, trong cuộc sống hàng ngày chúng ta có thể sử dụng hay bỏ xó bốn kỹ năng đó. Nhưng bạn hãy nhớ rằng, càng được sử dụng nhiều, những công cụ này trở nên mạnh mẽ và chúng ta có nhiều phản ứng tích cực. Và ngược lại, nếu không được dùng đến, nó sẽ khiến ta có xu hướng phản ứng một cách tiêu cực theo bản năng, chứ không phải hành động theo sự chọn lựa của con người.

NHỮNG CÔNG CỤ CỦA CON NGƯỜI

TRONG HÀNH ĐỘNG

Dermell Reed đã kể cho tôi nghe câu chuyện của bạn ấy về cách giải quyết khủng hoảng của đời mình, Dermell lớn lên ở một trong những khu dữ dằn nhất của vùng đông Oakland, là con thứ tư trong một gia đình có bảy người con. Trong nhà họ Reed không có ai học qua trung học, trừ Dermell. Gia đình anh sống vất vả. con đường trước nhà anh đầy những băng nhóm du đãng và những tay bán ma túy. Dermell thấy tương lai của mình thật mù mịt.

Vào một đêm mùa hạ lặng lẽ trước năm thứ hai trung học, đang ở trong nhà, Dermell chợt nghe một loạt súng nổ.

“Tiếng súng là chuyện thường ngày, và tôi không để ý đến nó”, Dermell kể lại.

Đột nhiên một trong các bạn của anh, đã bị bắn vào chân, lao qua cửa và kêu lên rằng đứa em nhỏ của Dermell, Kevin, đã chết do một viên đạn lạc.

“Tôi cảm thấy đau khổ và giận dữ vì mất đi một đứa em”, Dermell kể, “Nó chỉ mới mười ba tuổi. Nó bị bắn chỉ vì một cuộc đụng độ vặt vãnh”.

Phản ứng tự nhiên của Dermell là muốn tìm tên sát nhân để trả thù. Cảnh sát vẫn đang truy tìm thủ phạm, nhưng Dermell thì biết rõ hắn ta. Vào một buổi tuối tháng Tám oi bức, vài tuần sau cái chết Kevin, Dermell cầm một khẩu súng ngắn cỡ nòng 38 ly đi tìm Davis Béo, kẻ đã giết Kevin, để báo thù.

“Trời tối đen. Davis và bạn hắn không thể nhìn thấy tôi. Hắn ngồi cười nói, trêu cợt, còn tôi đứng cách hắn chỉ hơn 20m, nấp sau một chiếc xe hơi với khẩu súng đã lên đạn. Tôi đứng đó và nghĩ mình chỉ cần bóp nhẹ cò súng để hạ sát kẻ đã giết em mình”.

Một quyết định quan trọng.

Ngay khi đó Dermell nhấn nút TẠM DỪNG để nhận thức và tưởng tượng. “Tôi nghĩ về đời mình, về cảnh phải lẫn trốn khi đã là một tên sát nhân, về Kevin khi còn sống đã từng khuyến khích tôi trở thành cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp, nghĩ về ước mơ học lên tới đại học.

Lúc đó Dermell cũng nghe lương tâm của mình lên tiếng “Nếu mình bóp cò, tương lai của mình sẽ bị đánh mất; những người thân của tên Davis ấy cũng sẽ đau khổ. Mình cũng sẽ chẳng hơn gì kẻ đã giết Kevin”.

Rồi sử dụng ý chí, Dermell nén cơn giận và trở về nhà. Chín tháng sau, Dermell tốt nghiệp trung học hạng xuất sắc. Năm năm sau, Dermell trở thành một cầu thủ nổi tiếng của trường đại học và có bằng cử nhân. Và đến lúc ấy, hệ thống luật pháp cũng trả được mối thù cho Dermell.

Cũng như Dermell, mỗi người trong chúng ta đều phải đối diện với những thử thách khó khăn và phải chọn một trong hai cách: hoặc vượt qua, hoặc gục ngã.

Elaine Maxwell đã khái quát vấn đề này một cách rất hay như sau: “Dù tôi thành hay bại, sẽ không có ai làm được điều này trừ chính tôi. Tôi là sức mạnh. Tôi có thể quét sạch mọi chướng ngại ở phía trước hoặc sẽ lạt vào mê lộ. Sự lựa chọn là của tôi, trách nhiệm là của tôi. Dù thắng hay bại, chỉ có tôi là người nắm giữ chìa khóa của đời tôi”.

Như câu nói của Volkswagen: “Trên đường đời có cả người hành khách và người lái xe… nhưng người lái xe thì cần hơn”.

Vậy hãy để tôi hỏi bạn xem bạn là người lái con tàu định mệnh của mình hay chỉ là một hành khách? Bạn muốn biểu diễn hay chỉ muốn ngồi nghe? Bạn hành động như chai soda hay như một chai nước?

Sự lựa chọn là ở bạn!

ĐIỀU HẤP DẪN KẾ TIẾP

Tiếp theo tôi sẽ dắt bạn vào một cuộc đua mà bạn

Sẽ không bao giờ quên được

Đó là cuộc khám phá lớn. Nào, tiến lên!

Thời gian là vàng bạc.

NHỮNG BƯỚC NHỎ

1. Nếu ai đó chọc tức bạn thì hãy trả lời bằng những cử chỉ thân thiện.

2. Hãy lắng nghe cách nói chuyện của mình. Hãy nhẩm xem bao nhiêu lần bạn dùng ngôn ngữ tiêu cực như “Anh làm tôi…”, “Tôi bị buộc phải…”, “Tôi không thể…”

Ngôn ngữ tiêu cực tôi hay dùng nhất là:

……………………………………………………………………………….

……………………………………………………………………………….

3. Trong ngày hôm nay, bạn hãy làm ngay một việc mà bạn thích nhưng từ lâu bạn không dám làm. Hãy rời “vùng an toàn”, thử hỏi giờ một ai đó, giơ tay trong lớp hay mặc một cái áo ngộ nghĩnh.

4. Hãy tự viết một mẩu ghi chú “Tôi sẽ không để …………tác động đến cảm nghĩ của tôi “ và dán vào nơi dễ thấy như trên cửa hay trên gương soi mặt của bạn.

5. Vao buổi liên hoan kế tiếp, đừng ngồi đợi ai đó đến đem niềm vui cho bạn mà hãy đứng dậy tự giới thiệu mình với những người bạn chưa quen.

6. Khi bạn nhận được một điểm số mà bạn cho là không công bằng thì đừng khóc và buồn bã mà hãy đi tìm thầy cô để cùng xem xét lại điểm số này.

7. Nếu bạn gây gổ với bố mẹ hay bạn bè thì hãy là người đầu tiên nói câu xin lỗi.

8. Xác định điều gì ngoài vòng tự chủ của bạn mà bạn hay lo lắng về nó. Hãy quyết định dẹp bỏ sự lo lắng vô ích đó ngay bây giờ.

9. Hãy nhấn nút DỪNG trước khi bạn phản ứng lại ai đó khi chọc tức bạn, bằng cách nghĩ đến một điều gì đó có thể làm bạn bình tĩnh.

10. Sử dụng khả năng nhận thức để tìm ra thói quen xấu nhất của mình và tìm cách ngăn chặn thói quen đó.

Thói quen xâu nhất của tôi:………………………………………..

Điều tôi nên làm là:……………………………………………………


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx