sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Bên giòng lịch sử - Chương 37 - Phần 1

Chương 37

37. Ông Diệm và văn hóa giáo dục.

Từ một quốc gia vừa thoát cảnh chiến tranh, các trường trung - tiểu học còn thiếu thốn, ông Diệm đã nỗ lực giải quyết vấn đề giáo dục và trong thời gian từ 1955 đến 1958 người ta thấy các trường trung - tiểu học công - tư mọc lên khắp nơi. Đại học Sài Gòn phát triển mạnh mẽ và đặc biết ông Diệm đã hoàn toàn đồng ý và tích cực nhúng tay vào việc thành lập đại học Huế.

Tại Sài-Gòn, ngay từ đầu, nghĩa là từ 1959, khi đã ổn định tình hình chính trị, ông Diệm đã nghĩ đến việc đưa đại học Sài Gòn lên khu đại học Thủ Đức. Ông cũng nghĩ đến việc thành lập đại học Huế và trong những câu chuyện giữa ông Diệm và tôi nhiều lúc ông có nhắc đến dự cần thiết phải thành lập một đại học Huế.

Vào ngày mồng 3 Tết năm 1957, hình như cuối tháng giêng năm 1957, theo thường lệ ông Diệm ra Huế dự lễ giỗ cụ Khả. Tôi đến chào ông tại nhà ông Cẩn và ngay đầu câu chuyện ông Diệm nói:

- Này cha, tôi thấy cần phải thành lập tại Huế một viện đại học lớn, vì hai lí do chính. Thứ nhất là Huế từ trước đã là một trung tâm văn hóa của nước ta. Ở Huế đã có những truyền thống văn hóa sâu đậm, có những cơ sở văn hóa lâu đời, như trường Quốc Tử Giám, các cuộc thi cử Hán học. Dân miền Trung lại hiếu học mà nghèo, có bao nhiêu thanh niên ưu tú muốn lên đại học mà không thể vào Sài-Gòn học tiếp. Thứ hai là hiện nay dân chúng xôn xao đồn đại rằng chính phủ một ngày nào đó có thể bỏ Huế, vì hiện nay Huế không quan trọng lắm về phương diện chính trị, kinh tế. Vậy lập Viện đại học Huế là chứng minh cách cụ thể với dân chúng, với quốc tế cũng như với bên kia rằng chính phủ nhất định bảo vệ Huế. Huế chỉ cách vĩ tuyến 17 khoảng một trăm cây số, lập ở đây một đại học lớn chẳng khác nào thách đố với bọn cộng sản. Nếu bây giờ tôi quyết định lập đại học Huế, cha có bằng lòng giúp tôi không?

Tôi vui mừng thật tình. Tôi cũng đã từng nghĩ như ông Diệm, nhưng tôi lưu ý đến vấn đề văn hóa và tình trạng của dân miền Trung hơn là về các lí do chính trị.

- Thưa cụ, nếu tôi có thể làm được việc gì để góp công vào việc thành lập một đại học ở Huế, thì cụ có thể tin rằng tôi không ngần ngại chút nào.

Ông Diệm thấy tôi nhận lời thì có vẻ mừng, gật gù:

- Vậy thì ít hôm nữa tôi sẽ sai một phái đoàn ra đây để gặp cha, để thảo luận và nghiên cứu các chi tiết cụ thể. Hôm đó câu chuyện tại nhà ông Cẩn xoay quanh việc thành lập đại học Huế. Trước mặt ông Diệm những người có mặt tỏ vẻ đồng ý phải thành lập gấp một đại học tại Huế.

Tin này đồn ra ngoài, nhất là trong giới học sinh trung học các năm cuối và giới trí thức, chính trị ở Huế. Ai cũng tỏ vẻ hân hoan chờ đợi. Nhiều người đến gặp tôi và thúc giục tôi xúc tiến việc đó nhanh chóng để làm sao cho đầu niên khóa tới con em họ có thể vào đại học ngay tại Huế. Tôi cũng bị lôi cuốn trong bầu không khí phấn khởi đó.

Khoảng một tháng sau, hình như vào cuối tháng giêng, một phái đoàn từ Sài-Gòn ra gặp tôi có các ông Ngô Đình Nhu, Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Dương Đôn, Viện trưởng đại học Sài Gòn, Nguyễn Quang Trình và những giáo sư, chuyên viên khác.

Một cuộc họp được tổ chức tại tòa tỉnh Thừa Thiên, có tỉnh trưởng và một số trí thức thân hào nhân sĩ địa phương tham dự. Tôi trình bày với mọi người những lí do mà ông Diệm đã đưa ra kèm thêm những lí do thực tế của tôi. Hội nghị thảo luận và đi đến quyết định là vì những hoàn cảnh đặc biệt, những khó khăn trong ngành giáo dục, chưa nên làm việc vội vàng hấp tấp quá. Họ nói rằng ở Huế chỉ nên lập một chi nhánh của Viện đại học Sài Gòn tùy thuộc hoàn cảnh vào Viện đại học Sài Gòn và Bộ Quốc gia Giáo dục. Như vậy đại học Huế sẽ không thành một đơn vị độc lập mà chỉ là một số các phân khoa đặt dưới quyền Viện đại học Sài Gòn mà thôi. Tôi được cử làm đại diện cho ông Viện trưởng Viện đại học Sài Gòn Nguyễn Quang Trình để tổ chức. Tôi không đồng ý nhưng đành khuất phục trước quyết định của đa số.

Mấy hôm lưu lại Huế, phái đoàn đi xem những cơ sở đất đai có thể dùng làm đại học Huế, như tòa Đại biểu Chính phủ, Khách sạn Morin, Ngân hàng Đông Dương vừa được chính phủ mua lại. Phái đoàn về Sài-Gòn được mấy hôm thì có nghị định thành lập đại học Huế, nhưng với các điều khoản đặt đại học Huế lệ thuộc Viện đại học Sài Gòn.

Sau hai tháng hoạt động mỗi ngày tôi thấy thêm nhiều khó khăn chỉ vì Huế thì xa Sài-Gòn, tôi lại không có đủ thẩm quyền quyết định bất cứ việc gì mà phải phúc trình về Viện trưởng đại học Sài Gòn, về Bộ Quốc gia Giáo dục, rồi lên ông Nhu, ông Diệm. Các thủ tục đó làm cho công việc chậm trễ, làm cả tôi và những người góp sức lúc đầu chán nản dần. Tôi vào Sài-Gòn trình bày các khó khăn đó thẳng cho ông Diệm. Tôi nói với ông Diệm rằng ý kiến đầu của ông Diệm là muốn có một đại học Huế độc lập, lớn, quan trọng để thành một chứng minh và thách đố với thế giới và bên kia, nếu cứ phải chạy quấn trong những thủ tục giấy tờ rắc rối và những hành lang của giới giáo dục Sài-Gòn, thì không thể đi đến kết quả tốt được. Tôi yêu cầu ông Diệm cho đại học Huế quy chế riêng biệt và độc lập và tôi có quyền quyết định mọi việc trong phạm vi ích lợi cho đại học Huế. Tôi ngỏ ý nếu không được như vậy thì xin ông Diệm chọn người khác và tôi nhận thấy không thể làm việc trong các điều kiện quá rắc rối như vậy được. Tôi không phải là người có thể đi vòng vo qua bao nhiêu hành lang các bộ sở được mãi.

Ông Diệm đồng ý:

- Cha yên tâm. Tôi đồng ý với cha về những điều đó và sẽ có nghị định thành lập Viện đại học Huế tự trị ngay cho cha và tôi xin mời cha làm Viện trưởng đầu tiên Viện đại học Huế.

Tôi trở về Huế ít hôm thì có nghị định thành lập Viện đại học Huế, đồng thời với sắc lệnh cử tôi làm Viện trưởng.

Bấy giờ tôi xúc tiến nhanh việc tìm trụ sở, lớp học, địa điểm, đồng thời mời các giáo sư ở Huế, Sài-Gòn và ngoại quốc về hợp tác. Trong giai đoạn đầu ban giáo sư gồm có mấy người tôi còn nhớ là Lê Tuyên, Lê Khắc Phò, Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Văn Trường. Vài tháng sau thêm Lê Thanh Minh Châu và vợ là Tăng Thị Thành Trai.

Ngay niên khóa 1957, đại học Huế mở các chứng chỉ dự bị như Năng lực Luật khoa, Văn khoa, Khoa học. Ngoài ra nhận thấy việc đào tạo Giáo sư Trung học và Giáo viên Tiểu học rất cần thiết cho tình trạng phát triển giáo dục mạnh mẽ hiện nay và tương lai, tôi chú trọng đặc biệt vào đại học Sư phạm.

Thấy công việc tạm yên, sau khi các lớp đầu mở được một vài tháng cuối năm 1957, tôi và Lê Thanh Minh Châu đi ngoại quốc, với chủ ý nghiên cứu cách thức tổ chức đại học đồng thời vận động sự giúp đỡ của các quốc gia đồng minh. Trước hết tôi đến Âu châu, rồi sang Mỹ và Gia Nã Đại.

Tại Mỹ tôi nhận được nhiều sự giúp đỡ thiết thực và tích cực của một vài tổ chức. Tổ chức IRC (Intallectual Rescue Commity) giúp đỡ đầu tiên và nhiều nhất bằng cách cấp cho đại học Huế một khoảng tiền mặt đủ để tăng thêm lương cho mỗi giáo sư 5.000 đồng mỗi tháng. Nhờ đó công việc mời giáo sư giảng dạy tại đại học Huế được dễ dàng hơn. Tôi đánh điện về nước báo tin vui và nói với các anh em ở nhà dựa theo tiêu chuẩn lương bổng mới mà mời thêm giáo sư.

Cơ quan thứ hai giúp đỡ quan trọng cho đại học Huế là Asia Foundation.

Ngoài những ngân khoản dùng để xây cất cư xá sinh viên, tổ chức thể thao, cơ quan này còn cấp nhiều học bổng cho các sinh viên đại học Huế và nhờ đó khuyến khích các sinh viên cũng như tăng uy tín cho đại học Huế.

Một tổ chức thứ ba tuy nhỏ nhưng tích cực giúp đỡ Viện đại học Huế, là tổ chức New Land Foundation, do Giáo sư Burtinguer làm Chủ tịch. Ngay trong lần gặp gỡ đầu, Giáo sư đã tỏ ra sốt sắng giúp đỡ và hứa giúp mỗi năm 5.000 Mỹ kim tiền mặt, và sau hai năm tổ chức này tăng lên 7.000 Mỹ kim mỗi năm.

Tôi cũng đến thăm vài Viện đại học Hoa Kỳ và ở đây tôi cũng nhận được những sự khuyến khích nồng hậu của họ. Hầu hết đều hứa hẹn dành cho đại học Huế một vài học bổng và nếu cần gì trong khả năng và quyền hạn của họ thì tôi cứ liên lạc sau, họ sẽ cố gắng giúp đỡ.

Tôi trở về Sài-Gòn và vào gặp Tổng thống Diệm trình bày kết quả chuyến đi. Tổng thống rất lưu ý đến đại học Huế cho nên khi hay tin thêm nhiều tổ chức có thiện cảm và giúp đỡ cụ thể đại học Huế ông mừng lắm. Riêng ông rất tích cực trong việc mở mang đại học Huế.

Cần đến điều gì, tôi thường vào Sài-Gòn trình bày thẳng với ông và trong hầu hết các trường hợp đều được ông chấp thuận, đôi khi quá mức hi vọng của tôi. Lúc đầu một vài người đưa ý kiến tìm một khu đất rộng ở ngoại ô để lập một khu đại học Huế thật rộng rãi xứng đáng. Tôi thấy ý kiến này có điều hay, nhưng chỉ ngại tình hình an ninh không được bảo đảm, sẽ làm hỏng tất cả mọi việc, nên đề nghị chọn một vài khu đất rộng còn trống trong thành phố thì hơn. Do đó các cơ sở mới của đại học Huế được xây cất trên khu đất trống của tòa Khâm sứ cũ, hoặc trên đất Hồ Đắc Trung trước tòa Đại biểu cũ.

Các họa đồ đều do Ngô Viết Thu vẽ rồi trình thẳng lên ông Diệm duyệt. Tôi nhớ một hôm tôi về Sài-Gòn, ông Diệm đưa tôi xem họa đồ khu cư xá giáo sư do Ngô Viết Thu vẽ vừa đưa lên. Ngô Viết Thu khi đó cũng có mặt trong phòng. Ông Diệm chăm chú nhìn vào họa đồ, rồi hỏi Ngô Viết Thu:

- Phải có chỗ để phơi quần áo chớ. Chẳng lẽ bắt người ta phơi quần áo đầu giường sao?

Tôi và Ngô Viết Thu đều có vẻ ngạc nhiên, vì không nghĩ ra ông Diệm có thể chú ý đến những việc nhỏ bé như vậy. Điều này chứng tỏ ông Diệm lưu tâm đến đại học Huế chừng nào và cũng chứng tỏ rằng trong nhiều vấn đề, ông Diệm rất hết sức tỉ mỉ, không hàm hồ như nhiều người chê trách sau này. Ngô Viết Thu phải sửa sơ lại họa đồ và thêm phòng phơi quần áo cho cư xá giáo sư.

Mỗi lần ra Huế, ông Diệm đều đến thăm đại học Huế và bàn thêm với tôi về những cách thức củng cố và mở mang đại học Huế. Điều này có lúc gây ra đôi chút đố kị từ giới đại học và giáo dục ở Sài-Gòn thời bấy giờ, mà tôi sẽ trình bày trong việc thành lập đại học Y khoa Huế.

Hết năm 1958, Viện đại học Huế có thể gọi là đã trưởng thành về mọi mặt. Các phân khoa hoạt động đều đặn. Bấy giờ tôi bắt đầu nghĩ đến việc mở thêm đại học Y khoa, tôi cho rằng đại học Huế có Y khoa thì mới gọi là đầy đủ được. Tôi từng đọc những bản thống kê về con số bác sĩ trên thế giới, thì thấy rằng tính theo dân số, tỉ lệ các bác sĩ Việt Nam còn kém hơn Phi châu. Ở Việt Nam cứ 30.000 người dân một bác sĩ, trong lúc ở Phi châu, chỉ trên 20.000 dân đã có một bác sĩ.

Một tình trạng khan hiếm bác sĩ trong một quốc gia đang mở mang tai hại đến nhiều thế hệ về sau. Tại nông thôn tình trạng khan hiếm bác sĩ càng rõ rệt. Ở Huế những quận lớn và đông dân cư như Hương Thủy, Cầu Hai không có được một bác sĩ dân sự nào, mặc dầu có những người địa phương tốt nghiệp bác sĩ. Các bác sĩ quy tụ cả vào Sài-Gòn và những thành phố lớn. Riêng trong thành phố Huế, con số bác sĩ dân y và những bác sĩ quân y mở phòng mạch riêng ngoài phố cũng không đủ so với dân số Huế.

Tôi đã lưu tâm đến vấn đề khan hiếm bác sĩ, cán sự y tế từ khi về nước. Tôi còn nhớ lúc làm cha xứ Đan Sa ở Quảng Bình tôi đã chứng kiến sự khốn khổ của người dân thiếu hiểu biết y tế, thiếu bác sĩ là như thế nào, vì đó ngay từ khi mới mở đại học Huế, tôi đã cố gắng thêm những khóa cán sự điều dưỡng và nữ hộ sinh quốc gia.

Nhưng không ai có thể thay thế được những bác sĩ có khả năng, giàu lương tâm chức nghiệp.

Với tất cả những ưu tư đó, vào cuối năm 1958, tôi vào Sài-Gòn gặp ông Diệm để trình bày về sự cần thiết phải mở đại học Y khoa Huế. Tôi đưa ra mọi lí lẽ để thuyết phục ông Diệm.

- Thưa cụ, giữa thời đại văn minh này, nhiều làng mạc, thôn xóm Việt Nam, nhiều người Việt Nam vẫn chữa bệnh theo lối đồng bóng phù thủy, cầu thánh. Người ta đã chỉ trích cái tinh thần mê tín dị đoan của dân Việt Nam, nhưng không ai chịu bứng cái gốc của sự mê tín dị đoan đó, là vì Việt Nam thiếu hiểu biết về vệ sinh y tế và thiếu bác sĩ ở nông thôn. Miền Trung vừa nghèo vừa đông dân cư, tình trạng thiếu bác sĩ càng trầm trọng hơn bất cứ nơi nào khác. Tôi thấy cần phải mở đại học Y khoa Huế để đào tạo những sinh viên Huế có khả năng và ham thích Y khoa trở thành những bác sĩ. Hẳn cụ cũng biết hằng năm đại học Y khoa Sài Gòn chỉ đào tạo được vài chục bác sĩ, trong số đó một phần đã phải vào ngành quân y. Hằng năm có đến hàng ngàn sinh viên thi vào Y khoa, nhưng đều bị loại không phải vì họ thiếu khả năng, không đúng tiêu chuẩn nhưng chỉ vì mức thu nhận của đại học Y khoa Sài Gòn quá ít ỏi. Bây giờ dù có mở thêm đại học Y khoa Huế chúng ta cũng không sợ thiếu sinh viên, hay ứ đọng bác sĩ…

Cụ Diệm có vẻ hết sức lưu tâm đến vấn đề. Cụ đồng ý với những lập luận của tôi, gật gù hứa hẹn:

- Cha nói đúng. Nước mình thiếu bác sĩ một cách trầm trọng. Tôi đã lưu ý đến tình trạng này từ lâu, nhưng vấn đề hết sức quan trọng, lại nặng tính cách chuyên môn quá nhiều nên tôi không thể đơn phương quyết định được. Tôi hứa với cha sẽ đưa vấn đề ra thảo luận trong một hội đồng nội các gần nhất. Riêng tôi, hoàn toàn ủng hộ đề nghị của cha.

Tôi ra về, có vài phần tin tưởng.

Ba tuần sau chẳng thấy tin tức gì, tôi lại vào Sài-Gòn và đến gặp Tổng thống. Tổng thống cho biết rằng vấn đề đã được đưa ra một hội đồng nội các cách đây mười hôm, nhưng các ông bộ trưởng đều bác bỏ, sau khi tham khảo giới đại học Y khoa Sài Gòn.

- Thưa cụ, họ viện ra những lí do gì để bác bỏ?

- Tôi cũng thấy những lí do họ đưa ra không vững vàng chi lắm, nhưng nó chứng tỏ rằng họ không muốn có thêm một đại học Y khoa. Họ nói rằng cả nước Việt Nam chỉ cần có một đại học Y khoa là đủ lắm rồi.

Tôi bực tức hết sức:

- Thế nào gọi là đủ được, thưa cụ. Phi châu cứ 20.000 dân đã có một bác sĩ, trong lúc Việt Nam tự hào có bốn ngàn năm văn hiến, cụ lại đương có dự tính làm cho nước Việt Nam đóng vai lãnh tụ Đông Nam Á mà trên 30.000 dân mới có được một bác sĩ, thì gọi là đủ làm sao được. Hơn nữa như cụ hiểu hơn ai hết, các bác sĩ phần lớn đều quy tụ vào các thành phố lớn, còn ở nông thôn có khi cách hàng chục cây số chưa tìm ra được một bác sĩ. Ngày xưa dân chúng còn chữa trị bằng thuốc bắc, thuốc nam được là nhờ các cụ đồ nho tham khảo sách Tàu được, nay lớp người đó đã quy tiên, lớp trẻ lớn lên không hiểu chữ Nho, những thầy thuốc Bắc ngày nay càng ngày càng suy đồi về nghề nghiệp, chỉ còn giữ được vài phương thuốc gia truyền. Nhiều khi họ chữa trị bậy bạ, làm hại cho sức khỏe của dân chúng hơn là làm lợi.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx