sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Bên giòng lịch sử - Chương 41 - Phần 1

Chương 41

41. Cơn hấp hối của chế độ.

Trong những ngày cuối tháng bảy tôi theo dõi tin tức thấy rằng những cuộc dàn xếp giữa Ủy ban Liên phái Phật giáo và Ủy ban Liên bộ vẫn chưa đi đến một kết quả dứt khoát nào.

Bên Phật giáo vẫn còn tố cáo chính phủ không thi hành đúng đắn thông cáo chung ba điểm được thỏa thuận giữa đôi bên ngày 16/5. Ở Huế trong lúc đó tình hình có vẻ yên tịnh nhưng vẫn căng thẳng, sự căng thẳng trước một cơn dông bão. Ngày 5/7 tòa án quân sự đặc biệt ở Sài-Gòn xử vụ đảo chánh hụt ngày 1/11/1960.

Vụ án này diễn ra lúc này chắc chắn không có lợi gì cho chế độ, trái lại càng làm cho lòng người thêm bất mãn với chế độ. Tiếp đến để phản đối vụ xử án này, nhà văn và nhà cách mạng Nhất Linh uống thuốc ngủ tự tử được đem vào Bệnh viện Grall, nhưng không cứu được.

Bức thư tuyệt mệnh của ông lên tiếng phản đối vụ xử án các nhân sĩ liên can vụ đảo chánh hụt, chính sách đàn áp chính trị và tôn gigáo của ông Diệm, đây là một đòn nặng đập vào chế độ vì nhà văn Nhất Linh có nhiều uy tín trong quần chúng, sinh viên, chính khách.

Từ ngày vào Nam ông gần như không còn hoạt động chính trị nữa và những tác phẩm văn chương của ông sau này, như Dòng sông Thanh Thủy… không được nổi tiếng như những tác phẩm tiền chiến.

Tuy vậy ông là một người được nhiều giới kính mến vì quá trình cách mạng và văn chương của ông. Cái chết của ông gây xúc động mạnh trong quần chúng toàn chúng. Ông cũng có tên trong danh sách mười bốn nhân sĩ bị xét xử trước tòa án quân sự và đến ngày 11/7 tòa tuyên án, ông được tha bổng. Dù tha bổng nhà văn Nhất Linh, vụ án này vẫn gây căm phẫn cho mọi người. Đám tang nhà văn Nhất Linh ngày 13/7 tưởng đã thành một vụ biểu tình hỗn loạn lớn. Các giới sinh viên, Phật giáo hình như cũng đã có ý định biến đám tang thành cuộc biểu tình.

Nhưng sau vì những biện pháp phòng ngừa quá nghiêm ngặt của chính quyền, nên đám tang chỉ là đám tang. Ngay trong ngày đó, tòa án quân sự lại xử vụ mười chín nhân sĩ họp ở Khách sạn Caravelle, được gọi là nhóm Caravelle đòi hỏi cải cách chính trị. Tất cả mười chín bị can được tha bổng.

Đến hôm sau, 16/7 nhiều cuộc biểu tình của tăng ni Phật tử diễn ra nhiều nơi tại Sài-Gòn như trước tòa Đại sứ Mỹ, chợ Bến Thành. Nhiều nhà sư lên tiếng đòi tự thiêu để phản đối hành động đàn áp Phật giáo, trong đó có sư bà Diệu Huệ, thân mẫu giáo sư Bửu Hội hiện là Đại sứ.

Như đổ thêm dầu vào lửa chính phủ lại tổ chức một cuộc biểu tình trước chùa Xá Lợi, gồm toàn những dân vệ và thanh niên Cộng hòa, cùng một số thương phế cựu chiến binh. Phật giáo lại lên tiếng tố cáo hành động này, coi đó như một hành động phá hoại những cuộc điều đình giữa Phật giáo và chính quyền, có mục đích kích động phá hoại. Để trấn an, chính quyền cách chức ông thanh tra dân vệ đoàn, nhưng xem chừng vẫn không làm dịu được tình hình.

Tình hình ở Huế thoạt nhìn không có gì đặc biệt, có thể cho như yên tịnh nhưng bên trong dân chúng đa số Phật giáo coi như sớm muộn cũng phải đi đến một hành động quyết liệt, một mất một còn với chế độ ông Diệm. Không có một cuộc biểu tình lớn nào diễn ra tại Huế nhưng những tin đồn từ chùa, các đoàn thể Phật tử được loan truyền về những người bị bắt, mất tích và về những hành động tàn bạo, bí mật của chế độ. Chính vì sự yên tịnh bề mặt đó, có người đã hiểu lầm là tình hình đã ổn định. Vào đầu tháng 8 Trần Quang Ngọc ra gặp tôi.

- Thưa cha, đức cha (Ngô Đình Thục) sai con ra gặp cha, nói rằng cha không chịu họp các giáo sư, sinh viên để giải thích về đường lối của chính phủ đối với Phật giáo, nên đức cha thấy cần phải đích thân tụ họp giáo sư, sinh viên để đức cha đích thân nói chuyện với họ. Vậy cha tụ họp các giáo sư và sinh viên tại giảng đường để nghe đức cha nói chuyện.

Tôi không dám chắc làm như vậy có lợi hay có hại, điều đó còn tùy thuộc những điều đức cha Thục sẽ nói. Nhưng tôi không thể đưa ý kiến gì trái ngược vì đây là một mệnh lệnh.

Vả lại lúc này tôi có tâm trạng một người vượt biển gặp dông tố lớn biết thuyền sắp chìm, sức người không thể cứu vãn được nữa, chỉ còn trông vào phép lạ, mà phép lạ thì ít khi xảy ra lắm, nhất là với những người không cầu xin. Tôi ngại là giảng đường thì quá rộng mà số giáo sư hay sinh viên đến tham dự thì thưa thớt quá, sẽ làm buồn lòng Đức cha và gây cho ngài nhiều phản ứng không có lợi gì cho việc hòa giải, nên tôi đưa ra một yêu cầu nhỏ:

- Hay lắm, nếu Đức cha muốn nói chuyện với sinh viên, giáo sư thì cũng là một điểm tốt. Nhưng lúc này vào kì nghỉ hè, không thể nào cưỡng bách sinh viên hay giáo sư đến dự đông đảo. Để phòng trống nhiều quá khó coi, vậy yêu cầu ông mời các học sinh trung học đệ nhị cấp một vài trường và thanh niện Cộng hòa của ông đến cho đông cho chật giảng đường.

Mọi việc được thu xếp đúng như đề nghị của tôi, nên mặc dù dưới mắt tôi số người tham dự buổi nói chuyện của đức cha Ngô Đình Thục tại đại giảng đường Viện đại học Huế phần lớn không phải là sinh viên, giáo sư, nhưng dưới mắt bất cứ ai khác thì có thể coi như giảng đường đã chật ních sinh viên, giáo sư cũng được. Đức cha cố gắng giải thích và biện hộ cho việc cấm treo cờ và ngỏ ý tiếc về vụ đổ máu ở Đài Phát thanh Huế ngày 8/5.

Đức cha cho biết rằng chính phủ sẵn sàng điều tra trừng phạt thủ phạm và bồi thường đích đáng cho gia đình các nạn nhân bị thương tích hoặc thiệt mạng. Đức cha tha thiết kêu gọi sinh viên đoàn kết để đối phó với nguy cơ cộng sản.

Đã có những sự dàn xếp trước, nên sau mỗi đoạn và cuối bài nói chuyện, mọi người vỗ tay hoan hô rầm rộ, làm cho đức cha có vẻ hài lòng lắm. Lúc bước xuống khỏi khán đài, tôi thấy nét mặt đức cha rất tươi tỉnh, vui vẻ.

Ngài nhìn tôi mỉm cười, vừa như tỏ dấu hài lòng, vừa như ngụ ý khoe: thu phục đám sinh viên, giáo sư này có khó chi đâu. Tôi cũng mỉm cười với ngài, nhưng với ý khác hẳn: đã chắc gì?

Đức cha không hề hay biết, những người nghe đức cha nói chuyện phần đông không phải là sinh viên, giáo sư đại học Huế mà là những thanh niên cộng hòa Phú Cam, học sinh các trường trung học tư thục công giáo như Thiên Hựu.

Đức cha lại có ý muốn nói chuyện với sinh viên, học sinh một lần thứ hai, sau đó độ một tuần lễ.

Trong thời gian này tại Sài-Gòn trong một buổi lễ của phụ nữ bán quân sự, bà Ngô Đình Nhu đã lên tiếng gay gắt chỉ trích cuộc tranh đấu của Phật giáo, có những lời lẽ chế giễu nhục mạ các nhà sư và tỏ ra không tôn kính những vị sư tự thiêu.

Ngày lễ phụ nữ bán quân sự vào ngày 3/8 và sáng hôm sau 4/8 tại Phan Thiết một nhà sư tự thiêu.

Từ Hoa Thịnh Đốn, trong một cuộc phỏng vấn dành cho báo chí Mỹ, Đại sứ Trần Văn Chương, thân phụ bà Nhu, nhạc phụ ông Nhu dĩ nhiên chỉ trích bà Nhu đã ăn nói kém lễ độ đối với các tăng ni và Phật giáo. Mầy hôm sau, bà Nhu bằng giọng gay gắt và chế giễu cho rằng dù bà có thiếu lễ độ đối với Phật giáo chăng nữa, thì có lúc cần phải thiếu lễ độ, nếu điều đó nói ra có một ích lợi và một tầm quan trọng lớn. Đối với người Việt Nam dù ai trái ai phải cái việc cha con chỉ trích nhau công khai đều được coi chẳng tốt đẹp gì, do đó dân chúng vốn đã ít cảm tình với bà Nhu, sau vụ cãi vã công khai giữa cha con này, lại càng mất hết những cảm tình còn lại đối với bà Nhu. Cùng lúc những tin đồn về đức hạnh của bà Nhu được tung ra, bằng những câu chuyện mập mờ chuyển từ miệng người này sang tai người khác. Tôi không biết sự thật như thế nào, nhưng tôi nhận thấy có một chiến dịch được điều khiển nhằm hạ uy tín gia đình ông Diệm, bắt đầu bằng cách hạ phẩm cách, đức hạnh của bà Nhu. Như cái việc bà Nhu mặc áo hở cổ, thực ra chẳng có gì quan trọng lắm, vậy mà cũng thành đề tài để chế giễu, chê bai bà Nhu.

Áo hở cổ của đàn bà Việt Nam cũng chẳng phải là một thời trang hoàn toàn mới lạ và nhìn từ một khía cạnh khác thì đó là một đóng góp cho thẩm mĩ y phục của phụ nữ Việt Nam, nhưng vào lúc này mọi hành động của bà Nhu đều bị nhìn bằng con mắt chê bai có thành kiến xấu.

Có lẽ mất bình tĩnh vì bị chỉ trích và vì không khí thù nghịch chung quanh hoặc quá tự kiêu, bà Nhu lại tuyên bố với báo chí Mỹ rằng cần phải cứng rắn, thẳng tay, quyết liệt với phong trào đấu tranh của Phật giáo.

Hình như bà Nhu có đề cập đến vụ tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức và đã có những lời lẽ khiếm nhã trong lúc toàn dân, toàn thế giới đều xúc động vì vụ đó. Mấy hôm sau ngày 12/5, sau lễ cầu siêu cho một vị sư tự thiêu tại chùa Xá Lợi, nữ sinh Mai Tuyết An đã tự nguyện chặt bàn tay để tỏ ý phản đối những hành động đàn áp Phật giáo và những lời lẽ khiếm nhã của bà Nhu đối với các nhà tu Phật giáo. Ngày 13/8 tại Huế trước chùa Phước Duyên, quận Hương Trà, Đại đức Thích Thanh Tuệ tự thiêu. Dân chúng, sinh viên Phật tử biểu tình ở khắp mọi đường phố ở Huế, ở các quận.

Vài cuộc xung đột và bạo động xảy ra một vài nơi. Chính quyền địa phương lo ngại, ban hành tình trạng giới nghiêm trong thành phố Huế và khắp tỉnh Thừa Thiên.

Càng ngày tình hình càng đen tối thêm, vậy mà có người vẫn không chịu nhìn thấy sự thật. Khoảng giữa tháng 8, đức cha Ngô Đình Thục vào Sài-Gòn đề nghị với ông Diệm bãi chức Viện trưởng đại học của tôi và bổ nhiệm Viện trưởng mới. Đức cha có lẽ đã nghĩ rằng tôi không tích cực trong việc vận động sinh viên Phật tử, hoặc ít ra im lặng để cho sinh viên Phật tử tham gia các cuộc đấu tranh Phật giáo.

Ngài còn nghĩ rằng sau hai lần nói chuyện với sinh viên, giáo sư mà ngài cho như thành công lớn, ngài đã có uy tín với sinh viên, giáo sư Huế và vai trò của tôi không cần thiết để trấn an sinh viên nữa. Trong lúc ở Sài-Gòn, đức cha gặp Trần Hữu Thế nguyên Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục lúc đó đang làm Đại sứ tại Phi Luật Tân vừa về Sài-Gòn và ngài đề nghị lên ông Diệm cho ông Thế làm Viện trưởng đại học Huế thay tôi. Ông Diệm bằng lòng ngay và ngày 14/5, đức cha cùng với Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục Nguyễn Quang Trình và ông Thế ra Huế.

Chiều ngày 15/8, lúc năm giờ, một nhân viên của Viện đại học Huế đến cho tôi hay rằng có ông Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục Nguyễn Quang Trình có mặt tại tòa đại biểu chính phủ muốn gặp tôi có việc cần gấp. Tôi lên và gặp ông ngay. Ông Trình có vẻ lúng túng:

- Thưa cha, tôi có một tin buồn muốn báo cho cha biết.

Tôi đã đoán được vài phần cái tin buồn này:

- Tin chi mà buồn?

- Thưa cha, Tổng thống muốn cho cha nghỉ và đã quyết định đưa ông Trần Hữu Thế ra thay thế cha giữ chức Viện trưởng. Sáng mai lúc tám giờ yêu cầu cha làm lễ bàn giao.

Thú thực là khi nghe tin này một cách chính thức tôi cảm thấy nhẹ nhàng trong người. Trong bụng tôi muốn reo lên:

- Tôi tưởng có chuyện gì khác, chứ chuyện đó có chi mà buồn. Tôi đã đoán trước được sự việc này rồi. Tôi là bạn của ông Diệm và gia đình ông, khi lên làm Viện trưởng đại học Huế, cố gắng phát triển đại học Huế này, một phần vì muốn giúp ích cho đất nước, một phần cũng muốn giúp cho họ Ngô. Nay gặp tình thế gay cấn này, Tổng thống không muốn tôi giúp cho ông nữa, không có gì là buồn mà lại vui là đằng khác. Thưa ông Bộ trưởng, ông là bạn của tôi, cũng là người đồng hương với tôi, tôi xin nói thật để ông biết trước, chế độ này đã đến thời mạt rồi, tôi đã khuyến cáo Tổng thống, nài xin ông sửa đổi mà ông không chịu, lẽ ra tôi đã tự ý xin thôi, nhưng làm như thế tỏ ra là thiếu trung thành với một người mà mình đã phục vụ mấy năm nay, nên tôi đã bỏ ý định từ chức, nay Tổng thống cho thôi, thì thật là may mắn cho tôi, ra đi mà khỏi mang tiếng là phản bội.

Ông Nguyễn Quang Trình có vẻ lúng túng không nói gì thêm về tương lai chế độ mà chỉ nói:

- Thôi đêm nay chúc cha ngủ yên giấc và cũng xin cha đừng để lộ tin này ra ngoài cho các giáo sư hay sinh viên nào biết, sáng mai đúng tám giờ cha đến làm lẽ bàn giao một cách kín đáo với ông Thế.

- Được, tôi sẽ cho mời các khoa trưởng và vài giáo sư đến dự, nhưng không nói lí do.

Đêm đó thú thực tôi không chợp mắt được. Tôi ôn lại những việc mình đã làm từ chín năm nay, nhớ đến mối giao tình thân thiết với ông Diệm, những lần gặp gỡ thân mật. Tôi vẫn cầu mong cho ông Diệm sớm tỉnh ngộ để kịp thoát khỏi nguy cơ lần này, nhưng tôi rất ít hi vọng. Tôi cũng nhẩm trong đầu óc những điều sẽ nói trong lễ bàn giao.

Sáng hôm sau, trước 7 giờ, tôi đã cho các tùy phái đi mời các khoa trưởng và một số giáo sư đến văn phòng Viện đại học Huế.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx