sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Bên giòng lịch sử - Chương 44 - Phần 2

Bởi vậy, dân chúng miền Trung sống xa cách, âm thầm, sự xa cách và âm thầm đáng quan ngại, cho thấy những bùng nổ lớn trong tương lai…

Đúng như điều tôi dự đoán trước, những manh nha của một sự phản kháng chính trị đã bắt đầu hình thành từ những thành phần trí thức của Cố đô đưa tôi đến sự chán nản tột độ. Cho tới bây giờ, tôi cũng không biết động lực nào thúc đẩy những cộng sự của tôi, học trò của tôi bước vào hành trình phiêu lưu đưa đất nước vốn rối loạn, lại càng thêm rối loạn như vậy.

Vào năm 1064 tôi vừa chẵn hai mươi lăm tuổi linh mục. Vì không còn nao nức gì, lại buồn hoa thời đại mình đang sống, tôi quyết định không tổ chức lễ Ngân khánh to tát làm gì, dường như tôi đã giấu hết bạn bè thân thuộc. Tôi dự định nhân dịp này suy nghiệm về những chuyện đã trải qua trong đời, như một tấm gương thanh khiết, tôi muốn soi lại đời mình trong đó thế thôi.

Tuy nhiên những giáo sư và sinh viên trong đại học cũng tìm ra, họ kéo tới chúc mừng thật đông ngoài sức tưởng tượng.

Cầm đầu số giáo sư, sinh viên tới mừng lễ Ngân khánh của tôi là bác sĩ Lê Khắc Quyến, lúc bấy giờ đang giữ chức Khoa trưởng Y khoa, ông Quyến có mang theo một bức hoành phi bằng gỗ mít khắc mấy chữ Hán sơn son thiếp vàng: “Thiện mĩ lưỡng toàn.”

Thú thực lúc bấy giờ tôi cảm động lắm. Số giáo sư đến đông đủ như vậy, chứng tỏ sau cách mạng mối giao hảo giữa chúng tôi vẫn bền chặt, thắm thiết. Tình hình mới của chính trị không hề ảnh hưởng đến tình thân thiện trong Viện đại học với nhau.

Tôi còn cảm động hơn lúc Giáo sư Lê Tuyên với một người bạn gái tới mừng tôi cùng với bức hoành phi ghi mấy chữ “Sư sinh đại nghĩa.” Tuyên là học trò của tôi, chọn mấy chữ này, tôi thấy vừa khéo vừa cảm động.

Những sinh hoạt đại học trở lại bình thường như xưa đó là điều làm tôi hãnh diện. Mặc dù ở Sài-Gòn hoặc ở Cố đô Huế đã sôi sục những xáo trộn vừa nổi rõ lên, vừa âm thầm, nhưng trong Viện đại học cả giáo sư lẫn sinh viên không có xảy ra chuyện chi.

Tôi hằng duy trì đại học chỉ duy nhất có một thiên chức là phát huy văn hóa thuần túy.

Chính trị không thể tự do vào tung hoành hoặc lũng đoạn trong lãnh vực đại học dưới quyền tôi điều khiển. Ngay thời gian đấu tranh chống chế độ Ngô Đình Diệm tôi cũng không bao giờ chấp nhận cho các giáo sư và sinh viên chọn đại học làm địa điểm tập trung xách động.

Mặc dù đôi lần có mấy giáo sư thân tình tới yêu cầu tôi thay đổi quan điểm này, tôi nhất định từ chối đến cùng.

Bây giờ sau cách mạng tôi càng muốn không khí đại học Huế phải được bình thường hơn bao giờ. Cuộc tìm kiếm và phát huy văn hóa phải được tiếp tục.

Bởi vậy dù không chống đối những phong trào mà sinh viên học sinh tham dự trước đây, nhưng tôi cũng không chấp nhận để nó bành trướng trong những lãnh vực sinh hoạt đại học. Thà là tôi không còn hiện diện ở sinh hoạt này hơn là ngoảnh mặt chấp nhận những điều ngược hẳn với chủ trương vững mạnh của mình.

Lúc bấy giờ tôi có nghe nhiều sinh viên rục rịch kéo về miền quê, tham dự những sinh hoạt cộng đồng với những người dân nghèo khó như hát cho đồng bào nghe, nói chuyện với đồng bào… tìm hiểu ra, tôi được biết những sinh viên của tôi tham dự vào chương trình bình định của chính quyền do Phó Thủ tướng Nguyễn Tôn Hoàn phát động.

Nhiều giáo sư có tới gặp tôi yêu cầu tôi có thái độ về sự việc này, nhưng trong thâm tâm tôi thấy việc làm đó không có gì nguy hại, còn đáng cổ vũ thêm lên, tuy nhiên tôi chỉ im lặng không bác bỏ, cũng không chấp nhận.

Sinh viên làm gì ngoài khu Viện đại học thì làm, miễn việc học hành không gián đoạn, các kì thi không đến nỗi tệ, đó là tâm trạng thực nhất của bất cứ vị nào điều khiển, coi sóc ngành giáo dục.

Tôi nghĩ đa số sinh viên Huế sau một mùa tranh đấu đầy nước mắt và cam go họ đã thức tỉnh. Nhìn chung quanh đất nước vẫn chẳng thay đổi bao nhiêu, dân chúng không hưởng lợi bao nhiêu, có lẽ họ đã nhận ra cuộc cách mạng không thể ngày một, ngày hai là đạp đổ được tất cả, thay đổi tất cả.

Phải có một cuộc cách mạng lâu dài mới hi vọng đem đến những mục đích cao đẹp mà mọi người mong muốn. Để có một cuộc cách mạng xã hội hữu hiệu như vậy trước hết tuổi trẻ phải có căn bản văn hóa, phải kiên gan tìm tòi mới không gặp những cam go, thất bại…

Nhưng mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên. Ơn trên đã không chiều lòng những kẻ trần tục tội lỗi của Ngài. Không khí im lìm chỉ kéo dài một thời gian, như tôi đã dự đoán trước đây, nó đã tới giai đoạn bùng dậy.

Huế cố đô thân yêu, mảnh đất trầm mặc nghìn năm của dòng sông Hương đang chuẩn bị bước tơi một chuyển mình khác kinh khủng hơn, không chỉ ngắn hạn như cuộc tranh đấu có máu và nước mắt trước đây, nó kéo dài hơn và tạo thêm những xáo trộn cho một chính phủ, một quốc gia đang đối đầu với kẻ thù ghê gớm của thế kỉ: Cộng sản.

Tôi tưởng qua thời gian nổi sóng cũ, những kẻ thức thời ở Huế đã học được mớ kinh nghiệm, đã hiểu thế nào là lạm dụng chiếm đoạt, bất công. Câu nói của anh sinh viên ngày nào chúng tôi còn nhớ rõ ràng: “Chúng con đã chán nản.” Đôi mắt buồn của anh tôi cũng nhớ như đinh đóng cột. Không nhẽ lúc này nó đã đổi thay, nó đã bỏ rơi kẻ hằng suy nghĩ về nó.

Tôi không nhớ rõ phong trào chính trị hậu cách mạng ở Huế được chuẩn bị từ thời gian nào, với động lực nào thúc đẩy. Tôi vốn không quan tâm tới chính trị, nên muốn tìm hiểu lúc này thật khó khăn. Tuy nhiên tôi có thể ghi lại đây không sai chạy cái ngày mà tổ chức Nhân dân Cứu quốc Huế hình thành, khởi đầu cho giai đoạn đấu tranh chống đối mãnh liệt thời đó.

Điều mà tôi không mấy quản ngại trước đây khi giáo dân Hố Nai kéo về Sài-Gòn biểu tình chống kì thị nay đã thực sự là đáng lưu ý ở Huế, phong trào chính trị mới đang cố tình đào sâu cái hố kì thị giữa Phật tử và giáo dân Ki-tô.

Người ta có muốn ngăn chặn cũng không cứu vãn lại được nữa.

Trước đó, khi có dịp gặp gỡ những giáo sư hoặc sinh viên trong Viện đại học tôi khoác lác đề cập đến những xáo trộn xảy ra tại thủ đô Sài-Gòn không ngoài mục đích cho họ thấy rằng:

Những xáo trộn như vậy không đi đến đâu, chỉ tạo thêm những ngộ nhận, những mặc cảm giữa người và người với nhau. Mệnh danh là xuống đường đòi bình đẳng, nhưng bình đẳng đâu thấy, chia rẽ hiện hình nguyên vẹn, nồng nàn. Đó là điều bất hạnh nhất, đáng lấy làm đề tài suy ngẫm nhất.

Những người gặp gỡ tôi đã phát biểu những ý kiến đồng nhất như vậy. Lúc đó tôi hân hoan và tin tưởng rằng đại học Huế phải được trưởng thành thêm và bành trướng thêm. Tuy nhiên khi hay tin phong trào chính trị bắt đầu hoạt động, mà những kẻ khởi xướng chính là những người cộng sự với tôi, đã làm cho tôi bàng hoàng không ít…

Thoạt đầu nhóm hoạt động chính trị mang tên là phong trào Nhân dân Cứu quốc quy tụ một số Giáo sư như Lê Tuyên, Mai Văn Lễ, Cao Huy Thuần, Tôn Thất Hanh và do bác sĩ Lê Khắc Quyến, Khoa trưởng Y khoa làm Chủ tịch, nhưng sau đó phong trào lan rộng trong hàng ngũ sinh viên Huế, thực sự biến đại học Huế làm môi trường hoạt động chính trị, trái hẳn với những nguyện ước của tôi.

Giáo sư Lê Khắc Quyến còn ngang nhiên đặt văn phòng của phong trào trong Viện đại học. Họ lấy mọi phương tiện trong cơ sở văn hóa này để dùng vào các chương trình chính trị của họ. Tôi có nghe một vài sinh viên thân tín tường trình lại những hoạt động này, nhưng tôi không tin, vì mới hôm nào đây Lê Khắc Quyến, Lê Tuyên còn tới mừng lễ Ngân khánh của tôi bằng mấy bức hoành phi, mang những dòng chữ chí tình “Thiện mĩ lưỡng toàn”, “Sư sinh đại nghĩa.”

Qua nhiều lần gặp gỡ ông Quyến cũng như người học trò cũ của tôi Lê Tuyên đã quá hiểu ngyện vọng của tôi là gạt hẳn những không khí, những phong trào chính trị ngoài ngưỡng cửa đại học. Tôi còn ân cần tâm sự với họ rằng, đại học chỉ dùng vào công cuộc kiếm tìm và phát huy văn hóa mới, gây dựng và nuôi dưỡng những bác học cho tương lai, không thể đem những thứ thành quả ngắn, những xáo động nửa vời vào lũng đoạn chi phối sinh hoạt hướng thượng đó. Hơn những người nào hết, chính Quyến và Lê Tuyên là những người vồn vã nhất trong việc ủng hộ mục đích của tôi. Không ngờ vật đổi sao dời, ngày một ngày hai họ đã phát lộ một bộ mặt khác, chủ trương khác, tới khi Lê Khắc Quyến đích thân đến gặp tôi và mời tôi tham gia phong trào Nhân dân Cứu quốc lúc đó mới thấy thực sự chán nản bàng hoàng. Tôi đã cố gắng giữ vững tinh thần trong lúc đó với Quyến để câu chuyện diễn ra trong vòng thân thiết bình thản.

Tôi im lặng nghe Quyến trình bày về phong trào Nhân dân Cứu quốc, có lẽ Quyến nói khá nhiều về mọi vấn đề, mọi khía cạnh. Nhưng cho tới nay tôi chẳng còn nhớ được gì. Tuy nhiên điều làm tôi không bao giờ quên đi, Quyến ngỏ lời yêu cầu tôi ủng hộ phong trào chính trị này. Và tôi thành thực nói với Giáo sư Chủ tịch Lê Khắc Quyến:

- Các anh lập phong trào chính trị tôi không có quyền ngăn cản. Nếu lập phong trào tranh đấu tự do dân chủ cho quê hương, tôi càng tán thành là đằng khác. Hơn lúc nào hết anh thấy quê hương đang cần nhiều hậu thuẫn để đánh bại hay đối đầu với làn sóng đỏ cộng sản…

Tôi nhấn mạnh với bác sĩ Quyến rằng, tư cách một linh mục Viện trưởng Viện đại học không cho phép tôi có ý kiến rõ ràng về phong trào chính trị của ông ấy. Tôi còn nhắc lại lập trường cũ của tôi là tách rời chính trị khỏi sinh hoạt đại học và nói với ông Quyến là tôi không chấp thuận việc phát động phong trào trong giới sinh viên của tôi.

Bác sĩ Quyến có vẻ bất bình, ông ta biện dẫn một vài lí do để bênh vực cho lập luận của ông. Tuy nhiên tôi vẫn trầm tĩnh nói:

- Anh dư biết mơ ước của tôi là phát huy văn hóa dân tộc. Trước đây tôi đã nhiều lần nói với các anh rằng chính trị là nhất thời văn hóa mới trường cửu. Nếu đại học muốn trường cửu, đại học không nên làm những chuyện nhất thời. Các anh đã đồng ý với tôi về điểm đó trước, thì bây giờ tôi cũng xin các anh cho tôi giữ vững lập trường ấy.

Bác sĩ Quyến chống chế:

- Trước đây tình thế khác, chúng tôi đã chấp thuận lập trường của cha. Bây giờ với không khí chính trị mới, phải có sinh khí mới trong đại học.

Tôi mỉm cười, có lẽ nụ cười bấy giờ chua xót lắm, buồn thảm lắm.

- Tôi xác định với anh một lần nữa: Tôi không muốn cho đại học có đảng phái chính trị. Chẳng phải lúc này tôi mới có chủ trương lập trường này mà ngay từ khi đại học khai sinh, tôi cũng đã nhấn mạnh đến lập trường của tôi. Khi nào tôi còn giữ chức coi sóc đại học Huế, tôi còn tranh đấu tới cùng. Không ngờ lúc này các anh đặt văn phòng của phong trào ở đại học mà không cho tôi hay. Lại khám xét sinh viên trước khi họ vào trường nữa. Đó là chuyện trái ngược với không khí Viện đại học này. Nếu các anh tiếp tục hoạt động, các anh gắng tìm chỗ khác đặt văn phòng, xin trả đại học cho tôi ngay.

Giáo sư Lê Khắc Quyến lớn giọng:

- Cha đuổi chúng tôi đi hả?

Tôi lắc đầu:

- Không phải đuổi. Anh nói quá. Tôi chỉ yêu cầu các anh trả lại không khí trầm mặc cho đại học. Tôi chưa hiểu rõ lắm về phong trào của các anh, nhưng có đi phố và nhìn thấy nhiều khẩu hiệu đả đảo tướng lãnh, đồng hóa người Công giáo với Cần lao.

Tôi là Công giáo, nhưng không phải bất cứ người công giáo nào cũng là đảng viên Đảng Cần lao của chế độ cũ. Tập thể Cần lao không xấu, chỉ có cá nhân xấu mà thôi. Cho nên các anh đừng lẫn lộn…

Các anh cần phân tích người nào tốt, kẻ nào xấu, đừng đồng hóa tập thể tôn giáo và Cần lao, làm như thế không đạt được mục tiêu gì, chỉ gây chia rẽ giữa tôn giáo này và tôn giáo khác mà thôi.

Tôi cũng nhấn mạnh với ông Quyến:

- Lực lượng duy nhất hiện nay để chống cộng sản là lực lượng quân đội. Bây giờ các anh nêu đích danh những tướng lãnh cầm đầu quân đội đả kích. Hành động đó có khác nào chúng ta phá đi bức thành trì chống cộng. Điều đó không thể chấp nhận được. Đất nước chúng ta đã chìm đắm bao nhiêu năm. Không thể tạo cơ hội thuận tiện để cho mảnh đất còn lại của quê mẹ khốn khổ này rơi vào tay cộng sản.

Tôi còn nói với Giáo sư Quyến một lần nữa là, ông ta hãy dời văn phòng của phong trào ra khỏi Viện đại học để tôi khỏi lấy làm thất tín vì đã không giữ vững lập trường duy trì chủ trương của mình. Giáo sư Quyến không nói gì. Ông ta đứng dậy cùng với mấy Giáo sư đi theo xin cáo lui.

Tôi tiễn ông Quyến ra tận cửa. Tuy ông không phản đối những ý kiến của tôi trong cuộc mạn đàm, nhưng tôi thấy nét mặt ông có vẻ buồn buồn và tức bực. Thú thực tôi đã hết sức khiêm tốn trong câu chuyện với mục đích duy trì hòa khí giữa những kẻ cộng tác hàng ngày với nhau. Vậy mà câu chuyện không ít thì nhiều đã đem lại sự nghi kị, nếu không nói là bất bình giữa tôi và Giáo sư Chủ tịch Lê Khắc Quyến. Trong lúc Quyến lẳng lặng lên xe, các Giáo sư khác, trong phong trào chính trị có lẽ thông cảm cho mục tiêu tối thượng của tôi, đã thân ái hứa hẹn với tôi rằng, phong trào Nhân dân Cứu quốc không đả kích tập thể giáo dân Ki-tô nữa và ngưng lại mọi chương trình đồng hóa Cần lao với Công giáo. Những Giáo sư này đoán chắc rằng, họ chỉ tranh đấu cho tự do dân chủ mà thôi.

Sở dĩ tôi góp ý họ về những vấn đề đả kích tướng lãnh, tố khổ Cần lao là vì, ngay sau khi phong trào Nhân dân Cứu quốc hình thành, họ ra một tờ báo lấy tên là Lập Trường làm cơ quan ngôn luận. Tờ báo đặt ngay ở nhà in của Viện đại học dưới chân cầu Bạch Hổ.

Và mọi phương tiện của nhà in này, phong trào đều xung công vào việc ấn loát tờ báo này.

Từ những số đầu tiên, những tờ báo này vạch mặt chỉ tên những kẻ họ cho là Cần lao ác ôn, tay sai hoặc công an mật vụ của chế độ cũ. Hầu như tất cả những nhân vật nắm những chức vụ từ hạ tầng cơ sở như xã quận đến tỉnh thành đều là những mục tiêu chính để cho họ nguyền rủa, mặc dầu trên thực tế, những kẻ bị chỉ trích chỉ là công cụ mọn hèn của chế độ Ngô Đình Diệm.

Qua tờ báo địa phương này, phong trào Nhân dân Cứu quốc của Giáo sư Lê Khắc Quyến lên án gắt gao Đảng Cần lao, quan trọng và nguy hiểm hơn nữa họ còn dùng những luận cứ để đồng hóa người Công giáo với Cần lao nòng cốt. Tạo phong trào chống Cần lao kịch liệt trên báo chí, với đủ mọi phương tiện, đủ mọi lập luận, họ gây căm hờn giữa quần chúng và giáo dân cố đô Huế.

Tờ Lập Trường còn nêu đích danh những tướng lãnh mà họ cho là con đẻ của chế độ cũ để đả kích. Xuyên qua số tướng lãnh này, họ chỉ trích luôn cả tập thể quân đội. Phải công nhận rằng (dù tôi bất đồng ý với chủ trương của phong trào Nhân dân Cứu quốc) các giáo sư từng cộng tác với tôi ít nhiều đã thành công. Dân chúng Huế, đa số đã ủng hộ, cổ vũ cho mục tiêu của phong trào.

Ngoài thành phố, hàng trăm khẩu hiệu viết trên những tấm vải màu, nội dung chống chế độ nhà Ngô, chống tướng lãnh nhan nhản khắp nơi, tôi đọc những câu khẩu hiệu này tự nhiên thấy trái tim mình nôn nao, quặn thắt. Dầu gì đi nữa, chế độ cũ kể như đã hoàn toàn bị triệt hạ rồi, không khí cách mạng và nhiều người khao khát mong chờ cũng đã hết.

Giờ đây không phải lúc để chúng ta đả kích lẫn nhau, vạch mặt chỉ tên lẫn nhau, triệt hạ uy tín lẫn nhau mà là giai đoạn cần phải tạo dựng lại, củng cố lại. Chế độ nhà Ngô sụp đổ, mang theo cả công trình của ông Diệm lại từ con số không, tất cả nguồn mạch quê hương lại phải khởi đi từ con số không buồn thảm đó.

Muốn thành công cứu vớt sự suy tàn của quê cha đất tổ, một nhóm người không thể gồng mình làm được công việc đòi hỏi nhiều mức sống và can đảm này mà tất cả phải bắt tay với nhau, quên đi những kỉ niệm u buồn, hướng về bầu trời tương lai đang mở ra trước mắt.

Có lẽ không riêng gì tôi, nhiều người ở giải đất ốm ông gầy yếu này đều mong muốn như vậy.

Nhưng không hiểu tại sao những người trí thức lại hiểu lệch lạc như vậy. Tôi không tin những cộng sự của tôi cố tình tạo ra một tình trạng chia rẽ, nhiễu nhương thêm cho quê hương. Hơn bất cứ người nào hết, những cộng sự của tôi đã có rất nhiều kinh nghiệm trong giai đoạn chuyển tiếp vừa rồi. Trong thâm tâm tôi tin họ sẽ hiểu bao quát vấn đề để kịp thời dừng lại ở giai đoạn khởi đầu nhiều sôi bỏng.

Tuy nhiên, đó chỉ là sự mong ước ảo tưởng của tôi, không những cộng sự viên thuộc lãnh vực đại học Huế với tôi chẳng soát xét lại công cuộc chống lại Cần lao mà càng tiến sâu hơn nữa. Ngoài thành phố, trong trường sở, đâu đâu tôi cũng nhìn thấy sự căm thù và nổi giận.

Phong trào chính trị này còn lập thêm những trạm phóng thanh ở các phân khoa đại học, các ngôi chùa và tối tối họ loan truyền những bài viết đả kích quân đội, Công giáo, Cần lao nặng nề.

Tôi không hưởng ơn mưa móc gì của chế độ Tổng thống Diệm.

Tôi không hề bênh vực gì chế độ ông ấy. Tuy nhiên tôi cũng không mấy hài lòng khi thấy phong trào kia cố tình đồng hóa người Công giáo với Cần lao. Cần lao cũng có kẻ tốt người xấu, không phải tất cả Cần lao đều xấu hết. Vì vậy trong buổi gặp gỡ với Giáo sư Quyến, tôi đã thành thật nói với ông ấy điều này.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx