Như thể trêu tức hai họ Nguyễn và họ Vũ, chi đoàn thanh niên cố tình tổ chức đám cười Nghĩa và Hạnh tại nhà kho hợp tác thật long trọng nổi đình nổi đám. Từ sáng sớm tụi trẻ đã lo trang trí phòng cưới lộng lẫy như thể sân khấu diễn kịch. Chúng lấy phông màn của đội văn nghệ và mang trống ra khua ầm ĩ cả làng. Chi đoàn vận động quyên góp tiền mua bánh kẹo, thuốc lá chu tất. Làng Đông được dịp bàn tán xôn xao. Người trách lớp trẻ hồi này hỏng. Người bảo sao ông Khiên không vác đòn gánh nện bỏ mẹ chúng nó đi. Cũng tại cái nhà chị Nhân hồi nọ đầu têu, cũng đã định xí xớn với tay "Vạn Điện Biên" nên bây giờ con Hạnh mới thế...
Đúng bảy giờ tối, một tràng pháo nổ dậy lên. Đèn mạng sáng xanh cả góc trời làng Đông. Thành phần dự đám cưới là toàn bộ thanh niên nam nữ trong chi đoàn và tụi trẻ con trong xóm. Bậc cha mẹ, cô, dì chú bác sợ mang tiếng không ai dám đến. Lần đầu tiên làng Đông có đám cưới kỳ lạ. Các giọng hát của đội văn nghệ được dịp thử tài. Giữa tiếng hát tiếng cưới của các bạn, Nghĩa và Hạnh phải cố giấu nỗi buồn. Đám cưới đang lúc sôi động thì ông Xung chống gậy đến.
- Chúng mày làm mít tinh đấy à?
- Vâng ạ!
Dâu là cô gái vui nhộn nhất chi đoàn chạy tới kéo lão Xung ngồi xuống ghế.
- Mít tinh mà sao không thấy hô khẩu hiệu? - Ông Xung hỏi. Tụi trẻ được dịp cười nổ ruột.
Nghĩa vội chạy lại chỗ ông Xung. Giọng Nghĩa xúc động:
- Ông ơi! Ông ăn với chúng cháu cái bánh. Không phải mít tinh đâu ông ạ. Đây là đám cưới cháu đấy.
- Đám cưới mày? - Ông Xung hỏi - Đám cưới sao không có đánh chén xôi thịt rượu chè gì?
- Cháu tổ chức theo nếp sống mới ông ạ. Chỉ có bánh kẹo và thuốc lá.
- Thế thì đét to! Thằng Xình, thằng Xèng nhà tao mà còn sống a, tao sẽ làm đám cưới to nhất làng này.
Tụi trẻ quây lấy ông Xung cười ngất. Cả phòng cười náo động. Mấy bà hàng xóm ngỡ có chuyện gì xảy ra liền réo gọi con ơi ới.
Đám cưới tan, làng Đông chợt lặng đi. Cô dâu chú rể lại dắt nhau ra bờ sông. Một tay Nghĩa vẫn cắp cái phông xanh của đội văn nghệ, một tay nắm lấy bàn tay Hạnh. Tiếng pháo lẫn tiếng cười của bạn bè còn âm vang bên tai Hạnh và Nghĩa. Ra đến bến không chồng là hai đứa quên hết mọi lo phiền. Cũng chẳng còn nơi nào ngoài cái bến nước này. Cả thế giới, không có cặp vợ chồng nào lại có đêm tân hôn như Hạnh và Nghĩa. Trời đầy sao, Đêm se lạnh.
- Ta sẽ đi mãi thế này đến hết đêm - Nghĩa bóp mạnh tay Hạnh.
- Cũng may trời không mưa.
- Anh sợ em cảm lạnh.
- Buồn cười thật. Tới lúc này mà em vẫn chưa tin chúng mình đã là vợ chồng.
- Chúng mình chả vừa làm đám cưới rùm beng nhất làng đấy đấy thôi.
Nghĩa kéo Hạnh ngồi xuống vạt cỏ, giữa khúc quanh của dòng sông có một chiếc cống nhỏ dẫn vào con mương trong đồng. Nghĩa trải tấm phông xanh xuống làm chiếu.
- Em thấy chúng mình chọn chỗ này có đẹp không? Đây là trung tâm. Từ đây ta thấy rõ cả cống Lĩnh cả làng Đông. Và dòng sông kia giống như hai cánh tay đang ôm lấy hai đứa chúng mình.
Nghĩa ôm ghì lấy Hạnh, hai đứa nằm ra tấm phông xanh. Những ngôi sao trên trời bỗng sáng rực lên.
- Chả lẽ tới giờ phút này mà chúng mình vẫn chưa thành vợ chồng sao? - Nghĩa run run tìm cúc áo Hạnh. Hạnh nắm lấy tay Nghĩa đặt lên khuôn ngực đang phập phồng ấm nóng của mình và thấy cuộc đời vẫn đẹp hơn bao giờ hết.
Trời đằng đông đã ửng hồng. Hai đứa bịn rịn chia tay nhau. Hạnh men theo bờ ao về, chỉ sợ có ai đó nhìn thấy. Hạnh khẽ đẩy cửa rón rén vào giường mẹ. Nước mắt cứ ứa ra, Hạnh ôm ghì lấy mẹ. Qua một đêm hạnh phúc, lúc này Hạnh mới thấy thương mẹ. Bằng linh cảm của phụ nữ chị Nhân thấy rõ con gái chị đang xúc động. Nhưng chị không thể biết nó đang sung sướng hay đau khổ. Chị đã khuyên can Hạnh, nhưng bất lực. Rõ ràng tình yêu của nó với thằng Nghĩa mạnh mẽ hơn chị với chú Vạn nhiều. Tối qua chị đã làm mâm cơm cúng bố nó. Dù sao hôm nay cũng là ngày nó lấy chồng. Chị tin là chúng nó sẽ dẫn nhau về. Khi nghe tiếng pháo dậy lên ngoài kho, chị muốn nhào ra chỗ con nhưng lại không dám. Chị về giường nằm thao thức chờ hai đứa về. Chị chờ mãi, chờ mãi...
- Đêm qua con ngủ ở đằng ấy à?
- Không! Chúng con đi ngắm cảnh ngoài bến Tình. Tuần trăng mật mà mẹ.
Chị Nhân lạnh cả người và thấy đau nhói trong tim.
- Chả lẽ chúng mày cứ lang thang mãi như thế sao?
- Ôi! Mẹ chẳng hiểu gì cả. Chúng con đã tính đâu vào đấy. Con tính cho mẹ nghe nhé! Chúng con có quyết làm đám cưới thì mới thành vợ chồng. Có thành vợ chồng thì mới có cớ để xin đất. Có đất là chi đoàn thanh niên sẽ giúp đỡ chúng con dựng một gian nhà nhỏ. Chỉ cần trát vách cũng được. Mẹ thấy không, túp lều lý tưởng đấy mẹ ạ. Sau này chúng con ăn nên làm ra sẽ xây nhà to.
- Chỉ khổ thằng nghĩa, bố mẹ có nhà cao cửa rộng mà không được ở. Chiều qua chúng mày ăn uống ở đâu?
- Chúng con chẳng còn bụng dạ nào mà ăn uống.
- Để mẹ đi dọn cơm cho mà ăn. Chỉ hâm nóng thức ăn một tý là xong ngay.
- Mẹ! Để sáng hẳn nấu cơm cả nhà ăn một thể. Mẹ cứ nằm với con tý đã nào. Ôi! Giá mà hồi nọ mẹ với chú Vạn cũng thành... thì có phải hay không.
- Ơ! Cái con này hay nhỉ.
- Con nói thật đấy!Mãi tới bây giờ chú Vạn không lấy vợ là tại mẹ đấy.
- Sao lại tại tao? Tao đâu có quyền cấm đoán người ta.
- Ai chả biết thế - Hạnh ghì mẹ vào lòng, đưa tay khẽ vuốt những sợi tóc của mẹ - Mẹ vẫn còn đẹp lắm. Mẹ ơi! Mãi tới bây giờ con mới thấy là từ yêu thương dẫn đến thành vợ chồng chỉ cách nhau tí tẹo. Nó giống như người vượt rào ấy mẹ à. Chỉ cần nhảy đại qua một lần, lần sau chẳng còn biết sợ là gì. Hí hí...Giá mà mẹ với chú Vạn cũng chứ nhảy đại.
- Con bé này rõ là là...Hôm nay mày cứ như con điên. Có bỏ tay ra để tao đi nấu cơm.
Nằm lại một mình Hạnh thấy lâng lâng. Giây phút đê mê khoái cảm trong vòng tay Nghĩa vẫn còn sống động trên dạ thịt nóng bừng của Hạnh. Lần đầu tiên trong đời Hạnh đã phơi ra trước mắt Nghĩa cái thân thể con gái của mình. Bây giờ nghĩ lại Hạnh thấy nó buồn cười. Cỏ cây và những ông sao trên trời cũng phải ngỡ nàng khi thấy hai đứa cứ lùng tùng rúc rích trong tấm phông xanh. Đất trời cũng phải cảm thông cho mối tình của Hạnh và Nghĩa. Hạnh cố nhắm mắt nhìn sâu vào bóng tối trong buồng mẹ, tai Hạnh vẫn nghe rõ có tiếng gió và tiếng sóng ràn rạt ngoài Bến không chồng. Ngoài sân, tiếng chân mẹ bước nhẹ từ bể nước vào bếp, rồi lại từ bếp ra bể nước. Dưới bếp bỗng bùng lên ánh lửa hắt sáng qua ô cửa sổ lấp loá. Hạnh vừa chợp mắt đã cảm thấy như Nghĩa đang nằm bên cạnh mình. Những ngón tay anh cứ cù vào cổ Hạnh nhồn nhột.
Hạnh chợt bừng tỉnh và thấy trời đã sáng. Hạnh lao ra sân. Ông mặt trời đỏ ối lấp ló phía trời đông. Hạnh chạy ra mở cửa chuồng gà. Đàn gà nhào ra sân vỗ cánh chạy lăng xăng. Một chú gà trống tót lên bờ giậu cất tiếng gáy vang. Anh Hiệp đang lúi húi sửa cày bên gốc mít nháy mắt với Hạnh.
- Tan đám cưới mẹ giục tao đi tìm chúng mày. Tao chẳng hiểu chúng mày biến đi đằng nào.
- Anh tìm chúng em thật sao?
- Mày vào nhà mà hỏi mẹ. Cả đêm qua mẹ ngóng chúng mày về.
Hạnh nhào vào bếp ôm lấy cổ mẹ cười rúc rích.
- Mẹ thật tuyệt vời. Mẹ không giận chúng con chứ?
- Đi lấy chồng rồi mà như trẻ con.
Gương mặt của cả hai mẹ con đều sáng lên dưới ánh lửa bếp. Chị Nhân nói con thế nhưng chị hiểu rất rõ con gái. Nó cũng giống y như chị ngày xưa. Con gái đứa nào chả thế, ra ngoài nom oách lắm nhưng về nhà vẫn thích nhõng nhẽo làm nũng mẹ.
- Tối qua mẹ đợi chúng con thật à?
Mẹ im lặng. Hạnh nghĩ là mẹ buồn lắm. Con gái đi lấy chồng mà mẹ không được nhận lễ ăn hỏi, lễ cưới của nhà trai. Mẹ không được têm trầu bổ cau mời họ hàng xóm làng. Bố mẹ Nghĩa đâu muốn thế. Nhưng hoàn cảnh nghiệt ngã tạo nên thế. Hạnh buồn rầu ngồi lặng trước mâm cơm có đĩa thịt gà đầy ú. Hai giọt nước mắt chảy ra nóng hổi trên má.
- Tối qua tao tưởng chúng mày về nên làm mâm cơm cúng bố mày - Chị Nhân khẽ thở dài - Con sang bên ấy bảo nó sang ăn cơm.
- Ôi! Mẹ chu đáo với con quá!
Hạnh đưa tay gạt nước mắt. Giá mà Nghĩa đến ăn cơm với mẹ thì hạnh phúc biết nhường nào. Nhưng giờ này Hạnh không dám lại đằng ấy.
- Thôi mẹ ạ. Để khi nào chúng con có nhà riêng. Chúng con sẽ làm bữa cỗ thật to...
Bữa cơm dọn ra, ba mẹ con Hạnh ngồi ăn. Mẹ gắp vào bát Hạnh miếng thịt gà rõ to.
- Thằng Nghĩa nó không sang mày phải ăn bù - Mẹ cười, nhìn hai anh em Hạnh - Anh Hà mày hôm qua gửi thư về đấy.
- Thế hả mẹ. Mẹ đưa con xem nào - Hạnh reo lên.
- Ăn xong đi đã - Anh Hiệp nói - Để trên bàn ấy. Hạnh đứng dậy vồ lấy thư đọc.
"Hoà Bình ngày 4-9.
Mẹ kính mến!
Các em yêu quý!
Đầu thư con báo tin vui cho mẹ và các em biết, con được cấp trên cử đi học lớp sĩ quan. Cả trung đội có bốn mươi người mà chỉ được chọn có hai người đi học. Đó là thằng Mạnh người Nam Định có văn hoá lớp mười và con là con liệt sĩ, con nghe nói học xong sẽ được đi xa...
Từ ngày con đi, không ngày nào con không nghĩ đến mẹ và các em. Mẹ cho con gửi lời thăm chú Vạn và Hồng...Mẹ bảo Hồng là con không biên thư riêng...".
- Anh Hà thâm gớm nhỉ - Hạnh cười tươi - Thế mà hồi ở nhà đố có hé răng. Đây là anh Hà anh ấy giới thiệu khéo con dâu tương lai với mẹ đấy. Thảo nào tối hôm qua chị Hồng cứ quấn lấy con hỏi thăm về anh Hà.
- Con trai mà viết thư yếu đuối như con gái. Anh Hiệp nói. Hạnh nhìn anh Hiệp:
- Còn anh đấy, ở nhà thì nói mạnh vậy, đi xa lại chả khóc hu hu.
- Đừng hòng.
- Thôi, đừng có cãi nhau nữa. Ăn mau không sắp kẻng rồi đấy.
- Nay con vẫn đi tát nước với mẹ chứ?
- Hôm nay cho mày nghỉ - Anh Hiệp nói - Tao đi tát nước với mẹ. Mày ở nhà bảo thằng Nghĩa cứ làm đơn, hai đứa kéo nhau lên xã mà xin đất. Có đất tao bảo bạn bè chúng nó mỗi đưa một tay là chúng mày có nhà riêng ở.
- Cái Dâu nó nói cũng giống như anh nói - Hạnh tủm tỉm cười nheo mắt nhìn anh Hiệp - Anh Hiệp ơi! Anh thấy cái Dâu thế nào?
- Con gái mà vô duyên chưa nói đã cười.
- Sao anh kén thế. Cười là xấu sao? Anh mà lấy được cái Dâu cứ gọi là...
- Mày định kéo tao vào hùa tấn công họ Nguyễn?
- Thôi, mẹ xin các con. Mẹ cấm con Hạnh không được nói đến chuyện đó. Con không thấy riêng chuyện của con cũng đã ầm xã ầm làng lên rồi sao? Hiệp ơi, tao khuyên mày đừng có tơ tưởng đến gái họ Nguyễn mà rồi lại khổ đấy con ạ.
Mẹ nói và buông đũa đứng dậy đi xuống bếp. Hạnh ân hận đã vô tình để mẹ phải buồn. Hạnh nhìn mâm cơm, cổ cứ nghẹn lại. Hạnh muốn đánh đổi cả hạnh phúc cuộc đời để xoá bỏ mọi ngăn cách giữa hai dòng họ. Hạnh không ý thức được vì động cơ gì mà cô lại làm chuyện đó. Có phải đấy là tình yêu của Hạnh với Nghĩa? Mọi người trong họ Nguyễn càng ngăn cản, trong lòng Hạnh lại càng bùng lên ngọn lửa muốn thiêu cháy tất cả mọi hận thù giữa hai dòng họ để được yêu Nghĩa. Từ một cô bé nhút nhát, khi yêu Nghĩa, Hạnh bỗng trở nên gan góc, mạnh mẽ, đáo để không ngờ.
- Mày nói năng chẳng ý tứ gì cả - Anh Hiệp trách.
- Cả anh cũng xoàng! - Hạnh nói dỗi - Cả đám thanh niên làng ta cũng xoàng. Biết các cụ cổ hủ mà chẳng dám nói. Bao nhiêu năm nay thanh niên làng cứ phải đi mò sang làng khác lấy vợ. Gái làng Đông ta xưa nay nết na mà cứ phải khăn gói đi làm dâu thiên hạ. Cả làng sao không thấy gương nhà chị Toan, chị Sang đi lấy chồng làng Hạ - Người bị chồng đánh phát điên, người bị mẹ chồng nay đuổi mai xua phải bỏ về làng ở. Ôi trên đời này mọi người sao nhẫn tâm đến vậy.
Anh Hiệp ngồi ngây ra nhìn cô em gái. Anh đâu ngờ Hạnh lại nói năng cứng cỏi đầy lý lẽ đến vậy.
- Em nói thật đấy! Anh cứ yêu ngay cái Dâu, nó là một cô gái tốt đấy.
- Hạnh! Mày nói khẽ thôi. Mẹ nghe thấy lại rầy rà...
- Anh đồng ý chứ?
Hạnh reo lên khe khẽ. Anh Hiệp im lặng. Im lặng là đồng ý. Hạnh thấy vui vui như tìm thấy được đồng minh.
Câu chuyện của hai anh em chấm dứt khi tiếng kẻng ngoài kho vang lên. Anh Hiệp vội vàng sửa soạn đi tát nước với mẹ.
Hạnh nhìn theo bóng mẹ và anh Hiệp nghiêng nghiêng đổ dài trên bờ ao.
@by txiuqw4