Lần đầu tiên làng Đông có một ngôi nhà hai tầng. Điều đáng nói, ngôi nhà ấy lại mọc lên sừng sững trên nền gian bếp của tên địa chủ Hào xưa. Kẻ chơi ngông đó vẫn lại là thằng Tốn, cháu đích tôn của lão Hào. May mà mụ Hơn vẫn còn giữ được giọt máu duy nhất còn lại của gia đình địa chủ giàu có nhất làng Đông xưa.
Lão Hào bị xử bắn, bố thằng Tốn cắn lưỡi chết, để lại hai mẹ con thằng Tốn bơ vơ sống trong gian bếp. Cái gia tộc nhà địa chủ Hào đã tưởng tàn lụi đi suốt mười tám năm nay. Giờ đây ai ngờ từ đống tro tàn cái mầm mống địa chủ lại bỗng chốc mọc thành nhà "Tư sản". Ngôi nhà hai tầng thằng Tốn xây, mang dáng dấp một ngôi biệt thự kiểu phương Tây lẻ loi mọc lên giữa một miền quê ngèo khổ. Nó giống như cô gái tân thời lạc lõng dưới con mắt của người dân làng Đông. Những ô cửa sổ trên tầng hai buông rèm xanh phất phơ. Hàng lan can trên ban công hoa văn đủ màu sặc sỡ gợi lên sự sa hoa chưa từng có ở làng Đông.
Từ ngày thằng Tốn con mụ Hơn về, Nguyễn Vạn thấy gai gai trong người, đêm đêm giật mình liên tục. Nó thuê ô tô chở gạch, xi măng sắt thép về đổ rầm rầm. Bất thình lình thằng Tốn mở nhạc Vạn cũng giật mình. Từ hai chiếc loa thùng phát ra những tiếng nhạc cắc cắc bùm bùm dậm giật rung lên như sấm. Những giọng ca của đàn ông đàn bà từ mãi thế giới Tây Tầu xa xôi điên loạn, khi thì cười khanh khách lúc lại khóc nỉ non "Nếu mai em chết anh có buồn không?..."
Vào những đêm thằng Tốn mở nhạc Vạn phải lục sục dậy đi đái liên tục. Cả đời Vạn đã có một mối tình nào đâu mà biết nỗi buồn và niềm vui lạc thú của tình yêu. Có lẽ cảm giác khoái lạc duy nhất trong đời Vạn là cái đêm mang cá rô đến nhà chị Nhân, mẹ của Hạnh. Thực ra đã có gì đâu, Vạn mới chỉ được đặt bàn tay lên thân thể của người đàn bà goá chồng. Ngoài ra còn một vài lần lý trí của Vạn không nén được đã để cho bản năng của xác thịt tự do phóng túng nhìn mụ Hơn vén quần nằm tênh hênh ở giữa sân, phơi bộ đùi trắng hớn đầy quyến rũ của ma quỷ.
Giờ đây mọi sự ào đến mới lạ, xé toang hoang bức thành bao bọc sự yên tĩnh của tâm hồn Nguyễn Vạn. Mọi chuyện cứ cầy xới tung lên, Vạn không ngờ kẻ phá phách ấy lại chính là thằng Tốn, cái mầm của giai cấp bóc lột. Chính cái mầm ấy đã được Nguyễn Vạn cứu sống từ ngày nó còn non nớt bị bọn trẻ tiêu diệt bằng súng cao su. Thế mà bây giờ nó đã thành tư sản có biệt thự ngay trước mũi Nguyễn Vạn. Có người đồn nó có vàng của lão Hào để lại. Ông Xung lại bảo nó buôn bán xơ líp, xu chiêng phụ nữ. Rõ chả còn hiểu ra làm sao. Sáng sáng mở mắt Nguyễn Vạn đã thấy ngôi biệt thự của thằng Tốn lừng lững ngay trước mặt. Trông cái nhà nó cũng loè loẹt đĩ thoã như mụ Hơn.
***
Phần chia hậu hĩnh nhất của dân làng Đông dành cho Nguyễn Vạn là ngôi nhà của lão Hào bây giờ cũng chả là gì. Mái ngói có chỗ đã sụt lở xuống. Từng mảng tường rêu mốc xanh, bong vữa, trơ ra những viên gạch mọt vàng khè. Chiếc giường hạnh phúc của vợ chồng mụ Hơn, Nguyễn Vạn đã nằm mười tám năm, mộng mẹo long lay nứt toác ra, vênh váo. Trên mái, màng nhện chăng kín, bụi bám quyện với khói bồ hóng thành một lớp đen kịt. Từ ngày về ở đây, Vạn đã ngăn riêng ra một gian, vừa làm bếp vừa làm buồng để gạo thóc, quần áo lẫn lộn. Cảnh mục nát suy tàn cũ kỹ của ngôi nhà cũng giống như cảnh già nua cằn cỗi cô đơn của Nguyễn Vạn. Vạn mới chỉ mang máng nhận ra điều ấy từ cái ngày thằng Tống đi bộ đội về. Nó thâm nhập đời sống "Tư sản" làm náo động cả thôn xóm, lôi cuốn nam nữ ra vào tụ tập tại nhà nó ca hát nhạc vàng. Nếu thằng Tốn không là bộ đội thì Vạn nể gì mà không tóm cổ nó lôi lên uỷ ban. Chính vì nó làm hư hỏng đám thanh niên xã này. Đường dây điện cao áp dành riêng cho thuỷ lợi kéo qua làng Đông, cả xã này mới chỉ có ông bí thư, chủ tịch được dùng điện. Vậy mà chả hiểu thằng Tốn chạy cửa nào mà nó cũng được dùng điện vô tội vạ. Nó dùng hai cái móc lấy sào ngoắc lên đường dây vòng qua bờ ao vào ngôi biệt thự của nó. Cả làng tối đến chỉ có mỗi mình nhà nó cứ sáng choang. Tiếng nhạc réo rắt suốt đêm. Thằng Tốn còn vênh vênh bảo đây là hình thức "Giải trí sau một ngày lao động mệt nhọc". Nguyễn Vạn thì chả thấy được giải trí mà bị mất ngủ vì phải đi đái vặt suốt đêm. Sự bực bội của Vạn chỉ có mụ Hơn biết. Tối nào thấy Vạn ở nhà, mụ Hơn lại bảo "Các cháu ơi chọn cái băng nào có bài hát tiến bộ, cho chú Vạn chú ấy nghe với". Bọn trẻ bịt miệng cười "bố Vạn thì biết quái gì ca với nhạc. Bố chỉ thích nghe mỗi bài Giải phóng Điện Biên". Nguyễn vạn tức điên chửi "Mẹ chúng mày, không có Điện Biên làm gì có chúng mày, không có Điện Biên làm gì có ngày hoà bình hôm nay, làm gì chúng mày được ngòi đây mà rửng mỡ. Rõ là đồ phản động reo rắc mầm mống tư sản".
Nguyễn Vạn uất giận mà không nói được bởi thằng Tốn nó cũng đã xả thân ngoài chiến trường. Nghe nó kể những ngày nó chiến đấu trong chiến trường miền Nam còn ác liệt hơn cả những ngày Nguyễn Vạn chiến đấu ở mặt trận Điện Biên Phủ......Tiếng pháo đón dâu chợt dậy lên, làm Nguyễn Vạn giật nảy mình. Khói pháo toả ra mù mịt xốc cả vào nhà Nguyễn Vạn. Chú rể dẫn cô dâu vào phòng cưới giữa tiếng nhạc dồn dập. Nguyễn Vạn ngồi xuống chiếc ghế tận góc cuối phòng cưới. Mụ Hơn mặt hồng hào miệng ăn trầu đỏ chót đến bên cười rỉ tai Vạn:
- Bác giúp em với, bao năm nay bác là người gần gũi với em nhất, tí nữa bác đại diện họ nhà trai phát biểu hộ em.
- Tôi làm sao đại diện nhà trai được? Vạn gắt.
- Kệ mà! Mụ Hơn hích vào sườn Nguyễn Vạn. Thời buổi bây giờ đổi mới rồi, đâu cứ phải người trong họ. Với lại họ nhà em có ai ăn nói được như bác. Thằng Tốn trưởng thành được như ngày nay cũng là nhờ sự cưu mang của bác ngày ấy.
Mụ Hơn nói rồi vội vã bỏ đi. Nguyễn Vạn ngồi ngây đơ không còn biết tính thế nào cho phải. Nguyễn Vạn đưa mắt nhìn những gương mặt quen thuộc của người dân làng Đông ngồi lố nhố trong màn khói thuốc lá. Nguyễn Vạn mà lại đại diện cho cái gia đình địa chủ- kẻ thù của gia cấp vô sản ư? Mụ Hơn chẳng hiểu quái gì về giai cấp. Hay mụ cố tình chơi xỏ mình?
Tiếng tay chủ hôn vang vang trước mi cờ rô. Vạn hoảng hốt đứng dậy len lén lỉnh ra ngõ rồi lập cập bước ra đường làng. Đang tha thẩn, Vạn nhìn thấy lão Xung từ ngõ nhà bà Khiên đi ra. Gặp Nguyễn Vạn, lão Xung đứng sững lại lấy gậy hất chiếc lá rụng trên đường vẻ giận dữ:
- Vạn đấy à - Lão Xung nói - Hỏng rồi, thằng Nghĩa làm lên cấp tá mà hỏng nặng rồi. Nó không còn coi tổ tiên ra gì. Chuyến này nó định đưa quân về phá từ đường họ để xây nhà mới. Tao thách thằng Nghĩa dám phá hậu cung từ đường họ.
Lão Xung khua gậy bỏ đi, Nguyễn Vạn lững thững vào nhà bà Nhân. Bà Nhân và Dâu đang sửa soạn ăn cơm tối. Dâu đon đả lấy thêm bát đũa mời chú Vạn ăn cơm.
- Hôm nay thì tôi ăn - Chú Vạn nói - Nhà mụ Hơn nó sắp cỗ to mời nhưng tôi chả thèm.
Nguyễn Vạn cố ra vẻ tự nhiên ngồi xuống trước mâm cơm. Từ ngày Hiệp hy sinh Dâu sang ở hẳn đây nên chú Vạn lui tới không còn e ngại như trước.
- Canh cua đồng con Dâu bắt về nấu đấy - Chị Nhân khoe và ân cần múc canh chan vào bát cơm cho chú Vạn.
- Đám cưới thằng Tốn sang hơn cả đám cưới thằng thợ ảnh với con Thắm dưới phố huyện dạo nọ - Chú Vạn nói - Trông mặt nhà Hơn hôm nay cứ hơn hớn rõ ghét.
- Chú rõ thật ích kỷ. Chị Nhân nhìn chú Vạn thăm dò, đùng một cái, con trai về làm nhà, cưới vợ, ai chả vui mừng.
- Chú Vạn ơi, Dâu nói, Nghe đâu cưới vợ cho con trai xong, thím Hơn còn định đi bước nữa. Chú mà nhằm được đám ấy thì nhất.
- Mày ăn nói mất lập trường. Tao ngoài năm chục tuổi rồi mà còn tơ hào tới chuyện ấy thì mặt nào dám ngó mặt dân làng này. Còn chuyện của mày, chú Vạn nhìn Dâu - Tao thấy thằng Thành tuy cái mặt nó xấu xí nhưng cái bụng nó tốt.
- Cháu tình nguyện không đi lấy chồng - Dâu cười - Con ở đây với bu, bu nhỉ?
- Chú Vạn thấy nó nói có dở hơi không, Chị Nhân nói. Con Dâu còn bảo với tôi sẽ xin một đứa trẻ nuôi. Tôi bảo nó, con gái còn sinh đẻ được việc gì phải đi nuôi con thiên hạ. Từ ngày nó sang đây tôi ái ngại quá. Cũng tại thằng Hiệp nhà này nó xấu số nên nó phải khổ.
- Bu không phải lo cho con, chỗ con với Hạnh là bạn thân tình, Hạnh nó đi lấy chồng, con về đây...
- Tao biết thế. Chị Nhân nói, như cái thời của tao, của chú Vạn qua rồi chẳng nói làm gì. Còn chúng mày, đàn bà con gái sinh nở có thì....
Trời đã nhá nhem tối. Dâu đứng dậy thắm đèn. Ngọn đèn dầu hắt sáng sáng vàng vọt lên ba gương mặt nhợt nhạt của chú Vạn, chị Nhân và Dâu.
- Tao nói chuyện hệ trong mà con Dâu cứ coi thường. Chị Nhân lại cất giọng buồn buồn. Mày cứ nhìn gương con Hạnh đấy, hai năm nay chồng đi đi về về năm lần bảy lượt. Con Hạnh lại còn mò lên chỗ chồng hàng tháng mà đến nay đã thấy động tĩnh gì đâu.
- Bu chỉ lo vớ vẩn. Dâu cười. Vợ chồng cái Hạnh còn chờ xây nhà mới xong, nó sẽ đẻ sòn sòn năm một. Lúc đó bu cứ tha hồ mà bế cháu.
- Chuyện xây nhà của vợ chồng Nghĩa cũng căng đấy. Chú Vạn nói. Ông Xung vừa mới nổi đoá lên đe thằng Nghĩa.
- Cái họ nhà mình rõ là lạc hậu. Dâu nói. Suốt đời toàn tự làm khổ nhau vì những chuyện đâu đâu. Nghĩa nó đi chiến đấu bao năm nay, giờ hoà bình rồi, nhìn thấy nhà cửa lôm nhôm mục nát cũng muốn làm lại cho nó sang trang. Chẳng ông tổ nào lại cấm con cháu xây nhà to và đẹp thờ tổ. Nghe cái Hạnh nói, vợ chồng nó cũng chẳng có tiền của gì nhiều đâu. Chẳng qua anh em đơn vị về chơi nhìn cảnh thủ trưởng thế, mới chiếu cố bán cho ít xi măng, sắt, về đổ mái bằng. Còn gạch thì phải đập cái hậu cung ra phụ vào mới đủ.
Dâu nói và cầm đèn đặt lên bàn rót nước mời chú Vạn.
- Thằng Nghĩa cũng rõ ngu. Chú Vạn nói. Lên cấp tá rồi mà còn nặng đầu óc cá nhân. Hoà bình rồi, nay mai nông thôn sẽ quy hoạch theo mô hình công xã mới. Cả cái làng Đông này rồi sẽ phải phá bằng địa đi xây lại thành những lô nhà có hàng lối thẳng tắp. Lúc đó từ đường họ cũng chẳng có ông tổ nào giữ được.
- Chừng năm nào thì thực hiện được điều ấy hả chú? Chị Nhân nửa tin nửa ngờ hỏi.
- Chả mấy, tôi tính cho chị nghe thế này nhé. Đất nước đã bao nhiêu năm liên tục bị bọn đế quốc xâm lược. Mỗi năm ta phải chi cho chiến tranh không biết bao nhiêu tiền của. Bây giờ hoà bình rồi, mọi người đồng sức đồng lòng xây dựng lại thì mấy. Cái đáng lo nhất, dân mình lại có những kẻ lo làm giàu cá nhân như mẹ con thằng Tốn. Xã hội chủ nghĩa không dung nạp những kẻ như mẹ con thằng Tốn. Chị ở xa nên khuất mắt, tôi ngày nào cũng phải nhìn thấy cảnh nhà nó mà lộn cả ruột.
Dâu bê mâm bát ra giếng rửa. Chị Nhân đưa tay nhón chiếc tăm cho vào miệng xỉa răng rồi xoay chiếc đĩa rót nước uống, mắt nhìn theo bóng Dâu lặng lẽ múc nước bên giếng.
- Con bé thế mà chịu khó. Chị Nhân nói. Tôi không ngờ nó đan lát giỏi như đàn ông. Giá thằng Hiệp nhà này còn sống.
- Chuyện đã rồi, chị cứ "giá giá" mãi làm gì. Nguyễn Vạn gắt- Giá chẳng thằng nào đánh thằng nào, giá chẳng phải làm gì mà mọi thứ cứ đầy ra đấy.
Chị Nhân im thít ngồi nghe chú Vạn nói. Chị đâu đến nỗi không hiểu rõ được điều đó. Bao nhiêu năm nay chị cũng đã đi từng nhà vận động thanh niên lên đường nhập ngũ, an ủi các bà mẹ các chị có chồng con đi chiến đấu. Chị thừa hiểu trong chiến tranh phải có hy sinh mất mát nhưng chị lại không ngờ sự mất mát nó lại đổ dồn cả lên đầu chị. Chị thấy cuộc đời chị cứ mất dần, mất dần, những người thân. Lúc đầu là chồng rồi đến thằng Hà đứa con trai cả của chị. Khi thằng Hà hy sinh, thôi dù sao chị cũng vẫn còn thằng Hiệp. Bố nó và thằng Hà coi như đã gánh đi mọi rủi ro. Chị đinh ninh thằng Hiệp sẽ trở về với chị. Mọi hy vọng chị trông chờ vào đứa con trai duy nhất, ai ngờ thằng Hiệp cũng lại ra đi mãi mãi không bao giờ về nữa.
Chị thấy mình hẫng đi như người rơi tõm xuống một chiếc hố sâu thẳm. Đêm chị nằm mơ thấy cả ba bố con nó dẫn nhau về oán trách. Chị nhìn vào mắt chồng, mắt hai đứa con cứ cháy rực lên. Chồng chị nói: "Mình là kẻ giết người, là mụ đàn bà ác độc! Tôi đã đi rồi sao mình không để các con được sống yên ổn ở quê nhà?".
Thằng Hà nói "Bố và con đã đi rồi, sao mẹ không để cho em con được sống?".
Thằng Hiệp nói "Sao mẹ lại vui mừng khi con đã đi vào chỗ chết?". Chị khiếp sợ hét lên "Không! Tôi không phải là kẻ ác, tôi không muốn thế! Không phải tại tôi. Tất cả là do thằng Pháp thằng Mỹ. Tôi không phải là kẻ giết người. Tôi lạy mình hãy tha thứ cho tôi. Mẹ lạy các con hãy tha tội cho mẹ".
Những ngày sau đó chị đã tưởng mình không sống nổi. Nhưng rồi chị vẫn phải sống. Đã sống chị phải sống đúng như những ngày chị đã sống. Chị là vợ là mẹ liệt sĩ. Chị phải vượt lên trên cả những giấc mơ khủng khiếp để sống. Chị lại đặt mọi hy vọng vào người con gái duy nhất là Hạnh. Chồng nó về mang niềm vinh quang cho dân làng Đông, cho họ Nguyễn và cho chính con gái của chị - Con Hạnh! Ôi đứa con gái cuối cùng của chị.
Chị Nhân nhìn chú Vạn, bỗng dưng chị lại muốn bảy tỏ nỗi lòng mình cho chú Vạn hiểu:
- Tôi nghĩ mình bây giờ cũng giống như chiếc lá già trên cây rụng xuống ngày nào không hay. Mình sinh ra thời loạn nó cực khổ đã đành, giờ hoà bình rồi tôi mong cho chúng nó được sung sướng. Chiếc lá dù có rụng xuống cũng là vun cho gốc. Chị Nhân nhìn chú Vạn rồi cúi xuống khẽ thở dài. Chú Vạn ạ, không hiểu sao tôi cứ băn khoăn mãi, mình cô độc đã đành, nhìn con Dâu nó vò võ một mình nghĩ mà tội. Tính cách nó cũng thật lạ, lúc thì lầm lầm, lúc lại sôi lên sùng sục cứ như thể thằng Hiệp giữ nó. Đã mấy lần tôi gợi ý nó với anh Thành, nó gạt phăng. Chú Vạn này, hay là hai đứa chúng nó có chuyện gì mâu thuẫn ghét bỏ nhau mà mình không biết.
- Chúng nó vẫn thế đấy. Chẳng ghét bỏ gì nhau đâu. Chú Vạn ngập ngừng nhìn chị Nhân. Thì cũng như tôi với chị có ai ghét bỏ ai mà cũng...
Chị Nhân chợt lặng đi. Tiếng trống tùng tùng dội lên ngoài sân kho lẫn tiếng reo đùa nghịch của tụi trẻ làng Đông. Dưới ánh trăng, bóng Dâu đổ dài trên bờ giậu trước cửa rồi lướt nhẹ qua sân vào bếp. Trên thềm nhà, chú mèo mướp khoanh tròn ngủ dưới trăng.
***
Trăng sáng in rõ hai cái bóng đi sát bên nhau trên ngõ xóm. Cả ngày hôm nay Hạnh và Nghĩa đã đi hết lượt các gia đình trong họ để xin phép phá ngôi hậu cung từ đường họ để làm nhà mới. Nghĩa bóp mạnh bàn tay Hạnh giọng xúc động:
- Nghĩ mà tiếc cho ngôi từ đường họ bị cháy. Ngày ấy em có còn nhớ được gì không. Những chiếc cột lim to một ôm đẫy cứ đen bóng lên. Đôi câu đối nền đỏ, chữ vàng treo trên hai cột cái ở gian chính thất lộng lẫy và trang trọng. Lại còn cả bộ đòn tang bằng gỗ vàng tâm, sơn đen, hai đầu có bốn con rồng vàng và một cỗ kiệu trạm trổ hoa văn màu sắc rực rỡ, rồi cả bộ án thư và bộ cờ tang trắng, tua vàng, xung quanh viền đen - Tất cả những thứ ấy đều cháy rụi. Không biết bao giờ họ tộc mới làm lại được những thứ đó.
Vừa đi vừa nói chuyện, hai đứa đã rẽ vào ngõ nhà ông Xung, Hạnh thấy tim mình đập mạnh. Chẳng hiểu tại sao từ ngày về làm dâu họ Nguyễn, Hạnh chỉ ngại mỗi nhà ông Xung. Một gia đình mà Hạnh cho là phức tạp, mỗi người một tính một nết. Ông Xung thì nóng nảy ăn nói văn mạng. Chú Xeng lọc lõi. Cô Thao lại lạnh lùng kiêu ngạo. Từ ngày trả trầu chê Hân là lính đảo ngũ, cô Thao vẫn lặng lẽ sống trong chờ đợi ông trời xe duyên cho cô với người đàn ông nào đáng mặt. Nhưng khổ nỗi cái thời buổi đàn ông lại hiếm hoi quá, cô chả gặp được chàng trai nào vừa ý mình. Gia đình ông Xung chỉ có mỗi thím Xeng còn xởi lởi với Hạnh. Thím xởi lởi vì thím tin bố chồng Hạnh là người linh thiêng. "Ông và chú thím khoẻ mạnh, các em khôn lớn là nhờ có phúc đức tổ tiên". Thím Xeng thường nói thế mỗi khi đội lễ sang khấn vái trong hậu cung từ đường.
Lúc này thím Xeng đang lặng lẽ ngồi sàng gạo dưới trăng, tấm lưng cong cong, đầu hơi ngoẹo đi. Cô út Thao đang cậm cạch dệt chiếu, hai tay đưa thoăn thoắt như người múa. Chú Xeng và thằng con lớn đang cò cưa xẻ gỗ trước cửa chuồng lợn. Thằng con út đứng chênh vênh trên tấm ván. Hai bố con cứ nhún nhảy chấp chới bên ngọn đèn bão treo trên đầu cây gỗ lúc lắc theo nhịp cưa xẻ. Trong nhà hai đứa trẻ chúi đầu trước ngọn đèn dầu trên bàn học bài. Ông Xung ngồi xếp bằng trước cửa bện sợi tay đan võng. Mọi hoạt động chợt ngừng bặt, hai đứa trẻ đang học bài cũng nghếch đầu lên nhìn, khi vợ chồng Hạnh bước vào sân. Ông Xung vội ném sợi dây trên tay xuống, hai bố con chú Xeng lững thững bước tới ngồi bệt xuống nền sân gạch thở dốc. Cô Thao chạy xuống bếp lấy ấm nước ra mời khách.
- Như vậy là anh quyết mang quân về phá hậu cung từ đường họ? Ông Xung phủ đầu bằng câu gay gắt làm vợ chồng Hạnh gai cả người. Lần đầu anh về, thấy anh lên cấp ta tôi mừng. Tôi mừng cho cái họ nhà ta có người làm to. Bây giờ tôi mới hiểu ra anh cậy anh đi đánh giặc về, anh quay sang đánh cả vào tổ tiên?
Ngoài mặt trận trước bom đạn quân thù Nghĩa không sợ mà lúc này trước mặt ông Xung anh cứ ấp a ấp úng.
- Cháu muốn xin ý kiến cả họ cho cháu phá ngôi hậu cung đi, cháu sẽ xây lại to đẹp hơn.
- Tôi không cần to. Ông Xung gắt - Tổ chỉ cần cái do chính bàn tay các cụ tổ làm ra, anh phải hiểu rằng đấy là linh hồn của cả họ tộc, anh cứ mải mê trận mạc đếch hiểu gì hết. Anh cứ hỏi cô vợ anh thì biết. Gia đình tôi giờ được như thế này là nhờ vào tổ ấm - Ông Xung ngước mắt nhìn Nghĩa vẻ lo ngại - Nghĩa ơi tao thương mày tao mới nói, ông và chú Xeng mày đã bị các cụ tổ đày đoạ bây giờ lại đến lượt mày. Rồi tai hoạ sẽ lại xảy ra.
- Ông nói đúng đấy. Thím Xeng nói - Gia đình thím đã có tội bây giờ thì xin nguyện thề cho đến chết cũng không dám làm điều gì phạm tội.
- Mình nói thế là đủ rồi, tuỳ anh ấy suy nghĩ. Chú Xeng nói và phát bốp vào lưng thằng con lớn đang nằm quay lơ trên sân gạch, nó chợt vùng dậy mắt nhắm mắt mở theo bố lại chỗ cưa xẻ. Hai bố con chú Xeng lại ngúc ngoắc bên cây gỗ. Tiếng cưa xẻ lại xoèn xoẹt lẫn tiếng lách cách dệt chiếu của cô Thao vang lên. Vợ chồng Hạnh về men theo bờ ao. Tiếng cá đớp mồi lúc búc lẫn tiếng côn trùng kêu râm ran. Bóng trăng run rẩy loang loáng dưới lòng ao. Hạnh nép sát vào bên Nghĩa.
- Anh định giải quyết chuyện này ra sao. Hạnh lo lắng hỏi - Cả họ đồng ý, còn mỗi gia đình ông Xung. Biết đâu tai hoạ xảy ra với gia đình ông ấy thì mình biết ăn nói với hàng xóm ra sao.
- Việc anh phá hậu cung xây lại không liên quan gì đến gia đình ông Xung. Cứ cái đà làm ăn của gia đình ông Xung bây giờ rồi ông ấy sẽ giàu to. Chẳng có tai hoạ nào xảy ra với gia đình ông ấy đâu. Thật tội nghiệp, những gì do chính bàn tay mình làm ra lại cứ nghĩ đấy là trời phù hộ.
Nghĩa xiết chặt tay Hạnh, anh muốn gạt ý nghĩ về gia đình ông Xung. Tới khóm tre, khuất bóng trăng, Nghĩa dừng lại hôn lên môi Hạnh....
Cánh lính trẻ về giúp Nghĩa làm nhà đã ngủ ngon giấc, hai vợ chồng rón rén vào buồng.
Khi Hạnh đã nằm gọn trong vòng tay, Nghĩa mới thủ thỉ hỏi:
- Lần đi với anh lên đơn vị về, em vẫn không thấy gì sao?
Hạnh dũi đầu vào ngực Nghĩa âu yếm. Hạnh không muốn anh buồn về chuyện đó.
- Em hy vọng lần này chúng mình sẽ có con. Hạnh khẽ thì thào bên tai anh. Như vậy lại hoá hay. Xây nhà xong, có con, hý hý... anh có tin là chúng mình sẽ có con trai?
- Và nó sẽ giống anh - Nghĩa nói - Hoà bình rồi nó sẽ sung sướng. Nó sẽ là cậu trưởng nam con như anh ngày xưa, lớn lên nó sẽ là một thi sĩ.
- Anh nhiều tham vọng quá đấy.
- Em biết tham vọng của ông nội với bố thế nào không? Ông bắt bố học chữ nho, hy vọng bố sẽ làm quan văn. Nhưng rồi lý do bố trở thành người chuyên đi cất cá mòi thì em biết rồi đấy. Tham vọng của bố thì muốn anh trở thành vị tộc trưởng tài ba. Và bây giờ tham vọng của anh lại muốn con chúng mình trở thành thi sĩ.
- Anh là lính mà lãng mạn như nhà thơ.
- Chứ sao, nhiều lúc anh cũng muốn làm thơ lắm chứ. Nhưng trong chiến trường thì còn đầu óc nào mà nghĩ đến thơ phú. Có lúc hứng lên anh lại nghĩ thế giới muốn hoà bình, loài người phải trở thành thi sĩ hết. Đã là thi sĩ thì không ai nghĩ đến chiến tranh và con người cũng hiền đi. À Hạnh này...
- Gì vậy anh?
- Nghe nói phụ nữ ngoài ba mươi là khó đẻ? Mà đã đẻ vào tuổi ấy là đau lắm nhỉ?
- Em đã đẻ bao giờ mà biết đau hay không?
- Kinh nghiệm làm bớt đau, ta nên tập trung suy nghĩ về một chuyện gì đó. Hồi anh bị mổ vết thương, anh cứ nghĩ đến lúc chúng mình... ấy nhau, thế là quên hết mọi đau đớn.
Hạnh lại đấm khẽ vào ngực anh cười rinh rích.
- Còn em, Nghĩa lại nói. Khi nào đi đẻ cứ nghĩ đến đứa con chúng mình chẳng hạn. Em có thể tưởng tượng trẻ con mới đẻ ra nó giống như đứa trẻ lên ba.
- Thì cứ tưởng tượng đại ra thế, cốt để quên đau.
- Anh chỉ giỏi phịa, đã đau chết cha ai còn nghĩ đến chuyện ấy. Lính các anh ai cũng lém. Như cái anh gì lái xe cho anh cũng tếu táo phết. Anh ta còn khoe, cô vợ anh ta còn hay cắn. Cứ mỗi lần đi xa về anh ta lại bị vợ cắn nghiến ngấu.
- Vợ nó chết rồi. Nghĩa nói - Trước khi về nó còn sắm bao nhiêu quà cho vợ. Ai mà ngờ được vợ nó lại chết trong trận bom B52 cuối cùng ở Hà Nội.
- Vợ anh ấy ở quê mà anh?
- Nghe đâu mẹ chồng ốm nặng phải đưa đi cấp cứu trên Hà Nội. Cuối cùng thì người ốm lại sóng mà người khoẻ lại chết.
Hạnh nằm lặng đi, tưởng tượng ra cái cảnh anh lái xe về thấy vợ không còn nữa...
-Em ngủ rồi sao?
- Không hiểu sao mỗi lần được gần anh, em không tài nào ngủ được.
Hạnh choàng lấy Nghĩa, tay di di lên vết sẹo ở sườn anh. Vết sẹo cứ nhẵn thín. Mỗi lần Nghĩa ân ái với Hạnh xong là lăn ra ngủ, Hạnh cứ thức mãi và hay sờ lên vết sẹo ở sườn anh và nghe rõ từng tim anh đập.
- Chỗ vết sẹo ấy tượng trưng cho vạt cỏ gừng nó cũng đâm đúng vào chỗ ấy đấy.
- Vậy là vết sẹo này nó như một cái dấu đóng vào đấy để chúng mình mãi mãi nhớ tới cái đêm đầu tiên ấy.
- Đúng vậy, em thông minh lắm.
Nghĩa lần tìm cúc áo Hạnh.
- Ôí buồn, khẽ chứ- Hạnh thì thào - Anh em họ cười cho đấy. Rõ đẹp cái mặt thủ trưởng về hú hý với vợ suốt cả đêm không ngủ.
- Riêng chuyện này anh em nó còn khôn ranh hơn mình nhiều.
- Anh xem trong đám lính của anh có chàng nào lỡ làng làm mối cho cái Dâu.
- Biết đâu chúng nó có người yêu ở quê rồi thì sao. Tốt hơn em cứ bảo cái Dâu nó năng sang đây xem có lọt vào mắt xanh của chàng nào không.
- Lại còn chuyện cái Thắm ngóng chàng pháo thủ mãi mà chẳng thấy, anh chàng chẳng thấy về gì cả. Có khi muốn quay lại với tay thợ ảnh lại sợ, đùng một cái anh chàng pháo quay lại với tay thợ ảnh lại sợ, đùng một cái anh chàng pháo thù kia về thì sao, Thế là nó cứ phải sống lấp lửng không biết tính thế nào cho phải.
Có tiếng chuột rúc ngoài sân, Hạnh ôm ghì lấy Nghĩa.
- Đấy, anh nghe thấy không? Chuột rúc đấy.
Cơm sáng xong, Hạnh bê mâm bát đi rửa, mẹ sửa soạn đi chợ. Nghĩa và mấy người lính cầm dao phay, cuốc chim chuẩn bị bắt tay vào công việc phá hậu cung từ đường. Một anh lính đã nhanh nhẩu leo lên ngồi chồm hỗm trên nóc hậu cung từ đường. Vừa lúc đó thím Xeng đội mâm xôi, chuối, vàng, hương bước vào sân. Thím Xeng vẫn tỉnh bơ miệng cười rõ tươi.
- Em chào bác và vợ chồng anh Nghĩa. Chào mấy chú bộ đội "đánh Mỹ tài nghê" - Thím Xeng lại cười, nhìn bà Khiên - Chả là nhờ tổ ấm, nhà em mới cân được con lợn ngót tạ, ông em bảo sắp mâm cơm sang lễ tổ. Cũng là để ăn quả nhớ kẻ trồng cây.
Thím Xeng thản nhiên đội mâm cỗ bước vào cửa hậu cung, trước ánh mắt khiếp sợ của bà Khiên và trước cái nhìn sững sờ của mấy người lính. Từ bát hương chân đèn đến cỗ ngai, Nghĩa đã cho dọn sạch từ sáng sớm. Thím Xeng chợt thét lên một tiếng rợn người rồi tiếng mâm bát đổ loảng xoảng. Thím Xeng ngã phục xuống đất gào khóc:
- Ối tổ tiên ông bà ơi, ới làng nước ơi, vợ chồng thằng Nghĩa nó phá mất bàn thờ tổ phá hậu cung từ đường rồi.
Nghĩa chạy xộc vào thấy xôi chuối đổ lăn lóc.
- Không việc gì thím phải gào khóc thế. Thím chờ chừng một tháng nữa, tôi xây lại nơi thờ tổ mới, thím tha hồ mà cúng khấn.
Bà con xóm làng kéo sang đầy nhà. Chú Xeng và cô Thao cũng nhảy bổ vào trong hậu cung gào khóc. Lão Xung lộc cộc khua gậy bước vào đứng giữa sân. Lão trừng trừng nhìn mọi người rồi lại ngửa mặt nhìn trời.
- Có bà con làng xóm chứng giám, có ông trời cao chứng giám - Lão Xung khuơ khuơ chiếc gậy trỏ lên trời, giọng khản đặc - Vợ chồng thằng Nghĩa đã phản lại lời nguyền cụ tổ, nó cậy là sĩ quan quân đội đem quân về phá từ đường họ. Đấy rồi bà con xem, cụ tổ sẽ trừng trị nó. Nó rước kẻ thù về làm vợ. Nó làm điều ác, gia đình nó sẽ tuyệt tự. Con Hạnh sẽ chẳng bao giờ có con.
Lao Xung nói rồi lộc cộc chống gậy bỏ đi. Hạnh lao vào giường ôm mặt khóc.
@by txiuqw4