sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 14

Cuộc chiến tranh dằng dai giữa ông bà Thanh Tuyến rồi cũng đến hồi kết thúc. Bà Thanh Tuyến đại thắng, nhưng dành cho chồng một lối thoát gỡ thể diện. Bà cho phép ông viết thư cho Quỳnh Như, bảo rằng thầy me chưa quyết định được vì chưa hề biết chàng rể tương lai ra sao, mặt mũi tính tình thế nào. Không muốn cho con gái đặt nhiều hy vọng ở cuộc hội ngộ sinh tử ấy, bà buộc ông viết rõ những hậu quả không mấy vui của các cuộc hôn nhân dị chủng, cũng như dư luận bất lợi của người Việt đối với các phụ nữ lấy chồng Mỹ hiện nay. Hai ông bà bàn tán nhau rất lâu để tạm thỏa hiệp mấy câu cuối lá thư:

“Thầy me biết con sẽ buồn, nhưng gia đình mình đã trải qua nhiều rủi ro, thầy me không muốn con gái thân yêu của thầy me lại sắp gánh chịu thêm một bất trắc khác. Mà cuộc hôn nhân con dự tính, Quỳnh Như ơi, nhiều bất trắc lắm, con ạ! Con đã hiểu rõ Dale chưa, để sẵn sàng bỏ quê hương, bỏ thầy me qua sống ở một nước xa xôi con chưa hề đặt chân đến? Trước sau gì con cũng phải theo Dale về Mỹ. Con có thể may mắn được hạnh phúc gia đình, nhưng con có nghĩ đến nỗi bất hạnh của thầy me khi phải xa con hằng nửa quả địa cầu, nhớ con từng giây từng phút mà không có cách nào thăm con. Thầy me sẽ đau đớn đến đứt ruột, con biết không? Thầy me tin ở sự khôn ngoan, trưởng thành của con, không muốn ngăn cản con. Nhưng thầy me muốn con suy nghĩ thật chín chắn, và khi đã suy nghĩ chín chắn rồi, hãy đưa Dale về gặp thầy me. Các bậc cha mẹ sống quá nửa đời người, mọi sự không tha thiết sôi nổi như thời trẻ nữa, nhưng bù lại, có được cái kinh nghiệm, biết ngay ai là người có thể tin được, ai không!

Con nhận được thư, phúc đáp ngay cho thầy me yên tâm. À, con nhớ thay thầy me đến mừng đám cưới Diễm, không viện bất cứ cớ gì để vắng mặt. Thầy me chỉ nhắc nhở vậy thôi, chứ biết thế nào con cũng dự…”

Bà Thanh Tuyến thắng trận, liền bắt đầu định công luận tội phe mình. Bà nhận ra rằng phe ta chỉ có mỗi một mình bà. Quỳnh Trang đứng ngoài, tuyệt nhiên không có ý kiến. Còn Ngữ thì, theo nhận xét của bà, tuy làm ra vẻ hòa hợp, nhưng các lời phân giải có lợi cho phe địch nhiều hơn. Bà bắt đầu nhìn Ngữ với đôi mắt khác.

Bà ít nói chuyện với Ngữ hơn trước. Có nói, thì nói theo cách lịch sự kiểu cách như nói với một người khách. Mỗi lần Ngữ ngồi nói chuyện với Quỳnh Trang, bà đi vô đi ra, khi sai Quỳnh Trang làm việc này, khi chen vào hỏi Ngữ việc kia. Ngữ đủ mẫn cảm để nhận ra thái độ thay đổi của bà Thanh Tuyến. Chàng đi sớm hơn, về muộn hơn, và để khỏi làm phiền người nhà, Ngữ mượn chìa khóa cửa làm một chìa khóa phụ để có thể tự mở cửa lấy nếu về khuya.

Do đó, Ngữ dành thời giờ rảnh gặp gỡ, làm quen với khá nhiều người làm báo, viết văn, làm thơ ở Sài gòn, những người chàng từng đọc họ lâu nay nhưng chưa hề gặp mặt. Trừ một vài trường hợp cá biệt hiếm hoi, còn hầu hết những người chàng gặp ngoài đời đều quá khác với hình ảnh chàng phác họa tưởng tượng qua văn chương của họ. Một ông nhà thơ mà mỗi chữ là một viên đạn, mỗi câu là một trận xung phong, mỗi bài là một cuộc hành quân cấp sư đoàn, thơ nổ lốp bốp tiếng đạn M-16, nhịp thơ là những trận pháo kinh thiên động địa, thì ngoài đời, tác giả những vần thơ nổ ấy chỉ là một anh học trò mặt tái, tóc dài phủ ót, đi đứng yểu điệu, nói năng nhỏ nhẻ và không chịu được mùi thuốc lá đen của Ngữ. Anh dị ứng với mùi thuốc lá, nhưng thơ anh không dị ứng với mùi thuốc súng.

Ở quán La Pagode, có lần Ngữ được hân hạnh gặp một nhà văn nổi tiếng và rất ăn khách về những truyện ngắn thơ mộng ướt át, chàng nàng yêu nhau quên ăn từ câu đầu đến câu cuối. Make love not war. Các nhà phê bình có thể gán chủ đề này cho các truyện của ông, từ đó khen chê vung vít mà không mấy sai.

Ngữ chờ gặp một công tử bảnh bao, ăn mặc chải chuốt, đi đứng phong nhã cỡ Don Juan hay Casanova. Không từng trải trên trường tình – Ngữ nghĩ – không ai có thể viết về mọi phức tạp của tình yêu tới trình độ điêu luyện nhà nghề như vậy. Chàng lại bé cái lầm! Người bạn chung giới thiệu hai bên biết nhau. Ủa! cái ông chủ trương “make love, not war” đây ư? Đại úy biệt kích, mặt đen bóng vì nắng cháy, ngồi đấu láo ở La Pagode giữa những chuyến hành quân hiểm nguy, bao cà phê hay nhậu nhẹt với bạn bè bằng tiền tử ứng trước.

Cứ như thế, Ngữ đi hết ngạc nhiên này đến kinh ngạc khác. Kẻ “chuyên trị” số phận hẩm hiu của những dân quê vùng xôi đậu là khách sộp của Maxim’s, Queen Bee, Tour d’Ivoire. Người được các ông chủ báo thương mại chiều chuộng còn hơn chiều chuộng người tình bé nhỏ nhờ cái feuilleton viết về đời sống ăn chơi của giới trẻ thủ đô lại là một anh lính đóng ở một điểm chốt phải tiếp tế lương thực và đạn dược bằng trực thăng. Ông nhà thơ làm mơ màng đôi mắt các thiếu nữ mới lớn bằng một tà áo phất phơ trong nắng, ngoài đời là một nhà kinh doanh bụng phệ.

Ngữ từng nghe nói nhà văn Vũ Trọng Phụng chết vì bệnh ho lao, và lúc biết không còn sống được bao lâu nữa, ông than với bạn bè rằng nếu mỗi ngày ông ăn được một miếng thịt nhỏ bằng đầu ngón tay, sức khỏe của ông đã không đến nỗi. Văn ông viết ra in từng cuốn dày cộm, và nhân vật của ông đều là các bậc thượng lưu trưởng giả gặp thời mặc đồ Tây, chơi quần vợt, vứt tiền vạn qua cửa sổ không hề nhíu mày.

Giai thoại làng thơ cũng kể chuyện một thi sĩ tiền chiến vẫn được đời ca tụng là vua của thơ tình (ngôi vị xứng đáng đó, nhờ các tập thơ ông làm thời trẻ, đến nay vẫn chưa ai đoạt khỏi tay ông), nhưng ông vua tình yêu ấy lại có một nỗi khổ tâm riêng. Ông “đề máy” không nổ. Chạy chữa thuốc thang đủ cách, có lần qua tận thủ đô Liên xô châm dầu thay nhớt, thay vít lửa, máy nổ lại. Về quê hương máy lại tắt tị, làm khổ lây những phụ nữ đồng hương lỡ mê thơ tình của ông, dại dột tưởng thơ tức là người!

Các cuộc gặp gỡ ấy giúp Ngữ nhìn sinh hoạt văn chương một cách thực tiễn hơn, “đời” hơn, “người” hơn, lôi Ngữ về cái gì vốn vậy, không màu mè hoa bướm. Những gì Ngữ viết từ đó về sau, rõ ràng có thay đổi lớn. Chàng bớt xác quyết, và bắt đầu có giọng châm biếm!

° ° °

Ngữ lần lữa mãi, cuối cùng mới đến thăm tòa soạn Bách Khoa. Không phải chàng không thích tạp chí này. Ở tỉnh lẻ, nhờ tờ Bách Khoa Ngữ cập nhật hóa được một số kiến thức, và theo dõi được những nét chính của sinh hoạt văn nghệ tại Sài gòn. Theo Ngữ, Bách Khoa là tấm gương phản chiếu được các biến chuyển chính của sinh hoạt xã hội miền Nam ở mọi ngành, ở “bách khoa”, mà khoa nào tờ báo cũng mời được những “người có thẩm quyền nhất” giảng giải phân tích cặn kẽ cho bạn đọc. Không như tờ Văn chỉ chú trọng văn chương, Bách Khoa đề cập đến mọi đề tài, từ các cải tiến mới nhất trong nghề cho thuê heo nọc cho đến tương lai thế giới năm 2000, từ văn hóa tổ tiên dân tộc Việt thời Bàn cổ cho tới triết thuyết cơ cấu của Lévi-Strauss. Mua tờ Bách Khoa về, lúc nào Ngữ cũng đọc các khoa khác trước, dành khoa văn học để đọc nhẩn nha sau cùng. Phần đó không nhiều, chỉ chiếm độ một phần tư tổng số trang in ấn thiếu trang nhã và trình bày cổ lổ sĩ. Thế mà lạ thay, trên phần đất khiêm nhường ấy lần lượt xuất hiện những cây bút quan trọng của một thời. Một tác giả mới đăng một truyện ngắn hay trên Bách Khoa, được anh em trong giới lưu ý bàn tán, thế là liên tiếp trên nhiều số sau, tác giả đó xuất hiện đều đặn, nào truyện ngắn, nào truyện dài. Có lẽ đó là chủ trương của Bách Khoa, khác với cách giới thiệu dè dặt của tờ Văn.

Theo Ngữ, Bách Khoa là một tạp chí hơi cổ điển, già nua. Chàng nghĩ đó là nơi qui tụ những người đứng tuổi, từng trải ở đời, uyên bác, điềm tĩnh, và chính vì từng trải uyên bác nên thiếu chất men say của tuổi trẻ. Giọng rất ôn hòa, lời phân giải cặn kẽ, cung bậc đời sống như trầm hơn mức thường, vui chỉ cười nụ, buồn chỉ nhíu mày, rồi thôi! Ngữ có đọc một bài do một nhà thơ quen biết với nhóm Bách Khoa viết, bảo rằng đừng vội tưởng Bách Khoa là đàm trường của những ông già nghiêm túc. Không đâu. Bách Khoa coi dzậy mà không phải dzậy! Mấy “cụ” ấy gớm lắm! Mục nào cũng “tới”, dám qua mặt cả những tay sõi, nhưng mấy “cụ” ấy kín, tẩm ngẩm tầm ngầm làm như chỉ chăm lo đạo lý thánh hiền và tương lai nhân loại thế kỷ thứ hai mươi mốt.

Ngữ không biết tin ai, nên với Bách Khoa, chàng “kính” nhưng vẫn “viễn chi”. Ngồi nói chuyện với ai mà phải ngồi thẳng, xếp hai bàn tay lên đầu gối, một điều thưa hai điều dạ, ôi chán! Bù khú với mấy bạn văn ưa nhậu thịt chó, ưa xì tố, ưa tán gái, dễ hơn! Giống như bước vào một phòng khách bề bộn, dù sao vẫn đỡ lóm thóm hơn bước vào một phòng khách sạch từ góc tường đến trần nhà, thảm nhung mới tinh và cái ghế sofa có lớp nhựa bọc bên ngoài, khách thiếu thoải mái, áy náy chỉ sợ làm bẩn những gì mình chạm phải.

Lãng dùng Honda chở anh đến tòa soạn ở đường Phan Đình Phùng với nét mặt không vui, và lấy kinh nghiệm lần trước, nhất định không vào tòa soạn, hẹn Ngữ nửa giờ nữa sẽ trở lại. Cũng do kinh nghiệm lần trước, Lãng cẩn thận dặn:

- Anh xong sớm thì đứng chờ em ở sân quần vợt bên kia đường. Em sẽ rán đến sớm. Chắc khoảng 20 phút nữa, em trở lại đây.

Ngữ gật đầu dặn:

- Ừ, chắc không lâu đâu. Mười lăm phút nữa trở lại đi tìm cái gì ăn!

Tòa soạn là một ngôi nhà kiểu cũ có lẽ cất từ thời Pháp thuộc, kiểu nhà gia cư dành cho các công chức bậc trung ở tỉnh lỵ hay đô thị nhỏ. “Tân thời” nhất có lẽ là tấm cửa kéo bằng sắt mở hé chỉ đủ lọt cho một người vào. Ngọn nê-ông trong phòng bật sáng, nhưng so với ánh nắng chói chang bên ngoài và cảnh hoạt động rộn rã của sân thể thao bên kia, tòa soạn giống như một ông công chức hồi hưu quấn khăn phu-la ngồi phơi nắng lơ đãng nhìn các con các cháu nô đùa.

Sách báo chất từng đống bề bộn dọc theo bức tường bên trái; sát bức tường trước mặt Ngữ, gần lối vào phòng sau, là bàn làm việc của chủ bút. Giấy tờ bài vở xếp chồng bề bộn, nhưng ngay dưới ánh đèn nê-ông để bàn bốn tấc, giữa khoảng trống bao vây bởi sách báo, nằm ngay ngắn một cái kéo, một cây viết Bic xanh, một cây viết Bic đỏ, cái kính lúp và một cái bao kính đeo mắt. Bộ xa lông loại thông dụng đan bằng dây nhựa theo hình vỏ sò đặt sát bức tường phía tay phải. Trên tường, một khung kính lộng bức ảnh con chim hạc đang vỗ cánh bay, hậu cảnh là một đám mây mỏng. Một khung kính khác trang trọng giữ gìn thủ bút một bài thơ của thi sĩ Đông Hồ.

Trong phòng không có ai tuy ngọn đèn nê-ông để bàn bật sáng. Ngữ cảm thấy tâm hồn êm ả, như vừa bước vào một căn nhà xưa đầy ắp kỷ niệm ấu thời. Từ cách đặt bàn ghế, đồ đạc, có cái gì quen thuộc từ lâu âm thầm lắng sâu trong trí nhớ Ngữ, cái gì đã bị thời gian đào thải nhưng không hề mất đi, triền miên vương vấn, kiên nhẫn chờ đợi, để đến một lúc thuận tiện nào đó, nó trở về, lặng lẽ nhưng tự tin. Cảm giác phức tạp ấy về sau Ngữ tìm cách giải thích trong một đoạn truyện dài. Ngữ cho đó là không khí gia đình. Rồi lại cho đó là cái mẫu sống kín-đáo-đầm-ấm quen thuộc của rất nhiều gia đình (trong đó có gia đình Ngữ) trước khi chiến tranh trở nên tàn khốc làm đảo lộn hết mọi trật tự cũ. Bây giờ Ngữ mới biết chàng tưởng tượng khung cảnh một tòa soạn tạp chí văn chương ở Sài gòn theo khuôn mẫu gia đình ấy, theo cái không khí đầm ấm đã tan đi, đã mất dấu từ lâu.

Một người đàn ông trung niên đầu tóc cắt gọn ghẽ còn ướt nước, da trắng trẻo, khuôn mặt và thân người mập mạp, mặc áo sơ mi trắng cụt tay bỏ ra ngoài quần, từ phòng sau đi lên. Ngữ có cảm tưởng được gặp một ông công chức bậc trung, sống điều độ phải chăng theo đồng lương, trung thành tuyệt đối với vợ, tận tình chăm sóc con, và cần mẫn vừa phải với Nhà nước.

Ngữ tự giới thiệu. Người đàn ông, như Ngữ đoán, là chủ bút của Bách Khoa, không có “‘ồ”, “ủa” ra vẻ kinh ngạc ồn ào, nhưng ánh mắt ông sáng lên ánh vui. Bàn tay ông đầy đặn, hơi ướt vì hình như ông vừa đi tắm. Cái bắt tay vừa đủ chặt trong lúc ông tự giới thiệu. Lúc đưa Ngữ tới ngồi ở cái ghế nhựa hình sò, ông cười giải thích thêm về chức vụ của mình:

- Đúng ra Bách Khoa không có chủ bút. Các bạn khác bận việc mưu sinh, chỉ có thì giờ viết bài hoặc đọc giùm bài viết về ngành mình am tường. Tôi không làm việc gì, nên có thì giờ liên lạc với bạn bè về bài vở, in ấn, phát hành. Bảo tôi là chủ bút cũng được, bảo tôi là thư ký tòa soạn cũng xong, bảo tôi là quản lý trị sự cũng tốt. Anh tính, một tờ báo ra mỗi tháng hai kỳ mà chỉ có tôi với bác Nhân lo.

Ông nhìn quanh tòa soạn, rồi nói:

- Vì vậy mới để tòa soạn bừa bãi thế kia. Ấy, bừa bãi như vậy nhưng tôi nhớ hết, tìm cái gì chỉ khai quật cái mồ giấy cũ ấy là ra ngay. Một bận nhà tôi nổi hứng xếp dọn, tôi phát khóc vì tài liệu cũ nằm lộn xộn hết. Chẳng hạn, các bản thảo của anh từ trước tới nay, kể cả những cái đã đăng hay chưa đăng được, tôi đều bỏ trong cái bìa đặt ở chỗ kia…

Ông chỉ tay về phía một chồng giấy tờ lộn xộn, khổ giấy so le, đặt cạnh cái bình tích nước trà.

Ông quay sang góp ý về những truyện ngắn Ngữ gửi cho ông. Ngữ chuẩn bị chờ nghe những lời thuyết pháp. Những trách nhiệm. Những bổn phận. Không. Ông chỉ nêu một số nhận xét về bút pháp. Ông lấy xấp bì đựng bản thảo của Ngữ, lật ra, tặng cho Ngữ các bản photocopy thư độc giả hay các bạn văn viết về tòa soạn, nhận xét về truyện của Ngữ. Ông nói:

- Anh có nhận được thư tôi viết hôm đầu tháng Tám không? Tôi có hứa sẽ gửi các bản sao này cho anh, nhưng chờ mãi không thấy anh trả lời, biết ngay là có thay đổi gì đó. Đời lính mà! Vì vậy tôi giữ lại đây, sợ gửi bị mất, phí đi!

Ngữ đọc qua các đoạn thư, xúc động mạnh vì lần đầu đọc được những lời phê bình chân tình, thẳng thắn và khách quan. Những người này không viết cho Ngữ đọc, nên không đầu môi chót lưỡi. Chàng thấy họ nhận xét rất đúng về chàng.

Lãng chờ ở bên kia đường mãi, không thấy anh, qua tòa soạn tìm Ngữ. Nghe tiếng đập cửa, rồi thấy một anh lính mặc đồ rằn ri tự tiện vào, mặt mày khó khăn, ông e ngại hỏi:

- Anh tìm ai?

Ngữ thấy Lãng, vội nói:

- Giới thiệu với anh, Lãng em ruột tôi. Vào đây chờ anh một chút.

Ông chủ bút bắt chuyện với Lãng trong khi Ngữ đọc tiếp các lá thư. Ông gợi chuyện thế nào mà Lãng hứng chí kể hết những trận đẫm máu đã dự, từ trận Mậu Thân ở Huế cho tới vụ giải tỏa khu Trường Đua trong trận tấn công vừa qua của Việt cộng tại Sài gòn.

Ông chủ bút vui mừng nói với Ngữ:

- Anh có một kho tài liệu để viết, sao lâu nay không khai thác. Chuyện Lãng vừa kể tôi nghe có thể viết được một cuốn truyện vừa chừng gần 100 trang, in trên Bách Khoa được bốn hoặc năm kỳ. Anh viết, tôi đăng cho.

Lãng nghe nói thế, kể càng hứng thú. Bên ngoài, trời bỗng nổi mưa. Nhưng cả chủ lẫn khách mãi nói chuyện không ai để ý. Lúc Ngữ nhìn đồng hồ, đã ba giờ chiều. Chàng xin phép về.

Ông chủ bút đưa hai anh em ra tận chỗ để xe. Đang bắt tay từ biệt Ngữ, đột nhiên ông rút vội tay về, quay lưng chạy vào tòa soạn. Ngữ đoán ông quên thứ gì chưa đưa cho Ngữ. Hai ba phút sau, ông trở ra, trên tay cầm một cái khăn. Ông lau giùm cái yên Honda còn đọng nước mưa cho anh em Ngữ.

Cả Ngữ và Lãng đều bị bất ngờ, đến nỗi xe chạy rồi, cả hai đều im lặng. Một lúc Lãng nói:

- Tay này chịu chơi thiệt!

Còn Ngữ thì nghĩ:

- Bây giờ mình mới hiểu tại sao Bách Khoa qui tụ được nhiều cây bút từ nhiều khuynh hướng: Cái không khí gia đình!

° ° °

Ngữ trở lại thăm tòa soạn Bách Khoa nhiều lần, nhờ thế gặp hầu hết những cây bút chính của tờ báo. Phần lớn những người này đều đứng tuổi, giữ địa vị cao trong các ngành. Người nào cũng ăn mặc chững chạc, nói năng nhỏ nhẻ, dù là quan điểm của họ nhiều lúc đối nghịch nhau. Ngữ nhỏ tuổi, mới viết, nên ngồi nghe nhiều hơn nói. Những người Ngữ từng đọc bài họ viết, nhất là giới khảo cứu chuyên biệt, hình dáng ngoài đời ít khác với sách vở họ làm, không như giới sáng tác. Họ không gây cho Ngữ những bất ngờ. Nhiều hôm Ngữ ngồi mỉm cười ngắm họ hăng hái bênh vực cho quan điểm của mình, cảm thấy thân quen vì chỉ những lúc đó, họ bỏ được cái áo ngoài họ mặc theo qui ước xã hội. Họ biến thành nghệ sĩ dù họ làm những nghề, viết những điều có vẻ như rất xa với tâm hồn nghệ sĩ. Ngữ yêu cả những cực đoan của họ. Ông bác sĩ thú y viết về heo nọc cho rằng các khám phá mới của ngành kinh doanh lạ lùng này có thể manh nha một cuộc cách mạng toàn diện. Khi cái nghề cho thuê giống hiện nay ở nông thôn đã được tân-tiến-hóa, người ta sẽ không phải dẫn heo nọc đi đầu làng cuối xóm nữa. Nhu cầu nhiều, tinh heo nọc sẽ phải được lấy ra và lưu giữ hợp lý hơn. Tinh khí được cho đông lạnh thành viên, kỹ thuật đó, các nước Âu Mỹ đã áp dụng từ lâu. Từ gieo giống heo, tất nhiên phải đến thời kỳ người ta gieo giống người. Tại sao không? Giá tinh khí đàn ông sẽ tùy thuộc vào trí thông minh, sức khỏe của người bán giống. Do cạnh tranh thị trường, giống xấu sẽ bị đào thải, các bệnh tật hay ác tính do di truyền của nhân loại sẽ giảm. Về mặt văn minh, vai trò người cha không quan trọng như trước. Tình yêu và hôn nhân không liên hệ mật thiết nữa, tình yêu trở thành một quyền lợi hưởng thụ trọn vẹn mà không bị ràng buộc bởi nghĩa vụ rắc rối nào. Rồi quan niệm về tôn giáo cũng phải đổi thay. Tóm lại, ông cho ngành thú y của ông là khoa học sẽ làm đảo lộn cả thế giới, đặt lại căn bản cho một nền văn minh.

Học giả chuyên nghiên cứu về Nho học thì lại cho rằng thế giới loạn từ lúc nhân loại bắt đầu để cho hạt bụi đầu tiên bám vào bộ Tứ thư. Nếu nhân loại hiểu được lấy hai chữ của Đấng Vạn Thế Sư Biểu như ông bỏ cả đời tìm hiểu, thì thời thanh bình thịnh trị Nghiêu Thuấn đã đến từ lâu rồi, không đến nỗi bi thảm như ngày nay. Ông cho rằng hai chữ đó là TRI CHỈ, biết dừng lại ở chỗ phải dừng. Hai chữ đó tuy đơn giản, nhưng ảo diệu vô cùng. Nôm na có thể ví như người lái xe không biết dùng cái thắng, chỗ đáng nhả thắng ra để đạp ga thì lại nhấn thắng, chỗ đáng lẽ phải thắng lại thì lại nhấn ga. Định được chỗ nên dừng lại là biết rõ ranh giới của âm dương, phải trái, thiện ác. Nó đòi hỏi trí sáng suốt, óc biện biệt và kinh nghiệm. Có biết tri chỉ ở nơi chí thiện, như lời Đức Khổng phu tử dạy, người ta mới hữu định, có hữu định mới tĩnh, có tĩnh mới an, có an mới lự, có lự mới đắc (Tri chỉ nhi hậu hữu định, định nhi hậu năng tĩnh, tĩnh nhi hậu năng an, an nhi hậu năng lự, lự nhi hậu năng đắc – Sách Đại học).

Ông giáo sư triết học ở Đại học Văn khoa thì lại cho rằng thuyết cơ cấu, hoặc có người còn dịch là thuyết cấu trúc, mới là chất xúc tác cho một cuộc cách mạng toàn diện trên địa cầu, giống như phát minh về máy hơi nước tạo thành chế độ tư bản Âu châu. Ông quên mất rằng chỉ vài năm trước đây, ông đã từng cho rằng triết lý hiện sinh cũng làm một nhiệm vụ tương tự. Học giả nho học tồn cổ tối đa, ông thì tân thời tối đa. Một ông khoe cuốn Trung dung mới xuất bản ở Hồng kông căn cứ theo cổ bản già nhất, trung thực nhất, còn một ông khoe cuốn sách triết mới được người bạn học ở Paris gửi biếu, ngày xuất bản chỉ cách ngày ông ngồi ở tòa soạn Bách Khoa có một mùa hè. Cẩn thận hơn, ông mở ngoặc đơn là ở Paris, mùa hè không ai làm việc cả, thiên hạ đóng cửa tiệm, khóa cửa nhà, đổ về các bãi biến tắm nắng, ngắm ngực ngắm mông. Các triết gia lỗi lạc của Pháp cũng không thể sống ngoại lệ. Sách cũ chỉ một mùa hè, có nghĩa là mới cắt chỉ, mới toanh.

Nhờ tới thăm tòa soạn Bách Khoa, Ngữ ngẫu nhiên được gặp một ông tá chỉ huy ngành Tâm lý chiến. Ông này có đọc truyện của Ngữ không, chàng không rõ. Hình như không, vì ông chỉ bàn lơ mơ vành ngoài về những gì Ngữ viết. Nhưng thiện cảm ông dành cho những người cầm bút như ông thì rõ ràng lắm. Ông buộc Ngữ không được gọi ông là Đại tá. Gọi bằng anh đi. Anh em văn nghệ cả mà. Ông chủ bút Bách Khoa nhân cơ hội nhắc đến cái chết của Y Uyên, một nhà văn trẻ quân nhân. Ông tiếc công vận động để đưa anh này về chỗ an toàn mà kết quả không kịp thời. Rồi ông chủ bút hỏi nhà thơ đại tá liệu có thể giúp Ngữ hay không. Nhà thơ đại tá hơi do dự, nhưng sau đó hứa sẽ điện thoại hỏi bên báo Tiền Tuyến. Ông chủ bút trỏ cái điện thoại trên bàn, bảo:

- Toa gọi ngay đi. Chắc giờ này Phúc nó chưa ra khỏi tòa báo đâu!

Ngữ được điều về làm việc ở báo Tiền Tuyến do cú điện thoại ấy!


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx