sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 24

Bước đầu hành nghề phóng viên của Dale khá êm ái, êm ái đến độ nhàm chán. Các đồng nghiệp đã từng trải lâu năm trong nghề giao cho chàng một công việc đơn giản, là hàng ngày liên lạc hoặc dự họp báo của phát ngôn viên Quân lực Việt nam Cộng hòa để biết tình hình chiến sự trong ngày hôm trước. Những tài liệu thống kê Dale xin được, hoặc những tin tức Dale ghi chép trong các cuộc họp báo ở Bộ Tổng Tham mưu không được văn phòng UPI xem là tin. Họ chỉ xem là tài liệu tham khảo. Dale hơi nản, một phần vì việc nhàm chán, một phần vì đấy là dấu hiệu chứng tỏ UPI chưa thật tin ở khả năng của Dale.

Suốt một tháng, tin chiến sự hấp dẫn nhất đối với Dale là diễn tiến cuộc đấu khẩu, đấu lý giữa ông Thanh Tuyến và Sở Nhân viên Bộ Giáo dục. Cuộc chiến bất phân thắng bại, vì Bộ Giáo dục đổ thừa cho Cảnh sát Quốc gia. Ông Thanh Tuyến định khiếu nại ở bên Tổng nha Cảnh sát, nhưng bà Thanh Tuyến ngăn lại. Bà đủ tinh nhạy để biết dừng lại ở chỗ đáng dừng, kẻ bại trận còn lại là Quỳnh Như. Và người đứng ngoài nhưng lãnh hậu quả của chiến sự là Dale. Những cuộc hẹn hò lén lút vốn đã không vui, mỗi lần gặp, Quỳnh Như lại trút hết bực tức, chán nản lên đầu Dale. Chưa hết. Từ Berkcley, bà Lucy viết thư đều đặn cho con, và thay vì nhắc điệp khúc “Cindy đã…”, bà cụ lập một điệp khúc mới: “Cindy lại…”. Thôi thì đủ hết nết xấu tật hư bủn xỉn ích kỷ của cô em gái đều bị bà chị liệt kê đầy đủ từng mục, mỗi mục bắt đầu bằng hai chữ “Cindy lại…”. “Cindy lại đòi mom phải trả mấy đô la điện thoại mom gọi cho mấy bà bạn trên San Francisco. Cindy lại trách mom sao không gọi thợ sửa ống nước cho căn phòng thằng Smith. Cindy lại cằn nhằn tại sao mấy tháng con ở chung với mom mà mom chỉ trả có một nửa tiền thuê phòng”… vân vân… và vân vân…

Nói chung, dù Dale có làm đúng vai trò một phóng viên chiến tranh lành nghề, thì tin tức chiến trường ở Việt nam giai đoạn đó cũng đơn giản. Sau Mậu Thân, sức tấn công và phá hoại của cộng quân sa sút thấy rõ. Chỉ có các cuộc tấn công nhỏ, phe Sài gòn và đồng minh quay ngược đóng vai chủ động chiến trường. Nhiều đơn vị chủ lực của cộng sản phải rút về bên kia biên giới Kampuchia để chấn chỉnh và chờ bổ sung lực lượng. Tin tình báo cho biết khắp mọi mật khu đều có mở các cuộc học tập, để kích động tính thần cán bộ và bộ đội, du kích đang đà sa sút. Tin chiến thắng thì vẫn là tin, nhưng đối với thị hiếu dân Mỹ và dân Âu châu lúc ấy, nơi phản chiến trở thành nhãn hiệu của tiến bộ và hợp thời trang, thì tin quân đội Việt nam Cộng hoà và quân đồng minh thắng không có tính hấp dẫn. Khách hàng của báo chí, đài truyền thanh, truyền hình không ưa nghe hoặc đọc tin về một nhà từ thiện cởi áo khoác đắp lên thân một bà lão vô gia cư. Tin đó giới ký giả chuyên nghiệp xếp vào loại tin xe cán chó. Ngược lại, bà lão vô gia cư dơ dáy bệnh tật ấy mà bị một thằng vô lại cưỡng hiếp, thì báo chí truyền thanh truyền hình đua nhau loan. Tin xe cán chó trở thành tin chó cán xe, nó lạ, nó kích thích tánh hiếu kỳ, nó giúp cho các bà nội trợ ngồi lê đôi mách xì xào cười rúc rích với nhau qua hàng rào, giúp cho các chị mệnh phụ ngồi vêu sơn móng tay có thú giải trí.

Theo tiêu chuẩn lọc tin ấy, suốt hai tháng 9 và 10, UPI trung ương vứt hết tin từ Việt nam gửi về và khai thác triệt để các tin quốc nội Mỹ. Dale so sánh bản telex nhận được hàng ngày từ Mỹ gửi qua và bản tin từ Việt nam đánh về Mỹ, thấy ngay chủ trương của trung ương.

Tháng Chín “nổ” với cái chết của chủ tịch Hồ Chí Minh và vụ tàn sát ở Mỹ Lai. Tháng Mười “nổ” với những đêm cầu nguyện cho hòa bình, những hội thảo, những tuần hành phản đối chiến tranh Việt nam trên khắp nước Mỹ và vụ xử tám người bị cáo buộc phá rối trị an tại Đại hội Đảng Dân chủ tại Chicago hồi tháng Tám năm trước. Rõ ràng những đầu óc tinh nhạy về thị trường và thị hiếu quần chúng điều khiển thông tấn xã UPI dồn hết cố gắng khai thác tin tức ở hai điểm nóng gây được tò mò của nhiều người: là phong trào phản chiến ngay trên đất Mỹ, và những gì xảy ra tại Bắc Việt sau cái chết của chủ tịch Hồ Chí Minh. Không phải chỉ một mình Dale bị xem thường, mà cả văn phòng UPI tại Việt nam bị cho nghỉ xả hơi, được relax.

Dale chỉ thực sự gặp thử thách xứng đáng khi UPI trung ương ra lệnh cho văn phòng Sài gòn thực hiện một cuộc điều tra phỏng vấn những người còn sống sót sau vụ tàn sát ở Mỹ lai. Văn phòng trung ương cử Bob Newsman và Dale điều tra tại chỗ đó.

Dale rất yên tâm, tự tín. Bob là bạn thân của chàng, lại có kinh nghiệm nhiều về chiến sự cũng như tình hình chính trị phức tạp của Miền Trung. Chưa hề đặt chân tới Mỹ lai, nhưng Bob biết rõ lực lượng chính qui Bắc Việt và du kích địa phương hoạt động quanh đấy bao nhiêu người, bí số là gì, tình trạng tranh chấp quyền hành giữa các đảng phái quốc gia ra sao, tư lệnh sư đoàn, tỉnh trưởng, quận trưởng có tính tốt tật xấu nào. Đi với một thổ công lão luyện bậc ấy, lại là bạn học từ xưa, Dale không yên tâm sao được. Về phương diện nghề nghiệp, Bob xứng đáng là “sư huynh” của Dale. Nội chuyện trong vòng có một năm Bob từ vai một phóng viên thường của tờ báo địa phương Houston Post leo lên vai trò phóng viên cột trụ của UPI, bài viết được hãng thông tấn bán cho hàng trăm tờ báo lớn khắp thế giới, đã là tấm huy chương cao quí và rực rỡ của dân làm báo làm tin. Chính Bob cũng nói với ông bạn tân binh:

- Mày mới ra quân đã gặp may, không như tao thuở đầu phải tự mình xoay xở lấy. Kỳ này hai đứa mình làm chung, nhưng tao để cho mày lãnh phần biên tập, tao chỉ nhận chụp ảnh. Mày được cú đầu ngoạn mục, về sau nói gì họ cũng chịu nghe.

Hai anh em bạn từ Sài gòn ra Quảng ngãi bằng phương tiện không quân Mỹ. Bob thấy Dale mệt nhoài, lại đói, hỏi Dale có muốn ăn một bữa thịnh soạn hay không. Dale hỏi ở tỉnh lỵ bé nhỏ này có tiệm ăn Tàu nào nổi tiếng. Bob cười, chê Dale nhà quê. Bob điện thoại cho Cố vấn trưởng, và lấy ngay được cái hẹn phỏng vấn viên Đại tá Tỉnh trưởng vào nửa giờ sau đó. Dale ngơ ngác hỏi bạn mục phỏng vấn này đâu có được dự liệu trong chương trình làm việc đã nộp cho Văn phòng trưởng. Bob càng cười to hơn, bảo Dale cứ im lặng mà làm những điều Bob dặn.

Viên Tỉnh trưởng ăn mặc tề chỉnh, bên cạnh có Cố vấn trưởng da đỏ như vừa nốc nguyên một chai Whisky. Trước mặt họ, một sĩ quan cấp úy đứng cạnh những biểu đồ, cầm cái que gỗ sơn đen chờ phụ họa cho bài thuyết trình của viên Tỉnh trưởng. Bob nói ngay là hãng UPI chỉ dành nữa giờ cho cuộc phỏng vấn này, nên xin chỉ nghe năm phút báo cáo tổng quát về tình hình bình định an ninh, còn hai mươi lăm phút còn lại dành trực tiếp phỏng vấn cá nhân ông Tỉnh trưởng. Viên đại tá cười rạng rỡ, ngoan ngoãn ngồi thẳng ngồi nghiêng hoặc giả bộ đang cầm que chỉ lên biểu đồ thuyết trình cho Bob chụp ảnh. Sau đó là một cuộc phỏng vấn “tâm tình thân mật” - intimate – như lời giải thích của Bob. Dale chăm chú ghi chép. Với tài đạo diễn lành nghề của Bob, mọi việc xong xuôi trong vòng hai mươi hai phút. Sau đó viên tỉnh trưởng hân hạnh mời hai phóng viên UPI đi nếm thử “bữa cơm thanh đạm” của một tỉnh nghèo. Dale chưa từng ăn được những món ngon và lạ như vậy. Ăn xong, họ được mời về tư dinh tỉnh trưởng nghỉ một giờ, trong khi chờ xe của Tòa Hành chánh đưa về quận.

Khi chỉ còn hai người với nhau, Dale đưa tập giấy ghi chép cho Bob, cười gưọng và xin 1ỗi:

- Ông ấy nói tiếng Anh khó nghe quá, tao chỉ ghi được bấy nhiêu.

Bob cầm cả xấp giấy vứt vào sọt rác. Dale hớt hải kêu lên:

- Sao mày quăng đi? Công trình của tao…

- Đấy là xấp giấy lộn mình dùng để trả tiền bữa ăn ngon, tiền khách sạn de luxe này và tiền thuê xe về quận. Mày hiểu chưa, anh ngố Texas!

° ° °

Đến quận đường, họ bắt đầu gặp khó khăn. Thiếu tá Quận trưởng người dong dỏng cao, da ngăm, mặt xương xương và khắc khổ. Nếu không có bộ đồ lính và cái hoa mai bạc trên cổ áo, vận bộ bà ba đen, ông thiếu tá đầu quận không khác gì một bác nông dân cày sâu cuốc bẫm trên những cánh đồng khô rốc và cằn cỗi xơ xác ở vùng này.

Bob nghiêng mặt nói nhỏ với Dale trước khi theo Thiếu tá Quận trưởng bước vào văn phòng:

- Tay này khó chơi hơn. Dân địa phương, nguyên là Tiểu đoàn trưởng Biệt động quân, có bằng cử nhân luật. Một típ militant, kiểu nhân vật tiểu thuyết của André Malraux.

Viên thiếu tá nói tiếng Anh lưu loát, tuy cách phát âm lai kiểu đọc tiếng Pháp. Dale càng tin nhân vật này mê truyện Malraux. Bob cẩn thận lựa lời trình bày mục đích cuộc điều tra để yêu cầu ông quận trưởng bảo vệ an ninh và cho người hướng dẫn tiếp xúc với các nạn nhân sống sót ở Mỹ lai. Thế là ông Thiếu tá Quận trưởng khai pháo:

- Tôi không thể nào hiểu nổi các ông. Mấy tháng nay tôi mất thì giờ vì hết đoàn quay phim này đến đoàn phóng viên nọ đổ về đây. Tờ Life của các ông chạy nguyên một cái hình bìa, chưa đủ hay sao? Đã đành đó là việc riêng của các ông, đáng lẽ chúng tôi nên đứng ngoài, không nên xía vô. Nhưng các ông cho phép chúng tôi được góp vài ý kiến: hình như người Mỹ các ông ưa chơi cái trò cao bồi Django một tay súng hạ hàng loạt mọi da đỏ hay dân Mễ tây cơ, sau đó lại ưa thấy anh chàng Django nọ phủ phục trước ông cố đạo đấm ngực thồm thộp kêu lớn “Mea Culpa, Mea Culpa!” Cái đó là cái gì? Là một thứ bệnh điên, một thứ khổ dâm. Các ông ưa tự đấm ngực thồm thộp thì mặc xác các ông, nhưng không được làm phiền đến chúng tôi. Các ông mở cuộc hành quân mà không thèm hỏi ý kiến chúng tôi, rồi lại chính người của các ông chụp hình đăng báo, kêu rêu khóc lóc như các ông sắp sửa thu hết súng làm củi đun, xổ hết thuốc đạn ra làm pháo tết, các ông muốn cái gì?

Bob kiên nhẫn chịu đựng trọn cơn phẫn nộ. Viên Thiếu tá nói lớn tiếng, cuối cùng ho một tràng. Ông phải chiêu một ngụm nước lọc. Nhân cơ hội tốt, Bob nhỏ nhẻ nói:

- Vâng, chính vì những cái nghịch lý khôi hài Thiếu tá vừa nói, mà chúng tôi được cử đến đây. Hãng tin UPI muốn biết rõ đâu là nguyên nhân đưa tới vụ thảm sát. Đổ hết tội lỗi cho Đại úy Medina, cho Trung úy Calley, thì dễ quá. Nhưng hãng tin chúng tôi không muốn làm việc một cách tắc trách, vô trách nhiệm. Không phải tự nhiên mà người ta lạnh lẽo nã súng giết bấy nhiêu người, kể cả những bà cụ già, những đứa bé như hai em bé đến lúc nguy hiểm thằng anh còn biết lấy thân che đạn cho thằng em. Nếu có sự phối hợp chặt chẽ giữa quân lực Mỹ và chính quyền địa phương, nếu các GI trong Đại đội C không ở vào một tình trạng căng thẳng bất thường, nếu cuộc chiến tranh này là một cuộc chiến tranh qui ước giữa những quân nhân thuần túy với nhau, nếu… nếu… nhiều cái “nếu” khác nữa, thì sẽ không có vụ Mỹ lai. Hai anh em chúng tôi có phận sự đi tìm biết càng nhiều càng hay những cái “nếu” ấy!

Quả nhiên Thiếu tá Quận trưởng thay đổi nét mặt. Giọng ông trầm lại, chậm rãi, tâm tình. Ông thổ lộ những khó khăn của địa phương, nhất là ở các vùng xôi đậu. Ông trách người Mỹ không chịu học hỏi để biết thế nào là một cuộc chiến tranh du kích nói chung, và những đặc thù của cuộc chiến tranh ý thức hệ ở Việt nam. Dale hăng hái góp chuyện, và cả ba vô tình tham dự vào một cuộc hội thảo nhỏ về đủ mọi vấn đề. Viên Thiếu tá quên cả giờ giấc, cả Bob và Dale cũng vậy. Lúc trực nhớ nhìn đồng hồ, thì đã bốn giờ chiều. Viên quận trưởng mời hai phóng viên UPI nghỉ đêm với ông tại quận, và xếp đặt để sáng hôm sau đưa họ về Mỹ lai. Dale cảm thấy bắt đầu yêu cái nghề mà hai tháng qua chàng tưởng là nhàm chán vô vị.

° ° °

Thiếu tá Quận trưởng phải cử một thiếu úy trẻ khoảng 24, 25 tuổi tên Tuân đi theo Bob và Dale để vừa thay mặt Quận trưởng liên lạc sắp xếp cho cuộc điều tra vừa làm thông ngôn cho hai phóng viên Mỹ. Viên thiếu úy này có đủ tất cả mọi điều kiện để chu toàn nhiệm vụ. Anh đang học Đại học Văn khoa ban Anh văn thì bị động viên. Ra trường sĩ quan trừ bị Thủ đức, anh chuẩn úy mặt còn hôi sữa lại mê những thứ văn chương bí hiểm cỡ James Joyce, Kafka, Beckett, Alain Robbe- Grillet này được giao ngay cho chỉ huy một đồn địa phương quân đóng trên chóp một ngọn đồi trọc. Ban ngày nắng cháy da. Ban đêm rét cắt thịt. Cảnh vật chung quanh là những tiền đồn chỉ có cỏ áy hoe vàng và những bụi cây thấp và cằn vì thiếu nước. Phía chân đồi cũng là những cánh đồng đã bị bỏ hoang vì chiến tranh, lâu lâu trên cánh đồng cỏ dại vàng úa mùa trước chen lẫn cỏ xanh rán nhô lên mùa sau lại có một khu vườn trống và những ngôi nhà tranh sụp mái, tường đất bị nước mưa làm sập, hoặc trơ những sườn tre bên trong. Không hiểu từ đâu, từ sách vở đọc loáng thoáng đâu đó hay từ trí tưởng tượng thơ ngây, cậu sinh viên mê văn chương bí hiểm nghĩ rằng bọn du kích chỉ có thể hoạt động ở những nơi có cây cối um tùm. Đóng đồn ở một nơi đồng không mông quạnh cây cao nhất không quá đầu gối, cậu cảm thấy an toàn. Cậu yên tâm, tìm quên cái buồn, cái chán, cái nóng, cái khổ bằng cách vùi đầu đọc tiếp mấy cuốn tiểu thuyết loại tiểu-thuyết- mới của Sarraute, Simon, Robbe-Grillet…

Dưới quyền chỉ huy của đồ đệ James Joyce là trung đội địa phương quân gồm đủ mọi tuổi tác, thành phần. Học trò 18-19 bỏ học đi lính cũng có, mà bác nông dân 40 già khằn như ông lão 60 vì kham khổ cũng có. Phần lớn họ là người địa phương. Bác Tị cao tuổi nhất, con gái lớn đã đi lấy chồng, thằng con út của một gia đình tám con đã 12, nên được Tuân giao hết cho mọi việc. Kính lão đắc thọ mà! Chính bác Tị phân công canh gác, đốc thúc việc sửa sang tu bổ các công sự, kiểm tra việc chùi lau súng ống. Bác còn bảo vợ lâu lâu nấu cho một vài món ăn tươi để ông chuẩn úy có chất tươi, đủ sức chống chỏi với cái nóng nung người của đồn.

Bác Tị chỉ là lính trơn, mới bị nhập ngũ chưa đầy hai năm, nhưng Tuân cứ gọi đùa là thượng sĩ thường vụ. Quen miệng, lại do công việc của bác chẳng khác gì công việc một thượng sĩ già thường vụ thường thấy trong quân đội, nên cả đồn mặc nhiên phong cho bác làm thượng sĩ.

Những hôm bác phải ở giữ chốt, bác Tị gái thường sai thằng Út đem cơm lên cho cha. Rồi lâu dần cũng trở thành nếp, thằng Út trở thành một thứ liên lạc viên của đồn với dân dưới ấp, với các đồn khác lân cận, với đại đội.

Một đêm quá khuya, đột nhiên đồn bị tấn công. Chuẩn úy Tuân lúng túng không biết phải làm cái gì vì đã lỡ cho “thượng sĩ thường vụ” nghỉ phép hai ngày để đi dẫy mả. Những anh lính còn lại cũng bối rối không kém. Súng quanh đồn nổ dòn, nào tiểu liên, nào AK, nào M-16, nào phóng lựu. Sau phút bàng hoàng, trước cái chết, cả trung đội lấy lại được bình tĩnh. Họ núp trong các công sự cố chống trả để chờ trực thăng từ Quảng ngãi về oanh kích giúp giải tỏa áp lực địch. Anh hạ sĩ truyền tin chụp máy gọi cho đại đội, mới biết máy đã hết pin. Hy vọng được tiếp viện không còn, vì các chốt khác tuy biết chốt của Chuẩn úy Tuân bị nạn, nhưng họ phải tự phòng thủ vì ít khi cộng quân chỉ tấn công có một chốt trong một dây những chốt phòng thủ ngay trên đường chuyển quân của họ. Quả nhiên chẳng bao lâu sau, lửa đạn cũng lóe sáng cả một vùng, về hướng những đồn khác.

Cuộc giao tranh kéo dài gần một giờ thì trực thăng võ trang từ Đà nẵng vào thả hỏa châu và oanh kích dữ dội những triền đồi dưới dồn. Tiếng súng địch thưa thớt dần, rồi ngưng hẳn. Sáng hôm sau, chuẩn úy trưởng đồn kiểm tra chu vi phòng thủ thì tìm được xác hai du kích quân nằm vắt lên một bụi gai. Một cái xác nhỏ con mặc quần cụt đen, áo cánh từ áo treillis cắt lại, lật hai xác chết lên nhận diện, thì một lạ mặt, một chính là thằng Út con bác thượng sĩ già.

Sau trận đó, Chi Cảnh sát quận cho người về bao vây bắt gia đình bác Tị thì bác Tị đã biến mất. Quận giải cả đàn vợ con nheo nhóc về giam ít lâu, không điều tra được gì, lại thả ra. Họ không dám về làng, sống cầu bơ cầu bất ở chợ quận vài tháng, về sau không biết họ đi đâu. Phần Tuân thì được thăng lên thiếu úy, và nhờ khả năng Anh văn, được Thiếu tá Quận trưởng xin Tiểu khu cho về phụ tá với mình để liên lạc với quân đội đồng minh, và cố vấn Mỹ làm việc ở chương trình bình định và phát triển, chiến dịch Phượng Hoàng.

° ° °

Thiếu úy Tuân nói:

- Đây là lần thứ năm tôi làm thông ngôn cho phái đoàn cả Việt lẫn ngoại quốc về đây điều tra vụ Mỹ lai. Mới tuần trước đây, có phái đoàn điều tra của Quốc hội Việt nam, do một ông tướng cầm đầu. Tuần trước nữa, có ba phóng viên của báo gì ở Nhật. Những người sống sót trí óc còn minh mẫn và nói năng mạch lạc chỉ có chừng ấy người. Các ông đến rồi đi, chỉ nghe họ kể có một lần. Tôi thì nghe họ kể nhiều lần. Mỗi lần mỗi khác. Không phải họ nói dối. Đại thể thì giống nhau. Lính các ông được trực thăng đổ xuống, bao vây làng, dân sợ dắt díu nhau núp dưới hầm. Các ông vào lục soát, đốt nhà, tập trung giam họ lại, dẫn ra cái mương cạn, rồi súng nổ, rồi xác chồng lên xác. Báo chí các ông tường thuật lại cũng khá đầy đủ. Nhưng đi vào chi tiết thì các nhân chứng sống sót tùy theo trường hợp mà gia giảm thêm bớt. Với phái đoàn Quốc hội Việt nam, họ nói khác với phái đoàn báo chí Mỹ. Với báo Nhật, họ nói khác với phái đoàn điều tra của tỉnh. Các ông đừng quên họ là những người dân sống ở vùng xôi đậu. Các ông đến và không bao giờ trở lại. Họ phải ở lại. Họ phải lo cho an toàn của họ sau này. Chính quyền Việt nam cho người tới tìm hiểu, họ phải khai thế nào để khỏi bị nghi là cộng sản nằm vùng. Thấy mấy ông Mỹ mặc đồ lính tới hỏi, họ phải nói thế nào để lỡ các ông ấy là bạn của những Medina, Calley, các ông ấy không phải bênh bạn mà tìm cách trả thù. Với các ông nhà báo mặc thường phục như hai ông, họ hy vọng mơ hồ là nhờ bài viết của các ông, họ sẽ nhận được những món tiền bồi thường nào đó, và tội ác càng ghê tởm, mất mát càng cao thì số tiền bồi thường càng lớn.

Thiếu úy Tuân cười, rồi tiếp:

- Nhưng tất cả những lời khai ấy đều vẫn phải qua một cái lọc. Các ông biết tại sao không? Vì có tôi! Giá họ nói chuyện thẳng được với các ông, thì tùy trường hợp, họ khai trọn vẹn theo nhu cầu hay ước mong. Nhưng họ cần tôi thông ngôn, thành ra họ phải quan tâm gia giảm thế nào để tôi khỏi báo với ông quận những điều có hại cho họ. Vậy thì đâu là sự thật? Các ông muốn biết loại sự thật nào?

Dale hỏi:

- Có lẽ anh mê truyện Kafka lắm!

Thiếu úy Tuân hớn hở đáp:

- Ông ấy là nhất!

Bob hỏi:

- Theo Thiếu úy cái gì đã đưa tới vụ thảm sát này? Xin lỗi, Thiếu úy có cho phép chúng tôi thu băng không?

Thiếu úy Tuân chợt do dự một chút, rồi đáp:

- Vâng, các ông cứ ghi âm. Cái gì hả? Nó nằm ngay chính trong lịch sử lập quốc của các ông, nền văn minh của các ông. Cho đến ngày nay, các ông vẫn còn khoái cảnh những chàng cao bồi hạ hàng loạt thổ dân da đỏ, hoặc những tướng cướp rút súng bắn hạ địch thủ rồi an nhiên tiếp tục nhậu Whisky. Các ông thuê những người Mỹ gốc Mễ đóng vai phụ, trả lương giờ, để cho các tài tử cao lớn da trắng các ông cầm tiểu liên hạ hàng loạt cho vui mắt khán giả điện ảnh. Người da đỏ, người Mễ cao lớn chẳng thua gì các ông, văn minh chẳng thua gì các ông, mà còn bị làm bia thử súng như thế, huống chi những người Việt gầy ốm, bé nhỏ, mặt mày ngơ ngáo. Khi cầm súng bắn chừng ấy người dân làng Mỹ lai, chắc chắn Trung úy Calley không hề thấy bà cụ này giống mẹ anh ta, em bé kia giống em hay con anh ta. Trước họng súng của Calley, không có những con người. Lầm lẫn lớn của các ông nằm ở chỗ đó. Chúng tôi, những người Việt, dù nghèo dù nhỏ bé, vẫn là những con người. Chúng tôi đau xót nhục nhã hơn các ông khi nhìn thấy bức ảnh tô màu ấy. Chúng tôi bị xúc phạm.

Nhưng chúng tôi cũng nhớ rằng giữa người Việt chúng tôi với nhau, nhiều lúc chúng tôi cũng cư xử với nhau tàn tệ không kém. Có những người Việt không xem đồng hương của họ là những con người y như Calley của các ông. Hai tháng trước, chắc các ông có làm phóng sự, chụp ảnh điều tra phỏng vấn về hầm xác khổng lồ ở Đá mài. Hôm kia, tôi được biết ngoài Huế, người ta lại vừa khai quật một mồ chôn tập thể khổng lồ khác tại làng Hương viên quận Phú thứ Thừa thiên. Các ông có dự định ra đó lấy tin hay chưa?

Các đồng hương tác giả của những mồ tập thể khổng lồ ấy cũng không xem nạn nhân của họ là người. Họ chỉ chôn những con số, chỉ thủ tiêu một ý niệm. Các ông đem quân qua đây, chở súng ống qua đây để chống với những ý niệm. Các ông bị hụt chân, các ông lúng túng. Thằng bé con bụng ỏng mũi chảy thò lò có thể là địch thủ đặt mìn làm nổ xe các ông ngồi. Các ông đem đại bác 155 ly giã nát thằng bé à? Dĩ nhiên các ông làm được chuyện đó dễ dàng, nhưng báo chí các ông sẽ làm rùm beng lên, quốc hội các ông, các cơ quan thiện nguyện, các hội nhà thờ của các ông sẽ lên tiếng phản đối, viện Gallup sẽ điện thoại phỏng vấn và công bố tỉ lệ tín nhiệm của tổng thống qua một đêm sút giảm thê thảm. Thế là các ông rét. Lính của các ông thấy trên loạn, họ nổi điên. Sẽ có nhiều Calley nữa. Sẽ có nhiều em bé đặt mìn, nhiều bà lão gài lựu đạn nữa. Các ông chẳng hiểu gì về cuộc chiến tranh này hết. Các ông sẽ sa lầy. Và chính quyền chúng tôi, nếu không khôn, có thể sẽ sa lầy theo các ông.

° ° °

Chuyến điều tra ở Mỹ lai tạo ấn tượng đậm lên tâm trí Dale. Bob lão luyện hơn, có thể đã từng gặp những người như Thiếu tá Quận trưởng, Thiếu úy Tuân nhiều lần, nên Bob thấy thường. Việc phỏng vấn diễn ra dễ dàng, êm ả. Làm việc với Bob, Dale học được cái tinh nhạy của nghề báo. Thay vì hỏi những điều tổng quát hoặc có tính cách thuật sự, Bob xoáy sâu vào những chi tiết đặc thù kích thích tò mò. Chẳng hạn khi Dale đang phỏng vấn một bà cụ để nghe bà kể lại cảm giác khi từ dưới hầm lên hớt hải chạy ra cái mương cạn và đau đớn đến quị ngã khi thấy đứa cháu nội của mình giữa đống xác nhầy nhụa máu me, Bob chen vào hỏi:

- Làm sao cụ nhận ra được xác cháu?

- Tui nhìn là biết nó liền.

- Cháu nằm ngửa hay nằm sấp?

- Nằm sấp.

- Không thấy mặt nó, làm sao cụ biết là nó?

- Cặp mông nó còn in lằn roi tím bầm.

- Nó không mặc quần à?

- Không. Chỉ có cái áo.

- Ai đánh cháu vậy?

Bà cụ thút thít khóc:

- Tui đánh nó đêm trước. Biết cơ sự thế này, tui đâu nỡ nào đánh nó.

- Cháu nó hỗn với cụ à?

- Không. Nó lễ phép lắm. Chỉ ham ăn. Tui bảo nó đem nửa cái trứng luộc cất vào cũi để dành cho cha nó ăn. Tối tui thắp đèn dằn lại nồi niêu cho chuột khỏi phá, mới thấy nửa cái trứng chỉ còn lòng trắng. Tui giận quá, bắt nằm xuống đánh cho ba roi. Cháu ơi là cháu ơi! Cháu có thiêng thì về đây để bà cúng cho cháu nguyên cả một cái trứng luộc!…

Về Đà nẵng, Dale bảo Bob về Sài gòn trước, còn mình thì xoay máy bay quân sự ra Huế. Anh muốn thăm lại các bạn dạy học và sinh viên ở trường cũ sau mấy tháng xa cách. Quỳnh Như cũng nhờ Dale lên trường Đại học Sư phạm, hoặc qua Ty Cảnh sát Thừa thiên hỏi cho rõ vì sao hồ sơ an ninh của nàng bị trục trặc.

Dale về Huế vì một chủ ý khác nữa. Lời Thiếu úy Tuân làm cho chàng suy nghĩ nhiều. Chàng muốn biến bài phỏng vấn ở Mỹ lai thành một bài điều tra có tính cách khách quan, toàn diện hơn về các tội ác chiến tranh tại Việt Nam, tội ác của cả hai phía, với những động cơ sâu xa của nó. Lương tâm nghề báo, lương tâm trí thức không cho phép Dale nhìn một chiều, viết theo thiên kiến. Chàng muốn xuống tận làng Lương viên để chụp hình, phỏng vấn, thu thập tài liệu về mồ chôn tập thể mới khai quật được.

Không có Bob, phần điều tra ở Lương viên trở thành “tác phẩm” đầu tay trong nghề báo của riêng Dale. Chàng hãnh diện thấy mình đã học được hết bí quyết nghề nghiệp của Bob. Chẳng những thế, với khả năng suy luận và tổng hợp, Dale còn khéo léo dùng các lời chứng để minh họa cho quan điểm mà Thiếu úy Tuân đã nói. Chàng đồng ý với viên thiếu úy, cho rằng nguồn gốc của mọi tội ác là do kẻ phạm tội không nhìn nạn nhân của mình như những con người.

Nguyên nhân đưa tới cái nhìn lệch lạc tai hại ấy có nhiều: do khác màu da, do khác chủng tộc, do khác ý thức hệ, do khác tín ngưỡng, do khác phái tính, do khác giai cấp, do thu nhỏ con người thành một dụng cụ, hoặc do bơm phồng con người thành một ý niệm, một hệ thống.

Trở lại Sài gòn, Dale viết một bài dài tổng kết cả hai cuộc điều tra, sau đó có thêm phần nhận định hàm súc. Chiều dài bản thảo cuối cùng được 20 trang đánh máy dòng đôi. Dale hân hoan đưa cho Bob đọc. Bob đọc xong, nhíu mày bảo:

- Sao mày tự tiện thêm cái phần Lương viên vào?

- Vì hai vụ có liên quan với nhau. Tao hoàn toàn đồng ý với Thiếu úy Tuân.

- Tao cũng vậy. Nhưng mày hãy thực tế một chút. Hãng bảo làm vụ Mỹ lai thì chỉ nên làm vụ Mỹ lai.

- Nhưng đến hiện trường mình thấy điều gì cần, thì phải thêm vào.

Bob không vui, im lặng một lúc, rồi nói:

- Thôi! Mày thích thì cứ để y như thế. Nhưng tao biết trước là hãng thông tấn không xài phần sau đâu!

Bob nói đúng. Ngày 15-11, khi nhiều báo Mỹ đăng bài điều tra phỏng vấn những người còn sống sót ở Mỹ lai, Dale thấy không có báo nào nhắc đến một dòng vụ Lương viên. Ngay cả phần Mỹ lai, Dale cũng không nhận ra được phần nào là của mình, phần nào của người khác nữa. Bản tin tập viết chàng làm ở San Francisco khi đăng lên báo, Dale còn nhận ra được cột báo dài năm inches rưỡi gồm 102 chữ “made by Dale Davidson”. Bây giờ, bài phỏng vấn lai đủ năm cha bảy mẹ, tác phẩm yêu dấu của chàng bị chặt đầu xắn đuôi, khúc giữa bị thái nhỏ pha phách gia vị phản chiến để hợp với khẩu vị khách hàng. Riêng con số 567 nạn nhân Mỹ lai bị tàn sát thì bài báo bảo là của đặc phái viên hãng UPI. Dale không biết ngoài chàng và Bob, UPI còn gửi thêm đặc phái viên nào khác để lấy con số ấy không?

Chàng bắt đầu thấy nghề phóng viên cũng có lắm nỗi nhục!


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx