sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 26

Cuối tháng 12, mới có sự vụ lệnh bổ dụng Quỳnh Như làm giáo sư Anh văn đệ nhị cấp ở trường Cường Để Qui nhơn. Trước đó hai tuần, nàng và Dale đã lập giấy hôn thú, hồ sơ xin xuất cảnh di dân sang Mỹ cũng đã nộp xong.

Vì biết trước việc đi Mỹ với Dale sẽ không gặp khó khăn gì, vấn đề là thời gian mau hay chậm, nên Quỳnh Như vui vẻ ra Qui nhơn nhận việc. Nàng thấy mình may mắn. Mọi sự an bài để Quỳnh Như bước đến đâu là chiếu hoa trải đến đấy, mỏi chân thì gặp ngay ghế ngồi. Ra Qui nhơn, nàng đã có chỗ trọ chờ sẵn. Căn nhà bà Văn thuê ở ngay trước mặt ngôi trường nàng sắp tới dạy. Như có chuẩn bị trước, số mệnh dành phần ưu tiên cho Quỳnh Như.

Đa phần giáo sư trong trường đều xuất thân từ Viện Đại học Huế, có người thuộc khóa kỳ cựu đi dạy một lượt với các thầy cô của Quỳnh Như ở Đồng Khánh, có người Quỳnh Như biết mặt quen tên vì chỉ học trước nàng một, hai lớp, không khí trong trường nhờ vậy rất “gia đình”.

Quỳnh Như được bổ dụng muộn, nên các lớp đi thi như đệ nhị (nay gọi là lớp 11), đệ nhất (gọi là lớp 12) đã có thầy cô kinh nghiệm lâu năm phụ trách. Nàng được Phòng Giám học phân cho dạy 8 giờ Anh văn sinh ngữ phụ lớp đệ tam, và 15 giờ lớp đệ lục. Tính nàng linh hoạt nên việc dạy dỗ khá thành công. Lớp học vui mà không ồn, hào hứng mà không mất trật tự. Bài vở soạn cũng không có gì vì chương trình qui định sẵn sách giáo khoa Anh văn cho các lớp trung học là bộ English For Today. Thì giờ rảnh còn nhiều, Quỳnh Như tìm hết cách để sống sao cho trọn vẹn, cho ý nghĩa trong mấy tháng còn lại ở Việt nam.

Ý định như thế, nhưng nàng không định nghĩa được thế nào là sống trọn vẹn, có ý nghĩa. Nàng chỉ thấy được thế nào là sống dở dang vô nghĩa: nàng thấy ở mẫu sống của Nam.

Quỳnh Như cố hết cách để bắt chuyện với chị dâu. Thất bại! Hình như Nam đã vạch một đường ranh thật rõ giữa quá khứ với hiện tại, giữa mình và người khác.

Nàng tự xây thành quanh đời sống mình, rồi dồn hết năng lực để ngày đêm canh chừng vòng thành ấy, phập phồng lo sợ những kẻ xâm nhập, hờm sẵn khí giới để phản ứng với những kẻ xồng xộc bước qua cửa cấm, mất ăn mất ngủ cảnh giác đến nỗi không còn biết trong thành còn có gì đáng giữ.

Quỳnh Như thừa biết Nam trải qua những biến cố đau lòng và vì yếu đuối, đến bây giờ vẫn chưa vươn dậy nổi. Nhưng thiếu gì người ở vào hoàn cảnh của Nam, rồi tai họa qua đi, họ vẫn cười, vẫn sống. Khả năng bẩm sinh của sống-còn là sức mạnh huyền nhiệm, là thứ thuốc hồi sinh thần kỳ chữa được tất cả các vết thương đời. Nam là trường hợp ngoại lệ.

Quế than với Quỳnh Như:

- Tao không hiểu được chị Nam. Tao chịu thuê cái nhà này là vì địa điểm thuận tiện để mở một quán bún bò. Trước khi dọn nhà tao đã nói với má và chị Nam rồi. Như thấy không, có chỗ nào đắc địa hơn!. Xế phía đường Nguyễn Công Trứ người ta đã mở hai cái quán bún bò và phở đấy, nhưng nếu mình mở quán ở đây là họ ế khách. Bên này là Ty Tiểu học, giáo viên các quận về đây liên lạc với Ty đông nườm nượp. Rồi Quân bưu, Quân vụ Thị trấn. Bên phải là Ty Kiến thiết, Ty Bưu điện, và Tòa Hành chánh. Trước mặt là trường của Như. Một quán bún ngon, có cà phê thơm và rẻ, chắc chắn nấu bún không kịp bán. Thế mà vào đây ổn định chỗ ở xong xuôi, tao đem chuyện mở quán ra nói, chị ấy ngồi nghe như người mất hồn. Nói một lúc nữa, chị cũng không hiểu tao nói gì. Má muốn làm, nhưng làm một mình đâu nổi. Tao mà làm thì nhất định thành công, nhưng buôn bán kiếm được khá hơn. Tao chịu, chẳng hiểu chị ấy muốn gì!

Quỳnh Như chỉ đống sách bừa bộn hỏi:

- Chị ấy còn mê sách không?

- Không. Sách vở của ba, anh Ngữ định đem lên Pleiku nhưng rồi anh vào Sài gòn nên còn để đây. Cháu Thúy nó nghịch kéo đổ xuống đấy từ hôm qua. Thế mà chị ấy cứ để mặc, không dọn lại cho ngăn nắp.

- Chắc chị Nam ở thui thủi trong nhà không làm gì lâu ngày nên quẫn trí.

- Ấy, có lần mình bận nhờ chị ấy xuống chợ trông hàng giùm, mới một ngày chị ấy về than quá trời. Tao xúi chị xin đi dạy giờ, chị chạy đi hỏi vài nơi, rồi im luôn. Có Trời mới hiểu!

- Để tao rủ chị ấy đi chơi biển rồi lần lần hỏi xem. Nhiều khi mày là em, lại nóng nảy, không nói chuyện riêng tư với chị ấy được!

° ° °

Qui nhơn thời bấy giờ là một thành phố thở theo nhịp thở của chiến tranh. Ra đường, nhất là vào hai ngày cuối tuần, chỉ gặp lính. Quân cảng này tiếp tế quân nhu và đạn dược lên cao nguyên theo đường 19, nên tàu bè ra vào tấp nập. Lấy Qui nhơn làm tâm điểm, nhìn một thị trường rẽ quạt bán kính 60 dặm đã thấy vô số những doanh trại quan trọng: khu 6 bên trong thành phố là một kho quân nhu và tiếp liệu khổng lồ, những xe truck công ty chuyên chở Sea-Land liên tiếp chở hàng lên cao nguyên hoặc theo quốc lộ 1 vào Phú yên, ra Quảng ngãi. Những xe tải nặng này chạy theo một con đường khác dọc theo núi không qua cây cầu độc đạo: Cầu Đôi. Ngay bên kia ngọn núi trọc Bà Hỏa là kho đạn. Chỉ chạy xe thêm mười phút, gặp ngay đại bản doanh của Sư đoàn Mãnh hổ Đại hàn. Chạy ngược ra hướng bắc thêm 20 dặm là phi trường Phù cát do Không quân Mỹ thiết lập để không yểm và kiểm soát suốt một dọc đất nhiễu nhương ven biển, từ Bồng sơn vào đến đèo Cả. Theo đường 19 cách Qui nhơn 60 dặm là Sư đoàn Một Không vận Mỹ. Bấy nhiêu lính ngoại nhập, bao nhiêu nhu cầu vận chuyển và sinh hoạt, bao nhiêu nhu cầu nhà ở, điện nước và giải trí đột ngột ập xuống một thị trấn vốn chỉ có độ 80.000 dân, phần lớn là quân nhân công chức làm việc tại tỉnh lỵ và một số thương gia buôn bán nhỏ trên đường Gia Long, Võ Tánh, Phan Bội Châu. “Cầu” nhiều mà “cung” có giới hạn, nên giá thuê nhà lên vùn vụt, làm khốn đốn các quân nhân công chức lương ít ỏi. Các tay kinh doanh nhạy bén từ khắp các nơi đổ về, quán rượu, tiệm giặt ủi, tiệm may, ổ điếm mọc lên nhan nhản. Người ta cất vội thêm nhà, đã có nhà rồi thì nâng vội thêm nhiều tầng lầu để thêm phòng cho Mỹ, Đại hàn, Phi luật tân thuê. Điện nước không đủ cung cấp, những nhà mới xây tự đào giếng riêng, tự mua máy phát điện, để cung cấp tiện nghi tối thiểu cho những người quen nếp sống cao. Buối tối đèn lù mù, nhưng ở những nhà nhiều tầng có người Mỹ ở, máy điện nổ ồn ào, trên sân thượng có bao bọc bằng lưới sắt B-40, nhạc pop nhạc Country mở lớn lấn át tiếng máy điện nổ.

Các bảng hiệu đồng loạt biến ra tiếng Anh: Steak House, Laundry Shop, Tailor’s Shop. Tên quán được Mỹ hóa: Góc này là quán Chicago, góc kia là Joe’s Restaurant… Đường phố vốn làm từ sau Genève với kỹ thuật công chánh thời Pháp thuộc, đủ sức chịu đựng một vài chiếc Jeep của các ông tỉnh ông quận, vài chiếc Mobylette của công chức già, thì bây giờ phải dằn mình chịu sức nặng của những chiếc xe truck dài chở đầy quân cụ. Nhựa hư, đường lồi lõm ổ gà, xe chạy qua bụi bốc lên mù mịt.

Qui nhơn mà lần đầu tiên Quỳnh Như đặt chân tới như thế đó! Ồn ào, hỗn loạn, rậm rật, lòe loẹt. Quỳnh Như cảm thấy ngộp, thu người lại như lúc nào cũng sợ cơn lốc cuốn đi. Nàng hối tiếc bị đưa đẩy ra chỗ bụi bặm náo nhiệt này để sống những tháng cuối cùng trước ngày lên đường xa quê hương. Nàng nghĩ kỷ niệm cuối chỉ âm vang lâu dài nếu nó êm đềm. Người tha phương dễ mơ màng bồi hồi về một đêm trăng rằm hơn là một đám cháy.

Quỳnh Như lầm. Sau này nàng nhớ mãi những ngày tháng ở Qui nhơn chỉ vì đó là một vết thương lâu lành trên cơ thể đất nước. Cái nhớ trong đau đớn quằn quại, cái nhớ ghê gai như bị một mũi kim đâm sâu vào da thịt và nằm mãi đó, khi bận bịu tạm quên nhưng hễ dừng lại là nỗi đau nhức lại về.

Kỷ niệm đậm nhất là lần nàng kèo nài được Nam đồng ý đưa nàng đi thăm nhà thương phung Qui hòa.

Bệnh viện dành riêng cho những người mắc chứng nan y có thể lây lan này ở một khu vực cách thành phố Qui nhơn bằng một ngọn đèo cao. Xe gắn máy leo lên dốc đèo khó khăn, nhưng Quỳnh Như quen đi Honda, cuối cùng hai chị em cũng đến được cổng bệnh viện. Thật là một thế giới êm ả khác hẳn với Qui nhơn ngoài kia. Khu rừng thông rậm rạp vi vu nhờ những đợt gió từ biển thổi vào. Bờ biển uốn một vòng cung dịu dàng, nhờ vắng vẻ nên cát trắng xóa. Quỳnh Như lại được gặp hình ảnh thanh khiết của các nữ tu. Mẹ nhất ở đây là một soeur già người Pháp, hy sinh cuộc đời chăm sóc cho các bệnh nhân phung từ hồi 1945. Phụ tá cho mẹ là một nữ tu gốc Anh. Có lẽ nhờ tài vận động của các soeurs quản đốc mà bệnh viện được thiết kế, xây cất và tu bổ kỹ lưỡng, từ thánh đường, y viện cho tới những dãy nhà dành cho bệnh nhân thường trú, kiểu kiến trúc theo lối Âu châu, pha trộn khéo léo mẫu-thức gô-tíc và tân thời. Quỳnh Như nghĩ người vẽ kiểu nhà toàn khu bệnh viện phải là một kiến trúc sư tài ba và lãng mạn. Tầm vóc các nhà đều nhỏ nhắn, như những lâu đài búp bê, núp dưới bóng thông và dừa xanh.

Mẹ nhất ở đây có quen với mẹ nhất Jeanne d’Arc, nên Quỳnh Như nhờ mẹ dẫn đi thăm khắp nơi. Khu con cái những vợ chồng bệnh nhân vẫn có lớp mẫu giáo và tiểu học. Quỳnh Như hỏi:

- Các em này cũng là bệnh nhân hở mẹ?

Mẹ nhất lắc đầu:

- Không. Các em không bị di truyền. Cách ly các em sớm, các em là người khỏe mạnh bình thường. Chỉ có một tỉ số rất nhỏ bị bệnh như cha mẹ.

- Đã bị bệnh nan y còn lập gia đình làm chi hở mẹ?

Mẹ nhất cười hiền:

- Bệnh nhân nữ và nam vào đây, họ yêu nhau thì mẹ và các soeurs cũng khuyến khích cho họ chung sống với nhau. Khi hai nỗi đau nương tựa vào nhau, thì đau khổ lại thành hạnh phúc.

Mẹ khôi hài thêm:

- Cũng như trong đại số học, âm nhân với âm thành dương vậy mà.

Quỳnh Như mạnh dạn cãi lại:

- Không, thưa Mẹ. Đây là âm cộng với âm thành hai âm.

Mẹ nhất nghiêm mặt lại, giọng nói đều đều chậm rãi như cầu kinh:

- Cũng không hề gì! Nếu hiểu, đó là ơn thiên triệu. Cái ơn được Đức Chúa Trời chọn để thay Ngài cứu chuộc tội lỗi của nhân loại. Nhiều lúc Mẹ nhìn thấy nơi những bàn tay co quắp hay rụng mất vài ngón của bệnh nhân ở đây thật giống với bàn tay Chúa Jesus sau khi bị đóng đinh trên thập tự giá.

Câu nói của Mẹ nhất đeo đuổi Quỳnh Như suốt đời. Câu ấy cũng lay thần trí đang lãng đãng chập chờn của Nam dậy. Hai chị em mạnh dạn hơn khi bước vào phòng dành cho những bệnh nhân nặng. Hầu hết những người này đều bị căn bệnh quái ác làm dị dạng. Một số thấy người lạ vào lên tiếng chào Mẹ nhất rồi quay mặt đi. Chỉ có những người nặng nằm im trên những giường sắt phủ drap trắng. Tóc họ đều rụng gần hết. Xương sống mũi bị vi trùng làm sụm xuống, khuôn mặt đỏ hỏn sần sùi và phẳng lì. Gân bị rút nên đa số đi lại khó khăn. Một bệnh nhân phụ nữ Quỳnh Như chỉ thấy từ sau lưng dùng hai tay có quấn băng tì lên hai nạng gỗ để cố đi nhanh về phía cái giường đặt ở góc tối.

Mẹ nhất liếc mắt về phía chị, nói nhỏ vừa đủ cho Nam và Quỳnh Như nghe:

- Cô này mới vào được một tháng. Gia đình giấu không cho ai biết con gái bị bệnh, đến lúc thật nặng mới chịu đưa xuống đây. Cô ấy biết làm thơ đấy.

Nam bật hỏi:

- Cô ấy là em của Hàn Mặc Tử?

Mẹ nhất có lẽ được nhiều người Việt nói tới tên nhà thơ này, nên hiểu ngay Nam nói gì. Mẹ cười:

- Ồ không! Nhưng được che chở trong vòng tay Chúa Jesus, phải, họ cũng là anh em một nhà. Mẹ có dịch mấy bài thơ cô ấy làm sang tiếng Pháp và gửi đăng trên tờ La Croix báo của Dòng bên Thụy sĩ. Cha chủ bút khen bài thơ hay lắm!

° ° °

Mẹ nhất nói:

- Mẹ phải dẫn hai con lên trên thánh đường để khoe mới được. Mẹ rất hãnh diện về thánh đường này, vì chính mẹ vẽ kiểu, và theo dõi từng chút từ khi mới bắt đầu đổ nền xây móng.

Quỳnh Như tò mò hỏi:

- Kiến trúc sư nào vẽ họa đồ cho toàn khu này mà đẹp thế hở mẹ?

Mẹ nhất không giấu được hân hoan:

- Chính mẹ vẽ đấy! Trước khi vào nhà tập, mẹ là sinh viên kiến trúc. Ôi! Thời xa xưa rồi. Tận hồi trước thế chiến thứ hai!

Thánh đường cũng nhỏ nhắn như tất cả những kiến trúc khác trong khu Qui hòa. Tháp chuông chỉ cao quá tầm những cây thông cây dừa rậm lá chung quanh, có lẽ trên phi cơ nhìn xuống chỉ thấy được cây thánh giá sơn trắng nổi bật lên một nền xanh um. Lan can bằng sắt uốn theo hoa văn cổ điển Âu châu, mà Quỳnh Như đoán có dấu ấn đậm nét trong trí nhớ của Mẹ nhất những ngày chủ nhật đi xem lễ trong thời thơ ấu, tại ngôi nhà thờ nhỏ tại một làng quê nào đó vùng Provence. Ánh sáng được lọc một lần qua những tầng lá, lại được lọc kỹ lần nữa qua lớp kính mầu xanh nhạt gắn ba mặt sau, trái và phải của thánh đường, nên khi Nam và Quỳnh Như theo Mẹ nhất bước vào bên trong, hai người chợt có cảm giác mát mẻ dịu nhẹ như bước qua một thế giới khác. Thế giới không có màu chói, không có mùi nồng, không có tiếng động mà chỉ có âm nhạc, không có đường thẳng mà chỉ có uốn khúc uyển chuyển. Nền thánh đường lót gạch hoa mầu vàng nhạt sạch loáng không vương một hạt bụi. Ba hàng ghế gỗ đánh vẹc ni mầu nâu xếp theo hình cánh cung chầu về cây thánh giá cao đến quá nửa bức tường trước mặt. Tượng Chúa Jesus bị đóng đinh trên thánh giá trắng lạnh trên nền tường mầu xanh lơ. Chỉ có một bệnh nhân đang quì cầu nguyện ở hàng ghế đầu dãy trái.

Gió bên ngoài lay động tầng lá dừa, nên ánh sáng chiếu lên khuôn mặt tượng Chúa thường xuyên lung linh, khi mờ thì ảm đạm quằn quại như nỗi đau đớn Ngài đang cam chịu, khi tỏ thì rạng rỡ như ánh sáng báo hiệu phục sinh.

Ba người đứng lặng im vài phút, rồi Mẹ nhất nhắc:

- Thôi ta đi. Hai con lên nhà khách cho mẹ đãi nước cam do nhà dòng trồng rồi tự biến chế lấy thành orange juice để dành. Nhờ Cha tuyên úy Mỹ chở vào cho một máy ướp lạnh mới làm được orange juice đấy, trước đây chỉ làm được nước cam tươi dùng liền. Nhiều mùa dư cam, phải đem bán hoặc tặng bớt cho Cô nhi viện Xuân phương. Ờ, trước khi lên dốc, hai con có thấy Cô nhi viện ấy không?

Nam đáp:

- Thưa Mẹ con không chú ý

Mẹ nhất nói:

- Hai con nên vào đó thăm. Và nếu rảnh cuối tuần đến giúp cho các soeurs ở đấy một tay. Các soeurs ít người mà số cô nhi ngày càng nhiều. Lo không xuể.

° ° °

Quỳnh Như gửi chiếc Honda cho cụ bán quán phía bên kia đường, rồi cùng Nam tiến vào con đường nhỏ trải đá chạy giữa những mái nhà tôn vách ván thấp bé.

Cổng Cô nhi viện Xuân phương để mở. Ba dãy nhà lợp fibro-ciment xếp hàng dọc, và cùng nối liền với một dãy nhà ngang làm thành hình chữ E đều. Trước các dãy nhà, mấy bụi bông giấy hoa đỏ và vàng gạch mọc um tùm, phủ kín gần hết mái nhà xám. Ngay đầu dãy nhà gần cổng nhất, một nhóm trẻ em trai đang ngồi đánh cờ giấy, mải chú ý đến nước cờ nên không chú ý đến người lạ. Nhưng dì phước mặc áo đen cạnh đấy đứng dậy trước. Dì phước tiến về phía hai người khách lạ, dì đã già khoảng trên năm mươi. Dì hỏi:

- Các cô cần hỏi ai?

Quỳnh Như bối rối đứng im dưới sân sỏi nhìn lên, chưa đủ bình tĩnh để nói cho gãy gọn. Mãi một lúc, Quỳnh Như mới hỏi được:

- Dạ thưa, con muốn gặp bà nhất.

Dì phước cười dễ dãi, ánh mắt vui và để lộ cả hàm răng không mấy đều:

- Bà nhất nào? Bà nhất nhà dòng hay bà nhất cô nhi viện?

- Thưa bà nhất giám đốc ở đây.

Dì phước bước xuống sân, cười lớn và bảo:

- Nếu vậy tôi là bà nhất đây. Các cô muốn hỏi gì đó?

Nam chen vào trả lời:

- Chúng con vào thăm bệnh viện Qui hòa. Tiện đường, chúng con muốn thăm cô nhi viện của Mẹ!

- Được. Nếu thế thì mời các cô vào văn phòng ngồi chờ cho chút. Các con đi chơi đi. Đã dặn nhiều lần là khi các con thấy khách đến phải chào hỏi lễ phép rồi đi chơi chỗ khác, không được tò mò việc của người lớn.

Cả lũ trẻ bấy giờ mới nhớ phận sự, cùng vòng tay cúi đầu thật thấp, đồng thanh:

- Chào các cô ạ!

Bà nhất cười khanh khách có vẻ bằng lòng, ra lệnh:

- Thôi. Các con đi chỗ khác chơi. À Thiện, lại bà dặn đây. Con chạy đi tìm soeur Maria, bảo lên văn phòng cho bà có việc nhờ một chút nghe không. Gấp lắm. Con nói vậy. Nhưng con không được chạy té như hôm trước đấy.

Lũ trẻ đứa trở về phòng, đứa ra vườn rau lấy nước tưới mấy luống rau muống và mấy dây bầu.

Hai người theo Mẹ nhất lững thững đi lên văn phòng. Lúc đi ngang qua một căn phòng rộng ở dãy giữa, họ nghe thấy nhiều tiếng trẻ sơ sinh khóc thé. Tiếng khóc hơi khác thường, cay xé mà lại vỡ như phát từ một buồng phổi rách. Thấy hai người khách lắng tai tò mò, Mẹ nhất mời:

- Đây là phòng nuôi trẻ dưới một tuổi. Các cô có muốn vào xem không?

Không chờ đồng ý Mẹ nhất bước lên thềm. Nam và Quỳnh Như bước theo.Trong phòng, giường nôi con nít xếp dày, cái nọ sát cái kia và cùng sơn một màu xanh đậm. Một đứa con gái khoảng mười tuổi đang cố nhét núm vú cao su vào miệng đứa bé da đen đang khóc, trong khi trên các nôi khác, lũ trẻ nằm im ngậm núm vú mắt lim dim thỏa mãn. Chỉ được chừng bốn năm em nằm ngay ngắn trên nôi và dùng hai tay cầm vững bình sữa nhựa dốc lên cao. Số còn lại hoặc nằm lệch ra khỏi chiếc chiếu ni lông nhỏ khiến cái nôi nghiêng hẳn sang một bên, hoặc để bình sữa rơi xuống một phía cằm không biết sửa lại cứ nhay núm vú vàng xỉn một cách kiên nhẫn. Mẹ nhất tiến đến gần con bé hỏi:

- Sao đó, Lan?

- Thưa bà, nó cứ khóc hoài. Thằng đen xấu xí này khó chịu quá. Khi hôm nó không cho con ngủ.

Mẹ nhất vừa an ủi vừa khuyên răn:

- Con đừng nói vậy. Tội nghiệp thằng nhỏ. Khi hôm cả phòng đều khóc chứ đâu phải một mình nó.

Thấy Nam tiến đến gần, Mẹ nhất giải thích:

- Thằng nhỏ này òi ọp nhất đám, đau yếu hoài, từ ngày vào đậy tốn không biết bao nhiêu tiền thuốc.

Đúng như lời bà nhất, thằng bé da đen thật bất thường. Đầu to, mắt lồi lờ đờ. Bụng ỏng và chân tay co rúm nhăn nheo. Khắp mình mẩy đầy những mụt nhọt li ti. Đứa bé nằm trên một cái nôi loại đặc biệt để trên bàn gần cửa sổ, thân thể trần truồng. Một cái đai cột quàng xuống dưới cái bụng lớn nhô cao hơn cả mũi mặt. Nam không dám nói cho dì phước biết đây là kết quả của bệnh phong tình ở thời kỳ trầm trọng, hoặc di truyền nơi người lính da đen viễn chinh hoặc nơi người mẹ làm gái giang hồ quanh các trại lính Mỹ. Đứa con gái đã nhét được núm vú vào miệng đứa bé bệnh, nên tiếng khóc nghẹn ậm ừ trong cổ họng. Bé gái quay lại phân trần:

- Hễ con rút bình sữa, là nó lại ré lên. Nó bày đàn cho lũ kia chướng theo. Khi hôm con với soeur Jeanne lớ quớ không biết làm sao nữa.

Mẹ nhất vuốt tóc bé gái an ủi, giải thích cho hai người khách hiểu:

- Ở đây chúng tôi bực nhất là tiếng súng. Cô nhi viện gần trại lính Mỹ quá. Tối tối, có tiếng súng nổ thình lình, mấy đứa nhỏ phòng này giật mình khóc ré lên. Một đứa khóc, mấy đứa kia khóc theo. Nếu không có đứa nào khởi xướng thì không sao. Khổ là cái thằng này lại hay bắt giọng cho ban hợp ca.

Mẹ nhất cười. Nam và Quỳnh Như cũng cười theo với cái hồn nhiên của dì phước. Họ đi ra hiên và đến bấy giờ mới kịp nhận thấy mùi tanh tanh xông lên từ căn phòng sơ sinh. Qua cửa lớn đầu phòng bên kia, Mẹ nhất dừng lại nói chuyện với một dì phước trẻ tuổi đang đổ sữa từ cái soong nhỏ qua biberon. Trao đổi vài câu ngắn xong, Mẹ nhất lại tiếp tục đi qua dãy khác. Chờ hai người khách đến trước một cửa phòng quét vôi vàng, Mẹ nhất giải thích:

- Phòng này dành cho cô nhi từ một tuổi đến ba tuổi. Tương đối nuôi tụi này dễ chịu hơn tụi sơ sinh. Đã bắt đầu tập cho chúng quen với giờ giấc rồi.

Căn phòng trống trơn. Nam và Quỳnh Như ngạc nhiên đưa mắt hỏi thầm. Mẹ nhất nói:

- Ở đây có tất cả hai mươi tám em. Bây giờ phải lo cho chúng “đi bô”.

Nam quay lại ngầm ý xin giải thích động từ lạ lùng đó. Dì phước cười bí mật, tiếp tục đi vài bước nữa rồi dừng lại chờ hai người:

- Chúng nó đây.

Nam và Quỳnh Như nhìn theo ngón tay dì phước chỉ. Phía trong có một dãy nhà tiêu. Một cái bể chứa nước rộng ở ngay sát lối vào. Vòi nước đang róc rách chảy. Hai em bé gái đứng gần hồ nước, có lẽ chờ cho đầy để khóa máy. Không có gì lạ. Nhưng khi bước tới chút nữa, theo hướng nhìn của Mẹ nhất mà hạ mắt xuống thấp, họ mới ngạc nhiên. Lúc nhúc một lũ trẻ nhỏ đứa nào cũng chỉ mặc có mỗi chiếc áo, đang ngồi trên bờ thành hàng dọc, sát theo vách đối diện dãy nhà cầu. Phía ngoài cùng có bốn em bé da đen tóc xoăn ngồi yên như tượng. Một đứa lai trắng quá bé đến nỗi như gần lọt tõm vào lòng bô, cố rướn lên bằng cách gập người lên trên cặp đùi lỗ chỗ thuốc đỏ. Một bé gái đầu tóc bị kéo cắt lăm nhăm vì những mụt lở, bình thản ngồi ngay trên bô không lo ngại vì cái bụng ỏng kê vừa vặn lên thành bô nhựa. Thấy khách lạ nhìn đến, nó toe toét cười. Cười xong, nét mặt lại bình thản như không có gì xảy ra. Mẹ nhất nói:

- Con bé này hơi bất thường. Tôi có cho đem xuống bệnh viện Thánh gia, nhưng họ không cho biết bệnh gì.

Quỳnh Như hỏi, hơi e dè:

- Chúng nó ngồi trong bao lâu thì… thì đi xong, thưa ma soeur?

- Chừng một giờ đồng hồ. Nhiều đứa chỉ ngồi chơi, không chịu đi.

Vừa lúc ấy, phía trong cùng, hai đứa bé nắm tóc nhau mà giằng. Đứa con gái có phận sự canh chừng vội đóng vòi nước lại, chạy vào can thiệp, trong khi đứa con gái kia lấy chổi quét nhẹ cho nước dơ trên sàn chảy vào hầm rút.

Nam nói cảm tưởng:

- Phần lớn các em ở đây đều có vẻ bất thường. Hình như chúng òi ọp ngay từ lúc nhập viện?

Mẹ nhất vui mừng tìm được người tâm sự:

- Phải rồi. Họ đem cho chúng tôi toàn những đứa trẻ khó nuôi. Hoặc bị chứng này, hoặc bị chứng kia. Cô tính viện có hơn hai trăm năm mươi em từ sơ sinh đến mười lăm tuổi. Thế mà chúng tôi chỉ có bốn người. Nội chuyện thay nhau thức đêm canh gác lũ nhỏ nhất đã lo không xuể, nữa là…

Mẹ nhất lấy chìa khóa mở cửa văn phòng, rồi mời hai cô khách vào. Họ ngồi xuống ghế nệm trước mặt bà. Quỳnh Như cố gắng tìm một lời an ủi:

- Xã hội ngoài đời phạm tội, rồi quăng lũ trẻ bất hạnh vào đây cho các soeurs. Các soeurs chữa bệnh cho chúng, lo cái ăn cái mặc cho chúng lớn lên, lớp này chưa hết, thì đời lại đẩy thêm vào lớp khác.

Mẹ nhất cười buồn, nói:

- Chứ biết làm sao. Mình rán làm, như một việc cứu chuộc cho thế gian. So với Đấng Cứu Thế chịu đóng đinh trên thánh giá, thì công việc của mình thấm gì. Nhưng những lúc mệt mỏi quá sức, cũng hơi có chán nản. Mỗi ngày chúng tôi nhận cô nhi càng đông, và hình thù các em càng thê thảm hơn, đến tội nghiệp. Nhiều lúc chúng tôi nghĩ mình đang lội ngược một làn sóng dữ.

Ánh sáng căn phòng chợt tối lại.

Ngoài cửa hai em bé da đen khoảng ba, bốn tuổi lấp ló, không dám vào.

Mẹ nhất gọi:

- Vào đây. Hai con chào các cô đi!

Hai bé cô nhi trai tóc xoăn, môi vều giống y giòng giống của cha, cúi đầu thật thấp nói lớn: Chào cô. Những câu tiếng Việt phát ra từ khuôn mặt tí hon đặc biệt Phi châu tạo cho Nam và Quỳnh Như cảm giác thích thú bất ngờ. Mẹ nhất cười sung sướng, bảo hai đứa bé:

- Hai con xưng tên cho các cô biết đi. Con tên gì?

- Con tên Dũng.

- Còn con tên gì?

- Con tên là Duy.

- Lớn con về Mỹ không?

Cả hai đứa trẻ đồng thanh trả lời, đầu lắc quầy quậy:

- Không không. Con ở lại với mẹ.

Mẹ nhất vuốt tóc hai đứa bé, ôm chúng vào lòng hôn nhẹ lên mái đầu:

- Ở lại với mẹ khổ lắm. Về Mỹ sướng hơn.

Rồi Mẹ quay về phía khách giải thích:

- Tuần trước, ông cố vấn bên Tỉnh có đến đây lập danh sách các em lai Mỹ. Ông ấy bảo có thể có một chương trình đưa các em lai này về bên ấy nuôi nấng. Dầu sao, đấy là trách nhiệm của chính phủ Mỹ. Không thể để con của lính mình cầu bơ cầu bất được.

Nam hỏi:

- Ở dãy này, con thấy chỉ có các em trai trên sáu tuổi thôi. Bé như hai đứa này, phải ở bên kia chứ.

- Lúc mới vào, hai đứa này đau yếu luôn. Tôi thấy tội nghiệp quá, xin soeur Josse cho qua bên này tôi nuôi riêng. Tốn không biết bao nhiêu tiền thuốc, nhiều lúc phải đem đi bác sĩ tư nữa. Nuôi mạnh xong, tôi gửi trả lại bên đó, nhưng hai đứa nó khóc quá, không chịu. Cả tôi cũng quyến luyến không nỡ rời chúng. Đáng lý tôi được về Dòng ngoài đó từ kỳ hè, nhưng tôi đã xin ở lại đây.

Bấy giờ hai đứa trẻ đã thoát khỏi vòng tay Mẹ nhất, đang lại phía tủ kính cổ mở cửa để lấy đồ chơi. Mẹ nhất mắng không cho phá, rồi gọi thằng bé lớn lại hỏi:

- Duy, lớn con làm gì?

Giọng thằng bé đã sõi:

- Lớn con đi tu.

Mẹ nhất cười sung sướng, lấy khăn tay trong bọc áo thằng bé chùi mũi cho nó. Mẹ hỏi tiếp:

- Nhưng trước khi đi tu con làm gì?

- Con đi học i, a, o, e.

- Các cô này đến xin con, Mẹ đã cho con về với các cô. Chịu đi không?

Thằng bé mặt mày bần thần, nước mắt rơm rớm nơi hai khóe, trong khi thằng kia cười nụ hí hửng. Mẹ nhất cảm động ôm Duy hôn lấy hôn để, trấn an:

- Mẹ nói giỡn đó. Hai con ra ngoài chơi đi. Ngoan nào.

Thằng Duy vui mừng chạy ra khỏi phòng, như sợ hai cô khách lạ bắt lại. Mẹ nhất nhìn theo, nét mặt hiền hòa trìu mến. Mẹ quay lại phía khách, giọng nói hơi run run:

- Lúc nhỏ thì ngoan lắm. Nhưng lớn lên một chút, hoang không chịu được. Đánh lộn suốt ngày. Lại lười biếng không chịu đi học nữa.

- Các em ở đây học ngay trong Cô nhi viện, hay phải học ở ngoài, thưa Mẹ?

Mẹ nhất chưa kịp trả lời thì một người đàn bà mặc đồ tang bước vào. Mẹ nhất vội vàng bảo:

- À chị Trầm. Vô đây tôi nhờ một chút. Sao, chuyện đắp mộ đi đến đâu rồi?

Người đàn bà nét mặt bất động lầm lì, giọng nói khao khao buồn hiu:

- Dạ họ đòi nhiều quá. Đến 20.000.

Mẹ nhất an ủi:

- Thôi. Chị để tôi xoay cho. Hoặc xin ngoài Dòng hoặc xin đâu đó. Còn chị với hai đứa nhỏ thì dọn vào ở trong này luôn cho tiện. Chị dẫn hai chú nhỏ này ra tắm cho chúng nó bớt hôi một chút.

Rồi Mẹ nhất quay lại hỏi Nam và Quỳnh Như:

- Hai cô muốn đi xem chỗ nấu bếp và phòng ăn của các cháu không? Nam đáp:

- Thật làm phiền mẹ quá. Chúng con ở đây về chắc sẽ thấy đời đổi khác.

Mẹ nhất hiểu Nam muốn nói gì, nhưng vẫn mỉm cười hỏi:

- Khác như thế nào?

Nam đáp:

- Con cũng không hiểu rõ. Có thể chúng con sẽ thấy cuộc đời mình dù sao cũng còn may mắn hơn nhiều người. Và thấy còn có nhiều chuyện đáng làm, ngoài chuyện ngồi đó mà than vãn, ủ dột.

Quỳnh Như nhìn Nam, cảm động thấy người bạn lớn có ánh mắt sáng và một làn da hồng vì xúc động.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx